Một
buổi sáng tháng 8, tại một khu rừng già Phi Châu, tôi vừa ăn xong điểm
tâm một mình, liếc nhìn chung quanh thấy Văn Đạt, bạn tôi, và người mọi
đen vẫn chưa ăn xong bữa ăn sáng, tôi nhíu mày khó chịu, còn An, hắn hãy
còn nằm dài trên tấm nệm, không một ai trong số ba người đó có vẻ để ý
đến công việc, lý do họ phải biết công việc chúng tôi phải làm trong
ngày.
Chúng
tôi được gửi đến khu rừng này để hoàn tất một công tác quan trọng. Văn
Đạt là một chuyên viên Thủy Lâm, hắn biết rất rành về cách sống ở xứ
nhiệt đới này, còn người mọi thì rất khỏe, hắn có thể vác nổi tất cả
những hòm vật dụng của chúng tôi, còn tôi là một kỹ sư và là tổ trưởng,
chúng tôi có nhiệm vụ phải hoàn tất công tác một cách khả quan.
Trong
tuần lễ đầu, cả bốn chúng tôi đều vui vẻ làm việc chung với nhau, rồi
dần dần, vì ảnh hưởng sức nóng của rừng già ở miền nhiệt đới, chúng tôi
trở nên cáu kỉnh, không còn vui vẻ như trước nữa, tình bạn bè thân thiết
mất dần, chúng tôi luôn hằn học và coi nhau như kẻ thù hơn là bạn, lúc
này chúng tôi thường hay cãi nhau và thỉnh thoảng xảy ra vụ xung đột,
sau cùng không ai buồn nói tới ai, ngoại trừ những khi cần thiết, giọng
tôi trở nên gay gắt và nghiêm khắc. Đến bữa ăn, mỗi người ngồi ăn riêng
một chỗ, chỉ về tối, khi màn đêm buông xuống, nằm dài trên chiếc nệm tôi
mới cảm thấy thanh thản và bình tĩnh đôi chút.
Hàng
tuần tôi thường liên lạc với văn phòng tôi bằng máy vô tuyến điện để
báo cáo công việc, thường tôi hay mở đầu bằng câu: "Tất cả đều tốt đẹp"
rồi tôi yêu cầu họ thả thêm đồ tiếp liệu và thực phẩm, kế đó tới giờ tôi
phải liên lạc với cơ quan trung ương, lần này sau khi báo cáo xong kết
quả công việc làm trong tuần, tôi yêu cầu họ phải gửi phi cơ đến đón
chúng tôi về, công việc tuy chưa hoàn tất, nhưng tôi e rằng nếu tình
trạng căng thẳng kéo dài, chỉ cần một câu nói khích đủ làm trở ngại cho
công việc, đủ làm tan vỡ tình bạn bè giữa chúng tôi, nguy hiểm hơn nữa
là có thể xẩy ra đổ máu.
Văn
Đạt và mọi người đã ăn xong bữa điểm tâm khi thấy tôi quở trách An, An
vẫn không nhúc nhích, tôi kêu hắn một lần nữa, rồi lại gần chỗ hắn nằm,
tôi thấy hắn trợn tròn đôi mắt có vẻ kinh sợ tột bực, mặt xám xanh như
tầu lá, nhưng vẫn bất động. Tôi ngừng lại và chăm chú nhìn vào đôi mắt
hắn, môi hắn bắt đầu mấp máy như muốn nói, tôi ghé tai gần miệng hắn để
cố nghe rõ, hắn thều thào nói: "Con rắn" rồi liếc mắt xuống chân ra hiệu
cho tôi nhìn xuống chiếc nệm, tôi thấy một khúc tròn nổi lên dưới lần
vải của chiếc nệm gần chân hắn, tôi lạnh toát cả người, máu như ngừng
chạy. Tôi nhón gót quay lui trở lại vì chỉ một tiếng động nhỏ đủ làm cho
con rắn mổ An. Tới chỗ Văn Đạt và người mọi, tôi thấy hai người đang
kinh ngạc há hốc mồm, tôi ghé tai họ và nói thầm cho họ biết là có một
con rắn đang nằm dưới chân An. Bỗng tôi sực nhớ đến điều mà chúng tôi đã
học trước khi được gửi đến khu rừng này: "Hãy đốt tất cả những bụi rậm
về mùa đông, chặt hạ nó xuống về mùa hạ, vì bụi rậm là nơi trú ẩn hấp
dẫn của các loài vật nhỏ, chim rừng và rắn rết". Chúng tôi đã quên làm
việc đó vì còn mải bận rộn cáu kỉnh và cãi lộn với nhau để đến bây giờ,
kết quả là một con rắn đang nằm dưới chân An và sẵn sàng mổ chết hắn.
Tôi lại nhón gót quay trở lại chỗ An, quan sát kỹ chỗ rắn nằm dưới nệm
để cố đoán xem nó thuộc loại rắn gì? Tất cả chỉ có ba loại rắn độc có
thể mổ chết người trong một phút. Đột nhiên người mọi nói: "Thuốc lá,
khói thuốc lá có thể làm cho rắn bỏ đi". Văn Đạt và tôi giận tím người,
trừng mắt nhìn hắn và chỉ muốn cho hắn vài cái bạt tai, nhưng may mắn
con rắn vẫn nằm yên, tôi rón rén rời xa chỗ An, người mọi thấy tôi giận
thì sợ hãi và ra hiệu bằng mắt tỏ ý hối tiếc là đã lỡ nói to, rồi với bộ
mặt hớn hở, hắn bắt đầu làm điệu bộ giả vờ hút thuốc lá và thở khói ra
đằng mồm, cũng bằng điệu bộ, hắn chỉ xuống đất, vẽ hình chiếc nệm, hắn
khoanh tròn một lỗ nhỏ trên chiếc nệm ra dấu chỉ chúng tôi, chúng tôi
hiểu là hắn muốn nói" "Chúng ta nên khoét một cái lỗ ở trên chiếc nệm,
phun khói vào đó, con rắn sẽ bị sặc khói và chui ra". Có thể là người
mọi đã có lý. Tôi và Văn Đạt quyết định làm theo hắn. Người mọi bắt đầu
lượm những cỏ ẩm chung quanh và vun lại thành một đống rồi nhóm lửa. Văn
Đạt chạy đi kiếm chiếc túi bỏ không mà chúng tôi dùng để đựng những vật
dụng, chúng tôi cần một hay hai chiếc túi hứng khói mang từ đống cỏ ẩm
đến chỗ chiếc nệm, rồi tôi và Văn Đạt rón rén quay trở lại chỗ An, không
dám nói một lời tôi chỉ làm hiệu để cho An biết ý định của chúng tôi,
An theo rõi điệu bộ của tôi để cố tìm hiểu, mắt hắn đảo lên đảo xuống
theo dấu tay của tôi rồi chớp mắt rỏ vẻ đồng ý.
An
biết rất rõ về rắn, hắn đã từng kể cho tôi nghe trong tuần lễ đầu, lúc
chúng tôi còn thân thiện với nhau những câu chuyện về rắn. Tôi cố nhớ
lại những câu chuyện của hắn để tìm cách đối phó. Tôi quan sát kỹ một
lần nữa chỗ rắn nằm để tìm chỗ khoét thủng một lỗ tròn để lùa khói vào,
tôi là người xưa nay không bao giờ chịu cầu nguyện thế mà hôm nay đứng
trước sự nguy hiểm, đứng trước cái chết gần kề của người bạn, tự nhiên
tôi đưa tay làm dấu Chúa và cầu nguyện nhẩm trong mồm. An sẽ chết nếu
tôi khoét nhầm lỗ thủng quan trọng này.
Tôi
cẩn thận và rón rén cắt tròn một lỗ ở chiếc nệm, lỗ tròn vừa đủ cho bàn
tay người đút vào. Văn Đạt ra hiệu cho người mọi đem cái túi đựng đầy
khói lại, tôi nhích lui lại một tí để An có thể trông thấy tay tôi, tôi
ra hiệu cho An biết là khi thấy con rắn trườn ra thì lập tức phải lăn
ngay xuống đất, hắn chớp mắt tỏ ý hiểu vì hắn biết rằng một khi con rắn
bắt đầu trườn ra ngoài, thấy người, thì có thể là nó sẽ lại bò vào trong
nệm hay sẽ mổ hắn. Tôi hướng miệng túi đựng đầy khói sát gần lỗ thủng
vừa khoét và ép miệng túi lại, một ít khói tỏa ra vương quanh miệng túi,
một luồng khói khác dầy đặc lùa vào lỗ thủng rồi tỏa ra ngoài do chiếc
lỗ rách ở gần đầu An, khói bốc nghi ngút quanh mặt hắn, nước mắt hắn ràn
rụa. Bỗng nhiên con rắn dưới nệm hơi cựa quậy, hình dạng của khúc tròn
nổi trên nệm có hơi thay đổi, chúng tôi lại nấp sau một đám bụi rậm,
nhưng rồi khói tan hết con rắn vẫn nằm ở trong đó. Chúng tôi rón rén
bước lại bên cạnh An, tôi ra hiệu hỏi xem là có nên tiếp tục phun khói
nữa không, hắn chớp mắt ra hiệu không. Tôi ước giá tôi có thể lau mặt
cho An, mặt An nhễ nhại mồ hôi vì bị phun khói và phải nằm dưới nắng mặt
trời, cái nắng của một xứ nhiệt đới.
Ta
có nên bắn con rắn không? Nên lắm chứ! Tại sao ta không nghĩ ngay đến
chuyện đó trước? Tôi tự hỏi như vậy trong óc, bằng cử động của tay tôi
ra dấu như muốn cầm súng, ngắm và bắn con rắn, tức khắc mắt An chớp lia
lịa tỏ ý không đồng ý. Tôi chợt hiểu tôi là một thằng ngu xuẩn vì tôi có
biết đầu con rắn nắm chỗ nào mà bắn. Tôi không thể bắn con rắn được vậy
phải làm gì để cứu An bây giờ? Cả ba chúng tôi đã ở bên cạnh An suốt
sáu tiếng đồng hồ và bây giờ mặt trời đã lên cao chiếu ánh nắng gay gắt
xuống chỗ An nằm, may nhờ có tấm vải lều che mưa căng trên chỗ An nằm
nên tránh được một phần nào ánh nắng, nếu không thì chắc An đã bị thiêu
nắng. Bỗng nhiên tôi sực nhớ lại một điều An đã kể cho tôi nghe về rắn:
"Rắn là một con vật thuộc loài máu lạnh, nó sẽ không chịu được nắng nếu ở
ngoài trời, do đó rắn thường ở chỗ bóng rợp, nếu ở ngoài nắng một lúc
lâu độ nửa giờ, ánh nắng chiếu thẳng vào nó sẽ hun nóng nó như một thanh
sắt nung lửa và nó sẽ bị chết". Với điều đó, tôi biết tôi sẽ phải làm
gì để xua đuổi con rắn cứu An, tôi cũng biết rằng việc tôi sắp làm sẽ
làm An đau đớn thêm, nhưng tôi vẫn phải làm vì tính mệnh của An, vì tình
bằng hữu... Tôi ra hiệu cho An biết ý định của tôi. Tôi sẽ tháo chiếc
vải lều ra để cho ánh nắng mặt trời rọi vào chiếc nệm, An lại ra hiệu
bằng mắt tỏ ý tán thành. Bộ mặt ngơ ngác của Văn Đạt và mọi người tỏ ra
là họ không hiểu ý định của tôi nhưng họ vẫn làm theo điều tôi chỉ gỡ bỏ
tấm vải lều xuống. Ánh nắng gay gắt của mặt trời giữa trưa chiếu thẳng
xuống người An và chiếc nệm, trông An lúc này như đã chết, đôi mắt nhắm
nghiền để tránh nắng, mặt tái mét, Văn Đạt và người mọi đang lâm râm cầu
nguyện. Con rắn hơi cựa quậy, tôi hy vọng rằng ánh nắng mặt trời sẽ đem
lại kết quả như ý muốn, nhanh chân chúng tôi chạy lại núp bên một bụi
rậm và quan sát, Văn Đạt nâng sẵn nòng súng ngang tầm mắt chờ đợi. Khúc
tròn trong tấm nệm bắt đầu di động và đổi hình dạng, mới đầu thì tròn,
sau nhô lên cao, rồi chuyển thành dài và thấp, kế đó nó hơi nhích về
đằng trước gần phía cổ An, rồi một cái đầu sần sùi và thô kệch xuất hiện
ở gần cổ An, cái đầu quay về đầu An, ngừng lại vài giây, kế đến một cái
thân dài màu nâu sậm trườn ra khỏi tấm nệm, bò qua mặt An, rồi lần
xuống đất bò về phía bụi rậm. Văn Đạt vội nổ súng trúng ngay đầu rắn,
con rắn chết ngay lập tức, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm sung sướng chạy
lại chỗ An đỡ An dậy, dìu hắn rời khỏi tấm nệm đến chỗ bóng rợp, cho hắn
uống nước lạnh và đặt nằm trên võng.
An
nhắm mắt ngủ thiếp đi, trong lúc An ngủ, tôi, Văn Đạt và người mọi đốn
những bụi rậm chung quanh, lúc này chúng tôi đã hết hận thù nhau và đều
vui vẻ sát cánh làm việc bên nhau, vừa làm vừa nói chuyện, đôi khi còn
pha trò để gây hứng thú, chúng tôi đã trở lại tình bạn thân thiết như
hồi tuần lễ đầu, không còn đố kỵ lẫn ganh ghét ám ảnh nữa.
Sáng
hôm sau, An kể cho chúng tôi nghe: "Con rắn đã chui vào tấm nệm của An
trước khi hắn đi ngủ. Khi đặt mình nằm, chạm phải con rắn, tuy kinh sợ
nhưng hắn không dám động đậy vì sợ rắn mổ, hắn phải nằm im chịu trận cho
đến khi tôi gọi hắn và thời gian lúc đó đối với hắn dài như hàng thế
kỷ.
An
từ chối không chịu nghỉ dưỡng sức thêm, hắn quả quyết là hắn đủ sức làm
việc. An làm việc bên cạnh tôi cho tới tối thì chúng tôi nghỉ tay. Tôi
trở về chỗ, lấy chiếc máy vô tuyến điện ra liên lạc với cơ quan của tôi.
Bây giờ tôi không còn cần phi cơ đến đón chúng tôi về nữa, cả bốn chúng
tôi đều muốn ở lại khu rừng này để cùng nhau vui vẻ làm việc cho đến
khi hoàn tất công tác, tôi chỉ yêu cầu phi cơ chở thêm đồ tiếp tế để
chúng tôi có đủ phương tiện hoàn thành sứ mạng, lần này cũng như mọi lần
trước, tôi vẫn mở đầu cuộc điện đàm bằng câu: "Tất cả đều tốt đẹp"
nhưng với giọng chân thành hơn phát ra tự đáy lòng.
VĂN VIỆT
Phỏng dịch theo truyện
"Death waits in a sleeping bag"
đăng trong tạp chí Reader's Digest
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 32, ra ngày 2-4-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.