Tôi
đến Sàigòn thăm căn gác trọ của anh Kim vào buổi chiều lễ Giáng sinh
thật vui thật đẹp. Con đường Cao Đạt 5 giờ chiều nay mang một bộ mặt
sáng sủa dễ thương hơn trước nhiều. Niềm vui dào dạt lâng lâng trong
lòng tôi, đung đưa trên những chiếc đèn ngôi sao đủ màu đủ kiểu trước
cửa nhà hai bên đường. Tôi muốn dành cho anh Kim một ngạc nhiên bất ngờ
nên không báo trước, nhưng tiếc thay anh lại đi vắng. Biết lắm mà – ba má mới cho Honda –
sức mấy mà anh không "đi một đường lả lướt" ra chợ Bến Thành hay ngoài
xa lộ vào buổi chiều Noel một năm mới có một lần nầy. Tôi chợt khám phá
ra một thích thú khác trong dự định xem xét kiểm soát cái "dinh cơ" của
anh Kim một lần cho biết.
Khom
người bước lên mười mấy bậc thang gỗ chật hẹp đưa tới gác trọ, suýt nữa
tôi đã xỉu khi nhìn thấy tận mắt cái "ổ chuột" khổng lồ của ông anh yêu
quí. Thế mà những lần về quê nghỉ hè, anh vẫn lớn tiếng dạy đời chị em
chúng tôi – nào là vô trật tự, mất vệ sinh – nào là không có con mắt thẩm mỹ. Tôi che miệng cười một mình –
không biết quan niệm trật tự vệ sinh và thẩm mỹ của anh Kim thế nào với
bàn ghế giường chiếu ngổn ngang, quần áo sách vở vất lung tung và tàn
thuốc rác rến bừa bãi ra cả sàn gác đó. Đã bảo với anh nhiều lần là nơi
nào thiếu vắng bàn tay phái đẹp sắp xếp dọn dẹp thì đừng hòng có sạch sẽ
ngăn nắp, mà có bao giờ anh chịu chấp nhận "chân lý" đó của tôi đâu!
Một lần anh vênh mặt hỉnh mũi bảo tôi –
Đàn bà con gái như cô suốt đời bận tâm lo nghĩ những cái vụn vặt, tỉ
mỉ, tầm thường nhỏ mọn đó, còn thì giờ đâu mà biết đến đại sự Quốc gia,
xã hội. Tôi ức lòng thấy phe phái mình bị xúc phạm quá đáng mà không
biết đối đáp làm sao nên khóc òa chạy đi mét má. Anh Kim xanh mặt đuổi
theo giữ tôi lại rồi xuống nước năn nỉ ỉ ôi –
xin rút lại những lời miệt thị và đấm ngực ăn năn sám hối "tội tình".
Đến lúc đó, tôi mới quẹt nước mắt làm hòa và bỏ qua vụ đó. Sau nầy tôi
mới hiểu ra anh Kim đã đóng kịch thần tình trong màn "xin lỗi" giả vờ đó
–
Thế mà hồi ấy tôi ngu, cứ ngỡ anh Kim hối hận thật lòng rồi cảm động
tha thứ cho anh mới chết chứ! Chắc anh không khỏi cười thầm con nhỏ mắc
mưu "cáo già quỷ quyệt" –
Nhớ lại cảnh anh Kim quì dưới chân tôi, mặt mày nhăn nhó, tay đánh vô
ngực thùm thụp, đồng thời, uốn ba tấc lưỡi van lơn thảm thiết mà tôi
thầm phục cái tài "mị dân" của anh. Tôi vẫn thường "khen" anh có cái
miệng duyên dáng của Khả Năng và điệu bộ hài hước của Phi Thoàn, nên có
thể theo làm đồ đệ xách va li cho hai nghệ sĩ ấy được lắm – Câu trước, anh khoái phổng lỗ mũi, nhưng câu sau, anh rượt tôi chạy có cờ...
