Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

NGÀY THÁNG CUỐI NĂM - Nhã Uyên
















Đã qua hết ngày cuối cùng của tháng

Tháng mười hai trong lễ hội Giáng Sinh

Những món quà nơi cây thông duyên dáng

Là niềm vui như giọt nắng thủy tinh


Chiều mùa đông cuối năm đầy giá buốt

Vẫy tay chào đưa tiễn tháng mười hai

Bước thời gian theo chuyến tàu đi suốt

Còn lại đây trong bóng tối đêm dài


Như giọt nắng cuối cùng còn vất vưởng

Chút luyến lưu như phước hạnh màu hồng

Chiều cuối năm trong tận cùng trí tưởng 

Mơ những mùa xuân hạ với thu đông


Một năm qua với tháng ngày vụt chạy

Một lần đi là lỡ bước sang ngang

Mắt trông theo ánh sao trời mấp máy

Người bao người chờ năm mới vừa sang


                                                                         NHÃ UYÊN

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

CHƯƠNG SÁU_TRỞ VỀ TÂM TƯ


Sáu



Chủ nhật  2 – 4

Biết Uyển cả đến gần 8 tháng nay mình vẫn không hiểu mình thế nào. Đã nhiều lần mình muốn chấm dứt nhưng khi nghĩ phải vĩnh viễn mất Uyển mình lại bàng hoàng, nuối tiếc. Một bên là tình cảm, bên là tương lai, mình bị dằng co mãnh liệt giữa hai đối tượng. Mình đã yêu Uyển chưa? Thật khó xác định khi chính mình hỏi mình. Tình yêu như thế nào nhỉ? Chắc không đơn giản như mình nghĩ. Hẳn phải phức tạp, phải lớn lao và lạ lùng lắm. Còn như mình, gặp Uyển thì mừng, vắng Uyển thì nhớ, xa Uyển thì thương, thấy Uyển nói chuyện với đứa khác thì tức. Như vậy là yêu? Ở tuổi nào người ta mới thực sự biết yêu? Mình nhớ vào đầu niên học, trong giờ tâm lý, thầy Hòa giảng chúng ta thường mù quáng về chính con người của chúng ta, bị lầm lẫn khi nhận định về tình cảm mặc dù đã áp dụng những phương pháp nội quan hay ngoại quan. Đỏ mặt chưa hẳn là xấu hổ. Mặt tái xanh chưa chắc đã vì sợ. Ghét đậm đà một người đâu bảo đảm rằng hết thương người đó?... Vậy những tình cảm hiện hữu mình dành cho Uyển có thật là dấu hiệu của tình yêu không? Đấy, mình chạy đâu cũng chỉ gặp câu hỏi đó. Và câu hỏi này đã làm mình bao đêm mất ngủ, làm chân mình nặng nề trên đường tới trường, làm lòng mình nức nở trong quãng vắng, làm hồn mình ngẩn ngơ khi vào lớp học.

Còn tương lai? Thật mù xa! Hiện tại mình đang hoang mang. Hình ảnh người con gái đầu đời đã khuấy động toàn diện cuộc sống của mình…

Nhưng… dù sao mình cũng phải chọn lựa. Tương lai? Quỳnh Uyển? Chọn tức là hy sinh. Vậy mình sẽ hy sinh bên nào?

Thứ ba  11 – 4

Hôm nay lập hồ sơ thi theo chỉ thị của văn phòng. Chóng thật. Mới ngày nào ngỡ ngàng lên thành phố học mà bây giờ hè đã gần về. Mình đã quên hẳn thời gian. Nhìn lại, mình không khỏi hoảng hốt. Tâm trí luôn bận với hình ảnh Uyển nên lơ là sách vở. Ngồi học đó mà mắt đăm chiêu ngoài cửa sổ, tay nguệch ngoạc những chữ U, chữ N. Mình quả thật đã thay đổi nhiều. Lắm lúc giả vờ giận dữ bạn bè mỗi lần có ai nói mình thay đổi nhưng trong thâm tâm mình đã phải nhận tội. Không hiểu kỳ thi Tú tài sắp tới có kết quả tốt đẹp như năm ngoái không?

Uyển quay xuống bảo mình:

- Anh Nguyễn viết đơn thi dùm Uyển để lấy hên.

Mình đã cố gắng nắn nón mà vẫn viết sai. Không hiểu sao cho đến bây giờ mỗi lần gần Uyển hoặc “bị” Uyển nhìn, mình vẫn lúng túng, mất bình tĩnh. Lại phải xuống văn phòng mua tờ đơn khác đền “cô bé”. Mình nói với Uyển:

- Không khéo tôi lại làm Uyển… rớt đó.

Uyển cười:

- Hổng sợ. Đã có anh Nguyễn kéo Uyển.

- Nhỡ kéo Uyển rớt theo thì sao?

- Anh Nguyễn đậu, Uyển cũng đậu. Nếu anh Nguyễn rớt, Uyển cũng rớt. Số phận chúng mình giống nhau mà. “Hai nên một”!

Nói xong Uyển cười, đỏ au đôi má. Mình thì chất ngất lao đao. Uyển lúc nào cũng dễ thương và tình tứ. Mình “thua trận” là vì vậy.

Thứ tư  3 – 5

Sắp khởi sự thi đệ nhị bán niên rồi. Mình chúa ghét thi cử. Lại bận rộn. Lại lo âu. Lại mệt nhoài trong suốt tuần lễ. Thi cử là sỏi đá mà sỏi đá thì không biết hút nước nuôi sống những đóa hoa. Mình phải gạt hết những giấc mơ xanh để vùi đầu vào sách vở. Nhưng mình vẫn không thể nguôi ngoai hình ảnh Uyển. Vừa ôn bài vừa nghĩ Uyển đang ngồi bên cạnh. Miệng lẩm bẩm công thức, định lý là miệng nói chuyện với Uyển. Tay viết mỗi dòng chữ là tay vẽ suối tóc, nụ cười của Uyển. Ghét cay ghét đắng thi cử mà vẫn phải chăm sóc thi cử. Cũng như lý trí bảo phải quên Uyển để lo tương lai trước đã mà trái tim thì quay quắt nhớ thương. Con người không khác gì con chuột bạch đánh vòng, cả đời không ra khỏi chiếc vòng tròn.

Chủ nhật  14 – 5

Thế cũng xong những ngày thi cử trong trường. Không có bài làm nào xuất sắc, nhưng mình cần gì, ngày mai lại được gặp Uyển, ngồi đằng sau để ngắm tóc Uyển. Một tuần lễ thi cử hai đưa không một lần được nói với nhau câu nào. Nhất nhật bất kiến như tam thu hề. Một ngày không được nhìn thấy nhau dài như ba mùa thu. Tức là đã 21 mùa thu vắng Uyển. Chỉ tại nhà trường cho man, nữ sinh thi khác ngày, giờ. Mình chỉ lo Uyển gặp câu nào khó, không biết hỏi ai. Mình muốn ngồi cạnh Uyển để làm bài thi cho Uyển. Mình không muốn thấy Uyển cắn bút, bóp đầu bóp trán. Con gái mà suy nghĩ nhiều chóng già nua, ủ rũ, hao mòn. Uyển phải là một bông hoa trong sương mai.

Ngồi viết những dòng chữ này mình nhớ Uyển quá. Ngày tháng qua đi nhưng những nhớ thương dâng tràn, làm mình không còn là mình nữa, mình không còn là Nguyễn khờ khạo của quận lỵ nữa, mình đã trở thành kẻ tình si như mọi người, cũng biết tương tư, cũng lao đao lo lắng, cũng hồi hộp đợi mong…

Mình yếu đuối quá. Nhớ thương Uyển vô vàn. Làm sao bây giờ?...

*

Phượng đã nở đỏ trên cây. Hè về. Một niên học chấm dứt. Chỉ còn một hai ngày nữa là xa thầy dậy, bạn bè, mái trường. Tôi không còn niềm vui rộn rã ngập tràn tâm hồn như những năm trước đây. Nhìn bạn hữu trao nhau lưu bút, kỷ vật để ghi nhớ những ngày tháng cuối cùng làm học trò trung học, tôi cũng nghe nao nao mơ hồ. để vớt vát thời gian còn lại, tôi với Uyển gặp nhau đều đều. Trước lúc vào lớp. Trong giờ chơi. Sau khi tan học. “Dư luận” không còn tai quái với chúng tôi nữa. Người ta thường dễ dãi, bao dung trước giờ chia tay. Những “cây si” Uyển bớt nhìn tôi với ánh mắt hằn học. Họ đã hiểu “cuộc chiến” đã tới hồi kết thúc và tôi là kẻ thắng trận.

Vừa tới trường, Uyển rủ tôi:

- Ngày mai mình trốn học một bữa.

Tôi không từ chối. Uyển dặn:

- Anh Nguyễn chờ Uyển ở ngã tư dưới kia. Anh đứng gần sạp báo nhé. Mà anh biết chỗ đó không?

- Biết.

Rồi suốt một buổi chiều, suốt một đêm, tôi những bận với những điều sẽ nói với Uyển, những bộ điệu phải có trước mặt Uyển trong lúc gần nhau.

