Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

TRONG NỖI BUỒN HOA MƠ - Trần Quang Thiếu

 
 
Bụi bay mờ chân mắt
Ta đọc kinh mừng người
Khu vườn cây che khuất
Không còn ai thấy ai

Hái chùm nho rất mộng
Cắn trên môi chan hòa
Chảy âm thanh lồng lộng
Cuống họng ngọt cần sa

Đàn kiến vàng di động
Trên nhành cây rất cao
Trái vàng da huyễn mộng
Thấy thèm như lúc đầu

Em giấu mặt trong tối
Đời sỏi sạn phong ba
Nhìn cuộc chơi mời gọi
Lắc đầu mai giã từ

Như nhánh hoa buổi sáng
Hớp mưa sương nuôi mình
Xin đến lần lai vãng
Giữa rừng tơ ngọn ngành.

                     TRẦN QUANG THIẾU

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 15, ra ngày 5-12-1971)



Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

GẤU, CÁO VÀ HŨ MẬT - Nguyễn Đình Toàn

 
 
Ngày xưa có một con Gấu và một con Cáo.
 
Mỗi con sống trong căn nhà riêng xinh xắn của mình.
 
Gấu vốn tham ăn và biết lo xa nên đã để dành một hũ mật trong vựa trên trần nhà phía ngoài của mình.
 
Cáo cũng tham ăn, và muốn ăn hũ mật của Gấu.
 
- Làm cách nào - Cáo nghĩ - làm cách nào vào được trong nhà Gấu đây?
 
Một chiều kia, Cáo đến nhà Gấu, gõ cửa.
 
- Cốc! Cốc!
 
Nghe tiếng gõ cửa, Gấu hỏi:
 
- Ai đó?
 
Tôi đây - Cáo nói - tôi là hàng xóm của bác đây... Tôi đang gặp phải chuyện phiền quá...
 
- Chuyện gì vậy bác Cáo? - Gấu hỏi.
 
- Gió làm tung mất một mảnh mái nhà tôi, tôi bị lạnh quá. Bác có thể cho tôi ngủ nhờ một đêm không? - Cáo hỏi.
 
- Được mà, bác Cáo. Mời bác vào trong này cho ấm.
 
Cáo bước vào và nằm dài cạnh Gấu.
 
Cái đuôi của nó quật qua, quật lại. Nó suy nghĩ, mưu tính. Làm sao leo lên vựa đây? 

Gấu không chút nghi ngờ, nằm kê mõm lên hai chân trước tiếp tục ngủ.

- Cốc! Cốc! Cáo dùng cái đuôi của nó đập xuống sàn nhà.

- Ai đấy, ông bạn? - Gấu hỏi - Ai gõ cửa đấy?

- Các bạn tôi họ đến rủ tôi đi lễ rửa tội cho con họ đấy - Cáo đáp.

- Vậy bác đi đi - Gấu nói và ngủ lại.

Cáo đi ra trèo lên mò hũ mật ăn một hơi, rồi trở lại nằm cạnh Gấu.

- Sao bác, làm lễ xong rồi hả? Bác đặt tên đứa nhỏ là gì vậy?

- Phần-Tư-Hũ - Cáo đáp.

- Một cái tên kỳ cục - Gấu lầm bầm - nhưng nghĩ cho cùng đặt tên gì mà chẳng được?

Đêm hôm sau hai con vật lại ngủ chung với nhau.

Cáo lại vẫy đuôi đập xuống đất. Cốc! Cốc!

- Bác Gấu, bác Gấu à, các bạn tôi lại đến kiếm tôi đi làm lễ rửa tội cho một đứa trẻ khác...

- Đi đi, bác Cáo, bác đi đi - Gấu đáp.

Cáo lại mò lên vựa của Gấu, ăn nửa hũ mật rồi trở về ngủ.

- Này bác, sao, lần này bác đặt tên nó là gì vậy?
 
- Lưng Hũ - Cáo đáp. 

- Lưng Hũ? Lại thêm một cái tên kỳ cục nữa... Nhưng nghĩ cho cùng, đặt tên gì mà chẳng được - Gấu lẩm bẩm.

Và nó ngủ lại.

Đêm thứ ba, Cáo lại dùng cái đuôi của mình gõ xuống đất.

- Bác Gấu, bác Gấu, các bạn tôi lại tới kêu tôi đi dự lễ rửa tội nữa.

- Vậy hả? Bác đi đi - Gấu nói - Nhưng đừng ở lại lâu nghe. Tôi định làm một ít bánh mật.

- Ồ! Thế thì tôi về ngay tức khắc sau khi xong việc - Cáo nói.

Cáo chạy ra, leo lên vựa, ăn sạch hũ mật, liếm hết từ trên thành xuống đáy hũ, rồi trở về nằm cạnh Gấu.

- Sao? - Gấu hỏi - Đặt tên đứa trẻ thứ ba là gì vậy?

- Trần Đáy Hũ.

- Trần Đáy Hũ? Quả thật bác và các bạn đã kiếm ra toàn những cái tên kỳ quặc... Dầu sao cái tên sau này cũng có vẻ đẹp hơn những cái tên kia. Nào, bác hãy giúp tôi nhào bột, đổ thêm một ít sữa vào coi.

Lát sau bột đã sẵn sàng.

- Bác có mật đấy chứ, bác Gấu? - Cáo hỏi.

- Có - Gấu nói - đầy một hũ lận.

- Đâu vậy cà? - Cáo hỏi một cách ngây thơ.

- Trong vựa - Gấu nói - Bác đợi một chút, để tôi đi lấy.

Gấu leo lên vựa.

- Ôi! - Gấu khụt khịt kêu lên ngạc nhiên - Không còn một giọt nào trong hũ cả. A! Ai đã ăn mất cả. Chính cha đã ăn hết hũ mật của ta cha Cáo. Nếu không phải cha thì ai vào đây nữa.

- Kìa, bác Gấu - Cáo đáp - Bác biết là tôi có trông thấy nó ở đâu đâu mà bảo tôi ăn. Chính bác đã ăn hết thì có! Bác đã ăn hết nhưng bác lại quên đi!

Gấu gãi đầu, gãi tai, thử cố nhớ lại xem sao! Ta đã ăn hết hũ mật thật chăng? Gấu suy nghĩ...

- Được rồi, trong chốc lát chúng ta sẽ biết thực hư. Bây giờ tôi với bác, cả hai cùng ra ngoài phơi nắng, kẻ nào có mật chảy ra ở bụng, thì chính kẻ đó đã ăn hũ mật.

- Được rồi! - Cáo nói.

Cả hai cùng ra nằm phơi bụng dưới nắng.

Gấu ngủ mất. Nhưng Cáo cẩn thận thức để canh chừng cái bụng của mình.

Dưới hơi nóng của mặt trời, một giọt, hai giọt rồi ba giọt mật thấm ra ngoài đám lông bụng Cáo.

Cáo, nhanh như chớp, vét những giọt mật này trét lên bụng Gấu.

- Này, này bác Gấu - Cáo vừa kêu vừa lay Gấu dậy - Bác thử nhìn coi ai đã ăn mật. Bác hay tôi?

Gấu thức dậy và nhìn thấy đám lông bụng mình ướt dính.

- A, thế này thì chắc tôi là kẻ đã ăn hũ mật rồi... Nhưng dầu sao, ăn cả một hũ mật mà tôi không nhớ một tí gì...

- Bác đã ăn trong lúc ngủ - Cáo nói - Thật đáng tiếc cho lứa bánh...


NGUYỄN ĐÌNH TOÀN      

(Trích tuần báo Mây Hồng số 3)

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

HỤT CHÂN - Tỉ Tê

 

Hôm nay chủ nhật, chả có đi học, ở nhà bé đem Ly Ly ra thắt bính và may đồ cho nó. Con búp bê nầy bé cưng ghê lắm! Ba mua cho bé hồi bé còn học lớp ba cơ! Đến nay là một năm rồi mà Ly Ly hãy còn đẹp và xinh ra phết! Chả bù với con Mi Mi của cái Lan bên cạnh nhà bé. Eo ơi! Con búp bê mới mua hôm đầu tháng mà bây giờ mặt mũi đã lem luốc, tóc tai bù xù, bé nghĩ có lẽ trên đầu của Mi Mi có nhiều chí lắm nhỉ! Vì mẹ thường bảo với bé phải chải đầu cho gọn ghẽ nếu để tóc rối bù như Mi Mi chí sẽ làm ổ trên đầu, và tối bé ngủ chúng nó sẽ lôi bé xuống sông! Ý ạ, nghĩ đến đây bé phải rùng mình vì sợ hãi...

