Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

CON CHUỒN CHUỒN - Đoàn Thành Trung


Tùng thụt lùi lại rồi ngồi yên, phía trên những cây cỏ dại đòng đưa qua lại, nước sông màu hồng lờ đờ chảy chứa đầy những chất phù sa phì nhiêu phong phú, ánh nắng phản chiếu lóng lánh như những hạt kim cương vô giá, lâu lâu vài tiếng giẫy bành bạch của những con cá đớp bóng làm thành những vòng tròn nhỏ lăn tăn, lan rộng. Xa xa trên cầu, những người đi chợ, những chiếc xe lam, xe vận tải chạy lên xuống, nhưng Tùng chỉ thấy đó là những chấm đen nho nhỏ đang di động như một đàn kiến đang rộn rịp tha mồi về tổ. Tùng ngước nhìn lên những con chim bói cá đang lượn vòng trên trời tìm thức ăn mà nó hiểu rõ đó là những chú cá vắn số đang thơ thẩn lội nhởn nhơ như những nhà hiền triết trên mặt sông phẳng lặng nhưng đầy dẫy hiểm nguy.

Tùng đứng lên theo dõi, nó đã để ý và đi theo một con vật, hay nói đúng hơn là một con chuồn chuồn, một con chuồn chuồn cái thật đẹp với đôi cánh màu đỏ trong suốt, óng ánh nổi lên những đường gân, dính liền với chiếc đuôi dài chia thành từng khúc có ngấn vàng và cuối cùng là hai chiếc tua dài ngạo nghễ.

Con chuồn chuồn đã đậu trước hàng rào nhà Tùng từ lúc tảng sáng, lúc những hạt sương tinh khiết còn đọng lại trên những lá cúc vàng xanh ngắt, chưa được bác Ác tà "xơi tái". Chẳng biết nó từ đâu lạc đến nơi này, nó đậu xuống thật nhẹ nhàng, khiến cho Tùng liên tưởng đến một chiếc lá vàng của mùa thu trong mùa hạ. Nó lắc lư chiếc đầu to, cặp mắt kép gồm cả trăm thấu kính nằm lơ láo nhìn quanh quất, những chiếc chân của nó cử động liên hồi và rồi chiếc đuôi từ từ chổng lên trời như một khẩu cao xạ tự động, nó bắt đầu đứng yên, say ngủ chẳng buồn động đậy dù ở bên nó những con ong bay vo ve phá rối. Các cử chỉ ấy đã làm cho Tùng say mê theo dõi từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Tùng cố gắng rón rén bước thật khẽ nhưng chẳng làm sao bắt được con chuồn chuồn này cả. Nó đập đôi cánh nhà nhẹ lướt qua những ngón tay của Tùng qua đường tơ kẽ tóc, dìu dịu như cánh tay của mấy cô vũ công. Nó vượt khỏi và lẳng lặng đậu trên một ngọn cỏ, đến nỗi ngọn cỏ chẳng rung rinh như muốn khiêu khích tầm thị kiến của Tùng. Tùng cúi rạp người xuống đi lần tới, nhưng chắc con chuồn chuồn chẳng buồn đùa rỡn nữa. Vừa nghe những tiếng lá cây cọ vào nhau, nó đã bay mất như để tránh sự gò bó nô lệ đang chập chờn. Tùng vừa sẵn sàng để chụp thì ôi thôi! Còn gì nữa mà chụp, trước mắt nó chỉ là một màu xanh biếc của những cọng cỏ mát rượi. Tùng tức mình đứng dậy, thuận tay nó quơ cành cây khô gần đó đập mạnh xuống nước miệng lầm bầm: - Công dã tràng. Một con ếch ngồi trong lùm cỏ, chắc đang "tịnh tâm" (?) nghe tiếng nước văng tung tóe, giật mình nhảy xuống sông, cặp mắt ngó láo liên. Tùng nhìn thấy chuyển giận sang, nó quất mạnh xuống, con ếch lặn mất tiêu. Tùng cười hả hả khoái chí. Một cặp se sẻ đang đậu trên chiếc lưng vàng bóng của một chú nghé đang nhai cỏ gần mé sông, âu yếm hót líu lo. Con chuồn chuồn đã bay xa tít và mất dạng trong ánh bình minh đỏ chói đang lên được nửa mành.

*

Hoàng ngồi trên xuồng, đôi tay đưa qua, đưa lại thật nhẹ nhàng đều đặn, mái chèo khuấy nước vang lên những tiếng động làm cho Tùng giật mình, nó biết chắc đã đến giờ đi xem những cây cần câu  cắm của Hoàng đã cắm chiều hôm qua - Tùng ngẩng mặt lên, mỉm cười rồi kêu ơi ới.

- Hoàng ơi... Hoàng, chờ tao đi tới mương chơi với...

Hoàng ngừng chèo lại, nhìn vào bờ. Tùng cởi phăng chiếc áo cột ngang bụng, đoạn nhảy ùm xuống nước rồi biến mất. Một lúc sau nó nổi lên ở giữa sông miệng cười sằng sặc. Hoàng chèo xuồng đến gần, Tùng leo lên một cách lanh lẹ, thân hình cường tráng của Tùng nổi rõ những bắp thịt với làn da sạm nắng của tuổi choai choai vừa độ trăng tròn. Hoàng đưa Tùng một mái chèo, hai đứa chèo thật mau, lâu lâu xoay lại cười khoái chí. Con xuồng phóng thật mau trên mặt sông rồi từ từ rẽ vào một con mương nhỏ nước trong xanh, hai bên bờ cây cối chằng chịt che khuất những cánh đồng phì nhiêu rộng mênh mông. Hoàng ghé xuồng vào một mé rồi bơi vào một lùm cây rậm. Có một vật gì trơn trơn nhơn nhớt nằm dưới chân Hoàng rồi vụt mất. Hoàng tiêng tiếc: - Uổng quá, một con cá trầu lớn.

Tùng ngồi chờ, thỉnh thoảng nó lại nghe vài tiếng động lớn. Một chốc sau, Hoàng bơi ra, trên tay cầm 5 chiếc cần cắm vót bằng tre dài độ 1 thước, năm con cá mình mẩy trắng phau vùng vẫy trên mặt nước. Hoàng bỏ lên xuồng chèo đi, lâu lâu lại chắt lưỡi nói bâng quơ:

- Phương này nhiều cá thật! Mình phải chuốt thêm cần.

Mương hẹp lần, và hai bên mương đầy những tảng đá nhỏ mặt láng bóng nằm thưa thớt, có những cô gái đang ngồi giặt quần áo, cười nói rộn rã. Thấy xuồng của Hoàng tiến vào, những cô này cùng nhảy ùm xuống nước thật mau. Tùng ngạc nhiên, đã bao nhiêu lần tới đây rồi Tùng chả thấy mấy cô này làm gì cả. Hay là mấy cô ta mắc cỡ? Chắc có nhẽ đúng! Ý nghĩ của Tùng cắt đứt lại đây vì Tùng chèo quá sức mà xuồng chả chạy nữa, đứng im một chỗ rồi như giở bổng trên mặt nước, xuồng chòng chành qua lại rồi đổ ụp xuống. Tùng nhìn kỹ xuống mương, chẳng có một con xoáy nước hay một vật gì làm cho xuồng đổ được - Bổng tiếng một cô gái liến thoắng nổi lên: - Mấy cậu uống nước cho đã nhé! Xâm phạm giang sơn của bọn ta là vậy thôi.

