SỰ TÍCH VIỆC KIÊNG CỮ QUÉT NHÀ
Ngày Tết, dân ta có lệ kiêng cữ nhiều thứ rất nên thơ, thí dụ như kiêng
cữ quét nhà. Theo sách Phong thổ Ký, xưa kia, trên trời có mặt mụ đầu
bếp là Bi Tiêu, có nhiệm vụ làm các món ăn để dâng lên Ngọc Hoàng. Mụ
Tiêu có tật xấu là hay ăn trước và lại nếm thật nhiều. Ngọc Hoàng biết
chuyện, đày mụ xuống trần làm thần chổi. Thần chổi phải làm việc suốt
năm mới than phiền với Ngọc Hoàng. Ngài nghĩ thương tình nhưng còn giận,
nên chỉ cho thần Chổi được nghỉ ba ngày Tết. Vì thế nên ở Dương gian
mới có tục lệ nầy.
Nói về sự tích nầy, còn một câu chuyện nữa có chép trong sách "Sưu tầm
Ký" là xưa kia có một người nghèo tên là Âu Minh, một hôm ngồi bên Hồ
Than suy nghĩ tại sao mình cứ nghèo lại hoàn nghèo. Thần Hồ nghĩ thương
tình cho con vật nhỏ tên là con Hậu để làm bùa. Nhờ đó, ít lâu sau, anh
trở nên giàu có. Một hôm, anh chén say, nổi cáu, suýt nữa dẫm cả lên con
vật đó đang thui thủi trong nhà. Hôm đó là ngày mồng một Tết. Tỉnh dậy,
anh ta đi tìm vật, đâu cũng không thấy. Con vật sợ quá chui vào hóc,
người ở quét nhà hốt rác, hốt luôn cả con vật đi. Vì thế, ít lâu anh
Minh nghèo như cũ. Chuyện đồn đi, dân gian ai cũng kiêng cữ quét nhà
trong ngày Tết, vì sợ của cải theo gương con Hậu mà đi mất.
SỰ TÍCH CẮM HOA ĐÀO, CÀNH MAI
Tết đến, người ta thường cắm hoa đào (ở những nơi không có hoa đào phải
thế bằng hoa mai). Có người cho là để làm cho tăng thêm vẻ đẹp. Nhưng sự
thật thì khác, vì đẹp thì thiếu gì hoa đẹp hơn, mà tại sao người ta lại
phải cắm hoa đào.
Theo sách "Kinh sở tuệ thôn ký" gỗ đào có công hiệu như một lá bùa chắn
ma quỷ, nên gọi là đào phù. Xuân kia ở bên Tàu, cứ Tết đến, ngoài cổng
nhà nào cũng gắn hai bản gỗ đào, có khắc hình Thần-đồ và Uất Lũy. Đến
đời Minh, một vị hoàng đế ra lệnh cho dân Tàu thay bản khắc nầy bằng hai
câu đối đỏ cũng vẽ hình Thần-đồ, Uất Lũy, thôi không được dùng gỗ đào
nữa. Vì thế dân chúng cắm cành hoa đào, thế cho vừa đẹp mắt, vừa giữ
được tục cổ. Tục nầy đến đời nhà Minh đô hộ truyền sang ta.
Về chuyện Thần-đồ, Uất Lũy, sách "Phong tục thông" chép rằng: xưa có hai
anh em nhà kia có biệt tài nhìn thấy ma quỷ giữa ban ngày và có phép
lại diệt được ma quỷ. Ngọc Hoàng liền sai hai người anh em đứng trấn mọi
nhà, nhất là dịp Tết để chặn không cho ma quỷ ám ảnh. Ma quỷ cứ thấy
hình dáng hai anh em rất dữ tợn trên giấy đỏ sợ khiếp và không dám bén
mảng tới nữa.
Ta theo tục lệ Tàu, cũng dán tranh, cũng cắm cành đào, nhưng vì chuộng
văn chương ta dán luôn cả câu đối đỏ chữ nho ở trước cửa nhà nữa.
SỰ TÍCH ÔNG TÁO
Ông Táo là một vị thần ghi chép, những hành động, và ngôn ngữ của những
người trong nhà thần trông nom. Ông còn có tên là ông Bếp, ông Núc hoặc
Táo Công. Chức tước chính của trời phong cho ông là "Đông trú tư mệnh
táo phủ thần quân".
Nhiệm vụ của ông là nằm trong xó bếp để rình mà nghe ngóng mọi việc lớn
nhỏ trong gia đình để mỗi năm đến ngày 23 tháng chạp về trời tâu lại với
Ngọc Hoàng định đoạt cho họa hay phúc của gia đình ấy, rồi đến ngày
mùng một Tết lại xuống trần gian để tiếp tục công tác.
Vì thế, cuối năm người ta có lệ tiễn ông, và đầu năm rước ông thì thế
nào cũng được, nhưng tiễn ông thì phải có cá chép để ông cỡi lên trời và
nhận để giúp ông báo tin cho người.
Gọi là ông Táo, nhưng thật ra thì gồm một bộ ba, một vợ 2 chồng.
Tại sao thế?
Theo tục truyền, ngày xưa có hai vợ chồng người kiếm củi nghèo lắm, tuy
lấy nhau không con mà vợ rất thương chồng. Trái lại anh chồng hay rượu
chè be bét và hay đánh đập vợ. Một bữa nọ anh chồng vác cây đuổi vợ, chị
vợ phải trốn đi.
Chị vào rừng, thấy một cái lều, trời tối chị xin vào ngủ nhờ. Chủ nhà là tay thợ săn, thương tình cho ở, rồi hai người lấy nhau.
Trở lại câu chuyện, chị đi rồi, anh đi kiếm củi hối hận, đi tìm. Anh
cũng vào rừng, trời tối cũng xin vào túp lều kia ngủ nhờ. Anh thợ săn đi
vắng, chỉ có vợ ở nhà. Anh kiếm củi bước vào ngạc nhiên thấy vợ mình ở
đó. Anh khóc lóc năn nỉ bảo vợ về. Người vợ cũng khóc tỏ ý vẫn còn
thương chồng cũ.
Trong lúc hai người đang kể lể sự tình, anh thợ săn về xách theo một con
thỏ. Chị vợ hốt hoảng bảo anh chồng cũ trốn ẩn vào đống rơm.
Anh thợ săn sai vợ đi lấy rơm thui thỏ. Chị vợ rụt rè, anh tự tay làm
lấy, bất ngờ lửa cháy cả đống rơm làm chết anh kiếm củi ở đó. Chị vợ đau
lòng, mới nhảy vào đống lửa. Anh thợ săn tưởng mình làm gì phật ý vợ
cũng nhảy luôn vào lửa chết theo.
Việc nầy đến tai Ngọc Hoàng. Ngài nghĩ thương tình mới cho 3 người hóa
thành 3 Táo quân. Vì thế ở trong bếp lửa, cả ba cùng dụm đầu vào nhau.
Và do đó, mới thành ra 2 chồng một vợ.
XUÂN NGUYÊN
(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.