Đang chăm chỉ săn sóc Ly Ly bỗng bé nghe tiếng xe vélo của anh Dũng dừng trước cửa, đột nhiên bé nhớ lại hồi sáng trước khi đi anh Dũng có dặn bé ở nhà phải thuộc bài Địa Lý, thế mà bé quên hẳn đi, chết chưa một chốc anh ấy vào trả bài rồi làm sao? Thế là bé vội vàng cất Ly Ly vào tủ và lấy bài ra lẩm nhẩm đọc, vừa đọc bé vừa liếc chừng ra cửa xem anh Dũng đã vào chưa, có tiếng chân anh ấy đi lần vào, bé sợ bấn người lên, cố lấy hết giọng đọc to, làm như đang chăm chỉ học bài ghê lắm:

- Nước Việt Nam. - Nước Việt Nam hình cong như chữ X.

Anh Dũng bước vào nhìn thấy bé toan gật đầu hài lòng nhưng cái đầu chưa kịp gật xuống miệng anh đã hét to:

- Ơ hay! Con bé! Đọc cái gì thế nhỉ! Nước Việt Nam làm sao hình cong như chữ X được hở?

Giọng hét của anh và sự sợ hãi làm bé giật nẩy mình lên, thôi chết rồi. Vì quính quá bé đã lỡ dại đọc chữ S thành chữ X, thật nguy to... nhưng anh Dũng đã không đợi bé suy nghĩ lâu dài, anh í tiến lại gần bé "từng bước từng bước thầm" và oai nghiêm bảo:

- Trả bài cho anh nhanh lên!

Miệng bé không có gì nhai mà hai hàm răng vẫn đánh nhau nghe lập cập:

- Nước Việt Nam hình cong như chữ S, dài... dài...

Bé ấp úng tìm con số để điền vào nhưng tìm mãi vẫn không ra. Anh Dũng lại hét:

- Dài bao nhiêu?

Bé mếu máo:

- Bao nhiêu bé cũng... hổng biết nữa!

- Hồi sáng bé làm gì không học bài?

Bé nhìn anh lí nhí:

- Bé bận thắt bính cho Ly Ly.

Trả lời xong bé ngồi im chờ đợi phản ứng của anh Dũng, nhưng anh ấy lại dịu dàng bảo:

- Tiếc ghê, lúc nãy anh có mua một hộp kẹo định về thưởng bé nhưng bây giờ bé không thuộc bài, anh đành để đây vậy.

Nói xong anh Dũng khoan thai tiến lại đầu tủ đặt hộp kẹo lên rồi "tà tà" bước ra nhà sau trước cặp mắt đầy ngạc nhiên của bé.

Anh Dũng đi rồi bé trở lại cố gắng học thuộc bài Địa Lý dài kinh khủng nầy, mọi khi bé chỉ đọc chừng năm sáu lần là hơi thuộc, thế mà hôm nay bé đọc cả chục lần rồi mà vẫn không nhớ chi hết. Những dòng chữ trước mắt như nhảy múa làm bé nhức đầu, trong óc bé hiện giờ chỉ có những viên kẹo tròn thơm ngon nằm trên đầu tủ. Cuối cùng bé tự nhủ: "Anh Dũng mua về là để cho mình, vậy mình thưởng thức trước một viên rồi học thuộc bài sau cũng chưa muộn!" Nhưng khi nhìn lại cái tủ thì than ôi! Sao nó cao đến thế nhỉ? Bé đành đứng nhìn hộp kẹo nuốt nước bọt thở dài. Bỗng bé nhìn thấy cái ghế tròn ba chân nằm ở góc nhà. Một ý nghĩ thoáng qua, bé vội khệ nệ khiêng cái ghế lại gần góc tủ, rồi nhẹ nhàng trèo lên ghế, bé vói tay lên đầu tủ nhưng hộp kẹo vẫn còn ở tít mãi phía bên trong. Thế là bé phải nhón chân lên, một tay bấu chặt vào mép tủ, tay kia vói lấy hộp kẹo. Bỗng bé hụt chân làm cái ghế ngã xuống đất kêu lên một tiếng rầm, bé hết hồn nhìn xuống, úi giời! Bé cảm thấy như mình đang lơ lửng trên cao, nhờ hai tay bám lấy cạnh đầu tủ nên bé không rơi tòm xuống đất, bé sợ quá muốn buông hai tay nhưng lại ngại gẫy tay hay trật chân như hôm nào mẹ bảo thì làm sao! Mà cứ bám ở đây mãi thì cũng không được, hai tay bé đã bắt đầu mỏi nhừ. Bé nhớ hôm nào mẹ bảo có một con chuột trèo lên đầu tủ chui qua nhà bà Hai, bi giờ nếu nó trở lại và bò lên tay bé thì... Trời ơi! Nghĩ đến đây gai ốc đã mọc cùng mình bé, bé nghe có cái gì nhột nhột trên tay, chết rồi, con chuột nó đã bò lên tay bé, sợ quá bé hét to:

- Mẹ ơi! Cứu con với, con chuột, mẹ ơi!

Mẹ ở sau bếp nghe tiếng bé la vội chạy lên, vừa mở cửa mẹ đã kêu lên:

- Chết! Sao bé lại nghịch thế?

Nói xong mẹ chạy đến bồng bé xuống, lúc bấy giờ anh Dũng đang đứng sau lưng mẹ chợt phá lên cười nắc nẻ như ma "cù lét". Mẹ nhìn anh ngơ ngác:

- Ơ hay, làm gì mà con cười dữ vậy?

Anh Dũng cố nín cười rồi bảo:

- Mẹ biết tại sao bé Ti bị treo tòn teng thế kia không? Ban sáng con đi chơi có mua một hộp kẹo định về thưởng cho bé, nhưng chẳng may bé không thuộc bài nên con để trên đầu tủ, đợi bé học xong sẽ cho, có lẽ cô nương chịu nhịn thèm không nổi bắc ghế trèo lên thưởng thức không may hụt chân và... cô í bị treo như khỉ thế kia! Trông đẹp ghê!

Nói xong anh ấy lại ôm bụng cười, trong khi mẹ nghiêm mặt bảo:

- Bé Ti, lại đây mẹ bảo, ăn lén đã là xấu lắm rồi, con còn cãi lời mẹ trèo lên ghế cao như thế kia, rủi ro té gẫy chân làm sao, từ nay chừa nhé!

Bé rươm rướm nước mắt cúi đầu dạ nhỏ trong khi tiếng cười của anh Dũng vẫn vang bên tai.


TỈ TÊ          

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 96, ra ngày 15-10-1968)
 
 

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

ĐẤT THÁNH - Kiều Đoan Trang

 
 
tặng Tuyết Nga

Một chiều mây đan tóc cỏ.
Núi đồi bừng giấc hoan ca
Chim muông lao xao xây tổ
Địa đàng bỗng đẹp kiêu sa.
 
Hoa nắng thướt tha đan áo
Trăng vàng mở hội hoa đăng
Mây trời chợt ngưng đôi cánh
Nhìn em thơ ước sao băng
 
Một chiều mây giăng nắng lụa.
Địa đàng thôi hết gió mưa.
Mùa xuân sáng ngời ánh biếc
Tuổi thơ cười hát say sưa
 
Chiều nào mây xám buông trôi
Trời xanh phớt áng mây hồng
Gió ngàn miên man hòa tấu
Tinh cầu thần thánh lên ngôi
 
Chiều nào hương lúa thênh thang
Mùa thu thêu ánh trăng vàng
Bướm hoa xôn xao vờn nắng
Lời cầu kinh thánh âm vang.
 
