Mỗi
khi phải đi mua đồ, chị ngán nhất là cái nạn mặc cả. Chẳng biết là họ
sẽ nói thách đến mức nào, nhất là món đồ lạ, đã lâu mình không mua. Có
người chỉ nói hơn giá bán chừng hai chục phần trăm. Nhưng cũng có người
nói thách tới gấp ba lần. Món đồ đáng giá hai trăm, gặp người nói thách
tới 600đ, nếu mình tưởng họ nói gần đúng giá, trả họ bốn hoặc năm trăm
là mình mua hớ, rất tốn tiền của ba má. Còn nếu họ nói thách ít, ra giá
300đ thôi, mình lại tưởng họ thuộc loại nói thách, mình trả họ 100đ, thì
có thể sẽ xẩy ra một màn nói chanh chua cay đắng, nếu họ dữ dằn, rồi
nếu mình cũng dữ dằn thì có khi tiếp theo sẽ là một màn cãi nhau, như
thế thì buồn ghê lắm đấy nhé. Vậy các em thử theo một vài kinh nghiệm
này coi sao. Mỗi khi đi mua hàng, đầu tiên là các em coi xem hàng nào
đang có người mua, nếu họ đang trả giá món hàng mình mua thì càng tốt,
chỉ việc chờ nếu giá mua tương đối hợp với túi tiền, ta sẽ đỡ tốn công
mặc cả. Nếu mua món hàng lạ, không biết tỷ lệ nói thách, thì đầu tiên em
nên hỏi giá một món mà em đã biết giá, như thế các em sẽ biết bà bán
hàng nói thách nhiều hay ít, để liệu mà mặc cả.
Người
mình có lệ kiêng khem, lựa người mở hàng, thành ra nhiều khi họ nói
thách rồi cứ bắt mình phải trả giá mở hàng. Trả ít sợ họ lườm nguýt, trả
cao thì lại bị mua hớ. Vậy tốt hơn hết nên đi mua trễ trễ một chút.
Quãng sau 10 giờ sáng thì thường là hàng nào cũng đã bán mở hàng, mình
khỏi áy náy. Trả giá rồi nếu họ có nói nặng nhẹ, chị xin các em đừng trả
lời. Cái cảnh hai người đứng tranh luận cãi nhau nó kỳ cục, mất hết nét
duyên dáng. Đừng vì một người xa lạ, có thể cả đời mình sẽ không còn
gặp lần nữa, mà khiến cho nhân cách mình bị sứt mẻ, các em nhé.
Chị
ước mong thương gia nước mình sẽ cải tổ lại lề lối làm việc. Bởi vì cái
sự nói thách trả giá rất mất thì giờ cho cả hai bên. Nếu để giá đúng,
người mua chỉ việc coi qua, thấy vừa ý thì mua, cuộc mua bán xong trong
vài phút, nhà hàng sẽ tiếp khách khác, khách mua sẽ làm việc khác, công
việc mau lẹ, năng suất sẽ tăng, guồng máy quốc gia sẽ vận chuyển nhanh
chóng vì thời giờ của mọi công dân được sử dụng đúng chỗ, không bị lãng
phí.
Sự
nói thách để có thể khiến cho một vài người không quen mua bán bị lầm
mà mua hớ, mới coi thì tưởng người bán có lợi, sâu xa thì người mua bị
thiệt thòi, và người bán cũng không có lợi đâu. Bởi vì với thời gian bán
cho một người theo kiểu nói thách và trả giá, nếu bán theo giá nhất
định, nhà hàng sẽ có thể bán cho 3, 4 người khách, số lời tuy ít nhưng
nhờ bán nhiều nên vẫn có lời nhiều, mà lại gây được cảm tình nơi người
mua. Cái sự mua bán mặc cả hiện nay nó tạo cho giới mua hàng một cảm
giác bất ổn ghê lắm. Đi mua hàng cứ tưởng như sắp bước vào võ đài. Phải
dự bị sẵn bản lãnh, buồn lắm em ạ. Hai người tươi cười với nhau mà lòng
nghi kỵ, một bên rán làm cho người ta mắc vào cái bẫy nói thách, cho
người ta phải mua hớ, một bên dù có mua được hàng cũng nghi nghi là mình
mua hớ và không thấy cảm tình với người bán hàng.
Kinh
nghiệm riêng của chị là cứ mua hàng của người quen mà mình đã tín
nhiệm, giá cả phải chăng, khỏi mất thì giờ, hai bên đều có lợi, lại
tránh được sự giả mạo mà mình có thể lầm, các em ạ.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 48, ra ngày 23-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.