Hoàng tức giận, nó vớt nhanh năm cái cần câu đang bị những chú cá dính mồi cố thoát kéo phăng phăng, rồi lật chiếc xuồng lại. Tùng bơi theo dòng nước chụp 2 mái chèo, nó chẳng bị chi hết nhưng cảm thấy như ánh mặt trời đã nung chín khuôn mặt một màu đỏ ửng. Nó hơi ngượng vì chưa bao giờ nó bị phái nữ chơi một cách lạ lùng như thế này. Tùng quên chuyện bắt hụt con chuồn chuồn, nhưng giời ơi! Con chuồn chuồn lại đậu trên mái chèo kia kìa, chắc hắn ta muốn du lịch bằng bè ấy mà. Tùng hết ngượng chín người đi vì mục đích của nó tới đây là cũng kiếm con chuồn chuồn này cơ mà! Tùng chẳng thèm bơi sải nữa, nó lặn xuống thật mau, thật lẹ, vừa trồi lên đầu nó đụng vào cán chèo, con chuồn chuồn bay lên cao. Tùng vớt 2 mái chèo đem lại, trong lúc Hoàng đang tát nước trong xuồng  ra cho hết. Tùng ngồi yên trong xuồng, Hoàng cầm 2 mái chèo vừa chèo vừa phân trần:

- Mày đừng bực mình nhé! Mấy đứa bạn gái của tao nghịch lắm. Chúng nó thấy mày hơi lạ nên muốn chọc chơi đó, tao cũng tức hết sức, nhưng chẳng nhẽ mình đánh bọn nó à! Vũ phu quá, nhưng tao nhắc cho mày nhớ, tụi nó là những con rái cá ở mương này đó.

Hoàng nói huyên thuyên bất tận nhưng nó đâu có ngờ rằng cặp mắt của Tùng nhìn nó, nhưng tâm hồn đã thả tận đâu đâu. Tùng chỉ nghe loáng thoáng những tiếng nói của Hoàng, lõng bõng trong hình ảnh của con chuồn chuồn cánh đỏ bay chập chờn, chập chờn...

*

Tùng chăm chú theo con chuồn chuồn đã bắt hụt mấy lần của mình. Chiếc xuồng chạy chầm chậm, con chuồn chuồn đang lẩn quẩn trước mũi xuồng rồi bỗng nhiên nó đáp xuống mũi thuyền, cặp mắt lồi ra nhìn mông lung trời nước. Tùng sung sướng quên mình đang ở trên xuồng, nhảy chồm tới. Nó đâu ngờ con chuồn chuồn có thể bay với tốc độ 130 cây số/giờ. Tùng ôm chầm lấy mũi xuồng, chiếc xuồng lật ngược. Hoàng ngạc nhiên nhưng thời gian cấp bách chẳng cho hỏi, Tùng và Hoàng đã lọt ầm xuống nước, khuôn mặt ngơ ngác của Tùng làm cho Hoàng buồn cười, nhưng nó cũng thương hại cho thằng bạn "ngáo ộp" của mình. Tùng mắc cỡ, tai nó đỏ lên. Nó vừa tức giận, nhưng vừa vui, giơ tay bóp bùm bụp những cụm lục bình hoa tím đang trôi lờ đờ xuống. Nó chẳng thèm bắt chuồn chuồn nữa, dù đã lớn rồi, nhưng bảo nó bắt cho kỳ được con chuồn chuồn này thì nó cũng giơ tay xin đầu hàng vô điều kiện. Thôi xin chào mi nhé. Tùng thầm nghĩ như vậy. Hai đứa lật xuồng lại vừa tạt nước vừa bơi đập ầm ầm phía sau.

Ánh nắng chiếu ngang đỉnh đầu, trời đã về trưa nóng oi bức, chuồn chuồn bay từng đàn dọc bờ mương. Mùa Hạ đã đến, ve nhiều, phượng nở nhiều và dọc theo sông lúc này chuồn chuồn cũng thật nhiều, với những cái đầu nhỏ, mang hai con mắt thật "bự" bay lên, bay xuống tựa như những chiếc trực thăng. Tiếng ve vang lên giữa trưa thật buồn. Qua những hàng cây hai bên mương, Tùng nhìn thấy những cánh đồng lúc bát ngát, vàng ngất chưa gặt, lợn gợn sóng kéo dài đến tận chân trời. Gió thổi nhè nhẹ làm Tùng và Hoàng lành lạnh, hai đứa rùng mình rồi nhìn nhau mỉm cười...


ĐOÀN THÀNH TRUNG    

(Trích từ bán nguyện san Ngàn Thông số 15, ra ngày 5-12-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

LỜI TỎ BÀY MÙA HẠ - Quỳ Lê












Này loài chim mùa hạ
Ngủ trên cánh phượng hồng
Có nghe niềm hy vọng
Chảy trong hồn thanh xuân

Này bóng mây tuổi thơ
Bay qua lòng em bé
Có thấy tình quê hương
Phì nhiêu như cây rừng.

Này áo em mầu lụa
Chiều nay vương nắng thơm
Mềm hương đời bướm lạ
Ngát dòng sông ngoan hiền.

Xin ươm đầy mật ngọt
Lên bờ môi em hồng
Như mớm nhiều sức sống
Lên tóc em phiêu bồng.

Xin gieo tràn mạ quí
Lên trán em mầu ngà
Như đắp bồi phù sa
Lên đời em nhựa sống.

                              QUỲ LÊ

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 154, ra ngày 1-6-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

TƯNG BỪNG VÀO HẠ - Trần thị Phương Lan


Rực rỡ nắng hè
Rỉ rả tiếng ve
Hạ về muôn lối
Bừng sáng đồng quê

Lũ chim tu hú
Trong đám cỏ khô
Nhìn khung trời biếc
Gió lùa êm ru

Nồng nàn trái chín
Đỏ au khắp vườn
Nhãn xoài ổi mít
Thơm ngát mùi hương

Lũ chim se sẻ
Quấn quít chân người
Tí ta tí tách
Mổ hạt thóc rơi

Phượng hồng đỏ thắm
In nền trời xa
Sen hồng tươi tắn
Sáo diều ngân nga

Trẻ em nghỉ học
Chiều xuống trên đê
Bắn bi đánh đáo
Rộn rã đường quê…

Trần Thị Phương Lan
  (Bút nhóm Hoa Nắng)




















Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

NGÀY THÁNG CẬN KỀ - Phong Vũ Linh Uy


Tôi không ngờ thời gian lại đi quá nhanh như vậy. Giữa cuộc sống quen thuộc, hằng ngày cắp sách đến trường, buổi sáng hoặc buổi trưa, học xong những giờ học, với những môn học đôi khi quá nhàm chán, nhưng có lúc cũng lắm thích thú. Những môn học tăng thêm phần hiểu biết cho kiến thức, mở rộng ra trong đầu óc vốn dĩ đã tối tăm của mình, những điều hay lẽ phải thâm nhập. Đến trường như một bắt buộc, ngồi xuống ghế, vờ chăm chú nghe thầy giảng, viết miễn cưỡng vào những trang giấy của một quyển vở nào đó, đã đặt cho một cái tên, tên của một môn học, từ đầu niên khóa, viết lớn trịnh trọng cái tên màu mè ở trang giấy thứ nhất ngu xuẩn.

