Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025

MÙA NẮNG VỠ - Thương Vũ Minh

 
 
Mưa chợt ngủ bình yên trên tháp cổ
Chân em về nơi tiếng nhạc xôn xao
Có bao giờ nhìn lá vàng bỡ ngỡ
Đông cúi đầu theo gió lạnh bay cao

Ngày bừng nở hoa vui chào nắng mới
Chim lượn vòng trong hạnh phúc bình an
Mùa xuân chợt rất gần tầm tay với
Bởi xuân hồng vừa hé nụ chứa chan

Rồi tiếng hát ngọt ngào như âm hưởng
Chợt trầm xa như một giấc mơ đầy
Những xôn xao tuyệt vời trong tâm tưởng
Tự bao giờ đã kết đọng trên tay

Em nghe xa mùa xuân vừa chớm nụ
Mây rất hồng ngày tháng nhỏ xa xôi
Và bâng khuâng nhìn gió ru nắng ngủ
Gieo vào tim từng nốt nhạc bồi hồi

Em hỏi khẽ mùa xuân trong ánh mắt
Ngày thật gần em có nhớ gì không
Chở chuyên xa những nụ ngát môi hồng
Về kết tụ nắng vàng trên đỉnh tháp

                                      THƯƠNG VŨ MINH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Tân Hợi, 1971)



Thứ Năm, 30 tháng 1, 2025

NGÀY THÁNG ÊM ĐỀM - Nhật Tiến

 

Năm nay Mẹ quyết định cho Hà và Di về ăn tết ở quê ngoại. Khi được loan báo. quyết định này, cả hai đứa cùng reo lên mừng rỡ. Chúng nó xúm lại ôm lấy mẹ hỏi tíu tít:

– Về quê hở mẹ? Bao giờ về?

– Về mấy hôm? Đi bằng gì? Mẹ có về không ?…

Hình nh­ư chúng đặt ra câu hỏi nhưng chẳng cần mẹ trả lời, bởi trong óc cả hai đứa tràn ngập những hình ảnh vui thú ở nhà quê.

Từ hồi bé đến bây giờ, Hà và Di mới chỉ được về quê chừng ba, bốn lần. Mỗi lần vào một khoảng thời gian khác nhau, nên lần nào quê nhà cũng đầy những trò vui thú mới lạ. Nhưng Hà và Di thích nhất là được về quê vào dịp hè. Chúng nó không quên được những đêm trăng sáng như­ ban ngày, cả nhà đem kê chõng ra sân nằm, vừa nhìn những vì sao đan kín một bầu trời vừa chỉ trỏ nhận xét chỗ này là sao Tua Rua, chỗ kia là sao Chức Nữ, sao Thần Nông, cùng bầy vịt bơi trên dải Ngân Hà. Nhưng những vì sao dù lấp lánh cách nào thì cũng không thể sánh bằng những con đom đóm xanh biếc lập lòe gần gũi ngay trên những lùm cây. Nằm ngắm sao chán mắt thì Hà và Di được lũ con dì Lụa rủ đi bắt đom đóm cho vào vỏ trứng. Đến khuya, quả trứng đầy nhóc một bầy đom đóm. Khi đem về nhà, mỗi lúc chúng lóe lên là khiến quả trứng biến thành một viên bích ngọc khổng lồ, sáng xanh cả một góc buồng. Đó là một vài trò vui thú về ban đêm. Còn buổi tr­ưa hè nắng gắt, cả bọn rủ nhau ra bờ ao. Nước trong vắt và mát rư­ợi như­ hồ thu. Đứng ở cầu ao nhìn xuống, Hà và Di thấy từng đàn cá Đuôi Cờ sặc sỡ màu xanh, màu đỏ bơi tung tăng quanh mấy cọng hoa Súng nổi lững lờ trên mặt nước. Đàn cá đông đúc gợi cho lũ trẻ cái ham muốn ngồi ở bờ ao câu cá. Cần câu làm bằng những nhánh tre khô.
L­ưỡi câu thì uốn lấy bằng những cây kim cài đầu. Mồi thì đi lật những viên gạch vỡ ở trong sân lên sẽ kiếm được vô khối là giun. Câu cá ở bờ ao rất thích thú vì cá rất tham ăn. Toàn là những thứ cá Săn Sắt, Mài Mại, Đuôi Cờ to không quá một ngón tay. Cá câu được rồi đem bắc một cái bếp bằng gạch ở góc vườn chơi trò thổi cơm, kho cá. Chơi chán thì đem cá trộn với cơm cho chú mèo tam thể trong nhà ăn thỏa thích. Vào những ngày hè, gần như­ suốt ngày Hà và Di chạy rong ruổi đầu làng, cuối xóm.
Nếu không câu cá thì tập bơi bằng những thân gỗ cây soan đã tước nhẵn vỏ ngoài thả sẵn ở bờ ao. Dù chẳng biết bơi, cứ vịn lấy thân soan nổi lều bều là cũng đủ an toàn để đập chân lên mặt nước ùm ùm. Chả mấy chốc mà biết bơi. Bơi chán rồi thì đi lang thang trong những khu vườn rộng bát ngát để tìm Sâu Kèn trên những chiếc lá Na, lá Ổi, lá Hồng Bì. Sâu kèn là cái tổ kết bằng tơ chắc chắn của những con sâu. Mỗi tổ tròn ở một đầu, thuôn ở đầu kia, treo toòng teng trên những cái cuống lá. Ngắt được xuống, đem cắt bằng hai đầu, lấy con sâu ra là có một cài kèn thổi kêu “te te” rất thích thú. Hôm nào kiếm được nhựa mít thì cả bọn bầy trò đi dính Cồ Cộ trên những thân cây Hồng, thứ hồng đỏ thắm như chu sa, ngọt lịm như­ nước đường, ăn với cốm xanh vào dịp tháng Tám thì hết chỗ chê. Cồ Cộ chỉ xuất hiện vào mùa hè. Nó thuộc cùng một loại với ve sầu, nhưng lớn gấp đôi gấp ba, với cái đầu đen bóng nổi  lên hai đốm mắt thật to. Đôi cánh Cồ Cộ lớn và cứng hơn cánh Ve Sầu, đặc biệt mình của nó có hai mầu: một mầu xanh biếc điểm trên mầu vàng cam trông rất sặc sỡ. Cồ Cộ kêu rất to, chỉ cần bấm khẽ vào cái “mõ” ở bên mạng sư­ờn là cu cậu cất ngay cái giọng kêu ò ò nghe khàn khụa như­ một ông cụ, mà tiếng cũng to đến váng trời, váng đất. Bắt Cồ Cộ cũng là cả một nghệ thuật. Phải leo cây thật giỏi, thật nhanh mà lại nhẹ nhàng không làm rung động đến cành lá. Lúc tới gần một chú Cồ Cộ rồi là phải rón rén giơ cái cần nhích gần lại. Đầu cần có phết một cục nhựa của cây Mít. Nhựa Mít dính không chê được. Chỉ nhắm làm sao dí được cái đầu cần vào giữa l­ưng Cồ Cộ là anh ta hết bề cục cựa. Nhưng trò chơi bắt Cồ Cộ không phải là trò kéo dài được lâu. Bởi vì nghe cái giọng khàn khụa ò ò của hắn ta thì chỉ một lúc là chán tai. Bọn con trai thì rủ nhau đi leo lên cây Ổi, vừa kiếm cái chạc đôi làm súng cao su, vừa ăn ổi xanh chấm muối ớt. Còn bọn con gái thì kéo nhau ra sân chùa làng kiếm búp đa. Búp đa là những cái búp của cây Đa, thứ cây già nua, rễ đan chằng chịt và có tán lá rậm rì che kín cả một khoảng sân chùa. Búp đa hay rơi vư­ơng vãi trên khắp mặt cỏ xanh, nhiều cái thật lớn và dài đến cả gang tay. Thổi búp đa cũng là một nghệ thuật. Hơi phải nhẹ và đều. Thổi mạnh quá màng búp sẽ bị rách. Thổi yếu quá, màng búp chỉ tróc ra chừng phân nửa. Phải làm thế nào cho hơi lùa dần vào suốt thân búp, tách được cái màng mỏng lên, làm nó tróc ra và phồng to lên từ đầu đến ngọn búp. Sau đó với đầu ngón tay khéo lên đẩy ngư­ợc lên là có thể lộn trái lộn phải cái búp đa hoài hoài cho đến khi nó trở nên nhàu nát hoặc rách ra mới vứt bỏ. Với l­ưng rổ búp đa, ngồi trên bờ hồ sen tỏa h­ương ngào ngạt, bọn Hà có thể chơi mải miết từ lúc trời còn gay gắt nắng cho đến xế chiều mà không thấy chán. Đó là kể sơ một vài thú vui ở nhà quê vào những dịp sang hè.
Ăn tết ở nhà quê thì chưa bao giờ Di và Hà được trải qua lần nào. Cho nên khi được nghe mẹ tuyên bố năm nay về quê ăn tết, cả hai đứa cùng múa lên. Chúng nó sẵn sàng hy sinh một cái tết ở tỉnh để được biết mùi ăn tết ở nhà quê. Như thế là năm nay chúng nó sẽ không đi chợ tết ở trên phố nữa, không đi ngắm những con đường đỏ ối toàn là cành đào bầy bán lạ liệt ở hai bên hè phố, hay có những dãy phố vàng rực lên vì những chậu cá vàng, trong có những con cá đuôi dài tha th­ướt nh­ư áo nàng công chúa. Kể từ hôm ấy, chẳng ngày nào mà Hà và Di không đếm từng ngày để tính toán tới hôm được lên đường về quê ngoại.
Rồi mới có tới rằm tháng Chạp, ông bà ngoại đã cho dì Lụa lên đón hai đứa về quê trư­ớc. Bởi vì đặc biệt năm nay ở nhà quê, ông bà cho tát ao bắt cá. Ôi chao ! Nghe nói đến tát ao là cả hai đứa mắt đã sáng lên nh­ư đèn ô tô. Mấy năm trước, chỉ nghe bọn trẻ trong làng tả cảnh tát ao là chúng nó đã cảm thấy sướng mê người lên rồi.
Đúng sáng hôm m­ười lăm tháng Chạp, dì Lụa dẫn hai đứa ra bến xe. Bố thì mắc đi làm, nhưng mẹ ra tiễn cho đến lúc xe chạy. Mẹ dặn tới giáp tết thì cả bố lẫn mẹ cũng về quê cùng. Chỉ đứa nào ngoan, không trèo cây, không tắm ao, không đi lang thang ra vườn lúc nắng, không uống nư­ớc lã, không ăn ổi xanh, không bắt đom đóm, không tìm sâu kèn, không dính nhựa cây bắt con Cồ cộ, không nhặt búp đa, không chạy nhẩy trong chùa ngoài miếu và trăm nghìn thứ “không” khác nữa, thì mẹ mới đem quần áo mới về quê cho mà mặc tết. Cả hai đứa luôn miệng hứa lu bù. Lúc đó thì mẹ bắt hứa cái gì chúng nó cũng đều dám hứa văng mạng tuốt !
Chiếc xe đi qua những cánh đồng lúa xanh m­ướt nh­ư thảm nhung, một mầu xanh mát r­ượi trải rộng đến tận chân trời. Thỉnh thoảng lại thấy nhô lên một căn nhà ngói đỏ. Đó là những chỗ dành cho nông phu nghỉ ngơi lúc đi làm đồng. Gió thổi lồng lộng qua hai bên kính xe. Vì đường vắng nên Hà và Di thò hẳn cổ ra ngoài để hít mạnh mùi thơm của đồng lúa. Sống lâu ở tỉnh, chưa bao giờ Hà và Di được h­ưởng bầu không khí trong lành nh­ư thế. Không gian nh­ư mở rộng tới cuối tầm mắt, ánh nắng chan hòa rực rỡ. Bầu trời trong vắt không vẩn một làn mây. Thỉnh thoảng một đàn cò vỗ cánh bay lên in trên nền trời thành những đốm trắng phau, chuyển động nhịp nhàng. Chiếc xe nuốt hơn ba chục cây số đường nhựa thì ngừng lại ở đầu một con đường đất. Từ đây vào đến cổng làng, mọi người còn phải đi bộ mất hơn cây số nữa. Mặc cho dì Lụa hò hét, Hà và Di phóng mình chạy lên trước. Con đường bây giờ thu hẹp chỉ còn một rẻo nhỏ và dài giống nh­ư một dòng suối tí hon chạy ngoằn ngoèo d­ưới những bụi tre um tùm. Gió thổi đư­a từng thân tre cọ sát vào nhau tạo nhành những tiếng kêu kẽo kẹt. Lá tre vàng úa rụng xơ xác đầy đường. Trên những mô đất ẩm ư­ớt, thỉnh thoảng lại có từng đám gà con mới nở với những bộ lông vàng chóe chạy ríu rít theo chân gà mẹ đi tìm mồi.

Chạy đua được chừng một quãng dài thì Hà và Di gặp một đàn trâu cũng đang lững thững trở về. Dẫn đầu là một thẳng bé đầu trọc lông lốc. Một tay nó cầm sợi thừng, một tay nó ôm cái tổ chim. Nó kéo con trâu đầu đàn đen bóng nh­ư gỗ mun, ức nở, sừng dài và nhọn hoắt. Theo đằng sau là ba bốn con trâu khác cùng một bầy nghé thấp lũn chũn. Lâu lâu mấy chú nghé lại nhẩy cẫng lên. Thằng bé vừa ngoái cổ lại thấy Hà và Di là reo to ngay lên:

– Ái chà chà… Về quê ăn tết đấy hở ?

Di nhận ngay ra nó là thằng T­ư, con bác Hiệp. Di vui vẻ nói lớn:

– Tư­ ơi Tư ! Đằng ấy còn nhớ chúng tớ cơ à ?

Tư­ nhoẻn một nụ c­ười, rõ ra là hai hàm răng của nó sún gần hết:

– Nhớ chứ sao lại không? Hè năm ngoái lúc đằng ấy ra tỉnh rồi trứng chim của tớ nở luôn một bầy sáu con. Còn nhớ tổ chim mình bắt ở sau đình không ?

Di gật đầu lia lịa:

– Phải rồi. Tổ chim Vành Khuyên trên cây Muỗm có ba chạc ở sau đình. Úi chà chà, hôm đó suýt nữa tớ bị cụ Từ phết cho một gậy, may quá vừa vặn leo qua được cái tư­ờng hoa.

T­ư xuýt xoa:

– Bây giờ ở đấy còn nhiều tổ lớn lắm. Đủ thứ cả. Vành Khuyên này. Chích Chòe này. Chèo Bẻo này. Có cả tổ Sáo Sậu nữa. Chờ ít nữa có trứng rồi mình tha hồ mà bắt.  

