Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

THA THỨ - Đỗ Phương Khanh

 

 Thư của em L.N.T. - Saigon:

... Trong bài giới thiệu cuốn Vào Thiền, em thấy chị có trích câu: "Ai chửi mình thì tha thứ", và chị có vẻ đề cao câu đó. Thưa chị nếu em của mình chửi thì mình nên tha thứ không? Tụi em của em hỗn lắm, chửi em là chó hoài hà...

Trả lời: Chị rất thích thú khi trả lời những thắc mắc thực tế như câu hỏi này của em. Ai chửi mình thì tha thứ đó là một câu đáng khắc vào trái tim đó em ạ. Và dĩ nhiên là em mình có lỡ chửi thì mình tha thứ chứ. Tha thứ là không thù hằn, oán ghét. Là anh, ai lại thù hằn, oán ghét em, có đúng không nào. Nhưng mà, là anh thì phải dạy em (nếu có đủ uy tín để dạy). Dạy dỗ không phải là trả thù, phải không em.

Khi con cái làm điều lầm lỗi, cha anh răn dạy bằng roi vọt, đó là sự cần thiết phải nhờ tới cây roi để mà trợ giúp cho lời dạy được hiệu nghiệm mà thôi. Chứ không phải là cha anh trả thù con em mình bằng roi đâu mà. Vậy thì, trước hết, em hãy cố gắng tự tạo uy tín, bằng chính sự nêu gương sáng của em. Phải vâng lời và lễ phép với bề trên. Không nói năng lảm nhảm, tranh giành, gây sự với các em bé. Khi nào thấy em bé nói năng lỗ mãng với bất cứ ai, là mình phải ngọt ngào giải thích. Khuyến dụ em nhỏ đọc những sách hay. Cần nhất là phải ngọt ngào, bình tĩnh. Nếu xét thấy tội đáng phạt bằng roi, thì phạt đúng với tội. Chứ đừng vì cơn nóng nảy mà đánh cho đã tay. Trong trường hợp em, em nên dạy em bé bằng đường lối ngọt ngào, ngay những khi em bé nói năng thô lỗ với người khác. Chứ không phải chỉ khi nào em bé nói hỗn với chính em, mới thấy là có lỗi, rồi đánh em bé một cách hằn học.

Hãy thương sự dại dột của em bé, và tha thứ, nhưng mà phải dạy dỗ. Đó là hai sự việc hoàn toàn khác biệt. Dạy dỗ không bao giờ đồng nghĩa với trả thù, đó là điều cần nhớ trong khi giáo dục em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 92, ra ngày 3-6-1973)



Không có nhận xét nào: