Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

NGƯỜI MÀ TÔI KHÔNG GIẾT - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch


Sáng hôm đó trời lạnh 28 độ dưới số không. Đất đóng giá kêu boong boong như gạch lát trong giáo đường, còn cành cây sương đóng gẫy răng rắc như thủy tinh. Không khí lạnh buốt như cắt da.

Trên thế giới ít có người quen với khí hậu đó. Chúng tôi là người Pháp đa số ở những miền ấm áp hơn, chứ không phải là người Gia Nã Đại, Na Uy, Phần Lan gần Bắc cực, nên không chịu được cái lạnh ghê gớm như vậy.

Hồi đó là tháng hai năm 1940, trong miền núi Vosger, vào thời "chiến trang kì cục", như người Pháp chúng tôi thường nói (...) Một ngày như hôm đó thì không có gì xảy ra một cách bình thường được, cho nên dù không có lệnh đi tuần để nhận định vị trí của địch thì chúng tôi cũng không sao quên được buổi ấy.

Vậy khoảng bảy giờ sáng tôi đi với một trung sĩ và ba người lính. Tôi là đại úy và đã quen với công việc dò thám đó rồi. Nhưng lần này không phải như những lần khác. Công việc gì cũng hóa ra khó khăn. Làm quân nhân thì phải lắng nghe từng tiếng động nhỏ, nhưng trời lạnh 28 độ dưới số không, hé mở cái mũ trùm đầu để lộ một lỗ tai ra là một việc nguy hiểm. Phải luân phiên, mở tai bên này và bịt tai bên kia thật mau cho tai nghe được mà không kịp đóng giá. Lại phải chùi khí giới cho không còn một vết dầu mỡ nào, mà phải đeo bao tay để làm công việc đó, nếu không thì đụng vào thép, tay sẽ buốt như rờ vào sắt nung đỏ.

Mới đầu chúng tôi tiến tới một căn nhà ở rừng, bỏ hoang ở bên một bờ suối giữa hai phòng tuyến. Phía Đức và chúng tôi đều không muốn chiếm hẳn căn nhà đó. Nó cách xa những ngọn đồi mà quân hai bên đương đóng ở hai bên thung lũng. Nhưng ban đêm, bọn đi tuần chúng tôi thường đụng đầu với bọn đi tuần bên họ và bên nào tới trước, tất nhiên là có lợi thế. Chiếm được căn nhà đó là làm chủ được cả thung lũng, nhưng không bên nào giữ vị trí đó được lâu và không ai biết được lúc nào nó trống, lúc nào nó có lính núp.

Muốn chắc chắn không bị phục kích, hôm đó chúng tôi bao vây căn nhà, rồi tinh thần căng thẳng, tay lăm lăm khẩu súng, chúng tôi xông vào những phòng trống rỗng, và cười rộ, y như con nít, thấy mình hơi lố bịch, có quái gì đâu mà sợ. Tưởng là một bi kịch mà rốt cuộc thành một trò khôi hài.

Chú trung sĩ bảo:

- Trời hôm nay lạnh quá. Quí vị đó đâu có ra khỏi đồn... Họ không ngốc như chúng mình.

Một lát sau, chúng tôi trở ra tiếp tục đi tuần thành hai hàng, kẻ trước người sau. Ruộng, rừng, bờ suối, sườn đồi, chỗ nào cũng có vẻ hoang vắng hơn ngày thường. Không có một cánh chim trên trời, một bóng thú trong bụi. Cảnh hoang vu tĩnh mịch đó có cái gì đáng lo ngại.

Chúng tôi nằm xuống bò tới ; tôi cảm thấy mặt đất ở dưới mình tôi, chỗ thì chỉ là đất chỗ thì phủ thêm lớp bụi tuyết hoặc vài mảng băng, cơ hồ như đất ở một thế giới khác. Bỗng tôi thấy người lính đương bò cách tôi vài thước ở bên phải ngừng lại, đưa vài ngón tay lên làm dấu báo nguy. Chắc anh ta đã thấy một cái gì mà ở chỗ tôi không nhìn ra được. Tức thì tôi bò lại gần anh ta và cả năm chúng tôi đều ở trên một cái mô cao, nhìn xuống một thung lũng nhỏ.

Anh lính đó nói phào phào:

- Một tên Đức!

Khoảng sáu chục hay tám chục thước phía sau chúng tôi, ở dưới khe, có một cái hầm núp để rình, với một hàng bao đất chất thành hình bán nguyệt ; trong hầm có một người quay lưng lại chúng tôi, dưới chiếc nón sắt, còn trùm thêm một cái mũ đen lớn che kín gáy và hai tai.

Các bạn tôi lặng lẽ chĩa mũi súng vào người lính đó. Tôi nhớ lúc đó đưa tay ra dấu bảo: "Để đó cho tôi" và tôi quay lại để bình tĩnh nhắm người lính lẻ loi đó, như nhắm bia ở sân tập bắn vậy. Các bạn tôi đợi tôi nổ súng. Tôi nhắm một mắt, chĩa súng nhắm giữa gáy người đó (mà tôi không thấy mặt) vào cái vết đen chiếc mũ trùm, phía dưới nón sắt. Nhưng đúng lúc tôi sắp bóp cò thì hắn nhẩy lên lắc lư như một con gấu.

Tôi sửng sốt, mất đường nhắm rồi. Tôi mở cả hai mắt ra, cảm thấy rằng mấy giây trước, hình đó đối với tôi chỉ là cái đích để nhắm thì bây giờ là một người rồi, một người cũng như tôi, bị rét cắt da, một người chân nhức nhối, tay cóng, tai lạnh buốt, chỉ nghĩ cách chống chọi với cái rét và quên cả chiến tranh.

Tôi không nhớ lúc đó tôi có nghĩ ngợi gì không. Tôi không phải quyết định. Tôi không cân nhắc nên hay không nên. Nòng súng của tôi tự nhiên hạ xuống, và tôi không nhắm lại nữa. Tôi đưa tay ra dấu cho anh em rút về phía sau. Chúng tôi bò trong khe rồi đứng thẳng dậy, chạy lại núp trong căn nhà ở rừng. Chú trung sĩ bảo tôi:

- Đại úy hành động như vậy là phải. Hắn lạnh quá..., không được giết hắn.

Mấy người lính đều cười, tỏ ý biểu đồng tình.

Chúng tôi đã làm xong nhiệm vụ, đã biết bọn dò thám của địch đóng theo tuyến nào rồi. Chúng tôi cũng biết điểm tựa của địch ở trên ngọn đồi nữa.

Chú trung sĩ bảo:

- Xong nhiệm vụ.

Một người lính đáp:

- Còn thằng tướng đó thì nó lạnh quá.

Cơ hồ cái lạnh hôm đó đã làm cho mất chiến tranh.

*

Tại sao việc xảy ra hôm đó tầm thường, trào lộng như vậy lại ghi sâu vào tâm khảm tôi hơn biết bao ngày khác có những biến cố bi đát trong thời nước tôi thua trận và bị chiếm đóng? Người lính do thám mà tôi không thể bắn đó, tôi không biết mặt, chỉ còn nhớ cái gáy xo ro trong cái mũ trùm dày, nhớ cái điểm đen đó mà tôi đã nhắm trong mấy giây.

Một buổi tối, giữa mùa đông 1943, dưới cơn gió bấc lạnh buốt tôi đứng đợi một chuyến xe trên sân ga Montauban. Một đoàn toa chở hàng ngừng ở trước mặt chúng tôi. Đoàn đó chở một bọn bị lưu đày tới một thế giới khác, một thế giới mà lúc đó chúng tôi chưa biết, thế giới trại giam, thế giới đêm tối và sương mù. Trong khi đoàn xe ngừng, mấy người lính Đức đứng canh ở trước mỗi toa. Một cảm giác rùng rợn xâm chiếm tôi. Tôi không thể nhúc nhích được và thình lình, cách tôi khoảng năm chục thước ở bên phải, dưới cái nón sắt, sau lớp mũ trùm đen, tôi thấy cái gáy của một lính canh. Tôi có cảm tưởng rằng hắn chính là người tôi không nỡ bắn. Chính hắn. Tôi tin chắc rằng đã nhận ra được hắn. Và tôi ân hận lần đó tôi đã nhắm hắn rồi mà không cho hắn một phát.