Tôi
ra áo ngắn kiên nhẫn quét dọn sắp xếp lại căn gác bê bối với niềm sung
sướng hãnh diện đã giúp anh Kim giải quyết một vấn đề có lẽ hết sức khó
khăn với anh. Tôi muốn nói lên tất cả sự thương yêu kính mến tôi dành
cho anh trong công việc tầm thường nầy. Tội nghiệp anh một mình cô đơn
gác trọ, buồn vui một bóng lẻ loi trên căn gác chật hẹp tối tăm nầy –
Tôi không hiểu làm sao anh có thể chịu nổi những buổi chiều trời mưa
tầm tã, hay những đêm khuya giật mình thức giấc giữa cảnh vắng lặng đìu
hiu của khu phố còn vương vất bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu kỷ niệm của
người em trai xấu số ba năm trước khắng khít hủ hỉ bên anh. Nhìn khuôn
hình anh Tiên (lúc nào anh Kim cũng mang theo đặt trên bàn viết) tôi
nghĩ đến anh Tiên và hai mắt tôi nồng nàn cay xé. Ba năm rồi anh đã bỏ
đi! Ba năm rồi anh đã vắng mặt trong gia đình thân yêu cũng như trong
cuộc sống bấp bênh nầy! Tôi biết thời gian rồi sẽ xóa bôi tất cả. Nhưng
cho đến bây giờ hình ảnh và những kỷ niệm về anh chưa phai mờ trong ký
ức chúng tôi. Ba má tôi không bỏ qua một dịp nào để nhắc nhở, để khêu
gợi những xót xa, những nhớ tiếc. Và như một vết thương trong tâm hồn,
nỗi đau buồn tang chế đó vẫn thường xuyên được đào sâu rướm máu mãi
không thôi. Tội cho anh Tiên số phần vắn vỏi. Đâu phải anh giận đời,
buồn thế sự mà tự ý tìm về bên kia cõi sống. Chắc anh đâu muốn xuôi tay
nhắm mắt giữa tuổi hoa niên yêu đời mười tám với tương lai hứa hẹn sáng
ngời. Chính Tử Thần đã đến và bất ngờ cướp mất anh đi trong một tai nạn
lưu thông hết sức tầm thường. Làm sao anh Kim quên được –
căn gác trọ. Con đường Cao Đạt, trường Rousseau, tất cả còn in rõ dấu
vết của anh Tiên. Nhất là trên căn gác kỷ niệm nầy, mỗi một phân vuông
nào anh Kim cũng gặp thấy hơi hám, chứng tích của anh Tiên lưu lại. Chỉ
có mình tôi hân hạnh được anh Kim cho đọc những dòng nhật ký ghi lại
khoảng thời gian ba năm chung sống đó. (Bao nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ
anh Kim "cưng" tôi nhất nhà). Tôi sung sướng hãnh diện vừa là em gái vừa
được đóng vai người bạn tri kỷ của anh, mặc dù mỗi lần xáp lại là in
như có chuyện tranh luận cãi nhau –
Nhiều lúc ba má bực mình phải dùng tới quyền "phủ quyết tuyệt đối" mới
dàn xếp ổn thỏa được. (Chúng tôi đã đồng ý chọn đường lối "dân chủ" mà
lỵ –
tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến và tự do bênh vực lập trường
của mình!) Ôi! Những năm "du học" đầu tiên nghèo nàn thiếu thốn giữa đô
thành hoa lệ. Sách vở, tập viết cũng như mọi thứ cần dùng quá đắt đỏ – gia đình tôi dưới quê cũng chẳng dư dả gì –
cho nên hai anh tôi phải thường xuyên nhịn ăn nhịn mặc, hạn chế tiêu
xài mới dành đủ tiền đóng học phí hàng tháng đều đều. Làm sao anh Kim
quên được hai anh em thuở đó – Có những buổi sáng nhịn đói đi học –