Sáng sớm, tôi đến chỗ hẹn trước Uyển. Tôi đứng khuất vào một góc tường. Tôi mừng lo lẫn lộn. Uyển đã đến kìa. Nàng mặc áo dài tím. Trông Uyển lớn hẳn ra. Tôi nghĩ tới bông hoa Violette. Hoa của những nhớ thương thầm kín. Lòng tôi rộn lên vu vơ. Uyển mỉm cười khi nhìn thấy tôi. Nụ cười vẫn tươi ngon – như đã từng tươi ngon trong suốt niên học. Chúng tôi lên xe lam để ra khỏi thành phố. Xe chật người, tôi phải ngồi sát Uyển. Tôi ngửi thấy mùi thơm bồ kết tóc Uyển. Mái tóc Uyển – mái tóc đã làm tôi ngây dại trong 9 tháng học – giờ đây đang theo gió vờn trên mặt, quấn vào cổ tôi. Tôi thầm mong Uyển đừng giơ tay giữ tóc lại. Tôi cảm giác đê mê. Gió đánh lồng lộng vào trong xe không làm giảm đi cơn nóng hừng hực đang tấy lên khắp người tôi. Giá có một vị tiên hiện ra cho tôi chọn ba điều ước chắc chắn tôi sẽ ước thế này: những người khác trên xe biến đi hết – con đường dài đến vô tận – tôi và Uyển sẽ ngồi như vậy mãi mãi.

- Tới rồi anh. Chúng mình xuống.

Thế là những điều ước của tôi không được thực hiện. Chúng tôi rủ nhau vào một cái quán mái tranh nằm giữa những hàng cây ngập lá. Hai đứa chọn một cái bàn ngoài sân đặt dưới gốc cây dừa. Khung cảnh thật mơ màng.

Uyển đưa mắt nhìn xa xăm, giọng buồn buồn:

- Hè rồi anh Nguyễn nhỉ.

Giọng tôi cũng nghe bùi ngùi:

- Hè rồi. Mau ghê.

- Anh Nguyễn đã khởi sự học thi chưa?

Tôi hơi bối rối, trả lời cho qua:

- Rồi.

- Uyển mong anh thi đậu.

- Anh cũng… hy vọng.

- Đừng nói hy vọng. Anh Nguyễn phải nói anh chắc chắn…

- Nhỡ anh trượt?

- Không. Anh phải đậu.

- Được. Anh sẽ đậu. Vì Uyển muốn.

- Cám ơn anh Nguyễn.

- Anh cám ơn Uyển mới đúng.

Gọi nước xong, hai chúng tôi im lặng. Giây lát, Uyển nhìn tôi. Mắt nàng xa vắng. tôi xao xuyến như lần đầu Uyển quay xuống nhìn tôi trong lớp. Giọng Uyển gợn chút u hoài, nuối tiếc:

- Năm học này cho Uyển thật nhiều kỷ niệm. Mai này nếu còn được cắp sách đến trường chắc chắn Uyển sẽ chẳng bao giờ được sống những ngày tuyệt vời như năm nay.

- Anh nghĩ rằng mỗi giai đoạn của cuộc sống có một ý nghĩa khác nhau. Uyển cũng sẽ có những tâm tình mới để sống với những ý nghĩa mới đó.

- Nhưng cuộc đời đâu giản dị như vậy. Và rồi Uyển vẫn sẽ phải lấy những kỷ niệm dĩ vãng để xoa dịu hiện tại.

Câu nói nghe mà bùi ngùi. Tôi không nói gì thêm. Uyển cũng im lặng. Gió rì rào trên ngọn cây. Hương thơm của lúa mạ thoảng nhẹ man mác.

Hai đứa ngồi thì thầm với nhau cho đến khi nắng lên cao mới đứng dậy gọi chủ quán tính tiền. Qua con đường đất đỏ, đến một cây cầu gỗ, Uyển dừng chân, tôi đứng lại theo. Uyển dựa tay trên thành cầu vịn. Tôi thấy bóng tôi, bóng Uyển chập vào nhau dưới nước. Uyển nói nhẹ nhàng nhưng giọng vẫn đượm buồn:

- Anh Nguyễn, hết niên học rồi…

Tôi vô tình lập lại câu nói của Uyển:

- Phải, niên học hết rồi!

Giọng Uyển thoáng gợn chút hờn dỗi:

- Anh Nguyễn chẳng nhớ gì cả!

Tôi ngạc nhiên không hiểu, hỏi:

- Nhớ gì, Uyển?

Uyển ngập ngừng:

- Anh nợ Uyển một câu… trả lời. Có cần để Uyển nhắc lại câu hỏi không anh?

Tôi chợt hiểu Uyển muốn nói gì. Đắn đo giây lát tôi mới trả lời Uyển:

- Không. Anh nhớ chứ. Như anh vẫn… nhớ Uyển vậy.

- Nhưng anh chưa tìm ra câu trả lời mặc dầu đã cuối niên học?

- Đó là một bài toán của cuộc đời anh.

- Và anh chưa tìm ra đáp số?

- … Rồi.

- Anh nói cho Uyển nghe đi. Đáp số thuận hay nghịch?

Tôi nghiêm giọng, nhìn sâu trong mắt Uyển:

- Trước khi anh nói, Uyển phải trả lời anh câu hỏi này đã.

- Vâng.

- Tại sao Uyển lại không thích anh học Y Khoa, và sau này trở về phục vụ quận lỵ nghèo nàn của anh?

Uyển cúi mặt. Tôi thấy nước mắt Uyển ứa ra. Tôi rút khăn thấm nước mắt cho Uyển. Giọng Uyển ngập ngừng:

- Tại… tại Uyển sợ… mất anh.

Tôi cười nhẹ:

- Tưởng gì quan trọng lắm chứ. Thế mà Uyển làm anh băn khoăn cả mấy tháng nay!

- Tại anh không biết đó thôi.

- Sao? Uyển nói rõ anh nghe đi.

Giọng Uyển trầm buồn:

- Mẹ Uyển kể… hồi xưa còn trẻ, mẹ cũng… thương một sinh viên Y Khoa. Người này nghèo lắm nên mẹ Uyển ra đời trước, đi làm giúp cho anh ta tiếp tục học… Nhưng đến khi gần thành tài… người đó quay mặt phụ bạc… Mẹ Uyển đau khổ một thời gian… Sau này, vì vâng lời ông bà ngoại, mẹ Uyển mới chịu ba Uyển đấy…

- Thì ra Uyển cũng sợ anh như… người đó?

- Không phải. Tại mẹ đã… thề không bao giờ để Uyển… rơi vào hoàn cảnh cũ như mẹ… Nghĩa là…

- Anh hiểu. Uyển an tâm. Nếu bây giờ anh nói gì thì cũng chỉ là những lời hứa suông mà thôi. Anh sẽ chứng minh bằng thời gian. Vả lại tương lai còn xa mà Uyển.

- Nhưng… anh biết rằng tương lai là do hiện tại định đoạt.

- Vậy thì hiện tại chúng mình hãy chỉ biết có nhau, còn tương lai thì đã có… tình yêu bảo đảm rồi. Uyển tin anh chứ?

- Vâng. Uyển tin.

Cơn sóng đột nhiên dâng trào trong tôi. Bàn tay tôi vội tìm tay Uyển. Hai bàn tay đan chặt vào nhau. Có mùi hương thơm của hoa dạ lan đêm nào tôi đưa Uyển về tận cổng nhà nàng thoang thoảng đâu đây. Tôi nghe rõ tiếng tim đập trong lồng ngực. Tôi cúi xuống hôn nhẹ trên má Uyển. Chiếc hôn đầu đời.

Chiếc xe Lam trở về thành phố chỉ có tôi và Uyển là hành khách. Hai đứa ngồi đối diện nhau. Tôi mỉm cười với Uyển. Đôi mắt Uyển chớp mau. Tôi cơ hồ thấy đôi mắt đó đang nói với tôi những lời dịu ngọt. Tôi cũng muốn để mắt tôi nói với Uyển rằng hãy đợi anh, trong tương lai cuộc đời chúng mình sẽ có toàn những ngày tháng tình tự tuyệt vời như sáng nay.


Chương kết


Nguyễn giật mình, giụi vội điếu thuốc đang cháy dở. Một chiếc xe đò cũ kỹ vừa đậu lại trước cổng nhà chàng, và Uyển đang bước xuống. Nguyễn chạy vội ra:

- Anh tưởng sáng mai em mới xuống?

Uyển mỉm cười nhìn chồng; những nét mệt mỏi của cuộc hành trình như đã lặn hết trên khuôn mặt trắng hồng của nàng:

- Về tới Sàigòn thấy ồn ào, xô bồ là em muốn về đây ngay… Vả lại… nhớ anh muốn chết luôn!

Nguyễn cười:

- Sao em không đi chuyến xe sớm? Về muộn thế này đường sá nguy hiểm lắm đấy.

- Em đi sớm lắm chứ. Nhưng xui ơi là xui, dọc đường chiếc xe bị hư máy hai bà lần. Nóng ruột kinh khủng.

Chiếc xe đò đã lại chuyển bánh, để lại phía sau đám bụi mù.

Nguyễn cúi xuống xách hai chiếc giỏ căng phồng đồ vật bên trong:

- Em mua gì mà nặng thế này?

- Em đâu có mua. Giỏ xanh xanh kia là quá ba má gửi xuống biếu thầy mẹ dưới này. À, mai chúng mình lên thăm thầy mẹ nhé, cả tuần nay mình không ghé lại rồi đó.

- Được. Thế còn cái giỏ này?

- Mẹ gửi cho riêng anh đó.

- Gì vậy?