                           KIỀU ĐOAN TRANG
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 116, ra ngày 15-10-1969)


Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

TÌM VỀ - Thơ Thơ

 
  
 Tôi đi tìm lại đường quê
Gập ghềnh trâu dẫm lối về đơm hoa
 
Thoáng hương dìu dịu thoảng qua 
Ấu thơ trốn ngủ bên hè giấc trưa
 
Lục bình tim tím đơn sơ
Xanh xanh thiên lý, giậu thưa mướp vàng
 
Tôi về tìm lại thời gian 
Tháng ngày xanh thắm miên man nẻo đời
 
Lững lờ giòng nước trôi xuôi
Trời cao mây xám chân đồi giăng giăng 
 
Tôi tìm kỷ niệm phù vân
Hiện về từ cõi xa xăm một thời
 
Tôi về tìm thuở rong chơi
Áo nâu, chân đất mắt ngời ngây thơ 
 
Tìm tôi đứa trẻ dại khờ 
Và tìm một nét ngu ngơ thuở nào
 
Ngước tìm thêm ánh trăng sao
Ấu thơ yêu dấu nhiệm màu nào quên
 

                                                     Thơ Thơ 
                                         (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

ĐỔI KIẾP - Nguyễn văn Nghệ

 Minh ngồi dựa ngửa trên bành, khó chịu trong cái yên lặng buồn chán. Nhà anh nằm trong vùng Phú Thọ, ở vào khu yên tĩnh nhất, xung quanh nhà lại có sân rộng, vì thế mọi tiếng động nhộn nhàng gần như chìm lắng hẳn.

Với lấy cuốn tiểu thuyết trên bàn, giở đọc một đoạn, Minh lại quăng trả về chỗ cũ, che miệng ngáp dài, ngẩng nhìn lên đồng hồ treo lẩm bẩm:

- Không biết ông bà đi đâu mà lâu thế? Gần mười giờ rồi!

Trả lời anh, chỉ có "tích tắc" khô khan của chiếc đồng hồ, và tiếng con thằn lằn chặc lưỡi đâu đây. Minh buồn ngủ ghê lắm, song anh không thể đi ngủ ngay được. Nhà chỉ còn một mình anh: Ông già bà gia đi thăm một người bà con bệnh. Chị ở thì xin đi xem hát cải lương. Anh phải cố thức đợi mọi người về.

Đồng hồ vừa đổ mười tiếng, Minh cũng vừa nghe có tiếng động cơ xe hơi từ xa chạy đến gần, rồi dừng lại trước cổng. Anh mỉm cười, đứng dậy bước ra ngoài:

- Dữ hôn! Sao hổng ở luôn nơi nhà người ta?

Chừng đến bậc thềm, Minh chưng hửng đứng dừng lại. Hai bóng người vừa xô cửa cổng đi vào không phải là ông bà Trần Vũ, ba má Minh như anh tưởng, lại là hai ngươi đàn ông ăn mặc rất lạ: Bấy giờ trời đang tạnh ráo, nhưng họ đều khoác áo làm cho thân hình thêm cao lớn duềnh doàng, đầu lại đội nón sùm sụp che khuất trán. Trông hai người nọ đầy vẻ bí mật. Khách nào lại viếng nhà giờ nầy đây? Họ song song tiến đến gần, Minh vẫn không nhận rõ lạ hay quen. Dường như họ cố giấu mặt. Anh hỏi:

- Thưa, các ông định kiếm ai?

Không đáp, một người vụt đưa đèn bấm rọi vào mặt anh. Bực dọc trước cử chỉ đó, anh gắt:

- Các ông là ai?

Người kia cất giọng khàn khàn hỏi lại:

- Có ông bà ở nhà không?

- Ba má tôi đều đi vắng, hai ông kiếm có chuyện gì?

- Tốt lắm! Chúng tôi không kiếm ông bà, chỉ đến mời cậu đi thôi.

Minh ngạc nhiên:

- Đi theo các ông à? Để chi?

- Rồi sẽ biết!

Minh nói lớn, giọng hơi run:

- Nhưng tôi không đi.

- Cậu phải đi.

- Hai ông lấy quyền gì bắt tôi?

- Cậu hãy nói nhỏ một chút. Lớn tiếng như vậy hàng xóm không nghe đâu, còn có hại cho cậu nữa.

Minh lùi lại, la lớn hơn:

- Đi ra. Các ông có quyền gì làm thế?

Một trong hai người lạ giận dữ bước tới, quát khẽ:

- Im. Chúng tôi không có quyền, nhưng, cái nầy nó có quyền.


Minh kêu lên một tiếng kinh sợ, khi nhận ra "cái nầy" trong tay y là một khẩu súng đen ngòm. Trong giây phút đó, anh rùng mình nghĩ đến những  vụ bắt cóc tống tiền, những vụ ám sát thủ tiêu ghê gớm đã từng nghe. Anh cũng chợt nhớ ra những hành động phi thường của các tay võ hiệp trong tiểu thuyết: Hãy bình tĩnh một chút, thình lình ngã người ra đằng sau, móc vụt chân vào tay cầm súng của địch thủ, đoạn nhanh như chớp bật dậy, đấm bồi vào cằm hắn một quả như trời giáng... Minh bảo thầm như vậy, nhưng không dám thi hành, vì anh chẳng bình tĩnh chút nào, lại tự biết mình không sao làm được vậy đối với hai gã to lớn thế kia.

Anh chưa kịp có phản ứng thì người đàn ông thứ hai đã nhảy tới, nắm hai tay anh kéo quặt ra đằng sau, rút dây trói nghiến lại. Tiếp theo, cả hai mắt anh cũng bị bịt kín bằng một mảnh vải đen dày. Đoạn, gã cầm súng lạnh lùng hỏi:

- Sao? Bây giờ cậu bằng lòng theo chúng tôi chứ? Đừng chống cự hay la ó chi. Cậu hó hé một chút, những viên đạn trong nòng súng này sẽ ghim vào đầu ngay đấy.

Giọng nói dữ dằn chắc chắn, Minh nghe mà rợn cả người, trong lòng sợ hãi đến tột độ. Liền đó, anh bị dẫn ra đường, đẩy vào một chiếc xe, bắt nằm co dưới sàn trói chặt luôn cả hai chân. Xe rồ máy, phóng chạy. Lúc quanh cua ở đầu đường, hình như nó suýt đâm vào một chiếc khác đang quẹo ngược chiều.

Minh nghe có tiếng càu nhàu bên xe kia, giọng rất quen. Thật thế, xe đó chính là xe của ông bà Trần Vũ. Hai ông bà đã về trễ một chút!

Chiếc xe bắt cóc Minh thay vì chạy đến một vùng vắng vẻ như anh tưởng, lại tiến vào Saigon. Minh đoán chắc như vậy, vì càng lúc càng nghe rộn tiếng xe cộ, và chiếc xe chở mình cứ ngừng lại luôn, có lẽ vì gặp đèn đỏ. Sau mỗi lần ngừng, nó lại chạy như bay. Anh mong sao nó sẽ phạm nhầm một lỗi nào đấy để bị cảnh sát bắt lại, và mình được giải thoát. Bằng không nó gây ra một tai nạn cũng hay. Nếu chuyện ấy xảy ra, chắc anh cũng không tránh khỏi bị thương tích. Song chẳng thà như vậy để được người ta khám phá ra mình còn hơn là bị bọn người nầy bắt đi, không biết đưa đến nơi nào, rồi sẽ ra sao? Nhưng, cả hai điều mong mỏi đều không có. Minh thất vọng nhận thấy chiếc xe cứ bình yên rời khỏi thành phố. Những tiếng động ồn ào ngớt dần. Xe tăng tốc độ, lướt chạy vun vút. Thì ra bọn gian sắp đưa Minh tới một vùng khá xa, và muốn đến đó phải đi ngang Saigon. 

Không còn hy vọng được giải cứu chi nữa Minh vô cùng buồn bã.

Minh nghĩ đến ba má, không rõ lúc nầy hai ông bà đang làm gì, về nhà thấy mình biến mất, có chạy đi kiếm chăng, hay lại trách mình dám bỏ nhà rong chơi đâu đó? Nghĩ quanh quẩn một lúc, anh mệt mỏi mê thiếp đi. Trong lúc ấy, chiếc xe quái quỉ vẫn gầm rú phóng mình chạy bon bon trong đêm tối.

*

Minh thấy anh bị bọn người bắt cóc dẫn đến một nơi thật hoang vắng, và trói chặt vào một thân cây. Rồi một tên cầm dao sáng quắc, thẳng cánh đâm vút vào ngực mình. Anh la lên một tiếng, giật mình thức giấc. Khi biết đấy chỉ là một giấc mơ, anh thở phào, mừng như thoát nạn thật. Song liền đó, nhớ đến chuyện ghê gớm có thật vừa qua, anh lại lo lắng. Ngồi bật dậy, anh xem thử mình đang ở đâu.

