Long
tắt máy xe, mở cửa bước ra ngoài. Trước mặt anh, một ngôi nhà xinh xắn
nép sau khoảng sân rộng, rải rác những bồn hoa. Trong nhà thắp đèn sáng,
nhưng trông lặng lẽ yên tịnh quá!
Long hồi hộp tiến vào sân, sỏi đá rào rạt reo vui theo từng nhịp bước. Anh lẩm bẩm:
- Cảnh vật vẫn như cũ. Nhưng con người có thay đổi chăng đây?
Đến cửa nhà, Long đưa tay lên gõ. Một giọng nói dịu dàng quen thuộc vọng ra:
- Ai đấy? Xin mời vào!
Long vừa bước vào trong, cả gian phòng bỗng rộn lên những tiếng kêu ngạc nhiên mừng rỡ:
- Ủa, anh Long!
- Ồ, cháu!
Một thiếu nữ đang ngồi đọc sách, một ông đang xem báo, một bà đang vá may, tất cả cùng bỏ dở công việc, quay về phía Long.
Anh tươi cười, cảm động:
- Kính chào hai bác. Chào Xuân Lan!
Mời Long ngồi, Xuân Lan, thiếu nữ vui vẻ hỏi:
- Anh về hồi nào? Sao không cho Lan hay trước?
Long cười đáp:
- Tôi mới về ban sáng Xuân Lan ạ. Tôi không cho Lan hay vì muốn dành cho hai bác và Lan sự bất ngờ đấy!
Ông Trần Thành, cha Xuân Lan, nhìn Long, mỉm cười:
Cháu được nghỉ phép nên về đây chơi hở cháu?
- Thưa bác, cháu được thuyên chuyển về đây luôn ạ.
Bà Trần Thành vui vẻ nói:
- Thế thì hay quá! Từ nay ba má cháu không phải buồn vì xa vắng cháu rồi đấy!
- Vâng ạ.
Long đáp. Lòng anh vui nhiều trước sự đón tiếp niềm nở của gia đình Xuân Lan.
Long
và Xuân Lan thân nhau khi cả hai còn đi học. Sau đó Long lên đường nhập
ngũ. Mãi đến nay anh mới về với chức Trung úy và một thân hình dày dạn
phong sương.
Giữa lúc mọi người đang trò chuyện vui vẻ, một cậu trai từ trong bước ra cúi chào Long.
Đó
là một thiếu niên dáng dấp khỏe mạnh, gương mặt sáng sủa, trán rộng,
mũi cao, cằm vuông cương nghị. Nhưng cách ăn mặc của cậu đã làm tan sự
mến thích thoạt tiên của Long với chiếc áo rằn củn cỡn, chiếc quần ống
hẹp bó sát chân, và đôi giầy cao ống mũi nhọn, trông cậu không đứng đắn
tí nào.
Bước lại bên ông bà Trần Thành, thiếu niên nói:
- Con đi chơi một chút nghen ba má?
Nghe thế, Xuân Lan nhíu mày quay sang cậu:
- Hùng à, Sao em cứ đi chơi mãi thế?
- Em đi một chút thôi mà!
Hùng nói, rồi không đợi ông bà Trần Thành cho phép, cậu bước nhanh ra ngoài.
Xuân Lan nhìn theo lắc đầu đoạn hỏi Long:
- Hùng đấy, anh nhận ra nó chứ?
Long gật đầu:
- Vâng. Em ấy chóng lớn quá!
-
Bây giờ nó hư hỏng lắm anh ạ. Tối ngày nó cứ rong chơi chúng bạn, không
chịu học hành cần cố chi hết. Đã thế, có khi nó lại còn gây sự ẩu đả
với người ta nữa chứ! Lan thấy lo cho tương lai của nó quá!
Ông Trần Thành xen vào:
- Cũng tại bà này quá nuông chiều nó đấy cháu ạ!
Bà Trần Thành cãi lại:
- Ông lại đổ lỗi cho tôi! Chính ông cũng không nỡ đánh mắng nó, trách gì ai?
Long trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Nếu hai bác cho phép, cháu xin tìm cách sửa đổi em Hùng thử xem.
Ông Trần Thành mừng rỡ bảo:
- Ồ, được thế bác cám ơn cháu lắm! Nhưng sửa đổi nó bằng cách nào?
- Trước tiên, xin hai bác cho cháu giữ em Hùng ở bên cháu một thời gian.
- Làm sao khiến nó chịu để cho cháu giữ chân nó?
