Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

CHƯƠNG SÁU_TRỞ VỀ TÂM TƯ


Sáu



Chủ nhật  2 – 4

Biết Uyển cả đến gần 8 tháng nay mình vẫn không hiểu mình thế nào. Đã nhiều lần mình muốn chấm dứt nhưng khi nghĩ phải vĩnh viễn mất Uyển mình lại bàng hoàng, nuối tiếc. Một bên là tình cảm, bên là tương lai, mình bị dằng co mãnh liệt giữa hai đối tượng. Mình đã yêu Uyển chưa? Thật khó xác định khi chính mình hỏi mình. Tình yêu như thế nào nhỉ? Chắc không đơn giản như mình nghĩ. Hẳn phải phức tạp, phải lớn lao và lạ lùng lắm. Còn như mình, gặp Uyển thì mừng, vắng Uyển thì nhớ, xa Uyển thì thương, thấy Uyển nói chuyện với đứa khác thì tức. Như vậy là yêu? Ở tuổi nào người ta mới thực sự biết yêu? Mình nhớ vào đầu niên học, trong giờ tâm lý, thầy Hòa giảng chúng ta thường mù quáng về chính con người của chúng ta, bị lầm lẫn khi nhận định về tình cảm mặc dù đã áp dụng những phương pháp nội quan hay ngoại quan. Đỏ mặt chưa hẳn là xấu hổ. Mặt tái xanh chưa chắc đã vì sợ. Ghét đậm đà một người đâu bảo đảm rằng hết thương người đó?... Vậy những tình cảm hiện hữu mình dành cho Uyển có thật là dấu hiệu của tình yêu không? Đấy, mình chạy đâu cũng chỉ gặp câu hỏi đó. Và câu hỏi này đã làm mình bao đêm mất ngủ, làm chân mình nặng nề trên đường tới trường, làm lòng mình nức nở trong quãng vắng, làm hồn mình ngẩn ngơ khi vào lớp học.

Còn tương lai? Thật mù xa! Hiện tại mình đang hoang mang. Hình ảnh người con gái đầu đời đã khuấy động toàn diện cuộc sống của mình…

Nhưng… dù sao mình cũng phải chọn lựa. Tương lai? Quỳnh Uyển? Chọn tức là hy sinh. Vậy mình sẽ hy sinh bên nào?

Thứ ba  11 – 4

Hôm nay lập hồ sơ thi theo chỉ thị của văn phòng. Chóng thật. Mới ngày nào ngỡ ngàng lên thành phố học mà bây giờ hè đã gần về. Mình đã quên hẳn thời gian. Nhìn lại, mình không khỏi hoảng hốt. Tâm trí luôn bận với hình ảnh Uyển nên lơ là sách vở. Ngồi học đó mà mắt đăm chiêu ngoài cửa sổ, tay nguệch ngoạc những chữ U, chữ N. Mình quả thật đã thay đổi nhiều. Lắm lúc giả vờ giận dữ bạn bè mỗi lần có ai nói mình thay đổi nhưng trong thâm tâm mình đã phải nhận tội. Không hiểu kỳ thi Tú tài sắp tới có kết quả tốt đẹp như năm ngoái không?

Uyển quay xuống bảo mình:

- Anh Nguyễn viết đơn thi dùm Uyển để lấy hên.

Mình đã cố gắng nắn nón mà vẫn viết sai. Không hiểu sao cho đến bây giờ mỗi lần gần Uyển hoặc “bị” Uyển nhìn, mình vẫn lúng túng, mất bình tĩnh. Lại phải xuống văn phòng mua tờ đơn khác đền “cô bé”. Mình nói với Uyển:

- Không khéo tôi lại làm Uyển… rớt đó.

Uyển cười:

- Hổng sợ. Đã có anh Nguyễn kéo Uyển.

- Nhỡ kéo Uyển rớt theo thì sao?

- Anh Nguyễn đậu, Uyển cũng đậu. Nếu anh Nguyễn rớt, Uyển cũng rớt. Số phận chúng mình giống nhau mà. “Hai nên một”!

Nói xong Uyển cười, đỏ au đôi má. Mình thì chất ngất lao đao. Uyển lúc nào cũng dễ thương và tình tứ. Mình “thua trận” là vì vậy.

Thứ tư  3 – 5

Sắp khởi sự thi đệ nhị bán niên rồi. Mình chúa ghét thi cử. Lại bận rộn. Lại lo âu. Lại mệt nhoài trong suốt tuần lễ. Thi cử là sỏi đá mà sỏi đá thì không biết hút nước nuôi sống những đóa hoa. Mình phải gạt hết những giấc mơ xanh để vùi đầu vào sách vở. Nhưng mình vẫn không thể nguôi ngoai hình ảnh Uyển. Vừa ôn bài vừa nghĩ Uyển đang ngồi bên cạnh. Miệng lẩm bẩm công thức, định lý là miệng nói chuyện với Uyển. Tay viết mỗi dòng chữ là tay vẽ suối tóc, nụ cười của Uyển. Ghét cay ghét đắng thi cử mà vẫn phải chăm sóc thi cử. Cũng như lý trí bảo phải quên Uyển để lo tương lai trước đã mà trái tim thì quay quắt nhớ thương. Con người không khác gì con chuột bạch đánh vòng, cả đời không ra khỏi chiếc vòng tròn.

Chủ nhật  14 – 5

Thế cũng xong những ngày thi cử trong trường. Không có bài làm nào xuất sắc, nhưng mình cần gì, ngày mai lại được gặp Uyển, ngồi đằng sau để ngắm tóc Uyển. Một tuần lễ thi cử hai đưa không một lần được nói với nhau câu nào. Nhất nhật bất kiến như tam thu hề. Một ngày không được nhìn thấy nhau dài như ba mùa thu. Tức là đã 21 mùa thu vắng Uyển. Chỉ tại nhà trường cho man, nữ sinh thi khác ngày, giờ. Mình chỉ lo Uyển gặp câu nào khó, không biết hỏi ai. Mình muốn ngồi cạnh Uyển để làm bài thi cho Uyển. Mình không muốn thấy Uyển cắn bút, bóp đầu bóp trán. Con gái mà suy nghĩ nhiều chóng già nua, ủ rũ, hao mòn. Uyển phải là một bông hoa trong sương mai.

Ngồi viết những dòng chữ này mình nhớ Uyển quá. Ngày tháng qua đi nhưng những nhớ thương dâng tràn, làm mình không còn là mình nữa, mình không còn là Nguyễn khờ khạo của quận lỵ nữa, mình đã trở thành kẻ tình si như mọi người, cũng biết tương tư, cũng lao đao lo lắng, cũng hồi hộp đợi mong…

Mình yếu đuối quá. Nhớ thương Uyển vô vàn. Làm sao bây giờ?...

*

Phượng đã nở đỏ trên cây. Hè về. Một niên học chấm dứt. Chỉ còn một hai ngày nữa là xa thầy dậy, bạn bè, mái trường. Tôi không còn niềm vui rộn rã ngập tràn tâm hồn như những năm trước đây. Nhìn bạn hữu trao nhau lưu bút, kỷ vật để ghi nhớ những ngày tháng cuối cùng làm học trò trung học, tôi cũng nghe nao nao mơ hồ. để vớt vát thời gian còn lại, tôi với Uyển gặp nhau đều đều. Trước lúc vào lớp. Trong giờ chơi. Sau khi tan học. “Dư luận” không còn tai quái với chúng tôi nữa. Người ta thường dễ dãi, bao dung trước giờ chia tay. Những “cây si” Uyển bớt nhìn tôi với ánh mắt hằn học. Họ đã hiểu “cuộc chiến” đã tới hồi kết thúc và tôi là kẻ thắng trận.

Vừa tới trường, Uyển rủ tôi:

- Ngày mai mình trốn học một bữa.

Tôi không từ chối. Uyển dặn:

- Anh Nguyễn chờ Uyển ở ngã tư dưới kia. Anh đứng gần sạp báo nhé. Mà anh biết chỗ đó không?

- Biết.

Rồi suốt một buổi chiều, suốt một đêm, tôi những bận với những điều sẽ nói với Uyển, những bộ điệu phải có trước mặt Uyển trong lúc gần nhau.

