Dáng
nhỏ nhắn của Như Nguyện nghiêng nghiêng dưới hoa nắng. Hai bên đường
cây cỏ xanh xao rủ lá quên hẳn lời ru phiền muộn của em. Chừ là những
ngày giao mùa rạng đông nghe nhung nhớ miền quê hương có con suối hiền
hòa, thung lũng triền miên trong giấc ngủ chi lạ. Từng sáng đứng ngắm
mây giăng kín khung trời quen thuộc. Từng chiều lang thang dưới hàng sầu
đông trụi lá. Em thấy mình thật cô đơn, thật lẻ loi. Nỗi buồn ngu ngơ
đang đầy, giấu kín một đời ở khung tim non.
Thấy em không nói, Như Nguyện gợi chuyện:
- Ông Huân dạo ni tếu ghê mi nợ.
- ...
- Răng hôm ni mi buồn rứa?
Em cười héo hắt:
- Tau buồn chẳng hiểu vì sao mà buồn.
Nguyện gạn:
- Thầy mạ mi làm mi buồn phải không Giao?
Em thổn thức gật đầu:
- Đừng nghĩ chi hết Giao nợ. Thầy mạ đi thì lại về. Chẳng lẽ ông bà giận nhau hoài hoài răng.
- Vẫn biết thế.
- Giờ mi tính đi mô đây?
- ...
-
Thôi lại nhà ta chơi nghe. Bữa ni mạ tau làm bún đe. Mi buồn mà gặp nhỏ
Phượng "đứt đuôi" vui ngay. Tau bảo đảm đó. Con nớ nghịch không thể
tưởng.
Chẳng
đắn đo suy nghĩ, em bằng lòng ngay. Đi và ở đâu bây chừ cũng được hết.
Miễn đừng bắt em trở về nhà, trở về căn phòng nhỏ có cửa kính khép hờ
nhốt chim khuyên nhỏ bé Đông Giao lại. Em sợ cô đơn lắm, nó có thể giết
chết nguồn sinh lực trong em.
Tiếng
guốc gỗ khô khan của hai đứa nhịp đều trên vỉa hè nghe thương nhớ chi
lạ. Đến cổng nhà Nguyện, cô bé lay cánh cửa sắt chấn song, thò tay vào
mở. Bước vô sân đã nghe giọng Bích Phượng líu lo:
- A, chị Nguyện về, có cả chị Giao đến nữa mạ nợ.
Em
buông nón lá quai nhung, cặp sách lên bàn, vẫy Phượng lại. Cô bé lí lắc
chớp chớp đôi mắt (À! Tên ni bắt đầu giở trò nghịch ra, mình phải đề
phòng mí được).
- Chị Giao kể tiếp chuyện hôm nớ đi.
- B8àng lòng. Nhưng với điều kiện Phượng phải quạt một trăm cái cho chị.
- Nhiều rứa, bé mỏi tay thì răng?
- Chứ chị kể chuyện không mỏi miệng à?
Đuối lý, cô bé nghĩ ngợi:
- À, hay bé đem kẹo ra, hễ chị mỏi miệng thì đút một viên vào. Chịu nhá!
- Phượng làm như chị là con nít chẳng bằng.
Mẹ Nguyện đang dọn chén và bày đĩa ra, nghe em nói bà lên tiếng:
- Giao nhớn với ai đây.
Em vòi vĩnh:
- Với bác nè.
Bích Phượng lay vai em:
- Chị kể đi chị Giao.
- Hôm nớ chị nói đến đoạn nào rứa Phượng, bé nhớ không?
- Đoạn tráng sĩ Anh dũng đánh mí bảy bộ xương người.
- Rồi, chị kể tiếp đây.
Bích
Phượng ngồi ngay ngắn, vẻ nghịch ngợm thường ngày biến mất. Cô bé đan
mười ngón tay búp măng lại. Mười ngón ngà ngọc đã một lần tấu khúc
Chopin cho em nghe. Mê chi lạ cái âm thanh réo rắt của người nhạc sĩ tài
ba.
...
"Tên phù thủy vẫn lâm râm đọc câu phù phép. Trong lúc đó, tráng sĩ Anh
dũng gần đuối sức, vì cứ vừa chém được một đầu lâu thì cái khác lại mọc
lên thay thế. Con ngựa thần thấy chủ sắp lâm nguy đến tính mệnh, liền
vươn đôi cánh bay về phía tên phù thủy, lấy hết sức bình sinh đá thật
mạnh đạp đổ bàn thờ. Tức khắc bảy bộ xương ngã xuống trở thành cát bụi.
