Tôi
ngồi im bất động, trước mặt là tờ giấy trắng trơ trẽn. Viết rồi xóa,
xóa rồi viết, mãi mà chẳng viết được gì. Kể ra giờ cấm túc hôm nay cô
hướng dẫn ra đề luận khó quá: những ý nghĩ chị trong giờ cấm túc. Cấm
túc mà có nghĩ gì. Tôi viết, rồi gạch bỏ, những giòng chữ nhảy múa trước
mặt. Im lặng bao phủ phòng học. Tôi liếc nhìn ra phía sau: Con Hòa Nhã
đang hí hoáy viết. Chẳng biết nó viết những gì mà cúi đầu cúi cổ viết
lắm thế. Bên kia con Vân hai tay chống má, thấy tôi nhìn nó chỉ tay vào
mắt, ý nói buồn ngủ, bao giờ cũng vậy, tới lớp là ngủ, mặc cô giáo giảng
gì cũng mặc. Đứng ngồi bất cứ chỗ nào nó cũng ngủ được. Bởi thế nó có
hỗn danh "Vân gật". Con Ý Nhi ở bàn góc trái đang bẻ mấy ngón tay. Con
Thanh mập cũng đang cúi đầu viết. Tôi trở lại với trang giấy đang trải
rộng trước mặt. Chẳng biết viết gì, chẳng có ý tưởng gì ráo. Hôm nay chủ
nhật, nếu không "mắc kẹt" ở đây có lẽ giờ này tôi còn đang "đo giường".
Chiều chủ nhật buồn; nằm trong căn gác đìu hiu ôi tiếng hát xanh xao
của một buổi chiều... giọng ca Bạch Yến nổi lên trong tiềm thức. Tôi oán
ghét mình, oán ghét bọn con Vân, Ý Nhi, Hòa Nhã, rủ "cúp cua" giờ Sử
nên đến bây giờ phải ngồi đây, phải nói láo với ba má chiều chủ nhật nầy
"cô giáo bắt họp làm toán chung, ngồi đây với những băn khoăn gậm nhấm
và hối hận tràn trề...
- Con Vân gởi mày giấy nầy Hương.
Tôi
liếc nhìn cô giáo và rất nhanh đưa tay nhặt nhanh mảnh giấy của con Hòa
Nhã ở bàn sau: "Hương Kim Long, tao đã mua vé rồi, cúp giờ chót và dông
lẹ cho kịp suất 6 giờ 30. O.K. chứ?
- Nhã, mày cũng "dọt" chứ?
- Ừ, đủ cả "banc" mà, hơn nữa giờ bà Sử mà lo gì mầy.
Chuông đổ, chúng tôi nhanh nhẩu ôm cặp ra khỏi lớp. Thanh dục tôi và Ý Nhi:
- Lẹ lên mấy cha HARRLEY MILL thì tuyệt, đập chết tao cũng đi, suất chót tụi bây ơi.
Tao chịu FIANCÉE DE PAPA nầy lắm.
Vân như một vị lãnh đạo, đưa tay khoát chúng tôi ra khỏi hành lang.
- Thôi mấy bồ, đứng đó mà tán dóc. Bà Giám Thị thấy là rồi, "dọt" cho rồi.
Bao
giờ cũng vậy, giờ Sử Địa ít khi chúng tôi có mặt ở lớp, không phải bà
giáo sư dễ dãi, nhưng thật chán phải nghe bà ta giở sách đọc. "chi bằng
mình ở nhà mà xem sách thú hơn" lý luận của con Thanh cũng là của chung
bọn tôi thế. Đi đâu đều có đủ 5 chúng tôi, trong lớp đặt là "NGŨ TẾU"
bởi chúng tôi rất nhộn. Con Vân định "tuyển mộ" thêm hai hội viên nữa
cho đủ LES SEPTS MERCENAIRES. Về học thì khỏi ai qua mặt được, chúng tôi
thay phiên nhau làm chemise các môn chính, cũng vì thế mà đôi lần cúp
cua, bà Sử Địa biết cũng làm lơ cho, chúng tôi thầm cám ơn và tiếp tục
"cúp".
