Tôi
trở về vào buổi sáng. Trời trong xanh cao vút và gió hây hây thổi.
Trong ánh nắng chói xen vào chút gió làm lạnh dễ chịu. Cái va ly trên
tay nặng chĩu những món quà. Bánh mứt cho con dì Mười, vài xấp vải cho
ngoại. Pháo đỏ, rượu nồng nằm yên trong va ly, đựng đầy như niềm vui đầy
ắp trong tôi. Năm nay tôi được về đây ăn tết như suốt quãng đời niên
thiếu tôi đã sống. Lớn lên, bỏ làng mà đi. Tìm về với những thay đổi.
Không còn nhỏ bé để chạy nhảy trong những cánh đồng, lội xuống suối bắt
cua. Tuổi nhỏ ra đi mất biệt, và tôi đã đổi thay như những gì thay đổi
nơi đây.
Con
đường nhỏ tôi đi giữa những con đê. Không còn một cọng cỏ xanh, một màu
xanh mát mắt của lúa. Mùa đông đã làm vàng cánh đồng. Cỏ xanh đã tàn
lụi, bám đầy bụi. Lúa đã gặt còn trơ gốc rạ vàng, nắng chiếu chói chang.
Bây giờ mà bước xuống ruộng thì phải biết, lúa cứa chân đau nhói. Chung
quanh tôi bây giờ toàn màu vàng, khô cằn nhưng mến yêu vô cùng. Chính
cái không khí kỳ lạ, những cánh đồng khô này đã thân ái nhắc cho tôi
biết mùa xuân đang đến. Tết đang đến. Thuở nhỏ đón tết náo nức vô cùng,
được nghỉ cả 2 tuần lễ tha hồ đi chơi. Về thăm bà con, đi qua những cánh
đồng tiếp nối. Bánh tét, bánh ú, mứt ăn không hết. Tiền nằm trong túi
áo reo vui mỗi lúc chạy nhảy. Những thú đó đã làm bọn học trò nhỏ mơ
ước.
Đi
qua gần hết những thửa ruộng, tôi chỉ thấy một người. Người đàn bà
gánh, một bên đựng gạo, bánh trái và tranh xuân hạ thu đông, một bên là
đứa nhỏ ngồi trong thúng. Thằng bé ăn bánh, tay kia cầm phong pháo. Nét
mặt rạng rỡ cười theo từng bước đi của người mẹ. Nhìn hình ảnh đó tôi
bỗng nghe vui lạ. Chắc là hai mẹ con đi bán ở chợ làng tôi. Lúc về mua
đồ ăn Tết và gánh thằng bé về. chắc nó còn những chị, anh nữa, chúng sẽ
xúm lại lục giỏ lúc mẹ về. Chia nhau từng cục kẹo dừa, thèo lèo. Chúng
nô đùa trước sân nhà đợi mẹ về. Ở đó có bàn thờ, có cành mai già nở đầy
hoa và hẳn là gia đình hạnh phúc lắm. Ý tưởng đó làm tôi thấy vui vui.
Tôi nhớ ngày rời làng, thuở đó đêm ngập tràn tiếng súng. Ruộng vườn nát
những dấu chân. Kẽm gai dầy đặc khắp làng. Gia đình tôi dọn đi trong
đêm, và từ đó đến giờ tôi chưa về lần nào. Năm nay, bất ngờ trong một
chuyến trở về, những dấu vết xưa xóa nhòa khiến tôi vui mừng. Tuy con
đường hơi vắng hơn ngày xưa nhưng sự an lành bao trùm. Tuy cánh đồng cỏ
buồn và khô cằn nhưng rồi mùa Xuân sẽ đến. Tôi nhắc thầm trong lòng "Hôm
nay là 28 Tết".
Qua
khỏi hàng loạt thửa ruộng nhỏ, tôi thấy thấp thoáng màn tre xanh. Ở đây
mỗi làng cách nhau xa bằng một cánh đồng bát ngát. Từ làng này nhìn
sang chỉ thấy lúa dầy mịt, và như thế mỗi làng như một khu rừng khép
kín. Lúc nhỏ ít khi tôi được rời khỏi làng. Vì vậy với từng hàng phượng
đầu làng, từng bụi tre khóm cỏ thảy đều thân thiết.
Hàng
phượng bây giờ khô cằn không còn một chiếc lá. Tôi thích cây phượng.
Nhưng là mùa hè có hoa đỏ thôi, bây giờ nom như bộ xương khô. Nơi đây
ngày xưa hai chị em tôi có một kỷ niệm khó quên. Chị tôi trèo cây hái
từng chùm phượng đỏ để đổi lấy cái lồng cho tôi. Thế rồi chị tôi bị té
từ trên cao xuống. Từ mùa hè đó, tôi bớt đi sự mê thích loài hoa này.
Tuy nhiên những cây phượng làm làng tôi nổi bật lúc hè khác hẳn những
làng khác. Và nó còn là vị trí tốt nhất để chỉ nhà. Nhà tôi ở đầu làng
qua khỏi hàng phượng vài thước, quẹo vô.
Bây
giờ, cũng như mọi mùa sương mù, cây chỉ còn trơ cành. Buồn bã. Những
căn nhà cũng buồn bã khiến tôi ngạc nhiên. Ngày xưa khu đầu làng nhộn
nhịp nhất. Căn nhà ông Phúc hình như bỏ hoang, tôi nhìn thấy rất nhiều
cỏ. Cỏ chen trong vườn hoa, bò theo vách, ló vào cửa. Hình như mùa đông
không làm ngừng tăng trưởng. Trái lại cỏ rất xanh, rất dầy khiến cho căn
nhà có vẻ bí mật. Ngày xưa nơi đây nổi tiếng đẹp nhất làng. Hòn non bộ,
vườn trái cây, vườn hoa dưới con mắt trẻ nhỏ đó là những gì rất sang
cả. Lũ con ông Phúc cũng cách biệt với chúng tôi. Tận trong ý nghĩ trước
khi về đến làng, tôi vẫn nghĩ rằng căn nhà này vẫn đẹp như ngày xưa.
Thế mà đã thay đổi hết. Hết rồi, cũng như ngày tháng hồng ngày xưa mù
xa.
Bờ
giậu nhà tôi có những cánh hoa bìm bìm. Trời nắng, làm héo màu tím. Bờ
giậu ngã thêm một tí, đóng thêm một ít rêu. Cành mai thật nhiều nụ, lấm
tấm vài cánh vàng tươi. Trong nắng, những đóa mai vàng phô trương tất cả
vẻ đẹp. Đó là hình ảnh của Tết mà tôi bắt gặp trong lần về thăm. Đằm
thắm, dịu dàng tình quê hương. Đó là mùa xuân của thiên nhiên. Căn nhà
vẫn như những mùa khác. Không thấy vôi trắng, câu đối, gà vịt chạy, lá
chuối phơi đợi gói bánh. Tôi nghe chung quanh tôi im lặng, tiếng trẻ con
nô đùa nghe xa xăm như từ một cõi nào. Cái va ly trên tay trùng xuống,
mồ hôi vã ra lúc tôi đặt chân lên thềm nhà. Không khí mát lạnh từ trong
hắt ra. Lạnh lẽo như một ngôi chùa trên đồi khuất kín. Những cây cột đen
bóng, ngạo nghễ như dọa nạt. Bộ bàn ghế không bám bụi, nhưng lại rất
lạnh lẽo. Tôi thấy trên tủ cẩn xà cừ, bức ảnh ông ngoại tôi mờ mờ. Tôi
đợi một tiếng động, một tiếng nói cười mừng rỡ. Tiếng hỏi quà bánh của
con dì Mười. Để phá tan bầu không khí thinh lặng vây bọc lấy tôi như một
màng lưới. Tôi dẫy dụa trong đó, run rẩy. Tại sao căn nhà vắng vẻ thế?
Tại sao không có tiếng người, trong nhà, ngoài đường làng? Tôi đặt tay
lên ngực, trấn tĩnh và bước vào nhà...
*
B D. ngày 14... tháng 2 năm 1972
Yên thân mến,
Trong
lá thư trước, tớ có nói năm nay sẽ về quê ăn Tết. Hứa sẽ kể cho cậu
nghe nhiều chuyện lắm. Thế nhưng chiều 29 tớ đã có mặt tại B D rồi. Buồn
ghê lắm. Trước đó tớ định sẽ đón giao thừa thật tuyệt diệu. Này nhé,
ngồi canh bánh đón giao thừa, thú không? Định sẽ đi lại khắp làng, thăm
lại những gì ngày xưa. Thế nhưng tớ chỉ được ở lại nhà ngoại có một buổi
tối. Sáng hôm sau chẳng được đi đâu xa, ngoại lo sợ nên cứ nhốt tớ ở
nhà hoài. Buổi chiều ngồi nhìn, thật buồn. Hồi đó tớ kể buổi chiều ở quê
vui lắm, đủ mọi trò chơi được mang ra. Thế nhưng chiều đó không có một
tiếng trẻ nhỏ, chỉ nghe xào xạc trong bờ giậu. Nhà ngoại còn vắng nữa,
chỉ có bà ngoại, dì Chín và đứa con nhỏ. Ngoại nói lúc này không yên lắm
đâu, ngày mai con về đi. Tớ nhất định ở lại đón giao thừa thì ngoại tớ
nói giao thừa chỉ có tiếng súng, rủi ro lạc đạn thì sao? Tớ đành phải
nghe lời, thế là tối đó ngoại vội vã nấu bánh. Ở đây trời lạnh lắm đó
Yên, nằm võng cạnh nồi bánh, đọc sách trong ánh lửa lập lòe thật thú.
Đêm lạnh, nằm thật ấm cúng. Tuy vậy, vẫn có tiếng súng và thỉnh thoảng
hỏa châu sáng cả vườn. Tớ nghe súng nổ nhiều cũng hơi run, cậu mà nghe
nổ dòn dã như thế chắc cũng đứng tim! Ngoại tớ bảo đêm nào hầu như cũng
thế. Nghĩ đến những người ở quê mà phục, Yên nhỉ? Tình thế đã vậy mà vẫn
bám víu mảnh đất, không bao giờ rời bỏ. Mỗi đêm nghe tiếng súng, , nhìn
vườn sáng từng chập. Không biết họ nghĩ gì?
Thế
là hôm nay tớ lại khăn gói trở về. Một vài món quà của ngoại, bánh
ngoại nấu đêm đó mà. Nhìn bà ngoại già nua đứng tựa cửa, tớ nghe buồn
sao đó. Rồi ngoại tớ, ngoại cậu, những người già sẽ chết. Chết và vùi
trong quê hương. Dù quê hương có chiến tranh, có tan nát ra sao đi nữa
cũng không bỏ đi. Quê cha đất tổ như một báu vật, như một người thân
thiết vô cùng.
Như
vậy là lời hứa sẽ kể về Tết ở miền quê hóa ra cuội, để tớ kể về những
ngày Tết lúc còn bé nhé. Dĩ nhiên, đối với tuổi nhỏ thì Tết là một ngày
trọng đại vô cùng. Kính cẩn, thiêng liêng làm bọn tớ đâm ra sợ sệt, hết
cả nghịch ngợm như thường ngày. Không dám làm bể ly, không quét nhà,
không đánh nhau... Tết như có phép màu làm thay đổi hết thảy, làm lòng
người trở nên vui vẻ, quảng đại hơn. Ngay từ hôm đưa ông Táo, đã thấy
Tết rộn rịp theo về. Ở đây nhà nào cũng có mai, có vạn thọ vàng. Cậu có
thấy một vườn vạn thọ chưa? Đẹp lắm, hoa vàng tươi đầy sinh lực, lá xanh
ngắt. Nhất là lúc có cô nào đang tưới thì khung cảnh dễ thương vô cùng.
Nước trắng xóa rơi đều trên từng cánh hoa, đọng lại óng ánh như những
hạt sương. Còn những cành mai trồng ở trước nhà càng đẹp hơn nhiều. Ở
quê tớ, hầu như nhà nào cũng có một gốc mai, dù năm đó tình thế ra sao
đi nữa, mai vẫn ra hoa vàng rực rỡ. Nhà nào cũng sơn phết lại, treo câu
đối đỏ, dựng nêu. Bàn thờ đầy trái cây, ngày xưa tớ cùng vài đứa bạn
chiều 30 rủ nhau đi khắp làng. Để ngắm bộ mặt mới của làng, để chấm nhà
nào đẹp nhất. Buồn cười quá, phải không Yên?
Đêm
giao thừa là đêm vui nhất. Bọn nhỏ được đi chơi suốt đêm. Trong một quê
hương chiến tranh, được tự do đi một vài đêm thôi, quả là hạnh phúc vô
ngần phải không Yên? Bọn tớ chạy khắp nơi, đốt pháo, ca hát khản cả cổ.
Nhà nào cũng thức ăn thật nhiều, đi chơi rông sáng về nhà, sửa soạn cúng
ông bà. Nồi bánh nấu từ chiều được vớt ra, mang lên bàn thờ. Thuở đó,
giao thừa không có tiếng súng. Chỉ có đủ các loại pháo được đốt lên. Một
năm mới bắt đầu, mọi người chờ đợi tiếng động gì xảy ra phút vừa sang
năm mới. Tiếng chó sủa, gà vịt kêu... mang lại niềm tin thịnh vượng. Một
năm mới bắt đầu, mọi người cầu nguyện cho gia đình, cho quê hương mau
hòa bình. Thế mà đã được gần mười năm, lời nguyện cầu vẫn được nhắc đến
mỗi giao thừa, buồn quá ha cậu?
Viết
đến đây mỏi tay rồi, cho phép ngừng nhé. Bây giờ là buổi sáng, ngày 30
tháng chạp. Ngày cuối cùng của một năm. Tớ mong rằng chuyện năm qua
chúng ta sẽ quên hết. Nhớ làm gì những chuyện buồn bã đó cậu nhỉ? Rồi
sang năm sẽ nhiều may mắn mà tớ mong một ngày nào đó, tớ, cậu, bạn bè sẽ
về quê tớ ăn Tết. Trời mùa xuân, nắng mùa xuân, đạp xe đạp về quê. Ôi
buồn, chẳng biết chừng nào mới được như thế! Tự dưng tớ bỗng muốn được
về quê vào đêm giao thừa. Không ai hay trước. Đêm lạnh. Bếp lửa ấm cúng
biết bao!
Nãy
giờ cà kê dê ngỗng mãi chẳng xong gì cả, nếu tớ chẳng mỏi tay thì viết
hoài đến chiều vẫn chưa hết. Hẹn gặp nhau sẽ nói nhiều. Chúc cậu ăn Tết
vui vẻ.
Thân ái
TRẦN PHÚC DUY.
*
Bây
giờ là buổi sáng. Một sáng mùa xuân. Ngoài cửa sổ bàn học tôi, những
chiếc lá đỏ chói ánh nắng. Những chiếc lá xanh mát, những đóa mai vàng
tươi. Bầu trời xanh, gợn vài thoáng mây trắng. Chung quanh tôi thảy đều
vui tươi, tất cả tràn hy vọng. Rồi ngày mai, ngày mới của một năm. Ngày
mai đẹp như cảnh vật chung quanh tôi. Rồi năm sau tôi sẽ dẫn bạn bè về
quê ăn Tết, đón giao thừa vì lúc đó đã hết chiến tranh. Hy vọng xanh
ngát như bầu trời sáng nay. Một sáng mùa xuân.
– DUY NGUYÊN –
(bút nhóm hoa nắng)