Bấy giờ trời đã sáng. Minh ngạc nhiên nhận ra anh không bị trói buộc chi cả, mình lại mặc một bộ đồ đen cũ, và đang ở trong phòng của một ngôi nhà lá. Nghe tiếng gà gáy rộ bên hè, tiếng chim ríu rít trên cao vang rõ trong bầu không khí tĩnh mịch, anh đoán chắc ở đây thuộc vùng quê rồi. Anh vừa định rời bộ vạt tre, thì cửa phòng bật mở, một người đàn ông đứng tuổi bước vào. Ông ta hỏi:

- À, con đã tỉnh đấy hả? Suốt đêm con mớ hoài khiến ba lo quá.

Ngỡ mình nghe không rõ, Minh hỏi lại:

- Ông nói chi? Ông gọi ai là con, và xưng ba với ai vậy? Ông có lầm chăng?

Ông nọ lộ vẻ sửng sốt:

- Sao con hỏi thế? Con là con của ba, ba lầm thế nào được?

Minh cau mày:

- Xin ông hãy nhìn kỹ lại. Tôi có phải là con của ông đâu?

Người đàn ông vụt tiến đến nắm vai anh trân trối nhìn mặt. Anh tưởng sau đó ông ta sẽ gật đầu, công nhận đã mình lầm. Nhưng không, ông nói:

- Minh, không lẽ con lãng trí rồi! Ba đây mà, con chẳng nhận ra sao?

Minh chợt nổi giận. Anh hất tay ông ta quát lớn:

- Ai là con của ông? Các ông bắt cóc tôi đưa đến đây, rồi còn giở trò gì nữa?

Người đàn ông hoảng hốt lùi lại cửa ngoảnh ra ngoài gọi to:

- Má nó ơi, hãy vào mà xem. Thằng Minh nó không nhận tôi là ba nó nè!

Có tiếng chân đi vội đến, rồi một người đàn bà và một cô gái theo nhau vào phòng. Bà lo lắng hỏi:

- Sao vậy Minh? Ba con đây mà... Con có thấy khó chịu trong người không? Để má đi gọi thầy Sáu lại coi mạch hốt thuốc cho con nhé.

Minh trợn mắt:

- Cả bà nữa, bà là ai mà lại xưng má với tôi chứ?

Bà ta chưa biết nói sao thì cô gái đã tươi cười bước lại gần anh:

- Còn em, chẳng lẽ anh cũng không biết?

Minh lắc đầu:

- Tôi chưa gặp cô bao giờ.

Cô gái cất tiếng cười trong trẻo, quay sang nói với hai ông bà kia:

- Ba má đừng trách ảnh làm gì. Ảnh bị ma hớp hồn rồi, có còn nhớ chi đâu. Mình nên chạy đi rước thầy pháp về cúng vái mới xong đó.

Minh nhảy tới nắm tay cô lắc mạnh:

- Cô bảo tôi điên? Không, tôi không điên đâu. Chính vì thế tôi không thể nào chịu được trước những hành động kỳ dị của các người.

Cô gái nhăn mặt, kêu lên:

- Ái da!... Điên hay không thây kệ anh, làm gì siết tay người ta đau thấy mồ vậy?

Minh vội buông tay. Nhớ ra cử chỉ đó thô bạo thật, anh hơi hối hận và thẹn thùa. Để khỏa lấp, anh sấn lại phía cửa hỏi lớn:

- Bây giờ các người chịu buông thả tôi ra chứ? Nếu để tôi được tự do trở về nhà, tôi sẽ bỏ qua mọi chuyện. Bằng không, sớm muộn gì ba má tôi cũng tìm đến, hoặc tôi sẽ trốn thoát khỏi nơi nầy. Chừng ấy các người đừng hòng yên thân.

Người đàn ông vỗ vai anh, nói như khuyên một người bệnh:

- Con hãy lại vạt nằm nghỉ. Lớn tiếng như vậy thêm mệt.

Minh càng gào to:

- Tại sao ông không cho tôi nói lớn? Phải rồi, nếu tôi nói lớn hàng xóm nghe tiếng sẽ kéo tới xem, và việc làm của ông bị bại lộ chứ gì?

Anh vừa dứt lời, bên ngoài cũng vừa có tiếng hỏi:

- Chuyện gì om sòm thế anh Năm, chị Năm?

Người đàn ông vội bước ra ngoài. Kế đó Minh nghe ông ta nói:

- Khổ quá chú Tám à! Thằng nhỏ nhà tôi sáng nay bỗng nhiên nổi khùng, nói toàn những chuyện đâu đâu, và la ó rùm trời đó.

Người kia hỏi:

- Thằng nhỏ nào vậy?

- Thì con tôi chớ đứa nào.

- Ủa, anh có một đứa con trai nữa hả? Lạ quá, sao bao lâu nay tôi không biết cà? Tôi tưởng anh chỉ có một đứa con gái độc nhất thôi chớ... Đâu để tôi vào xem mặt nó coi.

- Ấy chết, không nên đâu chú Tám. Nó nổi điên lên nên hung tợn lắm. Chú vào thăm, rủi nó làm dữ thì nguy đa.

- Không sao, tôi sẽ đề phòng.

Nghe đến đấy, Minh hết sức mừng rỡ. Đã có người để ý đến anh. Anh sẽ trình bày tất cả sự thật cho người ta rõ, và rồi... thoát nạn! Anh bình tĩnh trở lại, im lặng đứng chờ. Người được gọi là chú Tám vừa theo chủ nhà vào phòng, anh liền tiến lại cúi chào, lễ phép nói:

- Thưa chú, xin chú chớ tin lời ông nầy. Ổng nói dóc. Cháu không phải là con của ổng, và cũng không có khùng điên chi cả. Ổng âm mưu bắt cóc cháu, rồi vờ nhận cháu làm con để tránh sự nghi ngờ của mọi người đấy.


Minh cứ đinh ninh rằng, sau khi nghe anh thưa rõ như vậy, chú Tám nọ sẽ quay sang chất vấn chủ nhà cho ra lẽ. Dè đâu chú bỗng lùi bước, gục gặc, nói một câu thương hại:

- Anh Năm bảo đúng, cháu nó không được tỉnh trí thật. Tội nghiệp chưa!

Thất vọng, bực tức vô cùng, Minh gắt:

- Sao, chú cũng cho rằng tôi loạn óc, nói bậy nữa à?

- Cháu có loạn óc hay không, chú chẳng biết. Nhưng lời cháu thật kỳ dị quá!

- Chú bảo tôi nói sai, nghĩa là chú xác nhận tôi là con ruột của hai ông bà nầy? Thế sao lúc nãy tôi nghe chú nói chú không hề biết ông bà nầy có một đứa con trai nào khác ngoài cô kia?

- Đấy là chú nói đùa với ba cháu cho vui vậy thôi, chớ ở đây ai lại không biết anh Năm có một đứa con trai đầu lòng tên là Minh tức cháu đó?

Minh muốn điên lên thật. Anh vò đầu bứt tóc, rên rỉ:

- Trời! Thì ra các người cùng một lũ với nhau cả mà.

Cô gái nhăn mặt:

- Anh cứ nói xàm, chú Tám phiền cho coi.

Ông khách lắc đầu:

- Có gì mà phiền? Thôi mình nên ra hết đi, để cháu ấy nghỉ.

Bốn người lần lượt đi ra. Cửa phòng được khép kín lại.

Còn một mình, Minh ngã xuống bộ vạt ôm đầu khổ sở với những thắc mắc quay cuồng. Chuyện xảy ra thật kỳ quặc. Minh nhớ rõ tối hôm qua anh bị hai người đàn ông bắt bỏ vào xe chở đi. Dọc đường anh ngủ quên mất tự lúc nào. Sáng nay anh tỉnh dậy lại có thêm một chuyện quái lạ: Bỗng dưng anh bị những người chưa hề quen biết một mực nhận là con là cháu lung tung. Chẳng lẽ qua một đêm anh đã bước sang một kiếp khác, từ một thiếu niên con nhà giàu sang biến thành một chú nhà quê nghèo? Anh không tin có chuyện huyền hoặc như vậy, và cả quyết đây là mưu mô thâm độc của bọn gian: Thay vì giam giữ, chúng để anh tự do đi đứng, nhưng lại nhận là kẻ thân thuộc trong nhà để vừa che mắt người chung quanh, vừa khiến anh hoang mang, không chống đối. Khéo thật! Nhưng tiếc thay hiện giờ anh không hoang mang chút nào và đang nghĩ cách thoát thân đây: Phải rồi, người ta biết đóng kịch, tại sao mình không biết bắt chước? Hãy vờ bị mắc mưu, rồi lần hồi tìm dịp tố cáo họ, hoặc trốn thoát đi, được lắm chứ! Suy tính xong, anh thấy yên tâm một phần.

