Vào
đời Hùng Vương thứ 17 (408 trước Tây lịch) nước Nam ta được hoàn toàn
thanh bình. Không một nước nào kéo quân xâm lấn. Trong triều không có
nội loạn. Cũng không có nạn ngập lụt, mất mùa hay hạn hán. Từ Bắc chí
Nam, dân chúng cần cù làm lụng, thuận hòa với nhau. Các quan lại hăng
hái làm việc công và rất mực thanh liêm. Đó là thời kỳ hạnh phúc.
Trời
đã cuối đông. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết. Nhà vua bỗng có ý
định muốn lưu lại cho hậu thế một kỷ niệm. Và thừa tướng Vương Thạch
Kiều, một vị quan già thanh liêm cương trực, được vua cho vời đến để bày
tỏ ý định của mình. Thừa tướng xin một kỳ hẹn ba ngày để suy nghĩ. Vua
chấp thuận.
Vương
Thạch Kiều có một nàng con gái tên là Vương Ngọc Anh xinh đẹp và khôn
ngoan vô cùng. Cô mới 16 tuổi và cô thường làm cho quan thừa tướng phải
ngạc nhiên vì trí thông minh tuyệt vời của cô. Mỗi khi gặp điều gì khó
giải quyết, ông lại hỏi ý kiến của Ngọc Anh, ông sẽ được hài lòng.
Như hôm nay, vừa về đến nhà, ông cho gọi Ngọc Anh đến và kể lại những lời vua dạy. Ngọc Anh dịu dàng thưa với cha:
-
Thưa cha, ở đời này cái gì rồi cũng hỏng. Lâu đài, đền, chùa dầu là
bằng đá nhưng rồi cũng có ngày sụp đổ. Chỉ còn có kim loại là có thể giữ
được lâu dài, bền bỉ thôi. Vật bằng kim loại có thể là một cái tượng,
cái chuông, cái vạc cũng được. Theo ý con thì nên đúc một cái chuông.
Khi chuông kêu nó sẽ nhắc dân chúng nhớ đến thời kỳ thanh bình này.
- Hay lắm. Cha sẽ tâu lên vua ý ấy. Chắc ngài cũng sẽ bằng lòng.
Hết
kỳ hẹn ba ngày, Vương Thạch Kiều vào triều xin vua cho đúc cái chuông
thật lớn để tiếng chuông có thể vang dội khắp nơi trong nước. Vua ra
lệnh: Tất cả những kim loại : vàng, bạc, đồng, sắt, chì... phải được gom
góp lại để đúc. Như thế tiếng chuông sẽ được ngân vang, trầm bổng.
Những thợ đúc nhiều kinh nghiệm được qui tụ lại, thợ phụ là những người
thanh niên cường tráng. Số thợ lên đến chín ngàn người. Ba ngàn cái lò
được xây lên. Một cái khuôn bằng đất sét và cát, vĩ đại, hình dáng thật
hoàn mỹ với những hình con rồng, quả châu, mặt trăng mặt trời và những
câu thơ hữu lý do vua thảo ra.
Một
buổi lễ được bày ra để xin sự giúp sức của trời đất. Những người thợ
được cho ăn uống no nê thỏa thích. Và, ngay hôm sau, mọi người bắt tay
vào việc. Họ làm ngày, đêm, quên ăn quên ngủ... cho đến lúc kim loại bắt
đầu chảy.
Nhưng,
khi cái chuông được lấy ra khỏi khuôn thì ai cũng thất vọng. Cái vật
thành hình chỉ hơi giống cái chuông thôi, đầy chỗ lõm và nứt nẻ. Nó
không có những cái hình và những câu thơ định đúc, trái lại đầy những
hình ảnh ma quí nhăn nhó ghê sợ.
Không
nản chí, mọi người lại bắt đầu làm cái khác. Lửa được đốt lên, một cái
khuôn mới được làm lại. Năm ngày, năm đêm dài họ quên ngủ, cố gắng, và
lo lắng. Họ bắt đầu đổ chất kim loại vào khuôn rồi hồi hộp đợi chờ kết
quả... Và rồi cũng như lần trước, không phải là cái chuông mà là một vật
đầy hình ảnh ma quỷ nhảy múa.
Mọi người thất vọng nhưng vua ra lệnh làm lại lần thứ ba... và lần thứ ba kết quả cũng không hơn hai lần trước.
Trước
những thất bại nối tiếp nhau, vua trở nên giận dữ và khi vua giận thì
thế nào cũng đổ cái giận vào đầu một người. Người đó là Vương Thạch
Kiều. Vua phán:
- Ta cho khanh kỳ hẹn nửa tháng phải làm xong. Nếu không có chuông thì trẫm sẽ lấy đầu khanh.
Thạch
Kiều thấy tình thế quá căng thẳng. Ông vẫn vui lòng chết vì vua vì nước
nhưng chết vì cái việc không quan hệ này chẳng là hoài lắm chăng?
Nhớ
tới Ngọc Anh, ông lại nghĩ dầu cho con gái ông có thông minh đến đâu
cũng không giải quyết được việc này nên ông giấu câu chuyện đi.
