Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

NHỮNG VÌ SAO LẠC (PHẦN THỨ NHẤT) - Nhật Tiến

 


 TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN

BÚT KÝ CỦA KHÁNH

Tôi sinh ra đời trong một hoàn cảnh gia đình êm ấm. Cha mẹ tôi rất mực yêu nhau. Hồi còn trẻ, mẹ tôi có tiếng là đẹp. Về sau này tôi còn hình dung được nước da trắng mịn màng của bà, nhất là làn môi êm ái đã nhiều lần hôn lên mắt tôi. Cha tôi thân hình mảnh khảnh, ông có dáng dấp của một người hòa nhã và độ lượng. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ nhất là nụ cười tươi trẻ của ông ngày trước.

Tôi là con một, cha tôi lại làm ăn khá giả, cho nên tôi đã sống những ngày thơ ấu thật là êm ả. Về mùa đông, vào những buổi sáng gió lạnh hun hút thổi trên những rặng sấu xơ xác lá trong sân nhà, mẹ tôi thường giở những chiếc vali cũ ra soát quần áo lạnh. Tôi nằm co mình trong chăn ấm nhìn ra bầu trời u ám qua kính cửa sổ. Lòng tôi vui vui nghĩ đến cái ấm áp bao trùm căn phòng thắp đèn sáng. Mẹ tôi ngồi trên sập gụ, bà giở từng thứ một: cái mũ nồi xanh lá mạ, cái áo len đan quấn thừng, cổ lọ, mầu tím than, bộ quần áo nhung đen có gilet đơm cúc vàng và cái mũ chào mào gắn ngù kim tuyến. Các đồ của tôi, mới sau một năm đã gần như chật hết. Có lần mẹ tôi nong mãi vào đầu tôi cái áo len cộc tay mầu hoa lý. Tóc tôi rối bù, trán hằn lên một vết ngang đỏ ửng. Mẹ tôi củng khẽ vào đầu tôi rồi phàn nàn một cách sung sướng:

- Đầu gì mà chóng to thế, lại tốn tiền về mày mất thôi.

Tôi mừng rỡ vì biết sẽ được may áo mới. Quả nhiên những ngày hôm sau, mẹ tôi cặm cụi đan cho tôi chiếc áo len mầu đỏ gạch. Sợi len nhẹ nhàng và ấm cúng như cuộc đời của tôi trong thời thơ ấu.

Bây giờ tôi mới nhận ra rằng ngày xưa cha mẹ tôi ít khi cãi nhau. Có lẽ vì mẹ tôi hiền quá. Bà phục tòng cha tôi một cách gần như tuyệt đối. Lúc nào có tức lắm thì bà chỉ gục đầu vào chăn mà khóc thút thít. Thấy thế cha tôi liền dịu ngay. Người hôn lên trán bà để tỏ ý xin lỗi, rồi cả hai người cùng hôn lên trán tôi. Mẹ tôi lại cười ngay được mặc dầu bà còn long lanh nước mắt.

Tôi không nhớ được giây phút đầu tiên mẹ tôi dẫn tôi đi học. Nhưng trong tiềm thức của tôi còn lắng lại hình ảnh những buổi tối gia đình quây quần trong căn phòng ngủ thắp đèn xanh. Gió mùa đông rì rào đập ngoài kính cửa. Văng vẳng ở dưới vườn có tiếng u già rửa bát lách cách và tiếng vòi nước tuôn xối xả. Cha tôi ngồi cặm cụi làm việc ở bàn. Mẹ tôi lùa tay qua cổ tôi chỉ cho tôi học trong quyển tập đọc. Miệng tôi vừa ê a, mắt tôi vừa như díu lại. Những lúc ấy hình như tôi quên hết cả khung cảnh thân yêu chung quanh. Mơ hồ, tôi như đang đi ở trong cái thế giới đầy mầu trắng, có những hình ảnh lạ kỳ thần tiên, lướt nhẹ nhàng trong ý nghĩ. Rồi tôi phảng phất ngửi thấy mùi êm mát của mẹ tôi đang hôn lên khắp mặt tôi. Bà bế tôi vào hai cánh tay ấm áp của bà. Tôi thiếp đi trong sự đầy đủ và với giấc mơ rực rỡ của thuở ấu thơ êm đẹp.

Từ thuở lên sáu trở đi, tôi đã bắt đầu nhớ được cách sống của gia đình. Tôi hình dung được những con chim mỏ ngậm chùm nho chạm trổ trên những sập gụ kê ở nhà ngoài, những tấm nệm để trên mặt ghế sa lông có thêu hình con gà đang gáy ở cạnh bờ tre. Tôi còn nhớ cả mấy đường len tuột chỉ ở cái cổ áo len trắng mà mẹ tôi vẫn mặc hàng ngày. Bây giờ, những hình ảnh nhỏ nhặt ấy làm tôi rưng rưng muốn khóc.

Ngày xưa mỗi lần mùa xuân về tưng bừng trong mưa bụi, cha tôi thường mua những bánh pháo cối bọc giấy hồng điều về xếp lên cái đòn có mặt đá trắng. Sáng ngày mồng một mẹ tôi bận áo nhung đỏ, đeo kiềng vàng, đánh má hồng lộng lẫy. Bà dẫn tôi ra vườn treo bánh pháo lên cành cây, rồi cho tôi châm hương đốt. Từng tiếng pháo nổ ròn tan trong mùi khói khét xanh lơ rộn ràng. Giấy hồng điều bay tơi tả khắp lối trong vườn mịn đất cát trắng. Đầu óc tôi tưng bừng về hình ảnh những câu đối đỏ, bánh chưng xanh và mứt kẹo vàng ối. Nhất là trong túi của tôi lại đầy những đồng năm xu lóng lánh. Đó là những mùa xuân bất diệt trong lòng tôi.

Cuộc sống của tôi êm đềm như thế cho đến năm tôi mười hai tuổi. Tôi không muốn nhắc ra đây hình ảnh đổ vỡ của một thời gian hãi hùng khi loạn lạc. Chẳng phải một mình tôi chịu số phận như thế này, mà trong những ngày đen tối đã còn biết bao nhiêu đứa trẻ có cùng một hoàn cảnh như tôi, hoàn cảnh của những đứa con mất cha, mất mẹ trong khói lửa ngùn ngụt ở khắp phương trời.

Mẹ tôi chết đau đớn vào một buổi sáng cuối mùa thu có những quả bom rơi ở trên đầu. Những mái nhà xi măng, cốt sắt sập xuống như có cả một bầu trời đang đổ sụp. Trong cát bụi mù mịt bay tôi nghe thấy tiếng thớ gỗ gãy răng rắc, tiếng rú thất thanh của những người đàn bà, tiếng trẻ con khóc thét lên rồi im bặt. Quanh tôi tối sầm như đã nằm ở trong mộ tối. Tôi quờ quạng ra chung quanh. Tay tôi chạm phải cái va-li để ở gậm giường. Tôi vụt òa lên khóc và thất thanh gọi mẹ. Mơ hồ tôi nghe thấy tiếng ú ớ ở một phía rất xa xôi. Tôi bò lại mép giường, tay tôi chạm phải những viên gạch vỡ. Bấy giờ tôi mới nhận ra rằng cái giường mà mẹ tôi ẩn đã bị đè ép theo một chiều nghiêng.

Mẹ tôi chết vỡ đầu ở dưới ấy.

Đám ma những người xấu số hôm đó thật là thảm thương. Mười hai cái xe bò kết lá chở quan tài đi thành một hàng dọc. hai bên có dân quân xếp hàng một đi chậm chậm, súng của họ chĩa xuống đất. Tôi và những đứa mồ côi khác đầu đội mũ rơm, tay chống gậy tre, ngây thơ vô tội, khóc thút thít đi ở bên những cái xe bò. Người đi xem đứng chật cả hai bên đường và ai cũng chấm nước mắt.

Mẹ tôi được chôn ở một thửa ruộng bên lề lối đi, có những cây gạo đang nở hoa đỏ ối. Hoa gạo rắc tả tơi khắp mặt đất. Xa xa là bờ sông có những cánh buồm nâu lờ lững. Từng sợi bông trắng phau của những quả gạo theo gió bay rải rác trên trời xanh.

Ở nơi ấy người ta đã đắp đất lên, đã chôn vùi mãi mãi hình hài mẹ thân yêu của tôi. Tôi đau đớn nghĩ đến những ngày vui đã qua và những ngày đen tối sắp tới. Chẳng bao giờ tôi còn được trông thấy bóng dáng dịu dàng của bà bận áo len trắng ra vào nữa. Những mùa đông chẳng còn ai soạn áo cho tôi. Căn phòng thắp ánh sáng mầu xanh có gió lùa ngoài kính cửa chỉ còn là ảo ảnh sống trong trí nhớ non nớt của tôi. Mùa xuân nếu có trở về trong mưa bụi thì mẹ tôi cũng chẳng còn mặc áo nhung đỏ, đeo kiềng vàng, dẫn tôi ra vườn đốt pháo.

Vì tôi đã thấy người ta vùi mẹ tôi xuống dưới ấy, trong lòng đất đỏ, trong thớ gỗ trắng của quan tài.

Tôi bật ra tiếng khóc. Lòng tôi ngỡ ngàng như bị mất đi một sự gì quí báu nhất ở trên đời. Tôi lăn xuống những đống đất đỏ mới xới. Tôi muốn bới lên nụ cười dịu dàng và cặp mắt hiền từ của mẹ tôi. Nhưng tôi không trông thấy bà nữa. Từ nay tôi không bao giờ còn được gặp bà nữa. Tiếng khóc của tôi như tiếng rên siết của một con vật nhỏ bé bơ vơ và vô tội.

Tính ra đến bây giờ tôi mồ côi mẹ đã tròn mười một năm.

KHÁNH       


PHẦN THỨ NHẤT

CHƯƠNG I

Tôi nằm thao thức trong bóng tối. Mắt tôi nhìn mãi lên những đốm hương đỏ rực ở nóc tủ. Bàn thờ mẹ tôi ở trên ấy. Vẻ mặt dịu dàng của bà lồng trong khuôn kính phủ bụi. Bà mất đã mấy năm rồi mà hình ảnh hãi hùng còn như in rất mới trong óc tôi. Tôi nghĩ rằng mãi mãi chẳng bao giờ tôi còn được bàn tay mềm mại của bà săn sóc đến, tôi sẽ không còn được trông thấy bóng dáng bà khoan thai ra vào, bước đi nhè nhẹ trên sàn đá hoa trắng. Vì bây giờ bà ở trên ấy, hình hài thu nhỏ lại trong khuôn kính nhếch nháp bụi. Linh hồn bà chỉ còn lẩn quất trong mấy đốm hương. Bóng tối mênh mang khiến tôi thấy mình cô độc. Tôi nghĩ đến những sợi len ấm cúng ngày xưa, những buổi sáng lập đông gió sào sạc ngoài kính cửa, hai mẹ con nằm thủ thỉ với nhau dưới ánh đèn sáng. Một đôi lần tôi theo mẹ tôi ra chợ. Lòng lâng lâng tôi đi giữa rừng rau xanh mát. Nắng hanh vàng phơi trên từng dẫy cà chua đỏ. Người ta chen chúc nhau trước những cái quán dựng san sát ở hai bên lối đi. Tôi hay đứng chờ mẹ tôi ở dẫy hàng hoa. Ở đó, thỉnh thoảng tôi được xem phường xiếc về chợ vừa làm trò, vừa bán thuốc. Có những anh hề mặc áo đỏ quần xanh đứng gõ trống cho con khỉ bận quần áo tây ngậm điếu thuốc phì phèo, cưỡi xe đạp đi vòng quanh. Nó cũng biết uống rượu, biết bắt tay và biết cầm cả cái mũ đi xin tiền mọi người.

Hôm nào phường xiếc không về thì tôi lại ra ngắm anh chàng điên ngồi hát nghêu ngao ở bên cạnh những chậu hoa. Người ta bảo anh ta bị vợ bỏ, con chết nên thành ra mất trí. Tứ thời anh ta bận cái quần đùi đen và cái áo ka-ki rách mướp. Đầu bù tóc rối, mặt mũi lem nhem, những lúc uống rượu vào toàn thân anh ta đỏ rừ, vừa hát anh vừa cười sằng sặc.

Cũng có lần tôi được xem người ta bắt thằng ăn cắp. Nó bé bằng tôi nhưng bẩn như hủi. Áo nó rách để hở cả cái bụng vừa to, vừa xệ, khiến cái quần đùi trễ hẳn xuống dưới rốn. Nó thường hay ăn cắp vặt của mọi người. Một tay cắp quần, một tay xách nải chuối, nó chạy băng băng qua những chồng quang gánh. Người ta đuổi nó ở đằng sau, kêu lên như vỡ chợ "ăn cắp, ăn cắp". Thằng bé mặt tái xanh như chàm đổ, đầu nó chúi xuống, nó luồn qua đám đông như một con mèo. Nhưng chẳng mấy lần nó thoát được, vì nhiều người đã biết mặt nó. Cứ trông thấy nó chạy là người ta ngáng chân cho nó ngã bổ nhoài. Nải chuối trong tay văng ra xa, mặt nó đập xuống bùn lấm bê bết.

Tôi muốn đứng lại xem người ta đánh nó nhưng thường thường là mẹ tôi kéo tôi đi. Tôi nghiệm ra rằng chẳng bao giờ bà cho tôi chứng kiến những cảnh như vậy.

Bây giờ thì chẳng còn ai săn sóc tôi như thế nữa. Bà mất đi gây cho đời tôi sự thiệt thòi lớn. Tôi làm gì, nghĩ gì cũng chẳng cần phải hỏi ai. Ba tôi từ dạo ấy trở nên ít nói đến độ lầm lì. Những buổi chiều, ông hay ngồi trầm ngâm trên ghế xích đu kê ở cửa sổ. Những điếu thuốc lá cháy không ngớt trên môi. Ngày rằm hay mồng một ông hay đứng như chôn chân trước bàn thờ mẹ tôi, ông gỡ cái ảnh xuống lau mãi lên mặt kính. Thường thường những khi ấy thì ông khóc. Tất nhiên tôi cũng chẳng thể cầm được nước mắt. Tôi chui vào ngồi cạnh cái chổi trong xó cửa nhà khóc một mình, nghĩ một mình mà nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa. Vì cha tôi ít nói nên trong nhà rất lặng lẽ. Hai cha con tôi ra vào như những cái bóng. Buổi sáng dậy mua cháo ăn ở phòng ngoài, buổi trưa và buổi tối đi ăn cơm ở hiệu. Đêm về tôi ngủ ở phản trên gác sau khi đã thắp một nén hương và thay nước trên bàn thờ. Chỉ có ba tôi là thức một mình dưới ánh đèn khuya. Bóng của ông cô đơn ngả lên nếp tường vàng úa. Có tiếng xe chạy vẳng từ dưới đường lên qua cửa sổ, tiếng mọt nghiến gỗ ken két dưới mặt bàn, và tiếng bật bông thình thịch vẳng sang từ căn gác xép bên cạnh. Giấc ngủ của tôi bao giờ cũng bắt đầu bằng những âm thanh buồn bã và chán nản như thế.

Nhưng rồi có một hôm ba tôi mang dì Tư về nhà. Dì ấy bước vào phòng với mùi nước hoa thơm ngát. Chiếc vali mầu xanh sẫm có bọc lưới dì xách trên tay. Dì mặc áo hoa vàng, đi giầy nhung đen. So với mẹ tôi thì dì to lớn và khỏe mạnh hơn nhiều. Lần đầu tiên gặp nhau, dì ấy cười với tôi trước. Hai hàm răng của dì trắng bóng và đều đặn. Cũng ngay từ phút đầu tiên tôi thấy ở dì có một vẻ khang khác tất cả những người đàn bà mà tôi quý mến. Sau này tôi mới nghĩ ra là tại cái trán của dì hơi thấp, và nhất là hai con mắt vừa đen vừa sắc sảo. Con mắt ấy không dịu hiền như những cái nhìn của mẹ tôi ngày xưa. Mỗi lúc dì quắc mắt lên thì tôi chắc rằng không ai nhìn được dì lâu, mà phải cúi xuống. Tuy vậy tôi vẫn đón dì với một niềm vui vẻ và lễ độ theo như lời ba tôi căn dặn trước. Cuộc sống của gia đình trở nên hoạt động hơn. Ba tôi lại hay cười như hồi xưa. Ông chăm cạo râu hơn trước. Buổi sáng ông dẫn tôi và dì Tư đi ăn ở trên phố. Buổi trưa dì Tư nấu cơm lấy ở nhà. Những bữa đầu tiên thật là vui và ngon lành. Dì Tư rất khéo tay. Dì ấy xếp những cái bát sứ trắng ở trên những cái khăn cũng màu trắng viền chỉ xanh. Các món ăn của dì món nào cũng xinh xinh và sạch sẽ. Tôi thích nhất món chả gói sương sông xanh mướt của dì. Đã một dạo tôi thấy mình bớt đơn côi. Tôi níu lấy tình thương của dì như một kẻ khao khát sự chiều chuộng. Những lần bị ba tôi mắng, dì lại xin cho tôi. Tôi khóc dì lại lấy khăn cho tôi rửa mặt. Tôi nhìn dì bằng cặp mắt biết ơn và trìu mến. Đã gần bốn năm nay, bây giờ tôi mới lại được săn sóc như thế. Lòng tôi tràn ngập một niềm vui và sung sướng.