- Đủ thứ: bánh ngọt, sữa, chuối…

- Trời! Làm như anh còn con nít mà phải sữa với bánh ngọt để dỗ. Còn ở đây là vựa trái cây mà mẹ cho chuối!

- Em cũng nói vậy nhưng mẹ bảo tao biết thằng Nguyễn nó thích loại chuối này nên tao mua cho nó ăn. Còn nữa, bánh ngọt, mẹ bảo để anh tẩm bổ… Thấy mẹ cưng con rể chưa?

- Trước khi được cưng anh đã phải mất ba bốn năm liền để thuyết phục, lấy lòng chứ bộ. Dễ dàng gì đâu!

- Em biết rồi!

- Nghĩ lại nhiều lúc anh vẫn buồn cười. Cứ hai ngày anh lại phải đến “trình diện” mẹ một lần ra cái điều ta đây không… thay lòng đổi dạ. Nhiều lúc thèm hút thuốc hay muốn uống ly la-ve cũng không dám… Đó là chưa kể phải dùng “miệng lưỡi ngoại giao” để… thay đổi thành kiến của mẹ vợ tương lai. Khổ ơi là khổ!

- Khổ thì… mới lấy được em chứ bộ!

- Thế mà “thiên hạ” đâu có thương. Nào là mỗi lần thi rớt lại đổ tội “người ta”, nào là không chịu “người ta” học Y Khoa, nào là sợ về quận lỵ sống… làm “người ta” phải năn nỉ muốn gẫy lưỡi luôn, nào là…

Uyển đứng khựng lại, dậm chân phụng phịu:

- Em hổng chịu đâu. Chọc quê em hoài! Tại hồi đó “người ta” chưa biết chứ bộ! Em bắt đền cho xem, nào… nào…

Nguyễn cười thành tiếng, đặt chiếc giỏ xuống, vòng tay ôm vai vợ âu yếm:

- Thôi cho anh xin! Em vẫn có tật… nhõng nhẽo như ngày nào!

- Thèm nhõng nhẽo!

- Thì… nũng nịu vậy!

Uyển đi sát hơn vào bên Nguyễn. Hai vợ chồng vừa bước lên thềm nhà thì có tiếng đẩy cổng, rồi tiếng gọi thất thanh phía sau:

- Bác sĩ! Bác sĩ!

Cả Nguyễn và Uyển đều quay lại. Một thanh niên tất tưởi chạy vào, khuôn mặt hằn nét lo sợ, giọng nói đứt quãng:

- Bác sĩ! Bác sĩ… cứu mẹ… tui với!

Nguyễn nhẩy lại xuống sân, ôn tồn hỏi:

- Bà cụ làm sao?

- Thưa… mẹ tui… bị xỉu!

- Tại sao bị vậy?

- Dạ… mẹ tui bịnh cả tuần nay… Xin bác sĩ đến liền, kẻo… không kịp!

Nguyễn quay lại nhìn vợ. Uyển mỉm cười, dịu dàng:

- Để em vào lấy túi thuốc cho anh nhé.

Trong khi Uyển vào nhà trong, Nguyễn thân mật đặt tay lên vai người thanh niên đồng nội:

- Cậu an tâm. Chắc bà cụ không sao đâu. À, mấy bữa nay cậu đã cho bà cụ uống thuốc gì chưa?

Thanh niên ngập ngừng, tay cuốn tròn vạt áo đen, hơi cúi đầu:

- Dạ… chưa!

- Sao không đưa bà cụ đi chữa sớm hơn?

- Da… thưa bác sĩ… em nghèo lắm.

Uyển đã trở ra, đưa cho chồng chiếc túi trắng có hình chữ thập đỏ:

- Lát nữa anh về em sửa soạn bữa cơm xong cho mà xem. Tối nay em sẽ nấu một món mà anh thích nhất.

Nguyễn gật đầu cười nụ rồi cùng người thanh niên đi nhanh ra đường.

Mặt trời đã xuống sau hàng dừa. Uyển đứng nhìn theo chồng; tâm hồn nàng thanh thoải và bằng an vô cùng. Phía xa, bóng Nguyễn đã chập vào làm một với chiếc bóng của người nông dân quê mùa, in đậm nét trên nền trời xám đục…


     HOÀI MỸ    
 (Sàigòn, 4-74)  

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

CHƯƠNG NĂM_TRỞ VỀ TÂM TƯ


Năm


Một tin vui đến cho lớp. Cho tôi. Để thưởng những người đã góp công vào đêm văn nghệ mừng Giáng Sinh, thầy Hòa quyết định tổ chức một ngày đi học. Là học trò ai cũng thích mục này. Một ngày sống ngoài trời để tạm xóa bao mệt mỏi của những giờ cặm cụi trong lớp học. Địa điểm được chọn là một ngôi chùa tỉnh lỵ. Một bất ngờ khác nữa là phương tiện di chuyển sẽ bằng xe lửa. Bởi vậy số tham dự thật đông.

Uyển gửi xuống cho tôi mảnh giấy. Anh Nguyễn. Mình đi chứ? Chắc vui lắm. Uyển chưa bao giờ được vào một ngôi chùa nào. Anh Nguyễn ghi tên cho cả Uyển luôn nhé. Tôi cũng nao nao và – như Uyển – tin rằng ngày đó “chắc vui lắm”. Nhiều chương trình được hoạch định. Nhiều dự tính định thực hiện. Vui quá đỗi, tôi tưởng ngày sống giữa thiên nhiên sắp tới sẽ là của riêng tôi và Uyển.

Ngày đó đến. Chú Thịnh lấy xe đưa tôi tới địa điểm ấn định. Một ga nhỏ vùng ngoại ô. Bạn bè đã có mặt gần đông đủ. Tôi nhận ra Uyển ngay. Ở đám đông bao giờ Uyển cũng nổi bật nhất. Tôi làm bộ nói nói cười cười với người bên cạnh nhưng mắt thỉnh thoảng vẫn ném ánh nhìn về Uyển. Uyển thật tươi mát. Bộ quần “pat” đen, áo thun trắng bó sát người làm dáng Uyển nhanh nhẹn và linh hoạt hơn thường nhật trong chiếc áo dài tha thướt. Uyển cũng nhìn lại tôi – mà ánh mắt như thầm nói nhiều điều – tôi nghĩ thế – trong khi miệng vẫn nói chuyện với bạn. Cả hai đứa tôi đứng đó, chẳng xa xôi gì mà không dám lại gần nhau, trao nhau một lời. Giữa chúng tôi như có một tấm kính trong suốt ngăn cách. Những đêm bạo dạn của tháng 12 như đã tắt lịm. Ban ngày, trước mặt mọi người, hai đứa phải đóng kịch – mà phải đóng thật chỉnh, thật khéo, như trên sân khấu để đánh lừa dư luận.

Chiếc xe lửa già nua nặng nhọc trườn tới. Thầy Hòa chờ cho học trò của mình lên tầu hết mới đu người lên bậc toa. Đa số mới đi xe lửa lần đầu nên ai cũng tranh ngồi cạnh cửa. Đứng ở đầu toa tôi vẫn nhìn được Uyển đang hồn nhiên quì hẳn lên ghế, thò hẳn đầu ra ngoài. Tóc Uyển trải dài trong gió. Hồi còi rít lên, con tầu chuyển bánh. Tôi thấy cả người Uyển chao đi. Mấy người con gái khác cũng níu lấy nhau cho khỏi ngã. Vang tiếng cười. Sau đó Uyển lại đưa mặt hứng gió.

Tầu ra khỏi thành phố. Không khí nhẹ và mát hẳn. Những hàng dừa nối nhau. Những cánh đồng xanh rì ngọn mạ. Những ngọn núi in đậm nét trên nền trời. Những áng mây trắng trôi trên cao. Nắng vàng rực rỡ trên muôn vật.

Thầy Hòa lách đám đông tiến lại phía nam sinh chúng tôi:

- Thế nào, thích không?

- Thưa thầy, thích.

- Trong kia còn ghế trống, vào ngồi đi.

- Dạ, đứng đây nhìn phong cảnh thú hơn.

- Lát nữa qua mấy rừng cao su sẽ thấy đẹp hơn nhiều.

- Sắp tới chưa thầy?

- Chừng hơn nửa giờ nữa.

- Sao mấy thầy khác không đi, thầy?

- Tôi có mời nhưng ai cũng bận. Các chú còn lạ gì, mấy thầy cả tuần dạy học, được nghỉ ngày chủ nhật hay ngày nghỉ nào lại bù đầu vào các công việc nhà.

- Hôm nay chúng con lại làm mất của thầy một ngày nữa.

Thầy Hòa mỉm cười, bảo thì lâu lâu mình cũng phải giải trí một chút chứ, làm việc hoài sao. Thầy còn nói nghề dạy học tuy cao quý thật nhưng bận rộn nhiều lắm. Người ta thường lầm nghĩ rằng ra khỏi lớp học là ông thầy hết phận sự, họ đâu thấy những đêm khuya ông thầy còn ngồi cặm cụi chấm bài, soạn bài, những nỗi lo lắng của ông thầy mong cho học trò mình giỏi, thi đậu… Tôi thấy cuối đuôi mắt thầy Hòa như có nhiều vết chân chim hơn và vừng trán thầy nhăn lại.