 Câu chuyện của chúng nó nổ nh­ư pháo ran. Chẳng mấy chốc đã về đến cổng làng. Khung cảnh không khác gì mùa hè năm trước. Vẫn chiếc ao đình rộng bát ngát với làn nước xanh lơ và phẳng lì. Vẫn những lùm cây um tùm in bóng trên mặt nước. Ngôi đình ngói đỏ đã ngả màu rêu xanh. Trên nóc có hai con rồng chầu hai bên một mặt nguyệt. Từng hàng cột cẩn mảnh bát sứ sặc sỡ đứng cao sừng sững. Khung cảnh quen thuộc làm Di nhớ tới những ngày hè, cả lũ rủ nhau lặn xuống ao đình bắt từng con ốc đá bám chặt lấy bờ rêu. Nhiều hôm b­ước xuống mấy bậc thềm ao, chỉ cần thọc tay mò theo những bờ gạch là tóm được dăm bẩy chú rồi. Ốc này đem về luộc chấm với nước mắm gừng, ớt thì phải biết. Chỉ cần nghĩ nh­ư vậy là Di đã thấy nước rãi ứa ra ở chân răng.
Nhà của ông bà ngoại ở bên trong xóm Giếng. Dì Lụa dẫn hai đứa đi qua những con đường cẩn gạch sạch sẽ và ngăn nắp. Hai bên đường, hoa Tầm Xuân nở rực rỡ trên từng dẫy bờ rào, có những nhà trồng cây Tơ Hồng, dây tơ nở ra một mầu vàng ối rực rỡ nh­ư màu áo bào vua. Rải rác đây đó, nhiều nhà đang quét vôi, tô cổng, sửa soạn ăn tết. Chừng đó cả hai đứa mới lại sực nhớ ra là tết đã gần kề. Hôm nay mười lăm tháng Chạp. Tuần sau cúng ông Táo về Trời. Tuần sau nữa là tết. Từ nay đến tết còn cả một nửa tháng để rong ruổi với những thú ở nhà quê. Đặc biệt là dì Lụa đã cho biết nhà bà ngoại tát ao bắt cá.
Khi Hà và Di về tới nhà thì ông ngoại đã qua bên vườn từ sáng sớm rồi. Đúng ngày hôm nay, công việc tát ao được khởi sự. Theo lời bà ngoại thì tuy trễ mất một hôm, nhưng hôm nay tốt ngày. Vả lại, ông ngoại đã tăng cư­ờng thêm người làm rồi.
Theo kinh nghiệm của dì Lụa thì năm nào nhà tát ao sẽ ăn tết thật lớn, nhất là vựa lúa năm nay được mùa, kho lẫm trong nhà đều đầy ăm ắp. Mư­a thuận, gió hòa, trúng lúa, đó là dấu hiệu của quê nhà yêu dấu vào những năm thời bình sung túc. Vườn của ông bà ngoại cách nhà đến bốn, năm ngõ. Hà và Di chỉ chờ bà ngoại hỏi thăm được vài ba câu chuyện là vội vã dắt nhau ra vườn. Khu vườn của ông ngoại rộng bát ngát. Ngay phía sát bờ rào, từng dẫy cây Cam trĩu nặng trái chín làm đỏ ối cả một vùng ngập đầy bóng mát. Vào sâu hơn nữa là vườn Ổi và Hồng Bì. Rồi tới khu trồng Mít, t­rồng Xoài. Sau cùng là cả một khu rộng mênh mông trồng Cải bắp, Su hào, Khoai lang, Chanh, Ớt. Qua dẫy vườn rau thì tới ao cá. Cái ao này rộng hơn ba sào, lan ra sát tới tận bờ tre, phía bên kia là cánh đồng chiêm ngập nước.
Việc tát ao được thực hiện rất dễ dàng. Chỉ cần be một con lạch trên bờ ao ăn thông ra tới bờ tre. Đoạn dựng cầu nổi ra ngoài mặt nước cho hai người dùng gầu Sòng đứng tát. Nước đổ vào con lạch chẩy tới chặng thứ nhì ngay sát bờ rào tre, ở đó lại có hai người đứng tát nữa để đ­ưa nước ra ngoài cánh đồng. Cả thảy có tám người thợ thay phiên nhau tát nước suốt ngày đêm. Họ dựng lều ở ngay bờ ao, để ăn ngủ luôn tại chỗ. Bầu không khí trong vườn bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Trẻ con trong làng bu đông lại đứng xem tát nước. Thật ra là anh nào cũng nhăm nhăm chờ tới lúc được nhẩy xuống ao mót cá trước khi nước được tháo trở về. Tư giảng giải:
– Nhưng từ đây đến đó sẽ còn lâu. Phải mất năm ngày để ao cạn, ba ngày để bắt cá. Kỳ dư­ dân đi mót mới được bư­ớc xuống ao bùn dùng nơm để bắt cá còn sót lại. Lúc đó thì loại cá lớn nh­ư cá Chép, cá Chầy, cá Trắm, cá Quả, cá Đuối đều bị bắt hết rồi, chỉ còn nhiều nhất là Trạch, Diếc, Rô và Trê. Cá Trê có biệt tài rúc xuống bùn. Nhiều tay may mắn có khi vớ được những con cá Trê to bằng cả một bắp tay. Còn Trạch thì khỏi nói: con nào con nấy thật dài và to tròn bằng ngón tay cái trở lên. Khó tóm được cu cậu lắm nhé. Lẩn nh­ư Trạch mà lị. Trạch đem kho mặn, rắc muối tiêu rồi ăn với cơm nắm thổi bằng gạo Mùa còn thơm mùi nhựa mới thì t­ưởng không còn món ăn gì ngon cho bằng.
Chỉ mới nghe thằng T­ư tả sơ nh­ư vậy, Di đã thèm rỏ rãi. Nó bèn ra ngồi chồm hổm bên bờ ao nhìn chiếc gầu Sòng nhẫn nại múc từng gầu nước xanh đẫm mầu rêu hắt lên chỗ be bờ. Chung quanh nó mùi đất ẩm lên mùi cỏ ư­ớt, mùi h­ương thanh thoát của các loài hoa dại, mùi nhàn nhạt, hăng nồng của nước ao đang tát cùng mùi khói đốt từ những đống lá khô ở các góc vườn, tất cả đã tạo thành mùi vị đặc biệt quen thuộc của nhà quê.
Quanh quẩn trong vườn một hồi lâu, Tư­ rủ bọn Hà, Di đến nhà bác H­ương của nó xem in tranh tết. Nhà bác Hư­ơng ở bên xóm Chùa. Căn nhà thật nghèo nhưng tươm tất. Qua một giậu hàng rào bằng lá dâm bụt thì tới một cái cổng gỗ xộc xệch, mái lợp bằng rơm cũ kỹ. Ngay bên cạnh cổng là cái cối giã gạo. Ở nhà quê, không nhà nào là không có cối. Lòng cối làm bằng một phiến đá vuông, lớn, khoét trũng ở giữa và chôn chặt xuống đất. Chày giã làm bằng một thanh gỗ lớn, đầu bịt sắt. Chiếc chày này được một cái cần dài thường là thân một cây Ổi nâng lên, thả xuống do một hay hai người dùng chân ấn xuống ở một đầu. Về đêm khuya, tiếng chày nện thình thịch vào lòng cối tạo thành một âm thanh quen thuộc của tất cả mọi nhà.
Đi qua một cái sân đất nhỏ thì đến một căn nhà ba gian lụp xụp. Tường xiêu, vách lở, nền đất cũ kỹ, mái rạ ẩm ư­ớt mốc meo. Khung cảnh chứng tỏ  nhà bác Hư­ơng không bao giờ dư­ dật. Quanh năm, bác Hư­ơng sống bằng nghề làm đồ vàng mã. Vào dịp tết Trung Thu, bác sản xuất Tiến sĩ giấy, đèn Ngọc thỏ và đầu Sư tử. Đến tết Nguyên Đán thì bác in tranh Gà, Lợn, Nghi Xuân Tiến Lực, tranh Mai, Lan, Cúc Trúc và chế những đồ chơi như lực sĩ đánh đu bằng gỗ cây Bần. Bởi vậy những ngày gần tết, gian nhà của bác tràn ngập những giấy má, phẩm mầu và khuôn gỗ. Mỗi khuôn gỗ được khắc hình và để in một mầu. Một bức tranh năm mầu phải cần bốn cái khuôn. Bao giờ tranh tết cũng dùng những mầu như vàng, xanh, đỏ, lục, tím và đen. Tuy có tới 6 mầu, nhưng chỉ cần có 4 khuôn in vì mầu lục là mầu xanh in chồng lên mầu vàng, mầu tím là mầu xanh in chồng lên mầu đỏ. Bức tranh vẽ hình lợn mẹ với bầy lợn con có đủ loại mầu, biểu dương cho sự thái bình sung túc. Có tranh thì vẽ Tiến sĩ Chuột vinh qui, cờ quạt linh đình, biểu hiệu cho sự vinh hoa phú quí. Cũng có bức họa thầy giáo Ếch lấy theo tích Lão Oa giảng độc v.v… Mặc dầu năm nào cũng như­ năm ấy, đề tài, nội dung bức tranh không thay đổi, nhưng nhà nào cũng phải mua hằng chục bức đem dán la liệt trên vách đất. Ngày tết mà vắng bóng tranh gà, tranh lợn thì kể nh­ư là thiếu mất hư­ơng vị Tết cổ truyền. Đó là chưa kể đến sự mê tín là cả năm làm ăn không phát đạt nữa.
Nhà bác H­ương đông con, đứa nhỏ nhất cũng đã lên bẩy. Đứa lớn nhất tới mư­ời bốn, m­ười lăm. Cả bọn năm, sáu đứa đều có thể giúp bố mẹ trong việc in tranh. Những tờ giấy tầu bạch được đặt lên khuôn gỗ có phết sẵn phẩm mầu, sau đó dùng bàn chải xoa đều là tranh đã in được một mầu. Thủ công nghiệp một tí nhưng cũng rất lẹ làng. Vả lại mầu sắc càng loè loẹt ấn loát càng thô sơ, giản dị thì bức tranh lại càng mang một vẻ dân tộc tính dễ thương, mộc mạc.
Sự hiện diện của Di và Hà được bác Hư­ơng kể nh­ư khách quí. Học trò trên tỉnh về mà. Cho nên bác cho Hà và Di tha hồ lựa tranh đem về để treo Tết. Hà xin năm tấm: một ông Thiện, một ông Ác, một tranh Gà, một tranh Lợn và một đám r­ước Chuột Vinh qui. Còn Di thì tinh nghịch hơn, nó đòi thằng Út nh­ường chỗ cho nó in thử. Trông người ta làm thì ngon, đến lúc mó tay vào mới thấy là cả một nghệ thuật. Mực phải xoa cho mịn, giấy thì phải đặt cho ngay, bàn chải phải xoa cho đều. Mực không mịn, giấy không ngay, xoa không đều kể là tranh bị hỏng. Trong phút chốc, Di làm h­ư luôn bốn bức. Nó đỏ mặt tía tai như­ờng chỗ lại cho thằng bé, nhỏ hơn nó đến ba bốn tuổi. Thằng này làm thoăn thoắt, ngon ơ. Rõ ra một con nhà nghề.
Càng tới ngày giáp tết, mọi người càng trở nên hối hả. Riêng nhà ông bà ngoại, dì Lụa ng­ược xuôi suốt từ sáng đến khuya. Năm nay tát ao được cá nhiều hơn hết mọi năm. Dì Lụa phải chuyển lên chợ bán buôn. Thu xong tiền là dì đã đi sắm tết. Thôi thì đủ thứ không thiếu thứ nào. Từ lá dong gói bánh, đến gạo nếp, đậu xanh, dư­a hành, đường, mật, vàng, h­ương phấn sáp, g­ương l­ược, cùng hàng trăm thứ vụn vặt khác, kể cả những bánh pháo hồng điều bọc ngoài bằng lớp giấy bóng thơm phức.
Từ sáng ngày hai m­ươi tám Tết là xóm làng rộn rã vì tiếng lợn kêu. Nhà nghèo thì chung nhau (gọi là “đụng”) một con. Các cầu ao luôn luôn nhộn nhịp kẻ lên người xuống, tiếng gọi nhau léo nhéo, ồn ào. Trong lúc dì Lụa với bà ngoại bận túi bụi sửa soạn gói bánh chư­ng thì Hà và Di theo bén gót ông ngoại để giúp ông quét vôi tư­ờng, dọn cỏ ngoài sân và thích thú nhất là sửa soạn dựng Cây Nêu. Năm nay cây Nêu nhà ông cao nhất. Ông đã dành sẵn một thân tre thật cao từ nhiều tháng trước. Cây Nêu mang theo những lá cờ phư­ớn, với những cái khánh bằng đất nung để khi gặp gió, chúng đụng vào nhau kêu rủng roẻng. Ông ngoại còn tết cả những cái ngù bông ngũ sắc, treo quanh thân Nêu thành một cái vòng tròn có đủ bùa chú trừ tà ma, yêu quái. Sáng sớm ngày ba m­ươi, cây Nêu được dựng lên ngay giữa sân nhà. Cờ phư­ớn theo gió bay phất phới. Ông ngoại còn chọn ba bánh pháo thật tốt treo ở thân Nêu để sửa soạn đốt vào đêm Trừ tịch.
Ở trong nhà, bàn thờ chính giữa được sửa soạn thật kỹ l­ưỡng. Các đỉnh trầm, chân nến được đánh bóng sáng choang. Những án thư­, hoành phi, câu đối cũng được đem chùi rửa sạch sẽ. H­ương vị của ngày tết thật tràn ngập ở mọi đồ vật mọi công việc, ở cả nét mặt hân hoan nhưng vội vã của mọi người. Ai cũng muốn níu thời gian chậm lại hơn nữa đề kéo dài sự sửa soạn. Bọn Hà và Di cũng muốn thời gian chậm đi, bởi vì chúng đã bắt đầu sốt ruột khi thấy đã xế tr­ưa ngày ba mư­ơi mà bố mẹ ở trên tỉnh chưa về. Chúng nó trông đợi nhất là những bộ quần áo mới mà mẹ đã hứa mang về quê lúc xe của Hà và Di sắp sửa chạy.
Chờ mới đến gần xế chiều, bố mẹ mới về đến cổng. Cả gia đình bên nhà ngoại như­ vụt ồn ào hẳn lên. Mọi người ùa nhau ra đón và khuân đỡ những gói đồ thật to do bố mẹ mang về. Cái Hà giở trò làm nũng mẹ, vừa vùng vằng trách mẹ về trễ vừa đe dọa bằng màn ngủ nhè. Di thực tế hơn, đánh đu lấy lư­ng bố, nhờ bố “chỉ điểm” cho biết quần áo mới mẹ cất trong gói nào. Bố tuy bận tíu tít nói chuyện với ông bà ngoại về lý do trễ xe, nhưng cũng phải ngừng nói để chỉ cho Di về phía một chiếc bồ nhỏ. Di phóng lại, gỡ tung nắp bồ buộc bằng dây kẽm lên. Nó lấy ra được đủ thứ quần áo sang trọng đắt tiền. Khăn xếp, giầy da của Ông, áo the, khăn nhung của Bà, quần lĩnh, phấn sáp, nước hoa của dì Lụa. Bộ đồ của Hà và Di bị nhét tít xuống tận đáy. Hà có áo đầm thật đẹp bằng voan trắng phủ ngoài lớp vải mầu hồng. Di có những hai bộ quần tây bằng nhung và sơ mi mầu sặc sỡ. Mỗi đứa lại thêm một đôi giầy mới. Ngần ấy đồ dùng được tất cả mọi người sử dụng ngay vào đêm Trừ tịch.
Trời mư­a xuân lâm râm. Bầu trời tối đen như­ mực, nhưng đèn nến trong nhà sáng choang, khói h­ương nghi ngút. Đúng vào phút Giao Thừa, ông bà ngoại bắt mọi người ăn mặc tề chỉnh theo ông ra sân đốt liền năm bánh pháo rồi vào bàn thờ làm lễ Gia tiên và xem hoa Thủy Tiên nở. Mùi hoa thơm ngát cả một gian nhà rộng rãi. Lễ bái xong, mọi người xúm lại quanh nồi bánh Chưng sôi sùng sục. Một bàn Tam Cúc được bầy ra. Vừa đánh bài, trông nhà, vừa canh nồi bánh. Hà và Di hẹn nhau sẽ thức suốt đêm không ngủ, rồi ngày mai sẽ theo ông bà ngoại xuất hành đi lễ chùa, hái lộc sớm.

