Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

MẸ SINH EM BÉ - Nguyễn Bảo Lộc

 

Đến nay tôi đã chỉ huy được một lô chẵn mười đứa em. Lũ em tôi không như người ta đâu, chúng nó nghịch ngợm chịu không nổi. Hằng ngày tôi hét chúng nó bắt lợm giọng rồi đấy. Dù như thế, tôi cũng thấy thích chi lạ khi hay tin mẹ tôi sắp sinh một đứa em nữa.

Đi học nếu thầy cô có hỏi nhà nào đông nhất, chắc chắn tôi sẽ giơ tay xin nói trước nhà tôi đông nhất. Từ trên đếm xuống, thì tôi lọt vào hàng thứ ba sau một ông anh, một bà chị và trên chẵn mười đứa em. Gồm 4 đứa con gái và 6 đứa con trai. Có lẽ lúc đầu bố mẹ tôi không ngờ sản xuất mạnh đến thế, nên tên ba đứa đầu đều mang vần T, vần tên bố tôi. Anh cả là Thông, chị Thu và Thủy là tôi ; ba đứa kế tiếp mang vần V, vần tên mẹ tôi, là thằng Việt, Vũ, Vĩnh, nhưng từ đứa thứ 7 đến thứ 13 không theo vần nữa, nào thằng Hải, Khiêm, con Lan, Mai, Ngọc, thằng Nhân, con Oanh... Tuy nhiên cũng còn đôi chút ngộ nghĩnh là tên bố tôi đặt đều xếp theo thứ tự vần H đến O. Tôi tin khi mẹ tôi sinh em bé thế nào bố tôi cũng đặt thằng Phương hay con Phượng đấy. Nãy giờ kể một lô tên tôi cũng thấy tê tay rồi nhưng không bằng thành tích của lũ em tôi đâu. Chúng nó hoạt động rất tích cực và đoàn kết phát khiếp, khi nào có dịp trưng cầu dân ý là chúng nó ào về một phe song chủ nghĩa con trai khác, chủ nghĩa con gái khác và được đặt dưới quyền "lãnh đạo" trực tiếp của tôi. Ở nhà, chị Thu là con gái lớn nhưng chị lo học để thi tú tài, còn anh Thông cũng chẳng điều khiển được gì, lúc nào anh cũng lao đầu vào sách vở, anh học sách dày lắm cơ nên bù lại trời cho anh chị tôi một cặp kính cận thật tuyệt cú mèo. Còn riêng mình tôi, tôi đâu có ham mà phải gánh chịu vậy, nhiều lúc bảo chúng nó không nghe tôi phát khóc luôn đến phải xuống nước năn nỉ đấy, ngược lại lúc nào tôi cũng được hưởng quyền ưu tiên cả.

Một buổi chiều, ngoài trời mưa nặng hột, nên lũ em tôi đành phải ở nhà và bao đặc phòng khách. Bữa cơm chiều hôm ấy có tính cách đặc biệt nên được thanh toán hết sạch sành sanh, còn mâm chén, Ngọc Mai nhận 30 đồng để rửa giùm tôi (thời đại kim tiền mà). Tôi ra phòng ngoài, bố tôi đang đọc báo, mẹ tôi ngồi trên divan bên cạnh con Oanh, thằng Nhân và con Ngọc. Tôi nghe con Oanh hỏi mẹ tôi:

- Mẹ mang em bé nặng không mẹ?

Mẹ tôi nhìn nó cười:

- Đâu nặng bằng mẹ mang Ngọc Oanh hồi đó.

Chung quanh, lũ nhóc cùng cười làm bé Oanh bẽn lẽn tuột xuống giường. Thằng Vĩnh nói:

- Mẹ sinh con trai mẹ nhé.

Việt quơ tay:

- Con trai là cái chắc, đừng lo.

Đến lúc phe con gái, Ngọc Lan bĩu môi:

- Còn lâu, mẹ sinh con gái.

Tiếng nhao nhao của đám con trai vẫn vang lên.

Kim Ngọc phụ họa:

- Mẹ nhớ sinh con gái mẹ ơi.

Thằng Hải đến bên mẹ tôi:

- Con trai mới dễ thương mẹ ạ.

Mẹ tôi không nói gì, tiếng thằng Vũ:

- Con trai là trụ cột nước nhà, con trai là nguồn lợi quốc gia. Phải không anh em?