Sáng sớm, tôi đến chỗ hẹn trước Uyển. Tôi đứng khuất vào một góc tường. Tôi mừng lo lẫn lộn. Uyển đã đến kìa. Nàng mặc áo dài tím. Trông Uyển lớn hẳn ra. Tôi nghĩ tới bông hoa Violette. Hoa của những nhớ thương thầm kín. Lòng tôi rộn lên vu vơ. Uyển mỉm cười khi nhìn thấy tôi. Nụ cười vẫn tươi ngon – như đã từng tươi ngon trong suốt niên học. Chúng tôi lên xe lam để ra khỏi thành phố. Xe chật người, tôi phải ngồi sát Uyển. Tôi ngửi thấy mùi thơm bồ kết tóc Uyển. Mái tóc Uyển – mái tóc đã làm tôi ngây dại trong 9 tháng học – giờ đây đang theo gió vờn trên mặt, quấn vào cổ tôi. Tôi thầm mong Uyển đừng giơ tay giữ tóc lại. Tôi cảm giác đê mê. Gió đánh lồng lộng vào trong xe không làm giảm đi cơn nóng hừng hực đang tấy lên khắp người tôi. Giá có một vị tiên hiện ra cho tôi chọn ba điều ước chắc chắn tôi sẽ ước thế này: những người khác trên xe biến đi hết – con đường dài đến vô tận – tôi và Uyển sẽ ngồi như vậy mãi mãi.

- Tới rồi anh. Chúng mình xuống.

Thế là những điều ước của tôi không được thực hiện. Chúng tôi rủ nhau vào một cái quán mái tranh nằm giữa những hàng cây ngập lá. Hai đứa chọn một cái bàn ngoài sân đặt dưới gốc cây dừa. Khung cảnh thật mơ màng.

Uyển đưa mắt nhìn xa xăm, giọng buồn buồn:

- Hè rồi anh Nguyễn nhỉ.

Giọng tôi cũng nghe bùi ngùi:

- Hè rồi. Mau ghê.

- Anh Nguyễn đã khởi sự học thi chưa?

Tôi hơi bối rối, trả lời cho qua:

- Rồi.

- Uyển mong anh thi đậu.

- Anh cũng… hy vọng.

- Đừng nói hy vọng. Anh Nguyễn phải nói anh chắc chắn…

- Nhỡ anh trượt?

- Không. Anh phải đậu.

- Được. Anh sẽ đậu. Vì Uyển muốn.

- Cám ơn anh Nguyễn.

- Anh cám ơn Uyển mới đúng.

Gọi nước xong, hai chúng tôi im lặng. Giây lát, Uyển nhìn tôi. Mắt nàng xa vắng. tôi xao xuyến như lần đầu Uyển quay xuống nhìn tôi trong lớp. Giọng Uyển gợn chút u hoài, nuối tiếc:

- Năm học này cho Uyển thật nhiều kỷ niệm. Mai này nếu còn được cắp sách đến trường chắc chắn Uyển sẽ chẳng bao giờ được sống những ngày tuyệt vời như năm nay.

- Anh nghĩ rằng mỗi giai đoạn của cuộc sống có một ý nghĩa khác nhau. Uyển cũng sẽ có những tâm tình mới để sống với những ý nghĩa mới đó.

- Nhưng cuộc đời đâu giản dị như vậy. Và rồi Uyển vẫn sẽ phải lấy những kỷ niệm dĩ vãng để xoa dịu hiện tại.

Câu nói nghe mà bùi ngùi. Tôi không nói gì thêm. Uyển cũng im lặng. Gió rì rào trên ngọn cây. Hương thơm của lúa mạ thoảng nhẹ man mác.

Hai đứa ngồi thì thầm với nhau cho đến khi nắng lên cao mới đứng dậy gọi chủ quán tính tiền. Qua con đường đất đỏ, đến một cây cầu gỗ, Uyển dừng chân, tôi đứng lại theo. Uyển dựa tay trên thành cầu vịn. Tôi thấy bóng tôi, bóng Uyển chập vào nhau dưới nước. Uyển nói nhẹ nhàng nhưng giọng vẫn đượm buồn:

- Anh Nguyễn, hết niên học rồi…

Tôi vô tình lập lại câu nói của Uyển:

- Phải, niên học hết rồi!

Giọng Uyển thoáng gợn chút hờn dỗi:

- Anh Nguyễn chẳng nhớ gì cả!

Tôi ngạc nhiên không hiểu, hỏi:

- Nhớ gì, Uyển?

Uyển ngập ngừng:

- Anh nợ Uyển một câu… trả lời. Có cần để Uyển nhắc lại câu hỏi không anh?

Tôi chợt hiểu Uyển muốn nói gì. Đắn đo giây lát tôi mới trả lời Uyển:

- Không. Anh nhớ chứ. Như anh vẫn… nhớ Uyển vậy.

- Nhưng anh chưa tìm ra câu trả lời mặc dầu đã cuối niên học?

- Đó là một bài toán của cuộc đời anh.

- Và anh chưa tìm ra đáp số?

- … Rồi.

- Anh nói cho Uyển nghe đi. Đáp số thuận hay nghịch?