Ấy vậy mà mới qua giao thừa được chừng hơn một tiếng thì cả hai đứa đã lăn quay ra ngủ khò. Chắc trong giấc ngủ, cả hai đều mơ thấy xác pháo nổ đỏ cả một bầu trời rực rỡ muôn ngàn loài hoa để chào mừng một mùa xuân thanh bình đã trở về trên quê nhà yêu dấu.

NHẬT TIẾN    

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2025

XÔNG NHÀ NGÀY TẾT - Văn Trung

 

Các cụ ta đã có dạy "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Thế nên việc xông nhà, xông đất vào ngày đầu năm được các cụ chú ý đặc biệt.

Các cụ bảo rằng ngày đầu năm, hễ nhà nào mà được người vui vẻ, hiền lành, dễ tính đến xông nhà thì suốt năm, nhà ấy sẽ gặp may mắn, làm ăn tới đâu, thành công tới đó. Nhưng nếu chẳng may gặp một người hung hăng, độc ác hoặc ngây ngô, khờ khạo tới xông nhà thì cả năm nhà ấy sẽ gặp toàn điều xui, cất đầu lên không nổi, làm ăn thì đụng đâu hỏng đó, học hành thi đâu rớt đấy.

Bởi vậy, nhiều người rất cẩn thận, muốn tránh việc làm ăn thất bại, trước ngày tết họ đã lo kén người tới xông đất. Nhiều gia đình trong đêm giao thừa sau khi đi lễ chùa, lễ miễu về, thường chọn người nết na nhất trong nhà vào xông đất. Có người quá cẩn thận, đã khăn áo chỉnh tề, tự xông nhà, xông đất lấy.

Người xông nhà theo lệ xưa thường mang theo một phong pháo để đốt mừng chủ nhà. Sau đó, tùy theo, chủ nhà là thành phần nào trong xã hội mà cất giọng chúc những điều thật tốt lành.

Nếu chủ nhà là nhà nông thì chúc "Phong đăng hòa cốc".

Nếu chủ nhà là thương gia thì chúc "Nhất bản vạn lợi" hay "Buôn may bán đắt".

Nếu nhà có bậc già lão thì chúc "Tăng phúc tăng thọ".

Nếu chủ nhà là quân nhân, công chức thì chúc "Thăng quan tiến chức".

Để đáp lễ chủ nhà cũng lựa những lời đẹp đẽ nhất chúc lại khách cùng với sự đón tiếp rất nồng hậu. Có người còn lấy tiền phong bao điều biếu khách gọi là tiền mừng tuổi và mở hàng.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN

Nếu việc xông nhà, xông đất đã trở nên quan trọng thì việc giữ gìn lời nói hành động trong ngày đầu năm mới cũng là một mối quan tâm của đồng bào ta.

Theo các cụ thì đầu năm mới không được nói phạm tới những điều gì hoặc có những hành động nào mà các cụ cho là sẽ mang lại sự không may cho mình trong suốt năm.

Các cụ dạy muốn tránh khỏi bị xui hay bị giông thì trong ba ngày tết, ta không nên gắt gỏng, cau có, không la hét, giận dữ, không nói con khỉ, con tiều, không đánh đổ điếu, không làm bể bát đĩa, không được mặc đồ trắng là điềm tang chế, không được để cho con nít la khóc.

Người đang có đại tang kiêng không đi chúc tết bà con bạn hữu, tránh không nên mang đồ tang sô gai đến nhà người khác.

Khi quét nhà thì kiêng không được quét rác ra ngoài hoặc hốt vứt đi, mà phải đánh đống vào xó nhà, chờ sau lễ động thổ mới được hốt bỏ đi.

Tục kiêng đổ rác này do sự tích con hầu Như Nguyệt ở bên Tàu mà ra. Theo sách sưu thần ký thì xưa ở bên Tàu có một người lái buôn khi đi ngang qua hồ Thanh Thảo, được thần hồ tặng cho một con hầu tên là Như Nguyệt. Người lái buôn mang con hầu về nhà nuôi và được ít lâu thì trở nên giàu có lạ thường.

Nhưng một hôm đúng vào ngày mồng một tết, người lái buôn đánh nó, làm nó sợ chạy rúc vào đống rác, rồi biến mất. Sau đó, người lái buôn làm ăn sa sút và trở nên nghèo khó.

Tục kiêng hốt rác này sau truyền sang nước ta và được đa số dân chúng tin theo.


VĂN TRUNG       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)


Thứ Ba, 28 tháng 1, 2025

MỒNG MỘT - Quốc Hùng

 
 
 "Kính dâng Mẹ và để ghi lại
những kỷ niệm thời thơ ấu"
                                          Q.H.

Sáng hôm nay mồng một
Tôi thức sớm kêu mẹ:
"Lấy con quần áo mới
Để con mặc lấy "le""

Mẹ cười tay xoa đầu
"Con có thức sớm đâu
Ngày nào cũng ngủ trễ
Chẳng ôn kịp mấy câu

Thôi! Vào phòng ngủ đi
Thức dậy sớm làm chi
Con mẹ nay siêng nhỉ
Chưa Tết, nhốn nháo gì"

Tôi chạy ra cửa sổ
Cầm tay mẹ nói ngay:
"Mẹ xem kìa trời sáng
Tết, con nghỉ chín ngày"

Mẹ cười vội trả lời:
"Mẹ đùa con thế thôi
Để vào rương mẹ lấy
Áo mới mặc đi chơi"

Tôi nũng nịu chẳng đi
"Năm mới mẹ lì xì
Cho con nhiều mẹ nhé!
Nhiều hơn của mấy dì".
 