Bẩy tháng sau ngày dì Tư về thì dì ấy sinh em Mai. Mai yếu người nên hay quấy vặt. Suốt ngày nó khóc èo ẹo ở trong đống lót hôi và bẩn. Dì Tư tỏ ra rất khổ sở vì nó. Sự có mặt của nó làm cho ở trong nhà hay có sự cãi nhau. Hình như ba tôi và dì Tư cùng không muốn đẻ ra nó. Tôi bắt đầu cảm thấy bầu không khí nặng nề ở trong nhà. Buổi tối sau bữa cơm ít khi còn có tiếng cười, mà thỉnh thoảng tôi chỉ nghe tiếng ba tôi thở dài lúc ông ngồi đọc báo ở gần cửa sổ.

Những đêm tối như đêm nay, tôi hay nằm suy nghĩ một mình. Ở giường bên kia cha tôi lại thỉnh thoảng giở mình. Tiếng phản kêu ken két. Trên divan kê ở góc nhà, tiếng dì Tư cho em Mai bú kêu chem chép trong bóng tối. Không khí nặng nề và yên lặng. Tôi có cảm giác như giữa cha tôi và dì Tư có một sự gì căng thẳng, hồi hộp sắp sửa chờ cơ hội là rạn nứt. Tôi nằm co người lại, dán mình xuống phản. Tôi nghĩ đến cặp mắt hiền từ của mẹ tôi ngày xưa. Ý nghĩ ấy làm nước mắt của tôi chảy nóng xuống cả hai bên má. 

Chợt có tiếng dì Tư khua đôi guốc trở dậy và có tiếng lịch kịch mở bô nước tiểu. Một lát dì ấy ra hóng mát ở ngoài hiên. Bóng dáng to lớn của dì cắt lên trên nền cửa đục lờ ánh sáng của đêm mùa hạ. Trời không có gió nên căn buồng bức bối và oi ả lạ lùng. Ở giường bên kia cha tôi bắt đầu ngáy. Tiếng ngáy nặng nề của một người mệt nhọc. Trên nóc tủ mấy nén hương thắp trên bàn thở mẹ tôi đã lụi dần. Bóng tôi bao trùm khắp căn phòng. Xa xa, thỉnh thoảng có tiếng ô tô vọng về. Tôi nghe thấy tiếng chân sờ soạng của dì đi trong bóng tối và tiếng lịch kịch mở ngăn kéo. Một lát dì ấy về giường ngậm ô mai chem chép. Mấy con chuột chạy rúc rích ở trên nóc tủ. Tôi thiếp đi ở trong những tiếng động quen thuộc như thế.

Nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mẹ tôi bận toàn quần áo trắng dẫn tôi đi chơi trong một vườn đầy hoa trắng. Những con bướm bay ở trên nhị hoa. Không khí êm dịu có nắng vàng như một ngày chớm thu. Tôi thấy như mình sống lại cả một quãng đời đã qua êm đẹp.

Buổi sáng khi tỉnh dậy, nhớ lại, tôi thấy thú suốt cả một ngày hôm ấy.

*

Cửa hiệu Đại-Mỹ bán đồng hồ của cha tôi thường giao phó hoàn toàn cho bác Đông. Bác ta là một người đàn ông đã đứng tuổi mà chưa vợ. Trông bác không có vẻ thông minh mấy. Cái trán ngắn, đôi lông mày đen và rậm. Hàng ngày bác thường ngồi ở trước cái quầy kính nhỏ loay hoay với những chiếc bánh xe nhỏ xíu. Những lần bác ta soi cái kính hiển vi vào bộ phận đồng hồ thì hai bên lông mày nhíu lại như dính vào nhau. Sau này lớn lên, tôi biết được tướng của bác là tướng dâm. Đầu óc của bác thường luôn bị ám ảnh bởi những chuyện bậy bạ. Trong những câu chuyện bác kể cho tôi, không có một chuyện nào lại không pha một tí lẳng lơ. Tôi có nhiệm vụ ngoài giờ học phải xuống cửa hàng để coi xét sự mua bán của bác, nên có rất nhiều thì giờ tôi và bác gần nhau. Tôi hay ngồi ở cái ghế đẩu, mắt nhìn qua quầy kính xem bác làm việc. Còn bác ta thì vừa nói chuyện nhảm, vừa đong đưa con mắt thật là đĩ thõa. Cũng vì thế mà quãng đời mới lớn của tôi bị tiêm nhiễm không ít những chuyện mà đáng lẽ tuổi của tôi chưa được biết đến. Tuy vậy, tôi rất phục bác ta là một người biết nhiều. Chuyện gì cũng chẳng lọt qua được mắt bác. Không hiểu làm thế nào mà dạo dì Tư mới về được hơn một tuần, bác ta đã kể vanh vách cho tôi nghe những điều về dì ấy. Theo lời bác thì dì Tư, trước khi gặp ba tôi, dì đã ăn ở với một ông quản người Pháp. Sau này ông ấy chết đi, dì lại sống độc thân ở phố hàng Than bằng nghề chạy hàng xách. Ba tôi quen dì ấy trong phạm vi buôn bán. Rồi hai người thỏa thuận về ăn ở với nhau.

Có lần bác ấy hỏi:

- Cậu có biết dì Tư lấy ba cậu mấy tháng rồi không?

Tôi đáp:

- Có lẽ độ bẩy tám tháng rồi chứ gì!

- Sai bét! Ông bà ấy biết nhau từ trước khi về đây cơ.

Tôi hỏi:

- Sao bác biết?

Bác ta làm vẻ bí mật:

- Thế mới tài chứ.

Tôi nghĩ mãi không hiểu làm thế nào mà bác ấy lại đoán được như vậy. Nhưng rồi bác ấy nói ngay:

- Này nhé, lấy nhau thì phải cần một năm mới đẻ con, chứ sao bà ấy đẻ chóng thế. Như vậy có phải họ "biết" nhau từ trước rồi không!

Sự "biết" ấy bác ta biểu diễn bằng cách chọc cái nĩa vào một chiếc bánh xe rồi ngoáy mấy cái và cười tít đi. Trong những lần cả nhà quây quần quanh ngọn đèn treo cao, tôi hay nhìn mọi người bằng con mắt khác. Hình như trong ý nghĩ của tôi vẩn đục lên vì những hình ảnh mà phó Đông đã gieo cho tôi hôm trước. Cũng vì thế, tôi tự cảm thấy như mình càng ngày càng hờ hững với những người thân trong gia đình.

Ba tôi trong thời gian này có vẻ thất vọng. Lúc nào trông ông cũng rầu rầu, đăm chiêu như có điều gì lo nghĩ. Trán ông nổi lên những đường gân xanh. Hai làn môi bậm vào nhau trễ xuống kéo theo lần da má rúm ró lại. Ông hay ngồi hàng giờ ở gần cửa sổ, có lần tôi thấy ông long lanh nước mắt. Cũng có khi đột nhiên ông mặc quần áo bỏ ra đi đến ba, bốn giờ sáng mới trở về. Sau này tôi mới biết là ông đi đánh bạc.

Như thế, trong gia đình tôi tự nhiên có ba cách sống. Dì Tư hay xuống kể xấu ba tôi với phó Đông ở dưới cửa hàng. Ba tôi thì bỏ đi cả ngày, không mấy khi để ý đến chuyện buôn bán. Còn tôi thì như một con ngựa được hoàn toàn buông lỏng. Tôi cho rằng ở hoàn cảnh tôi bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có thể trở nên một thằng mất dạy. Bài vở nhà trường không mấy khi tôi học. Cũng bởi vậy mà đã hơn mười lăm tuổi đầu tôi vẫn còn lẹt đẹt ở dưới lớp đệ thất. Thời giờ của tôi hoàn toàn phung phí vào những lúc tót xuống cửa hàng nghe bác phó Đông kể chuyện đàn bà, hoặc có khi tôi lại rủ những thằng bạn mà giáo dục gia đình cũng lỏng lẻo như tôi để kết bè, kéo cánh đi lang thang ngoài bờ đê, xem những chuyến tầu Nam cập bến rúc còi u u trên mặt sóng.

Vào mùa hạ, chúng tôi có thú tuyệt diệu là đi bắn muỗm xanh ở Văn Miếu. Vừa phá phách, chúng tôi vừa chửi ông Từ rồi thoăn thoắt leo tường chạy sang phía hàng Bột. Ngày ấy tôi rất lấy làm tự mãn về những hành động mất dạy như thế của mình.

Tuy vậy, một đôi khi chán nản, tôi thường hay so sánh mình với những đứa trẻ khác. Chúng nó đến trường ngoan ngoãn và vui vẻ như một bầy chim. Buổi chiều có gió mát thổi từ mặt Hồ Gươm vào lòng phố, chúng nó cắp sách hoan hỉ trở về. Tôi cũng có những phút tan học buổi chiều, nhưng thật sự từ thâm tâm tôi đã nẩy ra những cảm giác lo âu vẩn vơ, buồn bã, chán nản và như tự khinh mình. Những lúc ấy tôi thường quanh quẩn một mình ở trên gác, có khi tôi nằm úp mặt trên gối khóc thút thít. Một đôi khi cha tôi bắt gặp, ông lắc cổ áo tôi rồi hỏi:

- Mày làm sao thế?

Tôi không biết trả lời ông thế nào. Sự im lặng làm ông cứ gặng hỏi mãi. Tôi phải đáp rằng:

- Con nhớ mẹ.

Mặt ông đột nhiên sầm hẳn xuống. Ông nhìn lên bàn thờ mờ mờ bụi. Tôi nghe thấy tiếng ông thở dài nhè nhẹ. Ông giơ bàn tay gầy guộc ra vuốt mãi lên cổ áo sơ mi của tôi. Tôi không nhìn nhưng tôi biết ông khóc. Một lát ông ra hỉ mũi ở góc nhà. Chỉ những giây phút ấy tôi mới thấy thương ông vô hạn. Nắng buổi chiều yếu ớt lùa từ lùm cây qua cửa sổ trên gác, rồi chiếu vào bên cạnh tủ. Những tiếng động quen thuộc của hàng xóm vào buổi hoàng hôn vẳng lên từ phía sân sau. Căn phòng im vắng chỉ có tôi và ông ở giữa những bộ bàn ghế kê lệch lạc. Tôi không muốn sống trong khung cảnh chán nản đến như thế này. Tôi muốn cho đôi mắt dịu dàng của mẹ tôi ở trong ảnh nhìn được, khóc được và nói được với tôi. Nhưng thật sự là mẹ tôi đã chết rồi. Tôi muốn trốn tránh cái sự thực đau thương ấy. Tôi không dám nghĩ đến cuộc sống hiện tại, cuộc sống của một đứa trẻ hư hỏng như tôi. Nếu trong giây phút này tôi có người săn sóc, an ủi thì có thể rằng tôi sẽ bớt được những giờ lêu lổng, bỏ được những cuộc đi lang thang vô ích ngoài đường phố.

Nhưng nào có ai để ý đến tôi. Ba tôi càng buồn, càng tỏ ra bất cần mọi thứ. Những lúc hai cha con cảm thấy gần nhau là những lúc rất hiếm có. Rồi chỉ ngày hôm sau, mọi việc lại theo một nếp sống cũ. Cũng vì thế, tôi lại có thể nhiệt thành lao đầu vào những cuộc vui rất là vô giáo dục.

Nếp sống của tôi không thứ tự và ngăn nắp như nếp sống của các bạn chung quanh. Tôi ăn, ngủ không bao giờ đúng giờ. Dì Tư hay xếp đồ ăn vào cái trạn để trong bếp. Những buổi tan học, tôi ít khi về ngay nhà, mà thường thường tôi còn la cà ở bến xe, ở các cửa hiệu, hay ở những nơi người ta xẻ gỗ xây cất nhà cửa. Bởi thế nhiều khi tôi trở về thì đã quá bữa cơm. Ba tôi ngủ với dì Tư ở trên gác. Phó Đông đi ăn cơm ở chợ hàng Da. Chỉ còn có một mình tôi. Tôi lẳng lặng xuống bếp lục nồi ăn uống một cách rất ngon lành. Ngày xưa mẹ tôi bắt tôi phải có lệ ngủ trưa. Nhưng bây giờ thì tôi được hoàn toàn tự do thức mà lục lọi những cái bánh xe hỏng, những sợi dây cót cũ kỹ để đập, rồi loay hoay nghịch ngợm một mình. Các trò chơi ấy chẳng lấy gì làm thích thú lắm, nhưng tôi cho như thế còn hơn là ngồi giở sách ra học. Sự học đối với tôi sao mà nặng nhọc thế. Nhiều khi tôi tự nhủ rằng mình đã thật sự hư hỏng rồi. Nhưng tôi không cho rằng tại tôi làm cho tôi như vậy. Hình như lờ mờ, tôi chỉ nhớ đến những quả bom rơi ở Hưng Hóa năm nào. Sự ra đi của mẹ tôi đã đánh dấu cho tôi một đoạn đường. Thời gian êm đẹp đã qua đi rồi. Đời tôi sau này rồi cũng đến vất vưởng mà thôi.

Trong khi tôi sống như thế thì cha tôi lại hư hỏng một cách khác. Ông vừa sinh ra tật đánh bạc, vừa uống rượu liên miên. Mặt ông đỏ, mắt ông cũng đỏ. Hai lông mày ông nhíu lại làm cho hai bên má hõm sâu xuống. Trán ông nổi lên những đường gân xanh nhằng nhịt. Lúc ấy thì trông ông thật dữ tợn và lầm lì. Vả dữ tợn khiến cho dì Tư cũng phải lảng. Dì ấy bế em Mai xuống ngồi dưới cửa hàng với Phó Đông. Còn tôi thì vờ mở sách ra học. Nhưng óc tôi chẳng chú ý được tới một điều gì. Tôi còn mải suy nghĩ đến cuộc đi chơi ngày mai, hoặc bắn sấu ở sau tòa án, hoặc đi bơi ở khúc sông phía nhà Bác cổ. Ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn trong phòng soi bóng hai cha con tôi lên nếp tường vôi. Muỗi bay vo ve ở khắp chỗ. Căn phòng thật là nặng nề và trống trải. Tôi nhớ đến cái ánh sáng mầu xanh của căn phòng ấm cúng ngày xưa có gió lạnh lùng thổi ở bên ngoài. Bất giác tôi lại nhìn lên khung ảnh của mẹ tôi ở sau cái màn vải đỏ. Tôi bắt gặp tia mắt ba tôi cũng nhìn về phía ấy. Tôi hiểu được tâm trạng xót xa của ông trong những phút như thế này. Chai rượu vơi đi già một nửa. Môi ông tím bầm và xít lại gần nhau. Râu tóc ông mọc tua tủa. Ông gầy và già đi rất nhiều đối với ngày xưa. Tôi rưng rưng muốn khóc. Tôi cố hình dung lại nụ cười tươi trẻ của ông. Nhưng lờ mờ tôi chỉ thấy nụ cười ấy nhòe lên khuôn mặt trắng xanh, dịu dàng của mẹ tôi. Tôi đau xót khi nghĩ rằng chẳng bao giờ tôi còn được trông lại những hình ảnh như thế nữa.


CHƯƠNG II
 

Một hôm tôi bắt gặp Phó Đông đang hôn dì Tư ở trên gác.