Và tất cả đều tuần tự, lần lượt, cho đến khi hết những ngày, những tháng, những giòng chữ kết thúc ở trang chót của quyển vở đầy những công thức, phương trình. Những công thức, phương trình mà khi ra đời chẳng có một ích gì cho chính mình, cho chính người đã cố học, cố nhớ nó, siêng năng, giỏi dắn. Những buổi sáng đi học, với một ít lười biếng trong đầu, với một ít uể oải trong tay chân, với những bài học, bài toán chưa thuộc, chưa làm, với gương mặt của ông giáo sư nghiêm nghị, rắn đanh, với chỗ ngồi mòn nhẵn hằng ngày, chợt thấy chán nản vô cùng, chỉ muốn đi rong ở đâu đó, ở đâu cũng được, miễn đừng phải nhìn những cảnh, những hình ảnh quá gần gũi mỗi ngày, đã ăn sâu trong mắt, đã nằm lì bất động một chỗ. Nhưng đó chỉ là những ý nghĩ mới thoáng qua mà thôi, mới xuất hiện trong những lúc bực bội vô lý, cau có bất chợt của tâm hồn. Tương lai! Tương lai! Một thằng con trai, một thằng học trò còn nghĩ đến tương lai của nó như một bến bờ, như một chiếc phao cần phải đạt tới, nắm lấy. Ngày mai, ảnh hưởng suốt một đời của tôi, khó nhọc hay sung sướng, mếu máo khóc hay ti toe cười, tự hiểu biết, ý thức nên mỗi buổi, tôi vẫn đều đặn làm một học sinh gương mẫu cắp sách đến trường, ngồi vào chỗ của mình, hơi hám lẫn khuất, mà mò mẫm từng bước đến tương lai ẩn hiện đâu đó với những bài học chỉ có ở nhà trường, được viết lên trang giấy và phải nằm lòng từng đoạn, từng khúc dễ quên kỳ cục. Có phải tương lai tôi tùy thuộc vào những quyển vở này, những cuốn sách này, nô lệ vào những công thức này, những phương trình này? Có phải muốn có một tương lai sáng sủa là mỗi buổi phải làm một người học sinh siêng năng, cặm cụi, giục bước đến trường, nghe giảng giải và viết vào trang giấy, viết vào đầu óc. Nhiều lúc nghĩ ngợi, tôi lại thấy nổi giận, nhưng chả biết giận ai, tay chân ngứa ngày, mồm miệng cứng nhắc, muốn vung lên và hả miệng hét lớn, vung thật mạnh, hét thật to, rền rĩ, như để giải tỏa những nỗi niềm ấm ức nào đó trong lòng. Nhưng muôn đời, ý muốn của tôi không bao giờ làm nên. Nếu tiếng hét đột ngột vang lên, giáo sư sẽ nhìn tôi giận dữ, bạn bè sẽ nhìn tôi chế riễu, thương hại. Hậu quả đó, những cái nhìn không một cảm thông, những cái nhìn không một tình nghĩa, và những khiển trách mạnh mẽ. Mọi người cũng có thể sẽ cho là tôi bệnh thần kinh, điên khùng. Điên khùng! Hừ, tự ý nghĩ đó, tôi đã cố dằn nén lòng mình.

Những người bạn mỗi bữa vẫn gặp nhau, nói chuyện, cười đùa hả hả. Mỗi thằng đều có một cá tính đặc biệt, dễ yêu và cũng dễ ghét. Hiện có lối cười hô hố mỗi khi khoái trá, Vũ nói chuyện có duyên, Tảng thích cãi cọ dù một việc nhỏ nhặt không đáng để lòng. Và, còn nhiều, nhiều lắm... Lớp học như một cái hộp khổng lồ, chứa đựng cả một thế giới nhỏ ấm cúng đôi khi quá ồn ào, vượt giới hạn. Những lần giáo sư nhăn mặt, cây thước bản dài, đập cộp cộp trên bảng liên miên, cảnh cáo và đe dọa, nhưng vô ích, sau quỷ và ma là học trò mà. Các em đã lớn rồi, sao chả làm gương gì hết vậy, còn hơn là lũ con nít nữa. Những lời khuyên nhủ, khiển trách chỉ có hiệu lực ngay lúc đó, cả lớp ngồi im phăng phắc, lắng tai nghe, trước mặt vị giáo sư say sưa, hùng hồn nói, giọng nói trở nên sang sảng lạ thường. Rồi đâu cũng vào đó, quên mất tất cả. Những gương mặt đã lớn, như lời của các vị giáo sư, nghịch ngợm, đùa giỡn, la hét còn hơn hồi làm con nít. Những câu hỏi đặt ra, đã lớn và còn nhỏ, tại sao? Đừng hỏi tại sao. Một người lẹ miệng cả bọn cười ầm lên, hô hố. Người hỏi đứng ngượng nghịu, nhăn nhó, nhưng câu trả lời cũng được buông ra, giản dị: tụi này, tụi em muốn tìm lại tuổi thơ đã đánh mất. Chỉ có thế. Câu trả lời chỉ có thế dùng để làm bia biện hộ cho sự nghịch ngợm, giỡn đùa. Tuổi thơ, tuổi thơ là một vùng cỏ xanh đầy hoa dại nở suốt bốn mùa, đầy bướm đẹp, đầy chim chóc lượn hót quanh năm nên trong mỗi tâm hồn người quá bước, khi rời xa bao giờ cũng luyến tiếc, buồn bã, phải không? Dĩ nhiên, mỗi tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy thoáng nhớ về những ngày hồng của lụa gấm. Những ngày hồng mang hồn chim sẻ, mang nắng sớm mai, mang lá xanh non, đời sương thần thánh. Nhung nhớ để mà nhớ nhung. Đánh mất một lần là đánh mất muôn thuở, đánh mất suốt đời. Kỷ niệm có lúc làm lòng ta ấm lại, nhưng cũng có lúc làm lòng ta ngậm ngùi man mác. Hãy chọn lựa kỷ niệm vui và vất bỏ kỷ niệm buồn phải không? Tôi nghĩ lan man như thế, trong lòng cũng có ý định chọn lựa một vài kỷ niệm nào đó để ấp ủ, dỗ dành, nhưng hết sức tôi vẫn không chọn được, thiên thu, kỷ niệm vẫn là những giọt máu tinh khiết ngày nào luân lưu trong tim còn sót lại, không thể nào hong khô bằng sự chọn lựa của hiện tại được.

Những giờ ra chơi, đôi khi tôi ngồi lì trên ghế, đưa mắt quan sát những gương mặt bạn bè đang cười nói vui vẻ hoặc đang trầm tư suy nghĩ, ở ngoài hiên, ở tại chỗ ngồi, có đủ mọi nơi, xung quanh, tôi bảo mình, hãy đoán thử coi họ đang nghe gì trong đầu, lúc đó. Mơ hồ quá! Tôi nói một mình, khi đoán cho một người nào đó đang nghĩ những điều mà mình đã nghĩ và gán cho họ là chủ nhân. Khi cao hứng, tôi cố hình dung ra quá khứ của họ, tôi cố tưởng tượng ra tuổi thơ của họ. Những tuổi thơ bây giờ là mất mát, luôn luôn thiếu sót vì chiến tranh.

Tôi tự khép mình vào khuôn khổ, vào kỷ luật cũng chỉ vì những người thân. Mẹ tôi với nỗi nhọc nhằn mồ hôi đượm giọt. Cha tôi với đời lao khổ sớm tối đong đưa. Và anh tôi, anh Huy, người anh không may mắn, thi rớt, đi lính, từ những địa danh lạ hoắc những bức thư vội vàng, viết những dòng chữ hối hả gửi về gia đình, cho cha, cho mẹ, cho em. Những câu thăm hỏi trong mỗi bức thư ý nghĩa đều giống nhau. Vẫn mẹ khỏe? Vẫn cha vui? Vẫn gia đình hạnh phúc?

