Thư của em L.T.D - Bình Dương:
...
Nhà chỉ có hai anh em, nên anh Hai rất thương em. Nhưng từ hôm dì Bẩy
em tản cư về ở đậu thì mọi sự thay đổi hết. Dì bằng tuổi em nhưng gầy ốm
hơn em. Dì là em bà con xa của mẹ em. Anh Hai chiều dì lắm, tối ngày
chỉ lo giúp đỡ dì, bỏ quên em luôn, đã thế mỗi khi em với dì có chuyện
bất đồng ý kiến thì anh Hai lại bênh dì, bỏ rơi em. Em buồn quá chị ơi.
Em không dè anh Hai tệ thế...
Trả lời:
Chị
rất thông cảm nỗi buồn của em. Từ bao lâu vốn được cưng chiều, nay bỗng
dưng một người ở xa tới, rồi mình lại bị bỏ rơi, thì quả là khổ thật em
ạ. Sau khi than thở với chị, hẳn lòng em cũng vơi buồn chút đỉnh, vậy
bây giờ chị em mình phân tích lại tất cả mọi sự coi cái nhận xét bi quan
của em có đúng không nhé.
Từ
bao lâu nay, hai em rất thương nhau, và vì chỉ có hai anh em nên hẳn là
anh Hai chiều em lắm (có em gái bé bỏng mà nhõng nhẽo thì ai lại không
chiều). Thế rồi chiến cuộc xẩy ra, người người mất nhà, mất cửa, chia
ly, tan tác, ùn ùn kéo nhau tản cư về miền em ở, hy vọng tìm lấy chút
cảm thông đùm bọc của bà con ruột thịt. Anh Hai em, với tấm lòng nhân ái
sẵn có, thêm vì đã lớn, nên thấu hiểu bổn phận hơn, rồi lại thương cho
hoàn cảnh chạy loạn ăn nhờ ở đậu của dì bẩy, dì cũng chỉ còn nhỏ như em
gái mình, nên gắng sức tìm cách giúp đỡ dì để hy vọng an ủi dì được phần
nào cho vơi bớt những khổ tâm vì đổ vỡ, mà gia đình dì chẳng may ở vào
miền có giao tranh đã phải gánh chịu. Sự giúp đỡ của anh có thể là bình
thường thôi, nhưng xưa nay anh chỉ săn sóc có em, nay lại lo lắng, săn
sóc cho một người khác, em cảm thấy như anh không còn là của riêng mình
nữa, mà đối tượng để em khó chịu vì cảm tưởng bị bỏ rơi, chính là dì
Bẩy. Cho nên em đâm ác cảm với dì. Cách xử sự có thể trở thành bất công.
Anh Hai em không hiểu tâm lý đó, nghĩ là em gái mình nhỏ nhen, ích kỷ,
không biết chia sớt nỗi đau buồn với người hoạn nạn, lại thương dì Bẩy
có thể tủi thân vì hoàn cảnh ăn nhờ ở đậu nên mỗi khi em và dì bất bình,
anh lại bênh dì cho dì khỏi khổ. Thế là lại càng làm em ghét dì thêm.
Mâu thuẫn ngày một trầm trọng.
Nếu
em đã tin chị, em phải nghe lời chị. Trong vụ này, anh Hai em không tệ
đâu. Trái lại anh là người tốt ghê lắm, rất đáng kính trọng. Ở nơi yên
ổn, anh biết nghĩ tới người hoạn nạn, giúp đỡ dì Bẩy, đó là anh có tấm
lòng bác ái. Anh chỉ có lỗi nhỏ, mà cũng vì anh còn ít tuổi, chưa rành
tâm lý, không hiểu được diễn biến tình cảm của em, nên cư xử cứng rắn
với em quá. Nếu anh giảng giải cho em hiểu, và kêu gọi lòng tốt của em,
thì chị tin chắc em sẽ là cánh tay đắc lực trong sự giúp đỡ và an ủi dì
Bẩy. Bây giờ em đã hiểu lòng anh Hai, chị xin em thay đổi thái độ, cố
gắng tránh các xung đột với dì, kín đáo giúp đỡ dì, anh Hai em sẽ trở
lại yêu mến cô em gái có lòng tốt, hiểu lầm sẽ tan, tình anh em lại càng
thắm thiết.
Sau
này, khi về quê cũ, dì Bảy sẽ nhớ lại những ngày ở nhà em, được hai
cháu giúp đỡ, yêu mến, lòng dì sẽ đầy sự cảm ơn và tình quí mến đối với
anh Hai và em. Đó là phần thưởng vô giá mà Thượng Đế chỉ dành cho những
kẻ có lòng thôi em ạ.
Chị Đỗ Phương Khanh
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 64, ra ngày 12-11-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.