Hôm ấy ba tôi đi lấy hàng ở trên phố. Tôi đi học từ sáng. Nhưng bất chợt thầy giáo tôi ốm nên tôi được nghỉ trọn buổi. Tôi lang thang với lũ bạn mãi ở bờ sông rồi gần mười giờ mới về nhà. Dưới cửa hiệu tôi thấy bỏ không. Vô tình tôi lên thẳng trên gác. Qua khung cửa sổ tôi nom thấy dì Tư đang ngồi ở trên lòng Phó Đông. Em Mai đang thơ thẩn chơi mấy cái hộp ở dưới chân giường. Con mèo trắng vờn cái ống bơ chạy ra mãi phía cửa sổ khi ấy đang khép kín. Tim tôi tự nhiên đập mạnh. Tôi bàng hoàng có cảm tưởng như linh hồn trong trắng của tôi bắt đầu ố một vết mực của tội lỗi. Lần đầu tiên trong đời tôi sự tội lỗi hiện ra rõ ràng mà phủ phàng quá.

Bất giác tôi run sợ như vừa chợt thấy mình đang đứng ở một chỗ bấp bênh, ở phía dưới là một chiều sâu thăm thẳm có dì Tư đang run rẩy trong cánh tay Phó Đông, có hình ảnh cặp mắt đỏ ngầu của cha tôi đăm đăm nhìn qua khung cửa như mỗi buổi tối ông hay ngồi uống rượu một mình. Tôi sợ hãi thực sự, vì chưa một lần nào nhìn thấy những cảnh ấy, chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng câu chuyện hãi hùng như thế. Sự sợ hãi khiến tôi chùn bước lại, tôi nép người sau cánh cửa y như thể chính tôi là một kẻ phạm tội phải tìm đường trốn tránh. Qua khe hở, tôi trông thấy em Mai đang tìm cách đứng lên ở chân bàn. Bàn tay xinh xinh của nó ôm cái hộp bằng giấy. Miệng nó bi bô nói một mình. Rồi em Mai kiễng chân lên, nó muốn với cái ca nước đặt ở trên mặt bàn. Không ai giúp nó. Con bé cứ với mãi, bàn tay của nó quờ vào cái quai hất đổ ca nước lộn xuống mặt sàn. Mai khóc thét lên sợ hãi. Con mèo nhẩy bốn chân lại, đưa mũi ngửi mãi dòng nước đang chảy từ từ về phía chân giường. Một lát có tiếng Phó Đông ngồi dậy. Hắn khua khua guốc rồi hấp tấp bước qua em Mai khi ấy đang vỗ bàn tay vào vũng nước váng bụi. Bác ta đi mau xuống cầu thang. Tôi có cảm giác như mình dán người vào phía sát tường. Dì Tư cũng trở dậy nhặt cái ca và phát vào đít em Mai ba, bốn cái. Con bé lại khóc chóe lên. Dì ấy ôm sốc lấy nó bế xuống cầu thang. Tôi chờ cho tiếng guốc khuất hẳn mới đi lại giường nằm vật xuống. Chưa bao giờ óc tôi xáo trộn nhiều hình ảnh như thế.

Một lát dì Tư trở lên, nom thấy tôi, vội hỏi bằng một giọng lo lắng:

- Anh về bao giờ thế?

Tôi ấp úng:

- Cháu... cháu mới về.

- Dưới cửa hiệu có ai không...?

Tôi luống cuống như một kẻ phạm tội. Tôi sợ tia mắt của dì, khi ấy long lanh dữ dội, khiến tôi có cảm tưởng như dì ấy đang đọc được những ý nghĩ ở trong đầu tôi. Tôi vội nhìn ra cửa sổ nói liều:

- Có ạ... hình như... hình như cháu thấy bác Đông.

Giọng nói lạc cả tiếng và ấp úng của tôi làm mặt dì hơi biến sắc. Đôi mắt của dì như sắc thêm, ít khi tôi thấy dì ấy để lộ cái bản chất dữ dội ra như thế. Sau một giây im lặng, dì hỏi tôi:

- Anh đói chưa?

Tôi đáp:

- Cháu chưa đói.

Dì ấy móc túi lấy ra một tờ giấy bạc:

- Đây này, cho anh một chục đồng mà đi xem chiếu bóng.

Tự nhiên tôi xòe tay ra lấy như một chuyện thường. Nhưng đến khi cầm tờ giấy bạc trong tay, tôi mới thấy mình sao mà khốn nạn. Mười đồng bạc ấy là của dì mua tôi, nếu tôi đã được chứng kiến sự nhục nhã của dì. Tôi không có can đảm ném trả lại cho dì và tôi cũng không có ý nghĩ nhét nó vào trong túi. Vì thế tôi đứng tần ngần, đầu óc hoang mang, đầy xáo trộn. Trong khi ấy dì Tư đã đi về phía cầu thang. Bất giác, tôi nhìn lên bàn thờ có ảnh mẹ tôi ở trên ấy. Cặp mắt dịu dàng của bà lúc nào trông cũng thanh khiết quá. Tôi thấy tủi hổ như mình không xứng đáng được nhìn vào khuôn mặt ấy. Hình ảnh dì Tư ở trong tay Phó Đông, hình ảnh em Mai với ca nước ở trên bàn và lúc tôi ngửa tay ra lấy mười đồng bạc, tất cả như gây cho tôi cái cảm giác làm cho mình hèn hạ đi, khốn nạn thêm, và xấu hổ với chính mình. Cũng vì nghĩ như thế, tôi chẳng ngần ngại xé tờ giấy bạc ra làm bốn mảnh đem ra lan can vứt vào đằng sau cái ống máng trên sân thượng. Tờ giấy đo đỏ bay lờ lững như cánh bướm rồi mắc ở trên  bờ tường. Tôi thấy mãn nguyện với lòng mình trước cử chỉ ấy. Tôi nghĩ đến mẹ tôi ngày xưa mà không thấy hổ thẹn.

Đến buổi trưa, giờ ăn cơm, thật là ngượng nghịu. Dì Tư vồn vã hơn ngày thường. Em Mai được mẹ bón cơm cho ăn ngon lành. Cha tôi sau một đêm miệt mài đi đánh bạc, thấy gia đình vẫn êm ấm nên tự ngượng với mình. Mặt ông vui vẻ hơn mọi ngày. Vô tình hành động xấu xa về cờ bạc của cha tôi, câu chuyện dâm ô của dì Tư và Phó Đông lại thúc đẩy khiến gia đình tôi trở nên hòa thuận. Bầu không khí thành ra dễ thở hơn nhiều. Chỉ riêng có tôi là phải chịu đựng. Tôi đau xót khi nghĩ đến sự êm ấm ấy lại xây ở trên những điều bất trắc. Một ngày kia mà ba tôi biết được thì dì Tư ra sao, em Mai thế nào, và tôi nữa. Tôi không thể tưởng tượng đến lúc ấy, nhưng chắc là phải có sự đổ vỡ đau lòng. Cũng vì thế, tôi nghĩ rằng tôi phải giữ kín câu chuyện, như giữ cho chính tôi, sự êm đẹp trong nhà còn hay không là ở mình tôi. Nhưng tôi không biết rằng như vậy là tôi có lỗi với ba tôi hay không?

Sau bữa cơm trưa, tôi xuống trông cửa hàng cho bác Đông đi ăn cơm. Ngồi trong quầy hàng nhìn ra phố xá chiều thứ bẩy, tôi thấy lòng vui hơn. Tôi nghĩ đến cả buổi chiều nay được nghỉ học. Không biết tôi sẽ làm gì cho qua thì giờ đây. Tôi nhớ ra tờ giấy bạc mười đồng hồi sáng. Bây giờ thì tôi thấy tiếc. Nếu tôi có tiền lúc này, tôi sẽ có thể đi lang thang ở những hiệu sách, tôi sẽ mua được vài thứ tôi cần dùng như một vỉ thuốc vẽ, một cây bút chì và mấy tờ giấy thấm. Những thứ ấy tôi thiếu từ lâu. Trong giờ vẽ, chẳng lần nào tôi có đủ dụng cụ để làm bài của mình. Tôi chợt có ý nghĩ là đi lấy lại bốn mảnh tiền hồi sáng. Sự háo hức của những đồ sẽ sắm được khiến tôi không ngần ngại leo lên sân thượng. Tôi đếm thấy vẫn còn nguyên mấy mảnh nằm phơi dưới ánh nắng. Tôi mừng thật sự và bò lại phía ấy như một con mèo. Mảnh tường ram ráp cứa vào bụng tôi. Bụi vôi rớt lả tả xuống chum nước. Nắng chiếu xuống rát lưng. Cánh tay tôi bị mấy vết xước rơm rớm máu. Sự cực nhọc ấy khiến tôi vụt nghĩ đến cái hèn hạ của mình. Tôi nhớ lại mười đồng ấy là của dì Tư muốn bịt mồm tôi. Nếu tôi tiêu đi là tôi đồng lõa với dì, là tôi bất hiếu với cha tôi. Tôi nghĩ đến hình ảnh đôi mắt dịu dàng của mẹ tôi trong khuôn kính, linh hồn của bà vẫn soi sáng cho đời tôi. Tôi thấy mình không thể nào hèn hạ đi làm những việc như thế này cả. Nghĩ thế, tôi với lấy mấy mảnh giấy bạc, và lần này tôi xé vụn ra rồi tung lên cao. Những vụn giấy mầu đỏ bay lững lờ trong khoảng không rồi rơi rải rác trên thành ống máng. Tôi thấy lòng mình nhẹ đi như vừa thoát được một điều gì hãi hùng ám ảnh. Nắng buổi trưa chang chang chiếu từ những mái nhà có rêu xám, hắt vào mũi tôi cảm giác nồng nồng. Mắt tôi hoa lên màu ánh sáng chói lọi, trước là màu vàng gay gắt, rồi đổi sang màu hồng có lốm đốm trắng. Tôi nghĩ đến những tờ giấy thấm và vỉ thuốc màu nằm rực rỡ ở trong tủ kính hiệu sách. Bất giác tôi khe khẽ thở dài.

Suốt buổi trưa, tôi xuống bếp nằm ngủ ở tấm phản kê cạnh cái trạn ăn. Hình như lòng tôi bị xâm chiếm bởi một sự gì buồn bã khó phân biệt. Tôi chỉ thấy mơ hồ như tôi đang ở cái trạng thái chán nản mọi người xung quanh, ghê sợ khi nghĩ đến họ và lo âu vì cái không khí u uất đang bao phủ quanh mình.

Buổi chiều, gần đến bữa cơm thì tôi trở dậy. Tôi bắt gặp ngay cặp mắt dữ dội khác thường của dì Tư. Tôi linh cảm ngay tới một sự chẳng lành sẽ xẩy đến cho tôi. Khi ra rửa mặt ở chum thì tôi đoán ra ngay được sự hằn học của dì. Gió buổi chiều thổi những mảnh giấy bạc rơi xuống nổi lều bều trên mặt nước. Tôi băn khoăn nhìn làn nước sóng sánh đưa những vụn nhỏ xoay quanh. Tôi sợ hãi thật sự như thể tôi là một kẻ phạm tội với dì. Tôi cắm đầu xuống rửa nhanh mặt mũi, rồi tôi lên gác sỏ giầy đi thẳng ra phố. Qua cửa hàng, Phó Đông vẫn hý hoáy sửa đồng hồ. Con người ấy bây giờ đối với tôi thật xa xôi. Hình ảnh lúc buổi sáng làm tôi kinh tởm. Điều ấy làm tôi nghĩ đến sự cô đơn của mình. Tôi có cảm giác như mình là một vật bé bỏng trơ vơ giữa khoảng rộng lớn mà ở trong quay cuồng toàn những chuyện độc ác và tội lỗi. Tôi muốn tìm một sự che chở mà không thấy. Tôi khao khát một cặp mắt dịu dàng, một lời nói âu yếm, nhưng chẳng thể kiếm ở đâu ra. Bây giờ tôi mới thấm thía đến thân phận của kẻ mồ côi.

Ra đến cửa, tôi gặp con ở đang bón cơm cho em Mai. Mai bi bô gọi tôi. Tôi thương Mai vô hạn. Cặp mắt nó mở to lơ láo, khuôn mặt con bé võ vàng và xanh rớt. Tôi cúi xuống vừa hôn nó vừa nghĩ đến cuộc đời của nó. Nó chẳng hơn gì tôi một chút nào. Mẹ nó không thể nào bằng mẹ tôi. Nó chưa sống một giờ phút nào được kể là vui sướng trọn vẹn. Tự nhiên tôi muốn khóc. Tôi vội vàng đi vào trong lòng phố để cố ngăn những giọt nước mắt long lanh. Tôi không biết rằng mình sẽ đi đâu lúc này. Mười lăm tuổi đầu cô độc giữa một thành phố đông đúc và vô tình, ý nghĩ ấy làm lòng tôi xót xa. Hình ảnh những người thân thuộc như không còn ràng buộc gì với tôi. Tôi không tìm được sự bấu víu gì vào những con người ấy, ngay cả đến ba tôi nữa. Trong cái nhá nhem của buổi chiều ở Hà-nội, tôi đau đớn nuốt thầm những giọt nước mắt vừa nóng vừa mặn. Tôi dừng chân trước những tủ kính có đèn nê ông xanh đỏ. Tôi soi mặt mình vào trong ấy. Bóng của tôi in lờ mờ sau lần thủy tinh trong suốt. Khuôn mặt tôi hốc hác trông thấy. Tóc tôi bờm xờm dựng lên lủa tủa. Tôi chợt nghĩ đến những đứa ma cà bông vẫn thường lang thang ở ngoài phố. Tôi lo lắng khi thấy có cảm giác rằng mình giống chúng. Giáo dục của gia đình tôi cũng lỏng lẻo, ngày hai buổi đi học cũng là một sự chiếu lệ, hàng ngày gặp thầy, gặp bạn mà tôi coi họ như ở một biên giới xa xôi. Cái biên giới trong sáng hồn nhiên mà tôi không thể nào tiến tới được. Nghĩ thế, tôi ôm chặt bai bàn tay lên mặt. Tôi thấy mình như đang ngụp lặn ở trong một lớp bùn nhơ, vùng vẫy một cách tuyệt vọng, muốn thoát ra khỏi mà chẳng ai kéo tôi ra cả.

Trời đã tối hẳn. Phố xá sáng choang ánh đèn. Tôi lủi thủi đi trong những lùm cây. Bây giờ thời tôi thấy đói. Người tôi lao đao như say sóng. Bữa cơm buổi sáng tôi không ăn được nhiều. Bữa cơm buổi chiều tôi bỏ hẳn. Qua những hàng phở gánh rong, mùi thơm đưa lên ngào ngạt khiến tôi nghĩ lại hành động buổi chiều của mình. Hình ảnh những mảnh giấy bạc màu đỏ bay lững lờ như những cánh bướm. Chum nước sóng sánh đưa từng mảnh xoáy vòng quanh. Cặp mắt dữ dội của dì Tư nhìn tôi. Chưa bao giờ tôi thấy đồng tiền giá trị như thế. Hai lần kinh tởm nó, hai lần xé đi để bây giờ tôi lại thấy tiếc rẻ. Nếu bây giờ tôi có tiền, tôi sẽ được húp những thìa nước dùng nóng bỏng, váng mỡ, tôi sẽ được nhai những miếng thịt gầu dòn và béo. Dạ dầy sẽ chẳng còn hành hạ tôi khốn khổ như thế này. tôi đi vào bóng tối, vục đầu vào máy nước uống ừng ực. Tôi nghĩ đến thằng bạn thân nhất của tôi. Nhà nó giàu, nếu gặp nó thì tôi có thể xin được mấy đồng bạc. ý nghĩ ấy làm tôi thấy khỏe hơn. Tôi đi về phía đại lộ Gia Long. Nhà nó ở ngoài có hàng rào, có những lùm cây đang nở hoa. Màu hoa úa trong ánh đèn vàng vọt. Tôi đứng ở bờ cỏ nhìn vào trong. Nhà có thắp đèn sáng. Cả gia đình nó quây quần ở phòng ngoài, trên những chiếc ghế sa lông bọc nệm xanh đỏ. Khung cảnh êm ấm quá. Tôi vụt thấy nó khác tôi. Tôi không thể ví mình với nó được. Những tình cảm thân mật của các buổi đi chơi rong ngoài phố bây giờ biến đi mất cả vì nó và tôi, hai đứa ở hai thế giới khác. Thế giới của nó lộng lẫy tình thương. Còn quanh tôi chỉ là những hình ảnh tối đen của cuộc sống. Dì Tư khỏe mạnh, khát khao điều tội lỗi. Phó Đông luôn luôn bị ám ảnh bởi những câu chuyện dâm ô. Còn cha tôi thì vô tình đến độ đáng ghét. Tôi nghĩ đến những giây phút sống với thầy và bạn ở trường. Mọi người cũng chẳng ưa gì tôi vì tôi lười, tôi dốt. Tôi là một kẻ có cũng như không trong số năm mươi mấy đứa trẻ cùng lứa tuổi. Mọi người đều thờ ơ với tôi. Tôi muốn cầu xin một sự đùm bọc, một sự che chở, một cử chỉ săn sóc và âu yếm. Tôi chỉ cần có những điều ấy mà thôi. Nhưng ai cho tôi được những sự quí báu ấy. Ai đã làm cho đời tôi trở nên khốn khổ thế này. Đầu tôi váng vất. Tôi ngao ngán nhìn ra con đường dài hun hút. Trên những chao đèn giữa phố, có những con thiêu thân nhẩy múa. Bóng những thân cây đen sì chắp nối nhau chạy xuống mãi phía xa. Trời không trăng nhưng đầy sao. Những vì sao sáng mọc trên đỉnh đầu. Cũng có những vì sao yếu ớt lạc lõng ở phía xa chân trời...