Riêng cho tôi, đứa em trai của anh bằng những lời khuyên bảo, nhắn nhủ tha thiết: coi gương anh mà cố gắng nghe em, mẹ đã khóc vì anh, cha đã khổ vì anh, đừng làm hai người buồn thêm nữa, vết xe anh trườn qua không đẹp gì đâu!

*

Ngoại đang lúi cúi xếp những cái bát, cái đĩa vào chạn. Chiếc áo bà ba phai màu hoàng hôn. Dáng lom khom của ngoại làm tôi nghĩ đến tuổi già của bà. Những năm, những tháng nào đã lũ lượt chất chồng, réo gọi trên tóc ngoại, mái tóc bạc trắng, những sợi đời lao khổ hứng chịu, trĩu nặng, phất phơ như những ngọn cỏ khô trên một đời sống bất dịch, chờ đợi một ngày nào đó không ra...

Tôi nghe một nỗi băn khoăn trong đầu, bàng bạc. Mới ngày nào tóc ngoại chưa bạc đầy, lơ thơ vài cọng, vừa báo hiệu nửa tuổi đời đã đi qua và tuổi già đang lấp ló. Ngoại thường gọi tôi nhổ đi, sẽ thưởng công cho một vài đồng ăn kẹo, tôi vui mừng hăng hái, tôi vô tư đếm những cọng tóc trắng xếp dài trên tay ngoại, một lát tính coi được bao nhiêu, vì mười cọng một đồng, vì một đồng sẽ được năm cục kẹo, tôi không nghĩ gì lúc đó, tôi còn bé, chỉ hình dung ra những cục kẹo xanh đỏ ngọt lịm mà thôi, ôi, cay đắng làm sao nỗi vô tư lúc đó.

Tôi tư lự nhìn ngoại. Dáng người khô héo như một cành cây mùa hè trơ trọi. Lưng ngoại đã hơi còng, sức thời gian đã đè nặng trên đó. Mắt ngoại kèm nhèm, màu thời gian đã bay phấn hương trong áo, còn nhiều thứ nữa, mà mắt tôi vẫn nhìn thấy rõ ràng. Tôi thấy cay ở mắt, một ý nghĩ mơ hồ đang ám ảnh.

Xếp xong cái bát cuối cùng, ngoại nhẹ nhổm thẳng người, quay lại, nụ cười thật hiền trên đôi môi khô:

- Con ăn chuối khô không, để ngoại lấy nghe.

Tôi lắc đầu:

- Thôi ngoại, mới ăn cơm còn no, ăn vào sẽ mất ngon, để tối...

- Ừ, để tối...

Ngoại ngồi xuống bên tôi, ngó bâng quơ qua khung cửa sổ, ngôi trường làng đang bãi học, những đứa học trò nhỏ túa ra, đồng phục, linh động. Tôi ngó theo, nhìn lũ học trò, một thoáng nghe xúc động mênh mang. Ngày xưa, tôi cũng như thế, áo trắng quần xanh tóc húi, lời nói thật thà. Ngày xưa, buổi chiều bãi học tôi và lũ bạn cũng túa ra ồn ào như thế, la hét ầm ỹ. Tiếng ngoại:

- Năm nay con đi thi phải không?

Tôi bâng khuâng:

- Dạ.

Giọng ngoại thật trầm:

- Rán nghe con, dù khó khăn cách mấy cũng phải rán, tương lai, một đời chỉ trông vào đó, gắng mà vượt qua. Đậu về đây, ngoại dẫn đi hỏi vợ cho.

Ngoại khôi hài ở câu sau. Tôi cười, vờ thẹn:

- Ngoại nói kỳ, con còn nhỏ.

- Con mà nhỏ, cao hơn ngoại rồi đấy nhé.

Tôi cười trong miệng, xấu hổ. Ngoại nắm lấy tay tôi, mân mê, những ngón tay gầy tích lũy thương yêu:

- Huy nó có gửi thư về thường không con?

Tôi reo:

- Có chứ ngoại.

Tôi sực nhớ:

- A! Ảnh có gởi cho ngoại một cái đấy, con quên đem theo rồi.

Ngoại cốc nhẹ vào đầu tôi:

- Ngoại "mắc đền" con đấy nhé, có chút xíu vậy mà cũng quên.

Tôi cười:

- Con xin lỗi ngoại, anh Huy ảnh viết thư về đều đấy chứ ngoại, trung bình mỗi tuần một cái, tuần nào mà vắng thì má con cứ cuống quít lên, hối tụi con viết đi như điên. Má rầy ảnh, làm sao mỗi tuần phải có một thư về, vậy là má an lòng, nên nay dù cấp bách một việc gì, anh Huy cũng vẫn lo thư về nhà trước cái đã, kẻo má mắng cho thúi đầu.

Ngoại chép miệng:

- Người mẹ nào mà chả vậy hở con?

Tôi ngồi bẹp trên xác lá khô dưới gốc một cây bưởi râm mát. Mùa hè đã trở về bằng những bước dò dẫm thật đáng yêu. Trên những con đường tôi đi qua, đã có vài hoa phượng nở sớm. Những cánh hoa màu đỏ mỗi năm đều nở trong hồn người với vẻ đằm thắm xót xa. Riêng tôi, hoa phượng dưới ánh nhìn, cũng chỉ là trăm ngàn loại hoa khác, không hơn không kém, mặc dù tôi cũng rơi vào tình trạng ngàn năm, mà đã là học trò là phải bắt buộc nhập cuộc, đó là xa cách bạn bè thân yêu, chia ly cùng thầy cô yêu mến. Tôi dửng dưng vô cùng, thì phải thay đổi chứ, hổng lẽ đời sống vẫn cứ như vậy hoài, sáng đến trường, vào chỗ ngồi, nghe rồi viết, trưa ra về ăn cơm, khoảng thời gian còn lại tùy hứng tâm hồn, như vậy hoài hay sao, chán chết. Tôi nghĩ đại khái như thế, có nghĩa là tôi chấp nhận mùa hè không một chút gì khó chịu, mùa hè như một cơn gió lạ cần thiết thổi vào sinh hoạt hằng ngày bằng những đợt nghịch ngợm nhất. Đã có lần tôi bụm miệng cười khi thấy vài cô bạn trịnh trọng, nắn nót viết bốn chữ, lưu bút ngày xanh, kỷ niệm ngày hè gì đó vào trang đầu một quyển vở dầy, bìa cứng, rồi chuyền tay nhau viết vào những lời nỉ non, ai oán. Từ đó, tự nhiên tôi thấy khó chịu trước những cô bạn đó. Gượng gạo, giả tạo hết sức, tôi nghĩ như vậy, mối tình cảm nào đó phơn phớt trong lòng bỗng nhiên biến mất, đã gạn lọc, đã suy xét, đã quẳng ra khỏi tâm hồn từ lúc nào không rõ. Vẽ chuyện mà thôi, hỡi những con người cố tạo ra vẻ buồn thảm ủ ê khi nhìn thấy mùa hè thấp thoáng trước mắt, nở đỏ trên ngọn cây, rực chói.

Tôi nghĩ ngợi thật nhiều, cũng mang hồn một người tầm thường, buồn, vui, thương, ghét, cũng cau có, buồn bã khi có những điều không vừa ý, cũng cười toe khi nhớ đến một kỷ niệm vui nào đó, không thể nén được, tôi nhìn lại mình, như để tìm kiếm một cái gì đó, một cái gì rất mơ hồ, lẫn lút xa xôi, như tôi không bao giờ tìm thấy.

