Nghe
người ta nói rằng, hóa ra hạnh phúc nằm ngay trên con đường, trong cuộc
hành trình khi ta đang đi tìm hạnh phúc, chớ không phải là lúc ta đã
đạt được điều mong ước! Một ví dụ khác đơn giản, dễ hiểu hơn nhiều, là những ngày cận Tết, tréo ngoe, oái oăm thay, lại vui hơn chính những ngày Tết!
Không hiểu Tết là gì, mà sao đứa con nít nào cũng mê. Đứa bé nào cũng cảm thấy nô nức, rộn ràng khi bắt gặp những làn gió se se lạnh, hiu hiu thổi vào những buổi chiều cuối năm, cuốn những lá cây trên đường, và gieo vào lòng những cảm giác nao nao, man mác, kỳ lạ, nửa buồn nửa vui. Lòng người sẽ dấy lên những cảm xúc vu vơ, bâng khuâng nhưng se sắt, khó đặt tên, khi những tia nắng vàng đẹp mê hồn thoáng in lên khung cửa sổ vào những chiều cuối năm. Quanh năm ngày tháng, ngày nào Sài Gòn chẳng có nắng, bất kể đang là mùa gì. Nhưng nắng ngày thường
ta nói sao mà nó gay gắt, xấu xí, vô duyên kỳ lạ, và chỉ khiến ta khó
chịu, bực mình! (Vậy mà cũng có người "gọi nắng" đấy nhé! ) Nhưng gần Tết,
nắng cứ gọi là vàng óng ả như lụa, êm dịu như tơ, đẹp tuyệt trần, thật
đáng chiêm ngưỡng, và đáng nhớ đời! Thơ ca nhạc họa đã dành riêng cho
chúng một mỹ từ, đó là nắng xuân. Thì ra nắng mà cũng có năm bảy đường
nắng!
Nhà tôi, xui xẻo thay, nằm lọt thỏm giữa khu nhà giàu của thành phố. Ngày thường đã vậy, Tết đến còn thấy rõ hơn nữa khoảng cách giàu nghèo. Chẳng hạn như Tết hồi
xưa khi còn tục lệ đốt pháo, thì vào đêm giao thừa, khi đồng hồ vừa
điểm mười hai tiếng, và trên tivi ta có thể nghe thấy đang tưng bừng rộn
rã bản hợp ca chào xuân muôn thuở Ly Rượu Mừng, thì cũng là lúc phố
phường đồng thanh vang rần tiếng pháo đón chào năm mới. Tạch tạch tạch
đùng đùng đùng...Nhà nào nhà nấy thi đua nhau đốt cả mấy chục thước
pháo, được treo rất ấn tượng từ nóc nhà bốn năm tầng lầu xuống tới mặt
đất, chắc là vừa để khoe nhà cao cửa rộng, vừa để khoe của , vì đốt pháo
là đốt tiền, dù là để mua lấy niềm vui. Dĩ nhiên là trừ nhà tôi ra! Chỉ
có một năm duy nhất, ba tôi châm ngòi đốt một tràng pháo "tượng
trưng", là năm gia đình gặp chuyện vui, và thế là nhất rồi! Ngoài ra thì
chúng tôi chỉ xúm xít ngoài balcon và nghe ké, nhìn ké, hưởng ké, rồi
vui lây cái vui của thiên hạ khi đốt, đốt nữa, đốt mãi không ngừng những tràng
pháo xuân đỏ thắm, vừa đẹp mắt, vừa vui tai, vừa thơm lừng mùi... thuốc
súng khét lẹt, khiến khói bay mịt mờ cả khu phố , lẫn với khói nhang
của hàng đoàn nam phụ lão ấu áo dài khăn đống đi lễ chùa cúng giao thừa,
hái lộc về. Chúng tôi được tiếp tục nghe pháo nổ lẹt đẹt (pháo chuột,
pháo tép của trẻ con), nổ đì đùng thành tràng dài (pháo bện thành phong)
, hay nổ oành oành khi thì riêng lẻ, lúc lẫn vào tiếng tạch đùng của
dây pháo dài ít nhất một mét (pháo đại) suốt những ngày Tết. Xác pháo theo những làn gió xuân tập trung hết trên thềm nhà tôi, vốn thấp trũng hơn hẳn những nhà láng giềng, khiến mùa mưa thì nước ngập hơn nhà thiên hạ, mà Tết tới thì xác pháo cũng bay tới nằm chất chồng chất đống, nhiều hơn hẳn nhà người ta. (Khi xưa vẫn còn tục lệ Tết không
quét nhà, sợ quét mất lộc!) Lần này lũ con nít tụi tôi không than ,
không buồn vì nhà nghèo nữa, là do khách khứa, bạn bè của ba tôi và họ
hàng, gia đình tôi khi tới chúc Tết,
ai cũng trầm trồ khen, ôi nhà hai bác giàu quá nhỉ, xác pháo nhiều thế
này cơ mà, dễ cũng ngập đến nửa mét, phải lội qua xác pháo mới vào được
đến nhà! Lũ trẻ con chúng tôi đứa nào đứa nấy đều tươi cười hể hả với
niềm vui hão huyền đó! Ôi con nít mới sĩ diện, sống ảo làm sao!
