Thắng
là con của một bác phu xe, đi chơi rong như bao nhiêu trẻ khác. Tết
nhất gần đến mà ba Thắng chẳng để được bao nhiêu tiền nói gì đến chuyện
mua sắm, vì thế Thắng đi một là khỏi bị sai vặt hai là kiếm được cái gì
chăng!
Thắng
nhìn ngang nhìn ngửa, lấm lét như sợ có người nhận ra, nhà Thắng ở gần
đấy, cách chỗ Thắng đứng mấy phố ngắn thôi, nhưng Thắng thấy khó lòng về
đến nhà được, hình như mọi người đều chú ý đến Thắng, đến cử chỉ và
dáng điệu của Thắng nữa. Thắng lấy lại bình tĩnh nhưng chưa dám bước đi,
bóng Thắng phản chiếu trong tủ kính như thầm bảo Thắng chưa được chỉnh
lắm, Thắng sốc lại cổ áo cố lấy bình tĩnh bước liều. Bỗng nhiên Thắng
tái mặt, rõ ràng mấy người cảnh binh đứng phía đầu phố. Có lẽ họ đã thấy
Thắng, họ chờ Thắng đến chắc.
Thôi chết, chạy đâu bây giờ?
Chẳng
cần suy nghĩ hơn thiệt, Thắng quay phắt trở lại con đường Thắng vừa đi
qua, Thắng cắm cổ đi không dám nhìn lại. Không thấy ai theo, Thắng yên
trí đã thoát nạn, dù sao Thắng cũng phải nhìn lại cho rõ ; Thắng quẹo
sang bên trái, phố này vắng vẻ quá, càng đi trông càng rõ sự luống cuống
của kẻ gian, Thắng đổi ý kiến và rẽ sang phải. Con đường nầy người qua
lại lưa thưa, lại vắng bóng cảnh binh, Thắng mạnh bạo nện bước đàng
hoàng như, khác bộ hành đi sắm sửa ngày tết.
- Này, này lại đây mau.
Tiếng
gọi đàng sau làm Thắng tái mặt, chân tay run lên bần bật. Phen này chắc
chết mất, họ gọi mình... mồ hôi toát ra ở trên trán và khắp cả châu
thân, tim đập liên hồi, mắt hoa lên, Thắng muốn té nhào xuống đất. Cùng
lúc đó một bóng người chạy vượt qua Thắng, nhảy lên một chiếc xe xích lô
vừa thắng lại trước mặt Thắng. Thắng thở ra sung sướng, thì ra họ gọi
xe. Thắng lẩm bẩm : thoát nạn lần thứ hai.
Đến
đầu phố, Thắng dừng lại một chút, nhìn về phía trước mặt, không thấy
cảnh binh, Thắng mới bạo dạn bước đi. Qua phố này rồi hết phố khác,
Thắng không gặp trở ngại nào. Chỉ còn một ngã tư nữa là tới nhà, là
thoát nạn, Thắng hồi hộp quá chừng. Rồi cây bàng to trước ngõ rẽ vào
trong là nhà Thắng. Ngõ này tối lại hẹp nữa, khó ai mà theo dõi Thắng
được. Yên trí như vậy nên Thắng tìm cách vượt qua ngã tư này.
Một
chiếc xe đò lớn qua, Thắng định lợi dung lúc hỗn độn để bước sang,
nhưng Thắng chùn bước, một ông cảnh binh đứng lù lù ở ngay đầu đường.
Đôi mắt người cảnh binh dữ tợn lắm. Thắng lùi lạ toan kiếm đường khác
nhưng sau lưng Thắng có mấy người cảnh binh đang đạp xe máy tới. Tiến
thoái lưỡng nan, chắc phen này khó thoát, Thắng run bắn cả người lên.
Trong não quay cuồng với bao ý nghĩ:
- Hay là vứt của nợ ấy đi...
- Hay ta cứ chạy thật nhanh...
Nhưng
vứt bây giờ mà ai thấy được là bị tù ngay. Thôi liều đi vậy. Thắng cắn
môi, nuốt nước bọt bước qua đường, Thắng cố ý tránh xa chỗ người cảnh
binh đứng. Bỗng một tiếng còi rít lên, tiếp theo là tiếng gắt của người
cảnh binh:
- Anh kia...
Đầu Thắng nặng như tảng đá, Thắng toan co giò chạy nhưng chân Thắng nặng như chì, Thắng đành đứng chịu trận.
- Anh kia đi vào đường đinh chứ.
Bấy
giờ Thắng mới hoàn hồn nhưng tim vẫn còn đánh thình thịch, mặt tái dần
dần hồng lại. Thắng mừng thầm : ba lần thoát nạn. Vừa bước chân lên lề
đường, Thắng vội đi như biến vào ngõ hẻm đen tối. Thắng khẽ lách cửa
bước vào.
Mẹ
Thắng đang loay hoay trước đống áo quần hỗn độn, có lẽ bà đang tìm kiếm
vật gì đó thì phải. Thắng không thèm để ý đến hành động của mẹ, nằm vật
xuống giường thở dài sung sướng, tay Thắng nắm giữ cái bọc giấy nằm
trong túi quần. Thấy động, mẹ Thắng quay lại nhìn, Thắng cười trong khi
bà cau có.
- Thật may quá.
- Mày làm được gì mà may.
- Đây nè, chắc có tiền để ăn Tết rồi.
Thắng móc cái bọc giấy trong quần ném (quăng) ra giường, mẹ Thắng vội mở tung gói giấy, bà lôi ra một cái ví dày cộm...
- Con khỉ, lấy ví giấy má của ba mầy mà không nói, làm tao tìm hết hơi.
Nghe mẹ nói, Thắng choàng dậy hốt hoảng:
- Thế nào, cái ví ấy của ba à, thế mà con tưởng...
- Tưởng cái gì?
- Con bắt được ở đường, tưởng có tiền.
Thắng
nóng bừng mặt ; Thắng nghĩ đến những cuộc trốn tránh cảnh binh như một
thằng ăn cắp. Nghĩ đến những dự đoán sắm sửa, nhất là được nhìn nụ cười
tươi nở trên môi người mẹ già nua và người cha ngày đêm đổ mồ hôi để đổi
lấy bát cơm. Giờ đây tất cả đều tan vỡ cả mất rồi ; nuôi biết bao hy
vọng để bây giờ nhận lấy bao sự thất vọng. Thắng nghĩ đến ba lần thoát
nạn.
- Cũng may mà thoát nạn.
Mẹ Thắng cũng nhịn cười đáp:
- Ừ cũng may mà thoát nạn. Suýt nữa mất cả giấy tờ thì cũng rắc rối lắm.
THÁI SƠN
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.