Đường
quốc lộ thẳng tắp trải mình giữa đồng lúa mênh mông vắng vẻ. Chiếc xe
ca lao đi vùn vụt như muốn bù lại những khi chạy lừng khừng trong thành
phố.
Ngọc
nhìn no mắt phong cảnh hai bên vệ đường. Nàng quay lại tìm cái thú
trong sự quan sát những bạn đồng hành. Ngọc chú ý ngay cô gái trạc tuổi
mình ngồi ở hàng bên. Cô ta có vóc dáng mảnh mai, mái tóc thề và cặp mắt
đen láy trên khuôn mặt trắng mịn thật ưa nhìn.
Xe dừng lại nhận thêm khách, Ngọc sang băng kia ngồi cạnh cô gái, cô ta mỉm cười dịu dàng:
- Chị về đâu?
- Dạ tôi đến ấp Thanh Khúc, còn chị?
Cô gái reo lên trong tiếng nói:
- Tôi cũng thế!
Ngọc kể lể:
- Ngoại tôi ở đấy, được tin bà khó ở trong mình, tôi vội về thăm. Chị cũng có bà con ở Thanh Khúc sao?
- Không, gia đình tôi ở đấy, còn tôi lên tỉnh học lớp Huấn nghệ. Tôi tên Thảo...
Ngọc reo lên:
- Tên Thảo đẹp quá. Còn tôi là Ngọc.
Thảo hóm hỉnh:
- Bích Ngọc!
Ngọc kinh ngạc:
- Ủa Thảo biết mình sao?
- Có gì đâu, cái phù hiệu trên ngực Ngọc cho Thảo biết đó mà.
Ngọc làm một cử chỉ vui vẻ:
- À ra thế.
Thảo chợt đổi giọng:
- Vì gia đình nghèo, không được tiếp tục cắp sách đến trường như Ngọc, Thảo tiếc lắm.
Ngọc an ủi:
- Riêng Ngọc, Ngọc thấy học nghề ứng dụng có ích hơn trong thời buổi này đấy.
Thảo nhìn Ngọc đầy vẻ biết ơn:
- Ngọc về Thanh Khúc bao lâu?
- Vài ba ngày thôi Thảo ạ, sắp khai trường rồi.
Xe đỗ bến... Chợ quận vẫn không có gì thay đổi. Thấy Thảo mang những hai xách lớn, Ngọc giành lấy một cái:
- Để Ngọc giúp một tay nào!
Đường vào ấp quanh co uốn khúc. Hai bên lề cây hoang hoa dại chen nhau vươn lên, bổ ra như muốn nghe hai cô gái nói chuyện.
Trước khi rẽ vào lối nhỏ, Thảo ân cần dặn Ngọc lần nữa:
- Nhớ sang nhà Thảo chơi nhé! Cứ vào con đường xóm này hỏi nhà Thảo thì ai cũng biết cả.
Ngọc vẫy tay chào người bạn mới, lòng thấy vui vui.
Cu Tí đang đứng chơi đầu ngõ chợt trông thấy Ngọc, nó reo lên:
- A! Chị Ngọc về ba má ơi.
Cậu
mợ Phan và Duyên chạy ra. Ngọc mừng quá a lại ôm chầm lấy mọi người.
Ngọc nắm tay dắt Cu Tí vào cổng miệng không ngớt trả lời những câu hỏi
thăm của cậu mợ và em Duyên, con gái của cậu Phan.
Ngoại đã lại sức, bà kéo Ngọc vào lòng vuốt ve:
- Thằng Lâm con Mỹ sao không về thăm ngoại?
-
Dạ tụi nó nhập học rồi ngoại à, nghe tin ngoại bệnh con vội về ngay, ba
con đi công tác chưa xong. Tết này cả nhà sẽ về thăm ngoại và cậu mợ.
Mợ Phan vui vẻ ra lệnh:
-
Con Duyên đâu? Ra nhổ vài bụi sắn. Tí! Rang đậu phọng đâm muối ăn với
sắn. Còn anh Phan nữa! Xách vợt ra hồ vớt vài con cá thật mập thết cháu
Ngọc nào.
Cậu Phan làm bộ nhăn nhó:
- Còn em thì sao?
Mợ dẩu môi, mắt lườm cậu một cái thật dễ yêu:
- Em ngồi nói chuyện với cháu đấy. Có sao không?
Cậu Phan vò đầu:
- Cũng... chả sao cả!
Cả nhà cười ầm lên. Mợ đứng dậy:
- Nói vậy chớ em còn phải làm gà nữa chớ.
Ngọc thấy gia đình ngoại ấm cúng quá, nàng sung sướng, nhẹ nhàng.
- Mợ ơi, ăn gì cũng được, làm gà chi cho mệt.
Mợ vuốt tóc Ngọc:
- Phải vui những ngày sum họp chứ. Mai nữa lấy chồng xa còn đâu có dịp chung bữa với cậu mợ?
Ngọc đỏ mặt thẹn thùng nép vào lòng mợ:
- Cháu còn bé mà!
Cả nhà lại cười, mà lớn nhất là cậu Phan.
Ngoại lại thêm:
- Cháu tôi 18 tuổi rồi, có chồng là vừa.
Ngọc la lên:
- Ngoại! Ghét ngoại rồi đó.
Lát
sau Ngọc đi ra vườn sắn giúp Duyên. Bỗng Ngọc nghe tiếng sao vi vu theo
gió đưa nhẹ vào tai. Nàng lắng nghe âm thanh não ruột chập chờn như lời
than oán triền miên. Cung bậc réo rắt thê lương theo gió khi rõ khi mơ
hồ như muốn chở chất, gửi gấm một tâm sự sầu bi, một tiếc nuối thiết
tha.
Ngọc
xao xuyến trong lòng, chưa bao giờ nàng được nghe âm thanh tuyệt vời
của nhạc cụ này như thế. Có lẽ cũng tại ngoại cảnh đã đánh thức niềm
rung động mãnh liệt nên tiếng trúc dễ dàng phả vào hồn Ngọc mối thiện
cảm. Ngọc nhớ vần thơ Thế Lữ:
Tiếng địch thổi đâu đây
Cớ sao mà réo rắt?
Lơ lửng đưa cao tận lưng trời xanh ngắt
Mây bay... gió quyến mây bay...
Tiếng vi vút như khuyên van như dìu dặt
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may
Ngọc
dò theo âm thanh tìm đến nơi phát xuất tiếng sáo. Đi mãi đến tận khu
rừng tre ấp Thanh Khúc Ngọc nhìn thấy một người con trai ngồi xây lưng
về phía Ngọc đang say sưa với âm thanh. Khu rừng tre cũng như im nghe
tiếng lòng thổn thức của người trần thế. Nhận thấy cần phải tôn trọng
giây phút đó, Ngọc nhẹ nhàng trở bước ra lối cũ. Trong lòng người con
gái mang mang một cơn gió chớm lạnh đầu thu.
*
Sau
một đêm ngủ ngon ở thôn quê Ngọc thấy mình khỏe hẳn lên. Ngọc đi tìm
lại những dấu vết kỷ niệm của những năm qua trên mọi vật dụng, cây cối,
vách nhà của ngoại. Nét vẽ ngộ nghĩnh bằng than củi lên tường vôi vẫn
chưa được sơn quét lại. Nhà ngoại vẫn còn mang nhiều nét cổ kính, giữ
lại được một ít di sản xưa: nào sập gụ, trường kỷ, bình phong, đàn
tranh, tỳ bà. Tất cả d0ều cũ kỹ và bóng ngời bởi tay người.
Duyên, Tí đã đi học, cậu Phan đi dạy ở trường Trung học quận lỵ. Nhớ tới Thảo, Ngọc vào xin phép ngoại đi chơi.
Xóm
Thảo im mát dưới những hàng dừa san sát. Gặp mấy đứa trẻ đang ngồi chơi
buôn bán bên ven đường, Ngọc hỏi thăm nhà Thảo. Chiếc cổng tre mở rộng,
Ngọc chậm rãi đi vào. Nhà Thảo xinh xắn gọn ghẽ, trước sân có một bồn
hoa, chiếc bể cạn với hòn non bộ rêu phong.
Ngọc dừng lại ở bậc cửa hỏi vọng vào:
- Thảo ơi? Ngọc nè!
Có
tiếng lịch bịch rồi một cậu con trai vào khoảng 14, 15 tuổi đi ra. Nhìn
khuôn mặt, Ngọc thừa biết nó là em Thảo. Hắn mở lớn đôi mắt đen láy
nhìn Ngọc khẽ cúi đầu chào rồi đưa tay ra dấu mời Ngọc vào nhà.
Hắn
loay hoay pha nước mang lại. Ngọc cảm ơn, hắn chỉ mỉm cười. Ngồi đối
diện Ngọc, hắn âm thầm soạn giấy bút lên mặt bàn. Ngọc lên tiếng:
-Thảo có ở nhà không em?
Hắn
vẫn giương mắt nhìn Ngọc yên lặng, vẻ lúng túng thẹn thùng trông càng
giống Thảo. Mặc Ngọc ngạc nhiên, hắn cặm cụi viết. Lát sau ngửng lên
trao cho Ngọc, nàng đọc:
"Cô Ngọc,
Em
xin lỗi đã không kịp trả lời những câu hỏi của cô. Em mang một món nợ
trăm năm cô ạ. Vào thuở lên tám, sau một cơn bệnh khốc liệt em không còn
khả năng để thông cảm những người chung quanh bằng tiếng nói. Em phải
câm nín suốt cuộc đời, chỉ biết nói với chính mình và điều này làm em
mệt mỏi, căng thẳng bởi những tư tưởng không có lối thoát.
Chung
quanh em phần lớn người ta thường tìm nguồn vui trên nỗi buồn của em,
của một con người tàn tật, một kẻ xấu số. Xin lỗi cô, em lại mượn cô làm
lối thoát rồi đó. Vô lý quá phải không? Em cũng chưa trả lời câu hỏi
của cô: chị Thảo em đi chợ, ba má em đi làm hết.
Em
tên Minh, em còn có thính giác chị khỏi cần phải bút đàm. Vâng, em còn
nghe được, không biết đó là điều may mắn trong cuộc đời hay là phương
tiện nhận lấy những điều tủi nhục?"
Ngọc bàng hoàng nhìn Minh, người con trai sáng sủa, cân đối lại mang một món nợ trăm năm chua chát quá.
Ngọc
thấy mình bước vào đây như khơi lên niềm uất hận, đau khổ của Minh.
Muốn từ giã nhưng nghĩ lại việc đó có thể gây hiểu lầm cho Minh, nàng
nhìn Minh âu yếm:
- Chị xin lỗi làm phiền Minh. Minh hãy gọi chị bằng chị và xem như Thảo vậy.
Minh
à, em đừng bi quan quá mà không nên, vì nó chẳng đưa lại một kết quả
tốt. Em còn hơn nhiều người, em còn có khả năng làm việc, đầu óc minh
mẫn. Em phải vươn lên, vượt qua khó khăn tìm những việc làm thích hợp để
giúp mình, gia đình và cho cả xã hội nữa.
Ánh mắt Minh đầy vẻ biết ơn. Hắn lại viết và Ngọc đọc:
"Chị Ngọc,
Tại
sao chị lại xin lỗi em? Đáng lý ra công việc ấy phải là của em. Nghe
một mẩu tâm sự sầu não cũng bực mình lắm chứ, có phải không chị?
Cám
ơn chị đã vạch cho em con đường đi đầy ánh sáng. Em sẽ theo lời chị tìm
cách ươm đẹp cuộc đời từ lâu em cho là khốn khổ uất nghẹn. Chị cũng như
chị Thảo của em, đã cho em những an ủi tuyệt vời.
Có
lẽ em sẽ tìm một công việc hợp với khả năng để giúp gia đình và khỏi ăn
bám xã hội. Nhờ đó may ra em mới trốn chạy được những nỗi buồn vu vơ,
những tháng ngày vô vị đã qua trong cuộc đời câm nín đã ném em vào hổ
thẳm của tư tưởng.
Cám ơn chị lần nữa đó".
Đọc xong, Ngọc cảm động đến rưng rưng nước mắt. Nàng nắm lấy tay Minh dịu dàng:
- Chị vui ghê Minh ơi, đôi mắt trong sáng của em không còn vương đám mây mùa thu nữa...
Tiếng guốc vang nhẹ trên sỏi, Thảo với bộ bà ba ngộ nghĩnh nhanh nhẹn bước vào. Vừa thấy Ngọc nàng reo lên:
- Ủa Ngọc, trưa nay dùng cơm ở đây nghe bồ!
Thấy Minh vui vẻ Thảo cũng ngạc nhiên. Ngọc đỡ lấy giỏ chợ:
-
Cám ơn nghe. Nhưng mình phải về nhà ăn cơm vì không báo trước, thôi hẹn
bữa khác vậy. Nè nói cho mà biết, mình ăn nhiều lắm, hết phần của hai
chị em bây giờ!
Trong nhà lại vang tiếng cười. Thảo bảo Minh ra đồng gọi ba má về nghỉ ăn trưa. Minh đi rồi, Thảo thở ra:
-
Ngọc xem, thằng em mình thật khổ, nó mang tật nguyền hồi tám tuổi, gia
đình Thảo đã khóc nhiều về nó. Càng lớn lên, mặc cảm thua sút với đời
càng lớn và điều đó chỉ mang lại khổ tâm thêm.
Ngừng một lát, Thảo cúi đầu như một tín đồ đang cầu nguyện:
- Giả thử thay được số phận cho em, Thảo cũng cam lòng.
Ngọc bùi ngùi vuốt tóc Thảo:
- Chắc Thảo yêu em lắm. Vậy Thảo cố gắng giúp Minh vượt qua mặc cảm ấy để sống thanh thản hơn với đời.
- Vâng, Thảo cũng nghĩ như thế.
Sau một hồi chuyện trò, Thảo đưa Ngọc ra đường cái. Trước khi chia tay, Thảo dặn:
Bữa nào rảnh lên chơi nhé!
- Ừa, nhưng phải có quà cơ.
Hai đứa cùng phá ra cười.
*
Chiếc máy thu thanh mở nho nhỏ ở đầu giường làm Ngọc buồn ngủ lạ.
"Chiều hôm nay ta về
Em nghe bỗng rụng rời
..................
Giờ vui đời có vậy
Thoảng ngày vui qua rồi"...
Nữ ca sĩ có giọng bắc hát bài "Đi chơi chùa Hương" thật hấp dẫn. Tự nhiên Ngọc bật cười:
- Ngày mai ta cũng về rồi!
Hết cả buồn ngủ, Ngọc dậy rửa mặt, đi bách bộ lần cuối cùng trước bữa cơm tối.
Chợt
tiếng sáo lại văng vẳng bên tai. Ngọc nghe bồn chồn, băn khoăn. Nàng tò
mò muốn biết người chơi sáo đó. Sao chiều nào cũng ra khu rừng tre đầy
gai góc mà thổn thức não nùng.
Vẫn
dáng người ấy, vẫn say sưa với âm thanh. Bỗng tiếng sáo vút lên cao cao
mãi, Ngọc thấy khó thở rồi "rắc". Tiếng đổ vỡ khô khan chấm dứt điệu
buồn. Ngọc thảng thốt, người con trai đã bẻ gẫy thanh trúc tuyệt vời.
Hắn xoay mình đứng lên, Ngọc định lẩn tránh nhưng không kịp.
- Trời, Minh!
Qua giây phút bàng hoàng, Minh và Ngọc cùng ngồi bệt xuống vùng đầy lá tre khô. Minh lùa lá dành một chỗ đất trống. Ngọc hỏi:
- Sao em phá hủy thanh sáo? Em chơi tuyệt lắm, chị say rồi đó.
Minh âm thầm viết lên đất:
- "Chị quên rồi sao? Em vâng lời chị đi tìm lối sống lành mạnh và hoạt động hơn kia mà. Rất hân hạnh được khen lần cuối cùng.
Mai chị lên tỉnh rồi, em nhớ chị mãi mãi và kỷ niệm này em sẽ giữ gìn như một hương thơm của cuộc đời".
Bôi xóa hai ba lần mới hết câu nói, Minh ngửng lên nhìn Ngọc. Ngọc cũng ngồi im như một kẻ... câm.
Khu rừng tre lặng yên nghe tiếng nói trong lòng của đôi trẻ.
NHƯỢC MAI
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 144, ra ngày 1-1-1971)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com/
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com/