Trẻ con là chúa làm biếng, và chỉ thích ăn rồi chơi, hễ nói tới học hành hay làm việc là oải chè đậu, cáo ốm! Gần Tết chính là khoảng thời gian ai cũng phải làm việc nhiều hơn ngày thường, vì phải dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Lạ một điều là tới tận bây giờ tôi mới thấy dọn nhà ăn Tết là vui, để cảm thấy được không khí nô nức rộn ràng của dịp Tết đang
đến rất gần. Chớ lúc còn nhỏ, cho dù lũ con nít tụi tôi đã xúm nhau lại
cùng làm việc cho đỡ chán, vừa làm vừa giỡn hớt, kể chuyện vui cho nhau
nghe, hơn là phải lủi thủi làm một mình, vậy mà vẫn uể oải, kề rề,
chân tay không buồn nhấc lên, chỉ làm cho có lệ để khỏi bị la rầy! Mà
nào cũng có nhiều nhặn gì cho cam : lau cửa kiếng, tuốt lá mai, chà sân,
lau chùi cửa sắt, lau nhà... Giờ đây, sau khi đã trải qua bao cuộc bể
dâu, hồi tưởng lại, tôi mới cảm thấy muôn vàn luyến tiếc những tháng ngày vàng
son, khi chúng tôi còn bé, còn được sum họp bên nhau dưới cùng mái nhà,
đồng cam cộng khổ, chia vui sớt buồn. Ước gì chiếc đồng hồ cuộc đời
có thể đảo ngược cây kim, để tôi được tận hưởng lại một thời dĩ vãng êm
đềm, nên thơ đó!
Để thưởng cho công khó của tụi tôi, ba tôi thường hay chở tụi tôi đi mua đồ chơi Tết. Tuy là còn nhỏ, nhưng tôi đã biết thương cha mẹ phải làm lụng khó nhọc để mưu sinh, và nuôi các con
ăn học, nên khi vào tiệm đồ chơi cho dù có hoành tráng lệ đến mấy, đồ
chơi có mắc tiền tới cỡ "lắc lư con tàu đi" chăng nữa, thì tôi cũng giả
bộ ngó lơ mấy con búp bê diện áo đầm kim tuyến lộng lẫy, biết nhắm mắt
mở mắt made in Hongkong..., hay những con
búp bê Nhật Bổn diện kimono rực rỡ đủ màu, yểu điệu che dù đứng dưới
rặng hoa đào màu hồng phấn... mà chọn lấy một con búp bê nhồi bông màu
vàng đậm rẻ tiền, mắt thật to, tóc xõa lệch trước trán, ngồi bó gối, mà
tôi thường thấy treo toòng teng ở cửa kiếng xe hơi của mấy nhà hàng xóm
nhà tôi. Nâng niu ôm nó vào lòng, tôi đặt tên cho nó là Bella! Cũng có
năm tôi không chọn mua búp bê nữa, mà lại là một hộp kẹo vàng tươi có
sơn hình mấy nhân vật, thú vật trong phim hoạt họa Walt Disney, có thể
dễ dàng xách toòng teng nhờ hai dây đeo như dây xích màu bạc, thay cho
cái bóp đựng tiền lì xì. Tết năm đó, sau khi ăn hết kẹo đựng trong hộp, đi tới đâu tôi cũng kè kè cái lon kẹo không, để đựng những bao tiền mừng tuổi đỏ ối!