Trên
5 chiếc xe đạp sắp hàng ngang choán cả lối đi, vượt qua khỏi cửa ngăn,
chúng tôi về Trần Hưng Đạo, qua cầu Gia Hội, xuống rạp Châu Tinh. Thật
đông khách, chỗ giữ xe chật cứng, những chiếc xe đạp, xe gắn máy để tràn
ra đường.
- Mày còn tiền gởi xe không Hương?
- Chết, tao quên nói, còn sáu tì, mà 5 chiếc xe làm sao đây, đứa nào bổ túc thêm đi.
Tiếng Nhi nhanh nhẩu: Để tao về tao xin anh tao.
- Thôi bà ơi, đợi bà xin tiền, thì bọn con chắc còn khuya mới được xem phim nầy - Hòa Nhã xen vào góp ý.
Thanh vội đưa sáng kiến:
- Khỏi lo, chúng mình có cả thảy ba khóa xe, bây giờ chỉ việc để xe dọc lề đường, khóa dài dài là "số dách".
Thật kỳ diệu, chúng tôi khóa xe xong, chuông cũng vừa đổ. Cả bọn tiến vào rạp trong niềm hân hoan vô biên.
Sau
hôm đó, sáng hôm sau trở lại lớp học, chúng tôi chưa hết kháo nhau về
nghệ thuật diễn xuất của HARLEY MILL, bọn trong lớp đã xầm xi to nhỏ:
Bây cúp cua, cô hướng dẫn ghi tên rồi.
- Lãnh đủ rồi các bồ ơi.
Tôi khều con Thanh ra hỏi nhỏ:
- Mầy có kế láo nào nói cô hướng dẫn chưa?
- Nếu hỏi hết năm đứa mình thì mày nói về nhà mày làm bích báo.
- Hay lắm, nếu chuyến này lọt tao sẽ khao "hội" mình một chầu kem Huế.
Nhưng
chúng tôi đã bị lãnh đủ như các bạn trong lớp nói, và cả bọn thay vì ăn
một chầu kem, đã bị một chầu cấm túc, chiều chủ nhật tuần đến. Thật rủi
cho chúng tôi, hôm đó bà Sử Địa bận việc, nghỉ dạy, cô hướng dẫn thay
thế, cô đã điểm danh và "chuy" ra những đứa cúp cua. Ôi cầm dao lâu ngày
cũng đứt tay, lúc gọi con Vân lên văn phòng lấy sổ cấm túc, cô hướng
dẫn đã nói:
-
Các em làm gì cô đều biết cả, đừng qua mặt cô, lạ gì các em đi xem phim
FIANCÉE DE PAPA, thật dại quá, chiều thứ năm nầy trường mình thuê
chiếu, luôn tiện cô cũng báo cho các em biết luôn.
Cả lớp reo vang như ong vỡ tổ. Riêng chúng tôi nhìn nhau tiếc ngẩn ngơ. Vân cầm sổ cấm túc trở về, mắt đỏ hoe.
Cô hướng dẫn an ủi:
- Thôi khóc làm gì em, chịu khó chiều nhủ nhật đến đây ngồi chơi.
Vân cúi mặt vội chạy về chỗ ngồi nức nở.
Và
bây giờ ngồi đây, cả bọn 5 đứa đều có mặt, mỗi đứa ngồi một bàn riêng
biệt với đề bài "những ý nghĩ của chị trong giờ cấm túc", thật muốn
khóc. Tuy thế tôi cũng cố viết cho xong lên nạp. Chuông đổ, chúng tôi ra
về trong buồn bã chán mỏi.
Tiếng Vân hỏi Hòa Nhã:
- Mầy viết gì mà viết lắm thế Nhã?
- Tao làm thơ tự do.
Vân cười to và nhìn tôi nói như chọc giận:
- Còn con Hương chắc là viết báo Hở?
- Ừ, tao viết cho Tuổi Hoa, lấy đề là NỖI BUỒN CẤM TÚC.
Cả bọn nhìn tôi nửa muốn cười nửa muốn khóc, riêng tôi thật buồn.
HƯƠNG KIM LONG
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 43, ra ngày 15-4-1966)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.