Sau khi vượt qua một vùng đất đầy cỏ hoang, con tầu chen vào giữa những rừng cây cao su. Nắng chợt tắt. Không khí thơm mùi lá gỗ. Mát. Tỉnh hẳn người. Những thân cây thẳng hàng chạy lùi về phía sau. Mấy người phu đang lấy mủ cao su dừng tay dõi mắt theo con tầu. Mặt họ bình thản. Tôi nghĩ cuộc đời độc điệu dễ làm mất tình cảm con người. Những ngày sống của các người phu kia chắc cũng đều đặn như hàng cây cao su. Tôi chạnh nghĩ đến tôi. Cũng vậy. Tôi có cảm tưởng nắng chẳng bao giờ đâm thủng được những cành lá chi chít kia để thấm vào lòng đất ẩm ướt. Rồi con tầu cũng ra khỏi rừng cây. Nắng quái lại òa tới. Không khí nồng nực trở về. Tôi nói bâng quơ:

- Hết bóng mát rồi.

Bạch hấp háy đôi mắt cận:

- Nắng tàn nhẫn luôn!

- Giá tầu cứ chạy mãi trong rừng cao su thì tuyệt biết mấy nhỉ.

- Cũng chán, phải có thay đổi, chỗ nọ chỗ kia mới thú vị chứ.

- Tớ vẫn chịu cây cối hơn.

- Tại tính cậu hay… mơ mộng.

Tôi lặng thinh. Bạch qua nói chuyện với thầy Hòa:

- Khi nào thầy tổ chức đi trại trên Đàlạt, thầy?

Thầy cười, chưa kịp nói gì Bạch đã tiếp:

- Cũng đi bằng xe lửa, thầy.

- Sàigòn – Đàlạt chưa có xe lửa.

- Chắc cũng sắp có phải không thầy?

- Không biết. Nhưng chắc cũng phải tái lập. Đàlạt là một thành phố du lịch mà.

- Nếu có, thầy tổ chức nha thầy.

Những người khác chen vào:

- Con đoán từ nay đến hè thế nào cũng có xe lửa chạy Sàigòn – Đàlạt.

- Phải đi một tuần lễ mới bõ, thầy.

- Cắm trại ở trong rừng hay gần thác nước thú lắm thầy ơi.

Tiếng qua tiếng lại, ai cũng làm như câu chuyện đã có thật, sắp được thực hiện. Trước sự hăng hái của học trò, thầy Hòa gật gù đầu:

- Nếu cuối năm cả lớp đậu hết, tôi sẽ tổ chức ngay.

- Trời!

- Con cầu 50% cũng khó rồi.

- Thầy cho “ăn chơi” trước thì kết quả mới khá nổi.

Vẫn giọng điềm đạm, thầy Hòa vừa cười vừa nói:

- Không. Tôi treo giá như vậy. Đó là phần thưởng.

- Học tài thi phận thì sao thầy?

- Chẳng có phận gì cả. Tất cả do mình. Chịu khó một chút là thành công được.

Câu chuyện vô tình được đưa về vấn đề thi cử. Một nỗi lo lắng vu vơ thấm nhẹ tâm hồn tôi. Ngày tháng qua đi. Niên học đã  vơi mất một khoảng. Mà tôi hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp nhiều hơn là miệt mài trong sách vở. Xa bài vở, mở rộng sách Ham mê. Tôi ham mê một hình ảnh thần tượng. Tôi ham mê sự thức dậy của trái tim. Tôi ham mê những rung cảm đầu đời. Trong một thế giới riêng. Của riêng tôi. Tôi đã quên hết chung quanh, quên thực tại. Có một cái gì đó – thật mơ hồ – dường như đang rời xa dần khỏi tầm tay tôi.

Thầy Hòa:

- Các anh dự định năm tới theo Đại Học nào chưa?

Bạch bao giờ cũng nhanh miệng:

- Chưa thầy ơi. Cuối niên học này chưa biết đậu rớt thế nào, thành thử tụi con đâu dám dự định gì. Có điều chắc chắn là nếu thi rớt, tụi con sẽ… được quân trường “chiếu cố” ngay.

Tôi choáng váng sau câu nói của Bạch. Những lời đó như dành riêng cho tôi. Một vấn đề thực tế như thế mà tôi đã quên lãng. Để chỉ bồng bềnh trên những lớp sóng tình cảm. Thời giờ và tâm trí đáng lý dành cho việc đèn sách tôi đã phí phạm cho những nhớ nhung, mơ mộng. Tôi chỉ sống với hiện tại giả tạo để không nhìn thấy bóng đêm đứng sau. Bây giờ thì chân tôi đang dính chặt xuống sàn tầu. Tôi như người bị bệnh. Tôi có cảm tưởng bao nhiêu sự việc dồn dập xảy đến cho đời mình. Cuộc sống của tôi trước đây dưới quận lỵ như một bộ máy đang quay chậm từng vòng, đều đặn, nhưng từ ngày gặp Uyển trên thành phố, thình lình mở hết tốc lực. Tôi không còn là tôi nữa. Tuy đang đứng chung với những người cùng lứa tuổi, cùng lớp học, tôi như xa lạ hẳn với họ, trở nên xấu xa bên cạnh họ. Chắc cuối niên học này tôi sẽ không được bước chân lên Đại Học như mơ ước, như cha mẹ và chú Thịnh trông chờ, tin tưởng. Trong cuộc tranh đấu kẻ nào kiên nhẫn đến phút cuối sẽ là người thắng cuộc. Còn tôi, phải chăng sẽ là người bị đào thải? Chôn vùi những nguyện ước của mình trong quân trường như Bạch vừa nói? Lý do nào thì tôi đã biết rồi. Hay đúng hơn do tôi chủ động, tạo ra động lực. Tôi như mê muội trong những ngày tháng vừa qua. Tự nhiên tôi thấy tôi ghét Uyển. Ghét kinh khủng.

Nhưng… nhưng khi nhác trông về phía Uyển thấy những người con trai khác cùng lớp đang vây quanh Uyển, cười cười nói nói với Uyển, tôi lại cảm thấy một nỗi bực bội bỗng dồn lên đôi mắt. Tôi muốn bóp nát thanh sắt của toa tầu trong tay.

Từ đó tôi hoàn toàn mất vui. Ngày đi dạo ngoài trời cũng mất vui. Tất cả những trông đợi, những dự định lúc ban đầu đã chết lịm từ bao giờ.

Con tầu từ từ vào sân ga, chưa dừng bánh hẳn đã có mấy người nhẩy xuống. Họ vang tiếng cười. Tôi lững thững tìm chiếc sắc tay. Thầy Hòa tụ tập mọi người lại rồi dẫn ra thuê xe Lam về địa điểm ấn định. Tôi đi ở hàng cuối cùng, không nói với ai câu nào. Tôi chỉ muốn quay trở về, tìm một nơi vắng lặng. Một khu vườn. Một ngôi thánh đường.

- Ê Nguyễn, đi nhanh lên chứ!

Gọi tôi xong Bạch dừng lại chờ. Tôi không thay đổi nhịp bước. Tôi ghét luôn mọi người. Chính giữa đám đông mình mới thấy mình cô độc hơn cả.

- Sao đi chậm vậy? Mệt hả?

Tôi lắc đầu đi song song với Bạch. Hắn không để tôi yên, nói luôn miệng:

- Cậu đã tới đây lần nào chưa?

- Chưa.

- Chắc đẹp lắm nhỉ?

- Không biết.

- Lát nữa sinh hoạt chung, cậu cho mấy trò chơi nhé.

- Không.

- Ủa, sao vậy? Đã phân công ở nhà rồi.

- Ở nhà khác, đây khác.

Bạch ngơ ngác nhìn tôi. Cặp kính cận của hắn bỗng dưng như dầy thêm, có nhiều đường vòng hơn. Dĩ nhiên làm sao hắn hiểu tôi được. Tâm trạng tôi đang rối bời như tơ vò. Ở nhà thì náo nức mong, nóng lòng đợi, tưởng chừng mình sẽ biến được ngày hôm nay thành ngày của riêng mình. Nhưng đến đây mình chỉ thấy vực thẳm chung quanh, thấy chán chường vây hãm. Tuy nhiên tôi không muốn Bạch ức đoán về tôi. Sau khi cố nhếch mép cười gượng, tôi lấy giọng tự nhiên, nói:

- Đằng ấy thay tớ đi. Hôm nay mình… mệt kinh khủng.

- Tớ mắc lo hát cộng đồng rồi.

- Thêm trò chơi nữa ăn thua gì.

- Thôi cậu cố gắng đi.

- Sợ… lem nhem lại mất mặt cả lũ. Đồng ý nhá.

- Cũng được, nhưng…

- Nhưng sao?

- Dạo này tớ thấy cậu lạ ghê.

Tôi giật mình:

- Lạ gì đâu?

- Nhiều lúc cậu thật vui, nói cười cởi mở. Nhưng lắm khi cậu như đang sống trên cung trăng, để hồn đâu đâu hoặc lầm lì ít nói, nhìn thấy… dễ sợ luôn. Cậu thay đổi nhiều lắm. Đứa nào cũng nói vậy.