Tôi nghiêm giọng, nhìn sâu trong mắt Uyển:

- Trước khi anh nói, Uyển phải trả lời anh câu hỏi này đã.

- Vâng.

- Tại sao Uyển lại không thích anh học Y Khoa, và sau này trở về phục vụ quận lỵ nghèo nàn của anh?

Uyển cúi mặt. Tôi thấy nước mắt Uyển ứa ra. Tôi rút khăn thấm nước mắt cho Uyển. Giọng Uyển ngập ngừng:

- Tại… tại Uyển sợ… mất anh.

Tôi cười nhẹ:

- Tưởng gì quan trọng lắm chứ. Thế mà Uyển làm anh băn khoăn cả mấy tháng nay!

- Tại anh không biết đó thôi.

- Sao? Uyển nói rõ anh nghe đi.

Giọng Uyển trầm buồn:

- Mẹ Uyển kể… hồi xưa còn trẻ, mẹ cũng… thương một sinh viên Y Khoa. Người này nghèo lắm nên mẹ Uyển ra đời trước, đi làm giúp cho anh ta tiếp tục học… Nhưng đến khi gần thành tài… người đó quay mặt phụ bạc… Mẹ Uyển đau khổ một thời gian… Sau này, vì vâng lời ông bà ngoại, mẹ Uyển mới chịu ba Uyển đấy…

- Thì ra Uyển cũng sợ anh như… người đó?

- Không phải. Tại mẹ đã… thề không bao giờ để Uyển… rơi vào hoàn cảnh cũ như mẹ… Nghĩa là…

- Anh hiểu. Uyển an tâm. Nếu bây giờ anh nói gì thì cũng chỉ là những lời hứa suông mà thôi. Anh sẽ chứng minh bằng thời gian. Vả lại tương lai còn xa mà Uyển.

- Nhưng… anh biết rằng tương lai là do hiện tại định đoạt.

- Vậy thì hiện tại chúng mình hãy chỉ biết có nhau, còn tương lai thì đã có… tình yêu bảo đảm rồi. Uyển tin anh chứ?

- Vâng. Uyển tin.

Cơn sóng đột nhiên dâng trào trong tôi. Bàn tay tôi vội tìm tay Uyển. Hai bàn tay đan chặt vào nhau. Có mùi hương thơm của hoa dạ lan đêm nào tôi đưa Uyển về tận cổng nhà nàng thoang thoảng đâu đây. Tôi nghe rõ tiếng tim đập trong lồng ngực. Tôi cúi xuống hôn nhẹ trên má Uyển. Chiếc hôn đầu đời.

Chiếc xe Lam trở về thành phố chỉ có tôi và Uyển là hành khách. Hai đứa ngồi đối diện nhau. Tôi mỉm cười với Uyển. Đôi mắt Uyển chớp mau. Tôi cơ hồ thấy đôi mắt đó đang nói với tôi những lời dịu ngọt. Tôi cũng muốn để mắt tôi nói với Uyển rằng hãy đợi anh, trong tương lai cuộc đời chúng mình sẽ có toàn những ngày tháng tình tự tuyệt vời như sáng nay.


Chương kết


Nguyễn giật mình, giụi vội điếu thuốc đang cháy dở. Một chiếc xe đò cũ kỹ vừa đậu lại trước cổng nhà chàng, và Uyển đang bước xuống. Nguyễn chạy vội ra:

- Anh tưởng sáng mai em mới xuống?

Uyển mỉm cười nhìn chồng; những nét mệt mỏi của cuộc hành trình như đã lặn hết trên khuôn mặt trắng hồng của nàng:

- Về tới Sàigòn thấy ồn ào, xô bồ là em muốn về đây ngay… Vả lại… nhớ anh muốn chết luôn!

Nguyễn cười:

- Sao em không đi chuyến xe sớm? Về muộn thế này đường sá nguy hiểm lắm đấy.

- Em đi sớm lắm chứ. Nhưng xui ơi là xui, dọc đường chiếc xe bị hư máy hai bà lần. Nóng ruột kinh khủng.

Chiếc xe đò đã lại chuyển bánh, để lại phía sau đám bụi mù.

Nguyễn cúi xuống xách hai chiếc giỏ căng phồng đồ vật bên trong:

- Em mua gì mà nặng thế này?

- Em đâu có mua. Giỏ xanh xanh kia là quá ba má gửi xuống biếu thầy mẹ dưới này. À, mai chúng mình lên thăm thầy mẹ nhé, cả tuần nay mình không ghé lại rồi đó.

- Được. Thế còn cái giỏ này?

- Mẹ gửi cho riêng anh đó.

- Gì vậy?

- Đủ thứ: bánh ngọt, sữa, chuối…

- Trời! Làm như anh còn con nít mà phải sữa với bánh ngọt để dỗ. Còn ở đây là vựa trái cây mà mẹ cho chuối!

- Em cũng nói vậy nhưng mẹ bảo tao biết thằng Nguyễn nó thích loại chuối này nên tao mua cho nó ăn. Còn nữa, bánh ngọt, mẹ bảo để anh tẩm bổ… Thấy mẹ cưng con rể chưa?

- Trước khi được cưng anh đã phải mất ba bốn năm liền để thuyết phục, lấy lòng chứ bộ. Dễ dàng gì đâu!

- Em biết rồi!

- Nghĩ lại nhiều lúc anh vẫn buồn cười. Cứ hai ngày anh lại phải đến “trình diện” mẹ một lần ra cái điều ta đây không… thay lòng đổi dạ. Nhiều lúc thèm hút thuốc hay muốn uống ly la-ve cũng không dám… Đó là chưa kể phải dùng “miệng lưỡi ngoại giao” để… thay đổi thành kiến của mẹ vợ tương lai. Khổ ơi là khổ!

- Khổ thì… mới lấy được em chứ bộ!

- Thế mà “thiên hạ” đâu có thương. Nào là mỗi lần thi rớt lại đổ tội “người ta”, nào là không chịu “người ta” học Y Khoa, nào là sợ về quận lỵ sống… làm “người ta” phải năn nỉ muốn gẫy lưỡi luôn, nào là…

Uyển đứng khựng lại, dậm chân phụng phịu:

- Em hổng chịu đâu. Chọc quê em hoài! Tại hồi đó “người ta” chưa biết chứ bộ! Em bắt đền cho xem, nào… nào…

Nguyễn cười thành tiếng, đặt chiếc giỏ xuống, vòng tay ôm vai vợ âu yếm:

- Thôi cho anh xin! Em vẫn có tật… nhõng nhẽo như ngày nào!

- Thèm nhõng nhẽo!

- Thì… nũng nịu vậy!

Uyển đi sát hơn vào bên Nguyễn. Hai vợ chồng vừa bước lên thềm nhà thì có tiếng đẩy cổng, rồi tiếng gọi thất thanh phía sau:

- Bác sĩ! Bác sĩ!

Cả Nguyễn và Uyển đều quay lại. Một thanh niên tất tưởi chạy vào, khuôn mặt hằn nét lo sợ, giọng nói đứt quãng:

- Bác sĩ! Bác sĩ… cứu mẹ… tui với!

Nguyễn nhẩy lại xuống sân, ôn tồn hỏi:

- Bà cụ làm sao?

- Thưa… mẹ tui… bị xỉu!

- Tại sao bị vậy?

- Dạ… mẹ tui bịnh cả tuần nay… Xin bác sĩ đến liền, kẻo… không kịp!

Nguyễn quay lại nhìn vợ. Uyển mỉm cười, dịu dàng:

- Để em vào lấy túi thuốc cho anh nhé.

Trong khi Uyển vào nhà trong, Nguyễn thân mật đặt tay lên vai người thanh niên đồng nội:

- Cậu an tâm. Chắc bà cụ không sao đâu. À, mấy bữa nay cậu đã cho bà cụ uống thuốc gì chưa?

Thanh niên ngập ngừng, tay cuốn tròn vạt áo đen, hơi cúi đầu:

- Dạ… chưa!

- Sao không đưa bà cụ đi chữa sớm hơn?

- Da… thưa bác sĩ… em nghèo lắm.

Uyển đã trở ra, đưa cho chồng chiếc túi trắng có hình chữ thập đỏ:

- Lát nữa anh về em sửa soạn bữa cơm xong cho mà xem. Tối nay em sẽ nấu một món mà anh thích nhất.

Nguyễn gật đầu cười nụ rồi cùng người thanh niên đi nhanh ra đường.

Mặt trời đã xuống sau hàng dừa. Uyển đứng nhìn theo chồng; tâm hồn nàng thanh thoải và bằng an vô cùng. Phía xa, bóng Nguyễn đã chập vào làm một với chiếc bóng của người nông dân quê mùa, in đậm nét trên nền trời xám đục…


     HOÀI MỸ    
 (Sàigòn, 4-74)