Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

SÔNG - Chim Cô Đơn

 












Sông xanh êm ả, lững lờ trôi
Quanh co uốn khúc tận chân trời
Trong veo màu nước, màu xinh xắn
Nhịp nhàng lãnh đạm chảy đơn côi.

Sông ấm sông êm, vụt trôi mau
Im lìm soi bóng một cây cầu
Ngập ngừng nhìn, mặt trời lấp ló
Rồi trôi đi, hương nước gợn màu.

Sông thâm trầm chảy khắp nhân gian
Thênh thang thờ thẫn chảy qua làng
Rợp trời cây lá che ánh nắng
Xanh rì màu cỏ, ở bên đàng.

Nhẹ rải phù sa khắp ruộng đồng
Mang đầy no ấm đến nhà nông
Tưới vun cho ngọn cây màu lúa
Rồi thẹn thùa, ùa chảy mênh mông.

Giọt nước trong, dịu mát ngọt ngào
Tiễn sông đi, cành lá lao xao
Bướm chim ríu rít chào tái ngộ
Sông mỉm cười, thong thả đi mau...

                                       CHIM CÔ ĐƠN
                                (Trần văn Nam - Rạch Giá)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 115, ra ngày 30-11-1973)




Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

LOẠN - Nguyễn Thái Hải

 

Loạn trong nhà bắt đầu phát khởi vào tối thứ bảy ấy, hôm anh Triều về. Buổi chiều, trong lúc Ngọc đang thổi cơm, con Bích con Giang đi học còn chưa về, tụi nhỏ gồm con Dung, thằng Phi, thằng Khôi, con Di đang chơi hình ngoài phòng khách, bé Văn ngủ khò ; chợt tiếng chuông điện vang mấy hồi thật dài. Có tiếng con Dung cằn nhằn:

- Ai mà réo chuông hoài vậy không biết?

Từ bếp, Ngọc nói vọng lên:

- Ra mở cửa xem ai đi Dung.

Con Dung còn căn dặn các tay đối thủ rồi mới chịu đi:

- Ê, đợi một chút nghe, đừng ăn gian tao nghe...

Xong, con bé chạy nhanh ra mở cửa. Và tiếng kêu to:

- Anh Triều về bây ơi!

Thế là ba đứa kia bỏ cả đống hình đang chơi dở, chạy ào ra. Đứa giành cầm xách tay của anh, đứa đỡ chiếc máy phản lực làm bằng kẹp đạn, con Di níu tay đòi anh bế. Anh Triều oang oang hỏi:

- Bố mẹ đâu rồi?

Con Di đáp, giọng ngọng:

- Bố mẹ ti "tà lạt" rồi...

- Vậy hả? Chừng nào mới về?

Con Dung:

- Chắc cuối tuần sau bố mẹ về, mà này anh ba ơi, sao kỳ này anh bận đồ vàng?

- Đồ xanh trả lại quân trường rồi còn đâu mà bận...

Thằng Khôi:

- Ngày mai anh ba có đi không?

- Không, anh về ở nhà luôn.

Vừa vặn tới bếp. Ngọc hỏi chuyện anh:

- Anh mãn khóa rồi sao?

- Ừ. Mới làm lễ sáng nay, đợi mãi mới có xe chở về. Con Bích, con Giang đi học hả?

- Dạ, chắc sắp về rồi.

- Còn chị Châu? Chiều thứ bảy cũng đi làm sao?

- Không, chị ấy đi chợ mua đồ thêm...

Anh Triều nghe nhắc đến đồ ăn thì khoái lắm, cười toe:

- Rồi, tao về thì tha hồ cho chị Châu tẩm bổ. Một tháng ăn cơm cá mối rồi chứ bộ.

Ngọc cười cười nghĩ đến những lời than của anh những lần về phép trước. Nào là: "Cơm cá mối ăn không được", nào: "Thịt bò gì mà dai như cao su ấy", nào "Canh thịt heo sao toàn mỡ nổi lều bều". Nghe anh than, một lần, chị Châu hứa: "Hồi mày về, tao lấy ít tiền lương tẩm bổ cho". Anh cười thích chí, vòng tay cúi đầu điệu bộ khôi hài: "Thưa chị hai, xin chị hai nhớ lời cho ạ". Cả nhà cùng phải bật cười. Chị Châu: "Vâng thì nhớ lời, chỉ sợ mày ăn không hết thôi". Anh ưỡn ngực ra dáng: "Nam thực như hổ mà chị!".

Và tối hôm ấy, ông hổ ăn thật gớm. Nào bún chả, nào cơm súp lơ xào, bò nhúng dấm, trứng chiên thịt... Bọn thằng Phi, thằng Khôi cũng không kém anh, ăn như bị bỏ đói cả tuần rồi. Bố mẹ Ngọc sinh con trai sao cứ nhè cầm tinh mấy trự tham ăn. Anh Triều tuổi cọp, thằng Phi tuổi Hợi, thằng Khôi tuổi Sửu. Chỉ có bé Văn là không cầm tinh con vật ăn nhiều nhưng lại cầm tinh con vật mà đáng lẽ con trai không nên có: tuổi Mùi!

Cơm nước xong xuôi, chẳng ai đòi mở ti vi xem cả, lại không có việc gì làm nữa, tối thứ bảy mà lỵ. Tất cả cùng đòi anh Triều kể chuyện một tháng quân trường. Anh chưa chịu rời bỏ bộ ka ki, để nguyên quần áo lúc về ngồi kể chuyện.

Mới có một tháng học quân sự ở Quang Trung mà xem anh đổi khác khá nhiều. Làn da hết còn thư sinh trắng trẻo nữa, mà đang có nhiều triển vọng thay thế anh bảy Hynos. Ăn nói thì mạnh bạo hơn trước nhiều. Đi đứng cũng ghê gớm, khệnh khạng ra vẻ oai vệ lắm. Con Di nằm gối lên đùi anh nghe chuyện, thỉnh thoảng sờ cằm anh, kêu lên: "Râu anh ba cứng quá".

Chị Châu, Ngọc, con Bích, con Giang, con Dung ngồi vây thành một vòng tròn bao lấy thằng Khôi, thằng Phi, bé Văn nằm khoèo ở giữa. Lâu lâu tất cả cùng cười ồ lên vì một câu khôi hài của anh Triều. Đến lúc anh Triều kể chuyện bắn thì mầm nổi loạn nhú ra:

- Khẩu súng thì nặng mà tay tao thì yếu, tao lại sợ tiếng nổ nữa. Thành ra ở cả tám thềm bắn, thềm nào tao cũng chỉ đưa lên nhắm rồi nhắm mắt lại, bóp cò. Bao giờ nghe nổ đùng một cái thì mở mắt ra, cũng vừa vặn hết giờ, họ hạ bia.

Thằng Phi hỏi:

- Thế anh ba có bắn trúng không?

- Sao lại không. Hồi hỏi ra thì biết vừa trúng bốn viên, đủ đậu.

Thằng Khôi khen:

- Anh Ba hay quá!

Anh Triều vênh mặt, ngâm nga:

- Hay chứ sao không... Không hay sao lại... đỗ ngay... ư... tú... ừ... tài...

Thằng Khôi ước:

- Phải chi em được bắn súng thì sướng ghê.

Anh Triều:

- Muốn bắn súng hả, mày còn bé quá ai cho bắn... Thôi để tí nữa tao bày trò đánh nhau cho chơi, vui lắm. Tao dạy cho cách thủ thế bắn, cách tấn công... đủ hết...

Thằng Phi:

- Cho em chơi nữa nghe anh Ba!

Cả đến con Dung cũng đòi:

- Em chơi được không cơ?

Anh Triều cười cười:

- Đứa nào cũng được.

Con Di:

- Em cũng "tược" hả anh ba?

Bé Văn còn chưa nói sõi, thấy anh chị nhao nhao, cũng bi bô đòi theo:

- Ti... ti...

Rồi loạn bắt đầu với cuộc thực tập cách thủ thế tác xạ mà các khóa sinh là con Dung, thằng Phi, thằng Khôi, con Di, bé Văn. Huấn luyện viên là anh Triều, người vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện quân sự học đường một tháng! Khiếp chưa? Những tiếng hô muốn điếc cả tai:

- Thế bắn nằm thủ thế!

- Một viên nạp đạn... Mở khóa an toàn... Chuẩn bị...

- Bắn!

Những tiếng cắc bùm, đì đùng từ năm cái miệng phát ra lộn xộn. Năm khẩu súng bằng que củi, thước kẻ gỗ, thước kẻ nhựa vờ giật ra phía sau như súng thật khi vừa bắn xong. Lệnh lại truyền ra:

- Tất cả tập lại... Thôi bắn!

- Thôi bắn!

- Thôi bắn!

- Mở cơ bẩm, khóa an toàn, xạ thủ cầm súng đứng lên.

Năm xạ thủ tí hon cầm súng... que củi, thước kẻ đứng lên nhe răng cười khoái chí. Huấn luyện viên thì gật gù:

- Khá lắm khá lắm.

Chị Châu, Ngọc, con Bích, con Giang làm khán giả ôm bụng cười ngặt nghẽo. Chị Châu phê bình:

- Gớm, chúng mày làm cứ như thật vậy thôi. Làm tiếp nữa đi xem nào...

Huấn luyện viên Triều được lệnh thì đưa tay lên chào cái cụp, miệng nói: "Tuân lệnh". Xong, quay ra nói với năm xạ thủ:

- Bây giờ tới thế bắn quỳ có tì thủ thế. Lập lại xem nào, thế bắn quỳ có tì thủ thế...

Năm cái miệng lại nhao nhao nhắc theo. Bé Văn vẫn những tiếng không đổi: Ti... ti...