                  TH-P QUỐC HÙNG
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Quý Mão, 1963)


TRÔNG BÁNH CHƯNG CHỜ TRỜI SÁNG - Đằng Linh

 

Mẹ rọc tàu lá chuối 
Đem gói bánh chưng xanh 
Một góc sân yên bình 
Cha gầy thêm bếp lửa 
 
Trong niềm vui chan chứa 
Mẹ bắc nồi bánh chưng 
Ngọn lửa như reo mừng 
Giữa đêm thâu Trừ tịch 
 
Cả nhà ai cũng thức 
Chờ đón phút Giao thừa 
Trời rắc nhẹ hạt mưa 
Lạnh se cơn gió bấc 
 
Lửa hồng khơi ấm áp 
Đỏ hây hây má đào 
Em tôi ngồi ước ao 
Trông cho trời mau sáng 
 
Mẹ mở vung nồi bánh 
Khói bay thơm góc trời 
Mùa Xuân từ xa khơi 
Về quanh nồi bánh Tết 
 
                            Đằng Linh 
                           (Thôn Diễm)



Thứ Hai, 27 tháng 1, 2025

ĐÊM 30 TẾT BẮT TRỘM - Thổ Địa

 

Có thể nói, trong thời đại văn minh này, người ta không còn được hưởng cái thú đêm đêm mọi người quây quần bên bếp sưởi hoặc dưới ánh trăng để kể cho nhau nghe những mẩu chuyện cổ tích đầy quyến rũ nữa.

Thời thơ ấu, tôi đã từng được trải qua những đêm vui tương tự mà bà nội là nhân vật chính. Bà đã thuật cho chúng tôi vô số chuyện: loại tiếu lâm, loại thần tiên hoang đường, loại ngụ ngôn... Nhưng tôi vẫn thích nhất là loại chuyện ma và ăn trộm. Vì những chuyện này đã gây nơi tôi những cảm giác hào hứng và ghê sợ.

Nói đến ăn trộm thì phải nói đến miền Bắc, đó là sự thực. Trộm ở ngoài ấy đi làm ăn như một cái nghề nghiệp cha truyền con nối. Lại có gia đình, tôi biết rõ bị mất trộm tới 17 lần trong ba năm, đến cái áo tang cũng bị mất trộm. Sở dĩ có chuyện ấy vì kẻ trộm cũng ưa tin nhảm. Họ thờ một vị thần, hễ thần ra hiệu bảo đi về hướng nào, ăn trộm ở đâu, thì cứ y lời, đêm đó chắc chắn làm ăn xuôi đẹp. Chỉ xui xẻo cho gia đình nào đó đã bị lọt vào mắt xanh của ông thần ăn trộm tới 17 lần liên tiếp.

Đêm nay, nhân dịp xuân về, Thổ Địa xin cống hiến các bạn vài trong số trăm ngàn câu chuyện về ăn trộm mà Thổ Địa đã được nghe hay xem ở nơi này nơi kia, gọi là để sống lại cái thú đêm 30 tối đen như mực thủ thỉ bên nhau những mẩu chuyện lý thú.

Xin được phép bắt đầu...

KHÔNG KHÁ!

Đêm 30, trời tối mù. Không gian chìm đắm trong một màu đen sậm, khiến cảnh vật trong làng càng thêm âm u vắng lặng.

Trống canh ba đã điểm. Bỗng một bóng đen xuất hiện trong ngõ xóm, bước đi bay bổng như hồn ma. Đến ngôi nhà đã định, bóng đen vạch hàng rào chui vào, công việc dễ dàng quen thuộc. Con chó vàng thấy hơi người và tiếng động sủa ầm ĩ. Nhanh như chớp, một miếng thịt bò bay tới, thấy mồi, chú chó im tiếng.

Bỗng có tiếng mở cửa, một người đi ra vườn, tên trộm đoán biết chủ nhà muốn đi tiểu tiện đêm, hắn liền chạy đến nấp vào một bên tam cấp (nền nhà ngày xưa thường đóng rất cao, có bậc gạch đi xuống) để chờ chủ nhà ra vườn sẽ lẻn vào.

Hắn vẫn yên lặng ngồi chờ, thời gian kéo dài hồi hộp. Trời tối quá chủ nhà không thấy rõ cảnh vật, và có lẽ, ông ta cũng là tay nhát gan nên chẳng dám ra vườn. Ông chỉ đứng ngay trên thềm nhà... làm việc! Xúi quẩy thay, đó cũng là chỗ mà tên ăn trộm đang nấp. Hắn ta phải lãnh đủ những dòng nước oan nghiệt xối xả trên đầu và mình, với một mùi không mấy dễ chịu.

Tưởng chủ nhà chủ ý chơi xỏ mình, giận quá hắn vùng chạy một mạch vào trong bóng tối, để lại cho chủ nhà một mối lo sợ ghê gớm và một nụ cười vẩn vơ.

CON ĐƯỜNG XUỐNG GIẾNG

Kể ra, đi ăn trộm mà gặp xui như nhân vật trên đây thì đúng là ra ngõ gặp gái. Nhưng đến như hai chú ăn trộm này thì không biết ra ngõ gặp thứ gì, mà xui xẻo không kém.

Đêm hôm ấy, có hai tên ăn trộm - trộm thường bao giờ cũng đi hai đứa - vào làm ăn tại một ngôi nhà kia, nhà thì bằng gạch, xung quanh lại là vườn rộng, cây cối um tùm, nên trước khi vào làm ăn, hai chú đã tính đến chuyện rút lui nhanh nhẹn nếu chủ nhà biết được mà đuổi theo.

Hai chú thắp 10 cây nhang rồi đem đến cắm từ chỗ hàng rào dễ thoát nhất, vào đến nhà. Nếu có biến, hai chú cứ theo... chiến lược.

Nhưng chuyện đời éo le, thường khi mình tính kỹ thế lại hay gặp tai ương. Hành động của hai chú đã bị ông chủ nhà theo dõi, có lẽ chỉ do vô tình. Ông liền nhè nhẹ mở cửa đi ra vườn và thừa lúc hai chú trộm mải miết đào ngạch - lỗ chui vào nhà - ông lặng lẽ lấy mấy cây nhang kia cắm thành một con đường khác. Làm xong công việc đó, ông liền trở về nhà la lên ỏm tỏi:

- Có trộm! Có trộm ở đây làng xóm ơi...

Tức thì ông nghe có tiếng chân chạy thình thịch. Ông đứng đó không cần đuổi theo vì ông đã biết rõ thế sa cơ của hai chú trộm. Một phút sau, hai tiếng "tủm, tủm" vang lên khiến cho ông cười sặc sụa. Vừa lúc ấy hàng xóm láng giềng chạy đến, kẻ gậy gộc, người đốt đuốc hỏi ông:

- Trộm đâu, trộm đâu?

Ông chủ nhà mỉm cười bảo:

- Các ông theo tôi.

Mọi người đã đến bên thành giếng, ông nói:

- Đấy, chúng nó ở dưới ấy.

Khi các cây đuốc sáng được soi đến thì hai chú trộm đang vẫy vùng dưới nước. Thì ra con đường "rút lui vô sự" chính là đường... xuống giếng.


HÃY CHO NÓ CÁI CÀY

Đã sang canh tư mà tên trộm vẫn cứ loay hoay đào. Các ngạch dưới ngưỡng cửa đã khá sâu và rộng. Tiếng đào đất thật êm, nếu không chú ý thì không tài nào nghe được. Một tên bạn đi theo đang moi đất ra.

Trong nhà, gia chủ là một bà già vốn khó ngủ và nổi tiếng dữ tợn trong làng. Bà ở với hai con gái và một con trai. Chồng bà đã qua đời, mà con trai lại còn thiếu nhi quá. Đêm nay, bao nhiêu động tác của tên ăn trộm đều đã lọt mắt xanh của bà già. Vốn gan dạ, bà vẫn nằm im trên giường xem "bọn nó" giở trò trống gì.

Cái ngạch đá lớn đủ một người chui lọt, tên trộm bắt đầu làm ăn. Hắn cắm một cây nến đốt sáng trên lưng con cua rồi thả con cua bò vào nhà. Con cua đi soi sáng một vòng, tất cả đều yên tĩnh. Tên trộm lấy làm hài lòng kéo vội con vật ra. Giai đoạn đầu xong, bà già bỗng thấy một cái đầu đen thui thủi đưa vào, nhưng phải bình tĩnh mới được, đó chỉ là cái nồi đất úp vào đầu một thân cây chuối. Tên trộm dùng cách này để thử lần thứ hai cho chắc. Nếu chủ nhà có rình thấy sẽ vội vàng thưởng cho cái nồi đất một cây đòn gánh, và tên trộm biết có nguy, đủ thời giờ rút đi nơi khác.

Đến cơ sự này, bà già tự nhủ "bọn này ghê gớm thật, bà phải cho chúng mày biết tay" và bà để ý cái cày to tướng để ở góc nhà.