Lũ nhóc oanh liệt hưởng ứng cho lập trường của phe mình. Sáu cái miệng hô hào ầm lên. Tôi nói như hét:

- Con trai chỉ phá hại, lợi con khỉ gì.

- Sao không lợi, bố mẹ cưng con trai hơn con gái Việt phân bua.

Anh Thông cũng chêm vô với phe bên kia:

- Dĩ nhiên. "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", con trai được cưng mới đúng.

Tôi cười mũi với anh tôi:

- Con trai vô dụng nhất nhà,
Con gái giúp mẹ mới là con cưng.

Ngọc Mai chui từ nhà bếp lên, ngồi cạnh mẹ tôi:

- Ai bảo mẹ cưng con trai đấy. Mẹ cưng con gái phải không mẹ?

- Mẹ không cưng con gái, con gái hay nhè Vĩnh nói.

Ngọc Mai chẳng vừa:

- Con trai nghịch ngợm.

- Nhè mới đáng ghét.

- Nghịch ngợm mới khó ưa.

Rồi những điệp khúc tương tự vang ầm lên. Bố tôi buông tờ báo xuống:

- Làm gì chúng mày ầm lên thế?

Tiếng nhao nhao không đổi khác, mẹ tôi nói:

- Chúng nó giành con trai cưng, con gái yêu đấy.

- Chỉ có thế à, con trai, con gái gì chả cưng yêu.

Lũ nhóc đợi cơ hội phát biểu ý kiến nhắng lên:

- Con gái đáng yêu hơn bố mẹ nhỉ?

- Còn lâu. Con gái đáng ghét, con trai đáng yêu.

- Con gái.

- Con trai.

Bố tôi cốc đầu thằng Hải, và đầu Ngọc Mai:

- Thôi, thôi, chúng mày im đi không? Nghe đây nè.

Cả bọn im dần, bố tôi nói:

- Con trai,  con gái gì bố mẹ cũng thương yêu như nhau cả. Miễn là các con ngoan ngoãn, không bất hiếu...

Đang nghe bản tuyên ngôn độc lập, hòa bình, anh Thông khai chiến:

- Con trai không bao giờ bất hiếu đâu bố.

- Cha cha. Con trai mới tổ bất hiếu đấy ông cụ ạ, thật ra con gái mới không bất hiếu.

Thằng Việt tham dự:

- Con gái không bất hiếu, sao con gái bỏ bố mẹ đi lấy chồng.

- Con trai không bất hiếu, sao đem người dưng về để bố mẹ tốn thêm gạo.

- Tốn thêm gạo nhưng giúp đỡ bố mẹ.

- Con gái đi lấy chồng không phải phủi ơn bố mẹ mà để nhẹ... ngân quỹ gia đình.

Vòng chiến lan rộng, sắp phá giới tuyến, bị vị tổng tư lệnh ban hành lệnh đình chiến:

- Thôi, không có cãi nữa nghe chưa?

Dự thảo luật tạm thời đình chiến, đại diện Ngọc Thu ra lệnh cho cả hai phe:

- Con Thủy, thằng Việt im mồm đi, tranh luận một hồi không ai nghe cho lọt.

Tôi liền xoay sang tố cáo cùng vị đại diện:

- Chị Thu nghĩ coi cái gì cũng vừa vừa thôi chứ. Tưởng con trai là nhất thiên hạ à?

- Không nhất gì mà nhất với con gái thôi.

Tôi nhìn xéo:

- Không ai nói tới.

- Không nói tới, nãy giờ nói tới cái gì?

- Con trai "cù lần".

- Con gái còn cù lần hơn.

Trận chiến thứ ba bùng nổ, có thể đi đến kết quả và ảnh hưởng cho "nhân loại":

- Ngày mai nấu cơm không cho bọn con trai ăn.

- Không cho ăn cơm nhà thì ăn cơm tiệm.

- Nói bố không cho tiền.

- Bố không cho, mẹ cho. Mẹ cưng con trai mà.

Tôi không nói nữa, nước mắt kéo về sắp xuống đường đòi quyền lợi.

Lại tiếng vị đại diên vang lên:

- Hết ông Việt đến ông Thông à. Giỏi nước chọc tức, con Thủy khóc rồi kìa.