Nơi đây, bao giờ cũng yên tĩnh, phẳng lặng, những tiếng động thanh thoát giải tỏa hồn người đâu đó vang lên trìu mến. Có tiếng lá lao xao, một cơn gió cuộn qua thật mát, bầu trời ẩn hiện sau chùm lá rậm của cây bưởi, thấp thoáng những cụm mây trắng yêu kiều, tiếng chim hót lạc lõng nơi đâu vọng lại khẽ buồn. Tôi dựa người chênh chếch, gốc bưởi tựa lưng, hai chân trần áp lên mặt đất, mát rượi. Tôi nhìn lan dài theo mặt đất, những chiếc lá ửng vàng nằm ưỡn ngực, những chiếc lá thực sự khô, khiêm nhượng hơn nằm dán mình sát mặt đất, bên những gốc cây ăn trái. Một lúc, nản, tôi phóng mắt nhìn lơ ngơ xung quanh, quá khứ thường trở về trong những lúc vắng vẻ, buồn bã nhất, tôi nhớ lại ngày xưa như một tự nhiên rất cần cho lúc này, một buổi chiều mang linh hồn thương nhớ bàng bạc khắp nơi. Những kỷ niệm sống dậy ồn ào, dồn dập như một trận mưa giông khơi dậy một vài gương mặt lấp liếm, một vài dáng dấp bay lơ lửng trên cao, nhạt nhòa đâu đó. Tôi cười thật nhỏ, khi bắt đầu nhớ lại, những dòng ngày đã qua trôi đi, những dòng ngày thơ ấu đã trôi qua đời mình phút giây ngắn ngủi, mất hút và bây giờ chỉ còn sót lại những cái tên, những cái tên làm ấm lòng thoáng chốc, những cái tên phác họa nên một gương mặt, mơ hồ mà thật thân quen, xa lạ mà thật gần gũi. Tôi nhớ đến Nghĩa, đến Duyên, đến Cang, đến Nụ, nỗi nhớ như một giọt rượu lạ nhất, thấm dần dần vào từng tế bào chết điếng, xuyên từ từ qua hồn giãy giụa. Tôi mơ màng lâng lâng trong trạng thái như còn mơ ngủ sau khi bị đánh thức, giữa ý thức và vô thức, tôi nhớ lại tất cả rõ ràng, những sự việc tầm thường nhỏ nhặt đã quên, chợt vươn cao trong hồn, trước mắt hiển nhiên. Nơi đầu dốc hôm nào tôi đã chận Lữ đánh cho một trận vì tội bắt nạt Nghĩa, gốc bưởi này hôm nào tôi ra ngồi khóc thút thít vì nhớ nhà, cây mận này hôm nào Duyên giận tôi, không thèm chơi với tôi nữa, tôi trèo lên ca vọng cổ một mình như than thở, khoảng sân này hôm nào tôi cùng Nghĩa, Cang đánh đáo, bắn bi rồi cãi lộn um sùm...

Lúc này, những chuyện hôm nào, những kỷ niệm ngày xưa, sống lại tràn trề cùng nỗi ngậm ngùi đan kín trong hồn, rũ bóng. Tôi nhớ lại tất cả, những thằng bạn thân, những thằng bạn không thân, những thằng cùng trang lứa thù nghịch, những cô bạn bé bỏng nhu mì, nhưng đó chỉ là những bóng dáng xưa cũ, những bóng dáng thực của hôm nào, bây giờ không còn nữa rồi, bây giờ đã biền biệt mất rồi, những Lữ, những Nghĩa, những Duyên, những Cang đã lầm lũi trăm nhánh đời tản mác, đã âm thầm nơi nào phân chia cùng khắp, đã mù mờ như tuổi nhỏ đã qua.

Tôi thở dài trong hơi gió, nỗi buồn ủ hương xông ngào ngạt giữa hồn, đáy mắt cay cay tựa sắp khóc. Tôi nhớ tới anh Huy, ngày xưa, tôi cùng ở nơi đây, quê ngoại anh Huy, dịu hiền, sống khoảng thời gian êm ái, đằm thắm nhất, những giận hờn, những đánh lộn vụn vặt khó quên, tôi không nhịn anh, anh không nhường tôi, thế nên hai đứa bị ngoại đánh đòn hoài, quì gối cả buổi, khóc rưng rức sau hè, anh gọi tôi bằng mày và xưng tao, tôi cũng vậy. Ngày nào, có anh, có tôi, ở nơi nầy nói cười đùa giỡn, bây giờ trên xác lá khô chết mục giữa mùa hè thấp thoáng, giữa tiếng động lao xao của lá cây, giữa tiếng chim hót lạc lõng, chỉ còn có tôi ngồi lặng lẽ, hắt hiu, thẫn thờ góp nhặt nỗi bâng khuâng, nhớ lại chuyện ngày xưa bé bỏng mà buồn một mình. Ngày xưa... Ngày xưa, tôi không ngờ thời gian lại đi quá nhanh như vậy.

*

Anh Huy vừa gửi về một bức thư cho tôi, anh hỏi, sắp tới ngày thi rồi phải không, vài tháng coi vậy chớ không lâu đâu, nháy mắt, tới tức thì bây giờ, làm sao em cũng phải hơn anh, để ba má mỉm cười toại nguyện đó. Cuối thư, vẫn những lời kết thúc thiết tha quen thuộc, những lời mà tôi đã nằm lòng, coi gương anh mà rán lên nghe em, ba má bây giờ chỉ trông mong vào em thôi đó, đừng làm hai người buồn, vết xe anh trườn qua không đẹp gì đâu.

Buổi sáng nhìn nắng lên tươi rói, nhận được bức thư ở tay ông phát thư già cọc cạch với chiếc xe đạp phong trần, mở ra, đọc trọn xong xuôi những dòng chữ có vẻ viết trong hối hả, tôi chợt nghe lòng mình buồn rười rượi.


PHONG VŨ LINH UY   
(4-1971)              
(bút nhóm hoa nắng)     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 157, ra ngày 15-7-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

SÀI GÒN NGÀY TÔI LỚN - Trần thị Phương Lan


Thuở ấy có em anh chưa từng sầu. Chưa lang thang ngoài đường nhỏ đêm thâu. Chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng. Hỡi em em về đâu cho đời mình thương nhớ nhau… (Thuở ấy có em, Huỳnh Anh). Tiếng hát Sĩ Phú trầm ấm đưa hồn tôi phiêu diêu quay trở lại Sài Gòn thuở ấy, trước 1975 khi tôi còn nhỏ… Nói vậy không có nghĩa là tôi yêu Sài Gòn nhiều hơn Châu Đốc đâu! Mặc dù Sài Gòn lúc tôi còn thơ vô cùng lãng mạn, quyến rũ với những ánh đèn xanh đỏ của những quán bar, những vũ trường, những cặp trai thanh gái lịch đèo nhau trên những chiếc xe gắn máy phân khối lớn, những chiếc xe hơi  hào nhoáng lao vun vút trên mặt đường nhựa dưới cơn mưa chiều, song song đồng hành với những con hẻm hắt hiu ánh điện câu, thấp thoáng bóng dáng những tay anh chị như trong tiểu thuyết của Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long... Tự trong đáy tim, tôi vẫn còn ghi dấu hình bóng của một tỉnh lẻ êm đềm hơn, Châu Đốc, nơi tôi đã được sống năm năm quãng đời thơ ấu!