Đêm hôm ấy trở về, tôi lên cơn sốt, tôi lảo đảo vịn từng bậc thang lầu lên gác. Cha tôi ngồi đọc báo trên ghế xích đu. Dì Tư bế em Mai ngồi ở cái chõng bên cạnh. Hai người có vẻ tươi tỉnh hòa thuận. Tôi dừng lại ở ngưỡng cửa giương mắt trân trân nhìn ba tôi để chờ cho ông ấy mắng. Quả nhiên ông buông tờ báo xuống rồi cặp mắt dữ dội nhìn tôi từ đầu tới chân. Dì Tư cúi xuống hôn em Mai. Tôi nghĩ đến sự bẩn thỉu, lam lũ của mình. Tuy vậy tôi vẫn không thấy sợ hãi, lòng tôi trơ lại. Tôi nhìn ông như một kẻ có tội thản nhiên chờ người ta kết án. Sự bướng bỉnh ấy càng làm cho ba tôi ghét thêm, tôi thấy môi ông run lên giận dữ, hai mắt đỏ ngầu vì rượu của ông như quắc thêm, rồi bất chợt ông ném tờ báo xuống chân và tiện tay ông hắt cả cốc nước vào mặt tôi, tiếp theo với một giọng giận dữ, nghẹn ngào:

- Đồ mất dạy!...

Ông chỉ nói được có thế rồi ông gầm lên những điều gì không ra tiếng. Trong đời tôi, đấy là lần đầu tiên tôi thấy ông đối với tôi như thế. Tôi nghĩ đến mẹ tôi ngày xưa, và thân phận của mình hiện tại. Từng giọt nước trà chẩy qua mái tóc tôi rồi rỏ lăn tăn xuống má. Tôi thấy như toàn thể thân mình đang ngấm vào một sự nhục nhã, khốn nạn. Hai hàm răng tôi nghiến lại. Tôi muốn mình không bật ra tiếng khóc. Nhưng nước mắt của tôi cứ ứa ra ở những lông mi. Có tiếng dì Tư dịu dàng nói:

- Đi đâu thì cũng phải nghĩ đến giờ ăn cơm mà về chứ. Ai lại bỏ cả ăn uống bao giờ.

Cha tôi tiếp theo:

- Cho nó bước đi đâu thì bước. Đồ ma cà bông ấy nói làm gì.

Tôi lẳng lặng tiến lại tấm phản nằm vật lên, và khóc rấm rứt. Dì Tư dục tôi đi ăn cơm nhưng tôi không trả lời. Có tiếng ba tôi giở tờ báo loạt xoạt. Có tiếng em Mai cười rúc rích với lời nói nựng của mẹ nó. Đầu tôi nhức như búa bổ, chân tay tôi nóng rừng rực. Tôi khát nước khô cổ mà không muốn dậy uống. Chân tay tôi nhớp nháp đầy cát bụi nhưng tôi muốn cứ được nằm như thế mãi và mong đừng có ai đụng đến tôi. Bên tai tôi tiếng muỗi bay vo vo như chấu. Âm thanh nhộn nhịp ở dưới phố vẳng lên từ cửa sổ. Tôi nghĩ đến khung cửa khép kín lúc hồi sáng và con mèo vờn cái ống bơ lăn ra phía ấy. Những hình ảnh ấy làm giấc ngủ đến với tôi một cách nặng nề.

Nhưng trong giấc mơ tôi gặp mẹ tôi. Bà bận áo nhung đỏ, đánh môi son và đeo kiềng vàng. Bà dẫn tôi đi ở trên hè phố rộng thênh thang. Có những vì sao sáng ở trên đỉnh đầu. Ánh sáng các vì sao lấp lánh như ánh mắt của bà. Lòng tôi lâng lâng nhẹ như những luồng gió xào xạc ở trên vòm cây. Chúng tôi đi vào một phố đông đúc. Đèn nê ông xanh đỏ chớp chớp trong những tủ kính. Người ta bầy la liệt những hộp thuốc màu đẹp hơn những vỉ thuốc tôi hằng ao ước. Mẹ tôi mua cho tôi đầy đủ những thứ tôi cần. Soi mình trong bóng gương tôi thấy mình hãnh diện đứng bên cạnh hình ảnh lộng lẫy của bà. Nhưng chợt tôi lo lắng sợ hãi. Khuôn mặt tôi sao hốc hác thảm hại. Mái tóc rối bù lên một cách ghê tởm. Chân tay tôi nhem nhuốc, tôi vụt nghĩ đến lúc soi mình trong khung kính cửa hiệu một lần nào. Bất giác tôi thấy như mình đang ở trong một trạng thái hãi hùng. Tôi nắm lấy bàn tay của mẹ tôi. Nhưng bây giờ bà không còn đứng cạnh tôi nữa. Tôi thấy bà mặc áo trắng đang đi về phía đám đông. Tôi thất thanh gọi lại. Tiếng kêu của tôi hình như yếu ớt không thể nào vọng được về phía ấy. Bất giác tôi vứt những hộp thuốc màu xuống đất và òa lên khóc.

Tôi khóc thật sự vì có nước mắt ướt nhếch nháp rỏ xuống cổ. Tôi mở bừng hai mắt dậy thì thấy mình vẫn nằm ở chỗ cũ. Quanh tôi có ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn đêm treo trên vách. Căn phòng im lặng hoàn toàn. Có tiếng ngáy của ba tôi và tiếng dì Tư thở đều hòa ở trong bức màn trắng. Trên nóc tủ có những con thạch thùng tắc lưỡi bò trong bóng tối. Óc tôi lúc ấy hoang mang như lẫn lộn cả hình ảnh của giấc mơ và thân phận của tôi hiện tại. Nhưng dần dần tôi nhớ ra được rằng mình còn đang phải khổ vì số phận của một đứa mồ côi.

Nhưng cha tôi không hằn học với tôi như tôi vẫn thường tưởng. Về sau này tôi nghĩ càng thấm thía đến những điều ấy. Tuổi trẻ thường hay thiên vị, nhẹ dạ và bất công. Ví thử bây giờ tôi được bé lại như những cậu con trai đi ngoài đường phố, tôi chắc chắn sẽ không bao giờ dám nghĩ ở trong đầu một điều gì láo lếu về cha tôi. Những người đã đi qua một đoạn đường thường hay bảo cho kẻ đi sau những điều nên tránh. Nhưng tiếc thay ở tuổi trẻ mấy người đã chịu nghe lọt tai những lời khuyên quí báu ấy. Bây giờ tôi viết những dòng này tôi thấy ân hận cho ý nghĩ ngày xưa của mình.

Câu chuyện xẩy ra vào một buổi sáng. Con một bà sang trong ăn vận rất lịch sự đến dạm bán cho cha tôi một đồng hồ tự động, vỏ vàng. Bà ta cần tiền nên phải bán với một giá rẻ mạt. Cha tôi đem sang hỏi ý kiến ông chủ Wa-Seng ở bên cạnh. Ông ta cũng suýt soa vì thấy món hời. Cha tôi liền mua ngay với giá sáu ngàn để buổi chiều hôm ấy, ông đem bán lại ở trên hàng Ngang được những mười bốn ngàn. Thật chẳng có sự buôn bán nào lại lời nhanh chóng đến như thế. Buổi tối, cha tôi dẫn tôi lên phố mua cho tôi một đôi giầy tây thay cho đôi dép cao su của tôi đã mòn vẹt. Tôi nện cá lộp cộp trên hè phố và thấy rằng mình đang sung sướng. Ông lại dẫn tôi vào hiệu sách và hỏi tôi có thiếu gì không. Tôi xin mua mấy tập vở, một cái bút máy rẻ tiền và một hộp cu-lơ nước. Điều ước ao của tôi bây giờ đã thành sự thật. Tôi sung sướng ôm những vật quí báu ấy trong lòng tay. Tôi say sưa hít mùi giấy trắng còn thơm mùi mực kẻ. Nếu tôi được ông săn sóc mãi như thế này thì nhất định tôi sẽ bớt lêu lổng, tôi sẽ bỏ những cuộc đi chơi lang thang như một đứa ma cà bông ngoài hè phố. Tôi sẽ học thuộc bài vở nhà trường. Tôi sẽ tìm thấy sự trong sạch cho hồn tôi như những ngày xưa tôi còn có mẹ.

Nhưng nghĩ đến dì Tư va em Mai, tôi lại thấy buồn. Đó là lần đầu tiên tôi thấy sự có mặt của mẹ con dì là một điều thiệt hại cho tôi, tuy vậy, nhớ đến cặp mắt ngây thơ của Mai tôi lại thấy ân hận về sự ích kỷ của mình. Tôi vội bảo ba tôi:

- Ba mua cho em Mai một con búp bê, ba ạ.

Hai cha con tôi vào một hiệu Bazar. Tôi chọn cho em Mai một con búp bê mắt to như mắt nó, mái tóc hung hung đỏ, óng mượt, giá những tám mươi đồng. Tôi vui sướng khi nghĩ đến sự vui sướng của Mai. Từ ngày được đẻ ra, mai chưa có một đồ chơi nào đáng giá như thế.

Nhưng Mai chưa biết chơi búp bê. Đem về nhà, bế trong tay được một lúc thì nó đập bôm bốp lên thành giường. Đầu con búp bê rúm lại. Tóc rụng lả tả. Dì Tư tát cho nó hai cái lằn cả má, rồi đem con búp bê dựng lên nóc tủ. Tôi muốn khóc. Ngày xưa đã có lần tôi đập bẹp cả một dẫy toa xe hỏa. Nhưng mẹ tôi không nói. Đến khi đi chơi phố, bà chỉ cho tôi thấy những đứa trẻ kéo những hộp cá sèn sẹt trên lề đường và dịu dàng hỏi tôi:

- Con có biết thằng bé chơi gì đấy không?

Tôi trả lời:

- Nó chơi trò kéo xe.

- Xe gì lại thế. Hộp cá vứt đi đấy chứ.

Tôi cãi lại:

- Nhưng hộp cá giả làm cái xe.

Bà cười dịu dàng:

- Con có biết tại sao nó phải lấy hộp cả làm giả cái xe không?

- Tại mẹ nó không có tiền.

- À, vậy đó. Vì mẹ nó không có tiền nên nó phải chơi như thế. Tại sao con lại đem đập bẹp đồ chơi của con ra.

Tôi cảm động xin lỗi mẹ tôi. Tôi nhớ mãi bài học của bà. Bà gây cho tôi tính nết cẩn thận ở trong hầu hết mọi công việc. Còn dì Tư thì chẳng thể được như bà. Dì ấy đánh em Mai ngay từ khi nó chưa biết suy nghĩ gì cả.

Nhưng rồi tôi quên ngay câu chuyện búp bê của em Mai. Vì một buổi sáng ước độ mấy ngày hôm sau, thì cha tôi bị bắt.

Người ta dẫn người đàn bà hôm nọ lại hiệu ba tôi. Lần này thì bà ấy bị còng ở hai cổ tay trắng muốt. Bà ta mắc tội bán cho ba tôi đồ ăn cắp. Một người cảnh sát nói với dì Tư rằng chính bà ta Trùm một bọn ăn cắp ở khu chợ Đồng Xuân. Tôi ngạc nhiên hết sức. Trong óc tôi, tôi vẫn thường yên trí những kẻ ăn cắp phải là những thằng bé quần áo tả tơi, mặt mày nhem nhuốc như cái đứa mà tôi được xem nhiều lần người ta đuổi bắt ở chợ hàng Da. Còn đây, nom bà ấy sang trọng hơn cả dì Tư. Tóc bà ta uốn làn sóng quăn quăn, cổ tay có vòng vàng, mặt đánh phấn nom rất sang trọng. Sau này tôi đem điều ấy ra hỏi Phó Đông thì bác ta bảo:

- Đói thì ăn cắp tất.

Tôi cãi lại:

- Nhưng bà ấy đâu có đói.

- Sao cậu biết nó không đói?

- Thì vàng đầy ở tay mà.

Bác ta cười hề hề:

- Cậu ngây thơ thật, vàng giả đấy. Mà cho là vàng thật đi thì cũng phải làm mồi để mà ăn cắp cho dễ chứ.

Ngày hôm ấy óc tôi in sâu một bài học. Ở trường chằng bao giờ thầy giáo tôi dậy về sự những kẻ sang trọng như thế lại đi ăn cắp.

Cha tôi cũng bị bắt đi ngày hôm ấy. Người ta xích ba tôi đi qua đám người hàng phố đứng vây quanh. Mấy đứa trẻ đứng ở ngoài nhẫy cẫng lên, reo to độc ác:

- Ăn cắp!... ê... ê... ăn cắp!

Cha tôi chậm chậm bước. Đầu ông cúi gầm xuống. Hai vai gầy nhô lên sau lần sơ mi trắng. Tôi thấy thương ông hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ đến buổi chiều mùa thu đi với ông trên hè phố. Tiếng giầy đinh của tôi nện cồm cộp trên mặt đường còn như vang lên ở trong óc tôi. Khi ấy thì tôi không thể ngờ được rằng sự sung sướng của tôi lúc đó là sự nhục nhã của cha tôi bây giờ. Lòng tôi vừa hoang mang, vừa nhục nhã, lại vừa hổ thẹn. Nước mắt của tôi chẩy đầm đìa xuống hai bên má. Tôi không thể hiểu người ta quan niệm thế nào lại có thể cho cha tôi là kẻ ăn cắp. Tôi nghĩ đến nụ cười tươi trẻ của ông ngày xưa, đến những buổi tối mùa hạ gia đình tôi đi bách bộ ở bên bờ hồ. Tôi đi ở giữa, cha tôi một bên, mẹ tôi một bên. Bà mặc áo mầu xanh hồ thủy có hoa trắng, cổ bà đeo sợi dây chuyền có gắn hình đồng tiền. Bà đánh phấn phơn phớt, mắt bà đen long lanh. Giọng nói, tiếng cười của bà ấm áp, và dịu dàng.

Bây giờ nếu bà còn sống thì chẳng bao giờ ba tôi lại có thể bị khốn khổ như thế này. Tôi tin tưởng vào sự khôn ngoan rất mực của bà. Cứ nghĩ như thế tôi lại thấy thương ba tôi hơn, ghét dì Tư và xót xa cho mình.