Anh Thông vẫn còn dai:

- Rõ! Con gái hay nhè.

- Ừa! Có sao không?

Nước mắt tự dưng trào tuôn, tôi khóc to thêm như... mấy lúc đình công để đòi thỏa mãn yêu sách. Chợt tôi nghe tiếng thằng Vũ:

- Mưa ngoài trời to, tôi không sợ ngập nhà. Mưa trong nhà nhỏ, eo ơi nhà sắp ngập.

Rồi có tiếng chân chạy loạn xạ, nào chạy lên lầu, nhảy lên ghế, kèm theo những tiếng cười. Tiếng cười chiến thắng trên sự đau khổ của kẻ thất trận và toàn thể "nhân dân" yếu đuối.

Bố tôi đứng lên dàn xếp:

- Chúng mày đi vào phòng, mau.

Thằng Khiêm phản đối:

- Còn sớm chán bố ạ. 

- Sớm cái gì, vào học chứ tao bảo vào ngủ à.

Tiếng riễu cợt của anh Thông:

- Quân sĩ hưu chiến, lui binh về căn cứ.

Hải báo cáo:

- Muôn tâu. Trong trận chiến vừa qua, bên địch thiệt hại nặng nề, ta tịch thu được nhiều chiến lợi phẩm và một bịch...

- Bịch gì?

- Thưa, một bịch nước mắt to tướng ạ.

Lũ con trai được một trận cười thỏa thích và lui sang phòng học đóng đô.

Ba tôi ngọt ngào:

- Chúng nó chỉ giỏi chọc phá chẳng có tích sự gì. Nín đi, ba cưng con gái nhất.

Tôi thấy nhẹ như được siêu thăng, dù sao cũng có bàn tay cứu độ chúng sinh chứ.

- Sao hồi nãy, bố không nói cho lũ con trai nghe, cho nó khỏi làm trời.

- Được rồi, con gái đáng cưng hơn con trai, nào, hết ủ dột chưa.

Tôi cố cười tươi nhưng vẫn còn méo mó vì... khóc:

- Vâng, hết rồi, thế còn mẹ, mẹ cưng con gái mẹ nhé.

Mẹ tôi hiền hòa, dịu dàng đáng yêu làm sao!

- Ừ, mẹ cưng con gái.

Thế thì còn gì bằng. Tôi nhanh nhẩu bước sang phòng học, chiến trường phòng khách đã lấy lại sinh khí. Vào phòng học tôi nói:

- Tụi con trai ngoáy tai mà nghe, bố mẹ bảo là cưng con gái nhất đấy.

Con Oanh em tôi cũng ti toe:

- Các anh con trai thấy ghét lắm, mẹ không ưa đâu.

Đại sứ nhân dân con trai buông tiếng rằng:

- Ba mẹ bảo thế à. Có bịa không đấy. Ý! Các công chúa hay nhè, nhà ngập chưa?

Và những âm điệu bất hủ chọc tức kéo dài ngoằng ra... Vào tận phòng riêng tôi vẫn còn nghe the thé...

Một tuần sau ngày "bùng nổ" vụ giành quyền lợi của hai phe đối lập, mẹ tôi mới sinh. Bố tôi đưa mẹ đi sớm lắm vì lúc 6g tôi dậy đã không có chiếc xe của bố tôi ở nhà. Nhận thấy phòng chị Thu đã đốt đèn sáng tôi định vào hỏi thì thấy một miếng giấy ghi vội vàng dằn dưới dĩa ly, mấy dòng ba tôi viết "Ba đưa mẹ vào bảo sanh viện, con lo cho em ăn sáng rồi đi học, ba đưa luôn tiền đây". Gấp cùng với miếng giấy là hai tờ 500. Tôi cất tiền và lo làm việc vì buổi sáng chỉ có mình tôi. Nhà thì không có người làm, còn chị Thu thì phải lo học, nhất là ban đêm chị ấy thức khuya lắm nên thân chị còm nhom phát tội nghiệp. Tôi đành "hy sinh" giúp chị, phòng anh Thông cũng đốt đèn từ bao giờ. Còn lũ nhóc em tôi, nhắc đến tôi phát sốt rét rồi vì sáng nào không tung mùng lôi chúng nó dậy đừng hòng thấy mặt chúng nó trước 9g, có thể thuận buồm xuôi gió cô cậu đánh một giấc đến chiều luôn.