Lúc tôi bị buộc quay trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, Sài Gòn, là lúc tôi vừa lên tám. Phải làm lại từ đầu, tôi nhớ mình đã đứng trên vỉa hè trước cửa nhà dưới ánh nắng chiều, bỡ ngỡ nhìn dòng xe cộ đua nhau bấm còi, rú ga trong khi  tiếng hát Thái Thanh trên radio nhà bên cạnh, một tiệm hớt tóc, vẫn não nuột nhưng rất hợp cảnh, hợp thời, đang vang lên trong bài hát Chiều về trên sông của Phạm Duy... Chiều buông trên dòng sông Cửu Long như một cơn ước mong ơi chiều.Về đâu ơi hàng cây gỗ rong nghiêng mình  trên sóng sông yêu kiều. Buồn tôi sao tự nhiên bỗng dưng theo đò ngang quá giang thương chiều Bởi vì thương nhiều nên nhớ tình yêu… Tôi thương bài hát này kể từ dạo đó, và nhận xét thấy rằng không ai hát bài ca này hay hơn, mùi hơn Thái Thanh, mặc dù khi hát hầu hết những ca khúc khác, giọng của ca sĩ này rất chua!… Nhìn ống đèn trang trí xanh đỏ hình trụ muôn thuở cứ xoay xoay theo hình xoắn ốc (barber’s pole) treo hai bên cửa tiệm hớt tóc, tôi tự nhủ thầm trong lòng, từ đây sẽ là một cuộc sống mới mà tôi phải học cách thích nghi, rồi dần dần theo thời gian qua, những cánh hoa lục bình vương đầy nét thơ mộng năm xưa ở miền quê thanh bình Châu Đốc ấy sẽ nhạt phai, như mọi thứ trên đời…

Đại lộ hoàng hôn phồn hoa ngập nắng. Thời gian thường vô tình theo đời sống... Chiều rơi nhuộm tóc vàng... Nào ai lẻ bóng nào ai thành đôi… (Đại lộ hoàng hôn, Y Vân). Không hiểu tại sao bài hát nào viết cho Sài Gòn thuở ấy cũng được tôi vô cùng yêu mến! Có lẽ trước hết vì chính những bài hát đó tự chúng đã hay sẵn rồi, vì đều được sáng tác bởi những nhạc sĩ tài hoa. Thứ nữa, Sài Gòn, so với Châu Đốc, cũng có những nét đẹp riêng của nó, cho dù khác nhau một trời một vực, giống như mỗi loài hoa đều có vẻ quyến rũ riêng, nên không thể nói hoa lan, hoa hồng trưởng giả kiêu sa vượt trội hơn hẳn hoa súng, hoa phượng, hoa lục bình, hoa bìm bìm nơi nội đồng hoang dã mộc mạc nhưng vẫn thua hương kém sắc: hai thứ cọc cạch không thể phân bì với nhau được!

Cứ chiều thứ tư và thứ sáu, khoảng ba giờ rưỡi, lúc sắp xổ số, là lúc tôi thường nghe thấy một bài hát rất đỗi quen thuộc với mọi người dân Sài Gòn do quái kiệt Trần Văn Trạch hát trên đài phát thanh bằng tiếng Nam, và được lũ con nít cỡ tuổi tôi, vừa hát theo vừa chạy chơi khắp hang cùng ngõ hẻm, tới nỗi đến bây giờ mà tôi vẫn thuộc…

Kiến Thiết Quốc Gia 
Giúp đồng bào ta 
Xây đắp muôn người 
Được nên cửa nhà 

Tô điểm giang san 
Qua bao lầm than 
Ta thề kiến thiết 
Trong giấc mộng vàng 

Triệu phú đến nơi 
Năm muời đồng thôi 
Mua lấy xe nhà 
Giàu sang mấy hồi 

Kiến thiết quốc gia 
Giúp đồng bào ta 
Ấy là thiên chức 
Của người Việt Nam 

Mua số mau lên 
Xổ số gần đến 
Mua số mau lên 
Xổ số... gần... đến... 

Vừa dụ khị bán được vài trái bong bóng sặc sỡ hình trái táo, trái lê, được cột kèm vào một nhánh lá nhạc ngựa xanh bóng còn tươi roi rói cho mấy đứa trẻ khóc nhè trên tay mẹ, thằng bé bán bong bóng tựa cây sào tre treo hàng chục trái bong bóng đủ màu, kế sinh nhai của nó, dưới hiên nhà tôi, rồi tay móc túi lấy mấy đồng bạc cắc ra trả, lưng khom xuống, một bên mắt đã vội dán vào chiếc xe chiếu bóng thùng, rạp chiếu bóng lưu động của những đứa trẻ con nhà lao động nghèo như nó, thiên đường tuổi thơ! Chiều nào cũng vậy, chú chiếu bóng thùng cũng dừng chiếc xe Goebel cà tàng, có na theo một thùng chiếu bóng đục sẵn những cái lỗ dòm,  trên vỉa hè cạnh nhà tôi để vừa kiếm sống, vừa mang lại niềm vui cho trẻ thơ. Lũ trẻ quên hết bao nhiêu lo âu muộn phiền sớm đè nặng lên đôi vai còm cõi gầy mòn của một tuổi thơ sớm khổ mồ côi cha mẹ, trôi dạt từ những vùng chiến sự về đây, lang thang bụi đời… để đắm mình trong giây lát vào một thế giới điện ảnh huyền ảo, không có súng nổ bom rơi, mà chỉ có những tràng cười náo động giòn tan của những chú hề như Charlot, những anh hùng hào hiệp như Ringo….

Người lớn cùng cảnh ngộ như những đứa trẻ lạc loài đó, cũng làm đủ nghề để sống còn nơi mảnh đất phồn hoa đô hội này, kể cả nghề bán bong bóng, nhưng không hề đụng chạm, cạnh tranh với những nhóc tì kể trên. Có người khéo tay dùng sơn rồi hoa tay múa cọ vẽ lên những trái bong bóng trơn tuột đó những hình chú gà trống  đuôi cong ngũ sắc đang phồng mang trợn mắt gáy vang trông thật oai vệ, những đóa hoa mẫu đơn lộng lẫy và lạ mắt, con chim công xòe đuôi múa dưới cành tre… Chắc chú ấy là họa sĩ, vì “tranh” chú vẽ dù chỉ nhất thời trên những trái bong bóng rẻ tiền đó, cũng mang hơi hướm của loại tranh thủy mặc các họa sĩ hay tô điểm cho những tô, ấm, chén, dĩa làm bằng gốm sứ…

Cũng có chú lại đổ nước vào bong bóng, rồi khéo léo dùng tay xoắn vặn chia trái bong bóng thành một chùm nho trĩu trái... Cũng vì mê những “chùm nho  uất hận” này mà tôi đã băng qua lộ một mình lần đầu tiên trong đời, và đã bị đụng xe ngay lập tức! Chùm nho tím xinh xắn bị bể trong tay tôi, nước tuôn ra tỏng tỏng. Tôi tiếc nuối vất nó vào vệ đường, cùng với đôi dép mà một chiếc đã bị đứt quai Chú cảnh sát quốc gia binh con nít dù tôi là người có lỗi, hỏi tôi có bị đau chỗ nào không, và khi thấy tôi lắc đầu quầy quậy, đã nói rằng nhiều vết thương gây xuất huyết nội, dù nhìn bên ngoài chẳng thấy gì. Chú cảnh sát bèn dặn dò tôi phải tới ngay Ty cảnh sát gần nhà nhứt trong trường hợp có chuyện xấu xảy ra. Chú ghi tên người đi đường đã vô tình đâm trúng tôi vào cuốn sổ tay, rồi ngoắc một chiếc xe khác đang lưu thông, nói họ tới nhà tôi và nhắn thân nhân  ra dắt tôi về. Giờ đây dù đã gần nửa thế kỷ  trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi hình bóng hiền hậu, điềm đạm mà vô cùng tận tâm tận tụy của chú cảnh sát tốt bụng đó.