- Việc ấy cháu sẽ tính sau với hai bác ạ.
Xuân Lan bàn góp:
-
Vâng, để nhờ anh Long thử giúp dùm xem sao. Thấy nó hư như vậy gia đình
Lan buồn lắm, song chẳng biết răn dạy thế nào cho nó nghe theo!
Chuyện
trò thăm hỏi một lúc, Long kiếu từ ông bà Trần Thành và Xuân Lan ra về.
Xuân Lan tiễn anh ra cổng. Suốt mấy năm xa cách, giờ gặp lại nhau, đôi
bạn trẻ vui mừng vô hạn.
*
Tối
hôm nay, Long trở lại nhà Xuân Lan để bàn về chuyện đứa em trai của
nàng. Lần này anh đi bộ để được ngắm rõ bộ mặt mới lạ của thành phố thân
yêu.
Gần
nhà Xuân Lan, Long chợt thấy ba bóng người đang đứng ở cạnh hàng rào
nhà nàng. Hai bóng đen khá cao lớn và một bóng đen nhỏ thó hơn, thỉnh
thoảng chỉ trỏ vào nhà rồi cùng chụm đầu vào nhau hình như để bàn bạc
chi đó. Long ngạc nhiên dừng bước, đoạn nép mình vào một thân cây gần
đấy đưa mắt quan sát bọn người kia. Anh bảo thầm:
- Mấy tên này đáng nghi quá. Mình núp chỗ này thử xem chúng định giở trò gì đây?
Một
phút trôi qua, Long thấy chúng lặng lẽ đi đi lại lại có vẻ như nóng nẩy
đợi chờ ai, bỗng tên nhỏ thó kéo hai bạn lại đưa tay chỉ vào nhà, Long
nhìn theo tay: bóng Hùng hiện ngay ở khung cửa cái, và rồi bước ra
ngoài. Long vụt hiểu:
- À, thì ra bọn kia là bạn của Hùng. Chúng ở đấy chờ cậu ta ra để cùng nhập bọn rong chơi đấy mà!
Nhưng
ngay sau đó, Long hết sức ngạc nhiên khi thấy mình đã nghĩ lầm. Trái
với sự dự tưởng của anh, khi Hùng ra đến cổng, ba bóng đen nọ lại vội
nép vào bóng tối, và đợi cho Hùng đi một đỗi, chúng mới dắt nhau bước
theo sau.
- Lạ thật, mình phải theo dõi bọn này mới xong.
Long
nghĩ thầm, đoạn rời chỗ ẩn, quyết đuổi theo chúng. Khi bọn kia đi qua
một ngọn đèn đường, Long nhận ra chúng hãy còn ít tuổi. Song chỉ một tên
nhỏ con, còn hai tên kia lực lưỡng như người lớn. Đến một quãng đường
vắng, ba tên nọ bỗng tiến nhanh tới trước chận Hùng lại. Bị uy hiếp
thình lình, Hùng sợ hãi giật lùi thủ thế. Tên nhỏ thó điểm mặt cậu, giận
dữ nói:
- Hôm trước mày đánh tao, mày phải chết!
Dứt lời y vung tay đấm vào mặt Hùng, Hùng lanh lẹ né tránh, rồi đánh trả lại ngay.
Thấy
bạn yếu thế, một tên to khỏe xông vào tiếp. Hắn hùng hổ, giáng vào đầu
Hùng hai ba nắm tay, khiến cậu nhăn mặt, loạng choạng muốn ngã.
Thấy nguy cho Hùng, Long ở đàng xa chạy bay đến quát to:
- Dừng tay, tên khốn, sao lại xúm đánh một người thế?
Bị cản trở bất ngờ, tên nọ tức giận hỏi:
- Ông là ai mà dám xen vào chuyện chúng tôi?
Tên cao lớn thứ hai vỗ ngực:
- Ông nghe danh Tư Đen, Chín Hổ chứ? Chúng tôi đây ông ạ. Nếu ông muốn yên thân thì hãy tránh đi ngay!
Long cười gằn:
-
Các chú chỉ là một lũ thiếu niên du đãng, ai lại để ý đến tên tuổi làm
gì? Nhưng dù các chú có ghê gớm thế nào đi nữa, tôi cũng không để các
chú tự do hiếp đáp cậu bé này đâu!
Long
vừa dứt lời, thình lình Chín Hổ xòa tay tạt vút vào mặt anh. Long ngã
người ra sau né tránh, hắn lại chồm tới, nhằm cằm anh móc tiếp một quả
đấm thật mạnh. Long nghiêng mình tránh khỏi rồi phải nhảy sang một bên,
vì liền đó, Chín Hổ phóng chân đá vụt vào hông anh thật nguy hiểm.
- Khá lắm, coi đây!
Long
quát và lập tức quật cánh tay vào cổ hắn. Chín Hổ thất kinh hụp đâu
xuống, đánh thốc vào nách Long, định buộc anh phải lùi lại. Nhưng không,
Long chỉ đảo người né tránh, và rồi bắt lấy tay hắn giật mạnh về phía
mình. Mất thăng bằng, Chín Hổ ngã nhào tới để chịu tron cái đạp chỏi vào
hông. Tuy thế Chín Hổ cũng té sập xuống đường. Hắn cố vùng lên, nhưng
rồi nhăn mặt, ôm chỗ đau lảo đảo.
Đứng sau lưng Long, Tư Đen bỗng nhảy tới, nhắm ót anh tống một đấm như búa bổ.
Hùng nãy giờ đứng gần đấy hồi hộp nhìn cuộc ẩu đả, thấy nguy vội la lên:
- Chết anh Long!
Long ngã người tới trước tránh đòn, sẵn trớn đưa luôn nắm tay vào cằm Chín Hổ, đồng thời móc vụt chân trái về phía sau.
- Ối! Hự!
Một
lần nữa, Chín Hổ ngã nhào, Tư Đen cũng dội lại, vì bị gót chân Long
quật đúng ngay về. Hắn ta ôm chân xuýt xoa, xem chừng bước không vững
nữa.
Long điểm mặt hai tên, gằn giọng:
- Tôi tha cho các chú một phen. Lần sau tôi còn thấy các chú đánh người, các chú sẽ biết tay tôi!
Tư Đen, Chín Hổ dắt nhau lầm lũi đi khuất. Long sực hỏi:
- Ủa, còn một đứa nữa đâu?
Hùng đáp:
- Nó đã bỏ trốn từ trước rồi anh ạ.
Long bảo:
- Thôi ta về.
Bước đi bên Long, Hùng hỏi:
- Anh làm sao biết em bị nguy mà đến giúp thế?
- À chuyện đó tôi sẽ nói sau.
- Nếu không có anh chắc em chết với chúng. Tụi này khốn nạn thật! Chúng ỷ đông ăn hiếp em.
Long cười bảo:
- Chẳng lẽ tự dưng chúng lại đánh chú. Chắc chú có gây sự trước với chúng chứ gì?
Hùng lặng thinh, mỉm cười thú nhận.
Đến ngã tư, Long kéo Hùng rẽ sang con đường ngược chiều với đường về nhà cậu. Hùng ngạc nhiên:
- Còn đi đâu anh? Thôi cho em về nhà em anh nhé!
- Không. Bắt đầu từ giờ chú không còn được tự do nữa.
Hùng càng ngạc nhiên, vì biết Long bảo thật qua giọng nói nghiêm trang của anh. Cậu đứng dừng lại:
- Sao thế?
-
Tôi phải giữ chú ở sát bên tôi một thời gian. Thứ nhất để tránh cho chú
sự trả thù của bọn kia. Thứ hai là bắt chú phải rời bỏ việc rong chơi,
hoang phí tiền bạc của cha mẹ lẫn ngày giờ quý báu...
Hùng cau mày:
- Nhưng anh có quyền gì bắt tôi?
- Có chứ. Nhân danh nhà chức trách tôi bắt chú về tội gây rối trật tự công cộng.
- Thế sao mấy tên kia anh lại không bắt?
- Rồi chúng bị nắm cổ sau chú à. Bây giờ chú theo tôi chứ?
Hùng đành bước đi. Cậu đưa mắt hằn học nhìn Long, ban nãy mến phục anh bao nhiêu, giờ thấy giận ghét bấy nhiêu!
*
Chị Xuân Lan thân mến.
Em
bị anh Long bắt giữ đã năm ngày, hôm nay mới được viết thư về ba má và
chị, trước khi theo anh ấy đi chơi xa một chuyến, như lời anh ấy bảo.
Với bức thư này, em chỉ xin kể lại cảnh sống và tâm trạng của mình
trong những ngày đầu ở cạnh anh Long thôi, vì anh ấy nói với em là ở nhà
đã biết rõ nguyên nhân nào khiến em bị lưu giữ rồi.
Chị Lan ạ, như chị biết đó, lâu nay em vốn không thích bị bó buộc. Hẳn chị cũng thấy, chưa ngày nào em ở yên trong nhà?
Ấy
thế mà bây giờ, em phải giam mình suốt ngày đêm trong một gian phòng
thì còn gì khổ sở hơn. Hai hôm đầu chịu cảnh ấy em hết sức tức bực. Dù
miếng ăn, giấc ngủ có được người ta săn sóc chu đáo thật đấy, nhưng bị
cướp mất tự do, em vẫn thấy khó thở vô cùng. Giờ em mới rõ thế nào là
nỗi khổ của một con chim bị nhốt, mới rõ vì sao con chim sống trong lồng
son vẫn âu sầu ủ dột. Rồi em cũng vụt hiểu rằng: Người ta sinh ra ở đời
nếu chỉ biết ăn với ngủ thì cuộc sống thật là vô nghĩa, chán ngấy, chị
nhỉ?
Chị
ơi, do những cảm nghĩ trên, em muốn bỏ trốn nơi này ngay lập tức. Nhưng
làm sao thoát được đây? Phòng em ở chỉ có một cửa sổ song sắt, một cửa
ra vào ban ngày khép kín, ban đêm khóa chặt. Em tự nghĩ là chỉ còn hy
vọng một lúc nào đấy, người ta sơ ý không trông chừng mình, mình mới
trốn ra được mà thôi.
Và
dịp may ấy phải chăng đã đến với em? Trưa ngày thứ ba, em nhận thấy
ngôi nhà trở nên yên vắng lạ! À! Hay mọi người đã mê ngủ hoặc đi khỏi cả
rồi? Ý nghĩ thoát thân lại hiện đến, em rón rén bước lại gõ cồm cộp lên
cửa một lúc. Ồ, vẫn yên lặng! Như vậy em đã đoán không sai chút nào!
Mừng rỡ, em nhẹ nhàng xoay nắm cửa...
Nhưng khi cánh cửa vừa được mở hé, một cái đầu bỗng thò vào cất giọng ồ ồ hỏi:
- Chào cậu bé. Cậu cần gì?
Em
giật nẩy người rồi thất vọng bẽn lẽn quay trở vào trong. Lòng oán ghét
anh Long theo đó lại nổi lên tràn trề trong tâm não, em cảm thấy nóng
ran cả người...
Chị
ạ, khi người ta đã tuyệt vọng rồi, người ta không muốn làm gì nữa, cứ
để mặc cho số mệnh đẩy đưa, phải thế không chị? Đó là tâm trạng của em
trong ngày thứ tư, kể từ lúc bị lâm vòng tù túng.
Suốt ngày em hết nằm lại ngồi, hoặc đọc sách của anh Long trao cho, không muốn lo lắng suy nghĩ chi cho mệt óc.
Nhưng tối hôm ấy, anh Long bỗng bước vào đưa cho em một bộ quần áo đơn giản, và bảo:
- Chú thay mặc vào rồi đi với tôi.
Em lấy làm lạ nhưng cũng lặng lẽ làm theo, đoạn theo anh ấy ra xe.
Xe chạy đến một con đường hẹp mờ mờ ánh đèn đường, thì dừng lại. Anh Long bước xuống, trao cho em một gói giấy:
- Chú ôm hộ tôi gói này. Chúng ta sẽ đi vào con đường hẻm kia.
Đoạn anh khoác vai em, cùng bước đi.
Qua
khỏi con đường hẻm tối như một cái hang, lách giữa hai dãy phố, trước
mặt em là một xóm nhà lụp xụp nghèo nàn. Nơi đây còn tối tăm yên lặng
hơn ngoài đường nữa. Nếu không có những ánh đèn le lói, và những tiếng
khóc của trẻ thơ thỉnh thoảng vang lên, em có thể nói mọi vật hoàn toàn
say ngủ.
Bảo em bước chầm chậm, anh Long hỏi:
- Chú có khi nào bước qua một xóm như đây chưa?
Em đáp gọn:
- Dạ chưa.
- Như thế vào đây chắc chú thấy nhiều sự lạ lắm nhỉ? Như vẻ yên tĩnh đó, chú biết tại sao không?
- Dạ không.
-
Có gì, đây là xóm nhà dân lao động nghèo kém. Vào giờ nầy, một số người
đã ngủ yên để mai còn lo làm việc suốt cả ngày, một số khác lại đi bán
rong ngoài phố. Thế nên nhà mới yên lặng như thế này.
Ngưng một lúc, anh tiếp:
- Họ phải làm việc nhiều như thế nhưng cũng không dư dả chi mấy chú à!
Khi đi ngang qua một ngôi nhà nhỏ hẹp, anh Long kéo em dừng lại:
- Chú hãy nhìn qua cửa sổ kia xem!
Em
làm theo lời anh, và trông thấy một cảnh tượng cảm động. Quanh một
chiếc bàn xiêu vẹo, hai cậu bé ngồi chụm đầu bên cây đèn dầu sáng nhợt
nhạt, chăm chỉ đọc sách viết bài.
Anh Long giải thích:
-
Tôi có quen với hai đứa bé ấy, quen lúc chưa nhập ngũ. Sáng hôm nào
chúng cũng thức sớm đi bán bánh mì, xong mới đến trường học tập. Trưa về
chúng phải giữ đàn em cho má bán chè rong. Chiều đến hai anh em lại
cùng đi bán báo, mãi tới giờ này mới được yên để lo tới bài vở trong lớp
đấy chú ạ.
Đợi em ngắm nhìn một lúc, anh mới bảo:
- Thôi chúng ta rẽ vào nhà đằng kia đi.
Ấy là một nhà dưới quyền anh Long. Ông ta bị bệnh nên anh đến thăm cùng biếu ít quà.
Sau một lúc trò chuyện hỏi han, anh Long và em ra về luôn.
Đêm
hôm ấy nằm nghĩ đến cuộc viếng thăm xóm nghèo vừa qua, nhớ lại những
lời nói của anh Long, em chợt nhận thấy tất cả sự mến thương, tất cả
lòng tốt của anh Long đối với mình. Thì ra anh ấy bắt giữ em chỉ vì muốn
xây dựng, sửa đổi em, chứ nào phải phạt vạ gì như em đã nghĩ...
Thưa
chị, như em đã nói, trên đây là những ngày đầu em sống bên anh Long. Em
còn muốn viết nhiều, nhưng thư đã dài lắm, và em còn phải sửa soạn để
đi xa, vậy em xin dừng bút nơi đây chị nhé.
Hẹn gặp lại ba má và chị vào một ngày rất gần.
Em HÙNG
Qua
năm hôm, sau ngày Xuân Lan nhận được thư em, Hùng bỗng trở về nhà. Ông
bà Trần Thành tỏ ra vui mừng lắm. Vì tuy chỉ xa con hơn một tuần lễ, hai
ông bà đã lo lắng nhiều.
Xuân Lan vui vẻ hỏi em:
- Chà, lại trốn về đấy hở?
Hùng tươi cười:
- Anh Long cho em về chứ!
- Em bảo là đi chơi xa với anh Long, nhưng đi đâu?
- À, anh ấy đã dẫn em ra tận chiến trường hẻo lánh, chị ạ.
Bà Trần Thành ngạc nhiên:
- Ồ, chốn hiểm nguy ấy hai đứa tìm đến làm chi?
Hùng quay sang bà:
- Thưa má, anh Long làm thế vì muốn cho con mục kích cảnh chiến đấu gian khổ của các chiến binh đấy ạ.
Ngừng một chốc Hùng cúi đầu tiếp:
-
Qua những bài học thiết thực của anh Long con cảm thấy hối hận, xấu hổ
vô cùng. Trong khi bao nhiêu người phải làm việc khổ nhọc mới đủ sống,
con sẵn tiền ba má, lại đem tiêu xài vô ích. Trong khi bao người đang xả
thân chiến đấu bảo vệ an ninh cho đồng bào, tất nhiên trong đó có con,
con lại thản nhiên ngày ngày đua đòi thói hư tật xấu của những bạn bè
mất nết...
Nói đến đây, Hùng ngước lên nhìn ba má:
- Xin ba má tha tội cho con, từ nay trở đi con nguyện trở về với bổn phận của mình.
Hai ông bà hết sức sung sướng. Ông Trần Thành vỗ vai con:
- Ba má rất vui lòng và sẵn lòng thứ lỗi cho con!
Đoạn ông quay sang bà:
- Mình mang ơn cậu Long rất nhiều, bà nhỉ?
- Vâng, cậu ấy tài thật!
- Có phải thế không Lan?
Xuân Lan mỉm cười đáp nhỏ:
- Vâng ạ.
VI LÔ
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa Chiếc Áo Màu Thiên Thanh)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.