Công việc trong bếp được thanh toán xong thì đã 6g 30. Tôi vào phòng ngủ đánh thức lũ em dậy hết, đứa thì vươn vai, vặn xương, đứa thì vẫn nhắm nghiền mắt, chán ghê không, khổ cho tôi lắm công chúa, hoàng tử mới chịu rời khỏi "long sàng" xuống phòng rửa mặt. Tôi đổi bạc cho tụi nhóc đi học, muốn "phụng sự" bao tử cài gì tùy ý, tôi không làm bữa điểm tâm ở nhà.

Đến 7g thì nhà tôi chỉ còn 5 đứa. Giờ nầy anh Thông đã "ngự": trong thư viện. Chị Thu cũng đi học rồi và lũ nhóc cũng đang thi hành phận sự. Bố mẹ tôi gồm tất cả 13 đứa con nhưng, cũng nhờ Thượng Đế chiếu cố nên hết 6 đứa đậu vào trung học trường công nhờ thế bố mẹ tôi mới lo nổi cho những "đứa đậu cành cây" tiếp tục học. Phe con trai thì có anh Thông học công lập từ tiểu học đến đại học, và thằng Việt, Vĩnh, thằng Khiêm. Phe con gái yếu hơn chỉ có chị Thu và Ngọc Mai, còn lại thì đầu quân các trường tư. Ngoài ra phải kể 3 nhãi nhóc Kim Ngọc, Nhân, Oanh học công lập, tiểu học cộng đồng. Chúng tôi cứ ngỡ con Oanh là con út vì năm nay nó đã 6-7 tuổi rồi, nhưng mẹ tôi lại còn sinh em bé. Tin này làm tôi vừa chán vừa thích, chán vì thêm một đứa em chỉ tô khổ thêm cho tôi ; còn thích vì tôi mong em tôi là con gái, con gái dễ bảo hơn như Ngọc Lan đó dù nó cứng đầu không kém gì con trai nhưng nó không quên bổn phận buổi chiều phải điều hành việc bếp núc.

Tôi ra ghế ngồi, mơ tưởng em bé gái dễ thương, mắt to mũm mĩm... đang thả hồn theo mây gió tôi nghe tiếng thằng Việt gọi:

- Thủy! Bà Thủy!

Tôi nhìn vào:

- Gì đấy ông cụ.

- Bố mẹ đi mô rồi hỉ?
 
Tôi vừa bước vào vừa nói:

- Bố đưa mẹ đi sinh rồi.

Thằng Viêt khoái chí:

- Úi Chà! Chắc chắn thế nào mẹ cũng sinh con trai.

- Tao nói mẹ sinh con gái.

Thằng Hải đưa ý kiến đánh cuộc:

- Vậy thì đánh cá đi? Một trăm thôi.

Tôi đồng ý:

- Rồi, cá. Thua không có quỵt nha.

- Yên chí! Nhưng không biết ai thua à.

Việt hỏi tôi:

- Phe em gái chỉ có bà Thủy với Ngọc Mai thôi hả?

Tôi nhăn mặt:

- Ừa, mà mầy làm gì kêu tao kỳ vậy?

Việt gãi đầu nói:

- Lạ đời, tên Thủy người ta kêu là bà Thủy không được à. Bà Thủy là bà Thủy ai kêu hà-bá đâu.

- Thôi mầy, đồ nhãi.

Nói đến đây, chợt có tiếng chuông reo ngoài cổng. Tôi gọi Ngọc Mai ra mở cửa, một tí nó reo lên:

- A! Bố về, chị Thủy ơi.

Tôi chạy vội ra, bố tôi đã về, nét mặt hân hoan. Tôi hỏi nhanh:

- Mẹ sinh rồi hả bố?

Bố tôi cười hiền hòa:

- Mẹ sinh rồi hồi sớm.

- Bố đưa mẹ đi từ bao giờ?

- Lúc 3-4g sáng.

Tôi hỏi bố tôi, giọng tin tưởng:

- Mẹ sinh con gái phải không bố?

- Không, con trai.

- Lại con trai nữa.

Ối dào, thêm một thằng con trai nữa. Tôi vốn có thành kiến với con trai như lũ em tôi đấy. Thấy tôi xịu mặt, bố tôi nói:

- Em trai ngoan lắm.