Có những buổi trưa thèm khát một ly nước mía. Những bận đi về đạp xe
máy áo ướt mồ hôi. Và biết bao nhiêu lần đi ngang rạp hát, nhưng dám đâu
nghĩ tới một chầu xinê hay hơn nữa một suất cải lương chưa biết bao giờ
–
Có những đêm chung đèn ngồi học, chung một tâm sự xa nhà, chung niềm ao
ước một chiếc Honda đỡ chân, đỡ tủi... Ba hứa phần thưởng anh Tiên thi
đậu tú tài sẽ cho anh em một chiếc Honda 67. Anh Tiên cố gắng học hành
đỗ cao năm đó, nhưng xe còm-măng chưa về tới Sàigòn thì anh đã chết. Cho
nên tôi nghe anh Kim nói hoài –
Mỗi lần nhẩy lên Honda là bùi ngùi thương nhớ anh Tiên ray rứt không
nguôi. Những bức thư sau nầy anh gửi về nhà, ba má chị em tôi đọc khóc
hết nước mắt. Anh bảo –
Tội nghiệp em Tiên không rán sống đến bây giờ để hưởng được sự bao dung
rộng rãi của ba má cũng như để bù lại mấy năm trước thiếu thốn nhọc
nhằn. Tôi cũng cảm thấy anh Kim thay đổi lạ lùng. Những năm gần đây anh
tỏ ra chìu chuộng dễ dãi với chúng tôi hơn. Mỗi dịp nghỉ hè anh không
bao giờ quên phần quà bánh cho chị em chúng tôi bốn đứa. Gương mẫu
thương yêu đó không hiểu tại sao chị em tôi bắt chước cũng khá dễ dàng –
Dường như khi có một đứa trong gia đình mất đi vĩnh viễn những đứa còn
lại mới nhận ra nhau ruột thịt máu mủ và từ đó mới biết đùm bọc thương
mến nhau hơn...
7 giờ tối, chú Tám chủ nhà dọn cơm mang lên –
anh Kim vẫn chưa về. Tôi hỏi chú Tám giờ giấc đi về của anh. Chú bảo ít
khi anh ấy về trễ giờ cơm, nghĩa là thường trước 7 giờ. Tôi nói anh Kim
chiều nay vui chân rồi đó. Chắc anh đâu ngờ tôi đang ngồi nhà mong đợi.
Tôi cũng chưa thấy đói. Có thể nói tôi đang no đầy niềm vui. Chú Tám bỏ
xuống nhà dưới. Tôi ra bao lơn phía trước nhà. Sàigòn ban đêm dưới mắt
"nhà quê" của tôi vui đẹp làm sao! Ước chi bây giờ tôi được theo anh Kim
đánh một vòng xem đèn, xem máng cỏ. Chắc là thích thú mê ly phải biết!
À, lát nữa anh Kim về, thế nào tôi cũng đề nghị với anh –
sau lễ khuya ở nhà thờ Chợ Quán, hai đứa sẽ đi dạo Sài thành ban đêm,
đặc biệt trong đêm Noel 68 nầy. Quay vào nhà tìm sách đọc giải khuây,
tôi ngạc nhiên biết được anh Kim của tôi, sinh viên Luật năm thứ hai rồi
mà cũng mê Tuổi Hoa như điên! Bằng chứng là một chồng báo Tuổi Hoa còn
mới toanh không nghe nói anh mua hồi nào xếp đầy cả một góc rương sách
đó. Tôi cứ ngỡ "sinh viên người ta" đâu có thèm coi chuyện con nít như
mình – Hay anh biết mình có bài được đăng trong đó nhỉ – Mình giấu tên mà –
Sức mấy ảnh nhìn cho ra. Thôi chết rồi! Anh Kim mà biết được bài nào
của tôi, anh sẽ mang đọc to cho cả nhà nghe rồi phê bình chọc quê, tôi
có nước độn thổ luôn! Làm sao bi giờ? Vái Trời cho anh Kim không hiểu
được tôi viết về anh, về anh Tiên và cả tôi trong Tuổi Hoa đó...
Có
tiếng xe rồ máy trước nhà. Tôi liệng sách băng xuống nhà dưới, nhẩy hai
ba bậc thang một lượt suýt nữa té nhào, hồi hộp lẫn hy vọng anh Kim về
tới.
- Chú Tám ơi! Chú Tám ơi!
Đúng tiếng anh Kim, không thể lầm lẫn được. Tôi la lên mừng rỡ vừa chạy bay ra cửa cái.
- Anh Kim ơi! Có Lan lên thăm anh nè.
- Trời ơi! Lan đó hả, mong anh đã đời chưa?
Sao giọng anh Kim lạc đi như vậy. Anh xúc động chuyện gì thế nhỉ?
Chú Tám bước ra vội vã. Dường như có điều gì bất thường, tôi đọc thấy trên vẻ mặt lo lắng của chú.
- Có chuyện gì mà quýnh lên vậy Kim?
- May quá chú ơi! Con vừa bị xe đụng suýt chết. Tưởng gẫy giò rồi đó chú.
Chú
Tám và tôi đồng giật mình kêu "Chúa ơi!" một lượt rồi vây lấy anh Kim
hỏi han rối lên. Anh Kim mặt còn xanh lè sợ hãi, hổn hển thuật lại tai
nạn vừa rồi. Anh lách tránh thằng nhỏ trong hẻm vọt ra, bị xe Jeep ủi
văng xuống lộ, nhưng nhờ "có nghề võ" nên không sao cả (Ghét anh Kim ác!
Đến nước nầy mà anh cũng diễu được!) Anh thấy rõ ràng có Ơn Trên che
chở – đáng lẽ nó cán nát người ra rồi. Ghê khiếp quá, tôi ôm mặt le lưỡi dài cả khúc. Chú Tám ngồi xuống mân mê chiếc xe.
- Có hư hao gì không vậy Kim?
- Sơ sơ hà chú. Còn chạy về tới nhà được đó chú.
Chú Tám dắt hộ chiếc Honda vào nhà xe, tôi dìu anh Kim lên căn gác trọ. Giọng anh bình tĩnh vui vẻ trở lại.
- Tưởng đâu theo chân anh Tiên rồi chớ. Anh sẽ nhớ Sinh Nhật năm nay trọn đời. Lan biết tại sao không?
- Chắc anh muốn nịnh rằng đêm nay có Lan ở đây với anh chứ gì?
-
Cha! Nghèo mà ham quá vậy em cưng? Ừ, thôi, cho Lan 5 điểm thông minh
đó. Anh muốn nói Chúa Hài Đồng năm nay đã dành cho anh em mình một lễ
Noel đẹp nhất với niềm vui thật trọn vẹn đó Lan. Lát nữa trước Máng Cỏ,
Lan đừng quên hợp ý với anh cảm tạ lòng nhân lành của Ngài nhé.
Tôi thấy yêu thương anh Kim hơn bao giờ hết. Tí nữa, tôi đã mất anh rồi. Tạ ơn Chúa – Chúa không để Tử Thần cướp đi niềm vui Sinh Nhật của anh em tôi – Chúa không nỡ để tôi đổ lệ trong ngày Chúa giáng thế –
Chúa đã muốn giữ gìn đêm nay mãi mãi là một đêm trọng đại Chúa đến, đem
Tin Mừng Cứu Độ, cũng như mãi mãi là một kỷ niệm êm đềm hoan hỉ cho
tôi, cho gia đình tôi.
Tôi
ngước mắt nhìn anh Kim và nhận ra những nét đặc biệt quen thuộc của anh
tiên. Tôi tin tưởng trên cõi trời cao Thiên Đàng bên Chúa, anh Tiên
chắc mỉm cười nhìn thấy tình thương và niềm vui thanh cao trong sạch
đang nở hoa căn gác nghèo nàn nầy. Nơi đó, anh Kim và tôi, những người
thân yêu của anh đang nghĩ rằng anh vẫn hiện diện, gần gũi bằng hình
ảnh, bằng kỷ niệm, nhất là bằng sự cầu bầu hữu hiệu, thường xuyên.
HUYỀN MAI