Khi ra đến hè phố, tôi còn trông thấy ba tôi quay nhìn trở lại. Bộ mặt ông khi đó thật là sầu thảm. Cặp mắt sâu hoắm nhìn về phía tôi tha thiết. Trán ông nổi lên những đường gân. Miệng ông mím chặt, kéo lần da hai bên má trở thành rúm ró. Tôi chợt nhận ra rằng ông già đi nhiều quá. Mới ngày nào ông còn có những cử chỉ trẻ trung như bế được cả mẹ tôi từ ngưỡng cửa vào bộ ghế sa lông. Ông còn "cung kênh" được tôi ngồi lên cổ. Giọng cười của ba bố mẹ con vang lên trong căn phòng ấm cúng. Thế mà mới có mấy năm đen tối vừa qua, ông đã thay đổi đi nhiều quá. Tôi muốn chạy lại ông, khóc mà xin lỗi ông tất cả những điều mà tôi đã làm ông phiền lòng. Nhưng người ta đã mở cửa xe đẩy ông lên trên ấy. Tiếng máy nổ vang lên hòa với mùi khói xăng nồng nặc. Bất giác tôi òa lên khóc. Tất cả mọi người quay lại nhìn tôi, nhưng tôi không trông thấy ai cả. Trước mắt tôi quay cuồng bao nhiêu hình ảnh. Người đàn ba sang trọng với cái còng ở cổ tay. Con búp bê của em Mai vẫn gác ở trên nóc tủ. Cái bút máy tôi còn đeo ở trên ngực áo. Hình dáng gầy gò của ba tôi bước nặng nề lên cửa xe. Tiếng trẻ con reo lên tàn nhẫn. Tất cả quay cuồng hỗn loạn. Mơ hồ tôi thấy như mình bị mồ côi một lần nữa.

Đến buổi chiều có người hay tin lại hỏi thăm ba tôi nườm nượp. Người ta bàn luận với nhau om sòm ở dưới cửa hàng. Câu chuyện mua đồ ăn cắp là đầu đề để cho những ý kiến xoay quanh. Trước còn dính dáng tới ba tôi sau dần dần ai cũng kể những chuyện ở đâu đâu, rồi mâu thuẫn nhau, rồi cãi lý nhau đến nỗi ai đi qua cửa hàng nhà tôi cũng phải nhìn vào. Dì Tư lúc nào cũng có vẻ mặt rầu rầu, thỉnh thoảng lại thấy giơ tay lên chấm hai con mắt đỏ hoe. Chỉ em Mai là chẳng biết gì. Ngồi trong lòng mẹ, nó ngơ ngác nhìn hết người này đến người khác. Tôi nhận ra rằng trong sự không may này, người thiệt thòi chỉ là anh em tôi mà thôi. Điều ấy làm tôi càng thêm ghét những bộ mặt phởn phơ, coi tai nạn của ba tôi là một chuyện hiếm có để được cãi vã như thế này.

Đã thế, đến lúc họ lục tục kéo nhau ra về thì lại có ông Vạn Hóa chùn ở lại. Ông ấy nói với bác Phó Đông cho mượn tạm hai cái đồng hồ Thụy-sĩ để bán cho một mối hàng, trong khi hàng của nhà ông chưa gửi về.

Dì Tư không nghe. Dì ấy nói phải chờ ba tôi trở về mới biết được chuyện mua bán. Tức thì ông Vạn Hóa nổi giận. Ông ấy xòe ra cho chúng tôi nom thấy tờ giấy nợ chín vạn sáu ngàn đồng của ba tôi. Số tiền ba tôi vay để đánh bạc. Bây giờ chúng tôi mới ngã người ra khi thấy cha tôi mắc nợ một số tiền to quá sức như thế. Tôi mới hiểu được nỗi buồn của ông những hôm ông ngồi lầm lì bên chai rượu.

Nhưng dì Tư không vừa, dì xỉa xói vào mặt ông Vạn Hóa mà nói:

- À, tiền này ấy à, tiền này là tiền ông quyến rũ chồng tôi, nhà ông chứa cờ chứa bạc để cho chồng tôi mang công mắc nợ thế này. Tôi thì đi kiện lại ông chứ không thèm trả ông đâu.

Thế là hai người cãi nhau loạn lên. Ông Vạn Hóa đập bàn, đập ghế chửi dì Tư là đồ vô học thức. Dì Tư chửi lại ông ta là đồ lưu manh, gá cờ, gá bạc. Hàng phố lại được một phen xúm đông xúm đỏ lại trước cửa hiệu Đại Mỹ. Người ta đứng vòng trong vòng ngoài thỏa thích nhìn điệu bộ cong cớn của dì Tư, nhìn bộ mặt xám ngoẹt của ông Vạn Hóa và nghe những lời qua tiếng lại om xòm trong tiếng khóc thét lên ngằn ngặt của em Mai.

Rồi hai người xô lại giằng co nhau tờ giấy nợ. Dì Tư nắm được một nửa giật mạnh hết sức khiến tờ giấy xé toạc làm hai. Ông Vạn Hóa tức giận nắm lấy ngực áo của dì Tư co lại. Chiếc áo phin của dì rách xoạc một miếng từ cổ áo xuống tới bụng. Người ta trông thấy bộ ngực trắng toát của dì. Dì ấy gầm lên, nắm được cái cổ cà vạt của ông Vạn Hóa kéo mạnh làm ông ta ngã chúi xuống quầy hàng, kính tủ rơi vỡ lảng xoảng. Thật chẳng có lần nào tôi thấy xấu hổ và nhục nhã như ngày hôm nay. Tôi và bác Phó Đông xông ra kéo dì Tư lại. Dì ấy rất khỏe. Nếu bác Phó Đông không đứng vững thì cũng bị dì dúi ngã theo.
 
Ông Vạn Hóa thoát được bàn tay của dì liền vội vàng nhặt hai mảnh giấy nợ săm săm đi ra cửa. Tới vỉa hè, ông ấy còn quay lại đe nhà tôi một lần nữa rồi mới trèo lên một chiếc xích lô đạp gần đó.
 
Đám đông tản mát dần dần.
 
Quầy hàng nhà tôi vỡ mất một mảnh kính.
 
Cha tôi mất thêm một người bạn.
 
Sao lại có những tháng mà nhà tôi đen đủi như thế được. 
 


CHƯƠNG III
 

Người ta kêu án cha tôi một tháng tù. Dì Tư đón nhận tin ấy với một vẻ coi như là sự dĩ nhiên. Cửa hàng hoàn toàn giao phó cho Phó Đông. Hắn bây giờ ăn cơm ngay ở nhà tôi. Tôi không muốn nghĩ đến chuyện vô luân của hắn với dì Tư hôm nào. Tâm tính tôi thay đổi hẳn. Tôi thấy chán ghét tất cả mọi người chung quanh. Mới mười lăm tuổi đầu mà tôi đã thích được suy nghĩ một mình. Tôi hay lang thang ở Văn Miếu để ngấm nghía tủi thân. Những lần đứng ở trên gác tam quan nhìn xuống con đường bụi trắng xóa ngang phố hàng Bột, tôi trông thấy từng đoàn lũ lượt những trẻ mồ côi bận quần áo trắng xếp hàng thong thả đi về. Chúng nó mất cả cha lẫn mẹ, nhưng hình như cuộc sống còn vững chãi hơn tôi. Ngày mai đối với tôi bất trắc quá. Biết đâu tôi sẽ lại chẳng đói rách lang thang đầu đường xó chợ trong thành phố. Tôi nghĩ đến những thằng bé ngày xưa tôi nom thấy trong những lần đi chợ với mẹ tôi. Hình ảnh ấy khiến tôi ghê rợn, và sợ hãi. Tôi càng lo lắng đến sự cô đơn của mình. Nếu tôi chẳng may mà bị như thế, thì chẳng có ai giúp đỡ tôi cả. Cũng như chẳng có ai thèm nghĩ đến thân phận của những đứa trẻ lang thang, vẫn sống vất vưởng bữa no bữa đói.

Cùng một tâm sự với tôi lúc ấy có lẽ là Vũ. Tôi nom thấy hắn khi hắn đang ngồm ngoàm nhai khúc bánh mì đứng tựa lan can nhìn xuống mặt đường. Hình dung hắn cổ quái. Đầu hắn sờm lên như bờm ngựa, mắt hằn mở to như hai hòn bi, hai bàn tay hộ pháp của hắn nắm gọn khúc bánh vừa to vừa dài. Mỗi lần hắn ngoạm một miếng trông thật là ngon lành. Ít khi tôi thèm được ăn một miếng bánh như thế. Cằm hắn bạnh ra, mắt hắn nhìn xuống những sợi ba tê lòng thòng, những cái răng sắc và mạnh nghiến khúc bánh đứt phăng phăng. Thấy tôi nhìn, hắn toét miệng ra cười, tôi cũng cười theo hắn. Thế là hai đứa quen nhau. Tên hắn là Vũ. Hắn hơn tôi chừng hai tuổi. Hắn mồ côi bố nên mẹ hắn bỏ đi lấy chồng. Hắn sống với bà nội từ năm lên bẩy. Đến khi bà hắn chết thì hắn trở thành một kẻ lang thang. Vũ xin được vào một cơ quan Từ thiện. Ở đây người ta nuôi cơm cho những học sinh thất lạc gia đình. Tiền tiêu thì Vũ phải xoay lấy. Có thể hắn đến xin bà cô họ xa thầu nứa ngoài bờ sông, có thể hắn dậy làm tính cho mấy cô bán rau ở trong ngõ hẻm Sinh Từ.

Tuy không cùng một hoàn cảnh như Vũ nhưng tôi yêu ngay cách sống của Vũ. Từ tiếng cười, giọng nói đến cách đi đứng, Vũ tỏ ra là một người thẳng tính, thích tự do và chỉ làm theo ý của mình. Ở bên trong con người Vũ có một sự vững chãi, điều mà tôi cảm thấy tôi không có. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau trong gió mát của buổi chiều. Hồ Giám nước xanh tù hãm nổi lên từng đám váng có bọt lăn tăn. Mây trắng trôi lờ lững trên đỉnh đầu. Không gian êm ả như sự yên ổn trong lòng tôi. Tôi nhận ra rằng Vũ ngồi cạnh tôi mới thực sự là người bạn theo nghĩa tôi vẫn hiểu thầm. Còn những đứa tôi quen trong lớp học tuy vẫn thường đi chơi rong ngoài phố mà tình thân chỉ hời hợt ở bên ngoài.

Vũ dẫn tôi về khu  hắn ở. Đường vào chùa Tầu đất bùn nhớp nháp. Có những lũ trẻ đánh đáo ở hai bên đường. Bọn chúng nó trần trùng trục. Có đứa lớn 7, 8 tuổi mà còn cởi truồng. Những thằng anh cõng những thằng em. Những con chị sốc nách những đứa bé ở trên tay ngủ gà ngủ gật. Mắt chúng nó kết rử màu xanh, có hàng đám ruồi bay chấp chới chung quanh. Tôi vụt nhận ra rằng mình chưa là khổ. Tôi nói điều ấy với Vũ. Vũ cười hể hả, đồng tình. Vũ dẫn tôi đi qua cái sân đánh bóng tới một ngôi chùa bỏ hoang. Hai dẫy nhà trai không còn để bàn thờ. Người ta kê sát vào nhau những chiếc ghế vải, hoặc phản gỗ có chăng mùng la liệt. Mùi ẩm và mốc của những cái chăn, những cái quần, cái áo đưa lên nồng nồng làm mất cả cái không khí dịu mát của buổi chiều. Những thanh niên cùng lứa nằm ngồi ngổn ngang khắp chỗ. Có những đứa xúm lại cãi nhau om sòm bên bàn cờ tướng. Có đứa nằm dài lên phản, chăm chỉ làm bài. Ở phản giữa trên chiếc hòm sữa kê cao, một đứa đang nện lộp cộp đôi giầy tây mới lên mặt gỗ. Có tiếng hét lên:

- A! Giầy mới! Mẹ bố thằng Quì có giầy mới anh em ơi.

Hàng chục giọng cười hô hố vang lên, thật là một xã hội hỗn loạn, vô tổ chức qui tụ đủ hết các loại mặt.

Tôi đi xuống cuối phòng theo Vũ về giường của hắn. Căn phòng chỗ này mờ mờ tối. Tôi nao nao nghĩ đến cuộc đời của những kẻ như Vũ. Trong ánh sáng rực rỡ của những buổi chiều mới lên đèn ở trên phố, ít ai có thể nghĩ đến những cảnh sống như thế này. Vũ kéo tôi ngồi xuống dưới một cái màn đen cáu ghét vắt ở trên hai cái đinh. Có một tấm chăn dạ rách hôi và bẩn cuộn tròn ấn ở dưới cái giá gỗ. Trên giá để một cái thùng sữa, trong đó Vũ cất đủ thứ, bát đũa, sách vở và cả quần áo nữa. Vũ tụt giầy trèo lên giường nằm gối lên đống chăn giở cho tôi xem những bài thơ. Hắn làm được thơ và làm rất nhiều. Thơ Vũ có vẻ thiết tha với những con người không có mái nhà như hắn. Bài "Cửa ô":

"Ánh đèn không soi mái phố.
Linh hồn dắt díu về đây
Chăn đâu cho đầy giấc ngủ
Nôn nao cơm lưng dạ dầy

"Thao thức nằm nhìn bóng tối
Nghẹn ngào khóc dưới cửa ô
Đêm mơ thấy đời đổi mới
Sáng ra buồn hơn bao giờ..."

Vũ ít gửi thư thơ đăng báo, hắn chỉ chép ra những tờ giấy học trò vàng úa rồi cất xuống đáy hòm. Vũ mơ có được một ngày bỏ được tiền ra in tác phẩm. Nhưng chuyện ấy thật xa xôi. Vì Vũ lo tiền tiêu tối thiểu một ngày năm đồng bạc mà không có. Nghe Vũ nói chuyện văn nghệ lòng tôi như xao động trước một thế giới xa lạ nhưng đầy quyến rũ với những cuốn sách thơm mùi mực mới, những giòng chữ in long lanh trên trang giấy trắng muốt. Tôi ước ao được biết làm thơ và viết văn như Vũ. Vũ bảo: " - Cậu nghĩ thế nào thì viết thế ấy. Thế là văn. Văn mà theo vần, theo điệu thì là thơ."

Tôi không tin rằng làm văn, làm thơ mà lại giản dị như thế!

Vũ nằm một lát đến khi có tiếng chuông rung thì hắn nhỏm dậy, với tay lấy cây gậy chọc vào một mảnh ván to bằng quyển sách. Cánh cửa sổ được nâng lên cao. Hoàng hôn lùa vào trong phòng theo gió mát. Tôi nhìn ra ngoài sân. Ở đấy có những cái thùng tôn đang bốc khói lên nghi ngút. Mấy người đàn bà béo lăn đang khệ nệ bưng từng rá cơm trắng xóa ra đặt ở trên những cái ghế gỗ. Một thiếu nữ không đẹp nhưng có vẻ mặt thùy mị, trắng trẻo đang co người rút cái dây chuông ở phía góc sân. Tiếng chuông ròn rã binh boong đổ hồi ngân nga thành những hơi sang sảng. Học trò từ hai bên đổ ra như một bầy thú dữ. Tôi nghe thấy những tiếng hét:

- Canh tiết!... Canh tiết!... Chúng mày ơi!...

Những cái ca truyền tay nhau vục vào hai cái thùng kẽm lớn múc ra những bát canh đục lờ mờ loáng thoáng có mấy khoanh hành lẫn với những miếng tiết vụn tím ngăn ngắt. Họ sì sụp ăn, tôi hỏi:

- Cơm một món à?

Vũ nhún vai:

- Chứ còn mấy. Sáng chủ nhật mới hai. Nhưng thằng nào giầu thì tự do. Chợ gần đây, có hai đồng là có sáo chó. Sáo chó thì ngon tuyệt.

Nói rồi Vũ cười huếch hoác, mái tóc bờm sờm lắc lư theo điệu đầu của hắn. Tôi thấy Vũ tiềm tàng một sức sống. Vũ hơn tôi, vì Vũ khổ mà hắn vẫn yêu đời. Vũ gạt được những cái tầm thường ra khỏi ý nghĩ. Tôi thấy gần Vũ hơn. Hai đứa nắm tay nhau đi ra phía vườn sau. Xa xa là bãi rác nằm im lìm trong nắng chiều vàng úa. Chùa Tầu ẩn sau những lùm cây xanh. Phố phường vọng về những tiếng còi xe. Không gian êm ả như bóng tối đang đi về. Vũ rủ tôi đi uống cà phê ở một hàng mà Vũ cho là trứ danh ở Hà Nội.

Chúng tôi đi trong ánh đèn của hai bên hàng phố. Bóng hai đứa đổ xuống mặt đường. Vũ kể cho tôi nghe ý nghĩ của Vũ với cuộc đời. Vũ gợi cho tôi biết những cái mà tôi cho là hay hơn những điều tôi học ở trường. Tôi thấy mình như đang lớn lên.

Chúng tôi dừng lại hàng cà phê rong đỗ ở vệ đường trông sang vườn hoa Cửa Nam. Hàng cà phê Nuôi. Hai đứa ngồi xệp xuống những cái ghế gỗ thấp lè tè, lưng quay ra phía người đi. Bác bán hàng (ý chừng tên bác là Nuôi) ngồi lùi vào trong bóng tối của mái hiên. Trước mặt bác là cái bếp cồn phùn phụt cháy. Ánh lửa xanh lét tỏa ánh sáng lờ mờ lên khuôn mặt rỗ hoa. Nước sủi sùng sục trong cái ấm nhôm trắng. Mùi cà phê xen lẫn mùi bơ ngầy ngậy béo tỏa ra xung quanh. Vũ bảo:

- Mùa rét thì phải biết.

Chúng tôi nhấm nháp những hớp cà phê nóng bỏng. Tôi thoáng nghĩ đến một cuộc phiêu lưu kỳ lạ thật sự của cuộc đời, ở trong ấy tôi cũng lang thang như Vũ, thiếu tình thương, thiếu cơm, thiếu áo, tôi sẽ ăn những bữa cơm có bát canh tiết đục lờ lờ, ngủ ở trong những khuôn cửa nhỏ hẹp có mùi hôi. Tôi nghĩ đến cha tôi và những người quen. Nhưng những hình ảnh ấy rời rạc, và mong manh đến nỗi không gây cho tôi được niềm tin. Tôi thấy buồn thấm thía.

Uống cà phê xong, Vũ rủ tôi về nhà bà cô hắn. Vũ muốn xin bà ta một cái chăn. Căn nhà nằm im lìm trong bóng tối của nếp tường Ô Quan Trưởng. Qua phía bên kia là những ngọn đèn sáng lù mù chiếu ra mạn bờ sông. Những chiếc xe vận tải nằm chờ sáng nối đuôi nhau thành từng khối đen ngòm trong phố hẹp. Vũ đứng tần ngần trước cánh cửa sổ, mắt nhìn lên gác. Ở trên ấy có ánh đèn màu xanh. Vũ bảo:

- Chờ tao một lát.

Rồi hắn thoăn thoắt leo lên những thanh sắt ở cột đèn, và truyền sang mái ngói nhanh như một con mèo. Vũ mất hút sau cửa sổ. Tôi bâng khuâng đứng nhìn xuống rãnh nước tí tách chảy. Dưới những mái hiên có người nằm lổm ngổm. Tôi nghe thấy tiếng thì thào nho nhỏ, tiếng trẻ con mút vú chùn chụt xen với tiếng thở dài. Trời không có trăng nhưng đầy sao. Tôi nghĩ đến những trận mưa đầu mùa, mái hiên giào giạt nước, hai bên hè phố nhớp nháp bùn lầy. Khi ấy họ đi về đâu? Tôi nhớ đến bài thơ "Cửa ô" của Vũ:

"Thao thức nằm nhìn bóng tối
Nghẹn ngào khóc giữa Cửa ô.
Đêm mơ thấy đời đổi mới
Sáng ra buồn hơn bao giờ"

Tôi lẩm bẩm những câu thơ ấy, trong khi ở trên gác có tiếng lao xao. Rồi một lát cánh cửa mở tung, Vũ sầm sầm vừa chạy ra, vừa nói:

- Không cho thì thôi. Đừng có riếc!

Một đầu người đàn bà thò ra ở cửa sổ nói gióng xuống:

- Mày đừng có ăn nói láo. Ai thèm riếc cái mặt mày. Đồ mất dậy. Giả tao cái đồng hồ hôm nọ thì tao cho.

Tôi lùi lại trong bóng tối. Tim tôi đập mạnh. Tôi có cảm giác thực thụ mình là đứa ma cà bông. Nếu bà cô Vũ trông thấy tôi thì bà cũng cho tôi là như thế. Hình ảnh mẹ tôi chập chờn hiện ra. Mắt bà đen và long lanh. Miệng bà cười dịu dàng nhưng nghiêm nghị. Tôi muốn khóc.

Vũ đã chạy sang phía bên kia đường. Hắn đang nhớn nhác tìm tôi. Tôi đi về phía ấy, lòng ngột ngạt với cảm giác là bà cô Vũ đang nhìn theo. Bóng hai đứa in lên những viên gạch kẻ ô vuông. Tự nhiên tôi thấy ngượng nghịu, như giữa tôi và Vũ vừa xẩy ra một điều gì đáng xấu hổ. Nhưng Vũ nói với tôi trước:

- Đấy, cậu xem, họ hàng nhà tôi thế đấy.

Tôi vụt hỏi:

- Cái đồng hồ đâu?

Vũ nhún vai:

- Bán lâu rồi.

Tôi nghẹn ngào:

- Sao lại lấy như thế?

Vũ ngước nhìn những con thiêu thân nhẩy múa trên chao đèn ở giữa phố:

- Lần ấy tao cãi nhau với nhà chùa và bỏ đi ba hôm. Đến xin tiền, bà ấy không cho nên tao phải ăn cắp. Miếng cơm của tao lúc ấy quý hơn cái đồng hồ. Bà ấy không có nó thì đã chết đâu.

Tôi thấy bỡ ngỡ trước lý luận của Vũ. Dẫu sao thì tôi cũng không đồng tình với Vũ. Trong khối óc non nớt của tôi, tôi vẫn cho ăn cắp là một điều ghê tởm. Tôi không quên được hình ảnh ngày xưa tôi được coi ở ngoài chợ người ta đuổi những thằng bé con móc túi. Người ta đá chúng nó ngã sấp xuống đất bùn. Thằng bé vừa khóc vừa lạy nom thật là nhục nhã và đau xót. Một đằng móc túi lấy năm đồng bạc như nó với một đằng ăn cắp cái đồng hồ như Vũ, hai việc có khác gì nhau. Vì thế tôi im lặng mà không nói thêm gì với Vũ về câu chuyện ấy. Hai chúng tôi đi qua những căn nhà đổ nát ở dọc phố bờ sông. Gió ở dưới bãi lồng lộng thổi lên bờ đê. Những con muỗi mắt bay loạn xạ trong ánh sáng vàng đục. Cầu Long Biên ở phía xa, đèn chăng chập chờn. Chúng tôi đi xuống cột đồng hồ. Vũ kéo tôi ngồi bên hàng tiết nóng. Hai đứa chụm đầu vào nhau bẻ những miếng tiết dắn đanh, vừa ăn vừa chấm với muối vắt chanh. Món ăn đối với tôi thật là lạ kỳ. Tôi chưa bao giờ được sống như thế này. Chưa lần nào tôi ngồi ở bờ sông vào những đêm hôm khuya khoắt. Trước mặt tôi là bà lão hàng tiết. Bà cụ ta ngồi xệp trên chiếc đòn gánh, một tay quạt phành phạch, một tay đỡ thằng bé đang ngủ li bì. Nồi tiết còn đầy, không biết bà ta ngồi như thế đến bao giờ. Đêm nay, rồi đêm mai, đêm ngày kia. Tôi thấy ghê sợ về cách sống âm thầm không có hy vọng như thế. Vũ đọc cho tôi nghe một đoạn thơ:

Đêm kinh thành
Có đèn vàng, đèn đỏ, đèn xanh
Có nhạc trào lên mênh mông
Vọng về ngõ tối
Đường đi lầy lội
Những người đàn bà hay đi lúc sao chưa mọc
Khi trở về trăng úa trên đỉnh đầu
Kĩu kịt đằng sau
Một  gánh u sầu
Lòng dạ sao đau
Muốn cười nhưng sao khóc
Lo quên cả mệt nhọc...

Rồi Vũ bảo tôi:

- Hay đi ăn tiết hay làm được thơ.

Vũ thích tìm cảm giác ở những chỗ như thế này.

Mười hai giờ, chúng tôi chia tay nhau ở vườn hoa Cửa Nam. Vũ về chùa. Tôi lủi thủi một mình trên hè phố. Bóng những cây đan với nhau ở trên vỉa hè. Tiếng rao "sực tắc" vẳng lại từ những cuối phố. Cửa hàng nhà tôi đóng kín mít. Bên nhà ông Wa-Seng mấy người thợ giầy đang ăn lục tào xá. Tôi đi nhờ qua bên ấy rồi leo tường sang gác nhà tôi. Căn phòng lù mù ánh đèn dầu lạc. Tôi trông thấy dì Tư và Phó Đông nằm ôm nhau ở trên giường. Tôi với tay lên cái núm bật đèn sáng lên. Em Mai nằm ôm lấy một chân của phó Đông ngủ li bì. Nước rãi của nó rớt xuống một bên má. Tôi lẳng lặng tiến lại mở cửa sổ. Gió mát lùa vào trong phòng. Tôi đứng nhìn xuống những sợi dây điện giăng ở trên những cột cao. Tôi nghe thấy có tiếng họ trở mình. Rồi có người bật dậy. Tôi quay lại, và bắt gặp sự sảng sốt ở trên mặt phó Đông. Tai tôi nóng bừng bừng, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng khi hai đứa trông thấy nhau. Tôi quay trở lại, hai tay bíu lấy những song cửa, mắt nhìn vào nền trời xanh đen. Sao càng về đêm càng sáng long lanh.

Một lát, có tiếng phó Đông khua guốc rồi tiến lại gần tôi. Tôi nghe thấy hơi thở nặng nề của hắn ở phía sau gáy. Hắn ấn vào túi áo trước của tôi một tờ giấy bạc. Tờ giấy một trăm. Giọng hắn ấp úng:

- Biếu... biếu cậu...

Rồi hắn đi vội về phía cuối phòng.

Tôi biết nói thế nào để tả được tâm trạng tôi lúc đó. Chân tôi như tê cứng lại, muốn vứt trả tờ giấy bạc vào mặt hắn. Nhưng tôi không sao làm nổi việc ấy. Hình như tôi nghẹn ngào, tôi uất ức, tiếng nói tôi như tắc lại. Tôi vừa sợ hãi vừa muốn hét to lên cho cả thế gian này biết rằng phó Đông vừa ở màn dì tôi chui ra. Nhưng hắn đã đi về phía cầu thang và có tiếng chân của hắn bước cót két trên ván gỗ. Sự ngập ngừng của tôi, đã khiến cho hắn tưởng rằng tôi đã vui lòng nhận một trăm của hắn. Tôi muốn ném ra cửa sổ cho hắn thấy, nhưng muộn rồi. Cái áo trắng của hắn khuất hẳn xuống phía dưới. Bàn tay của tôi bóp chặt tấm giấy. Một trăm, một trăm đối với tôi khi ấy thật là to quá sức tôi có. Chưa bao giờ tôi được làm chủ một tấm giấy như thế. Tôi nghĩ đến lời Vũ:

- Đứa nào giầu thì tự do. Chợ gần đây, có hai đồng là có sáo chó. Sáo chó ngon tuyệt.

Giá trị của đồng tiền to quá. Đồng tiền của những con người mà tôi gặp không phải chỉ cốt để phù phiếm, xa xỉ. Họ thiếu thốn từng đồng bạc để bù đắp thêm cho những bữa cơm một món. Tôi chợt có ý nghĩ ngập ngừng. Tay tôi bóp chặt tờ giấy bạc mà không dám ném ra. Tôi cứ đứng yên như thế, mắt nhắm lại. Có tiếng dì Tư quạt phành phạch ở trong màn. Tôi có cảm tưởng như hai con mắt của dì ấy đang chửi thầm tôi là đồ khốn nạn...

Giáo dục ở gia đình tôi đã lỏng lẻo như vậy, sự học của tôi ở nhà trường lại càng làm cho tôi thêm chán nản. Bạn cùng bàn của tôi có ba đứa. Hoàn cảnh gia đình của mỗi đứa tuy có khác nhau, nhưng nhìn chung về tương lai thì thật giống. Chúng tôi không phải là những đứa trẻ hư hỏng ngay từ tấm bé. Thật ra thì đứa nào một đôi lúc cũng băn khoăn cho thân mình, cũng biết rằng nếu lêu lổng thì sau này cuộc đời sẽ thành khốn nạn. Nhưng chúng tôi còn ở trong cái tuổi ham vui hơn là ham học, lại thêm không có ai kiềm chế, cho nên một đôi lần lương tâm có cắn rứt cũng không cứu vớt nổi sự hư hỏng của chúng tôi.

Riêng tôi mồ côi thì chẳng kể, còn thằng Sĩ, thằng Cường, chúng nó có cha, có mẹ hẳn hoi mà chúng cũng chẳng hơn gì tôi.

Ba thằng Sĩ làm thầu khoán, nhà thằng Cường mở tiệm buôn lớn. Cha mẹ chúng nó có quan niệm rằng cứ làm ra tiền, cho được con đi học, lo được tiền cho chúng tiêu tức là đã đầy đủ bổn phận của bậc phụ huynh hoàn toàn. Nhưng nếu các ông ấy biết được rằng tiền tiêu của chúng nó là những tiền tiêu nhảm, bài vở luôn luôn đi thuê làm hộ, trong giờ học thì chúng nó lang thang ở những rạp ciné, hay hiệu cho thuê truyện nhảm nhí thì các ông sẽ buồn biết bao nhiêu. Trong lớp học ít khi chúng tôi nghe giảng bài. Chúng tôi ngồi ngắm những chiếc gáy trắng của các cô gái ở bàn trên, rồi vẽ nhàm, nói nhảm, viết nhảm như những thằng mất dậy. Nhưng suy nghĩ cho cùng thì cũng chẳng nên trách chúng tôi. Vì giá chúng tôi có ngồi yên để mà nghe giảng bài, thì cũng chẳng thâu lượm được gì cả. Môn nào chúng tôi cũng chỉ hiểu một cách lơ mơ, những câu của thầy giáo tựa hồ như sương, như khói. Thế mà chúng tôi không có can đảm ngồi học lại từ những lớp dưới. Tôi có đem điều ấy ra bàn, thì bọn chúng bảo là tôi điên. Có đứa nào lại dại dột nghĩ đến chuyện tụt đi hai, ba lớp để tạo cho mình một căn bản? Chiến tranh đã làm cho chúng tôi lớn tuổi rồi. Thà rằng chịu dốt thật sự còn hơn là mang tiếng học dốt. Bởi thế nên sự học đối với chúng tôi là chuyện xa vời. Hàng ngày tôi mất thì giờ vì sự đi học, mà chẳng bao giờ tôi dám nghĩ đến kết quả của sự học. Mà không phải có một mình tôi, quanh tôi còn rất nhiều đứa như thế. Vì thế tôi không thấy mình cô độc. Tôi yên tâm vì còn bạn đồng hành.

Hoàn cảnh của chúng tôi lại trái ngược với hoàn cảnh của bọn Vũ dưới trại học sinh. Vì chúng tôi còn có cơm, có áo. Chúng tôi không học được là lỗi tại chúng tôi đã bỏ lỡ quãng thời gian quí báu nhất. Còn bọn Vũ thì vừa phải học, lại vừa phải lo cho sự sống.

Tôi hay đến trại coi những buổi nghỉ ngơi ở chốn này. Có những bàn cờ thiết lập ngay bên những bàn học. Tiếng quân gỗ đập chan chát lên nhau xen lẫn với tiếng học bài, tiếng cười, tiếng hát, tiếng la hét, tiếng nện chân thình thịch trên phản. Vũ hay vỗ vai tôi cười hô hố:

- Loạn mà, loạn âm, loạn dương đấy.

Tôi buồn buồn cười theo. Tôi nghĩ đến những sự khao khát của họ ở đây. Có người thèm một miếng thịt, có người ước ao một lọ gôm chải đầu, có người chật vật hàng tuần mới xoay được một vé xi nê. Đời sống vật chất đòi hỏi gắt gao hơn là sự học. Mà trách nhiệm về ai bây giờ. Lương tâm nhà chùa yên ổn khi lo được cho lũ trẻ mỗi ngày hai bữa cơm no. Lương tâm giáo sư bình thản sau những giờ giảng bài đầy đủ. Lương tâm học trò không cắn rứt khi thấy mình vẫn có mặt đầy đủ trong những lớp học. Thế hệ đi lên già đi trong cái thối nát. Nhưng còn có ai nghĩ đến chuyện thay đổi, vì ai cũng chỉ lo làm xong ngần ấy bổn phận của mình. Ở trong cái hoàn cảnh ấy, Vũ sinh ra cái khái niệm coi thường sự học. Hắn bảo tôi:

- Mình biết như thế nhưng làm sao mà ngoi ra. Tốt hơn hết là bằng cấp để dành cho những con nhà có cơm, có áo. Tao chỉ thấy lo cho cái dạ dầy cũng mệt lắm rồi.

Mà đúng ra thì mệt thật. Tôi được gặp những bộ mặt xanh xao vì thiếu thịt, thiếu mỡ, thiếu những hương vị đậm đà đẩy trôi được bát cơm vào miệng. Tôi đã được biết Vũ ăn cắp đồng hồ của bà cô vì đói. Tôi lại được chứng kiến những vụ ăn cắp ở trong căn phòng hỗn độn thế này. Vụ to chuyện nhất là vụ thằng Quì. Thằng Quì hôm nào còn nện thử cồm cộp đôi giầy mới lên trên nắp hòm sữa. Theo Vũ thì nó đã mơ có một đôi giầy như thế từ lâu. Nó bảo:

- Đi chơi với đào bằng dép cao su, lúc bụi nó bám vào năm ngón chân, trông lem luốc như cu li chạy xe kéo.

Bởi vậy Quì phải nhịn ăn, nhịn tiêu, lại phải bán cả sách cũ đi mới đủ tiền mua một đôi giầy mới. Ấy thế mà đánh thoắt một cái không đầy ba bốn hôm đã mất biến. Có đứa bẻ khóa hòm Quì ra để lấy đi từ lúc nào. Quì chu lên tưởng như nó bị ai xẻo mất tai. Nó đi từng giường một, bắt người ta mở khóa hòm cho nó khám. Nhưng có ai dại gì mà lại cất giầy của nó ở đây nữa. Thế là Quì đành mất đôi giầy. Nó chửi ra, chửi vào như một mụ đàn bà. Lời của nó chua chẳng kém gì lời của những mụ hàng tôm, hàng cá. Rồi câu chuyện bẵng đi một tuần. Đến một hôm thằng Sơn lại rỉ tai cho nó biết rằng thằng Liễn mấy hôm nay ngày nào cũng đi ăn phở Tầu Bay. Quì nghi ngay cho Liễn. Hai đứa liền gây sự với nhau ở phía sau chùa. Nếu không có Vũ thì đã có vụ đổ máu ở đấy.

Thằng Sơn biết chuyện sợ thằng Liễn thù nên trốn biệt. Hơn một ngày nó không dám về chùa. Trông bộ mặt thằng Liễn và hai con mắt của nó, đứa nào cũng lo cho Sơn. Tuy vậy, hình như đứa nào cũng chờ một chuyện gây cấn nữa sẽ xẩy ra.

Đến chiều hôm sau, có lẽ vì đói, Sơn phải bò về. Nó hỏi thăm thằng Liễn từ đầu ngõ. Tay nó thủ một cái chốt sắt. Có đứa dọa nó, nó chỉ cười nhạt nhẽo ra vẻ bất cần. Nhưng chúng tôi thấy rõ sự lo âu trên mặt nó.

Hai đứa gặp nhau ở bể nước. Thằng Liễn xoắn ngay lấy ngực Sơn du đi, du lại mấy cái:

- Thằng khốn nạn, mày trông thấy ông lấy đôi giầy bao giờ mà hớt lẻo...

Sơn giằng không ra, nó liền chọi vào đầu Liễn một cái chốt sắt. Thằng Liễn chu lên:

- A... mẹ bố tiên sư mày đánh ông...

Sơn sợ quá co giò định chạy, nhưng Liễn đã rút ở túi ra một con dao. Nó giằng cái áo của Sơn lại làm rách toạc một miếng, rồi thuận đà nó xỉa ngay một mũi vào vai. Sơn dẫy lên như con đỉa. Nó ôm cái vai chan hòa những máu chạy tuốt từ trong trại ra ngoài đường cái. Nó kêu lên như con lợn bị chọc tiết. Hai chân của nó cuống cuồng nhẩy lên như một con choi choi. Hai người cảnh binh giữ nó lại, nó chỉ rối rít về phía chùa. Người ta vào bắt ngay được thằng Liễn, và chở thằng Sơn vào nhà thương Phủ Doãn.

Hôm sau nhà chùa ra lệnh đuổi cả hai đứa. Bọn chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau. Còn thằng Quì thì ngồi khóc ở bực cửa. Nó cho rằng vì nó mà hai đứa không có cơm ăn nữa. Đến buổi trưa nó lại lục hòm thằng Liễn soạn ra bộ quần áo lạnh. Nó thân hành đem đến bóp cho Liễn. Nó kể rằng hai đứa được gặp nhau qua chấn song sắt. Thằng Liễn đã bị đánh một trận đòn. Dạo ấy người ta rất ghét du côn, nhất là du côn có hạng, dám chơi dao như Liễn. Liễn xin thằng Quì mấy đồng thuốc lá, Quì mua cho nó cả một bao. Nó bùi ngùi bảo:

- Cậu đối với tôi như thế là hết lòng rồi. Cậu về đi. Sách vở của tôi cậu lấy mà học.

Hai đứa ngậm ngùi rời nhau. Trong sách của Liễn còn có một cái giấy mời đi coi chớp bóng. Quì không đi mà cũng không cho ai. Nó viết ở đằng sau: "Cái này là của Liễn. Liễn không đi được là vì tôi đã làm mất tự do của Liễn. Bây giờ thì tôi hiểu được tại làm sao người ta nên có lòng khoan dung với những thanh niên phạm tội. Xin ơn trên hãy trừng phạt tôi và tha thứ cho Liễn. Biết bao giờ tôi mới quên được câu chuyện đau xót như thế này?"


CHƯƠNG IV
 

tù ra được ba tháng thì cha tôi vỡ nợ. Cửa hiệu Đại Mỹ một phần ế ẩm, một phần ông càng sinh ra chơi bời, nên vốn liếng cứ đội nón mà ra đi. Ngày xưa ông còn săn sóc đến cái tủ kính, quầy hàng, nhưng bây giờ thì ông bỏ hẳn. Ông giao phó hoàn toàn cho bác Đông để đi biền biệt. Dì Tư có định eo sèo thì mắt ông đã quắc lên dữ dội, ông nhìn vào mặt dì với tất cả sự hằn học và ghét bỏ. Ông ấy bảo:

- Đấy, cho hết đấy, làm thế nào sống "với nhau" thì làm.

Câu nói ấy khiến tôi có cảm tưởng như ông đã biết chuyện đồi bại giữa dì Tư và phó Đông. Mà dì Tư thì chỉ còn biết ngồi ôm mặt khóc. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy ông thật thâm. Để cho những kẻ phạm tội sống thao thức ở trong nghi ngờ sợ hãi còn hơn là xé to một lần rồi cũng chẳng ra làm sao. Nhưng cũng có thể ông ấy thương tôi, thương em Mai mà chẳng  muốn bêu riếu vào đời niên thiếu của chúng một vết nhơ. Ông đã sống nhẫn nhục trong những nỗi niềm cay đắng nhất của cuộc đời ông. Hồi này, ông rất ít nói. Rượu ông càng uống vào, càng trở nên lầm lì. Hai bên lông mày nham nhở díu vào nhau trên cặp mắt đỏ như đổ lửa, những vết nhăn nhúm ở hai gò má kéo cặp môi của ông sít lại, trễ xuống. tím bầm bầm. Tôi không còn tìm được ở vẻ mặt của ông một nét tươi trẻ nào ngày xưa. Ngoài tôi ra, chắc chẳng còn ai có thể đoán biết được ngày xưa ông đã được sống một quãng thời gian huy hoàng, tươi đẹp. Trong gia đình, mẹ tôi là một tấm gương sáng soi đường cho ông đi, là nguồn an ủi mạnh mẽ cho ông thêm vững vàng phấn đấu. Về đến nhà ông quên được mọi nỗi bực dọc ở bên ngoài. Ông đã sống nền nếp dưới sự xếp đặt giờ giấc, ăn ngủ điều hòa của mẹ tôi. Nhưng trái lại mẹ tôi lại sợ ông hơn hết. Những lần hai người bất hòa thì bà chỉ biết nằm khóc ở trên gối. Nếu cha tôi có đập một cái bát, hay ném một cái ly thì bà lại khóc to và lâu hơn. Chưa bao giờ tôi thấy bà cãi với cha tôi một câu nào. Vì thế mà phần lỗi lần nào cũng về phía cha tôi. Ông hôn lên cặp mắt đẫm lệ của bà. Rồi hai người cùng hôn lên má tôi. Mẹ tôi lại cười ngay, tuy má bà còn hoen nước mắt.

Ngày trước gia đình tôi tươi sáng bao nhiêu thì bây giờ đen tối bấy nhiêu. Nhà có năm người mà như thể một nấm mồ hoang. Cái ở hay bế em Mai lê la ở chỗ tụ tập những kẻ phải coi em như nó. Dì Tư hết việc làm thì lại ngủ ở trên tấm phản kê ở một góc. Tôi rất hay bỏ đi xuống chùa với Vũ. Còn ba tôi thì đi biệt.

Cho đến một hôm ông bắt tôi sửa soạn quần áo, sách vở để đem gửi tôi lên nhà ông Thuận Ký. Ông Thuận Ký quen với cha tôi từ ngày cha tôi mở cửa hiệu Đại Mỹ. Tôi đoán rằng ông muốn cùm chân tôi lại cho tôi tôi bớt lang thang lêu lổng. Lúc ở trên xe xích lô, ông bảo tôi:

- Con lớn rồi, biết suy nghĩ rồi thì phải tự lo lấy mình. Đừng có bỏ phí thì giờ mà hối không kịp.

Tôi thấy ông nghẹn ngào như sắp khóc. Hai cánh mũi của ông đỏ lên, hấp háy. Tự nhiên tôi cũng muốn khóc theo ông. Từ ngày lấy dì Tư, đây là lần đầu tiên ông lại gọi tôi bằng tiếng "con" thân mật. Tôi cảm được nỗi đau lòng của ông khi ấy. Trán ông nổi lên những đường gân xanh. Bàn tay gầy guộc của ông nắm lấy cái quai cặp cho tôi. Tôi nhìn lên mái đầu lốm đốm bạc của ông. Ông đã già đi từ lúc nào mà những ngày ở gần nhau tôi không nghĩ đến. Ngày hôm qua, hôm kia tôi còn thấy giữa tôi và ông có một sự gì cách biệt. Nhưng lúc này tôi lại thấy thương xót ông một cách lạ lùng. Tôi ngồi xích lại gần ông. Đã lâu lắm tôi mới lại tìm thấy sự gần gũi của tình cha con. Nhưng buồn thay, khi nhận ra điều ấy thì là lúc tôi bắt đầu phải xa ông. Tự nhiên tôi thấy nhớ vô cùng cái căn phòng tối ẩm ẩm trên gác nhà tôi. Ở đấy tuy xót xa đầy nước mắt nhưng đối với tôi đã quen thuộc. Tôi không biết trong cuộc sống mới đang bắt đầu, tôi sẽ ra làm sao?

Ông bà Thuận Ký đón tôi với một vẻ không vồn vã mà cũng không lạnh nhạt. Tôi nghe thấy bà ấy nói:

- Ở đây rồi mà học với các em.

Rồi tôi được dẫn ngay lên gác. Ba tôi nắm chặt lấy hai tay tôi, và ấn vào túi tôi một xấp giấy bạc. Tôi nom thấy những giọt nước mắt ứa ra từ hai con mắt tia đỏ chẩy từ từ xuống má của ông. Tôi cũng khóc theo ông. Ít lần tôi xúc động mạnh đến như thế. Tôi thốt ra tiếng nói thật tự đáy lòng:

- Ba...

Cha tôi không đáp mà chỉ nắm chặt thêm tay tôi rồi lắc nhẹ nhẹ. Rồi ông dục tôi lên gác. Tôi uể oải bước từng nấc thang. Ông đứng ở dưới nhìn tôi mãi cho đến khi tôi khuất hẳn. Tự nhiên tôi có cái cảm giác như mình vừa mất đi một sự gì quý báu mà ngày trước ở gần ông tôi không tìm thấy. Tôi cất va li vào phòng rồi ra đứng ở cửa sổ. Căn phòng rộng thênh thang gây cho tôi nỗi cô độc. Phía bên kia, ngoài sân thượng có từng dẫy quần áo phơi ở trên dây thép. Trên ống khói có những con bồ câu trắng đang đứng rỉa lông. Ở xa xa là các khuôn cửa vuông tròn, thấp thoáng có màn che xanh đỏ. Tôi có cảm tưởng rằng mình đang sống ở một thế giới khác. Bây giờ tôi mới thấy nhớ đến những con người mà hàng ngày tôi ghét bỏ: dì Tư và phó Đông. Tôi nhớ đến cả con bé ở hay bế em Mai ngồi ở cái ghế kê cạnh gốc cây ngoài đường. Tôi nhớ đến cái giường ọp ẹp kê trong bóng tối của căn gác hẹp, có tiếng muỗi vo ve, có tiếng xe điện chạy ầm ầm trên đường sắt vọng vào, và có tiếng bật bông thình thịch ở những căn gác xép bên cạnh. Chẳng bao giờ tôi lại ước ao được về chốn ấy như lần này. Tôi đứng tì tay ở ngưỡng cửa nhìn xuống hè phố. Tôi trông thấy mầu áo vét tông xanh của ba tôi đi qua đường. Bóng dáng ông gù gù uể oải như kéo dài sự chịu đựng trong cuộc sống. Tay tôi nắm chặt lấy bệ cửa, mắt đăm đăm nhìn mãi bóng của ông từ từ đi vào trong lòng phố. Tôi có cái cảm giác như ông đang bỏ tôi, đang bắt đầu xa tôi, và tôi nghĩ đến sự cách biệt giữa tôi với mẹ tôi ngày trước. Điều ấy làm tôi nôn nao cả lòng dạ, tôi muốn xuống dưới ấy, níu lấy áo ông, cầu xin ông cho tôi được sống lại những ngày tăm tối đã qua, được hít thở bầu không khí tối tăm, chán nản mọi ngày. Nhưng ông đã đi xa rồi, xa tôi thật rồi. Tôi gục đầu vào khuôn kính cửa sổ, khóc lên rưng rức.

Sáng hôm sau có người đến báo tin rằng cha tôi chết. Ông ấy đã uống thuốc ngủ tự tử vào hồi sáu giờ chiều hôm trước. Tôi đứng lặng người ở cửa sổ. Tôi nghĩ lại cử chỉ của ông ngày hôm qua, những giọt nước mắt long lanh trên gò má, những đường gân nổi rõ ràng trên trán. Túi áo của tôi hãy còn xấp giấy bạc mà ông cho tôi lúc ở cầu thang. Tôi xòe hai bàn tay ra mở to mắt nhìn trừng trừng vào đấy. Những ngón tay này hôm qua còn được nắm vào làn da nóng và sần sùi của ông. Nếu tôi biết sớm được rằng đấy là lần cuối cùng tôi còn được gặp ông thì tôi sẽ nắm chặt hơn, không rời ra, không bao giờ rời ra cả, để thấy rằng tôi còn ông, tôi còn có một người thân độc nhất nghĩ đến tôi ở trên đời này. Bây giờ thì ông chết rồi. Ông bỏ tôi đi không một lời nói, không một nụ cười, không một giọt nước mắt, tôi cũng chẳng được nhìn ông lúc ông nhắm mắt. Thật là vô lý, thật là kinh hoàng, thật là ác mộng, tôi cứ áp mãi má mình vào kính cửa mà khóc một mình như thế. Nước mắt của tôi chảy xuống vòng vèo trên mặt kính. Hôm qua ngoài kính cửa ấy tôi còn nhìn thấy hình dáng nhỏ bé của ông lầm lũi đi vào lòng phố. Ngay chỗ này đây, hôm qua tôi còn trông thấy chiếc áo vét-tông màu xanh, chiếc quần màu xám đi qua những cái xe nhỏ xíu. Thế mà bây giờ trong cuộc đời chỉ còn lại có một mình tôi. Không bao giờ tôi còn được trông thấy bóng dáng lầm lũi của ông ngồi cô đơn bên chai rượu, ngọn đèn không chiếu hình ông lên tường vôi nữa, căn gác nhỏ không có bóng ông ra vào, ông đã đi tìm thú vui một mình. Ông bỏ tôi và em Mai bơ vơ ở lại trong thiếu thốn, nhọc nhằn. Bất giác tôi khóc òa lên to hơn trước. Tôi trông thấy bộ mặt nhăn nhúm của tôi méo mó ở trong kính cửa. Ngày xưa tôi khóc mẹ tôi ở bên lề đường có những cây gạo đang nở hoa đỏ, có nắng thu úa ở trên những ngọn cỏ xanh, tôi không thấy đau đớn, xúc động nhiều như lần này. Bởi vì bây giờ tôi đã biết khổ, biết buồn, biết suy nghĩ và nhất là tôi được chứng kiến quãng đời tối tăm mấy năm về sau này của cha tôi.