Vào những ngày sắp tết, má tôi thường bỏ ra ít nhất cả nửa ngày để đi uốn tóc ăn Tết! Quanh năm ngày tháng
tất bật buôn bán, chẳng khi nào bà được rảnh rang. Cho nên lúc bà bỏ
hết mọi công việc để đi làm đẹp như vậy, chẳng ai kêu ca phiền hà gì,
ngoại trừ tôi. Con nít đứa nào mà không "bám váy mẹ", nhất là con gái?
Vì vậy nếu tôi có trông đứng trông ngồi, thấy quãng thời gian má tôi
vắng mặt kéo dài như cả thế kỷ, thì cũng thường tình thôi. Chờ mãi thì
cuối cùng bà cũng về tới nhà với cái đầu mới đẹp ơi là đẹp, nhưng nhất
là thơm ơi là thơm. Thơm mùi gì thì vì lúc đó còn nhỏ nên tôi không
biết, nhưng tập hợp những mùi
thơm của dầu gội đầu, thuốc uốn tóc, keo xịt tóc, nước hoa... ấy đã
làm tôi mê mệt. Và khi phải xa nhà về Châu Đốc ở với bác, mùi thơm ấy đã
không ít lần khiến tôi phát khóc vì nhớ má, khi thoáng ngửi thấy nó từ
cái đầu mới của các bà các cô, nhất là vào dịp tết! Cũng may là ở Châu Đốc vì là tỉnh lẻ, nên phụ nữ ít có tân thời như trên Sài Gòn, không thì tôi đã cạn nước mắt!
Đàng sau nhà tôi là khu lao động. Nếu hồi xưa Hà Nội có ba mươi sáu phố phường, thì xóm tôi có thể gọi là Xóm Mứt Tết,
vui nhất là khi sắp vào xuân. Giờ đây, nếu anh Hải tôi có phép màu sống
lại, bảo đảm anh sẽ không bị lạc đường khi vào xóm mứt tết, vì nó y xì như nửa thế kỷ trước. Cũng những con hẻm nhỏ quanh co gồ ghề, trơn trợt dưới ánh đèn vàng hiu hắt khi trời mưa xuống, cũng những căn
nhà gỗ vách ván, mái lợp tôn lụp xụp, ọp ẹp. Và tôi rất thích điều đó,
vì trông xóm rất lãng mạn, nên thơ, y hệt như lời bài hát Xóm Đêm của
Phạm Đình Chương, hay bài Loan Mắt Nhung của nhạc sĩ Huỳnh Anh! Vào những ngày sắp Tết, khi vào xóm mứt, bạn sẽ thấy cả một trời mứt ở khắp mọi nơi : phơi trên giàn tre trên đầu, đang được sên trong những chảo nước đường vĩ đại, nằm trong thau cũng to không kém để các bà các cô, và đôi khi cả các ông, các trẻ nhỏ nữa, thoăn thoắt gói vô những mảnh
giấy bóng kiếng lòe loẹt được cắt sẵn vuông vức... Nào mứt mãng cầu,
mứt me, mứt hột sen, mứt chùm ruột... đủ màu vàng đỏ trắng thơm phức,
khiến cho ngay cả người vô tâm nhất tình cờ ngang qua xóm mứt cũng biết
rằng... Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời!
Tôi nhớ mãi bài thơ Tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ....
Từ khi ông tôi mất
Bà tôi cũng qua đời
Tôi mỗi ngày mỗi lớn,
Nên chẳng thấy gì vui.
Tết đến tôi càng khổ,
Tôi nhớ bức tranh gà,
Chiếc phong bao giấy đỏ,
Bánh pháo tép ba xu.
Tết đến tôi càng khổ,
Tôi nhớ bức tranh gà,
Chiếc phong bao giấy đỏ,
Bánh pháo tép ba xu.
Tôi
đã từng tự hỏi bài thơ ấy có gì để mình nhớ, nhưng bây giờ tôi mới có
câu trả lời : đó là vì nó nói lên đúng tâm trạng của người lớn mỗi khi Tết đến : Tôi mỗi ngày mỗi lớn, nên chẳng thấy gì vui! Vì Tết đối với người lớn chỉ gói gọn trong một chữ : NHỚ!
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.