Đúng là loạn đã đến trong gia đình rồi. Lúc nào anh Triều và năm khóa sinh của anh ấy cũng nói chuyện nhà binh. Từ việc đi, việc đứng, việc ăn, việc uống, thậm chí cả đến lúc đi ngủ nữa. Từ hai tiếng "Thôi bắn" ở xạ trường, anh Triều chế ra đủ thứ "thôi".

Đang ăn, anh hô "Thôi ăn", thế là cả bọn buông đũa bát xuống, miệng hô theo "thôi ăn", sau đó nhìn nhau cười ngặt nghẽo và lại tiếp tục... ăn. Đang tắm cũng "thôi tắm". Cho đến Ngọc còn bị trêu. Mỗi chiều, Ngọc phải giặt cả chậu quần áo tướng, mỏi tay muốn chết luôn, ấy vậy mà lâu lâu lại bị gọi giật ngược: "Chị Ngọc ơi", quay lại chưa kịp nói hay hỏi gì đã phải nghe "lệnh truyền": "Thôi... giặt". Xem có bực mình không?

Hồi trước, cứ khi đi học về là bọn con Dung, thằng Phi, thằng Khôi khoanh tay thưa: "Thưa ba, thưa má, thưa chị hai, anh ba, chị tư, chị năm, em đi học... dìa" nghe ngoan đáo để. Mấy ngày này thì không thế, chúng đổi cách ăn nói. Mới về đến cửa, ba đứa quẳng ngay cặp vào bàn rồi đứng nghiêm, đưa tay lên chào:

- Học sinh (Dung hay Phi, hay Khôi), trình diện chị hai, anh ba, chị tư, chị năm.

Chị Châu bực mình quá, một lần kêu anh Triều lại la:

- Này, chấm dứt cái vụ lính với tráng của tụi nhỏ đi nghe, tao bực mình lắm rồi đó.

Anh Triều cãi:

- Làm sao chấm dứt được bây giờ. Tụi nó đâu nghe. Với lại... cho tụi nó tập lính cho quen...

- Tập lính gì con Dung, con Di?

- Bộ không có nữ quân nhân sao mà chị la? Hôm nọ em hỏi, hai đứa nó cùng bảo sau này lớn lên sẽ đi nữ quân nhân ráo đó.

Chị Châu đành chịu ông em quỷ sứ, dọa:

- Bố mẹ về tao mách thì đừng trách.

Anh Triều tỉnh bơ:

- Bấy giờ hẵng hay. Mà biết đâu chừng bố lại tán thành. Nhà binh dễ điều khiển hơn...

Chị Châu thở dài đầu hàng. Vì anh Triều nói cũng có lý một chút. Từ ngày vào "nếp nhà binh", bọn con Dung trở xuống dễ sai hơn trước nhiều. Con Dung không còn cằn nhằn khi bị sai múc nước lau nhà nữa, chỉ cần ra lệnh: "Khóa sinh Dung, đi múc nước lau nhà, xong xuôi, lên trình diện anh ba" Thế là con bé hăng hái thi hành "nghĩa vụ" sau cái chào quân sự tếu không cịu được.

Cho đến thằng Phi nổi tiếng là lười biếng nhất cũng đâm ra chăm chỉ mới chết. Trước kia có nhờ nó đi mua hộ cái kim hay mấy cái nút áo ở tiệm tạp hóa cách nhà chỉ chừng hơn chục thước cũng phải mỏi miệng. Mà nó đi rồi, phải cỡ mười lăm phút mới trở về. Giờ chỉ việc nhờ anh Triều: "Khóa sinh Phi, lấy mười đồng đi mua hộ chị tư ít nút áo vàng. Kỳ hạn năm phút phải về trình diện anh ba". Không đầy năm phút, việc đã xong xuôi.

Nỗi bực mình chỉ đến vào buổi tối, sau khi tất cả cùng học bài, soạn bài đến chín giờ. Như trước kia, sau đó cả nhà xúm lại xem ti vi hay xem báo, kể chuyện , khoảng mười rưỡi đi ngủ. Nay, cứ đồng hồ reo chín tiếng là... nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường hoặc... đường trường xa, con chó nó tha con mèo... Loạn cả lên.

Tiếng anh Triều:

- Hôm này con Dung làm tiểu đội trưởng nghe. Nào, báo cáo trung đội trưởng xem nào.

Con Dung hô thuộc lòng:

- Tiểu đội nghe lệnh tôi. Nghiêm. Thao diễn nghỉ. Nghiêm. Tiểu đội một báo cáo: quân số năm hiện diện bốn, một bận rửa tay dưới bếp. Hết.

Chị Châu ngồi đọc báo, kêu ầm lên:

- Thôi thôi, xin các ông các bà...

Con Di quay lại cải chính:

- Tụi em là "quá tinh" mà chị hai.

Ngọc kéo con Di dỗ nó:

- Di đừng chơi với anh Triều nữa, chơi với chị, chị cho ăn bánh.

Con Di:

- Bánh đâu ngon bằng "tí muội" của anh ba...

Chị cũng có xí muội, Di chơi với chị không?

- Không. Chị tư không biết chơi bắn "túng".

- Con gái đừng thèm chơi bắn súng, ghê lắm Di ơi.

- Đâu có "tao", bắn "túng" bằng miệng mà.

Trước sau, con bé vẫn vững như đồng, trơ như đá. Chị Châu, Ngọc, con Bích, con Giang đành chịu bất lực chỉ còn trông cậy vào bố mẹ. Tất cả cùng cầu bố mẹ chúng về may ra mới dẹp loạn được.

Mãi sáng chủ nhật tuần sau bố mẹ mới về. Lúc ấy, anh Triều đang tắm cho bé Văn. Thằng bé sợ nước ghê gớm mà mấy hôm nay lại "yêu nước" khỏi chê. Anh Triều ra lệnh:

- Bé Văn đứng nghiêm xem nào.

Bé Văn chưa nói được nhưng nghe hiểu hết, đứng yên nhắm mắt. Anh Triều múc một gáo nước dội ào vào em. Bé Văn cười lên khanh khách.

Ngọc đang rọc tờ tuần báo thì nghe con Dung kêu:

- Bố mẹ về.

Ngọc mừng quá, chạy nhanh ra ngoài phòng khách. Anh Triều cũng tắm vội cho bé Văn. Lúc anh và Văn lên nhà trên thì Ngọc và con Bích, con Giang đang kể lể nỗi khổ tâm bấy lâu nay:

- Con muốn yên một tí để nghĩ luận mà cũng không được, anh với tụi nó cứ tiểu đội, đứng... lên, tiểu đội, ngồi... xuống.

- Con đọc một truyện ngắn có ba trang báo mà phải ngắt bốn năm lần vì những tiếng nào thôi bắn, nào trình diện, nào báo cáo...

- Con bị phá hoài mẹ ơi, đang chẻ rau thì bị gọi giật lại. Tưởng gì, chỉ nghe được hai tiếng "thôi... chẻ".

Mẹ ôm con Giang hỏi:

- Chị hai đâu rồi?

- Dạ, chị hai đi chợ.

Bố thì kêu to:

- Thằng Triều đâu, ra bố bảo.

Anh Triều phú lỉnh từ nãy giờ khi bị tố, từ trong nhà dạ to một tiếng rồi rủ "đồng bọn" cùng tiến ra. Chỉ thiếu con Dung ở sẵn ngoài này. Bé Văn đứng đầu hàng, kế là con Di, thằng Khôi, thằng Phi, anh Triều hô:

- Tiểu đội, nghiêm. Thao diễn nghỉ. Nghiêm. Tiểu đội trưởng tiểu đội một trình diện bố mẹ.

Mẹ phì cười, chạy lại nắm áo anh, đập khẽ và bảo:

- Gớm ghiếc, nhà binh với nhà biếc, hết phá các em rồi phá tới chúng  tao hả? Xem này, đen như củ súng ấy.

Anh Triều đưa tay gãi đầu cười cười hỏi:

- Có quà gì không mẹ?

- Mày... Tao không quên đâu mà nhắc...

Bố mắng:

- Cái thằng chỉ ham ăn. Nghe tao hỏi đây đã. Mấy đứa bé bảo trong lúc tao với mẹ mày vắng nhà, mày làm lộng lắm phải không?

- Đâu có, tụi con tập lính mà.

Chị Châu vừa đi chợ về, buông giỏ đồ ăn chạy lại ôm mẹ rối rít hỏi han. Lúc nhìn sang anh Triều, chị liền tố liền:

- Bố mẹ xem đấy, con năn nỉ nó mãi cũng không được. Suốt ngày cứ một hai ba bốn, đều bước, quay phải, quay trái, tối đến trình diện, thế bắn nằm thủ thế... Nhức cả đầu... Nhở bố mẹ trị nó cho...

Bố nhìn anh Triều:

- Được rồi để tao trị. Muốn nhà binh thì tao cho nhà binh.

Anh Triều lại gãi đầu, hỏi bố:

- Gì thế bố?

Bố không đáp, sửa thế, gằn từng tiếng:

- Lại đây. Triều, trình diện bố xem.

Anh Triều ưỡn ngực đứng nghiêm đưa tay chào, nói một hơi:

- Khóa sinh Trần Hải Triều trình diện bố.

Bố quắc mắt:

- Quân đội không có bố với con, trình diện lại.

- Khóa sinh Trần Hải Triều, trình diện Thượng sĩ.

Bố cười, gật gù:

- Tạm được. Đáng lã phải nói là trình diện cựu thượng sĩ mới đúng. Nhưng thôi, thao diễn nghỉ.

Anh Triều dang chân, chắp hai tay sau lưng đứng nghỉ. Miệng anh cười cười. Mọi người cũng đứng ngẩn chưa biết bố định bày trò gì nhưng dường như ai cũng nghĩ mình sắp sửa được một trận cười no nê. Quả nhiên, bố ra lệnh:

- Mày... à quên... anh có biết là anh có tội không, anh can tội phá rối đồng bào. Tôi phạt anh mười cái hít đất.