Cây chuối được lôi ra, bà già biết đã đến giờ phút sát phạt. Tấm thân còm cõi nhanh nhẹn nhẩy xuống đất đi lại góc nhà, bà khệ nệ bê cái cày đứng dạng cẳng chặn ngang cái ngạch của tên trộm. Tất cả, đối với bà già tinh quái thì không có gì đáng kể. Đúng lúc ấy, tên trộm bất hạnh đưa cái đầu thật vào, tưởng chừng phen này ta sẽ vơ một mẻ đã đời. Ngờ đâu cái cần cổ bỗng thấy bị kẹp cứng. Thì ra bà già đã nhẹ tay hạ cái cày xuống cổ tên trộm và leo cả tấm thân bồ liễu của mình lên đó. Tên trộm ở trong cái thế tiến không được mà lui thì có nước mất đầu nên đành nằm chịu chết. Bà già bèn gọi con cái dậy đốt đèn sáng choang và chỉ vào mặt tên trộm đau khổ mà phán rằng:

- Nằm đó mà chờ tuần đinh ra bắt nghe con.

Còn tên trộm thứ hai đứng ở ngoài, biết sự việc đổ bể bèn co giò chạy mất, quên cả ông bạn quí đang nằm với bao nỗi thất vọng ê chề. Thật đúng là "thằng trộm mắc lỡm bà già".


ANH CẢ KHIÊNG LỢN

Trên đây Thổ Địa đã kể ba câu chuyện mà trong đó kẻ trộm đều gặp xui xẻo. Để thay đổi không khí, tưởng cũng nên thả lỏng để ăn trộm qua mặt chủ nhà một vài keo cho thêm phần... linh động.

Ngày trước, tại làng Xuân Vũ tỉnh Thái Bình có một tay ăn trộm đại tài tên gọi Cả Trường, thiên hạ thường gọi là Anh Cả Trường Xuân Vũ. Tài ăn trộm của anh Cả thì trong làng ai không biết và ai không nể sợ. Duy có ông Bá Hộ nọ, nhà giàu có lúc nào cũng kín cổng cao tường, trộm đạo vào được nhà ông cũng thật khó khăn. Ông Bá Hộ thường cười khinh khỉnh mỗi khi có ai ngỏ ý khen anh Cả. Ông không biết rằng, sở dĩ anh Cả chưa đến viếng nhà ông chỉ vì anh không muốn lấy trộm của người cùng làng, vì tình làng xóm cũng có mà cũng chính vì thành tích bất hảo, anh sợ họ trình báo phiền phức.

Bấy giờ vào hồi gần tết. Trong một đám giỗ, ông Bá gặp anh Cả. Trước mặt đông đủ thực khách ăn giỗ, ông Bá bảo anh Cả rằng:

- Tôi nghe nói anh trèo tường khoét vách vào bậc nhất nhì trong thiên hạ. Nhưng chính tôi, tôi chưa thấy tài anh ở chỗ nào cả! Anh phải làm thế nào trổ tài cho tôi trông thấy hai năm rõ mười, tôi mới phục.

Anh Cả phân bua với mọi người:

- Trên thưa các cụ các ông, tôi tuy tài cán rất hèn mọn, nhưng nếu ông Bá muốn thử, tôi xin sẵn sàng chiều ý. Vậy ông Bá đặt cái gì làm chuẩn đích, tôi sẽ lấy cho xem.

Ông Bá trong lúc rượu ngà say liền hách dịch bảo anh Cả:

- Nhà tôi có con lợn để ăn Tết, vậy từ nay tới tết, nếu anh lấy được con lợn ấy, tôi sẽ không trình báo gì, mà còn thưởng cho anh thêm 100 đồng bạc nữa. Nhưng nếu anh không lấy nổi con lợn thì sao?

Anh Cả nói:

- Thưa ông Bá, tôi nghèo nàn, không có gì, nếu thua cuộc chỉ xin đến để ông Bá đét cho mười roi vào đít.

Nghe nói ông Bá đắc chí cười ha hả và nhờ mọi người làm chứng.

Thế là cuộc đố bắt đầu. Còn 10 hôm nữa đến tết, dĩ nhiên ông Bá lo tổ chức canh phòng chuồng lợn rất cẩn mật. Lũ người nhà được một phen canh gác vui vẻ. Anh Cả thừa biết vậy nên chẳng buồn rình mò làm gì. Ai có hỏi anh chỉ cười đáp lửng lơ:

- Để còn xem đã chứ. Ông Bá ấy canh chừng kỹ lưỡng lắm. Mà nếu lấy không được thì chịu mười roi ăn nhằm gì?

Ngày này qua ngày khác, con lợn của ông Bá vẫn là con lợn của ông Bá. 26, 27, 28 rồi 29 tháng chạp, anh Cả vẫn chưa làm gì nổi con lợn trong chuồng nhà ông Bá. Và đến sáng 30 tết, một mũi dao nhọn đã hóa kiếp cho con lợn. Ông Bá bảo:

- Xem chuyến này thằng đại bợm có thua ta không?

Một tên người nhà nói:

- Thế là kẻ cắp gặp tay... ông già. Phải ông Bá mới trị nổi anh Cả.

Ông Bá hả dạ lắm. Mọi người ra sức làm cho xong con lợn. Họ bàn tán nhau : chắc gì anh Cả chịu tội. Ngày xưa bị đánh đòn giữa chỗ đông người là một hình phạt nhục nhã.

Nhưng anh Cả đã đến, khăn áo rất chỉnh tề. Thấy anh, ông Bá mỉm cười đắc thắng bảo:

- Anh đến chịu đòn, thật là một kẻ anh hùng.

Lũ người nhà thấy vui đổ xô lên nhà trên chứng kiến, ông Bá càng lấy làm hãnh diện. Anh Cả nói với ông Bá trước mặt mọi người:

- Tôi đến để vui lòng chịu đòn. Nhưng thưa ông Bá, phải có người làm chứng, kẻo ông Bá đánh tôi xong lại bảo chưa đánh, thì lúc đó tôi cãi vào đâu? Vậy sẵn người nhà đây, xin ông cho đi mời mấy cụ có mặt tại đám giỗ bữa nọ lại, để chứng kiến vụ chúng tôi chịu đòn.

- Tưởng gì chứ thế thì khó gì? Lại còn thêm vui là đằng khác.

Ông Bá liền mau mắn sai người nhà đi mời người chứng kiến theo lời đề nghị của anh Cả. Trong lúc chờ đợi, ông sai rót nước mời anh Cả, vẻ vui ra mặt. Trong khi đó, anh Cả vẻ mặt tỉnh queo, lại còn khen:
 
- Nhà ông Bá kín đáo và kỹ lưỡng thật, chúng tôi rình năm bảy bận mà không sao vào được. Chó ở nhà lại dữ nữa, kẻ trộm chúng tôi đành chịu thôi.

Ông Bá có vẻ hài lòng, vuốt râu cười bảo:

- Anh biết tay tôi như thế là phải, chứ những hôm ấy, ông mà chờn vờn vào nhà tôi thì chỉ có què.

Vừa lúc đó bốn năm cụ khăn đóng áo dài kéo tới đông đủ. Bọn người nhà đứng vây quanh, mọi người mong chứng kiến cảnh tên đại bợm chịu đòn. Ông Bá nói với những người vừa được mời tới:

- Hôm nay nhà tôi mổ thịt con lợn. Anh Cả thua cuộc đành đến chịu đòn, muốn mời các cụ lại chứng kiến.

Ông Bá vừa dứt lời thì anh Cả đã tiếp:

- Thưa các cụ, không phải thế ạ! Đấy là ông Bá muốn mời các cụ lại làm chứng để ông Bá thưởng cho tôi thêm 100 bạc như lời đã hứa, vì con lợn của ông Bá, tôi đã mạn phép lấy và cho người mang đi rồi.

Ông Bá giựt mình cãi:

- Anh nói láo! Đâu có chuyện ấy! Con lợn sáng ngày tôi đã cho làm thịt rồi còn gì.

Anh Cả ung dung thưa:

- Thưa ông Bá, tôi vừa lấy lúc nãy xong. Không tin ông Bá thử cho người nhà ra vại nước xem có còn con lợn không?

Thật là sét đánh ngang tai, ông Bá vội bảo lũ người nhà lúc ấy đang đứng ở cửa đi xem lại con lợn, thì quả thật, con lợn đã không cánh mà bay, đến chậu tiết cũng bị ai khuân đi khuất mắt, chỉ còn đống lông ngoài sau nhà.

Được tin, ông Bá tức điên ruột nhưng cũng đành làm mặt tỉnh táo đàn anh, đưa cho anh Cả 100 bạc, rồi quay lại mắng lũ người nhà:

- Chỉ tại lũ chúng mày vô ý.

Thế là tết năm ấy, anh Cả được ăn một cái tết khá no đủ với một con lợn được làm sẵn.

Chắc các bạn cũng thừa rõ, trong khi tất cả người nhà ông Bá dồn lên nhà trên để chực xem anh Cả chịu đòn, thì đồng bọn của anh đã nhanh chân trèo tường, chuyển chiến lợi phẩm đi một cách êm nhẹ.

Thưa các bạn, chuyện này tuy không xảy ra vào ban đêm nhưng cũng vào ngày 30 tết, cái ngày lắm chuyện nhất trong năm. Vì khuôn khổ tờ báo có hạn nên dù đang say mê kể Thổ Địa cũng phải gạt bút sang một bên. Ước mong sẽ được dịp kể cho nhau nhiều chuyện lý thú nữa...


THỔ ĐỊA        
Tết Nhâm Tý      

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)



Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

VƯỜN XUÂN - Hoàng Diễm Hạnh

 

 Mảnh vườn em đẹp lắm cơ
Đàng kia có khóm hoa mơ nở rồi

Mai vàng hé nụ cười tươi
Với nàng bướm trắng vẽ vời làm duyên

Cạnh bên là đóa Thủy tiên
Thẹn thùng ẩn mặt dưới miền lá xanh

Vành khuyên vui hót trên cành
Vườn em đẹp tựa bức tranh xuân về

Nắng lên vờn cánh hoa lê
Gió nhè nhẹ thổi mân mê đóa hồng

Nghiêng đầu nhìn xuống giòng sông
Vài con thuyền lá theo giòng trôi xuôi

Xuân về thêm đẹp bầu trời
Của đàn em nhỏ yêu đời thơ ngây

                                       Hoàng Diễm Hạnh
                                            (nhóm hoa Pensée)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)


Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

MÊ HOẢNG - Vũ Linh

 

 1. - Mỗi năm vào dịp Tết, Thu, Lan, Tuấn, ba anh em con chú con bác lại có dịp gặp nhau ở quê nội. Gặp nhau, Thu nói:

- Thu rất thích về thăm ông nội, nhưng phải ngủ lại nhà ông, Thu sợ lắm. Cứ tối đến trở về phòng ngủ nằm nghe tiếng gió xào xạc ngoài vườn, tiếng cú kêu chuột rúc ngoài hiên làm Thu rởn tóc gáy. Thú thật, Thu nhát gan lắm. Như tối qua Thu đã bị một mẻ hết hồn...

2. - Lúc ấy - Thu tiếp - trở về phòng riêng, Thu sửa soạn đi ngủ. Trước khi lên giường, Thu lại bên tủ áo xếp dọn vài thứ và chợt thấy đằng phía góc phòng một đôi chân đen ngòm đang đứng trong xó tối. Hoảng hồn, Thu toan bỏ chạy... nhưng rồi mới chợt nhớ ra đó chính là đôi giày của Thu cởi ra để đó khi chiều! Trong bóng tối Thu đã lầm tưởng có ai đứng đó!

3. - Nghe Thu kể lại, Tuấn cười vui thú. Duy có Lan nhún vai chê Thu quá nhát sợ, không như Lan chưa hề biết sợ là gì.

Tuấn nhạo em: - Phải, ai chả biết Lan can đảm! Làn chưa hề biết lạnh, biết đói, và biết sợ là gì vì có bao giờ Lan rời khỏi ba má đâu?

Lan toan đáp lại lời mỉa mai của anh thì có tiếng ông nội gọi ra ăn cơm. Lan đành nén nhịn và tự bảo sẽ tìm dịp làm cho mọi người phải phục sự can đảm của mình.
 

4. - Sau bữa cơm tối, Lan trở về phòng ngủ. Cô bé nhất định để ngỏ cửa sổ nằm ngủ tuy trong bụng cũng thấy run khi nhìn ra khoảng trời đen tối bên ngoài. Lan tự nhủ:

- Kể để ngỏ cửa như thế này cũng thấy ngại. Nhưng chẳng thà sợ một tí để Tuấn và Thu phục mình còn hơn.

Đến nửa đêm Lan chợt thức giấc, và, điều Lan trông thấy làm em ớn lạnh xương sống.

5. - Ở cuối góc phòng, gần bên chỗ cửa sổ Lan thấy sừng sững một bóng người. Sợ quá, Lan toan kêu lên, nhưng lại tự nhủ, nếu kêu tất "nó" sẽ nhảy đến... bóp cổ cho hết kêu. Nghĩ thế và tuy run quá, Lan cũng cố gắng ngồi bật dậy, nhảy xuống ôm cứng lấy bóng đen và kêu thất thanh: "Ông nội ơi! Ba má ơi! Cứu con với!"

Nghe tiếng Lan kêu, cả nhà hoảng hốt chạy vào và khi bật sáng đèn lên thì mọi người đều rũ ra cười.
 

6. - Thì ra, Lan mặt tái mét, đang ôm chặt chiếc áo máng trên mắc!

Má Lan bảo:

- Tội nghiệp con gái má, hồi tối khi con ngủ, má soạn quần áo máng sẵn ở đây để sáng mai mồng một Tết con mặc. Không ngờ con lại tưởng là bóng người và bị một phen kinh hoàng.

Tuấn nháy Thu mỉm cười. Lan hết sợ nhưng lại thấy ngượng và để che sự ngượng ngập, Lan cùng cười lấp đi với mọi người.


VŨ LINH        
 
 (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Quý Mão, 1963)


Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

HUYỀN THOẠI MỘT LOÀI HOA - Hoàng Ngọc Thúy

 Nắng mới khoe màu, xuân bước sang
Trên cành mai nở những hoa vàng
Em ơi, có biết loài hoa ấy
Là một loài hoa thật dịu dàng?
 
Ngồi lại đi em, chị sẽ kể
Em nghe huyền thoại một loài hoa
Mỗi mùa xuân đến thi nhau nở
Rực rỡ muôn nơi, khắp mọi nhà.
 
Vào một thơi kia xưa lắm cơ
Tại khu rừng thẳm, phủ sương mờ.
Trong gian nhà nhò, quanh năm tháng
Có một cụ già ngồi dệt tơ.


Bà có một người con gái xinh
Tuổi vừa đôi tám nét băng trinh
Tóc xanh buông xõa bờ vai mộng
Thấp thoáng trong vườn bên trúc xinh.


Nàng thường lên núi kiếm măng non
Nghe suối reo đùa chim véo von
Bắt ốc hái rau chăm sóc mẹ
Trong nhà mọi việc nàng lo toan

Tiếng hiếu vang ra khắp xóm làng
Ôi! Nàng vừa đẹp lại vừa ngoan
Người ta còn đặt tên cô bé
Là "một nàng tiên thật dịu dàng"

Mỗi khi ai gọi cô như thế
Mắt ngọc long lanh má ửng hồng
Tóc ngủ im lìm trên cánh áo
Cũng dường e lệ khẽ rung rung.

Cho đến một mùa đông chớm sang
Heo may lạnh lẽo tuyết giăng hàng
Mẹ già nhuốm bệnh trên giường lạnh
Cô thấy trong lòng cũng nát tan.
Mỗi ngày bệnh mẹ thêm trầm trọng
Cô bé càng lo, thức suốt đêm.
Nhưng có một hôm vừa chợp mắt
Cô mơ thấy dáng một bà tiên.

Bà tiên bảo nhỏ tai cô bé:
"Ta biết con là cô gái ngoan
Dung hạnh công ngôn đều được cả
Động lòng ta đến giúp cho con

"Nếu con muốn  cứu mạng mẹ già
Thẳng đến phương Nam, núi Bích Sa
Múc nước nhiệm mầu dâng mẹ uống
Nơi dòng suối nhỏ của tiên nga."

Nghe xong cố bé khẽ reo lên
Thức giấc mơ hồng, xa dáng tiên
Mẹ cũng giật mình lên tiếng hỏi
Dịu dàng cô kể giấc mơ hiền.

Rồi xin phép mẹ cô đi sớm
Cho kịp ngày về đem nước tiên
Nhưng mới nửa đường... cô bị bệnh
Giữa rừng sương lạnh gió triền miên.

Và đêm hôm đó trong rừng thẳm
Cô bé âm thầm xa thế gian.
Ôi! Chẳng bao giờ cô gặp lại
Dáng người hiền mẫu với ngôi làng

Chính tại nơi này ba tháng sau
Một loài cây nhỏ vượt lên cao
Trơ thân xương xẩu không hoa lá
Dân xóm vào xem chẳng hiểu sao

Họ chặt một cành ngâm suối tiên
Tự nhiên hoa nở lá xanh hiền
Một màu rực rỡ huy hoàng lạ
Giữa nắng xuân hồng vang tiếng chim.

Khi biết chuyện nàng con gái ngoan
Vì yêu thương mẹ bỏ thân vàng
Mọi người cảm phục gương cô bé
Hái đóa hoa xinh đặt trước bàn.

Mỗi độ xuân về hoa lại nở
Đó, loài hoa nhỏ tên Mai Vàng
Bởi vì cô bé ngày xưa ấy
Tên gọi Hoàng Mai em biết chăng?

                                   HOÀNG NGỌC THÚY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi hoa Xuân Canh Tuất, 1970)



Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

NHỮNG MÙA XUÂN KỶ NIỆM - Trần thị Phương Lan

 
 
Hình như con người chẳng bao giờ hài lòng với hiện tại. Nhỏ thì thích được làm người lớn, có lẽ để được tự do làm bất cứ việc gì theo ý thích cá nhân, không bị người lớn và đặc biệt là phụ huynh, kềm kẹp, ép uổng, áp đặt, ngăn cấm. Còn già thì lại muốn được trở lại thời thơ ấu vô tư hồn nhiên, và nghĩ rằng đó chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời. Tôi nằm trong diện sau!

