Thư của em Quế Anh. SàiGòn
...
Chị ơi! Sao em thấy các báo ưa có mục lấy tên là "Tò Mò". Vậy mà ở nhà
mỗi khi em xem hay nghe chuyện gì là má la "Đừng có tò mò." Thế là làm
sao? Em chẳng hiểu gì hết. Không lẽ các báo xúi mình làm điều xấu, hay
má nói sai...
Trả lời:
Mà nói đúng đấy. Tò mò là xoi mói, tìm tòi, dòm ngó, nếu dùng vào sự
học hỏi, sự tìm hiểu, sự nhận xét, để giúp cho kiến thức được mở mang
thì tốt lắm. Còn dòm ngó chuyện riêng của người khác, không có ích lợi
gì, không liên hệ gì đến mình, thì không nên. Thói tò mò ấy là tật xấu
đó em ạ.
Nhân đây, chị cũng muốn yêu cầu các em nên tập luyện cho có thói quen nhận xét, để đầu óc khỏi bị trì trệ.
Cụ
Nguyễn Hiến Lê, người mà chị tôn kính như bậc thầy, người đã dùng cả
cuộc đời vào việc viết sách giáo dục vì quí mến các em, có cho phép chị
được tùy nghi trích các sách của cụ để đăng trong Thiếu Nhi, nếu thấy
đoạn nào thích hợp. (Theo ý chị thì tất cả các sách của cụ, các em đều
nên đọc) Chị xin được trích đoạn sau đây để các em biết sự sung sướng
được thưởng thức và niềm hạnh phúc vô biên mà Thượng Đế dành cho những
người yêu đời và biết nhận xét:
"...
Phải có thói quen nhận xét, có một nhân sinh quan riêng và một chút
tinh thần trào phúng thì nói chuyện mới có lý thú và vui.
Vài
năm trước thế chiến thứ nhì, một cặp vợ chồng nọ du lịch qua Đông Âu và
Tây Á. Chúng tôi mong mỏi họ về để được nghe những cảm tưởng của họ về
những xứ nhiều sắc thái mà chúng tôi chưa hề được biết đó. Nhưng chúng
tôi đã thất vọng biết bao! Họ chỉ phàn nàn về mọi thứ: nào là thức ăn ở
Athènes nuốt không vô, nào là lần đi chơi trên sông Danube bị cảm, nào
là trong một cuộc tiếp tân long trọng ở Budapest, bà vợ bận một chiếc áo
không xứng, không hợp với buổi tiệc. Như vậy thì đi du lịch làm gì cho
tốn tiền, cứ lại quán tạp hóa ở đầu đường ngó khách hàng ra vào mà còn
thú hơn.
Nhưng
ít tháng sau, một người quen trong giới thương gia, thình lình lại thăm
chúng tôi. Mới đầu chúng tôi nghi ngại ông ta làm mất thì giờ của mình.
Nhưng lần này ông không nói chuyện về công việc làm ăn mà kể cho nghe
cuộc du lịch của ông. Ông ta cũng tới những xứ mà cặp vợ chồng trong câu
chuyện trên đã đi thăm. Câu chuyện của ông ta thú vị làm sao! Đầy đủ
chi tiết và nhận xét hóm hỉnh. Ông tả cho chúng tôi nghe giáo đường Hồi
giáo mà ông đã thăm ở Istamboul, tả cái thú uống rượu vả (figue) ở đảo
Chypre, tả y phục dân quê Hi Lạp, đàn ông xứ đó bận váy và chính ông
cũng đã mua một chiếc váy ở Delphi đem về làm kỷ niệm, ông lại được dự
một lễ cưới ở Sophia nữa, làm cho chúng tôi khao khát muốn được du lịch
như ông, tưởng tượng những cảnh tượng ông đã thấy..."
(Trích "CÁCH XỬ THẾ CỦA NGƯỜI NAY" trang 79)
Nhờ
nhận xét hay, cụ Nguyễn đã dịch cho chúng ta được đọc đoạn này và chị
cũng mong các em sẽ biết nhận xét để thưởng thức được sự sung sướng của
người đi du lịch biết nhận xét.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 85, ra ngày 15-4-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.