Ngọc
Anh lúc ấy đã biết sự thất bại của thợ đúc vì nàng vẫn hằng theo dõi
cuộc đúc chuông. Thấy vẻ mặt lo lắng ưu phiền của cha sau buổi chầu,
Ngọc Anh dịu dàng han hỏi mãi, ông buộc lòng phải nói. Ngọc Anh suy
nghĩ.
Tối
hôm đó, đợi cho cả nhà yên giấc, Ngọc Anh trở dậy ra vườn bày một cái
bàn với hương hoa trái quả. Cô đốt hương rồi lâm râm cầu khẩn. Xong cô
ngước mắt lên trời nhìn các vì sao. Cô rất giỏi thiên văn nên một lúc
sau cô được biết nhiều điều ghê sợ: Cái chuông không thể thành hình được
vì thiếu một linh hồn. Và nếu muốn như thế thì một cô gái phải hy sinh
nhảy vào lò.
Ngọc
Anh đau khổ vô cùng. Nếu tâu vua điều ấy thì thế nào cũng sẽ có người
phải hy sinh để chuông được thành hình, nhưng như thế dân chúng sẽ oán
thán cha con Vương Thạch Kiều. Cô quyết định hy sinh để cứu cha. Trí
thông minh của cô lần này đã hại cô.
Đến
ngày đúc chuông, cô khẩn khoản xin cha cho cô được đi theo để xem. Lúc
đầu ông từ chối viện cớ thân gái, nắng nôi rồi lại bệnh. Ngọc Anh hứa sẽ
ngồi kiệu mà xem, ông mới nhận.
Trong
lò, những ngọn lửa cháy cao trông giống những cái lưỡi vấy máu đỏ tươi.
Kim loại mềm lần và bắt đầu chảy. Đang màu xám, nó biến ra màu đỏ rồi
màu trắng. Những người thợ sửa soạn đổ khuôn, để múc kim loại chảy đổ
vào. Trong lúc mọi cặp mắt đều đổ dồn nhìn cái khuôn thì từ trong kiệu,
Ngọc Anh lao mình chạy về phía lò. Và một tiếng kêu thét hãi hùng vang
dội. Nơi lò lửa, kim khí đang sôi cuồn cuộn, kêu lên xèo xèo, sáng rực.
Thân hình cô gái từ từ chìm xuống rồi mất hẳn. Những người dự cuộc sững
sờ không thốt được một tiếng la trước cảnh hãi hùng đó.
Vương
Thạch Kiều như điên dại, định lao mình vào lò chết theo con. Mọi người
giữ ông lại. Ông cào cấu, xô đẩy mọi người để chạy đến lò. Lát sau kiệt
lực, ông ngã xuống và ngất đi. Những người hầu đem ông lên kiệu về dinh.
Câu chuyện thật nghiêm trọng nhưng không ai dám cho vua hay vì sợ buồn lòng ngài. Mọi người lại tiếp tục công việc.
Lần
này, kết quả thật mỹ mãn. Khi cái khuôn được lấy ra, một cái chuông
thật lộng lẫy với hình con rồng ngậm trái châu, với những câu thơ hiện
lên rõ ràng từng nét. Sau khi lau chùi xong, cái chuông bỗng sáng ngời.
Nhà vua cho dân chúng vui chơi thỏa thích. Nhà nhà đều dọn dẹp sạch sẽ,
sơn phết lại, treo đèn kết hoa vì chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết rồi.
Ngày
mùng một, khắp nơi nghe tiếng pháo nổ vang. Dân chúng đến xem vua thử
chuông. Cái chuông được treo lên cái chân bằng gỗ quý, chắc chắn. Bên
cạnh để sẵn cái búa bằng vàng.
Vua bước ra, thong thả cầm lấy búa gõ nhẹ vào chuông ba lần liên tiếp.
Ba
tiếng chuông vang lên cách đều nhau. Tiếng chuông thật kỳ lạ. Giống như
tiếng thở dài não ruột, tiếng than khóc, tiếng tỉ tê nức nở của người
thiếu nữ tiếc rằng đã phải giã từ cõi đời quá sớm trong lúc còn xuân
xanh. Tiếng chuông vang dội trầm bổng khắp nơi như điều vua mong muốn.
Hùng Vương 17 hài lòng vô cùng, truyền cho vời Vương Thạch Kiều vào thưởng tặng.
Nhưng,
vị quan già đáng thương kia đã chết rồi. Chết vì thương nhớ con. Chết
trong niềm cô quạnh không có ai ở cạnh để hỏi han thăm viếng. Ông chết
giữa lúc nàng Xuân vui vẻ đến, mọi người tưng bừng đón Xuân. Nghe tin
Vương Thạch Kiều chết, mọi người đều thương tiếc và hiểu rõ nguyên nhân
cái chết của ông. Nhưng không ai dám nói rõ cho vua hay. Thế là Xuân năm
đó, dân chúng kém vui. Mỗi ngày đầu năm chuông được đánh lên để nhắc
đến vị quan già.
TỶ MUỘI
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 99, ra ngày 1-1-1969)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.