Thư của em T... Saigon
Em
là một nữ sinh lớp 9. Hè về em phải ở nhà phụ giúp cha mẹ, sáng may vá,
trưa ăn cơm, chiều lại may (nhà em là tiệm may), tối ngủ. Ngày nào cũng
diễn tiến đều đều. Em cảm thấy cuộc sống thật vô vị. Em chán nản vì
không thấy lý tưởng gì cả, cho nên lúc nào cũng buồn phiền...
Trả lời:
Chị
thông cảm nỗi buồn của em. Đang đi học, ngày ngày bay nhảy vui đùa, nào
thầy nào bạn, bỗng nhiên bị gò bó bên một cái máy may, ngày này qua
ngày khác, còn đâu những ngày hoa mộng, tung tăng bên hàng cây, dưới
bóng phượng, còn đâu những chiều nhẩy chân sáo trên đường về... Chị hoàn
toàn thông cảm. Thế nhưng em ơi! Con mèo nhỏ lúc mới sinh, mẹ cho bú 1
thời gian, nó lui cui nhõng nhẽo bên mẹ, nó đòi hỏi mẹ nó phải nằm kềnh
ra cho nó rúc vào lòng, nó lười biếng chả chịu làm gì cả, nó chỉ kêu
ngoeo ngoeo. Mẹ nó chiều, sẵn sàng hầu hạ nuôi nấng nó, sẵn sàng lăn ra
cho nó bú. Cho đến khi nó lớn, thì nó phải tự túc. Nó phải đi kiếm ăn
lấy. Nó sẽ anh dũng làm bổn phận công dân mèo, nó đi tìm bắt chuột, và
nó trở nên một con mèo đúng nghĩa, một con mèo xứng đáng là con mèo chứ
không còn là một con mèo con vô tích chi sự nữa. Người ta cũng vậy. Cha
mẹ sẵn sàng nuôi con. Tùy theo tuổi của con cha mẹ giao cho con các bổn
phận, cho con tập lần lần để một ngày kia con thành một người. Khi mới
đẻ, như con mèo con, mẹ lo cho con đủ mọi sự. Khi hơi lớn con bắt đầu có
bổn phận. Đó là bổn phận trau giồi nhân cách để thành người hữu ích,
thành người xứng đáng là người. Rồi một ngày kia, khi con đã lớn hẳn,
như cây đã cứng người thợ vườn có thể bỏ dàn che nắng, thì con người
phải bước vào đời để làm một con ốc trong guồng máy xã hội, để thành một
người. Trước khi vào đời, các em phải tập, phải thí nghiệm, vì thế
những năm cuối của thời thơ ấu, cha mẹ phải cho các em thực tập cho khỏi
bỡ ngỡ. Cho nên nhân dịp hè, ba má mới bắt em may vá để em quen dần với
đời sống thực tế.
Em
ạ, em thấy không, em mới thử có mấy ngày mà em đã chán nản như vậy, thì
em tưởng tượng người thợ may suốt cuộc đời, ngày này qua ngày khác, sẽ
buồn nản đến đâu. Nghĩ như vậy thì nghề nào cũng thế, cũng ngày này qua
ngày khác, nhàm chán. Ông bác sĩ, ông luật sư, cô thư ký, bà chủ tiệm,
ông thợ hớt tóc, bà bán hàng rong, người nào đã nhận một công việc, đều
phải làm mãi, ngày này qua ngày khác. Thế thì họ khổ quá, sống làm gì
nhỉ? Chắc em muốn hỏi chị như vậy. Hỏi vậy là đúng, là em có khối óc
muốn tìm hiểu. Vậy mà họ yêu đời, yêu ghê lắm chứ không có chán đời đâu.
Ông bác sĩ tuy làm việc đều đặn ngày này qua ngày khác, nhưng ông có
cái thú chữa cho một người từ bệnh hoạn trở về lành mạnh. Ông luật sư có
cái thú tìm tòi để cãi cho thân chủ thắng, bà chủ tiệm có cái thú vì
thấy nhờ tài buôn bán là cửa tiệm phát đạt, ông thợ hớt tóc say sưa đem
tài nghệ tô điểm các mái đầu, bà bán hàng rong mong cho một ngày một khá
hơn để có một cửa tiệm nhỏ. Nếu họ say sưa với công việc cho được tiến
bộ thì sẽ thấy yêu cái nghề của họ. Ngoài ra, nhờ công việc, họ có lợi
tức đem về nuôi gia đình, nhìn thấy các ánh mắt reo vui của con cái,
nhìn thấy chuỗi ngày êm ả của cha mẹ già, mà thấy lòng sung sướng, thấy
đã gánh vác xứng đáng với cương vị của mình trong xã hội. Cho nên, đời
không đáng chán, mặc dù công việc đều đặn. Bởi vì đời sống đều đặn dài
dặc, là do những thành công nho nhỏ nối nhau mà thành. Chúng ta vui
trong những thành công nho nhỏ, trong những niềm vui nho nhỏ. Như cây
cỏ, biết thích hợp với hoàn cảnh nẩy mầm. lớn, già, lá rụng, lá mọc, rồi
một ngày kia sâu ăn tới ruột, gặp cơn gió, gục xuống, dành chỗ cho lớp
sau, không buồn phiền, thản nhiên vì đã tròn nhiệm vụ, đã qua một chu
kỳ. Cho nên vấn đề chính là em biết yêu công việc. Khi may em nghĩ đến
niềm vui của khách hàng được mặc chiếc áo may kỹ, khéo (phải yêu nghề
mới có thể hoàn thành cái áo may kỹ và khéo). Em lại lợi dụng sở học hơn
nhiều bạn cùng ngồi may (em đã học lớp chín, chắc phần kiến thức phổ
thông, em cũng có thể khá hơn một vài bạn), em giải thích những gì bạn
không hiểu, và em hỏi bạn những bí quyết của nghề may mà em chưa rành.
Anh hùng tạo thời thế, nếu em yêu đời, yêu mọi người, dù hoàn cảnh khó
khăn, với thiện chí, em vẫn xoay trở được. Huống chi, đây là nhà em,
tiệm của ba má em, dù sao em còn sướng hơn các cô thợ làm cho ba má chứ,
phải không em. Chị ước mong em sẽ có đủ khả năng và thiện chí để cải
tạo bầu không khí, đem lại niềm vui cho mấy cô thợ bạn, phải suốt ngày
cặm cụi. Và chị ước mong các em sẽ dễ tính hơn mỗi khi tiếp xúc với ai.
Nên cảm thông với nỗi buồn chán của họ, nếu họ thiếu nghị lực. Cứ đổi vị
trí mình vào họ là các em sẽ trở nên dễ dãi đi năm mươi phần trăm đó,
có phải không em T... của chị?
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 45, ra ngày 2-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.