Ngồi im trên vạt một lúc, Minh bước lại mở cửa phòng. Cửa vừa mở, cô gái ban nãy đã hiện ra.

- Anh đã thấy khỏe chưa mà định đi đâu vậy?

Không đáp, Minh hỏi lại:

- Ba má đâu rồi?

Cô cũng không trả lời anh ngay, lại ra vẻ mừng rỡ, reo:

- Ô, anh biết hỏi ba má, anh đã tỉnh!

Và quay xuống dưới, cô gọi to:

- Ba má ơi, anh Minh tỉnh trí rồi nè!

Hai ông bà lật đật đi lên.

- Minh, con hết mê hoảng thật à?

- Ba má đang bàn định đi rước thầy Ba Địa về cúng vái đó. Nếu con đã tỉnh thật thì may quá!

Minh mỉm cười chắp tay:

- Thưa... ba má, xin ba má tha lỗi cho con về những hành động điên khùng ban nãy. Bây giờ con tỉnh hẳn rồi ạ.

- Thôi, xin lỗi làm gì? Con chóng khỏi bệnh như vậy là ba má mừng lắm rồi, nào có trách con chi?

- Cô gái xen vào:

- Còn em, anh tính bỏ qua cái tội làm dữ lúc nãy sao? Coi chừng em hổng tha đa.

Minh cười:

- Thì tôi cũng định xin lỗi cô liền đây mà, có chậm lắm đâu?

Nói đoạn anh khoanh tay cúi đầu:

- Dạ, xin lỗi cô...

Mọi người cùng cười. Người cha hỏi:

- Vừa rồi con đã thấy trong người ra sao mà sinh ra có những cử chỉ lời lẽ lạ lùng như thế?

Minh nói:

- Thưa ba má, nguyên hồi hôm con thấy một giấc chiêm bao rất lạ. Con thấy mình sống trong một gia đình khác, có ba má là những người khác. Cuối cùng con bị người ta bắt cóc đem đi. Giật mình thức dậy, tưởng còn sống trong cảnh của giấc mơ, con mới có những cử chỉ kỳ cục thế ấy.

Cô gái hỏi:

- Cái cảnh bọ bắt cóc mà anh thấy chắc ghê lắm, nên anh mới kinh tâm không còn nhớ chi hết, phải chăng?

- Đúng đấy, bởi thế hiện giờ tôi lẫn như một ông già. Có nhiều việc rất thường mà tôi cũng quên lửng, chẳng hạn như tên cô.

- Ồ, anh quên tên em thật hả? Em là... đâu anh cố nhớ lại xem.

Minh lắc đầu:

- Không sao nhớ nổi.
 
- Tệ lắm! Em là Duyên đây mà.
 
- A, phải rồi! Duyên, điên thật, thế mà tôi chẳng nhớ ra. Trí nhớ của tôi bay đâu mất nhỉ?
 
Tất cả cười vui vẻ. Trò chuyện giây lát, hai ông bà nọ lo đi làm công việc hàng ngày. Duyên cũng đi nơi khác. Nhưng khi Minh bước ra sân, anh để ý thấy cô gái vẫn để mắt theo dõi mình. Anh tảng lờ, thủng thẳng đi quanh nhà xem xét.
 
Nhìn khắp lượt, Minh tưởng chừng như bị vây khổn bởi ngàn cây. Trừ ngôi nhà, nơi nào cũng rần rần những dừa, cau, chuối, những loại cây ăn trái... đứng chen nhau trên những bờ đất dài. Xa xa, một con rạch ngòng ngoèo chạy len lỏi giữa những đám mái giầm, ô rô, chui qua một chiếc cầu tre khập khễnh, rồi mất hút sau một bụi tre rậm lá nghiêng ngả cành. Khung cảnh rất quen thuộc của làng quê miền Nam, nhưng Minh lại cho là lạ mắt, vì xưa nay anh có sống ở những nơi nầy bao giờ? Những kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, anh chỉ theo ba má đi đổi gió ở Vũng Tàu, Đà Lạt, vui sống giữa cảnh biển rộng núi cao, chứ về làm chi cái đất buồn tẻ nầy, dù trong đó có quê anh.
 
Minh đã nhận rõ, tuy được thong thả, song anh khó mà trốn thoát được, khi chưa biết đây là đâu, thuộc về làng nào, quận nào, tỉnh nào? Nếu trốn đi mà không biết đường, nhè lạc vào vùng mất an ninh lại càng nguy hơn nữa 

Suốt ngày hôm đó, và cả hôm sau, Minh lẩn quẩn trong nhà. Anh lấy làm lạ khi thấy ông bà Năm Lý, người nhận là ba má anh, và Duyên không có vẻ gì gian ác cả. Thế tại sao họ lại nhúng tay vào chuyện bắt cóc người? Có lẽ họ bị bọn gian mua chuộc thì phải.

Trưa ngày thứ ba, Minh đang nằm trong phòng thì nghe ngoài nhà trước có tiếng người hỏi, rồi tiếng bà Năm Lý bước ra chào:
 
- A, ông Đại diện. Có chuyện chi thế ông?
 
Khách đáp:
 
- Có mấy tờ báo Hương Quê mới, tôi ghé qua biếu anh chị xem chơi, sẵn dịp hỏi ít điều.
 
Nghe hai tiếng "Đại diện", Minh biết đấy là người đứng đầu trong xã. Anh lẩm bẩm:
 
- Người nầy có thể cứu mình đây!
 
Và anh vội ngồi dậy đi ra, mang theo những lời tố cáo sắp sẵn trong bụng. Nhưng, lại thêm một chuyện bất ngờ. Vừa thấy mặt anh, ông Đại diện xã đã hỏi:
 
- Cháu Minh, nghe nói hôm trước cháu bịnh sao đó, bữa nay đã hết chưa?
 
Minh đứng khựng lại, trợn trừng nhìn ông : Trời! Ông ta cũng là một đồng lõa của bọn ác sao?
 
Thấy anh sững sờ không đáp, bà Năm Lý đỡ lời:
 
- Dạ, cháu cũng bớt, nhưng hãy còn ngớ ngẩn lắm.

Minh ôm đầu, quay vào trong, không muốn nghe họ nói gì nữa.

Chiều đến, quyết thực hiện một ý định, Minh rời nhà, theo con đường đất đi lần xuống phía dưới. Song chưa được bao xa, anh đã nghe có tiếng gọi sau lưng, rồi Duyên chạy đến, vừa thở phì phì vừa hỏi:

- Anh chạy đi đâu mà hổng cho ai biết vậy?

Minh cau có:

- Đi dạo một chút cũng cần phải trình báo nữa sao?

- Trước kia thì không cần, nhưng hiện thời đi đâu anh nên cho hay để em đưa anh đi chứ. Anh đã bảo là không còn nhớ chi cả mà.

- Nhưng con đường nầy thì tôi không hề quên.

- Vậy à? Thế nó đi về đâu hở anh?

Minh lúng túng, vì sự thật anh nào biết nó sẽ đưa mình đến đâu. Thấy anh không đáp được, Duyên cười giòn:

- Thấy chưa, anh đã quên hết trơn hết trọi. Thôi, để em dẫn anh đi.

Minh gắt:

- Không cần, cô hãy về đi.

- Em không về.

- Tôi cho cô một thoi bây giờ.

Duyên la lên:

- Ái chà, ghê quá hé! Đâu anh giỏi đánh coi.

Minh sấn tới, song anh chỉ giơ tay lên mà không giáng xuống. Anh không quen đánh ai, nhất là một đứa con gái. Anh chỉ cốt làm cho Duyên sợ thôi. Nhưng cô ta chẳng sợ chút nào, còn vênh mặt thách thức nữa. Cuối cùng anh chợt buông xuôi tay, ngồi phệch xuống đất, bó gối buồn bã nhìn ra xa. Duyên thương hại ngồi xuống bên, dịu lời hỏi:

- Anh định đi đâu? Vì sao không muốn cho em theo?

Minh lặng thinh. Duyên nói:

- Sở dĩ em đòi theo anh là lo cho anh đấy. Nếu anh không muốn thì...

Cô đứng lên:

- Thôi em về đây, kẻo anh lại khóc... À, đi một mình cho khéo nhé, coi chừng lạc bị ma bắt đa.

Nói đoạn Duyên quay trở về nhà. Đợi cô gái khuất hẳn, Minh mới đứng dậy tiếp tục đi.

Qua một cây cầu dừa, ngôi nhà Minh gặp đầu tiên là một ngôi nhà khá lớn. Đã định sẵn, anh không ngần ngại, tiến vào trong. Một con chó mực nhảy xổ ra sủa vang. Một bà trọng tuổi bước ra đuổi chó, hỏi:

- Cậu kiếm ai?

Minh gật đầu chào, hỏi lại một câu tự anh đã thấy kỳ:

- Xin lỗi bà, bà biết cháu không?

Bà nọ ngạc nhiên nhìn kỹ anh, rồi lắc đầu:

- Không. Hình như tôi chưa gặp cậu.

Minh lặp lại:

- Cháu là Minh, bà không biết thật chứ?

Lần nầy bà ta vụt thay đổi thái độ, vỗ vai anh, toét miệng cười:

- Ủa, Minh đây hả? Con của anh Năm Lý phải không?

Minh kêu lên:

- Ô, thế sao ban đầu bà bảo không biết cháu?

- Ờ... à... Tại dì quên.

Lời nói tráo trở gian dối thế nào. Anh bước thối trở ra, không buồn chào chủ.

Đi thêm một quãng, Minh thấy một căn nhà lá thấp nhỏ cất gần bên đường. Anh bước vào gõ cửa. Có tiếng khàn khàn bảo vọng ra:

- Ai đấy? Cứ vào.

Minh bước vào trong. Trong ánh sáng lờ mờ, anh thấy một ông lão đang lom khom nhóm lửa nấu nước bên cạnh chiếc giường xiêu vẹo độc nhất. Anh hỏi ngay:

- Thưa ông, cháu là Minh đây, ông biết chăng ạ?

Anh xưng tên liền để khỏi bị mừng hụt như vừa rồi. Ông lão không quay lại, chậm rãi nói:

- Biết chớ, phải thằng Minh con chú Tư Đờn đó không?

- Dạ không.

- À, hay là con của chị Bảy Lé?

- Cũng hổng phải ông ạ.

Bấy giờ ông già đứng lên, che mặt chăm chú nhìn vào mặt Minh, đoạn thản nhiên nói:

- Qua không biết cháu rồi đa.

- Thật hở ông?

- Chà, xưa nay qua rất thích con cháu. Chẳng lẽ bây giờ biết cháu mà không chịu nhìn.

Minh vỗ tay, reo lớn:

- A, vậy thì ông có thể cứu cháu được rồi!

Ông lão hỏi:

- Cứu cái chi?

- Cháu sẽ nói ông rõ.

- Nhưng qua phải làm gì để giúp cháu?

- Ông chỉ cần nói trước mặt mọi người là ông không hề biết cháu.

- Vậy thì được.

Minh vui vẻ chắp tay xá ông nọ:

- Cám ơn ông lắm lắm!

Sực nhớ ra một điều, anh hỏi:

- Nhưng nầy, ông biết ông Năm Lý chứ?

Ông già ngồi xuống, thổi phù phù vào bếp một lúc rồi mới đáp:

- Không biết.

Minh bật ngửa. Ông không biết Minh, cũng chẳng quen gia đình ông Năm Lý. Nhờ ông có ích gì? Anh thất vọng lui ra ngoài. Ông lão kinh ngạc nhìn theo, chắc đang tưởng vừa gặp một thằng khùng.

Minh tiếp tục đi lần xuống phía dưới. Trên đường, anh gặp nhiều nhà khác, nhưng không muốn ghé vào nữa. Chẳng bao lâu, anh đến một khu chợ nhỏ, với những tiệm bán đồ vặt vãnh, những ngôi nhà lá lụp xụp cất san sát. Trên tấm bảng dựng trước một ngôi nhà gạch, anh thấy kẻ mấy chữ: "Công sở Diễm Điền". Thì ra đây là xã Diễm Điền. Cái tên anh thấy quen quen, song chẳng nhớ đã nghe ai nói đến. Biết tên làng rồi, nhưng thuộc quận nào, tỉnh nào, hay đô thị nào đây?

Minh đang đứng ngẩn ngơ dưới gian nhà lồng cũ thì từ xa, trên con đường trải đá lồi lõm dẫn vào chợ, một chiếc xe lôi lambretta chạy đến, ngừng lại. Hành khách trên xe lần lượt bước xuống. Chợt nảy ra một ý, anh đợi họ đi hết liền tiến lại hỏi chủ xe:

- Xe nầy ở đâu về đây hở chú?

- Ngoài tỉnh.

- Tỉnh nào?

Chủ xe nheo mắt:

- Đừng giỡn cậu. Hổng lẽ cậu chẳng biết.

Minh nói nhỏ:

- Thú thật với chú, tôi không phải là người ở trong làng. Tôi ở Saigon bị người ta bắt cóc đem đến đây. Bây giờ nếu chú bằng lòng cho tôi quá giang ra tỉnh, hay tốt hơn đưa tôi về Saigon, ba má tôi sẽ đền ơn trọng hậu...

Anh chưa dứt lời, chủ xe vụt cười phá lên:

- Cậu nói nghe khó tin quá! Cậu bảo là bị bắt cóc, nhưng sao lại được thong thả thế nầy? Và tại sao cậu không vào công sở xã trình báo, nhờ ông đại diện xã, hay ông nào khác can thiệp?

- Tôi van chú, xin chú giúp giùm. Tôi nói dối nào có ích chi?

- Có ích lắm chứ, một khi cậu muốn đi tỉnh hay đi Saigon chơi mà khỏi tốn tiền xe...

Chán nản, xấu hổ vô cùng, Minh quay người cúi mặt lầm lũi trở về lối cũ. Đang bước đi hấp tấp như trốn chạy, anh bỗng nghe có tiếng gọi trong trẻo phía sau, nên quay lại nhìn:

- Duyên, vậy ra từ nãy tới giờ cô vẫn theo dõi tôi?

Duyên đến gần mỉm cười không đáp. Anh đỏ mặt tức tối hỏi:

- Cô đã thấy rõ tôi vừa làm điều gì hết rồi, phải không?

- Không, em chỉ đứng xa xa trông chừng anh thôi. Vì thế, em có thấy anh vào hai nhà nọ, và đến nói chuyện một lúc với chủ xe lôi thật, nhưng chẳng hiểu chi cả.

Hai "anh em" lặng thinh bước. Bỗng một giọt nước... rơi lách tách xuống đầu hai đứa. Duyên la:

- Trời mưa!

Rồi kéo Minh lại bên một bụi chuối:

- Anh cao hơn em vói kéo giùm hai tàu lá lớn kia đi.

Minh lặng lẽ làm theo. Hai tàu lá chuối được kéo quặt xuống, nhưng không chịu rời khỏi thân chuối còn lôi theo cả bẹ da. Duyên liền nhe răng cắn vào cuống lá, khá lâu mới đứt. Đoạn cô trao Minh một tàu, giữ một tàu:

- Che lên đầu mà đi cho đỡ ướt anh.

Trời mưa lớn dần. Hai đứa nối đuôi nhau bước nhanh. Tàu lá chuối trên đầu kêu lộp bộp như reo cười. Con đường trở nên trơn trợt hết sức. Minh phải bấm ngón chân xuống đất đi mới vững. Lo giữ cho khỏi té, riết rồi anh không thiết gì đến việc che mưa. Duyên phải che hộ và dắt anh qua cầu. Vì thế, về tới nhà cả hai đều ướt loi ngoi. Duyên cười bảo:

- Lúc rày anh tệ quá! Làm như là dân ở thành chính cống vậy.

Đêm đó, Minh chợt ngã bệnh, và cơn bệnh kéo dài luôn mấy hôm. Ông bà Năm Lý và con gái săn sóc anh rất tận tình, nhất là bà Năm và Duyên. Nhiều lúc anh tưởng chừng bà là mẹ anh thật, và Duyên đúng là cô em gái ngoan ngoãn của mình. Dù sao anh cũng không thấy khó chịu lắm trong kiếp sống nghèo khó hiện nay.