Tôi nhìn bố tôi:

- Còn nhỏ xíu làm gì không ngoan. Nữa nhó lớn cũng theo đuôi mấy anh nó chứ gì.

Tôi thất vọng trong khi thằng Việt, thằng Hải xum xoe nhảy cỡn. Thằng Việt:

- Bà Thủy, Ngọc Mai 100 đồng biết không?

Bố tôi hỏi:

- 100 gì đấy?

- Chị Thủy với tụi con đánh cuộc, chị nói mẹ sinh em gái, trật lất. Chị thua một trăm.

Bố tôi cười, móc túi đưa tôi một trăm:

- Nè, bố cho trả tụi nó.

Tôi đưa sang thằng Việt, miệng lẩm bẩm:

- Ham dữ.

Việt cười, lấy tiền:

- Không ham gì. Đã bảo chị thua mà. Vũ, Hải đâu tuyên dương chiến thắng đa nghe. Tụi nó chạy bay vào nhà. Tôi hỏi:

- Bố đặt tên em bé chưa?

- Rồi.

- Tên gì hở bố?

- Tên Sang. Nguyễn Thế Sang.

- Sao bố không đặt thằng Phương, hay kêu nó thằng Út đi.

- Phương trùng với bác gái, ở ngoài gọi nó thằng Út cũng được.

Tôi vào nhà sửa soạn làm cơm sớm mang xuống cho mẹ tôi. Đến 11g lũ em tôi đi học về hay tin bọn con trai la hét om sòm, bọn con gái cũng thích chứ không "đau khổ" như tôi đâu. Ngày đầu tiên, tôi xuống bảo sanh viện có một mình. Em trai tôi cũng khôi ngô đấy chứ, mắt cũng to mũi cũng cao, lớn lên  không biết phải nặng hơi với nó không nhưng hiện tại nó còn bé tí ghét làm sao được. Đến ngày thứ hai tôi dẫn cả bọn con gái đi cho bõ ghét với bọn con trai (lúc nào tôi cũng chỉ đề cập đến ba quân tướng sĩ mà thôi). Đây là dịp bọn con trai cứng đầu phải nhượng bộ vì mẹ tôi ở bảo sanh đến một tuần. Tôi ra lệnh đứa nào muốn nhìn mặt đồng minh bé tí phải nghe lời tôi, bọn con trai đều thi hành răm rắp, cuối cùng tôi chọn hai đứa tỏ thiện chí nhất vào thăm mẹ là thằng Nhân và thằng Khiêm. Tôi nghe thằng Việt hỏi:

- Đứa nào muốn thăm mẹ, chiều nay anh dẫn đi.

Lũ nhóc loạn lên:

- Em! Em!

- Em đi.

- Trừ con Lan, Mai, Ngọc ra nghe.

Tôi xì một tiếng thật dài:

- Đừng làm tàng, còn lâu mới biết phòng của mẹ.

- Lo gì. Không biết thì hỏi mấy cô y tá.

- Thôi ở nhà đi ông cụ ạ. Còn lâu các cô y tá mới chỉ. Mà dẫn cả "đại đội" con trai đi "diễn binh" trong bảo sanh viện "quê" lắm.

Thằng Việt ngượng ngập, bộ mã phong lưu bướng bỉnh biến đi đâu mất.

Một tuần mẹ tôi ở trong bảo sanh viện là một tuần tôi lên hương, "nữ chúa" cầm đầu thế giới trong nhà. Lũ em tôi mềm dẻo làm sao cơ ấy. Mấy lúc như vậy tôi cảm thấy yêu đời kinh khủng chứ không "đau khổ" vì đàn em quỉ quái nữa. Ít nhất trong đời làm chị cũng có vài dịp để ra oai một tý chứ. Thành thật hỏi các bạn, các bạn có ai được diễm phúc cầm đầu mười một đứa em như tôi chưa, riêng tôi, tôi rất hãnh diện. Còn anh Thông tôi đấy, chị Thu tôi đấy ký thác chức vụ con cả cho tôi có lẽ đây là lúc để anh chị tôi tiếc hùi hụi.


NGUYỄN BẢO LỘC     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 189, ra ngày 15-11-1972)

Không có nhận xét nào: