Các em thân mến,
Trong
một bức thư gửi mua báo Thiếu Nhi cũ của một em ở Hậu Giang có đoạn như
sau: Sở dĩ cháu phải làm phiền đến bác để nhờ gởi giúp cháu những số
báo Thiếu Nhi đã qua là vì cháu đã trót cho một thằng bạn mượn báo và
đến khi đòi, nó xin luôn. Cháu phải cho nó vậy. Bác nghĩ cháu có tức lên
không?...
Chúng tôi rất cảm động được biết nhiều em đã ưa thích tờ Thiếu Nhi, đã quí trọng và để dành trong tủ sách gia đình.
Em độc giả nhỏ của tôi ơi, ngày xưa Mạnh Thường Quân còn ức hơn em nhiều, nhưng người có tức giận đâu.
Chắc
em cũng nghe nói Mạnh Thường Quân là một nhà nghĩa hiệp nước Tề, làm
tướng thời chiến quốc bên Trung Hoa. Tính ông rất rộng rãi, trong nhà
lúc nào cũng nuôi trên ba ngàn người khách. Ông thường hay giúp người và
cho những người túng thiếu vay mượn. Một bữa nọ, ông sai Phùng Hoan
sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi Mạnh Thường Quân dặn rằng: Khi đòi
được nợ, coi trong nhà cần hoặc thiếu chi, thì mua về dùng. Khi đến đất
Tiết, Phùng Hoan cho họp những người thiếu nợ lại, trong số đó có nhiều
người đem tiền đến trả, rồi nói cho mọi người biết: Bà con không cần trả
nợ, Mạnh Thường Quân sai tôi qua đây cho bà con số nợ đó. Nói xong,
Phùng Hoan liền lấy giấy nợ ra, xé và đốt hết trước mặt những người
thiếu tiền. Anh ta vui vẻ từ giã mọi người, rồi vội vàng ra về. Về đến
nhà, Phùng Hoan liền vào thưa với Mạnh Thường Quân: Trước khi đi, tôi đã
xem xét kỹ lưỡng trong nhà. Tôi thấy mình chẳng có thiếu một món chi
phải mua về dùng, duy chỉ có món nghĩa là thiếu nên khi đòi được bao nhiêu tiền, tôi đã dùng nó mà mua nghĩa hết, tôi xin cho tướng công hay. Mạnh Thường Quân không nói gì.
Một
thời gian sau, Mạnh Thường Quân bị mất chức, phải về đát Tiết trú ngụ.
Khi hay tin này, dân chúng nơi đây, nhớ ơn xưa, đều mang tiền của và
những vật dụng cần thiết đến cho Mạnh Thường Quân dùng. Ai nấy đều lo
lắng, săn sóc, hết lòng trọng đãi Mạnh Thường Quân. Các em đã thấy mua nghĩa hay mua đức là điều cần thiết hơn cả mọi thứ trên đời.
Các em thân mến,
Nơi
trường học, các em đã được khuyên dạy về lòng tương trợ, lòng nhân từ
và bác ái, tức là lòng biết yêu người, thương người. Chắc các em cũng đã
được thầy nhắc đi, nhắc lại việc các em nên thương yêu và giúp đỡ mọi
người gặp cảnh thiếu thốn hoạn nạn. Chúng tôi xin miễn bàn thêm, chúng
tôi chỉ xin nhắc lại một câu của ông Pyron Frederick: Thế giới chỉ có
hai hạng người: Người nhận và người cho. Người nhận có thể ăn nhiều hơn,
nhưng người cho ngủ say hơn. Người bạn tôi cũng thường hay nói: Người
cho là người được may mắn hơn người nhận.
Vậy em là người may mắn, em đã được giúp một người bạn, như thế có phải em là người sung sướng không em?
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 14, ra ngày 14-11-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.