*

Duyên đưa cần câu ra giữa rạch, thả miếng mồi tí xíu bằng cơm trộn cám xuống nước. Không đầy một phút cô giật lên: Một con cá lòng tong trắng mắc ở lưỡi câu, giãy giụa. Cô lanh lẹ bắt cá bỏ vào thùng. Thỉnh thoảng cô đập đập chiếc cần xuống mặt nước. Cá lòng tong nghe tiến lội lại cả bầy. Vài con nhảy bổng lên khỏi mặt nước, trông rất vui mắt. Chỉ một lúc, cái thùng nhỏ của cô đã bộn cá rồi.

Minh cũng đang đứng câu ở gần đấy, nhưng cả buổi được có mấy con. Anh bỏ lại giành câu chung một chỗ với Duyên, cũng chẳng được con nào. Ghét quá, anh quăng cần, ngồi xem cô gái câu cho xong. Duyên thấy vậy cười ngất:

- Đi câu cũng phải có "tay" cá mới ăn anh ơi!

Minh quát:

- Ê, làm phách hả?

Im lặng giây lát, Minh hỏi:

- Nghe nói bữa nay có khách ở xa đến hở Duyên?

- Phải anh ạ.

- Ai thế?

- Rồi anh sẽ biết.

- Nếu nghĩ vậy, tôi hỏi Duyên làm chi?

Duyên mỉm cười. Cô vụt hỏi:

- Mai mốt trở ra thành anh có nhớ những người ở đây không?

Minh sửng sốt:

- Duyên nói gì? Duyên nhìn nhận tôi không phải là con của ba má Duyên sao?

- Thì lâu nay chắc anh cũng không tin thế.

- Vậy Duyên giúp tôi trốn thoát nghen?

- Ai giam giữ gì anh mà anh nói tới chuyện trốn thoát? Rồi đây tự nhiên anh sẽ được trở về đời sống cũ... Nhưng thôi, anh hãy trả lời câu em hỏi đi. Chắc khi rời khỏi đây, anh sẽ quên ba má em ngay chứ gì?

Minh lắc đầu:

- Duyên đừng nói thế. Dù hai bác có dự mưu bắt cóc tôi đi nữa, tôi cũng không hờn oán gì. Trái lại tôi rất cảm kích trước sự đối đãi tử tế của hai bác và Duyên. Tôi không bao giờ quên được ba người, nhất là... Duyên. Vả lại, về sống ở đây không phải là vô bổ đối với tôi, Duyên à.

Thật vậy, hơn tháng nay nhờ được sống với gia đình ông Năm, Minh mới tìm ra được một chân lý: Ở đời, phần lớn người ta hơn kém nhau là do hoàn cảnh trời ban. Anh may mắn sinh ra trong một gia đình khá giả thì anh được sống đầy đủ, được cung phụng mọi phương tiện. Ngược lại, nếu anh là đứa con nhà nghèo, anh cũng khó hơn ai. Anh muốn học hỏi đến nơi đến chốn hầu tiến xa trên đường đời ư? Làm sao có điều kiện? Như Duyên đó, cô khá thông minh, song chỉ được học đến lớp nhứt rồi đành thôi. Chính anh, trong hoàn cảnh hiện tại vẫn không sao vùng vẫy nổi...

Có tiếng bà Năm Lý gọi trong nhà. Duyên cuốn nhợ câu, Minh xách hộ thùng cá, cùng đi vào. Bà Năm Lý đón ở cửa sau, tươi cười bảo Minh:

- Khách vừa mới tới, con hãy ra chào. Ông nầy chắc không lạ với con.
 
Minh sửa lại áo xống bước ra nhà trước. Chừng thấy rõ ông khách, anh vui mừng la lớn:

- Ô kìa, ba!

Người đang ngồi nói chuyện với ông Năm Lý đúng là ông Trần Vũ. Ông quay lại cười ha hả:

- Minh con vẫn khỏe chứ?

Minh bước lại gần:

- Làm sao ba tìm tới đây được? Và...

Ông Trần Vũ tiếp lời:

- Và tại sao ba lại chuyện trò thân mật với người dự mưu bắt cóc con chứ gì? Kẻ chủ mưu nói chuyện với người dự mưu không được sao con?

- Ba nói chi con không hiểu?

- Có gì mà chẳng hiểu, chính ba chủ mưu bắt cóc con đấy.

- Ồ!...

- Thật đó, ba thấy con thường tỏ vẻ khinh thường những kẻ nghèo khó, lên mặt với những người nhà quê, ba không muốn. Xưa, ông nội con cũng là nông gia nghèo, sau nhờ cần cù làm việc, rồi đổi ra thành buôn bán nên gây được sản nghiệp to tát để lại cho ba ngày nay. Bây giờ con có thái độ thế ấy là không phải với ông nội con rồi. Để sửa đổi con, ba nghĩ đến cách cho con sống thử một thời gian trong lớp người quê mùa nghèo kém, sẵn dịp cho con dự một pha trinh thám sống thực mà con vẫn thích. Ba liền nhờ các bạn thân, trong đó có bác Năm con đây và ông Đại diện xã... sắp đặt mọi việc như con biết... Và rồi con đã thấy thế nào? Trong bộ áo nầy con có muốn ai khinh rẻ con không?

- Minh cúi đầu:

- Thì ra thế!... Thưa ba, bài học của ba thật là hay. Từ giờ con quyết sẽ thay đổi...

- Tốt lắm! Thôi con đến cám ơn bác Năm đi. Việc nầy phần lớn cũng nhờ bác không ngại phiền nhiễu sẵn lòng giúp đó.

Minh vâng lời, lại bên ông Lý, chắp tay nói:

- Cám ơn bác Năm. Xin bác thương tình tha thứ cho con đã có những ý nghĩ không tốt đối với bác.

Ông cười hiền từ:

- Lỗi phải gì? Nếu ở trường hợp cháu bác cũng oán ghét kẻ bắt mình lắm vậy.

Quay sang Trần Vũ, Minh nói:

- Con còn một điều thắc mắc: Cả tháng nay con cố tìm hiểu mà không rõ đây là đâu cả.

- Đây là xã Diễn Điền, thuộc tỉnh Mỹ Tho, quê nội của con. Từ ngày con khôn lớn, ba vì công việc làm ăn bề bộn không có dịp dẫn con về đây chơi nên con không biết là phải. Nhưng nhờ vậy ba mới thực hiện được chuyện nầy chớ.

Ông Năm Lý hỏi bạn:

- Anh định chừng nào đi?

- Sáng mai. Phải đưa cháu về gấp cho nó đi học anh ạ. Với lại, má nó cũng mong nó lắm. Nếu không bận, thế nào bả cũng đi với tôi.

- Nhưng tôi không chịu để anh bắt "con trai" tôi đi thì sao?

Ông Trần Vũ cười lớn:

- Anh hổng cho hả? Tôi bắt luôn con gái anh bây giờ... À, còn con Duyên đâu hở anh?

- Nó vừa ra tới cửa định chào, nghe anh nói nó chạy mất.

- Ý, con nhỏ kỳ hôn!


Nguyễn-văn-Nghệ            

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 35, ra ngày 25-11-1965)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

ÁO MẸ MÀU XANH - Sương Hàn Vi

 
 
Chiều bỏ ngỏ nắng vàng đi yên giấc
Gió từ sông man mát ngọn tre xanh
Bến chiều vơi như sóng mắt khuynh thành
Cô tiên nữ trong khung trời cổ tích

Mẹ thoăn thoắt nhịp nhàng bên cầu giặt
Áo mẹ xanh màu nước suối cũng xanh
Đôi môi cong khẽ nở nụ thanh bình
Tung dải lụa trên dòng lung linh nước

Em thấy mẹ đẹp hơn chiều hôm trước
Áo xanh màu tha thướt khẽ bay bay
Nghe thương sao những ngày tháng thật dài
Vai gồng gánh dưỡng nuôi đàn con trẻ

Cái thuở đó, thuở mà em còn bé
Có một lần mẹ đội chiếc khăn tang
Khóc ôm em: "Ba chết mất rồi con"
Em ngơ ngẩn và khóc òa theo mẹ

Đến bi chừ em không còn "em bé"
Mười sáu năm tóc mẹ đã dạn dày
Nhưng màu xanh áo mẹ vẫn bay bay
Màu hy vọng tương lai đàn con đó.

