Khi
tôi nghiêng đầu ngắm những cành hoa glaieul màu vàng cắm trong chiếc
bình nhỏ màu thiên thanh, thì ngoài hàng rào có tiếng cười khúc khích.
Ba cô học trò nhỏ của tôi lấp ló ngoài đó. Tôi cười:
- Vào đây các em.
Đỗ
Quyên, Ngân Hà, Đông Trúc đã tự động mở cửa mà ùa vào. Ba cô học trò
nhỏ đến thăm tôi, các em vẫn thường đến đây. Khi các em đến, căn phòng
nhỏ của tôi tràn ngập tiếng nói, tiếng cười của các em.
Đông Trúc liến thoắng:
- Chắc cô yêu hoa glaieul lắm?
- Không hẳn thế. Thấy hoa đẹp cô mua thế thôi.
Ngân Hà chen vào:
- Vậy hôm nào mời cô đến nhà Trúc. Cô sẽ mê vì vườn hoa nhà nó, toàn là hoa đẹp không à cô.
- Ừ, hôm nào cô sẽ đến hái hết hoa của Trúc.
Đông Trúc cười nhẹ, không nói. Đỗ Quyên nheo mắt nhìn Trúc:
- Vào đề đi là vừa, Trúc.
- Gì thế Trúc?
Trúc cúi mặt, không nói. Ngân Hà nhìn bạn cười:
- Dạ thưa cô, ngày mai là ngày Trúc tròn mười bốn. Trúc mời cô đến dự một bữa tiệc nhỏ, toàn là bạn bè trong lớp...
Và
lúc đó, trong ngăn tim tôi reo lên một niềm vui nhỏ. Ba cô học trò của
tôi sao mà bày vẽ thế. Chúng đặt trọn vẹn niềm tin yêu vào tôi. Không,
không phải chỉ có ba cô học trò nhỏ, mà là năm mươi tám cô bé dễ yêu.
Chúng như những con búp bê, những con sóc nhỏ thì đúng hơn, chúng luôn
vui đùa, nghịch ngợm trong sự hồn nhiên, vô tư. Chúng yêu mến tôi nhiều
quá. Tôi... và tôi cũng yêu mến chúng thật nhiều, thật nhiều...
Đỗ Quyên đưa một cành hoa glaieul lên mũi:
- Chắc hẳn cô bằng lòng đến chung vui với các em?
Tôi cười. Ngân Hà láu táu:
- Thế là nhờ công tao nhá. Mai, mày phải có gì thưởng tao đấy.
- Mai tao sẽ cho mày ngồi một mâm... không...
- Ớ...
Đỗ Quyên xin phép ra về. Em đưa tay định cắm hoa vào bình, tôi ngăn:
- Quyên cứ cầm lấy.
Cô
bé đỏ mặt nhìn tôi, cười nhẹ. Tôi tiễn chúng ra cổng. Ba cô bé nắm tay
nhau chạy lanh chanh khuất sau tàu lá xanh mướt. Tôi đứng nhìn theo ba
con sóc nhỏ.
Hè
năm trước, tôi bị thuyên chuyển về đây dạy. Chú ơi! Ngày tháng ở đây
thật buồn. Con Thương, bạn tôi, đã có lần nói: "Cái tỉnh Pleiku đèo heo
hút gió, buồn chết người. Mầy mà lên đó là đời đi tàu suốt". Và bây giờ,
tôi mới thật sự nhân diện cái nỗi buồn đó. Mưa, mưa dai dẳng, tôi có
cảm tưởng như con người tôi sẽ mục nát. Tôi lười biếng nằm dài trong
phòng, chẳng biết đi đâu. Nằm nhà một tuần, chờ ngày khai trường đi dạy.
Tôi hết mấy cuốn truyện dài, nghe nát mấy cuốn băng mà con Thương gửi
cho tôi. Phố núi cao, phố núi mờ sương. Phố núi thênh thang nên phố
buồn. Đi dăm phút lại về chốn cũ, một chiều mưa lòng thấy bâng khuâng...
Em Pleiku má đỏ, môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Nên tóc
em ướt, nên mắt em ướt, nên em mềm như mây chiều trôi...
Tôi
mừng rỡ khi đến ngày khai trường. Lòng tôi reo vui như ngày còn làm học
trò, chân sáo theo mẹ đến trường. Con đường đất dơ bẩn, vạt áo dài của
tôi lất phất hoa bùn. Tôi làm quen dễ dàng với lớp học mới. Lớp học có
những con sóc nhỏ luôn nghịch ngợm. Nếu bất chợt tôi đi xét ngăn bàn.
Chao ôi toàn là quà vặt. Cô giáo trẻ dễ thông cảm với lũ học trò. Đôi
lần đang giảng bài, mùi mít thơm tho từ bàn Thúy Ái, cô học trò nhỏ lém
lỉnh bay lên. Tôi không giảng bài được... bèn cho chơi. Tôi yêu những
con sóc nhỏ của tôi lắm, tôi thích chúng ngậm những quả ô mai, xí mụi
trong miệng (Ngày xưa, tôi cũng là một con sóc chuyên ngậm kẹo chanh và
hạnh nhân trong miệng). Và tôi đã hòa mình với các con sóc nhỏ, hòa mình
vào thế giới hồn nhiên của chúng. Ngoài trời mưa, cô giáo và học trò
ngồi lại ăn đậu phọng. Chúng dám mời tôi ăn. Chúa ơi! Con không ngờ
những con sóc dễ yêu đó. Không hẳn là trong lớp chỉ có những cô bé ngoan
ngoãn, dễ yêu, nghịch nhưng chăm mà có đủ các đức tính. Yếu đuối có,
bướng bỉnh có, chăm có, lười có, thích dịu dàng có, thích đe nẹt có...
Đây là một xã hội nhỏ, một thế giới hồn nhiên, thánh thiện.
Những
ngày nghỉ hay vào một buổi chiều đẹp trời nào đó, cô giáo và học trò đi
chơi khắp thành phố, đi hái hoa dại, hái những cây trái của rừng, đôi
khi học trò vặt trái vườn người cho cô giáo. Chúa ơi! Chúng yêu mến tôi
thật nhiều. Tôi sẽ nhớ mãi những khuôn mặt thương yêu đó.
Ngoài trời cơn mưa nhỏ kéo đến, bỗng dưng tôi muốn đi dưới cơn mưa nhỏ hạt đó, nhớ đến ngày xưa, ngày xưa dấu ái...
KHƯƠNG HOÀI - NGUYÊN KHANG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 113, ra ngày 2-11-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.