Miệng anh Triều há hốc:

- Bố nói đùa hay thật đấy?

Bố nghiêm mặt:

- Quân đội không có đùa. A lê thi hành.

Thế là anh Triều phải xoài mình làm mười cái hít đất. Vừa xong thì mặt cũng đỏ ửng. Nhất là hai cái tai.

Bố nói thao thao:

- Cho đáng đời nhé, ai bảo muốn làm nhà binh, phá rối chị em. Tao bảo cho biết, từ nay trở đi mà còn thế nữa, đừng nói mười cái hít đất, tao tăng gấp năm.

Xong, bố quay sang đám con gái hỏi:

- Thế nào, vừa lòng chưa?

Ai cũng cười hả hê. Lúc đó anh Triều đang ngồi thở, bế con Di lên nói:

- Ngày mai đi ăn kem thì đừng hòng người ta rủ đi nữa.

Con Di hỏi:

- Em có được "ti" không cơ?

- Sao lại không, Tiểu đội mình đi ăn kem thôi.

Mẹ nguýt anh một cái, bảo:

- Thế mà vẫn chưa chừa, vẫn còn tiểu đội với đại đội.


NGUYỄN THÁI HẢI     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 118, ra ngày 15-11-1969)



Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

NHỊP VÕNG ĐƯA - Thơ Thơ

 












Chiều nay thương về quê cũ
Mái tranh nghèo vẫn nở hoa
Bóng ngoại lần ra đầu ngõ
Tìm con dưới ánh nắng tà...

Sinh ra mồ côi cha mẹ
Ngoại nuôi từ thuở lọt lòng
Con lớn theo từng nhịp võng
Giữa vườn quê ngoại mênh mông

Quê nghèo vồng khoai giàn bí
Nuôi con ngoại chạy chợ xa
Gạo thơm ngày con khát sữa
Vòng quay chiếc thổ mộ già

Gió đêm lùa qua tấm liếp
Vòng tay ôm gọi, Mẹ ơi!
Ngoại cười nhưng sao mắt ướt:
Cún con lại nịnh ngoại rồi!

Lục bình trôi theo nước lớn
Tím màu hoa thắm đơn sơ
Mái tranh ủ tình quê ngoại
Mồ côi, con chẳng bơ vơ

Đường làng tung tăng sóng bước
Bạn nghèo áo cũ sờn vai
Hái cành hoa xinh đến lớp
Khoai lùi, bắp luộc chia hai

Chiều nay mây buồn viễn xứ
Nhớ màu tóc bạc như sương
Ầu ơ ngoại ru con ngủ
Võng đưa kẽo kẹt canh trường...

                                        Thơ Thơ
                            (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

LÃO DAO SẮC - Lê Tất Điều

 
Nhà văn Lê Tất Điều

 Dù không có tiếng chuông đồng hồ báo thức, sáng hôm sau, chú bé vẫn dậy sớm do thói quen. Đúng ngày chủ nhật, chú nghĩ tới đám đồ chơi ngay khi vừa bừng tỉnh. Nhờ vậy chị Bóng bay đã được cứu. Bác Đồng hồ cũng được đưa đi bệnh viện. Trước khi lên đường, bác vui vẻ chào tất cả và hứa hẹn sẽ tái ngộ trong một ngày rất gần, khi bác hoàn toàn bình phục.

Bác Đồng hồ không còn giận bất cứ vật nào, kể cả chú con Quay. Bác hy vọng trong tương lai có thể đếm thời gian một cách chính xác hơn nữa.

Chị Bóng bay tròn trịa, da dẻ trong veo, chị được buộc bằng một sợi chỉ trắng rất chắc. Sinh lực của chị không thoát ra ngoài một cách phí phạm như trước. Ông Cung tin chắc rằng ít nhất chị có thể khỏe mạnh một tuần liền.

Lão Dao sắc được chú bé đem từ nhà bếp lên để cắt sợi chỉ buộc chị Bóng bay, bị chú bé quăng trong gầm tủ.

Lão Dao có cái mũi nhọn hoắt và cái lưỡi sáng loáng, mỏng tanh. Lão chỉ chạm nhẹ vào chân mà ông Tủ bị thương ngay. Tủ giận, lão Dao xin lỗi rối rít. Nhưng chỉ một lát sau, lão nói nhỏ với bác Đinh già nằm cạnh:

- Gớm, thân thể họ mềm quá sức. Mới chạm một chút xíu mà đã kêu la ầm ĩ.

Giọng nói của lão Dao đầy vẻ ngạo mạn khinh thị.

Bác Đinh già nói:

- Họ bằng gỗ mà, làm sao so bì được với chúng ta.

Bác Đinh già cũng hơi kiêu hãnh vì chất thép của mình. Đã lâu lắm bác không được nghe ai nhắc nhở tới nguồn gốc cứng chắc ấy.

Cảm thấy thương mến bạn mới, bác Đinh già nói:

- Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận. Chúng ta dễ bị bệnh sốt vàng da, nhất là khi ở lâu trong cái gầm tủ ẩm ướt này. Trước kia tôi còn sáng sửa hơn bạn nữa, nhưng vì chẳng hoạt động gì…

Lão Dao có vẻ không chú ý tới lời báo động của bác Đinh già. Trên thân thể lão không hề có một dấu vết nhỏ của cái bệnh quái ác mà bác Đinh sợ. Những nơi không sáng loáng, da lão đen như mun.

Bác Đinh thao thao kể lại những cuộc phiêu lưu của mình. Lão Dao im lặng, nhưng khó mà biết lão có chú ý nghe hay không. Khi bác Đinh hỏi về cuộc đời lão Dao, lão chỉ đáp ỡm ờ, nhát gừng. Bé Đinh ốc ham nghe chuyện phiêu lưu rất chú ý vào những câu nói của Dao, nhưng cũng chẳng biết gì hơn rằng lão Dao là một trong những con dao rất sắc bén và ham hoạt động.

Sau đó, suốt một ngày liền, lão Dao giữ im lặng. Đến nỗi bác Đinh già nói với chú Quay sừng:

- Đây là một vật hết sức hiền từ.

Đêm hôm sau, lão Dao bỗng tỉnh táo như vừa ngủ một giấc dài thức dậy. Lão hỏi bác Đinh già:

- Trong phòng này có bao nhiêu vật gốc bằng thép, cứng cáp như tôi với bác?

Bác Đinh đáp:

- Không nhiều lắm. Ngoài tôi ra có chiếc xe hỏa, bé Đinh ốc, chân của chú Quay sừng. Bác Đồng hồ thì đi nằm nhà thương rồi….

Bác Đinh chưa kể hết, lão Dao đã rời gầm tủ, tiến ra giữa nhà. Dao xoay một vòng. Ánh nến phản chiếu trên thân lão lấp lánh. Bốn phía tường như vừa có những làn chớp nhỏ xẹt qua. Vùng không khí quanh lão Dao bỗng lạnh ngắt.

Hai cô Nến hồng đang chập chờn kinh ngạc. Dao đã tới bên các cô, nói bằng một giọng vô cùng êm ái:

- Tôi giúp các chị tách làm hai nhé?

Nến hồng ngơ ngác không hiểu. Lão tiếp:

- Một nến sẽ thành hai nến. Mỗi chị Nến hồng sẽ có hai ngọn lửa, họ nhà nến sẽ đông gấp đôi.

Giọng nói của lão Dao vừa dịu dàng, vừa chân thành. Một cô Nến hồng hỏi lại:

- Ông làm vậy được sao?

- Nghề của tôi mà.

Nói dứt câu, Dao lao tới, soạt một cái, lão cắt đôi cô Nến hồng. Nửa thân nến trên rớt xuống lảo đảo mãi mới đứng vững được. Lão Dao nói thật to:

- Xong rồi đó, thật dễ dàng, giản dị biết bao. Hãy sáng lên chứ, hãy tiếp lửa cho bạn nến mới của chúng ta.

Quả nhiên cô Nến hồng vừa bị Dao cắt sáng gấp đôi. Cô có tới hai ngọn lửa. Vật nào cũng có cảm tưởng là cô đang kiêu hãnh vì sự tiến bộ bất ngờ này.

Cô Nến hồng thứ hai náo nức:

- Trời ơi! Sao ông Dao tài quá vậy?

Cô ta vừa nói dứt câu, lão Dao đã xẹt tới. Tức thì cô này cũng có hai ngọn lửa sáng rực rỡ.

Lão Dao xoay một vòng. những làn chớp xẹt quanh bốn phía, tường trắng hơn, không khí quanh Dao lạnh hơn.

Dao nói to, giọng vẫn vui tươi êm đềm:

- Tôi sẵn sàng giúp đỡ tất cả nhà họ nến tách làm hai. Tôi phục vụ miễn phí, cam đoan không đòi hỏi điều gì.

Trước hai cô Nến hồng bây giờ đã hóa bốn sáng rực rỡ với bốn ngọn lửa, họ hàng nhà nến đều cảm thấy sung sướng như được dự một ngày hội bất ngờ. Từ những chàng Nến trắng cao lớn nhất tới những mẩu nến nhỏ nằm trong lòng anh đèn Ông sao đều đến trước lão Dao, xếp hàng rất trật tự và chờ đợi.

Trong khoảng khắc lão Dao đã làm cho tất cả họ nhà Nến hài lòng. Thế là căn phòng này đột nhiên có một số nến đông đảo lạ thường. Mỗi ngọn nến vừa tách ra làm đôi đều thắp lên hai ngọn lửa để tự thưởng thức sự rực rỡ của mình.

Căn phòng có tới sáu mươi ngọn lửa. Chưa có ngày lễ nào cần tới một số ánh sáng đông đảo đến như vậy.

Lão Dao xoay mình tới ba vòng. Lần này những tia chớp lão phản chiếu trên bốn phía tường có lẫn cả màu xanh biếc.