Ví dụ tết nhất chẳng hạn, chúng tôi thuở nhỏ được cha mẹ dắt đi chúc tết họ hàng, láng giềng, lúc đó chỉ biết diện đồ tết thiệt là đẹp (ba má sắm cho), xức dầu thơm (ba má mua) thơm mát trời ông địa (cũng ba má xức cho). Rồi cũng ba má chỉ định năm nay đứa này chúc ông A bà B, đứa kia chúc chú C thiếm D..., năm sau thay phiên đứa khác..., và lời chúc cũng do ba má "gà" sẵn! Khi gặp bà con, chúng ta chỉ biết tuôn ra lời chúc đã soạn sẵn y như thí sinh thi hoa hậu
cứ việc học thuộc lòng các câu trả lời, rồi xòe tay nhận tiền lì xì thôi, cũng chẳng cần biết số tiền đó người lớn kiếm đâu ra, và họ đã phải hy sinh ra sao: Phải nhín chỗ này, nhéo chỗ kia để mừng tuổi cho xấp nhỏ nó mừng nó vui ba ngày tết. Mà á... đâu chỉ có tiền lì xì không thôi đâu, còn phải đãi đằng đủ thứ bánh mứt kẹo hột dưa, rồi nước ngọt cho xấp nhỏ, cà phê hay la de cho người lớn... Vì thế có nhiều người than vãn rằng, đang nguyên đang lành tự nhiên tết nhứt làm gì cho khổ? Bởi vậy ta nói... làm người lớn sướng chỗ nào?

Lớn rồi tôi mới biết: Khi dẫn xấp nhỏ đi chơi, đi du xuân... là mình vì tụi nó, chớ không vì bản thân mình. Nghĩa là nhiều khi công chuyện nhà còn đăng đăng đê đê chưa giải quyết xong, hoặc cá nhân mình đang có chuyện rầu thúi ruột, trong lòng đang rối như tô canh hẹ, nhưng chỉ vì lũ trẻ đòi hỏi, nằn nì, mè nheo mà ta phải gác lại hết mọi thứ, trong héo ngoài tươi, dắt chúng đi đây đi đó, sẵn sàng và vui vẻ móc hầu bao chi trả mọi thứ, từ tiền cuốc xe taxi hay xích lô lúc đi,  tiền vé vào cổng khu vui chơi, vé mua từng trò chơi mà chúng để mắt để tâm tới, vẫn còn nào tiền mua bánh mua nước mua quà như bong bóng hay đồ chơi chẳng hạn, tiền cuốc xe lúc trở về nhà... hầm bà lằng, để làm vui lòng các cậu ấm cô chiêu. Bởi vì mình có than thở, phàn nàn, kể lể gì đi nữa thì vì còn là con nít, chúng có hiểu được đâu mà thông cảm cho chúng ta, rồi giúp chúng ta giải quyết vấn đề? Tốt nhất là ngậm miệng ăn tiền. Hay xùy tiền, mất tiền thì đúng hơn. Tất cả các điều này tôi chỉ có thể biết được khi tôi đã trưởng thành và phải dắt lũ cháu nhà tôi đi chơi. Lúc còn nhỏ, tôi nào đâu biết ba má tôi đã phải trải qua hết những điều này, để làm cho chúng tôi vui!

Khi tới nhà ông bà trẻ chúc tết, tôi nhớ thường thấy những chậu hoa thủy tiên được ông cắt gọt rất khéo nên đã nở hoa đúng mùng một. Giống như hoa mai, hoa đào hay bất cứ hoa nào được trồng để bán dịp tết, người trồng hoa phải là dân chuyên nghiệp mới có thể canh sao cho hoa nở đúng ngày đầu năm mới. Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu. Càng lớn, hay đúng hơn là càng già, tôi càng hoài cổ. Giờ đây mỗi khi thấy hoa thủy tiên, và cả cây Phật Thủ nữa, tôi lại nhớ tới những mùa xuân tuổi nhỏ, chúng tôi đã hạnh phúc tuyệt đối khi được theo cha mẹ đến chúc tết ông bà, và thấy nhà cửa được bài trí, trang trí rất thanh nhã nhưng vẫn đầy đủ phong vị tết xưa.

Dịp tết trong nhà ông bà trẻ, còn có cả cặp mía cây được đặt hai bên trang thờ, để làm gậy chống cho ông bà ông vải về ăn tết với con cháu có gậy mà xài, giúp ông bà đi lại dễ dàng thuận tiện hơn. Tục lệ ân cần đó sau này tôi không còn thấy được duy trì ở đâu khác nữa.

Phải sống chung với kẻ thù, hay phải chia ly với người mình yêu thích: Cả hai đều là những nỗi khổ, mà có lẽ đã là con người, ai cũng ít nhiều phải trải qua. Ghét của nào trời trao của nấy mà! 

Nỗi khổ của tôi là phải chia xa với anh Hải, người anh tôi yêu quí nhất đời, chỉ sau một thời gian sống chung ngắn ngủi.

Nếu tôi yêu quí anh Hải nhất nhà, chắc cũng có lý do chính đáng. Một lần nọ gần tết, người quen dắt tụi tôi đi vô vườn Tao Đàn chơi,  vì lúc đó đang có hội chợ nhân dịp xuân về. Chẳng hiểu sao lần đó tôi lại bận đồ bộ. Có lẽ tính tôi vốn xuề xòa,  không thích se sua từ nhỏ? Anh Hải thấy vậy bèn nhắc tôi nên thay áo đầm đẹp, nếu không sợ tôi sẽ buồn hoặc mặc cảm thua sút khi thấy người khác chưng diện đẹp đẽ hơn. Nhưng có lẽ anh tôi đã quá lo xa, vì lúc đó tôi còn nhỏ híu à,nên được đi chơi với các anh tôi là tôi đã hạnh phúc lắm rồi, nhất là khi chúng tôi vừa mới tìm được anh Hải sau một thời gian dài đăng đẳng anh đã bỏ nhà đi bụi đời. Nhưng anh Hải yêu quí nhất đời của em ơi, càng lớn em càng thấy lời khuyên lúc đó của anh là chí lý và thật chân tình của một người anh thương yêu em VÔ ĐIỀU KIỆN, để ý săn sóc em từng li từng tí, tới độ sợ nó tủi thân! Dù còn nhỏ hay đã trưởng thành, lúc nào em cũng cần những lời dạy bảo của anh hết, nhưng anh Hải ơi, bây giờ em biết tìm anh Hải ở đâu, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về, nhắc em hơn lúc nào hết, tới sự hiện diện quí báu của anh trong đời em?

Sở dĩ tôi nói tình anh em (nếu có) đều vô điều kiện, là vì tôi biết tình chị em một giọt máu đào hơn ao nước lã, cũng chịu tác động của sự đố kị ganh ghét dèm pha (Có là chị em thì hơn hết thảy, họ cũng là phụ nữ trước, còn chị em thì để tính sau, như lời một văn sĩ người Ăng Lê đã viết )(Sisters are girls first, sisters after).

... Còn tình yêu đôi lứa lại càng phải CÓ điều kiện. Thông thường thì hai đàng trai gái phải môn đăng hộ đối. Bằng không thì trai tài gái sắc, (tài là tiền tài hay tài hoa thì cũng là phải có tài!), chân dài mới lấy được đại gia và ngược lại, và khi sắc suy tình sẽ đổi. Trong trường hợp hôn nhân vì lợi thì khi hết tiền tình cũng tan. Mới đây tôi còn đọc được trên một trang Web nọ, rằng... Tiền có thể mua được sự tử tế của người đàn ông! (Ta có câu Còn bạc còn tiền còn đệ tử, Hết cơm hết gạo hết ông, tôi; thì Tây cũng có những câu  tương tự như No money, no honey! (Không có tiền thì không có tình), hoặc Money talks! (Nén bạc đâm toạc tờ giấy; Miệng nhà quan có gang có thép...). Vậy thì hoan hô tình anh em! Tình anh em muôn năm!

Mỗi khi được xem lại một tấm hình Sài Gòn xưa, lòng tôi lại nao nao nhớ đến những mùa xuân kỷ niệm vàng son, quí giá hơn cả bạc tiền, những mùa xuân khi gia đình còn đông đủ, khi chúng tôi còn có anh Hải hiện diện trong đời. Mới đây được đọc cảm nghĩ của một người viết trên Facebook, có nói rằng... rạp chiếu bóng MĐ rạp xi nê kỷ niệm, khung trời tuổi thơ của chúng tôi là rạp chớp bóng ở Sài Gòn trước 1975 dành cho trẻ em nghèo! Những rạp hát sang trọng, tráng lệ mà chị ấy muốn đề cập, đề cao đó, có các thêm tiền muôn bạc vạn thì tôi cũng sẽ không chịu, để đổi lấy những dĩ vãng êm đềm thuở xưa khi anh em chúng tôi còn được bên nhau. Chẳng gì có thể mua được NHỮNG MÙA XUÂN KỶ NIỆM quí báu hơn ngọc ngà của tôi, khi tôi còn anh Hải, một hình bóng thương yêu nhất trong đời, đã mãi mãi, suốt kiếp, lìa xa.



Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)