Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

NGHỆ THUẬT ĐỌC SÁCH - André Maurois


Đọc sách có phải là làm vui không? Nhà văn Galéry Larbaud gọi là một "thói xấu không bị phạt", còn triết gia Descartes thì trái lại cho rằng đọc sách là "nói chuyện với những người thành thật nhất của các thế kỷ đã qua".

Lối đọc sách thói xấu là riêng những người tìm thấy ở đây một thứ thuốc phiện để thoát cuộc đời thực tế, đắm mình vào trong thế giới tưởng tượng. Những người ấy không thể ngồi không một phút không đọc. Đọc gì cũng được. Họ tình cờ mở ra một cuốn bách khoa rồi đọc bài nói về kỹ thuật về thủy mạc cũng say sưa như một bài nói về máy móc. Để họ một mình trong phòng, họ đi thẳng đến bàn có tạp chí, bào, rồi đọc bất kỳ những gì trong ấy, không chịu ngồi yên một lúc để suy nghĩ. Họ không tìm kiếm trong sự đọc tư tưởng hay sự việc gì cả, mà chỉ đọc để khỏi nghĩ đến cuộc đời, đến tâm trí của họ. Những gì đã đọc qua, họ chỉ nhớ phơn phớt, lộn xộn. Đối với họ, sự đọc sách của họ có tính cách hoàn toàn thụ động. Họ bị sách báo lấn áp, không nhờ đấy mà suy luận, thâu thái gì được và cũng không còn ghi nhớ những gì bổ ích cho tâm trí.

Lối đọc sách tiêu khiển hoạt động hơn. Đọc sách để tiêu khiển, người đọc tiểu thuyết tìm kiếm ở trong sách những cảm tưởng đẹp, những kích thích, thức tỉnh tư tưởng của mình, hoặc những phiêu lưu không có trong đời thực tế. Đọc để tiêu khiển, người đọc thích tìm ra những nhận xét, cảm giác của mình qua các nhà văn đã biết diễn tả một cách đầy đủ, tài tình. Đọc để tiêu khiển, người đọc muốn biết đến sự băn khoăn của con người qua các thế kỷ. Lối đọc sách để tiêu khiển là lành mạnh.

Lối đọc sách làm việc là của người tìm kiếm những hiểu biết nhất định, những tài liệu cần thiết ở trong sách mà tâm trí mình muốn bồi bổ thêm vào, hay để hoàn thành một công trình tinh thần đang xây dựng. Lối đọc sách làm việc, cần phải cầm viết sẵn ở tay để ghi chép, nếu người đọc không có trí nhớ phi thường. Đọc sách mà mỗi lần muốn trở lại vấn đề trong sách lại phải đọc lần nữa thì phí phạm thì giờ quá. Tôi xin phép cử một thí dụ về tôi. Mỗi lần đọc một cuốn sử ký hay một cuốn sách đứng đắn nào, luôn luôn tôi ghi lại ở đầu trang hay cuối trang sách vài dòng nói những vấn đề cần yếu đã nêu ra, rồi số các trang chỉ những đoạn tôi có thể tra cứu khi cần đến, mà khỏi phải đọc lại cả cuốn sách. Đọc sách cũng như mọi công việc phải có phép tắc riêng.

Đây là vài khoản:

Điều thứ nhất, là nên biết thấu đáo vài nhà văn và vài vấn đề hơn là biết hời hợt rất nhiều tác giả. Những vẻ đẹp của một tác phẩm thường cũng không lộ hẳn rõ rệt ngay lúc đọc qua lần đầu tiên. Trưng tuổi thanh niên nên đến với sách cũng như đi vào cuộc đời để tìm bạn. Khi đã tìm ra các bạn, chọn lựa, thích hợp rồi thì nên cùng các bạn lui về chỗ yên tĩnh. Thân mật với một số tác phẩm của vài nhà văn thích đáng cũng đủ làm cho cả một cuộc đời được dồi dào.

Điều thứ hai, là trong việc đọc, phải dành một phần lớn cho các tác phẩm trứ danh. Lẽ phải và cũng là lẽ cần thiết và tự nhiên, nên chú trọng đến những nhà văn cùng thời đại mình. Chính trong các nhà văn đó mà chúng ta hy vọng tìm thấy những người bạn có những băn khoăn, những nhu cầu như chúng ta. Song đừng để cho làn sóng của những cuốn sách ít giá trị xâm chiếm lấy mình. Số những tác phẩm danh tiếng rất nhiều, không bao giờ chúng ta biết hết được. Chúng ta hãy tin cậy ở sự chọn lựa của các thế kỷ đã qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm, nhưng cả nhân loại không thể lầm. Homère, Shakespeare, Moliẻre chắc chắn là những người xứng đáng với danh tiếng của họ. Chúng ta sẽ chuộng các tác giả này hơn là các nhà văn chưa chịu sự thử thách của thời gian.

Điều thứ ba, là biết chọn thức ăn tinh thần. Mỗi một tâm trí có một thức ăn riêng. Chúng ta nên học nhận ra những ai là tác giả của mình. Họ khác hẳn với những tác giả của bạn bè chung quanh. Trong văn chương cũng như trong tình yêu, ta phải ngạc nhiên vì sự chọn lựa của người khác. Chúng ta cần trung thành với các tác giả đã thích hợp với mình. Về phương diện này, chúng ta mới là những người xét đoán đúng nhất.

Điều thứ tư, là trong khi đọc sách, bất kỳ lúc nào có thể được, nên có một không khí trầm lặng, trang nhã, như trong một cuộc hòa nhạc hay một buổi lễ long trọng. Đọc sách không phải là xem một trang, bỏ đấy để nói chuyện, rồi cầm lại sách trong khi tâm trí còn vẩn vơ, xếp lại để đến ngày mai. Người biết đọc sách để ra những buổi tối nhiều thì giờ yên tĩnh. Họ để dành cho một tác giả yêu mến một buổi chiều chủ nhật mùa đông. Trong khi du lịch bằng xe lửa, họ có dịp đọc lại một hơi cuốn tiểu thuyết của các tác giả giá trị, thích thú khi thấy lại một vài câu, vài đoạn mến yêu.

Điều thứ năm, là phải tỏ mình xứng đáng với các tác phẩm lớn, vì đọc sách cũng như yêu đương, người ta chỉ tìm thấy những gì mình đem lại. Các sách diễm tình chỉ làm cho những người thiên về tình cảm ưa thích, hay là những thanh niên còn đang hy vọng, thắc mắc tình yêu chớm nở. Không gì cảm động bằng thấy một thanh niên, năm rồi chỉ đọc những chuyện phiêu lưu, trinh thám, bỗng nhiên thay đổi sở thích, cầm đến Anna Karénine, vì từ đây họ biết thế nào là hạnh phúc và đau đớn của tình yêu.

Nghệ thuật đọc sách một phần lớn là nghệ thuật tìm lại cuộc đời trong sách và nhờ sách mà hiểu thêm cuộc đời.


ANDRÉ MAUROIS    
 Hàn Lâm Viện Pháp     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 21, ra ngày 2-1-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com