Họ hàng nhà nến đồng thanh:

- Xin cám ơn Dao đã đem thêm nhiều ánh sáng lại cho chúng tôi.

Hầu hết các vật trong phòng đều sững sờ kinh ngạc về sự tài tình của lão Dao. Lưỡi Dao sáng loáng biến thành một cái gì thật lôi cuốn.

Bông Hoa cung kính nói:

- Tôi cũng muốn biến thành hai bông Hoa.

Anh Diều giấy mới nằm không yên trong gầm tủ:

- Có thêm một cánh diều để cùng bay lượn bên nhau mỗi buổi chiều thì thật là tuyệt. Ông Dao giúp tôi với.

Bác Ô đen, anh Ghế, đoàn xe bằng nhựa, Bình mực thủy tinh, chị Vở quăn góc v.v… tất cả đều nhao nhao:

- Ông Dao nhớ giúp chúng tôi. Đừng có quên tách dùm bọn này ra làm hai đấy nhé.

Chỉ có một mình ông Bàn càu nhàu:

- Tôi cũng khoái tách làm hai. Có thêm một tên Bàn nữa chứa bớt mấy vật lẩm cẩm tôi cũng đỡ khổ. Nhưng tôi không khoái họ nhà Dao. Chúng nó chém vào mặt tôi nhiều lần rồi. Tôi không tin đó là những vật tốt bụng.

Chú Ngăn kéo nghe thấy vậy cũng cảm thấy yên tâm. Nếu phòng này có thêm một ông Bàn nữa thì cả ngày chú sẽ nghe những lời càu nhàu, đâu có vui thú gì.

Trước những lời khẩn cầu của mọi vật, lão Dao bỗng đổi thái độ. Lúc nãy lão vồn vã sốt sắng với họ nhà nến, bây giờ lão chậm chạp, bình thản. Dao tới gần bông hoa, nhưng trong lúc mọi vật chờ đợi một cách nóng nẩy và Hoa hân hoan tưởng mình sắp được Dao tách làm hai, thì Dao quay đi, tiến đến bên anh Diều giấy. Bác Ô đen nói nhỏ:

- Giúp anh Diều giấy xong, bác phải lo cho tôi.

Nhưng Dao lại đột nhiên không chú ý tới Ô đen và Diều giấy, lão xoay qua đoàn xe bằng nhựa.

Đoàn xe nhựa vội vã xếp hàng, cãi nhau chí chóe:

- Tao đứng số một.

- Làm gì mà chen lấn dữ vậy?

- Đừng có tranh nhau, tùy ông Dao muốn giúp vật nào trước thì giúp.

Dao lại quay đi, lão làm như cảm thấy thất vọng vì sự lộn xộn, vô trật tự của lũ xe hơi nhựa.

Đột nhiên Dao đứng khựng lại, xoay một vòng sáng lấp lánh và nói với ông Cung:

- Ông Cung là một trong những vật quí phái, già lão nhất phòng này. Tôi xin gắng sức giúp ông trước.

Ông Cung đáp một cách dè dặt:.

- Xin cảm tạ hảo ý của ông. Tuy nhiên tôi chưa tin rằng việc làm của ông ích lợi và cần thiết. Ông cho phép tôi suy nghĩ, tôi đang chờ ý kiến của cụ Sách.

Lão Dao hơi khựng một chút. Nhưng rồi lão quay đi, nói với mọi vật bằng giọng đầm ấm, vui tươi:

- Xin lỗi quí vị nhé. Tôi biết quí vị đang nóng lòng chờ đợi. Tôi càng chậm trễ thì quí vị càng thiệt thòi, càng chậm được hưởng những phút giây hạnh phúc của một cuộc đời mới. Những tháng ngày trước đây, dù hăng say phục vụ tôi vẫn bị nhiều vật oán giận vì đã chậm tách họ làm đôi. Nhưng xin quí vị thông cảm cho trong phòng này cụ Sách, ông Cung là những vật trưởng thượng chúng ta phải kính trọng. Tôi không dám quên lễ nghĩa, tôi cam đoan quí vị không phải chờ lâu.

Chú Quay sừng càu nhàu nho nhỏ:

- Đã thế còn đọc diễn văn dài dòng nữa, sốt cả ruột.

Hình như lão Dao có nghe tiếng Quay sừng, nhưng lão vẫn bình thản.

- Thế nào các chị Nến hồng? Các chị hết vui rồi hay sao mà những ngọn nến bớt sáng như vậy?

Thực ra sáu chục ngọn nến vẫn sáng rực rỡ, căn phòng chưa có đêm nào sáng đến thế. Nhưng nghe lời lão Dao, họ hàng nhà nến vội vàng đốt lửa lớn thêm và reo:

- Chúng tôi vui vô cùng. Cám ơn ông Dao nhiều lắm.

Bây giờ lão Dao mới tới bên cụ Sách:

- Thưa cụ, tôi hiểu rằng cụ cần được tách làm đôi nhanh hơn tất cả mọi vật trong phòng này.

Cụ Sách lưỡng lự:

- Có lẽ ông lầm rồi.

Giọng lão Dao trầm xuống:

- Cụ thật là một vật can đảm và giầu tinh thần hy sinh mà tôi chưa từng gặp. Cái gáy cụ bị rách nát.

- Bị chuột cắn đấy. Cậu bé bỏ quên tôi dưới gầm tủ thành ra tôi gặp nạn. Nhưng cũng chẳng sao. Những cuốn sách về già thế nào cũng mắc cái bệnh rách gáy, như loài dao sốt vàng da và loài người thì bạc đầu.

Lão Dao ngậm ngùi:

- Tội nghiệp cụ quá. Vậy mà cụ còn phải chứa một số trang sách quá đông đảo, chắc cũng có tới bốn trăm trang?

- Bốn trăm hai mươi trang tất cả.

- Quá sức tưởng tượng? Với một cái gáy bị chuột gặm nát ra như thế kia làm sao mà cụ giữ cho những trang sách khỏi đi lang thang rồi thất lạc luôn?

- Dạ, thưa một cuốn sách tự trọng thì bao giờ cũng phải giữ gìn đủ từ trang đầu tới trang cuối và cũng phải bắt các trang đứng theo thứ tự trước sau đàng hoàng, không có lộn xộn được. Tôi đã dạy dỗ các trang sách rất kỹ điều đó nên không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra.

- Cụ có bao nhiêu chương tất cả nhỉ?

- Dạ, hai chục chương tất cả.

Lão Dao xuýt xoa như cảm phục lắm:

- Thưa cụ, thế thì chúng tôi lại xin phép tỏ sự cảm thông sâu xa với nỗi khó khăn của cụ. Chắc chắn mười chương đầu với mười chương cuối không ưa nhau. Chúng chia phe cãi lộn suốt ngày…

Cụ Sách kinh ngạc:

- Ủa! Sao ông biết chuyện đó?

- Tuy là dao lớn nhưng không bao giờ tôi từ nan những công tác nhỏ. Vì vậy thỉnh thoảng tôi được dùng vào việc rọc sách, cuốn nào cũng có cái nạn chương nọ gây chuyện cãi lộn với chương kia.

Cụ Sách thì thầm:

- Chuyện lộn xộn xảy ra trong lòng mình, tôi vẫn phải giấu mọi vật trong phòng, sợ họ cười. Quả thực, chưa khi nào những chương sách của tôi chịu sống hòa thuận với nhau. Chúng chia làm hai phe, phe thứ nhất do chương thứ mười cầm đầu. Chương thứ mười một lãnh đạo phe còn lại gồm trọn nửa phần cuốn sách. Chương mười và chương mười một ở sát cạnh nhau nên luôn luôn có chuyện xích mích.

Cụ Sách chưa nói hết lời, bỗng một chương sách lên tiếng:

- Lỗi tại chúng nó cả. Luôn luôn chúng kể công rằng nhờ có bọn chúng mở đường người ta mới biết tới chúng tôi. Nếu không những chương về sau là đồ bỏ.

Đó là lập trường của chương thứ mười một.

Chương thứ mười phản công ngay:

- Láo khoét! Thưa ông Dao, chưa có vật nào hợm hĩnh kiêu căng như bọn chúng nó. Chúng chê bọn tôi, những chương sách đầu, là quê mùa thô kệch dốt nát. Chỉ có những chúng mới thực sự là bọn thông thái và bao nhiêu cái hay chúng nắm giữ cả. Thật là một bọn vô ơn.

Những chương sách sau chương thứ mười một nhao nhao lên:

- Đừng có hỗn.

- Tài cán chẳng được bao nhiêu, mà lại ưa kể công.

- Chương giỏi nhất của bọn bay còn thua chương hạng bét của chúng tao.

Mười chương sách kia đâu có chịu nhịn. Chúng chửi lại địch thủ là bọn mất gốc, vô ơn bạc nghĩa…

Cụ Sách hét lên nhiều lần, bắt hai phe im tiếng. Nhưng các chương sách cứ vừa phân trần với lão Dao vừa sỉ nhục, chọc tức nhau. Cụ Sách cũng kinh hoàng vì chưa bao giờ thấy chúng cãi lộn nhau dữ dội đến như thế. Chúng moi móc cả những lỗi in sai của nhau ra để giễu cợt, phỉ báng. Chương thứ mười bảo rằng chương thứ mười một đã được tác giả viết trong một cơn say bí tỉ. Còn chương mười một thì chê lại rằng chương mười ra đời trong lúc tác giả đang mắc bệnh khùng. Cả đến chương cuối, một chương thông thái nhất, cũng bị chửi là đồ không có hậu.

Cuối cùng, chương thứ mười hét lên:

- Tôi không thể nào sống chung với bọn kiêu căng vô lối được.

Chương thứ mười một quay ra nói với lão Dao:

- Xin ông giúp cho, tôi không còn muốn thấy mặt bọn dốt nát hỗn hào.