Có chú bán hàng rong lại làm kẹo bông gòn bán, tay quơ chân đạp, thoăn thoắt lùa những áng mây kẹo đường khi trắng như bông gòn, lúc lại hồng như ước mộng tuổi thơ, vào những bịch ni lông trắng trẻo trông rất vệ sinh, lúc nhìn thì có vẻ to to là, nhưng sao cứ tan nhanh trong miệng làm dấy lên nỗi nghi ngờ non trẻ, sao kẹo đi đâu mất hết...?

Chiều chủ nhật được đi coi phim, chúng tôi sẽ xà vào những hàng quà tuổi thơ đầy rẫy trước những rạp chiếu bóng, để mua nào kẹo me đựng trong những bịch ni lông, khuyến mãi thêm một tấm hình nghệ sĩ cải lương, uống nước mía được xay tại chỗ, bọt dính vào môi trên trông như vừa mọc râu... Nhưng món ăn vặt ngon nhất khiến tôi nhớ đời bán trước cổng rạp lại là món bánh mì chiên tôm, nghe có vẻ bình dân và tầm thường, nhưng lại chứa trong đó cả khung trời thơ ấu, khiến cho tôi sau mấy chục năm mới tìm gặp lại được món ăn kỷ niệm đó, đã khóc không biết bao nhiêu mà kể, vì thèm ăn thì ít mà vì nhớ kỷ niệm thì nhiều! Món bánh mì chiên tôm ấy chỉ gồm có một lát bánh mì cũ được nhúng vào trong thau bột mì pha phẩm màu cam, trên mặt có đặt một con tôm còn nguyên đầu đuôi, chiên trong chảo dầu ngập mặt, ăn nguội kèm tương ớt. Nhưng cách làm là do tôi tự tìm hiểu mãi về sau này, còn lúc lũ trẻ chúng tôi ngoài tiền cha mẹ cho để mua vé vào cửa, kèm thêm ít tiền còm ăn vặt, thì mấy dì mấy cô trước cổng rạp hát chỉ bán bánh mì tôm chiên sẵn, đặt trong cái mâm bằng nhôm, ai mua thì  bánh được gói vào một mảnh giấy nhựt trình.Từ đó tới nay, dù đã được nếm biết bao nhiêu sơn hào hải vị trên đời, nhưng món ăn tuổi thơ đó vẫn là món ăn tôi thương nhứt, và sẽ ghi nhớ suốt đời trong tim.

Lúc bấy giờ gần nhà tôi có một máy nước công cộng. Nghe nói mấy chị giúp việc nhà tôi đã từng phải ra xếp hàng gánh nước mang về đổ vô thùng phi xài dần. Sau này, vòi nước công cộng vẫn còn đó, đôi khi vì vòi hư không khóa được nên nước cứ chảy ngày đêm vô cùng hoang phí, nhưng ít ai ra đó lấy nước, trừ bọn trẻ chúng tôi, vì mỗi nhà đã có công tơ nước riêng. Sau khi nhảy nhót chơi đùa trên những đụn cát cao nghệu như những quả đồi được đổ đống trước những căn nhà đang xây cất hoặc sửa chữa, tụi tôi thường ra máy nước rửa tay chân mặt mũi cho bớt lấm lem  trước khi về nhà, để bớt bị cha mẹ la rầy. Đôi khi người lớn đi vắng hơi lâu thì tụi tôi cũng cùng lũ trẻ hàng xóm chạy vô hẻm hái hoa giấy chơi bán đồ hàng. Có khi tiện thể tụi tôi cũng chôm vài bé gà con đang cùng mẹ tìm giun hay mổ gạo, và bị chủ đàn gà rượt chạy có cờ. Mệt nhoài, lũ trẻ “nghịch như giặc” là tụi tôi đây, sẽ tụ tập nhau tại máy nước để thở, để rửa ráy, và  bàn bạc kế hoạch cho lần hẹn gặp kế tiếp!

Tuổi trẻ! Tuổi trẻ! là tên của một cuốn truyện viết theo lối hiện sinh bằng tiếng Việt hay dịch từ tiếng nước ngoài, hoặc chỉ là một bài viết ngắn? Tôi không còn nhớ! Chỉ biết rằng tác giả khi thốt ra mấy chữ cụt lủn đó chắc đã phải kèm theo  cái lắc đầu, chép miệng, hay một tiếng thở dài! Tôi cũng chẳng là ngoại lệ gì đâu. Khi ngoảnh lại nhìn tuổi trẻ của mình, tôi cũng có một niềm tiếc nuối: ước gì thời gian quay trở lại, thì tôi sẽ không học thêm tại một trường tư thục nào hết (thực tế là số trường tư thục tôi từng theo học nếu dùng cả mười ngón  tay mà đếm cũng vẫn không đủ, chắc phải dùng thêm hai bàn chân nữa!):

Vì thứ nhất, đó là một sự lãng phí tiền bạc của những bậc sinh thành, vì tôi đã chẳng lãnh hội được gì từ những buổi học thêm đó. Nói thế không có nghĩa tôi phủ nhận công lao, tài năng, và nhất là tâm huyết của những thày, cô dạy trường tư đó (thày nhiều hơn hẳn cô, không hiểu vì sao!) Không, họ rất tận tụy tận tình, họ rất siêng năng giỏi giang! Chỉ có điều lúc bấy giờ tôi chỉ mê chơi chớ không ham học, và kiến thức thày truyền đạt vô tai phải lại ra ngay tai trái, nên học thêm chỉ là một cái cớ để tôi đàn đúm, túm năm tụm ba, cúp cua đi coi phim… Có lần lũ học sinh nhác học tụi tôi đã nhồi nhét nhau vào cùng một chiếc taxi, lên Sài Gòn coi phim người lớn! Nhưng trước hết tôi phải nói vài dòng về chú tài xế xe taxi kỳ quặc này đã! Khi tụi tôi đã yên vị trên chiếc xe taxi sơn hai màu xanh trắng nhỏ như con cóc đó và thông báo cho chú tài xế ấy biết điểm đến, thì chú ấy thay vì vui mừng vì trúng mánh, có khách lại quay sang mát mẻ tụi tôi, nào là ở quê người ta lội bộ hàng chục cây số chẳng sao, còn dân thành phố dù quãng đường chưa tới cây số cũng phải lên xe xuống ngựa. vv và vv... Thật lòng mà nói, nếu phải  thi môn tâm lý học thì chắc tôi cũng lại đội sổ, như đa số các môn học mà tôi căm ghét khác! Kỳ đó, sau khi không mua được vé vào cửa, vì phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi, chúng tôi quay sang thuyết phục chú gác cửa kiêm soát vé đầy lương tâm và tinh thần trách nhiệm, nhưng với những khuôn mặt còn non choẹt,  chúng tôi cũng lại phải nếm trái đắng ê chề!

