Cây
mai vàng trước sân nhà đã vơi ít nhiều hoa, bây giờ lá xanh đâm chồi
non mướt mịn mơn mởn trong nắng. Ông Tình săm soi từng nhánh cây, cuống
lá. Hoa mai năm nay nở ít hơn mọi năm, người ta thường cho đó là điềm
xui cho quê hương đất nước. Trước tết mấy ngày, ông Tình đã phàn nàn với
con cháu trong nhà về cây mai, và ông than thở:
- Kỳ cục ghê hỉ! Năm ni mai nở ít quá không biết đất nước có bị xui như ông bà mình nói không đây, tao lo quá.
Cậu Thanh, cháu đích tôn của ông ngửa cổ cười ha hả, tay vuốt vuốt mái tóc dài nòi:
- Ông tin dị đoan quá, có chi mô mà lo.
- Răng không lo. Cứ giặc giã, chết chóc hoài rồi còn chi là dân tộc, nòi
giống nữa chớ. Ông bà đã dạy hễ năm mô mai nở ít, năm nớ đất nước bị
xui xẻo, tau thấy năm ni mai lưa thưa quá, tau đâm lo.
Cậu Thanh đã thôi cười:
- Ôn lo chi cho mệt xác, tuổi tụi con có lo thì lo, không lo thì thôi
chứ ôn già rồi, chừ ôn có lo cũng chẳng mần chi được ba hỉ?
Sau câu nói, cậu nhìn qua ông Nam là ba cậu, để nhận thêm sự đồng tình:
- Thằng Thanh nói đúng a cha, cha lo chi cho mệt, ngày ngày uống nước trà, thưởng hoa có phải khỏe hơn không.
Ông Tình thở dài buồn bã, chán nản, đến con cháu ông cũng không hiểu ông, còn chi để buồn hơn không?
Sở dĩ ông lo cho đất nước là vì ông lo cho tương lai con cháu sau này,
cứ theo cái đà tiến bộ văn minh này, không biết mai sau chúng nó có còn
là nguyên thủy con rồng cháu tiên hay không? Tuổi già của ông không còn
giúp ích gì cho xã hội, đất nước nữa, nhưng ông vẫn cứ lo ngay ngáy
trong lòng và buồn nhớ mênh mông.
Mấy ngày tết qua đi nhanh chóng, ông Tình thấy càng ngày tết càng nhạt
nhẽo vô duyên, vắng cây nêu, pháo đỏ, vắng bài chòi cùng những câu đố
hay ho ý vị treo trong nhà, ngoài hiên, ông thấy như tết không về, cũng
may là ông có trồng cây mai trước sân nhà, cây mai nhắc nhở cho ông nhớ
ngày tết của quê hương. Ôi chao! Lật bật mà cây mai lên được mười hai
tuổi rồi, ông cưng cây mai này ghê lắm, cưng như người bạn già duy nhất
của mình. Mỗi năm gần đến mùa xuân, mai đâm búp, nở nhụy, ông nghe hồn
nghẹn ngào cảm động rưng rưng. Nhớ ngày mùng một cháu chắt chúc tết ông
xong, đợi ông lì xì cho những bao giấy đỏ nho nhỏ xinh xinh, chúng nó
kéo nhau ra ngoài sân, vít cành mai hái chơi mà không thèm ở lại nghe
ông khuyên bảo, nhắc nhở vài lời về cái tết ngày xưa, về con người ngày
nay, ông buồn lắm, lặng nhìn chúng cười đùa nói chuyện, những câu chuyện
không mộc mạc như của ông hồi mấy mươi năm về trước. Một lúc chúng nó
phóng lên xe ào ào nhập cuộc vào thành phố. Ông đã hỏi với:
- Tụi bây đi mô rứa?
Một đứa quay lại cười:
- Thưa ôn, tụi con đi "chọc" người ta cho vui.
Ông ngán ngẩm lắc đầu, nối nhớ càng nhiều, thương tiếc càng to làm ông
bùi ngùi. Buổi trưa chúng nó về ăn vài miếng bánh tét, lại ào ào vọt lên
xe, hỏi đi mô? Lại nói đi ciné, đứa lại nói đi "bùm". Ông chả hiểu nổi
đi "bùm" là đi chi và cũng chả hiểu nổi tụi nó. Con trai trưởng của ông
bày bộ tam hường lên phản, bà con bạn bè xúm đến cười nói inh ỏi, những
tiếng "reng reng" của sáu hột tam hường rơi vào tô nghe hay lạ. Con ông
nhìn ông bảo:
- Cha ngồi chơi cho vui cha, bảy tay bán trạng.