Cụ Sách hình như không có ý kiến nào sáng suốt nữa. Cụ mệt nhoài và gáy nứt ra thêm một đường dài.

Lão Dao nói to:

- Thể theo lời khẩn khoản yêu cầu của các chương sách cùng sự đồng ý của cụ Sách, tôi tách cụ Sách ra hai phía.

Dao xẹt tới một đường và hai nửa cuốn sách văng ra hai phía.

Cụ Sách, vật khôn ngoan cao quí nhất trong phòng đã tách làm đôi. Bấy giờ lão Dao mới bình tĩnh trở lại với mọi vật khác. Các vật náo nức xôn xao. Chúng không còn giữ trật tự nữa, chúng vây quanh lão Dao, tranh nhau xin lão giúp đỡ trước.

Lão Dao cắt bác Ô đen ra làm hai. Chỉ có phần vải và các nan thép được chia đồng đều cho hai phía. Cán ô bằng thép lão Dao không chạm tới. Chúng ta không có hai cái Ô mà chỉ có một chiếc ô rách tả tơi cùng những mảnh vải vô dụng.

Vĩnh biệt bác Ô đen!

Anh Diều giấy được cắt làm đôi trong chớp mắt. Những nan tre bung ra. Chỉ còn chiếc đuôi nguyên vẹn. Không bao giờ có những mảnh tre gẫy bay lộn nhẹ nhàng trên trời.

Vĩnh biệt anh Diều giấy!

Lão Dao cắt đôi bông Hoa một cách thận trọng tỉ mỉ hơn. Cả cái cuống cũng được chẻ làm đôi rất đều đặn. Nhưng ngay sau đó Hoa tàn héo, gục đầu xuống miệng bình, các cành đều rũ liệt.

Vĩnh biệt bông Hoa!

Lão cắt đôi những chiếc xe hơi tí hon bằng nhựa. Mỗi chiếc xe được chia làm hai phần, mỗi phần chỉ có hai bánh. Như thế tất nhiên chẳng khi nào chúng có thể chở niềm vui chạy quanh nhà như trước. Bây giờ chúng đứng cũng không vững.

Vĩnh biệt những chiếc xe hơi nhựa!

Bình mực bị cắt không chia làm hai mà bị vỡ thành trăm mảnh. Niềm an ủi cuối cùng của vật mơ mộng và đãng trí này là cả trăm mảnh đều lấp lánh phản chiếu ánh nến sáng ngời.

Vĩnh biệt chị Hằng nhỏ bé xa vời vẫn lướt mây trong lòng bình mực!

Lão Dao lầm lì tiếp tục cắt, càng làm việc lưỡi dao càng sáng quắc.

Ông Bàn là vật lên tiếng báo động đầu tiên. Lúc đó bình minh đã sắp tới. Ông hét:

- Nguy rồi. Hoa không ngủ, cô ấy đã héo đi.

Cùng lúc đó sau mươi ngọn Nến gào thét dữ dội:

- Chúng tôi bị giảm thọ, mất hẳn một nửa đời sống.

- Chúng tôi bị lừa.

Chú Quay sừng vùng dậy chạy đến hỏi thăm bác Ô đen, Ô đen không trả lời. Rồi Diều giấy, nhưng chiếc xe hơi nhựa cũng không có vật nào lên tiếng, dù chú Quay sừng hét thật lớn.

Bây giờ ông Cung đã hiểu. Khi nãy thấy chính cụ Sách cũng đòi tách làm hai, ông hết nghi ngờ. Ông đang nhớ những kỷ niệm oai hùng trong quá khứ.

Ông Cung gọi:

- Cụ Sách… cụ Sách ơi!

Có tiếng hai cụ Sách thều thào:

- Tôi bị thương nặng bị tách làm đôi. Bây giờ nửa này đang thương nhớ nửa kia. Nhưng không sao, chỉ cần một chút keo là xong. Ông hãy cứu lấy những vật khác.

Ông Cung hét to:

- Yêu cầu anh Dao ngừng lại.

Lão Dao tỉnh bơ. Lão làm như không hề nghe một tiếng nào và tiếp tục chặt đôi chị Tranh. Chị Tranh kêu cứu một cách tuyệt vọng.

Ông Cung hét một lần nữa:

- Anh Dao không ngừng lại tôi bắn.

Chị Tranh đã bị cắt làm đôi.

Ông Cung có ba mũi tên mới, chúng còn non nên chưa được phiêu lưu. Trong lúc nguy cấp ông Cung bắn cả ba mũi tên vào lão Dao. Cả ba mũi đều trúng đích làm lão Dao ngã lộn xuống. Nhưng cái thân thể bằng sắt thép của lão đâu có hề hấn gì. Chú Quay sừng được dịp xoay tít lao thẳng vào thân lão, gây lên một tiếng keng dữ dội, nhưng rồi chú văng ra. Lão Dao tiếp tục chặt đôi tới anh Ghế.

Anh Ghế đã thấy những chiếc xe bằng nhựa, anh hiểu rõ số phận bi đát của mình nếu bị cắt đôi, anh kêu la thật thảm thiết. Nhưng ông Cung chẳng còn một mũi tên nào, mà dù còn, cũng vô ích.

Lão Dao trở thành vật vô địch.

Bấy giờ chị Bóng bay lơ lửng ở góc nhà đang nhớ tới sự hy sinh của bác Đèn xếp. Bác đã chịu cháy tiêu để cứu mạng cụ Sách. Chị cảm thấy lão Dao đến phòng này và tác hại là vì chị và vì sự đãng trí cẩu thả của cậu bé.

Chị biết rằng chỉ có cách gọi cậu bé sang phòng này bằng một tiếng động thật lớn.

Chị dũng cảm lướt tới trước mũi lão Dao và nói:

- Chia tôi ra làm hai đi.

Chị muốn chào vĩnh biệt mọi vật trong phòng nhưng không kịp. Vừa chạm nhẹ vào lão Dao, chị đã nổ tung

Trong lúc lão Dao bàng hoàng, kinh ngạc. Ở trong phòng ngủ của chú bé vang lên tiếng dép…

Ông Cung nói với cụ Sách giọng nghẹn ngào:

- Chúng ta mất nhiều bạn quá.

Cụ Sách khóc:

- Lỗi tại tôi dốt nát, ngu si. Đáng lẽ không nên tin tưởng vào một con dao sắc và độc ác như thế. Tôi sẽ xin ghi nhớ thêm trong lòng, ở những trang cuối cùng, lời nhắc nhở cậu bé: "Đừng bao giờ đùa nghịch với một con dao và để quên nó trong phòng, nhất là những con dao quỉ quái ".

Ông Bàn than thở ở góc nhà:

- Tụi mình thương chú bé biết bao. Nếu biết, chắc chú ấy không nỡ xử tệ với tụi mình như vậy.

Cụ Sách cố dằn cơn xúc động, trầm ngâm, rồi phát biểu một câu rất lạc quan:

- Quí vị cứ yên tâm. Họ hàng nhà sách chúng tôi đông lắm. Thế nào sau này cũng có một chàng sách trẻ ghi tâm sự tụi mình. Cậu bé giở sách đọc, cậu ấy sẽ hiểu.


LÊ TẤT ĐIỀU      
(Những Giọt Mực)   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 15, ra ngày 21-11-1971)




Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

BA ĐÓN CON VỀ - Vi Vu

 

Chiều nay mưa ngập con đường
Ba chờ con dưới hiên trường lạnh vai

Chuông reo qua dãy lớp dài
Con qua cửa lớp nụ cười trên môi

Áo mưa ba khoác trên người
Sau xe con nói, con cười huyên thuyên

Giữa cơn mưa đổ thật hiền
Ba vừa nghe tiếng chim quyên hót dài

                                                         VI VU

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 132, ra ngày 15-11-1974)




Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

NGÀY XƯA THÂN ÁI - Vũ Văn Chương

 













Chiều nao ánh dương reo bên đồng nội,
Những đọt xanh vươn sức với không gian.
Gió chiều vương như rủ đến ngập tràn.
Tôi cảm thấy chiều nay trời đẹp quá!

Những niềm vui quyện qua từng mái lá,
Sắc Tigôn dìu dịu điểm bên rào.
Từng không gian chờ đợi những ánh sao,
Kìa thấp thoáng đàn cò vui lượn mãi.

Đọt cỏ xanh tỏa hương mùi ngai ngái,
Bóng trẻ con vui thú giỡn bên đồi.
Đượm tình thương mẹ ru giấc trong nôi,
Một giấc ngủ no say đầy mộng mị.

Dáng nông phu bên cầu ao chăm chỉ,
Với trọn niềm mơ ước ở tương lai.
Tầm xuân như đang hé sắc trang đài,
Cánh Trinh nữ khép đều đôi lá thắm.

Cánh đồng non có ai nhìn say đắm,
Để hồn mình rộng mở với cung mây.
Tươi như hoa rộng mở khúc nhạc này,
Thật chầm chậm những ngày xưa thân ái.

                                              VŨ VĂN CHƯƠNG
                                        (Trung học công lập Vũng Tàu)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 66, ra ngày 26-11-1972)



Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

NGÔI NHÀ BÊN SÔNG - Trang Vân

 

Dũng ngồi tựa vào gốc cây vú sữa đưa mắt nhìn qua bên kia sông. Những đợt nắng vàng của buổi chiều còn sót lại lướt thướt trên các chùm lá xanh rung rinh trong gió. Bờ sông bên kia sao mà hoang vắng lạ. Bên ấy chưa được khai phá hết, cả một khoảng đất rộng khó mà tìm thấy một bóng nhà, cây cối tha hồ phát triển mạnh.

Dũng còn nhớ cách đây không lâu lắm, một đôi vợ chồng từ xa về qua đó khai phá, dọn dẹp cất một căn nhà, định sẽ lập nghiệp luôn nơi đây. Vợ chồng chú Hai đó thật là siêng năng và giỏi dắn. Chẳng bao lâu họ đã cất nhà xong và những mảnh đất xung quanh nhà đã được họ sửa soạn lại trống trải và sạch sẽ. Mùa mưa đến, chú Hai bắt đầu trồng bắp, mía, chuối. Những buổi chiều rảnh rang, chú Hai thường bơi xuồng qua xóm của Dũng chơi.

Chú là người vui vẻ, hiền lành. Chú Hai và ba Dũng chẳng bao lâu thành một đôi bạn thân. Chú ao ước công việc trồng trọt của mình có kết quả tốt, chú sẽ cố gắng khai phá thêm đất hoang, trồng nhiều thứ khác nữa. Dũng cũng thường theo chú Hai qua bên sông. Đó là những lần đầu tiên Dũng được đặt chân đến đó. Con sông này tuy không to lắm nhưng không có cầu, việc qua lại của chú Hai phải dùng thuyền.

Việc trồng trọt của chú cũng cực khổ lắm. Mảnh đất chú vừa dọn dẹp sạch cỏ, những thứ cây chú trồng vừa bén rể thì cỏ hoang lại ùn ùn mọc lên tứ phía. Cả vợ chồng chú lại ra sức làm cỏ nhưng cỏ ở đâu mà lắm thế, nhiều lúc chú bực tức không ít. Sức người khó mà tiêu diệt chúng nổi. Cỏ hoang thì vậy trái lại những thứ chú Hai trồng thì lại không chịu phát triển. Chúng èo uột, héo úa rồi chết tiệt. Chú Hai là người có nhiều nghị lực, chú lại ra công trồng một lớp khác nhưng nó cũng không khác gì lần trước. Sau mấy lần cố gắng đều thất bại, vợ chồng chú Hai chán nản không làm nữa. Thấy ở đó không xoay sở gì được, sau cùng họ đành dọn dẹp bỏ đi nơi khác sinh sống. Thế là mé sông bên đó lại trở nên hoang vắng như cũ, cây cỏ dại lại lan tràn, chỉ khác là bây giờ thêm một căn nhà hoang mà ở bên này sông, Dũng thấy thấp thoáng mái lá.

Một cái vỗ vai mạnh làm Dũng giật mình rồi giọng nói vui vẻ của thằng Bảo cất lên:

- Ngồi làm gì đây mà im lìm thế bồ?

- Ngồi chơi chớ làm gì. À Bảo ơi! Ngồi đây thấy căn nhà hoang bên ấy, nhớ chú Hai quá há!

- Ờ tao cũng vậy, chú ấy bỏ đi chắc cũng hơn nửa năm rồi à. Nhớ lúc trước, chú thường chở tụi mình qua bên ấy chơi, vui ghê.

- Chú đi rồi không ai chở mình qua đó bắn chim. Bên ấy vắng tha hồ cho chim chóc đến.

Bảo như sực nhớ điều gì:

- Phải rồi! Mầy muốn qua bển chơi hôn?

- Muốn chớ sao không! Nhưng làm sao qua được?

- Tao có cách rồi. Mầy biết ông Sáu ở xóm dưới hôn? Ổng có chiếc ghe nhỏ để đi câu, hôm nào mình xuống mượn rồi chèo qua bển chớ khó gì!

- Nhưng mà mầy có biết chèo hôn đó?

- Đừng có lo! Tao làm cái gì mà không được.

Dũng cười:

- Giỏi quá há, nhớ kỹ là tui lội còn dở lắm nghen bồ!

Chiều hôm sau Dũng đang học bài trong nhà thì nghe Bảo gọi ngoài mé sông. Dũng vội vàng chạy ra thì Bảo chỉ:

- Lạ quá mầy ạ! Nhà của chú Hai có ai ở sao mà có khói lên kìa, thấy hôn?

Dũng chăm chú nhìn, một làn khói mỏng bay lên cao. Dũng ngẫm nghĩ:

- Chắc có người đến ở thật rồi. Ai vậy kìa?

Bảo buột miệng:

- A! Hay là chú Hai trở lại chớ gì! Chắc là chú chớ không ai khác đâu!

- Tao cũng mong chú trở lại ở cho vui. Mà nếu chú trở lại thật thì thế nào chú cũng qua đây chơi cho coi. Mình đợi vài ngày xem sao.

Hai đứa chờ đợi cả tuần rồi mà không thấy gì cả, vậy mà ngôi nhà ấy vẫn đều đặn ngày hai lần có khói quyện trên mái lá. Sự kiện ấy càng làm cho óc tò mò của hai đứa trẻ tăng lên cao. Bảo nói:

- Nhất định có ai ở đó rồi. Mầy còn định qua bển bắn chim không? Chiều nay tao đi mượn ghe rồi mình qua đấy xem coi phải ch1u Hai về không?

- Đi thì đi. Chiều nay mầy ghé kêu tao nghen.

Dũng trở vào nhà gặp chú Tám đang nằm đọc sách trên võng. Dũng đến gần:

- Ba ơi! Chiều nay cho con qua bên sông chỗ nhà chú Hai chơi nghen ba.

Chú Tám bỏ quyển sách xuống:

- Ở bên ấy có gì mà chơi. Chú Hai đi rồi, vắng vẻ, rậm rạp lắm!

- Con định qua bên ấy bắn chim. À ba ơi, cả tuần nay có ai ở đó. Không biết phải chú Hai không, con định qua xem luôn.

- Nếu chú Hai trở về sao không qua đây thăm ba? Mà sao con biết có người ở?

- Mỗi ngày đều có khói lên ở đó hết. Con với thằng Bảo định mượn ghe của ông Sáu để qua đó...

- Ờ, thôi ba cho đi, mà phải cẩn thận nghe, qua sông cho khéo đó.

Dũng mừng rỡ chạy vào trong để sửa soạn lại cái ná đã từ lâu không được dùng đến.

Dũng và Bảo mượn ghe của ông Sáu chèo ra đến sông thì trời cũng đã xế chiều. Nước sông dâng đầy lăn tăn những gợn sóng nhỏ. Thằng Bảo chèo chống rành rẽ lắm, chiếc ghe nhỏ băng băng qua sông, gió thổi mát rượi. Không bao lâu đã đến bờ bên kia. Bảo cho ghe vào một cái mương nhỏ sau nhà chú Hai. Cột ghe xong hai đứa bắt đầu "thám hiểm".

Ở đây sao bây giờ rậm rạp thế này! Lối đi cũ không còn nữa, cỏ tranh mọc um tùm, dây leo chằng chịt. Cả hai phải rón rén bước từng bước khó khăn một lúc mới đến căn nhà. Căn nhà tiều tụy làm sao! Cỏ mọc lan trước cửa, dây bìm bìm bò trên vách nở đầy hoa tím. Thấy cánh cửa khép chặt và khung cảnh vắng vẻ, hoang tàn như vậy, Dũng lên tiếng:

- Lạ quá! Có ai ở đâu à?

Bảo tiến tới trước:

- Mình thử mở cửa xem.

Nói xong Bảo thò tay giật mạnh liếp cửa. Liếp cửa bật tung ra ngay. Cả hai nhìn vào, không một bóng  người nhưng đồ đạc trong nhà chứng tỏ căn nhà có người ở. Việc đầu tiên làm Dũng chú ý là cái chõng tre để ở phía bên trong. Trên chõng có một cái mùng giăng sẵn, buông xuống từ bao giờ, động đậy khi có một cơn gió lùa qua cửa. Dưới đất, trong một góc có hai cái nồi nhỏ bắc trên bếp và kế đó có một đống củi khô. Cái không khí lặng lẽ và đượm đầy bí mật như thế làm Dũng bỗng thấy lo sợ vu vơ. Dũng thì thầm:

- Có ai ở thật. Họ là ai và đi đâu mất rồi?

Bảo bật cười:

- Mầy làm cái gì mà có vẻ lo sợ như thế? Chắc có lẽ chú Hai về và hôm nay chú đi đâu vắng chớ gì!

Thấy vẻ mặt trầm tĩnh và giọng nói rắn rỏi của bạn, Dũng thấy bình tĩnh trở lại:

- Đâu mình vào trong nhà xem.Cả hai mạnh bạo bước vào xem xét.

Trên vách lá vài bộ quần áo đàn ông treo lẫn lộn. Dũng bước đến chiếc chõng tre nhìn vào trong mùng, mền gối hãy còn để bừa bãi. Bỗng Bảo kêu:

- Dũng ơi! lại đây xem, trong nồi hãy còn một ít cơm nguội còn ăn được.

Dũng chạy đến:

- A! Vậy thì chú Hai vừa mới đi hồi sáng hoặc trưa nầy mà thôi. Chú trở về đã lâu mà sao không qua bên mình chơi kìa?

- Mầy có để ý gì không? Chỉ có y phục đàn ông mà thôi, chắc chú trở lại một mình đó.

Bảo kéo tay Dũng:

- Thôi ra ngoài chơi, một lát nữa xem chú có về không.

Cả hai ra phía trước sục sạo trong các lúm cây để tìm chim chóc nhưng hình như chúng biết Bảo và Dũng đến phá rối nên rủ nhau trốn mất biệt, chẳng còn một con! Loanh quanh cả buổi trời chả được gì cả nên cả hai đều mệt.

Dũng nói:

- Mệt quá bảo ơi! Tìm cái gì ăn một chút đi.

Bảo cười:

- Bên nầy thì có gì để ăn với uống!

- Có chứ sao không? Các thứ cây chú Hai trồng lúc trước...

- À! Mầy muốn nói đến mấy cây mía của chú Hai trồng lúc trước còn sót lại đó hả?

- Chớ còn gì nữa! Lúc nầy có nó thì đỡ lắm chớ bộ không à!

Cả hai phải mất một lúc nữa mới bẻ được hai cây mía già cỗi, khô khan ; đốt thật nhặt rồi trở vào nhà chú Hai ngồi ăn nghỉ mệt.

Mía cứng như khúc củi, ăn vào muốn gãy cả răng. Dũng phải lục lạo khắp căn nhà mới tìm được một con dao cùn để róc mía. Hai đứa ngồi nhai một lát bỗng Bảo kêu lên:

- Suỵt! Dũng có nghe gì không? Hình như có tiếng chân ai bước trên cỏ nghe lào xào đấy! Hay là chú Hai về?

Dũng nín lặng nghe ngóng. Không có gì lạ.

- Chắc là tiếng gió mà. Mình chạy ra phía trước nhìn xem.

Cả hai chạy ra nhưng cũng không thấy gì. Bảo nói:

- Ý trời! Mới đây mà sắp tối rồi. Thôi mình về, nắng tắt cả rồi đó.

Dũng trở lại gài chặt liếp cửa nhưng còn do dự chưa đi. Bảo hối:

- Thôi đi mau dùm một chút ông ơi! Về còn phải trả ghe cho ông Sáu đi câu đấy.

- Để tao trở vô hốt đống xác mía kia chớ, mình xả bừa bãi trong nhà chú Hai sao?

Bảo kéo Dũng:

- Không sao đâu. Để đó đi. Chú Hai về thấy là biết ngay có khách đến nhà. Mà khách qua đây không ai ngoài hai đứa mình cả. Chú thấy là biết ngay có tụi mình qua chơi cho coi.

- Ờ! Phải đấy. Biết tụi mình qua đây chú phải qua bên mình thăm lại chớ. Để gặp chú, tao phải hỏi xem ngày hôm nay chú đi đâu mất biệt gần tối mà chưa về thế!

- Dũng à! Sao chú ấy trở lại đây một mình, còn thiếm Hai ở đâu nhỉ? Mà chú cũng gan thật, bên nầy hoang vắng quá, buồn ghê!

Dũng buột miệng:

- Chú không sợ ma sao kìa.

Dũng nói xong quay đầu lại nhìn dáo dác như vừa trông thấy điều gì lạ rồi vụt chạy ra mé sông. Bảo kêu lên:

- Có đợi người ta đi với không nào? Sao mà nhát thế!

Vừa nói Bảo cũng vừa nhanh chân chạy theo Dũng. Trời đã hoàng hôn.

*

Một tuần trôi qua nhưng Bảo và Dũng chả thấy chú Hai qua chơi. Dũng bàn tính với Bảo:

- Chú Hai kỳ này kỳ ghê. Chú bận gì dữ vậy kìa. Hay là mình qua bên ấy một lần nữa?

Bảo đồng ý. Thế là hai đứa lại xuống nhà ông Sáu để mượn ghe. Lúc ấy cũng vào khoảng xế trưa. Ông Sáu nhìn hai đứa:

- Tụi bây làm gì mà mượn ghe của tao hoài vậy?

- Dạ tụi cháu qua bên sông chơi.

- Dữ hôn, bộ bên đây không có chỗ để hai đứa bây chơi sao mà phải qua đó?

- Dạ ông Sáu làm ơn cho tụi cháu mượn qua bên ấy có chuyện một chút.

Ông Sáu gật đầu:

- Thôi được rồi. Tui cho mượn, ma kỳ này phải đi mau mau nghe hôn. Về cho tui đi câu, đừng để trễ nước không được đa nghen hai cậu!

Hai đứa đã qua sông đến nhà chú Hai. Cũng như kỳ trước, lần này ngôi nhà cũng đóng cửa im lìm. Dũng mở cửa:

- Tức thật! Hôm nay chú ấy lại đi vắng!

- Hôm qua vẫn có khói lên ở đây mà.

- Chú bỏ nhà đi đâu hoài vậy kìa?

Tụi trẻ vào nhà và đồ đạc bên trong vẫn chứng tỏ có người đang ở. Hai đứa chạy ra trước nhà tìm kiếm làm như chú Hai thấy hai đứa qua là bỏ trốn không bằng! Một lúc sau lộn trở lại nhà, Bảo nói:

- Đống bã mía của tụi mình chú đã hốt sạch rồi...

- Hôm nay mình phải tìm cái gì viết để lại cho rõ ràng hơn mới được.

Dũng tìm được một miếng giấy hút thuốc nhỏ trên chõng tre rồi đến bếp lấy một tí than vụn, viết:

"Đến thăm 2 lần, ông chủ đều đi vắng cả, xui quá. Nếu rảnh, kính mời ông chủ qua bên ấy chơi. Bảo và Dũng".

Bảo cười:

- Mầy viết cái giọng giỡn hớt đó không đề tên chú cũng biết là tụi mình rồi!

Dũng tìm một cục đất to dằn miếng giấy lên chõng tre. Hai đứa trở ra khép cửa lại. Ra đến chỗ để ghe thì Bảo thấy nước đã lớn đầy rồi, vội kêu lên:

- Thôi chết tụi mình rồi. Ông Sáu dặn phải về mau, trễ nước của ổng rồi.

Lũ trẻ vội vàng nhảy xuống ghe. Bảo cố gắng chèo thật mau. Khi vào đến cái rãnh sau nhà ông Sáu thì thấy ông ta đang hầm hầm đứng đợi. Bảo vội vàng lên tiếng:

- Xin lỗi ông Sáu. Tụi cháu hơi về trễ một chút.

Ông Sáu giận dỗi:

- Lỗi phải gì! Đã dặn trước chớ không sao. Tụi bây đi chơi mà để lỡ công việc làm ăn của người lớn vậy à?

Hai đứa lúng túng năn nỉ:

- Xin ông Sáu đừng giận tội nghiệp, lần khác tụi cháu không dám tái phạm.

- Giận hờn làm gì. Lần khác tao đâu còn cho mượn nữa mà hòng tái với phạm!

*

Mấy ngày qua Bảo và Dũng đều chờ đợi kết quả của "bức thư" viết bên nhà chú Hai hôm trước nhưng vẫn không thấy tăm dạng chú đâu. Thật ra vì lúc trước, chú Hai đối với hai đứa trẻ thật vô cùng thương mến và chiều chuộng nên Bảo và Dũng xem chú như người thân thuộc. Biết chú trở lại mà qua thăm hai lần đều không gặp, chúng cũng hơi sốt ruột và bực tức một tí. Một buổi sáng chúa nhật, gặp nhau Bảo nói:

- Nếu chú Hai không qua thì thôi tụi mình làm sao qua bên ấy được. Ông Sáu đâu cho mình mượn ghe nữa.

Mắt Dũng sáng lên:

- Bộ có ghe mới qua được à! Mầy không biết cách gì nữa sao?

Bảo ngẫm nghĩ:

- Cách nào? Mầy tính lội qua à?

- Trời! Sông lớn như vầy ai mà dám lội! Tao tính đóng một cái bè, mình đốn mấy cây chuối đã trổ bị chặt buồng rồi đó!

Bảo reo lên:

- Hay quá! Vậy mà tao không biết. Hôm nay mầy giỏi lắm!

Thế là hai đứa lại hì hục vác dao đi tìm mấy cây chuối to chặt lại gọn gàng rồi lấy tàu dừa khô vuốt nhọn để đóng xuyên qua thân chuối. Cả một buổi trời mệt nhọc mới xong chiếc bè chuối. Bảo bàn tính:

- Tao tính như vầy là chắc ăn. Mình đợi lúc nào bên nhà chú Hai có khói nấu cơm bay lên là tụi mình chèo qua, thế nào cũng gặp.

Bảo và Dũng nặng nhọc quăng chiếc bè xuống mé sông và chiều hôm ấy khởi hành sau khi thấy căn nhà bên sông lơ lửng đợt khói mỏng. Hai đứa thận trọng bước xuống bè, chiếc bè hơi giao động một ít. Bảo la lên:

- Nhè nhẹ một chút Dũng! Nầy, ráng ngồi cho nó thăng bằng kẻo lọt ủm xuống sông cả lũ đấy!

Chiếc bè từ từ rời khỏi mé sông, Bảo lấy tàu dừa khô để chèo. Chiếc bè ra khỏi bờ một lúc bỗng quay tròn. Dũng hoảng hốt:

- Trời ơi! Chèo với chống gì mà lạ vậy?

Bảo tức:

- Có giỏi thì chèo đi! Làm như dễ lắm! Cứ ngồi yên ở đó dùm người ta đi.

Dũng đành im lặng co ro ngồi im. Sau một hồi mệt nhọc, chiếc bè cũng đưa hai đứa đến nơi. Cho chiếc bè vào chỗ để ghe hôm trước, Bảo bỗng mừng rú lên:

- Trời ơi! Hôm trước mình ngốc quá! Chú Hai đi vắng không có ghe cột ở đây mà mình còn sục sạo đi tìm. Hôm nay chú cột nó ở đó kìa!

Nói xong, nó vội thót lên bờ bảo Dũng:

- Mày lên rồi tìm cách cột nó lại nghe.

Dũng cũng hối hả làm loa để chạy theo Bảo:

- Này Bảo à! Hôm nay chắc chắn có chú ở nhà, mình len lén đến cho chú ngạc nhiên chơi, đừng có kêu chú à!

Hai đứa rón rén bước thật nhẹ, không gây nên một tiếng động nào cả. Đến bên hông nhà rồi tới trước cửa mà bên trong vẫn im lìm. Cả hai núp phía ngoài nhìn vào. Một người đang ông đang ngồi bệt xuống đất chăm chú làm việc gì không biết, mặt quay vào trong.

Dũng và Bảo chạy ùa vào như một cơn gió, hét lên:

- Hôm nay thì chú hết đi vắng nữa nhé!

Người đàn ông giật nẩy mình quay ra.

Dũng và Bảo bỗng sững sờ đứng sựng lại, tròn mắt ngạc nhiên:

- Ồ!

- Ủa!

Thì ra người ngồi đó không phải chú Hai nào cả mà là một ông già lạ hoắc! Sau giây phút ngạc nhiên, hai đứa đứng im nhìn lão già. Lão độ sáu mươi tuổi, tóc đã bạc, râu lưa thưa dưới hàm, gương mặt khắc khổ. Lão đang đươn một cái rổ.

Lão lên tiếng, giọng gay gắt:

- Tụi bây ở đâu mà đến đường đột chạy vào nhà người ta vậy?

Bảo lí nhí:

- Dạ tụi cháu ở bên sông.

Lão già trợn mắt:

- A! Phải rồi! Có phải tụi bây hôm trước qua đây phá phách, ăn mía xả đầy nhà rồi bỏ ra về đó hả?

- Dạ... dạ tụi cháu tưởng...

Lão già ngắt ngang:

- Rồi mới đây tụi bây lại dám ngang nhiên vào đây viết giấy để lại mời chủ nhà qua bên ấy chơi nữa à?

Dũng sượng sùng lên tiếng:

- Thưa ông đừng giận tụi cháu, tại vì tụi cháu hiểu lầm!

- Hiểu lầm cái gì chớ? Tụi bây to gan lắm đấy!

Bảo phân trần:

- Thưa ông, để cháu nói ông nghe, lúc trước tụi cháu có quen thân với chú Hai, chủ căn nhà nầy. Hôm đó đến nay, thấy có người ở, tụi cháu tưởng chú Hai trở lại, không ngờ là ông!

Lão già vẫn còn gay gắt:

- Chú Hai, chú Ba nào không biết, bây giờ tao là chủ căn nhà nầy, bây biết chưa?

- Dạ... Dạ...

- Vậy thì đừng có léo hánh qua bên nầy mà phá phách nữa nghe không, tao ghét lắm đấy!

Nói xong ông ta cặm cụi đươn rổ, dường như không chú ý đến hai đứa trẻ đang đứng xớ rớ ở đó. Dũng thấy trên vách lá nhiều cái rổ mới đươn xong máng đầy. Lão già ngồi dưới đất, cạnh bếp lửa còn cháy đỏ, chắc lão đang nấu cơm. Bảo lên tiếng nhỏ nhẹ:

- Thưa ông, ông đã biết rõ câu chuyện rồi, xin ông đừng giận tụi cháu nữa.

Lão già ngước lên nhìn Bảo, dịu giọng:

- Thôi, tao cũng không giận tụi bây làm gì, tao cũng biết con nít ưa rắn mắt lắm.

- Dạ cám ơn ông.

Thấy ở đó không nói gì hơn được vì ông già có vẻ lạnh lùng, nghiêm nghị lắm, hai đứa xin phép ra về.

Ông già buông thõng câu nói, chẳng chút cảm tình:

- Về thì về chớ!

Hai đứa lủi thủi trở ra mé sông. Dũng thầm thì:

- Xui xẻo cho tụi mình ghê! Tưởng chú Hai ngờ đâu...

- Thôi lo về phứt cho rồi, từ đây hết mong qua đây chơi nhé!

Đến chỗ để chiếc bè hai đứa tìm thì nó đâu mất, không thấy ở đấy. Bảo la lên:

- Thôi chết rồi! Lúc nãy mầy không có cột nó sao, nó trôi mất rồi còn gì?

Dũng lo lắng:

- Tao cột sơ sài thôi. Bây giờ làm sao? Kìa! Kìa! Nó ra ngoài sông, trôi tận phía dưới, còn thấy mờ mờ đó.

Bảo chắt lưỡi:

- Đó mầy thấy tánh cẩu thả của mầy tai hại ghê chưa. Bây giờ còn biết tính sao nữa!

Hai đứa không còn cách nào để về chỉ còn cách đứng than thở. Bỗng tiếng ông già vang lên:

- Ủa, tụi bây còn ở đó à? Trời sắp tối rồi đấy! Ghe tụi bây đâu rồi?

- Dạ thưa ông tụi cháu không có ghe!

Ông già ngạc nhiên:

- Tụi bây lội qua sao?

Dũng ngượng ngập:

- Tụi cháu có lái bè chuối nhưng nó đã.... trôi mất...

Ông già chắt lưỡi:

- Tai hại chưa! Bây giờ làm sao?

Rồi ngẫm nghĩ, ông tiếp:

- Thôi được rồi, tao cho tụi bây mượn ghe về đỡ đấy, nhớ chiều mai đem trả nghe.

Hai đứa nghe nói trong lòng mừng rỡ nhưng hơi ái ngại:

- Dạ tụi cháu đâu dám phiền mượn ghe của ông...

Ông già quát to:

- Tao cho mượn thì cứ lấy đi, còn ở đó lải nhải, không về được bây giờ!

Dũng và Bảo riu ríu xuống ghe ông già chống về. Ông già dặn theo:

- Nhớ mai đem qua trả nghe chưa!

Ghe đã tách bờ khá xa. Bảo lên tiếng:

- Ông già sao mà khó tánh quá, ổng ở đâu mà đến ở nhà chú Hai vậy kìa!

- Ông ấy cho mượn ghe để tụi mình về thì tốt lắm rồi còn gì.

Sáng sớm hôm sau, Bảo và Dũng lại hì hục đóng một chiếc bè chuối khác, xong xuôi hai đứa xuống ghe của ông già để qua bên sông, chiếc bè được cột phía sau ghe. Đến nơi Bảo cẩn thận cột ghe ông già chỗ cũ, không quên dặn Dũng:

- Làm ơn cột chiếc bè lại cho kỹ đi. Hôm nay nó trôi nữa thì về không được nghe ông!

Bảo và Dũng vào nhà gặp ông già để cảm ơn và trả ghe. Ông già ngạc nhiên:

- Trả? Tao tưởng chiều tụi bây mới trả chứ!

- Dạ tụi cháu phải lo trả sớm để ông dùng.

Ông già mời hai đứa ngồi chơi ở chõng tre rồi dịu dàng nói:

- Hôm nay tụi bây có rảnh không, ở chơi với ông một lát.

Dũng hơi ngạc nhiên về thái độ của ông già, ông không còn gắt gỏng nữa.

Nói chuyện một lát hai trẻ biết ông sống bằng nghề đan rổ. Khi chúng từ giã ra về, ông già nói:

- Tụi bây coi bộ cũng hiền lành, dễ thương, nếu muốn qua chơi thì cứ việc qua, tao không cấm nữa đâu.

Ánh mắt thoáng buồn một chút, ông già nói nhỏ:

- Ông ở bên này một mình cũng buồn lắm, tụi bây à!

Khi bè chuối qua đến giữa sông, Dũng hỏi:

- Ông già nói vậy mình qua nữa hôn Bảo:

Bảo lắc đầu:

- Thôi mầy ơi! Đây là lần chót tụi mình qua sông đấy. Có chú Hai thì tụi mình qua chơi chớ ông già khó tính lầm lì ấy thì qua làm gì, hở Dũng?

*

Dũng có việc phải lên tỉnh. Đang thơ thẩn ngoài chợ thì nghe tiếng kêu:

- Dũng! Dũng!

Dũng quay lại nhìn và ngạc nhiên mừng rỡ:

- Trời! Chú Hai! Chú làm nghề nầy à?

Bên lề đường, chú Hai đang tươi cười đứng sau xe nước mía:

- Vào đây, uống với chú ly nước đi.

Dũng ghé vào:

- Chú đổi nghề mau quá vậy? Bây giờ chú ở trên nầy à?

- Mau gì cháu! Mấy tháng rồi đó.

Uống một ngụm nước, Dũng vội kể lể:

- Chú Hai ơi! Căn nhà chú có ông già nào ở vậy?

- Sao cháu biết?

- Cháu tưởng chú trở lại ai dè ông già đó.

Rồi Dũng thuật lại câu chuyện mấy lần qua sông tìm chú Hai để rồi chỉ gặp ông già. Chú Hai nghe cười nắc nẻ:

- Tội nghiệp hai cháu chưa! Ông già đó là chú của chú đấy.

Giọng chú Hai trở nên trầm buồn:

- Hồi chú còn ở đó ông ấy có đến chơi vài lần. Ông ấy thì ở miệt dưới xa lắm. Lúc trước ổng có tật nhậu nhẹt say sưa hoài. Một hôm lỡ tay đánh bà vợ mấy cái khá mạnh làm bà ấy bị đau và từ trần. Ổng hối hận lắm, chừa rượu luôn nhưng từ đó chòm xóm đối với ổng rất lạnh nhạt, dường như muốn xa lánh, có lẽ sợ ông say sưa rồi làm gì chăng? Vì không có con cái gì hết, ổng tìm gặp chú để xin về nơi hoang vắng đó ở đấy. Ổng buồn tủi mà phải đi đó cháu à!

- Ông ấy thường đi đâu vắng cả ngày chú à.

- Ổng đan rổ xong thì chở ra chợ bán. Có khi ổng phải đi tìm tre để về làm chứ!

Dũng chép miệng:

- Tội nghiệp ông ấy quá chú há!

- Hôm đó chú có năn nỉ mời ổng về ở với vợ chồng chú nhưng ổng nhất định từ chối đó cháu à. Bên ấy vắng lạnh làm sao! Hôm nào rảnh, cháu qua chơi với ông ấy nhé. Ổng chừa rượu rồi, tuy bề ngoài hơi gắt gỏng nhưng thật ra hiền lắm, cháu đừng sợ.

Dũng lắc đầu:

- Cháu không sợ đâu chú à.

Dũng trở về nhà, bùi ngùi nghĩ đến đời sống đơn độc của lão già, lẩm bẩm:

- Mình phải rủ thằng Bảo qua chơi thường mới được.

Chiều đã tàn. Bên kia sông hoang vắng, thấp thoáng bóng một con cò trắng bơ vơ tìm mồi.


Trang Vân       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 56, ra ngày 1-11-1966)