Người tôi lặng đi, bàng hoàng. Đứa nào cũng nói vậy. Tức là ai cũng biết về tôi. Mà tôi lại không hiểu gì về mình. Tôi lại lo sợ. Hết lo sợ này lại đến những khắc khoải khác, làm sao tôi sống nổi. Chưa bao giờ tôi được hưởng trọn vẹn một niềm vui lâu dài. Tôi khổ vì tôi. Tôi khổ vì Uyển. Tôi khổ vì những người chung quanh. Không hiểu tôi đã có những dấu hiệu gì lạ bên ngoài để đến nỗi người khác có thể nhận biết rằng tôi thay đổi nhiều? Một đứa biết rồi hai đứa biết, cả lớp biết, cả trường biết rồi cả cha mẹ tôi cũng sẽ biết nữa. Thôi thế là hết. Bao nhiêu giữ gìn, bao nhiêu kín đáo, tất cả đã bị phơi bày hết rồi. Đầu óc tối mù, tôi đâm ra oán hận Uyển. Và tôi thấy ghét cả Bạch:

- Đằng ấy chuyên nói bậy! Đặt điều!

Bạch ngạc nhiên:

- Chỗ bạn thân tớ mới cho cậu biết, tại sao nói tớ đặt điều?

- Cóc cần!

- Thì thôi!

Bạch bỏ đi thẳng. Tôi hơi ân hận, nửa muốn gọi bạn, nửa tự ái. Bực tức, tôi giơ chân đá mạnh hòn đá bên đường.

Sau chừng mười lăm phút chạy, sáu chiếc xe Lam đã đưa cả bọn tới chân núi. Ngôi chùa đứng sững trên cao vót. Thiện nam tín nữ lên xuống dập dìu. Nhiều đoàn thể tới trước đã cắm trại rải rác ở sườn núi, dưới những thân cây cổ thụ. Sinh hoạt tấp nập. Tôi thất vọng. Sao tôi vẫn thích chùa chiền là phải vắng lặng, cổ kính. Cảnh náo nhiệt làm mất hết ý nghĩa của cửa thiền. Mọi người náo nức muốn leo núi ngay. Thầy Hòa căn dặn:

- Đây là nơi thờ phượng, chúng ta phải tỏ ra trang nghiêm. Ai muốn vào viếng chùa cũng được hoặc đi xem phong cảnh, tùy ý. Các em được tự do cho đến trưa. Khi nghe còi hiệu ai nấy phải trở về tụ họp ngay. Chúng ta sẽ dùng cơm trưa chung với nhau. Bây giờ ai muốn leo núi, theo tôi!

Tôi muốn rời khỏi đám đông nên chậm bước lại. Tôi thấy Uyển ngồi xuống một tảng đá sửa lại quai dép. Đám người vượt lên. Uyển lại gần tôi:

- Anh Nguyễn có chuyện buồn gì vậy?

Tôi nhìn dáo dác theo các bạn, sợ người nào quay lại bắt gặp. Tôi trả lời cụt lủn:

- Không.

- Từ trên tầu Uyển đã thấy mặt anh Nguyễn buồn buồn rồi.

Tôi nghĩ rằng Uyển nói dối, mầu mè. Cô còn mải nói chuyện với mấy thằng kia chứ cô đâu thèm chú ý đến tôi. Nếu tôi có buồn, mặc xác tôi. Thấy tôi làm thinh Uyển hỏi hai ba lần nữa. Bộ anh Nguyễn giận Uyển hả. Tôi không nói gì. Giận cô hả? Ghét cô mới đúng. Cô làm đảo lộn đời tôi hết. Tôi muốn chấm dứt tất cả. Chán lắm rồi. Tôi muốn cam đảm nói ra hết. Nhưng tại sao lưỡi tôi cứng lại, cổ họng khô đi. Và giọng nói của Uyển lại một lần nữa làm tan biến nhanh chóng mọi ý nghĩ liều lĩnh của tôi:

- Anh Nguyễn làm Uyển lo ghê đi. Sao anh không nói gì? Thôi Uyển biết rồi, đúng là anh Nguyễn giận Uyển thật rồi.

Ánh mắt Uyển hướng sâu vào mặt tôi. Một luồng điện thật mạnh truyền lan trong thân và tôi bỗng thấy mình mềm đi, nhu nhược:

- Không. Uyển đâu có gì mà giận.

- Sao anh Nguyễn lại buồn?

Đúng lúc một người bạn của Uyển gọi. Uyển ơi, bộ mày tính bỏ tụi tao hay sao mà chậm vậy. Những người chung quanh cười, quay lại nhìn. Tôi bối rối. Thế là lại bị bắt quả tang. Cơn bực bội hồi nãy ồ ạt trở về. Tôi lại thấy ghét Uyển. Tôi gằn giọng:

- Cô đi lên đi!

- Mặc kệ tụi nó. Uyển đi với anh.

- Tôi không thích!

Nói xong tôi quay gót, chạy trở lui xuống chân núi. Tuy không nghe tiếng Uyển gọi nhưng tôi đoán nàng đang ngơ ngác nhìn theo tôi.

Băng qua con lộ nhựa nóng, tôi đi chậm lại trên một sân cỏ rộng. Dép cầm tay, tôi nghe cỏ mát êm dưới lòng bàn chân. Ở phía xa một khúc sông uốn mình giữa những ruộng khoai mì. Những cây dừa vươn thân lên đón nắng hanh. Vài người nhà quê đang lúi cúi trên các luống đất. Tôi thèm được trầm mình trong nước. Qua một chiếc cầu được ghép bằng thân hai cây dừa, tôi đã đứng trên bờ sông. Gió lộng vào thổi tung mái tóc. Tôi hít mạnh vào cho khí mát lùa đầy lồng ngực. Nắng hắt từ mặt nước lên chỉ làm chói mắt chứ không đem hơi nóng.

Sau khi thay quần áo tôi lao mình xuống sông. Nước mát làm tôi hẳn người. Các tế bào đang căng nóng dịu hẳn đi. Các dây thần kinh chùng xuống.

Tôi vùng vẫy bơi ra giữa dòng sông, nằm ngửa trên mặt nước. Bầu trời xanh mênh mông và như rút lên cao. Tôi thấy mình nhẹ nhõm, thanh thoải vô cùng. Những bực dọc, lo âu đã chìm xuống tận đáy sông. Không còn gì hạnh phúc hơn. Hạnh phúc thật đơn giản mà mình cứ đi tìm tận đâu đâu. Tôi sẽ quên, sẽ chấm dứt tất cả. Tôi lặn sâu xuống lòng nước. Đôi mắt mở chỉ thấy mầu vàng lờ. Trồi người lên, tôi lại thả người nằm nổi trên nước. Miệng hát nghêu ngao. Mình thật dại. Ba bốn ngày nay để mình vương mắc vào những tình cảm nhăng nhít. Sao mình không chọn hạnh phúc đơn giản như thế này nhỉ? Sao mình đã không hát được như mình đang hát? Mà thôi không sao, mình đã tỉnh ngộ kịp. Giã từ phiền muộn. Giã từ xao xuyến. Giã từ ghen tuông. Giã từ nhớ nhung. Giã từ Quỳnh Uyển.

Khi tôi bước lên bờ mặc áo lại, ánh nắng đã xuyên thẳng đỉnh đầu. Chói chang.. Bây giờ tôi mới thấy sức nóng thiêu đốt. Hai cánh tay tôi ửng đỏ. Mắt cay sè. Nhìn bóng râm đã thu gọn lại dưới gốc cây, tôi đoán đã quá trưa. Sực nhớ lời thầy Hòa dặn dùng cơm trưa chung với nhau, tôi đâm lo lo. Không biết có ai khám phá ra sự vắng mặt của tôi không? Có người nào hốt hoảng khi thấy thiếu tôi? Và khi nghĩ rằng mọi người đã quên tôi, còn bận với niềm vui riêng của họ, tôi lại không muốn trở về với tập thể nữa.

Đầu nghĩ vậy nhưng chân tôi vẫn bước mau. Nắng đã làm chảy nhựa đường, nung đỏ các viên sỏi khiến tôi vừa đi vừa chạy. Cây cối đứng im lìm, rũ lá. Về tới chân núi mới có bóng râm. Tôi chọn con đường tắt để leo lên. Tuy vội tôi vẫn đưa mắt đọc những chữ viết trên các tảng đá. Hầu hết là tên hoặc ngày tháng kỷ niệm của du khách đã tới đây. Một hai chỗ có những chữ hoặc hình vẽ tục tĩu. Tôi nóng mặt nhìn nơi khác. Những hình hai trái tim. Những tên của những cặp tình nhân đan nhau. Tôi chợt nhớ đến tên Uyển và Nguyễn. Nhưng tôi xóa vội ý nghĩ này. Mình đã nhất định chấm dứt rồi mà. Phải quên. Phải quên. Tôi lách qua những lúm cây. Cành gai làm xước cả da thịt. Tôi không cảm thấy đau gì, thấy thích thú là đàng khác vì như đang mạo hiểm.

- Ê, Nguyễn!

Tôi giật mình, dáo dác về phía tiếng gọi. Chẳng có ai. Tôi nghĩ mình lầm hay tưởng tượng. Vừa định cắm đầu nhẩy lên một tảng đá tôi lại giật mình:

- Ố ồ. Đây này!

- Nguyễn! Nguyễn!

Lần này có nhiều tiếng gọi. Và tôi đã nhận ra. Năm sáu người lớp tôi đang rẽ các lùm cây đi xuống. Đứa nào cũng mình trần và tay cầm gậy. Bây giờ thì họ không đứng xa tôi lắm. Một người đưa tay lên miệng làm cái loa, hỏi:

- Bồ đi đâu mà mất tích vậy?

Lá cây rung động, chuyển về tôi tiếng nói thật lớn và rõ ràng. Tôi trả lời:

- Đi tắm. Mấy bồ đi đâu thế?