                                             Sương Hàn Vi
                                       (nhóm phong sương - LT)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 14, ra ngày 20-11-1971)


Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

TÌNH THƯƠNG TRƯỚC MẶT - Thạch Sa Thane

 Đã sáu giờ sáng, Tấn hãy còn cuộn người trong chăn. Tuy đã thức, nhưng vì lười biếng nên Tấn giả bộ nhắm mắt: nằm không nhúc nhích như đang say ngủ.
 
Bỗng có tiếng gọi khe khẽ bên tai:
 
- Tấn... Tấn dậy con, sáng rồi.
 
Tấn bực mình, nó cục cựa kéo chăn trùm kín đầu rồi nằm yên. Dì Tấn kiên nhẫn lay người nó gọi:
 
- Dậy Tấn, dậy ăn cơm rồi đi học con.
 
Tấn cố nằm yên nhưng dì nó cứ gọi mãi. Bực tức Tấn tung chăn ra mặt nhăn nhó:
 
- Còn sớm mà dì kêu hoài, buồn ngủ muốn chết.
 
Dì Tán vừa xếp chăn vừa nói:
 
- Coi! Sáu giờ rồi còn sớm gì nữa. Con đi súc miệng đi.
 
Tấn bước xuống giường đưa tay dụi mắt hỏi:
 
- Dì pha nước cho tôi chưa?
 
- Rồi hết rồi, dì để ở nhà sau, con ra rửa mặt đi. Rồi vô ăn cơm.
 
Tấn chậm chạp bước. Ngang bàn thờ, nó dừng lại thắp một cây nhang cho mẹ. Mùi khói bay vào mũi làm Tấn tỉnh táo hẳn. Tấn nhìn ảnh mẹ. Tấm ảnh đã vàng khè loang lổ. Mẹ Tấn chết đã lâu ; chết hồi còn trẻ, lúc Tấn mới bốn tuổi. Ngày đó, đưa đám mẹ, Tấn cười toe toét. Nó bấu vai cha nó tíu tít:
 
- Mẹ chết vui quá hả cha... ăn ngon ghê.
 
Cha Tấn nhìn con, ông ôm con rồi bật khóc. Tấn cụt hứng ngẩn ngơ. Vài ngày sau khi chôn, căn nhà chợt vắng vẻ. Tấn bắt đầu thấy buồn và cảm thấy thiếu thốn. Một sự thiếu thốn không bù đắp được.
 
Tấn hay đứng tần ngần trước những đồ vật mà ngày xưa mẹ Tấn thường dùng.
 
Tấn hay hỏi cha về mẹ, nhưng lúc nào nó cũng nhận được những cái lắc đầu buồn bã. Đôi lần đứng trước ảnh mẹ, nước mắt Tấn tự nhiên ứa ra - Nó khóc...
 
Thời gian kéo dài được bốn năm... Rồi một người đàn bà thứ hai hiện đến trong gia đình nó. Người đàn bà này xưng là Dì và gọi nó bằng con. Bà ta cũng thương nó, cũng lo lắng cho nó như mẹ ruột. Nhưng Tấn không thích bà ta vì dì Năm hàng xóm thường trề môi nói với nó rằng:
 
- Dì ghẻ mày làm bộ, bữa nào cha mày đi là "con mẻ" đánh mày chết.
 
Thật ra dì Tấn chưa đánh nó lần nào! Nhưng nó vẫn ghét. Năm lên mười tuổi, đi học, một buổi tối Tấn lấy bài ra ê a.
 
Mấy đời bánh đúc có xương.
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng.
 
Dì Tấn bối rối nói:
 
- Sao con nói kỳ vậy, dì thương con lắm chứ. Thôi đừng học bài đó nữa con.
 
Tấn vùng vằng:
 
- Dì hổng cho tui học bài, cha tui về tui mét cha.
 
Dì Tấn yên lặng cúi xuống vá áo. Tấn để ý mỗi lần nó đọc đến câu đó là đầu dì nó cúi thấp hơn. Tấn sợ dì giận rồi đánh nó nên nó đọc nhỏ lại và thiếp đi.

- Rửa mặt chưa con?

Tiếng dì làm Tấn giật mình quay lại. Dì nó đang đứng ở cửa buồng nhìn nó, ánh mắt dịu dàng trìu mến. Tấn đáp khẽ:

- Chưa! Tui đi rửa đây.

Dì nó đi theo sau lưng nhắc:

- Rửa mặt rồi vô ăn cơm nghe con.

*

Tấn giở lồng bàn, buổi ăn sáng của nó chỉ có một cái trứng chiên nhạt phèo. Tấn nói:

- Thôi, tôi hổng ăn cơm đâu, hổng có đồ ăn gì hết.

- Trứng chiên đó con.

- Tui thấy rồi, tui hổng ăn đâu dì ăn đi.

Dì Tấn cười, đáp nhẹ nhàng:

- Thôi, con không ăn thì thôi, con đi thay đồ đi rồi đi học.

Tấn hằn học thay đồ, rồi xách cặp bước ra khỏi nhà.

Trên con đường đá, nắng ban mai trải nhẹ bên lề cỏ lấp lánh mấy hạt sương. Gió hơi lạnh, bầu trời trong xanh. Tấn vẫn còn ấm ức trong lòng. Nó nghĩ chắc dì nó hãy còn nhiều đồ ăn ngon giấu nó. Chờ nó đi học rồi đem ra ăn một mình. Nó lại nghĩ, sao lúc nãy mình không mở tủ ra xem nhỉ...

Sắp đến trường. Tấn thấy những đứa bạn cùng lớp đang cười nói vui vẻ - Lũ bạn cũng thấy Tấn, chúng cùng chạy lại nói:

- Bữa nay thầy bệnh, nghỉ mầy ơi, tụi tao đi đá banh đây, đi hôn?

Tấn không đáp, hỏi:

- Nghỉ thiệt hôn hay tụi bây nói dóc?

Cả bọn quả quyết:

- Thiệt, chính ông hiệu trưởng nói với tụi tao là thầy bệnh nghỉ một bữa.

Tấn còn phân vân, chúng tiếp:

- Không tin mầy lên trường coi, tụi tao thề...

Tấn cười:

- Ừ, tao tin khỏi thề.

- Vậy thì đi.

- Đi đâu?

- Đá banh!

- Thôi tao về - Tấn đáp.

Một đứa nói:

- Ủa, sao lại về, hổng đá banh thiệt hả?

- Ừ.

Cả bọn rẽ qua ngã khác, Tấn chia tay các bạn trở về.

Nó bỏ cặp thật nhẹ lên bàn rồi đi ra nhà sau. Dì Tấn hãy còn lúi húi dưới bếp. Tấn bước thật nhẹ đến bên tủ đựng thức ăn, nó đưa tay mở cửa.

Đĩa trứng chiên ban nãy vẫn còn. Kế bên là một chén đậu xào thừa từ bữa ăn chiều hôm qua, không còn gì hết. Tấn ngạc nhiên đóng cửa lại. Có tiếng bước chân của dì. Tấn vội vàng nép vào cửa buồng.

Dì Tấn lại bàn ăn, lúi húi xúc cơm vào chén, rắc vào đấy một ít muối tiêu rồi ăn chậm rãi với đậu xào.

Nó thấy dì mắc nghẹn nhiều lần phải vói lấy ly nước uống. Tấn thương dì quá, nó thấy từ dì hình ảnh của mẹ ngày xưa. Tấn chờ dì quay lưng nó từ từ đi ra, thản nhiên như từ nhà trên đi xuống.

Nghe động dì Tấn quay lại, thấy Tấn, dì ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, sao bữa nay không học con?

Tấn đáp khẽ:

- Dạ nghỉ dì, bữa nay thầy bệnh.

Dì Tấn nói:

- Bây giờ con ăn cơm với dì luôn nghe.

- Dạ! Dì cho... tui ăn với.

Dì Tấn bảo:

- Con coi chừng đuổi ruồi, để dì đi lấy thức ăn cho.

Tấn ngăn lại:

- Dạ thôi để... con đi lấy.

Dì Tấn ngạc nhiên, đây là lần đầu tiên Tấn xưng con với dì.

Dì Tấn hiền hòa nhìn nó:

- Ừ! Con đi lấy đi.

Tấn bước lại tủ, cầm đĩa trứng, nó tần ngần nhìn. Dì quả là người mẹ thứ hai đáng kính nhất của nó.

Nó buột miệng gọi khẽ:

- Mẹ!

Dì Tấn quay lại bỡ ngỡ, trong khi Tấn yên lặng cúi đầu.


THẠCH SA THANE     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 136, ra ngày 1-9-1970)