Lão phù thủy sợ hãi hóa ra dơi bay đi. Ngựa thần và tráng sĩ đuổi theo
lên tới đỉnh tháp. Ở đây sương mù giăng tứ phía, mùi tử khí bốc lên rờn
rợn. Nhưng Anh Dũng không nản chí. Tráng sĩ tuốt gươm đập vỡ hộp kính có
đựng bông hồng xanh, cậu nhanh nhẹn ngắt bỏ vào túi. Lão phù thủy trong
hiện thân dơi tức giận dùng mỏ mổ lia lịa vào người chàng. Nhờ bộ giáp
sắt không thì Anh Dũng đã ngã quỵ. Ngựa thần lao vào người tên phù thủy
cứu chủ. Biết mình sắp chết, tên phù thủy dùng chân mấu vào tay Anh Dũng
định lôi đến lưng chừng núi thì buông ra. Ngựa thần bay theo, Anh Dũng
rơi đúng trên lưng nó. Còn tên phù thủy rớt xuống vách đá hun hút tan
xương. Người và vật vui mừng ca khúc khải hoàn về trong chiến thắng. Nhờ
bông hồng xanh, Thủy Tiên công chúa lại xinh đẹp như xưa, và được vua
cha cho phép thành hôn với tráng sĩ Anh Dũng".
- Hay quá. Chị kể chuyện tuyệt cú mèo.
Em cười hồn nhiên rất ư trẻ con. Như Nguyện dụ khị:
- Đó mi thấy ta nói hay không? Ai buồn mà gặp chị em nhà tau cũng phải vui. Thôi chừ ở lại ăn bún ốc mí tau. Chiều hãy về.
- Tau ký cả hai tay.
Bích Phượng kể lể:
-
Bữa mô chị Giao ở lại ngủ với bé, kể chuyện cho bé nghe nhé! Ở nhà chị
Nguyện dữ lắm, ngủ với chị ấy, bé bị đạp xuống giường hoài hoài.
- Em vuốt tóc Bích Phượng:
- Rứa hở. Tội nghiệp bé tôi ghê. Để chị đánh đòn Như Nguyện mới được.
Em đuổi Như Nguyện chạy nhắng nhít. Nhỏ cáu la:
- Con ni giỡn vừa vừa đó. Sập nhà tau chừ.
Vui ghê!
*
- Giao nè, sao cháu khóc hoài vậy? Cháu có biết như vậy là hại cho mắt lắm không?
Giọng
u Thục chùng xuống đầy mật ngọt yêu thương. Dáng u ngồi già nua, gầy
yếu dưới ngọn néon hắt hiu. Màu thời gian đã biến đổi tóc u ra vẻ khắc
khổ. Đôi môi khô cằn chưa một lần chứa đựng nụ cười mãn nguyện. Em chẳng
đáp, tiếp tục gục đầu nức nở.
U giận cháu bây chừ. Cháu không thương u hở Giao? Vâng lời u không? Ừ, được rồi u đi đây.
- U Hạnh.
Em
nhoài người ra gọi. Chỉ có tiếng của đôi vành khuyên đáp lời. Còn u
Hạnh thì không trở lại. U ghét cháu rồi. Không ai yêu cháu cả. Buổi
chiều ngồi nghe gió bấc mong manh thì thầm, em buồn ghê gớm. Tờ thư nhàu
nát, được em đọc đi đọc lại chẳng biết bao nhiêu lần. Vẫn giọng văn cố
hữu, bố viết:
-
"Giáng sinh này không về thăm con gái được, bố phải theo chiếc tàu
"thuận khanh" đi Phú Quốc. Gửi cho con gái món quà nhỏ ni, bông hồng cài
áo có ảnh hình mẹ Maria chắc Đông Giao thích lắm nhỉ! Bố gửi bác Tấn
mua ở Hong-Kong đấy. Bằng lòng nhé cô bé."
Hôn con gái yếu đuối,
Bố: Trần Hoàn Kiếm
Lá thư với nét chữ xa lạ. Chắc bố nhờ cô Nguyệt – thư ký – viết
hộ. Bố nào có nhớ đến con. Bố thương những chuyến tàu hơn Đông Giao cơ
mà. Me nữa. Bà bỏ đi biền biệt từ sau cuộc cãi vã mí bố.
... "Ông ích kỷ lắm. Ông là một người nhỏ nhen.
Bà biết gì mà nói..."
Em
ù cả tai. Con gái không muốn nghe chi hết. Bây chừ con gái chỉ cần tình
thương. Mùa đông rét lắm, buồn nữa. Con gái sợ lẻ loi, sợ cô đơn. Nhiều
đêm mưa to nằm một mình trong căn phòng nhỏ, con thổn thức để nước mắt
lăn dài ướt đẫm rèm mi. Nghe côn trùng gọi tên mấy mươi lần trong giấc
ngủ miên triền ác mộng.
Bố
ơi! Noel đến rồi đó. Năm nay gia đình mình không đi lễ nhà thờ, không
về Đà-lạt tìm lại hương ấu thời hở bố? Ông Noel cao cả và gần gũi với
trẻ con nhất, bé chả thích có quà đẹp đâu, bé chỉ muốn ông ban xuống một
phép mầu nhiệm khiến bố mẹ trở về với bé.
Mẹ ơi, bố ơi, người có nghe con gái gọi tên chăng?
*
Dù
u Thục khuyên lơn và Như Nguyện vỗ về an ủi, em vẫn còn buồn. Nỗi muộn
phiền chẳng thể nguôi ngoai được. từng tờ lịch bóc dần. cuối năm dương
lịch. Giáng Sinh đến. Mọi người chúc tụng. Carte Noel, happy new year
gửi đến nhà như bươm bướm lượn. Nhưng em chẳng có chi. Tình thương, vô
nghĩa. Nhiều ý nghĩ dại dột đến trong đầu óc bé con. Tự tử. Hai tiếng ấy
vang lên đều đều ở tâm thức. Bài học công dân đầu đời như nhắc nhở – chỉ có những kẻ hèn nhát mới quyên sinh để trốn tránh cuộc sống.
- Giao ơi, có nhà không nè?
- Nguyện đó hở? Vào chơi cô bé.
- Nhà ngươi trang hoàng phòng ni đẹp rứa. Chỉ tau cách cắm hoa Nhật Bản nghe mi.
Em kéo tay Như Nguyện, cô bé bỏ nhánh hồng nhung lên bàn. Rồi tưởng chừng Như Nguyện là một người thân, em kể hết tâm sự mình.
- Tau có cách ri, thế nào thầy mạ mi cũng trở về với con gái.
- Răng, nói ta nghe đi.
- Thế này...
Như Nguyện lau khô những giọt nước lóng lánh đọng trên bờ mi em.
- Thôi chừ không buồn nữa nghe. Tụi mình cắm hoa chơi.
*
Thảo Trang ba me 24-12-197...
Như Nguyện thương rất thương,
Mình
về ngoài ni được ba ngày rồi đó. Nhớ Sàigòn, trường lớp, bạn bè, nhất
là Như Nguyện không thể diễn tả được. Nằm ngủ mí me mà cứ ngỡ như hôm
nào với Như Nguyện. Cám ơn cô bé thật nhiều đó nghe. Nhờ Nguyện giả vờ
điện tín nói dối với ba me mình là con gái ốm sắp chết, nên người hốt
hoảng trở về. Nguyện biết không? Đông Giao đã nức nở gục đầu trong vòng
tay âu yếm của mẹ hiền. Nhìn vóc dáng thương sầu của ba tội ghê. Con gái
yêu ba me. Con gái muốn sống với ba me. Nước mắt con gái đã cảm được
lòng người. Ôi, sung sướng thay giờ phút mình cầm tay ba đặt vào tay me.
Hai người âu yếm tha thứ cho nhau.
Ba
me đem mình lên Bảo Lộc tìm lại hương ấu thời suốt lễ Giáng sinh này.
Mùa đông chừ có rét bấy nhiêu đi nữa mình cũng chả sợ. Vì Đông Giao đã
có lửa tim gia đình soi sáng rồi Nguyện nhỉ!
Quê
hương mù sương thật đẹp. Nó ấp ủ gia đình mình bằng những hồi chuông
đêm thánh thiện, bằng tiếng reo của lũng thông say sưa ngủ. Trê đỉnh
bình yên này, mình tin chắc sẽ được sống trong yêu thương miên viễn với
thời gian.
TRƯƠNG THỊ NGỌC DUNG
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 16, đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 20-12-1971)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com