Trong mấy năm bi thảm đó, đã bao lần tôi ân hận, gần như điên lên, rằng sao để cho hắn sống. Mười lần, hai mươi lần, trong cảnh nô lệ, nhìn cái gáy một người đội nón sắt, tôi đứng trân trân, như bị thôi miên ; chẳng cần nhìn mặt kẻ đó, tôi cũng nghĩ bụng: "Chính hắn đấy và mình đã để cho hắn sống..."

Nhưng thời gian trôi qua, và từ khi hòa bình trở lại, kẻ thù hôm trước đã thành người lân bang. Kẻ đó đối với tôi không còn là một cái gì trừu tượng tàn khốc trong những năm chiến tranh nữa.

Tôi nhớ lần đầu tiên gặp các văn sĩ và nhà trí thức Đức trong một hội nghị quốc tế ở miền Forêt-Noire. Buổi tối đó, trong một khu vườn, tôi bỗng nhận thấy một trong những vị đó, đứng cách tôi vài thước, phía bên phải, cổ quấn một chiếc khăn che mũi đen. Tôi đăm đăm nhìn gáy ông đó mà thấy một cảm giác như choáng váng. Đúng lúc đó một anh bạn lại nắm cánh tay tôi. Anh muốn cho tôi làm quen người đó. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy mặt ông ta. Nét mặt một học giả, hơi nghiêm, hơi buồn, nhưng bình tĩnh. Như đa số chúng tôi, ông ta có vẻ một người sống sót sau một tai ách ghê gớm. Ông ta cũng thích những cái tôi thích, cũng nghiên cứu môn của tôi, và chẳng bao lâu chúng tôi thành bạn bè với nhau.

Trong khi nói chuyện với ông có cái gì thay đổi trong đáy lòng tôi, ngoài ý muốn của tôi. Nỗi ân hận đã để cho quân thù sống sót, nỗi ân hận đó day dứt lòng tôi trong những năm quốc gia lâm nguy và bị nô lệ, bây giờ biến thành một nỗi hoan hỉ và tôi bỗng cảm thấy mừng rỡ là đã tha chết cho người đó.

Tôi nghĩ bụng nếu trước kia tôi đã biết ông ta như lần này thì không thế nào tôi có thể bắn ông ta được. Thật là một sự ngẫu nhiên kỳ dị, một phép màu, mà hôm đó ông ta nhày lên, giậm chân, gợi trong lòng tôi cái tình liên đới giữa hai người. Vì chịu chung cái lạnh ghê gớm mà trong lòng tôi nảy ra tình huynh đệ. Nhưng tình huynh đệ đó tầm thường quá so với tất cả những tình huynh đệ khác thực sự liên kết loài người với nhau. Trong chúng ta, ai là người còn có thể giết kẻ đồng loại được khi biết rõ kẻ đó, biết nhân tính, đời sống của kẻ đó? Người ta có thể hạ sát một tên lính địch, một con người máy không tên tuổi, không mặt mũi, nhưng làm sao có thể giết một người thợ mộc, một người thợ tiện, một nông dân, một họa sĩ, một nhà ngôn ngữ học, một người có vợ có con, có cha có mẹ, một người có thể đói rét, sống trong cảnh rầu rĩ hoặc trong niềm hi vọng, một người như chúng ta?

Hình ảnh người lính do thám Đức mà tôi không nỡ bắn trong ngày mà thời tiết lạnh nhất đó đã làm cho tôi hiểu một cách sâu sắc hơn là dùng trí óc để suy tư, rằng nếu mỗi người trong chúng ta có thể giảng cho những người đồng loại cảm thấy được rõ mỗi đời người có sự trang nghiêm ra sao, mỗi con người chắc chắn có những nhu nhược ra sao, giảng được như vậy thì sẽ không thể có chiến tranh nữa.


ANDRÉ CHAMSON  
Nguyễn Hiến Lê dịch  
(trong Ý Cao Tình Đẹp)  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 133, ra ngày 15-12-1974)