- Ra sông.

- Cơm chưa?

- Rồi. Tụi này tìm bồ muốn chết luôn.

- Thầy Hòa nói gì không?

- Ông ấy đăng báo tìm trẻ lạc.

Cả bọn cười. Tiếng cười đánh thức cả một vùng núi đang chìm trong giấc ngủ giữa ngày. Tôi nói vọng qua:

- Lớp mình đóng đô ở đâu?

- Phía bên kia. Dưới mấy rặng trúc.

- Mấy bồ không rủ thầy Hòa đi tắm luôn? Thú lắm!

- Ông ấy nói không biết bơi.

- Xạo đấy. Cựu hướng đạo chứ chơi sao.

- Tụi này đi nghe. Bồ tắm nữa không?

- Thôi.

Tôi nhìn theo những mái đầu nhấp hô giữa vùng lá xanh. Họ thật dễ thương. Sao họ cũng bằng tuổi tôi mà họ vô tư sung sướng quá. Tôi đã quyết trở thành con người mới. Yêu đời. Hồn nhiên. Vì đã có mục đích để thực hiện. Tôi leo dốc hăng hái hơn. Với tiếng huýt gió trên môi.

Mồ hôi ướt đẫm lưng áo và nhễ nhại khuôn mặt, tôi đã lên được tới đỉnh. Dưới chân là cả một mầu xanh lá cỏ. Nhà phố bé tí teo ở mãi tít chân trời. Một con đường nhựa duy nhất đưa tới tận chân núi. Lác đác một vài chiếc xe chạy. Con sông lúc nãy tôi tắm bây giờ nhỏ hơn một giải lụa. Đi ngang qua ngôi chùa, tôi ghé vào. Đã vắng người. Không hiểu có phải vì ở ngoài nắng vào hay vì khói hương nghi ngút mà tôi không thấy rõ bàn thờ, chỉ nhận ra Đức Phật rất lớn, mặc áo vàng, ngồi hiền từ trên đài sen. Rõ ràng tôi nghe tiếng tụng kinh và tiếng mõ độc điệu mà không thấy một vị sư nào. Thắc mắc mãi, sau tôi mới chợt hiểu. Băng nhựa và máy móc đã thay thế người. Thời đại văn minh có khác. Tôi bước chân vào nguyện đường sau khi đã bỏ dép ngoài hè. Nền gạch mát như cẩm thạch. Tôi lấy bộ mặt trang nghiêm và đôi mắt đăm chiêu như đang cầu nguyện. Thực ra trí óc tôi vừa sực nhớ tới mảnh giấy Uyển viết cho tôi hôm nào. Uyển chưa bao giờ vào một ngôi chùa nào. Vậy Uyển đã vào đây chưa. Đã ngắm nhìn tượng Phật, khói hương? Đã thỏa thuê sự trông đợi, trí tò mò? Ai ở bên Uyển lúc đó và giảng giải ý nghĩa chùa chiền? Tôi cắn chặt môi. Tự nhiên trong chùa nóng hực. Tôi xua đuổi một vài hình ảnh vừa chợt đến trong đầu rồi bước ra. Nắng ập vào mắt làm tôi phải nhíu mày lại. Hai bên lối đi đầy hoa. Giá không có hơi nóng chắc hương thơm ngào ngạt lắm. bất giác tôi thấy tội nghiệp mấy bông hoa ủ rũ. Tôi đưa tay bứt một bông hồng và cầm theo.

Kia rồi chỗ lớp tôi “đóng đô”. Hai bụi trúc giao đầu vào nhau làm thành một chiếc tàn lớn chẹ rợp một khoảng rộng. Tôi thầm khen ai khéo chọn chỗ. Thầy Hòa ngồi giữa học trò và dường như mọi người đang ca hát. Hình ảnh thật đẹp, thân mật. Tôi muốn bay xuống ngay để hòa đồng. Nhưng trước mặt tôi lởm chởm những tảng đá. Tôi phải chọn một con đường vòng, khúc khuỷu khác giữa các bụi cây.

Bước chân đang ngon trớn bỗng tôi đứng khựng lại. Tiếng cười ròn tan như của Uyển vang lên gần đâu đây. Có tiếng cười tức là không phải chỉ có mình Uyển, mà ít nhất phải từ hai người trở lên. Đã đứng dừng lại, đã xốn xang muốn quay lui nhưng sao chân tôi vẫn bước tới. Kìa, đúng Uyển rồi. Có cả Thu, Lệ và mấy đứa con trai khác nữa. Họ đang chụp hình cho nhau. Người tôi bỗng nóng hừng hực. Đôi chân trồng xuống đất. Nắng bỗng biến đi và nghe ngột ngạt tận cổ. Uyển ngồi đong đưa trên một cành cây cho một đứa con trai cầm máy ảnh ngắm nghía. Không biết thằng đó nói gì mà Uyển cười như nắc nẻ. Tiếng cười của Uyển như những mảnh kính vỡ tưới lên mặt, đâm nhói vào ngực tôi. Tiếng cười của yêu tinh! Hai môi bặm lại tưởng như búng máu, tôi vấp phải hòn đá suýt ngã lăn quay. Bông hồng trong tay tôi đã nát từ hồi nào không hay.

Thay vì xuống ca hát với thầy Hòa, với bạn bè như ý định, tôi tìm vào nằm trong một bụi trúc. Cơn bực bội đã dịu dần. Tôi cũng ngạc nhiên vì sự tức giận của mình. Tại sao lại phải tức giận như thế làm gì. Thật vô lý. Tôi cố gắng lấy lại sự an bình cho tâm trí. Nhưng sao tôi vẫn bị tiếng cười của Uyển hành hạ. Tôi càng cố gắng quên thì tôi lại càng lạc lõng vào những hình ảnh tai quái. Hơn bao giờ hết tôi thấy hai câu thơ của Nguyễn Bính thật cay đắng, mỉa mai nhưng cũng là một chân lý:

Một trăm con gái thời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung

Nhưng tôi giật mình. Sao tôi lạ thế này. Tôi làm như mình đã là người yêu của Uyển và Uyển là tình nhân của tôi. Mà bắt Uyển thủy chung? Không, nhất định tôi không yêu nàng. Uyển có quyền tự do của Uyển chứ. Uyển muốn giao du với ai, kệ nàng. Như tôi, tôi cũng có quyền thân thiện với bất cứ người con gái nào khác. Được rồi, Uyển sẽ thấy tôi không phải là thứ nhút nhát, mặc cảm. Tôi sẽ cười, nói với những Lệ, những Hồng, những Nguyệt. Uyển đã làm tôi điêu đứng, tôi cũng sẽ làm Uyển khổ sở. Mà sao Uyển lại khổ sở? Uyển có yêu mình đâu. Không, Uyển chẳng bao giờ có cảm tình với mình cả. Vậy tội gì mình phải đầy đọa mình? Tội gì mình phải buồn khổ? À, mà tôi đâu buồn khổ – vì tôi không yêu Uyển mà – nhưng chỉ… tức một chút thôi. Trời ơi, bây giờ tôi muốn được hét lên, hét thật lớn cho bể lồng ngực cũng được. Tôi thèm đập vỡ bất cứ cái gì. Tôi muốn chạy tung trời như một thằng điên… Nghĩ vậy mà tôi vẫn nằm dán xuống đất. Đầu gối trên cánh tay và mặt đối diện với lá cây và mầu trời xanh lơ.

Khi mà các ý nghĩ, các câu hỏi còn đang lùng bùng trong tâm trí thì tôi bỗng giật bắn người, ngồi dậy định chạy nhưng mọi sự đã trễ. Uyển và hai người bạn đã đến sát bụi trúc nơi tôi đang nằm. Tiếng nói cười của họ đã đưa tôi về thực tại. Nhưng đã chậm mất rồi. Tôi đành nằm bất động, nhắm nghiền mắt như đang ngủ say. Rồi muốn ra sao thì ra. Nghĩ vậy mà khắp người tôi nổi đầy gai ốc. Dưới lưng tôi, mặt đất nóng như một hỏa lò. Chân tay chỗ nào cũng ngứa muốn gãi. Chắc tận thế con người cũng không đến nỗi khổ thế này.

Tiếng nói chuyện đập vào thính giác tôi – như thể có ai đặt một thùng sắt vào tai tôi rồi gõ mạnh:

- Ê tụi bay, mình chui vào giữa bụi cây kia đi.

- Ngồi ngoài này cũng được rồi.

- Trong ấy mát hơn chứ. Nằm chắc thú lắm.

- Ừ, nhỏ Uyển có lý đấy.

Im lặng. Rồi tiếng sột soạt rẽ cành cây. Tôi toát mồ hôi lạnh. Bỗng:

- Thôi tụi bay, tao nghi trong đó có rắn quá.

- Eo ôi!

Tiếng chân nhẩy dội ra. Tôi mở choàng mắt, tưởng chừng trên đầu, chung quanh mình, dưới lưng đang có hàng chục con rắn bò tới. Lại thêm một nỗi sợ bất ngờ nữa. Nhưng tôi vẫn phải nằm không nhúc nhích với những hình ảnh khủng khiếp trong trí. Bên ngoài:

- Ngồi xuống đây mày Uyển. Sợ dơ quần hả?

- Sức. Nhưng cho tao ngồi giữa cơ.

- Đây, bà hoàng!

Qua các kẽ lá, tôi hé mắt thấy ba khoảng lưng. Mầu áo trắng của Uyển nổi bật giữa hai mầu xanh và đen.

- Giá lúc nãy mình lại đây chụp hình có lẽ đẹp hơn.

- Ừa há. Để lát nữa mình lại gọi tụi nó.

- Thằng Hùng Khỉ Đột chụp hết ba cuộn phim rồi đó. Ở đấy mà ham.

- Yên chí đi. Mình bảo gì tụi nó chả nghe.

- Ừ, tao thấy con trai ngu thấy bà!

Cười. Tiếng cười làm tôi nhột nhạt khắp người. Đã có chút gió lay động lá cây. Tôi vòng tay lên ngực. Trái tim đã bớt đập loạn xạ. Tôi lại lắng tai nghe:

- Nhỏ Thu còn cái gì ăn không? Giỏ mày đâu?

- Bánh bao, mía, đậu phọng.

- Ủa, sáng tao đâu thấy mày đem bánh bao?

- Biết sao tao có không?

- Sao?

- Thằng Thanh-Mặt-Chuột cho.

- Ga-lăng dữ! Cảm động không?

- Lúc đầu tao giả vờ từ chối, nó năn nỉ muốn chết. Đến khi tao nhận, tao làm bộ cảm động nữa chứ; “thằng bé” sung sướng quá trời!

- Đúng là trời sinh bọn con trai để tụi mình hành hạ!

Lại cười. Bây giờ tôi mới sực nhớ từ sáng tôi chưa ăn gì. Ruột gan bỗng cồn cào mãnh liệt. Tôi lại để tay xuống bụng. Hình như có mùi xào nấu ở đâu đây. Rồi hiện ra hình ảnh những chén cơm trắng ngần, bát canh nóng hổi, đĩa cá rán chín vàng và những… chiếc bánh bao nhân thịt thơm lừng. Tôi nuốt nước miếng liên hồi – mà thật ra đâu còn chút nước miếng nào – cổ tôi đã khô cứng từ lâu.

- Nhỏ Uyển chê hả? Không ăn sao? Mơ mộng hoài!

- Nó đang nhớ thằng Nguyễn!

- Ê, nhỏ Lệ đừng nói tầm bậy nghe!

- Than gì nữa, Uyển – Nguyễn, ai chả biết!

Cơn đói vụt biến. Tim tôi trở lại đập thình thịch. Các mạch máu căng dưới làn da rát bỏng. Tôi muốn biến khỏi nơi đây. Tiếng nói chuyện bên ngoài bụi cây như lằn dao chém tới tấp vào tôi:

- Tụi mày nhảm quá ờ ơi!

- Gì mà nhảm. Bộ thương nhau mà nhảm hả?

- Không phải. Nhưng tao với anh Nguyễn đâu có gì.

- Thu ơi, mày nghe con Uyển không? Nó gọi “anh Nguyễn” ngọt xớt. Vậy còn chối!

- Ừa, giấu đầu lòi đuôi.

- Thế tụi bay bắt tao gọi bằng gì bây giờ?

- Ai biết. Có điều chúng tao vẫn gọi bọn con trai bằng “thằng”!

- Nhưng… Nguyễn khác.

- Khác với mày thôi. Là là! Nhận tội rồi nhé. Thu, mày đồng ý với tao không?

- Mày nói tức là tao nói!

- Nhỏ Thu phản tao hả?

- Cái gì đúng thì nhận. Tao đâu có chối như mày.

- Chối gì?

- Nữa! Chuyện mày với thằng Nguyễn đó.

- Tao đã nói với chúng mày rồi, hai đứa tao chỉ là… bạn mà thôi!

- Không có bạn gì hết. Giữa con trai con gái, một là không gì hết, hai là tình nhân của nhau. Thế thôi.

- Nhưng…

- Không nhưng gì hết. Tụi tao đâu có đòi “uống rượu” mày bây giờ đâu mà cứ chối bai bải.

- Nhỏ Thu có lý. Tụi tao ủng hộ mày hết mình…

- Hì hì! Lệ, mày thấy thằng Nguyễn sao, bảnh chứ hả?

- Khỏi nói. “Phông” nhất trong bọn con trai đó mày.

- Vậy mới xứng với nhỏ Uyển bọn mình chứ.

- Một cặp đào – kép lý tưởng!

- Mai mốt tao mí mày nhất quyết đòi quyền “phù dâu” nghe!

- …

- Ê Thu, con Uyển khóc, mày!

- Nhỏ này mít ướt ghê. Tụi tao nói chơi chứ bộ.

Tim tôi nhói đau. Ruột thắt lại. Thật tội nghiệp Uyển. Hẳn mặt Uyển đang dàn dụa nước mắt. Không nghe tiếng nức nở, tôi đoán Uyển đang cắn chặt môi cho tiếng khóc khỏi bật ra. Vai Uyển rung lên và đầu gục trong bàn tay. Tôi không còn tâm trí để nghĩ về những câu nói vừa nghe được hoặc lo sợ, chỉ thấy thương Uyển thật nhiều. Tôi nghiệm thấy con gái hiền thì thật hiền mà ác độc thì cũng không ai bằng. Tôi oán hận Lệ và Thu.

Tiếng Lệ:

- Mới vậy mà đã khóc. Khóc tức là mày công nhận mày đã có gì với thằng Nguyễn.

Tiếng Thu:

- Đừng nói nữa mày. Uyển, tụi tao xin lỗi.

Và giọng Uyển đầy nước mắt:

- Tụi bay ác lắm. Tao không thèm chơi nữa!

Rồi tiếng chân chạy. Tôi ngồi bật dậy. Lệ và Thu đuổi theo:

- Uyển! Uyển!

- Chờ tụi tao, Uyển! Nhỏ này điên chắc? Uyển!

Nắng đã về chiều, dịu xuống trên ngọn cây. Gió từ đồng nội, từ lòng sông ùa lên núi. Cơn nóng giảm nhiệt độ. Hoa lá tỉnh giấc ngủ triền miên. Còn tôi – như một người bị say sóng sau một cuộc hành trình dài trên biển cả – lững thững đến với đám đông. Vài người hỏi về sự vắng mặt của tôi từ sáng đến chiều, tôi chỉ trả lời vu vơ, lấy lệ. Đi tắm rồi lên nằm trong một bụi cây, ngủ quên mất. Tôi lơ đãng theo dõi cuộc sinh hoạt cộng đồng. Trò chơi. Bài hát. Tiếng cười. Vỗ tay. Tôi ngồi trong đám đông mà tâm hồn ngoài đám đông. Biết Uyển cũng ngồi cùng một vòng tròn mà tôi không một lần dám đưa mắt tìm. Mẩu đối thoại giữa Thu, Lệ và Uyển như một lớp thạch cao dầy bó cứng người tôi lại. Từ đó cho đến giờ ra về tôi thấy mọi sự đều nhạt tẻ.

Tôi thẫn thờ như kẻ mất hồn.

*

Ngày tháng vơi dần. Đầy những buồn vui man mác, những giận hờn vu vơ và những ghen tuông bóng gió. Sau ngày đi dạo đúng một tuần lễ tôi không nhìn Uyển, không hồi âm những mảnh giấy Uyển viết, không trả lời những câu Uyển hỏi. Giận Uyển? Tôi cũng không hiểu mình có giận Uyển không? Tôi cũng chẳng biết tại sao mình có thái độ như vậy. Vào lớp thì ngẩn ngơ, về Chủng viện thì lại nhớ Uyển quay quắt.

Cho đến buổi học sáng nay, không thấy Uyển đến trường, tôi bứt rứt vô vàn. Hình ảnh Uyển đã đuổi hết sách vở và lời thầy giảng. Hàng trăm thắc mắc nẩy sinh trong đầu tôi để rồi tôi không biết phải tin vào giả thuyết nào. Tôi lại nuối tiếc những ngày qua đã làm ra vẻ thờ ơ với Uyển.

Thầy giáo vừa nói một câu gì đó, lớp học nhốn nháo cả lên. Người ngồi cạnh đập nhẹ vào tay tôi:

- Nhắc nghe ông bạn.

- Nhắc gì?

- Bài kiểm.

- Ủa, bài kiểm hả?

- Thầy nói từ nẫy đến giờ, bộ ông bạn không nghe gì hết sao? Lấy giấy ra đi.

Tôi chép những câu hỏi thầy đang đọc. Học trò than ầm lên là khó. Nhưng cũng chỉ ồn ào lúc đầu rồi ai nấy cũng cắm cúi làm bài. Tôi nhớ những lần Uyển quay xuống hỏi và tôi biên câu trả lời rồi chuồi lên cho Uyển. Nhưng sáng nay, chỗ Uyển ngồi vắng nàng nên lạnh lẽo.

Tiếng nói thì thầm ở bàn trên bắt tôi dừng bút, tò mò lắng tai nghe.

- Thu, mở tập ra “quay” đi.

 Xì, ổng nhìn kia kìa.

- Phải chi có con Uyển mình đỡ khổ.

- À, chiều nay tao với mày tới thăm nó nhé.

- Cô nàng đau nặng không?

- Đại khái.

- Mà sao mày biết tin hay vậy?

- Sáng hôm qua tới rủ nhỏ đi chơi tao mới hay.

Nghe được câu chuyện về Uyển, tôi như ngây như dại. Uyển đau. Tôi không làm bài tiếp được nữa. Còn tâm trí đâu để suy nghĩ. Khắp cùng là hình ảnh Uyển nằm thiêm thiếp trên giường. Một ý nghĩ táo bạo chợt đến với tôi. Hay ta tới thăm Uyển. Chỉ mới nghĩ thôi mà máu đã nóng trong huyết quản và tim đập mạnh. Nhưng rồi ý nghĩ đó không buông thả tôi mà thôi thúc tâm can. Tôi đem góp bài và xin phép thầy ra ngoài có việc cần. Ghé lại chỗ Bạch ngồi tôi nói nhỏ vào tai hắn:

- Lát nữa nếu không thấy tớ trở lại, bồ đem sách vở về dùm nhá.

- Đi đâu vậy? “Cúp” hả?

- Không… Về nhà.

- Việc gì?

- Hồi sáng… chú Thịnh dặn tớ về sớm để nói chuyện gì đó.

Dĩ nhiên tôi không về nhà như đã nói dối Bạch mà đi thẳng đến nhà Uyển. Thật liều lĩnh. Tiếng lương tâm thì nói vậy mà chân tôi thì vẫn bước. Tôi có cảm tưởng những người đi đường ai cũng nhìn tôi và đọc rõ trên nét mặt tôi nỗi hồi hộp, lo sợ. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn lui hay đảo mắt ngang dọc để đề phòng gặp người quen. Tôi đã sẵn sàng một câu nói dối nếu có ai hỏi. Dạ, đang học tự nhiên nhức đầu nên phải xin phép về trước. Hoặc – Dạ, nhà trường cử đi lo công chuyện… Phải đóng một vai trò đứng đắn như trên sân khấu độ nào mới được. Tôi yên tâm phần nào. Nhưng khi tới trước cổng nhà Uyển tôi lại bấn loạn. Đã hai lần giơ tay mà vẫn không dám bấm chuông. Muốn bỏ cuộc mà chân như đã chôn chặt xuống đất. Trời hôm nay mát mà mồ hôi giọt ngắn giọt dài trong áo. Có lẽ trong cuộc đời chưa lần nào tôi lại khốn khổ như hiện tại. Đứng một lúc lâu, phần khác vì sợ những người qua lại dị nghị, tôi thu hết can đảm và nghị lực đặt ngón tay trỏ trên nút điện. Tiếng chuông reo cơ hồ tiếng chiêng, tiếng cồng gầm vang. Tôi muốn co giò chạy, nhưng một người đàn bà đã hiện ra:

- Thưa cậu hỏi ai?

- Cô… cô Uyển.

- Dạ, cô tôi đau.

- Vâng, tôi… tới thăm.

- Mời cậu vào.

Tôi bước theo người đàn bà mà tôi đoán là người giúp việc. Nhà Uyển sang trọng đến không ngờ. Thoáng nhìn tôi cũng có thể biết các vật dụng đều thuộc loại đắt tiền. Cách bầy biện trang nhã và mỹ thuật. Tôi chạnh nhớ đến căn nhà bằng gỗ và nghèo nàn của cha mẹ. Bất giác tôi thở dài.

- Cô tôi đang nằm trong này. Cậu cứ tự nhiên.

- Cám ơn bà.

- Dạ, không có chi.

Nói xong bà giúp việc bỏ đi. Tôi xốc lại cổ áo, vuốt vuốt mái tóc rồi mới đưa tay run run gõ nhẹ cánh cửa. Một giọng con gái yếu ớt vọng ra:

- Mời vào.

Tôi ngập ngừng giây lát rồi mới bước vào. Uyển kia rồi. Vừa thấy tôi, Uyển mở to đôi mắt, mấp máy môi:

- Anh… anh Nguyễn!

- Uyển!

Nàng định ngồi dậy nhưng tôi ra hiệu chặn lại:

- Uyển cứ nằm cho khỏe.

- Anh Nguyễn tới… Uyển mừng quá.

- Uyển đau gì vậy?

- Tối thứ bẩy Uyển bị cảm, tưởng chỉ qua loa, ai ngờ phải nằm luôn suốt ngày hôm qua.

- Sáng nay Uyển đã đỡ chưa?

- Khá nhiều rồi. Chết, mời anh Nguyễn ngồi chơi.

Tôi kéo chiếc ghế đến gần giường Uyển. Bây giờ tôi mới nhìn kỹ Uyển. Nước da Uyển hơi xanh nhưng tôi lại thấy Uyển đẹp hơn ngày thường. Mái tóc đen huyền của Uyển càng đen hơn, mềm mại hơn giữa mầu trắng của mùng mền và mầu hồng của chiếc áo Uyển đang mặc. Tiếng Uyển lay động tôi:

- Sao anh Nguyễn biết Uyển đau?

- Cô Thu nói.

- Nó nói với anh?

- Không. Nói với cô Lệ, tôi nghe được.

Uyển cười nụ. Bà giúp việc mang lên hai ly nước cam. Uyển chống tay ngồi dựa vào thành giường. Tôi ái ngại nhìn Uyển. Im lặng một lúc, Uyển nhìn tôi qua ly nước, ngập ngừng nói:

- Mấy ngày nay anh Nguyễn… giận Uyển phải không?

Tôi lắc đầu, bối rối. Tay tôi di di những giọt nước đọng bên ngoài thành ly. Uyển tiếp, giọng nũng nịu:

- Không giận Uyển mà hơn một tuần lễ nay anh Nguyễn không thèm nói chuyện với Uyển.

- Tôi nói thật, không bao giờ giận Uyển.

- Chắc Uyển đã làm điều gì khiến anh Nguyễn buồn?

- Không.

- Anh nói dối Uyển.

- Thật.

- Thì thôi vậy. Nhưng từ nay anh Nguyễn phải hứa sẽ không được làm mặt lạnh với Uyển nữa. Hứa nhé?

- Tôi hứa.

Uyển nhìn tôi. Đôi mắt Uyển không còn vẻ mệt mỏi của một con bệnh mà thiết tha nồng nàn. Đôi mắt như mặt nước hồ thu. Tôi ngất ngây trong đôi mắt huyền mơ ấy. Và nếu Uyển không lên tiếng, không biết đến bao giờ tôi mới ra khỏi cơn mê.

- Anh Nguyễn này.

- Gì, cô Uyển?

- Cho anh xem cái này hay lắm.

Vừa nói Uyển vừa lấy ra ở dưới gối một chiếc phong bì dầy cộm. Tôi hỏi:

- Gì đó Uyển?

- Hình chụp hôm đi dạo ở trên chùa.

Tôi đỡ lấy những tấm ảnh láng bóng. Hình Uyển tươi cười ngồi trên một cành cây. Hình Uyển mơ màng bên khóm hoa. Hình Uyển với Lệ, Thu chụp chung. Tôi chậm rãi ngắm nghía từng cái. Nhưng đến hai tấm cuối cùng, tự nhiên người tôi lạnh đi. Tay hơi run. Mấy thằng con trai đứng vây lấy Uyển. Tôi chợt buồn. Một chút ghen nhẹ nhàng. Tôi nhớ lại khi bắt gặp Uyển để mấy thằng con trai chụp ảnh. Tôi nằm trong bụi trúc. Những lời trêu ghẹo của Lệ, của Thu. Uyển khóc. Tất cả như diễn lại tuần tự trong đầu óc tôi. Như trong hiện tại. Tôi cắn chặt môi che giấu cơn xúc động. Lúc sau tôi mới nói:

- Uyển… cho tôi… mấy tấm hình nhé?

Không chờ Uyển xác định, tôi chọn ba chiếc ảnh, còn lại trao trả cho Uyển. Mắt Uyển long lanh tuyệt vời. Nhưng chính đôi mắt ấy thúc đẩy tôi mạnh bạo:

- Bây giờ ba tấm hình này hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của tôi rồi há?

Uyển nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi vẻ thoáng ngơ ngác:

- Vâng.

Tôi đưa hai tấm hình lên trước mặt – hai tấm hình có những thằng con trai vây quanh Uyển – rồi xé toạc. Uyển hơi chồm người tới, trợn mắt:

- Trời!

- Uyển tiếc mấy chiếc ảnh này lắm hả?

- Uyển… không hiểu…

Tôi trao cho Uyển những mảnh vụn của hai tấm hình vừa bị xé. Uyển như tinh nghịch lấy đầu ngón tay trỏ xếp lại những mảnh vụn đó. Rồi đột cười thành tiếng, mắt nhìn tôi. Còn chút ghen hờn đọng lại trong tôi liền tan nhanh theo tiếng cười của Uyển. Lòng tôi mềm theo và thoáng chút ăn năn về hành động bồng bột của mình. Uyển thôi cười, đôi môi chúm chím:

- Giờ thì Uyển đã hiểu vì sao anh Nguyễn… giận Uyển.

Tôi ngượng ngùng quay đi nơi khác:

- … Đâu có giận Uyển.

- Không giận thì buồn Uyển cũng vậy.

Tôi nín thinh. Uyển vẫn lanh hơn tôi nhiều quá. Bao lần lúc đầu tưởng mình chủ động để rồi cuối cùng tôi vẫn sa vào bẫy của Uyển.

- Anh Nguyễn nghĩ gì vậy?

- Không.

- Sao anh không xé nốt tấm ảnh Uyển chụp một mình đi?

Tôi nhìn Uyển. Hai chúng tôi cùng cười.

Căn phòng của Uyển cơ hồ rợp hoa nở và rộn ràng chim hót.

______________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG SÁU