Ông lắc đầu:
- Thôi, mệt lắm, tao đi nằm cho khỏe.
Một người trong bọn đổ tam hường hỏi khi ông vừa quay lưng:
- Ông già hôm ni coi bộ buồn rứa chú Nam.
Ông nghe tiếng trả lời của con trai:
- Ối chào! Cha tui buồn lo chuyện nước non, ông nói năm ni mai nở ít, đất nước bị xui chi đó không biết, rồi ông lo.
- Hơi sức mô, ngày tết ngày nhứt quên hết, có lo cũng chừng nớ.
Ông Tình buồn đến chảy nước mắt, mỗi người một câu không ai hiểu nỗi
lòng của ông cả. Ông nắm gác tay lên trán, nghe cô đơn lạ lùng.
*
- Ôn mần chi rứa ôn?
Đang chăm sóc cây mai, nghe tiếng hỏi ông ngừng tay quay lại, nụ cười nở
nhẹ trên môi, ông trả lời bé Ti, con cháu ông cưng nhất:
- Ôn đang bắt sâu. Ti không đi chơi à?
- Ti đi mới về đây chớ, ôn không thấy Ti đang bận áo mới đây à?
- Ừ hỉ, rứa mà ôn quên.
Bé Ti đứng bên ông, hai tay con bé đong đưa để làm tung cái áo đầm xanh lên. Con bé tiếp tục hỏi:
- Ôn bắt sâu làm chi rứa ôn?
- À, để sang năm hoa nở cho nhiều.
- Răng năm ni hoa nở ít ghê ôn hỉ.
Mắt ông Tình thoáng buồn:
- Ôn cũng không biết nữa. Ri là xui lắm.
- Xui chi rứa ôn? Mà tại răng?
Ông nhìn mắt đứa cháu, mắt con bé to tròn ngây thơ lạ. Ông không muốn!
Bây giờ ông lại không muốn nói tạo làm sao. Con bé sẽ không hiểu gì đâu.
Ông dẫn cháu gái vào nhà:
- Vô đây ôn kể chuyện đời xưa cho con nghe hỉ.
Con bé nhảy nhót kéo tay ông. Trong một thoáng ông nghe lòng mình ấm áp
vui vui, chưa có gì để cho ông phải bi quan thất vọng cả. Bé Ti leo lên
chân ông ngồi chờ nghe ông kể chuyện. Vừa khi lời ông cất lên, tiếng chó
sủa ngoài sân bắt ông phải nhìn xa, đôi mắt ông nhấp nháy, sáng hẳn
lên. Ông vội đặt bé Ti xuống đất, miệng nói:
- Con vô nhà chơi để ôn tiếp khách.
Ông lật đật ra sân. Đôi bạn già tay bắt mặt mừng, giành nhau để nói:
- Bác Lữ, ôi chao lâu ngày bác vẫn mạnh, tui mô có ngờ bác còn đến thăm tui.
Ông Lữ ôm vai bạn, chống gậy đi vào nhà:
- Tui cũng mô có ngờ, lưu lạc mười mấy năm rứa mà bác vẫn nhận ra tui.
Ông Tình cười ha hả:
- Tri kỷ trần ai một bạn già là bác, răng mà không nhận ra đã chớ.
Ông Tình kéo ghế mời bạn ngồi, đoạn nhìn ra sau dõng dạc:
- Bay mô, chế nước coi.
Tuy kêu nước nhưng ông Tình lại nâng chai rượu trắng rót ra hai ly nhỏ:
- Uống bác, rượu bách nhật đây bác.
- Quý quá hỉ? Về đây tưởng bác không còn ở chỗ ni nữa chớ, tui buồn chi
lạ, sau hỏi bà con họ nói bác vẫn còn ở đây, tui mừng quá sức. Mới về
hồi hôm tê đây chớ, tết nhứt thiệt mệt chi lạ.
Câu chuyện chuyển hướng đủ mọi môn. Rượu ngà ngà cho hai ông thêm hứng
tưởng chừng như không bao giờ cạn nguồn. Ông Lữ lim dim mắt nhìn ra sân,
ông chợt reo lên đầy ngạc nhiên thích thú:
- Trời ơi! Cây mai của bác lớn ri rồi thi? Mau chưa tề.
- Thì mười hai năm rồi.Nhắp một tí đế ông lại hỏi:
- Răng năm ni mai thưa hoa rứa vác?
Đang vui, giọng ông Tình sũng buồn:
- Tui cũng không biết răng nữa, ngày xưa mình nghe ông bà nói tết mà hoa mai nở ít là điềm không tốt, phải không bác?
Ông Lữ đưa tay vuốt râu, bộ râu trắng xóa nổi bật lên trên chiếc áo dài màu đen:
- Thì tui cũng rứa đó, cũng sợ như bác.
- Tui nói với con cháu, tụi hắn cười cho tuổi già của mình lẩm cẩm,
thằng cháu lớn của tui nói ri đây "sở dĩ năm ni mai ít ra hoa là vì thời
tiết thay đổi, không thích hợp với loại mai nên mai ít ra hoa, tui lại
nghĩ khác, nói thiệt càng ngày tết càng buồn.
Ông lại nâng ly:
- Uống đi bác, bạn già mình xưa nay chỉ vui có đế, quốc hồn quốc túy
phải không bác? Con cháu mình đời ni cứ "Uých-ky", "Sâm-banh", nói thiệt
tui mô có ưa, ông bà mình ngày xưa mấy khi "sâm banh", "uých ky" bác
hỉ? Hôm ni gặp bác tui mới thấy vui.
Kỷ niệm được khơi nguồn: "Bác ơi, mười mấy hai mươi năm ni mình mô có
thấy cây nêu bác hỉ. Tui nhớ tết lúc mình còn trai tráng răng mà vui chi
lạ. Mình thi nhau làm cây nêu, mà nhà mô cũng dựng cây nêu thật cao,
thi nhau viết câu đối, thi nhau gói bánh tét coi ai ngon hơn ai, rồi mấy
ngày xuân mình đánh bài chòi nữa chớ. Bác ơi! Răng mà tui nhớ lạ nhớ
lùng, nhớ đến chảy nước mắt đi lận, ngày xưa bác với tui thường đi với
nhau đánh bài chòi, bác còn nhớ không? Mình cho thằng đi rao tiền nên
chi cứ tới hoài, vui quá bác hỉ? Tết lại mình đốt pháo đỏ bỏ trong ống
tre đó, rồi còn đi từng nhà để đọc câu đối. Bác còn nhớ ông Thiện, ông
Đề Thiện đó, viết câu đối đẹp quá sức, ý lại hay nữa bác hỉ. Ôi chao!
Già rồi còn nhớ được chừng nớ thôi bác hỉ? Chừng nớ cũng đủ quý rồi, đời
chừ tui thấy tết nhứt mà bắt chóng mặt, ngày xưa mình mô có rứa, đi mô
cũng đi bộ, , mặc áo dài, đội khăn đóng, đi đôi guốc gỗ chớ có xe cộ chi
mà phóng ào ào như tụi nhỏ đời ni, nhớ quá bác hỉ? "Bác ơi! Tui cũng
nhớ, cũng tiếc có thua chi bác, con cháu mình chừ văn minh rồi chớ có
như mình lúc xưa mô".
- Tui buồn lắm bác, thấy thời thế nước non mà buồn, mà thương, mà lo cho con cho cháu, rứa mà tụi hắn có biết mô, nói ra tụi hắn cười cho mình lẩm cẩm, già rồi lo cũng chừng nớ chớ mần chi được.
- Nói rứa chớ ai lại không lo, đất nước là đất nước của mình chớ bác.
Men rượu thấm vào hồn hai ông già. Ông Tình nhướng mắt nhìn bạn:
- Có bác mới hiểu tui, có tui mới hiểu bác, bạn già mình tri kỷ mới hiểu nhau thôi.
Ông Lữ an ủi bạn:
- Thôi bác nờ, con nít nó hiểu chi mô, lớn lên mới biết chớ, mình cũng đừng buồn quá làm chi, tuổi già mình không như tuổi trẻ của tụi nó mà bác. Phải mừng vì tụi nó còn kêu mình bằng ôn, còn kính trọng người già cả.
Ông Tình gật gù:
- Bác nói phải đa.
Ông Lữ đứng lên:
- Thôi, tới thăm bác đôi chút, mai mốt tới nữa, chừ tui về nghe bác, mình còn gặp nhau, bác nhớ qua tui chơi nghe.
Chia tay bạn già tri kỷ xong, ông Tình lững thững vào nhà, hồn ông thoải mái lạ lùng. Gặp được bạn xưa trút bầu tâm sự, ông nghe nhẹ nhõm cả người. Ngoài sân ồn ào tiếng xe máy dầu, lũ cháu ông đi chơi về, dẫn đầu là thằng Thanh.
- Ôn ơi ôn!
Ông nhìn ra, cười tươi:
- Chi rứa mấy đứa bây.
Cậu Thanh vươn vai:
- Đi chơi vui ác ôn ơi, ôn ở nhà buồn hỉ?