Người tôi như mê đi. Tôi đi xuống cầu thang gác. Tôi đứng một mình ở trên sàn đá hoa trắng. Tôi muốn nhớ lại hình dáng của ông hôm qua ở đấy. Ông trao cho tôi cái cặp. Miệng ông cười nhưng mắt ông khóc. Bây giờ tôi biết được ý nghĩ trong đầu ông lúc ấy. Ông tiễn con trai ông lần cuối. Ông nhìn theo cho đến khi nó khuất sau dẫy cầu thang. Hẳn lúc ấy ông cũng đau khổ như tôi bây giờ. Hình ảnh cuối cùng của tôi trong óc ông là hình ảnh một thằng bé gầy yếu, xanh xao, mặt mày cằn cọc, áo quần bẩn thỉu, xốc xếch. Ông để tôi lại trong cuộc đời không một niềm hy vọng, không một chỗ nương thân, chắc hẳn lòng dạ ông đau xót hơn hết thẩy bao giờ. Nhưng bây giờ thì ông sướng hơn tôi. Tâm trí ông không còn bận bịu về những việc não lòng ở trên đời, mắt ông không phải nhìn vào những nỗi khổ, ông đi về một thế giới khác có hoa thơm, cỏ lạ, có chim hót, có mẹ tôi tươi sáng chờ đón ông với những niềm vui ngày xưa. Ở đây chỉ còn lại một mình tôi, một mình tôi chịu cho ông mọi nỗi nhọc nhằn. Nghĩ như thế, tôi lại khóc. Tôi đi ra cửa mà hầu như không thấy có ai ở trong nhà. Hình như bà Thuận Ký đang ngồi bàn tán với ông ta ở sập. Tôi không chào ai. Tôi đi chậm chậm ở trên những viên gạch kẻ ô vuông trong hè phố. Tôi muốn đi mãi để được nghĩ đến ngày xưa. Căn phòng thắp đèn xanh có gió rì rào đập ngoài cánh cửa, có tiếng u già rửa bát lách cách ở vườn sau. Cha tôi làm việc ở trong ấy, mẹ tôi bế tôi trên giường có nệm trắng, giấc ngủ của tôi lặng lẽ đi về với những hình ảnh kỳ lạ thần tiên. Không bao giờ trong óc tôi phai mờ được khung cảnh tươi sáng nhất của đời tôi như vậy cả. Tôi không muốn nghĩ đến hiện tại. Tôi ghê sợ những điều mà cuộc đời đã định cho tôi. Tôi ước mong đó chỉ là một cơn ác mộng.

Tôi về đến nhà thì cửa hàng đã đóng kín. Có tiếng dì Tư khóc thảm thiết ở trên gác. Tôi tin là dì ấy khóc thành thật, mặc dầu tôi không quên những buổi tối trong vườn dì, có em Mai nằm ôm chân phó Đông ngủ mê man. Trong cái tang đau đớn này, dì mất chồng cũng khổ như tôi mất cha. Tôi thấy thương dì hơn là giận. Cuộc đời dì cũng chỉ tầm thường như những ước vọng của dì. Sống trong gia đình tôi, dì phải chịu nhiều điều xót xa hơn là được sung sướng. Ý nghĩ ấy khiến tôi thấy gần dì hơn, và đấy cũng là lần đầu tiên tôi nghĩ đến dì mà không hằn học.

Nhưng kẻ đáng thương nhất phải là em Mai. Mai đang uống nước ở phía bàn. Quần nó ngắn cũn cỡn có giải buộc vòng ra sau cổ trông thật đáng thương. Ở người nó, cái gì cũng nhỏ xíu cả. Từ bàn chân, bàn tay cho đến linh hồn của nó. Mai chưa đủ sức hiểu sự đau đớn của đứa con mất cha, mặc dầu nó không được lớn lên trong tình thương yêu toàn vẹn. Tôi ôm lấy Mai trong vòng tay rồi khóc ở trên mái tóc mềm mại của nó. Chúng tôi thực sự là hai đứa mồ côi. Nếu cha tôi được nhìn thấy anh em tôi ôm nhau lúc này thì ngày hôm qua ông chẳng thể đủ can đảm mà uống những viên thuốc ngủ để trốn tránh cuộc đời. Ý nghĩ ấy làm tôi khóc to hơn. Em Mai bây giờ cũng khóc.

Tuy tôi mới đi vắng hai hôm mà căn gác trông như lạnh lẽo hẳn. Tiếng khóc của dì Tư nức nở trên mặt gối. Dì ấy xé những chiếc áo sơ-mi của ba tôi rồi vứt xuống chân giường. Hai đôi giầy tây của ông vẫn gác ở trong một góc. Tôi nghĩ rằng không còn bao giờ bàn chân gầy guộc của ông đi vào những đôi giầy ấy nữa. Tôi bế Mai lại gần tủ, với xuống cho nó con búp-bê mà mẹ nó gác ở trên góc. Mai ôm búp-bê vào lòng và nín khóc. Con búp-bê gợi cho tôi hình ảnh buổi chiều mùa thu tôi đi với ông trên hè phố. Hôm ấy ông mua cho tôi những thếp giấy trắng, một hộp thuốc màu và một đôi giầy tây mới. Bây giờ thì chẳng còn bao giờ tôi được sống những phút vui sướng ấy nữa. 

Ở nhà một lát, tôi đi xe điện xuống nhà thương Cống Vọng. Người ta để ba tôi ở dưới nhà xác. Tôi đi vào căn buồng tối mờ mờ có mùi tử khí lạnh lẽo. Ở trong ấy có những cái bàn dài bằng đá. Từng xác chết nằm đắp chăn trắng, mặt phủ lấy bản, bên ngoài úp những cái lồng bàn xanh, viền sơn đỏ. Ba tôi nằm ở trên đó, da mặt ông tái ngăn ngắt, hai làn môi mím chặt và tím bầm như quả bồ quân. Mắt ông nhắm nghiền như khi ông ngủ. Mình ông còn mặc chiếc áo vét tông xanh, hai bàn tay gầy guộc, sạm đen đặt ngay ngắn ở trên ngực. Tôi run run nắm lấy hai bàn tay ông. Một cảm giác lạnh lẽo truyền sang người tôi. Thật là mau chóng quá. Hôm qua tôi cũng nắm tay ông thế này, thấy ấm áp và sần sùi. Miệng ông còn cười, mắt ông còn khóc. Bây giờ ông đã ở đây, trong nhà xác lạnh lẽo, không nói được, không nhìn được, không khóc được. Giấc ngủ của ông là giấc ngủ vĩnh viễn. Chẳng bao giờ ông trở dậy để ngồi uống rượu bên cửa sổ, để đọc báo trên ghế xích đu, và để nom thấy tôi đứng ở đây, đang vì ông mà khóc. Phải chi đây là căn buồng chật hẹp có tiếng muỗi vo ve trong ẩm thấp, có tiếng bật bông thình thịch ở những căn gác xép bên cạnh vẳng sang, vào những buổi sáng có tiếng hàng quà rao lanh lảnh vòng qua cửa sổ, thì tôi đã được lay ông dậy, đem lại cho ông cái ống nhổ bằng đồng, và tìm cho ông đôi dép cói để ở dưới chân giường. Công việc thường lệ ấy từ nay tôi không được làm nữa. Vì ông đã bỏ chúng tôi để vào nằm đây, linh hồn ông yên ổn sau những năm tháng âm thầm, đơn độc trong cuộc sống đầy rẫy xót xa và nước mắt.

Tôi gục đầu vào ngực áo của ông mà khóc. Hai bàn tay tôi bấu lấy thể xác cứng lạnh của ông. Tôi thấy mùi tử khí xen lẫn với mùi thuốc lá quen thuộc. Như thế chắc chắn là ông đã chết. Ông đã vĩnh viễn không còn biết tới tôi, không còn phải lo cho cuộc đời no, đói của anh em chúng tôi. Ông sẽ đi vào một thế giới khác, ở đấy có mẹ tôi mặc áo nhung đỏ, đeo kiềng vàng, mắt bà long lanh như những vì sao sáng chờ đón ông với đầy đủ niềm vui. Còn tôi, từ nay cô độc trong cuộc sống, sẽ không còn ai săn sóc tôi khi đau ốm, an ủi tôi khi thất vọng ở cuộc đời. Tôi khóc cả hai người trong cái ý nghĩ hãi hùng ấy.

Trong những ngày làm ma, cửa hiệu Đại Mỹ coi như là đóng cửa hẳn. Bác Phó Đông chỉ có mặt vào lúc đưa ba tôi xuống phần mộ ở dưới nghĩa trang. Mọi việc đều do Vũ lo toan cùng với tôi. Tôi chọn cho ông một cái quan tài trắng, dầy và chắc. Tôi nghĩ đến chiếc áo quan đóng vội vàng của mẹ tôi ngày xưa. Tôi cầu xin cho linh hồn hai người gặp nhau ở dưới ấy.

Nhà tôi tuy sa sút, nhưng cũng thuê được một xe hai ngựa. Một buổi chiều mưa, anh em tôi lặng lẽ theo xe tang đi ra ngoài thành phố. Tiếng kèn não nuột ai oán thổi lên ở trong gió ngoài cánh đồng nghe như xé ruột. Những lời kể lể của dì Tư nghe còn buồn hơn. Đám tang ít người và rời rạc. Chỉ có một vài người bạn thân lác đác đi sau vết xe chậm chậm. Mưa rả rích đọng long lanh trên những cái riềm vải đen viền trắng. Vó ngựa lóc cóc nện ở trên con đường đá sỏi. Tôi nhìn ra cánh đồng trắng xóa bụi mưa. Chưa bao giờ tôi thấy trời buồn như thế. Không gian tẩm hơi lành lạnh, một niềm xót xa, cô đơn xâm chiếm trọn vẹn linh hồn tôi. Tôi nghĩ đến tương lai, không có cha, không có mẹ, không có nguồn lợi tức nào để sinh sống trong ngày mai. Hình ảnh em Mai bé nhỏ vô tội, hình ảnh dì Tư góa bụa trong tuổi trẻ, và một mình tôi yếu ớt trong cuộc sống quay cuồng, hỗn loạn. Tất cả gieo vào lòng tôi những ý nghĩ đen tối đầy lo âu. Tôi nghĩ đến Vũ và lòng chân thành của hắn. Tự nhiên tôi thấy cần Vũ hơn bao giờ. Bây giờ Vũ là người độc nhất có thể gây cho tôi niềm vui và an ủi. Tôi nhìn mái tóc của hắn phơi phới trong bụi mưa. Mặt Vũ đăm chiêu, rầu rầu. Bao giờ Vũ cũng có vẻ mặt như thế mỗi khi hắn suy nghĩ một mình.

Chúng tôi đi vào con đường giải nhựa, hai bên có những ngôi mộ quét vôi trắng. Có những thoi vàng giấy bẹp nát nằm rơi rải rác ở hai bên lề lối đi. Tiếng kèn réo rắt hơn xoáy vào không gian yên tĩnh của nghĩa địa xa thành phố. Tôi nghĩ đến nền đất lạnh và nỗi cô đơn của cha tôi ở chốn này. Từ nay ông sẽ làm bạn mãi mãi với hoa cỏ mọc hoang vu, với những mộ chí quét vôi trắng lạnh lùng. Buổi chiều có gió thổi ở đồng về trong tiếng thông reo. Những ngày mưa rả rích, nước đọng long lanh trên những vòm lá tiêu điều. Chỗ ở của ông bây giờ là đây, trong đồng vắng, trong quan tài, dưới nền đất đỏ. Bất giác tôi òa lên khóc. Dì Tư cũng khóc to hơn khi người ta đang ròng chiếc áo quan để hạ huyệt. Sợi dây thừng chuyển động răng rắc ở trên cây đòn gỗ. Tiếng kèn nức nở thêm ở trong tiếng khóc. Tôi không dám nhìn về phía ấy. Vũ dìu tôi lại ngồi xuống một mô gạch. Vũ an ủi tôi qua những tiếng ngập ngừng. Nhưng tôi không nghe thấy gì cả. Bên tai tôi chỉ có tiếng cuốc, thuổng và tiếng đất rơi thính thịch xuống ván gỗ che lấp dần chiếc áo quan màu trắng có cha tôi ở trong đó, mình mặc áo vét tông xanh, hai mắt nhắm nghiền, cặp môi mím chặt tím bầm bầm. Tôi gọi ba tôi trong mơ hồ như muốn níu ông lại, muốn cầu xin ông đừng bỏ tôi, hãy thương lấy tôi, lấy em Mai, chúng tôi cần ông như những con chim non cần tổ ấm.

Lúc cơn mưa bắt đầu ngớt thì công việc đắp phần mộ xong hoàn toàn. Mấy vòng hoa héo úa đặt trên nền đất đỏ. Bát cơm trắng đơm cao có quả trứng luộc đặt ngay ngắn ở giữa. Hương tỏa khói màu xanh bay tản mạn trong bầu không khí lạnh và ẩm. Trên con đường nhựa láng ướt, chiếc xe song mã chậm chậm đi về. Móng ngựa uể oải gõ lên mặt đường. Không gian rộn lên vì những tiếng kèn, tiếng khóc từ trưa, bây giờ trở nên lặng lẽ. Tôi và Vũ đứng cạnh ở thềm cỏ nhìn đoàn người trở về. Dì Tư bồng em Mai trên tay. Sự cô đơn của người đàn bà góa và đứa con thơ gây cho tôi nỗi xúc động. Tôi không thể ghét dì mà còn tràn ngập lòng thương. Tôi tin rằng nếu linh hồn ba tôi còn lẩn quất ở đây, chắc ông có cùng một ý nghĩ như tôi.

Em Mai hai tay ôm lấy cổ mẹ. Đầu nó đội mấn sô trắng. Nó quay mặt về phía tôi. Hai con mắt to và đen nhìn tôi cho đến khi khuất hẳn. Quanh tôi bây giờ chỉ còn có Vũ. Vũ ngồi trầm ngâm bên đống lửa nhỏ. Tay Vũ cời những thoi vàng giấy cho cháy hết. Gió buổi chiều thổi tung những tàn than mầu đen bay là là trên nệm cỏ. Ánh lửa dưới tay Vũ sáng lên rồi lụi dần. Lúc Vũ ngửng lên, tôi thấy mắt Vũ đỏ hoe. Từ ngày quen nhau, đây là lần đầu tiên tôi thấy Vũ khóc. Tôi cảm động, rưng rưng nhìn về phía Vũ. Chúng tôi không nói nhưng trong lòng cùng tràn ngập tình yêu thương. Tôi thấy từ nay mình không thể xa Vũ. Trong cuộc đời, tôi chỉ còn Vũ là người duy nhất gây cho tôi niềm tin và nghĩa sống. Điều ấy làm lòng tôi bớt trống trải và cô đơn. Tôi nắm chặt tay Vũ, đứng dậy.

Hai đứa chúng tôi trở về trong bóng hoàng hôn. Con đường đá nhỏ rải rác vài cánh hoa úa nát. Nghĩ đến sự trơ trọi của ba tôi từ nay ở chốn này, tôi nghẹn ngào gọi ông ở trong ý nghĩ.

Ngoài xa, sương xuống ở khắp cánh đồng...

Sau ngày cha tôi chết, dì Tư trả lại cửa hàng và đi thuê nhà ở dưới ngoại ô. Tôi không đi theo dì, cũng không ở lại nhà ông Thuận Ký. 

Tôi xin vào chùa ở với Vũ.

___________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN HAI


Không có nhận xét nào: