Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH - Minh Quân


Cậu bé có một cái tên rất Việt Nam: Lê-văn-Lộc! nhưng dáng dấp, nét mặt thì tây đặc. Trước khi lên tàu hai hôm, tôi gặp mẹ cậu ở hãng máy bay. Tôi còn đang ngạc nhiên về câu hỏi của bà ấy và chưa kịp trả lời thì em tôi đã nhanh nhẩu đỡ lời:

- Bà này không về Sài-Gòn nhưng mà... con trai của bà về, nó còn bé nên bà đang lo nó đi có một mình dọc đường... Lúc nãy chị vào ghi vé em trót nhận lời bà, rằng: chị tôi sẽ giúp... chị vui lòng chứ? Cũng hay đấy nhá: chị đang kêu nhớ các cháu ở nhà, mà chú bé thì sắp xa mẹ, em tin rằng... (em tôi nheo cả hai mắt cười lên) đây là một dịp tốt cho... cả hai!

Không do dự một giây nào, tôi sốt sắng nhận lời đề nghị đó và hỏi lại:

- Cháu lên...

Người mẹ không đợi tôi hỏi hết, đáp liền:

- Thưa, cháu lên chín. Cháu biết cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. May quá, gặp bà đây, tôi yên lòng lắm, tôi đang cuống lên. Cảm ơn bà và cậu nhiều lắm.

- Xin bà đừng quan tâm, có cháu, chị tôi càng vui...

Em tôi tươi tỉnh nói và chợt ngừng lại quay về phía tôi, hỏi:

- Này, có chắc chị về cùng chuyến với chú bé không đấy?

Tôi và mẹ cậu bé cùng chìa vé ra trước mặt em tôi. Người đàn bà reo lên:

- Đúng là cùng một chuyến! (bà đưa tay bắt tay tôi) May quá! Hết sức may! Xin chào bà, xin hẹn bà ngày mốt trên phi trường Orly.

Hai chị em tôi đều lặp lại:

- Vâng! Chào bà! Ngày mốt, trên Orly.

Nhìn theo bà ta, tôi không khỏi tò mò, thương cảm. Đó là một thiếu phụ người Pháp, trẻ hơn tôi, nét mặt thanh nhã song nom có vẻ hoảng hốt và mệt nhọc. "Tại người ta gần ngày ở cữ nên thế." Em tôi đưa ra một nhận xét mà cậu cho là rất tinh vi, xác đáng. Nhưng tôi, tôi không tin vậy. Tôi bị ám ảnh bởi bàn tay luôn luôn đưa lên gạt mồ hôi trên trán của bà ấy.

*

Cân hành lý xong, tôi nhìn quanh vẫn không thấy thiếu phụ và người con trai "biết hai thứ tiếng" đâu. Tôi ngỏ ý băn khoăn và em tôi cũng tỏ ra sốt ruột. Thình lình, có tiếng reo khẽ sau lưng làm tôi giật mình quay lại: Thiếu phụ đưa bàn tay ướt đẫm bắt tay tôi, nở một nụ cười buồn, giới thiệu Lộc với tôi. Cậu bé mới xinh xẻo làm sao! Hai má hồng hào, làn da mịn màng, mũi thẳng, mắt nâu và mỗi khi cười hai lúm đồng tiền lộ rõ trông càng dễ mến. Lộc dạn dĩ bắt tay tôi, chào bằng tiếng Pháp. Trông khác hẳn mẹ, Lộc không chút gì bối rối, buồn rầu. Nó cười nói luôn mồm và đứng cạnh mẹ, màu hồng trên da nó càng làm tăng thêm màu tái trên mặt người thiếu phụ. Một bà cụ hao hao giống mẹ Lộc, tóc trắng như cước đang bưng mặt rưng rức khóc.

- Đừng khóc! Mẹ!

Thiếu phụ vừa mở ví lấy khăn tay lau mồ hôi vừa an ủi mẹ, giọng nghẹn ngào. Bà cụ vói tay kéo Lộc vào lòng, lặng lẽ hôn lên mớ tóc vàng hoe của cháu, nước mắt giọt, giọt không ngừng...

*

Dù mẹ nó đã gửi gấm cho tôi, Lộc vẫn "không cần" tôi hướng dẫn, nó lanh chân chen trong đám hành khách về miền Đông, đi ra sân trước. Khi tôi dặn dò và từ biệt em tôi cùng bạn bè xong, quay lại tìm nó thì không thấy nó đâu. Mẹ nó hốt hoảng hơn bao giờ hết, lách đám đông chạy lại bên tôi nhờ tôi chốc nữa lên tàu trao lại nó một cái xắc tay màu nước biển, mặt bà nhòe đi trong nước mắt, nói lời gửi gấm cuối cùng. Tôi cố tìm cách trấn tĩnh bà ta và lặp lại lời hứa trước khi ra sân.

Lên máy bay Lộc lại ngồi cạnh tôi. Vẫn dáng bộ đĩnh đạc, vô tư, nó nhận cái xắc tay và cũng cảm ơn tôi bằng tiếng Pháp. Rồi nó bắt đầu nói chuyện liến thoắng, nó cho tôi biết là nó sang Pháp nghỉ hè với mẹ, giờ trở về Việt Nam ở với cha. Tôi giữ ý sợ nó buồn nên không hỏi han gì, song nó kể phăng mọi việc. Mỗi lần múa may - mà Lộc không chỉ kể bằng miệng, nó còn kể bằng điệu bộ nữa - đụng nhằm chân, thúc vào hông tôi, cậu bé lại có vẻ hối hận, nên dừng lại, bỏ dở câu chuyện, ân cần hỏi:

- Tôi làm bà đau? Tôi xin lỗi nhé!

Dĩ nhiên, tôi lập tức trả lời là Lộc nên yên tâm, tôi không đau lấy một ly nào, để chú bé yên lòng kể chuyện. Thế là Lộc lại múa may như trước, nó nói mau cho đến nỗi có khi tôi không nghe kịp, nhưng không muốn cắt ngang, tiếng nó trong, vang lên như tiếng suối theo một âm điệu thật êm tai.

Trái với lệ thường, máy bay đã nổ máy rồi, hành khách đã buộc dây lưng an toàn rồi, nhân viên phi hành ai vào chỗ nấy hết, họ lại thay đổi giờ bay chỉ vì có vụ lộn xộn đâu bên... Ấn Độ!

"Chậc! Người lớn gì mà hay đánh nhau quá! Y như trẻ con!" Lộc nhún vai phê bình một câu ra vẻ rất bực mình. Hành khách náo cả lên, song rồi cũng "đâu vào đấy cả" sau khi có tiếng cô chiêu đãi viên mời hành khách xuống phi trường ăn trưa.

Tôi nắm tay cậu bé đứng lên. Lộc phàn nàn: "Ăn làm chi? Ăn tốn tiền thêm." Tôi vội cắt nghĩa cho Lộc biết là hành khách sẽ được ăn no mà không phải trả một đồng nào hết, dù là chỉ trả tiền bánh ngọt.

- Phải! Họ làm mất thì giờ mình quá mà, bộ chuyện chơi sao? Còn đòi tiền sao được, tôi cũng nghĩ vậy.

Lộc lên giọng sành sỏi khi đi song song cạnh tôi.

Vào phòng ăn, tôi để Lộc chọn bàn. Lộc lựa ngay cái bàn vuông có hai sinh viên Ấn Độ rất trẻ. Lộc cho tôi biết tại sao:

- Tôi rất ghét ngồi bên đàn bà, đàn bà họ hay nói, hay hỏi, tò mò quá, đàn ông với nhau vui hơn...

Đang ngon trớn, cậu bé bỗng "hãm phanh" vì biết mình lỡ lời, chữa:

- Tôi xin lỗi, tôi làm phiền bà chắc? Tôi không có định chê bà, đó là tôi nói...

Tôi vội vàng biểu đồng tình:

- Lộc nói đúng lắm. Tôi cũng giống như Lộc, lúc nhỏ tôi ghét đàn bà lắm!

Thế là Lộc vui vẻ, yên lòng kết bạn với hai thực khách cùng bàn. Chỉ trong nháy mắt, chuyện đã nở như ngô rang. Hai anh chàng Ấn Độ há hốc mồm ra thán phục cậu bé "đi nhiều hiểu lắm" thật tình. Một anh nói:

- Con bà thật tuyệt, hồi tôi bằng  cậu áy, tôi ngu lắm kia.

- Ơ! Anh nhầm đấy! Em đâu phải con bà ấy? Chúng tôi là bạn đồng hành mà!

Hai anh chàng tắc lưỡi như thạch sùng trước một cậu bé lịch lãm, từng trải: mới chín tuổi mà đã viếng La Mã, Luân Đôn trong một mùa hè, kể chuyện Venise, Veronne nghe vanh vách...

Trong lúc ăn, Lộc vô ý giây nước "ra-gu" ra khăn, cậu có vẻ xấu hổ làm hai sinh viên Ấn phải vờ quay đi, không nhìn thấy, còn tôi thì tôi phải an ủi:

- Lộc phải biết con tôi ở nhà mỗi bữa ăn còn làm đổ gấp năm lần như thế ấy chứ lại, đâu được như Lộc.

để Lộc yên lòng.

Sau bữa ăn, trở lên tàu, Lộc không ngồi cạnh tôi nữa mà chọn một trong hai sinh viên Ấn. Vội vàng thế nào, Lộc lại giẫm lên chân tôi, song nóng theo bạn mới, lần này cậu bé quên câu xã giao lịch sự mà chỉ cười trừ.

Thỉnh thoảng, Lộc ngừng trò chuyện, lại gần tôi, lễ phép mượn cái lược chải tóc, hoặc trịnh trọng báo tin rằng: "Tôi đi xuống phòng vệ sinh, bà đừng lo."

Tuy ngồi xa, thỉnh thoảng từ ghế trên Lộc quay xuống cười với tôi, ý muốn nói: "Bà thông cảm, cháu cũng mến bà lắm nhưng đang vui câu chuyện."

Sáng hôm sau hai sinh viên Ấn Độ xuống tàu. Lộc yêu cầu tôi đi với nó tiễn hai bạn ra xe ca.

Lần này trở lên tàu, cậu bé ngồi cạnh tôi và không quên mượn cái lược để chải tóc lần nữa.

Khi sắp đến Tân Sơn Nhất tôi hỏi em:

- Có ai ra đón Lộc không? Nếu không tôi sẽ đưa em về nhà...

Cậu bé nhanh nhẩu:

- Bà đừng lo, có ba cháu. Ba cháu sẽ ra đón. Cảm ơn bà!

Lộc nói tiếng Việt rất thành thạo, giọng miền Nam, trong, ấm và ngọt ngào. Tôi hết sức ngạc nhiên, vì hai hôm nay trên tàu nó không bao giờ dùng tiếng Việt khi trò chuyện. Tôi không nén được tò mò:

- Sao bây giờ em lại nói tiếng Việt?

Lộc giương đôi mắt nâu trong sáng nhìn tôi, không trả lời mà hỏi lại:

- Bà có biết rằng chúng ta đã về đến Việt Nam không? (Và cười to)Về Việt Nam thì phải nói tiếng Việt Nam chứ!

- À! Ra thế! Tôi hiểu rồi, Lộc thông minh lắm.

- Cháu không thông minh đâu, cháu phải như vậy, kẻo người ta rầy...

Và nó nheo mắt lại, nhìn tôi, như ngầm bảo: "Đừng có hỏi người ta là ai, tôi không nói đâu! Tôi phải giữ bí mật."

Tôi rút chiếc lược trong xách tay, trao cho cậu bé:

- Biếu Lộc nhé? Tôi muốn em giữ một kỷ niệm, vì chúng ta đã đi chung một đoạn đường dài, tôi mến em lắm...

- Cháu cũng mến bà, nhưng cháu không muốn nhận lược, cháu chỉ muốn bà lại chơi nhà cháu hơn.

- Tôi sẽ đến thăm Lộc chứ, nhưng hãy nhận cái lược đi cho tôi vui nào!

Cậu bé sáng ngời mắt, đón cái lược trên tay tôi và cảm ơn cẩn thận.

Tôi nhắc:

- Ghi địa chỉ cho tôi đi!

Nhưng tôi nói chưa dứt tiếng thì bánh xe lăn trên phi đạo đều đều rào rạo cũng vừa ngừng. Cậu bé nhấp nhỏm đứng lên, để cho nó vui, tôi cũng đứng lên theo và khi cái thang vừa bắc lại là tôi với Lộc xuống trước tiên.

Vẫn ríu rít như chim non, nó vượt lên trước, chạy lại người đàn ông chực sẵn trước hàng hiên của phi trường. Người cha cúi xuống, hai cánh tay rộng mở ôm choàng lấy con trai. Nhưng Lộc kín đáo liếc về phía tôi, khẽ thì thào với cha gì đó và người đàn ông buông con ra, tiến lại phía tôi, ấp úng:

- Xin chào bà, bà đã săn sóc hộ cháu trong lúc đi đường... Xin cảm ơn bà...

- Không có gì, có cháu tôi càng vui, ông ạ!

Một người đàn bà nhanh nhẹn, xinh xắn cũng vừa trờ tới cười với tôi và khẽ chào đoạn cúi xuống hôn lên trán Lộc. Tôi thấy nhẹ cả người. "Cuộc gặp gỡ quả là tốt đẹp" tôi thầm nhủ trong một niềm xao xuyến bâng quơ.

Xong thủ tục giấy tờ, tôi quay lại tìm Lộc đặng lấy địa chỉ khi nào rảnh thì đến thăm như đã hứa, và từ biệt luôn.

Tôi nghe người đàn ông nói với Lộc trong lúc tôi còn cách họ chừng ba bước và Lộc vẫn đang trong tay cha:

- Mẹ con...

Người cha chưa dứt lời, bỗng thằng bé xô cha ra, lao về phía tôi. Tôi sửng sốt, trong lúc mất bình tĩnh đó, tôi không biết làm gì khác hơn là vội vàng đưa tay cho Lộc. Tôi thoáng nghĩ: "Nó muốn từ biệt mình, sợ mình đi mất." Nhưng tôi lầm, nó không bắt tay tôi, nó ôm chầm lấy tôi, bật lên khóc, nó khóc một cách tức tưởi, toàn thân bé nhỏ run rẩy trong vòng tay tôi.

Cha nó và người đàn bà ngây người, nhìn tôi ra ý dò hỏi. Tôi cũng lúng túng không kém họ. Tôi run tay vuốt lên mớ tóc vàng hoe của Lộc, nghẹn ngào, không biết giúp họ cách nào.

Chợt, thằng bé ngẩng lên nhìn tôi, đôi mắt biểu lộ tất cả đau đớn và sợ hãi, nét hốt hoảng ghi đậm trên khuôn mặt ngây thơ ướt đẫm làm tôi xúc động lặng người vì liên tưởng đến khuôn mặt nhòe nước mắt của mẹ nó sáng hôm đưa nó lên tàu.

Tôi như vừa bị hụt chân, vội vàng quay đi phía khác. Tôi không thể nào cầm giữ nước mắt được lâu hơn, nếu tôi còn nhìn nó, tôi biết thế. Và sau cùng, dù đã cố gắng hết sức tôi không thể thốt lên được lời từ biệt Lộc, tôi cúi xuống hôn phớt lên tóc nó, cố trì hoãn cho lắng sự xúc động, rồi tôi bước mau, quên cả chào hai người trước mặt.

*

Trong nắng quái vàng hoe của một chiều cuối hạ, ngoái nhìn lại tôi còn thấy Lộc đứng im sững như một pho tượng gỗ, mặc cho cha và người đàn bà xinh đẹp bối rối nhìn nhau. Tôi cố nén, nhưng không được nữa...

Nhà tôi quay nhìn thấy, anh gắt lên:

- Mợ rõ kỳ khôi! Mừng vui mà cũng khóc...

Mắt tôi mờ đi, hai tai tôi ù lại vì tiếng động cơ mỗi lúc một to của hàng loạt xe xuôi ngược trên đường. Tôi chớp mạnh một cái cho nước mắt tuôn mau và chợt nhớ: Lộc chưa ghi địa chỉ...


MINH QUÂN   


(Trích trong tập truyện Chim Họa Mi của Đại Vương Trung Quốc, tủ sách Sao Mai, 1969)

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com