- Buồn chi mô mà buồn, ôn cũng vui lắm chớ.
Cậu Thanh nhìn nét mặt tươi vui của ông mà ngạc nhiên. Mấy lâu nay ông vẫn buồn bã, bây giờ trông ông tươi vui quá, không vui sao được hở cháu? Ông vừa gặp bạn tri kỷ, ông vừa nghe cháu kêu "ôn ơi ôn", cháu khoe ôn cháu đi chơi vui lắm, bây giờ ôn hiểu rồi, mỗi thời đại có mỗi niềm vui khác nhau, nhưng cháu vẫn còn trọng ôn, vẫn còn yêu kính ôn là ôn mừng, là ôn vui lắm. Ôn không bao giờ có thể tin rằng các cháu ngày sau nữa không còn nghĩ đến giòng giống mình. Ôn vui lắm, phải chăng nhờ bạn già tri kỷ của ôn nói với ôn rằng "phải mừng vì tụi nó còn kêu mình bằng ôn, còn kính trọng người già cả", lâu ni ôn không nghĩ rứa đến chừ ôn vui lắm"...
Lũ cháu tíu tít kêu:
- Ôn ơi, ôn ơi! Hết tết rồi ôn ơi!
Ông Tình nhìn ra, nheo mắt cười thật vui!
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Nhâm Tý, 1972)
- Tui buồn lắm bác, thấy thời thế nước non mà buồn, mà thương, mà lo cho con cho cháu, rứa mà tụi hắn có biết mô, nói ra tụi hắn cười cho mình lẩm cẩm, già rồi lo cũng chừng nớ chớ mần chi được.
- Nói rứa chớ ai lại không lo, đất nước là đất nước của mình chớ bác.
Men rượu thấm vào hồn hai ông già. Ông Tình nhướng mắt nhìn bạn:
- Có bác mới hiểu tui, có tui mới hiểu bác, bạn già mình tri kỷ mới hiểu nhau thôi.
Ông Lữ an ủi bạn:
- Thôi bác nờ, con nít nó hiểu chi mô, lớn lên mới biết chớ, mình cũng đừng buồn quá làm chi, tuổi già mình không như tuổi trẻ của tụi nó mà bác. Phải mừng vì tụi nó còn kêu mình bằng ôn, còn kính trọng người già cả.
Ông Tình gật gù:
- Bác nói phải đa.
Ông Lữ đứng lên:
- Thôi, tới thăm bác đôi chút, mai mốt tới nữa, chừ tui về nghe bác, mình còn gặp nhau, bác nhớ qua tui chơi nghe.
Chia tay bạn già tri kỷ xong, ông Tình lững thững vào nhà, hồn ông thoải mái lạ lùng. Gặp được bạn xưa trút bầu tâm sự, ông nghe nhẹ nhõm cả người. Ngoài sân ồn ào tiếng xe máy dầu, lũ cháu ông đi chơi về, dẫn đầu là thằng Thanh.
- Ôn ơi ôn!
Ông nhìn ra, cười tươi:
- Chi rứa mấy đứa bây.
Cậu Thanh vươn vai:
- Đi chơi vui ác ôn ơi, ôn ở nhà buồn hỉ?
- Buồn chi mô mà buồn, ôn cũng vui lắm chớ.
Cậu Thanh nhìn nét mặt tươi vui của ông mà ngạc nhiên. Mấy lâu nay ông vẫn buồn bã, bây giờ trông ông tươi vui quá, không vui sao được hở cháu? Ông vừa gặp bạn tri kỷ, ông vừa nghe cháu kêu "ôn ơi ôn", cháu khoe ôn cháu đi chơi vui lắm, bây giờ ôn hiểu rồi, mỗi thời đại có mỗi niềm vui khác nhau, nhưng cháu vẫn còn trọng ôn, vẫn còn yêu kính ôn là ôn mừng, là ôn vui lắm. Ôn không bao giờ có thể tin rằng các cháu ngày sau nữa không còn nghĩ đến giòng giống mình. Ôn vui lắm, phải chăng nhờ bạn già tri kỷ của ôn nói với ôn rằng "phải mừng vì tụi nó còn kêu mình bằng ôn, còn kính trọng người già cả", lâu ni ôn không nghĩ rứa đến chừ ôn vui lắm"...
Lũ cháu tíu tít kêu:
- Ôn ơi, ôn ơi! Hết tết rồi ôn ơi!
Ông Tình nhìn ra, nheo mắt cười thật vui!
HOÀI HƯƠNG
Cho ôn của con
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Nhâm Tý, 1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.