Lý do thứ nhì cho việc tôi không nên đi học thêm lúc bấy giờ, vì đó cũng là một sự lãng phí lớn về thời gian. Thay vì đàn đúm với lũ bạn trường tư, những cơn mưa bóng mây thoáng qua trong đời, thì tôi nên ở nhà và dành quãng thời gian quí báu đó cho anh Hải, người anh tôi yêu quí nhất đời! Nhưng tôi nào đâu biết, quĩ thời gian Trời dành cho chúng tôi vô cùng giới hạn, và chỉ trong chớp mắt, món quà quí giá nhất trong số những thứ hiếm hoi Trời đã từng ban cho tôi anh Hải đã bị cuốn theo cơn gió thời cuộc mất hút, và đã không bao giờ trở lại với Sài Gòn, với chúng tôi được nữa.

Sài Gòn ngày tôi lớn như vậy đó, có những ưu tư khắc khoải… Ôi ! Hắt hiu là nhớ chiều nay sao hắt hiu là nhớ tới chiều nào Ôi ! Bóng hôn hoàng xuống, dừng đây nghe lá mưa từng cánh trong nghẹn ngào Mộng ước về đâu, chút duyên tình đầu Nhạc cũ chìm sâu Lắng trong hồn sầu Đèn khuya còn sáng Nhạc khuya thầm nhắc bao lần lá rơi lá rơi trên đường chiều (Đường chiều, Hồng Duyệt), có những cô đơn lạc loài, Buồn vào hồn không tên,Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời Đường phố vắng đêm nao quen một người Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời… Nửa đêm lạnh qua tim Giữa đường phố hoa đèn Có người mãi đi tìm,Một người không hẹn đến Mà tiếng bước buồn thêm... (Nửa đêm ngoài phố, Trúc Phương), nhưng cũng có tiếng đàn ca rộn rã của một đô thị hoa đèn, Màn đêm xuống dần muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng. Kìa bao phố phường bao mái lầu chìm trong bóng đêm... La la... Đời đẹp quá ơ ơ bài thơ. Đường đi lối về cơn gió lùa ngả nghiêng bao tà áo. Và bao mái đầu không vướng sầu kề vai bước mau. La la la... để lòng nhớ ơ ơ thành đô. (Đêm đô thị, Y Vân). Nhưng nếu có ai hỏi, tôi yêu Sài Gòn hay Châu Đốc hơn, thì tôi nào biết trả lời sao!

Trần Thị Phương Lan   
(Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

KHI KHỈ BẮT NÀNG TRĂNG - Minh Quân


Trần viên ngoại là một người giầu tình thương hơn giầu của cải. Tâm hồn người thật trong sáng, trong sáng hơn vầng trăng đêm 16. Và người cũng có thói quen hay dùng vầng trăng để so sánh với chuyện đời, nhất là chuyện giáo dục con cái, gia nhân... có khi cả súc vật nữa.

Người vẫn tỏ ra không vui khi phu nhân có thái độ cứng rắn đối với trẻ con, tôi tớ hay gia súc. Người bảo phu nhân:

- Chúng ta phải nên khoan hòa tốt hơn. Bà thấy chứ: trăng đến rằm trăng tròn. Tôi không thích cái lối dùng uy quyền của bà, tôi e là chỉ có kết quả nhất thời thôi, bà ạ!

Ông nói thì ông cứ nói, bà làm thì vẫn cứ làm, vì bà nghĩ khác ông, bà cho là con người nhất là trẻ con và tôi tớ trong nhà đâu phải vầng trăng? Dung túng cho lắm chúng lại sinh ra láo lếu. Ông thì có quan tâm gì đến việc nhà đâu mà biết? Ông chỉ biết ngâm thơ, đọc sách, uống rượu, ngắm trăng thôi. Vậy thì, việc con cái, gia nhân, gia súc thuộc quyền bà.

Bà vốn sạch sẽ, con chó con gà mà lẩn quẩn lên nhà trên, con mèo mà nhảy lên bàn thì khổ với bà. Trong nhà ngăn nắp như lau như ly, vật nào chỗ ấy không hề sai suyển.

Trẻ con, đọc cuốn sách xong phải cất lại đúng vị trí cũ, thay áo quần phải lộn mặt lại đàng hoàng trước khi bỏ giặt. Đôi guốc, đôi dép phải đặt ngay ngắn, song song nhau dưới đất trước khi lên phản, lên giường.

Trần viên ngoại cũng ngầm công nhận phu nhân quán xuyến, ngăn nắp, kỷ luật, ông để bà toàn quyền trong phận sự tề gia, ông có chen vào phản đối cũng chỉ là qua loa, chiếu lệ thế thôi.

Song đến việc đối ngoại thì ông lại tỏ ra cương quyết: chẳng hạn như một người tá điền đến đong lúa trả nợ vào ngày mùa, có thiếu vài chục giạ ông nhất định không bằng lòng để bà nặng nhẹ một lời nào. Bà biết tính ông nên tuy không bằng lòng bà cũng đành bằng mặt, để trong nhà êm đẹp, yên vui.

Thừa hưởng một số điền sản khá lớn của song thân để lại, ông không có tham vọng làm tăng chiều ngang chiều rộng của diện tích đất đai lên như một số điền chủ cùng thời. Bà vẫn phàn nàn ông về điều này và ông trả lời dứt khoát là: "Vi phú bất nhân", bà không chịu thua, vì bà viện cớ song thân ông chỉ sinh mỗi mình ông nhưng ông bà thì có những năm đứa con cần nuôi dưỡng nên người. Ông cười xòa:

- Rồi sao? Thì chúng ta có những năm con. Và bà cũng đừng quên chúng có 10 cái tay, 10 cái chân, đầy đủ giác quan tinh nhạy như tất cả mọi người. Chúng không tàn tật hay ngu ngốc. Chúng sẽ biết cách tự làm lấy nuôi thân. Tại sao tôi phải chắt bóp làm giầu đặng sau chia cho chúng? Như thế là bất công, bà có chịu tôi nói đúng không? Bây giờ chúng còn nhỏ, ta phải nuôi dưỡng chúng no cơm, lành áo, cho chúng học hành tử tế cho đến tuổi thành nhân. Sau đó, chúng sẽ bươi chải lấy, y như đàn gà ngoài sân vậy. Bà đừng có lôi thôi với tôi, vô ích.

Dĩ nhiên, bà phải nghe ông, chấm dứt việc khuyến khích ông làm giầu.

Trần viên ngoại có một khu vườn rộng lớn cách nhà vài chục dặm trồng toàn cây ăn trái. Mùa nào thức nấy, quả chín oằn cây. Mỗi mùa, người nhà trẩy quả bán, số tiền đủ để dùng chi tiêu vào việc chợ búa quanh năm.

Nhưng gần đây, một bầy khỉ lẻn vào ở luôn trong đó, không thể nào tống khứ chúng đi nổi. Ban đầu, chúng còn thập thò, lén lút, lâu dần chúng ngang nhiên vừa ăn vừa phá hoại cây trái, không chút nể nang.

Sở dĩ chúng làm quá đến mức đó cũng do Trần viên ngoại dung túng chúng ra mặt, cấm gia nhân dùng biện pháp mạnh với chúng ngay từ lúc đầu. Lũ khỉ ranh mãnh này biết chủ nhân có từ tâm nên đâm nhờn mặt: chúng táo gan đến mức trông thấy ông đi thăm vườn dám bẻ cành, hái quả ném vào ông rồi chuyền tít lên cao, la chí chóe rất là thích thú.

Đám gia nhân vốn ghét chúng từ lâu nhân dịp đó, thưa cùng chủ cho phép họ trừng trị chúng thẳng tay, bởi chúng đã phá hoại lại còn vô lễ.

Không ngờ, Trần viên ngoại vuốt râu cười:

- Dã thú cũng như con nít, chưa có trí khôn, chấp nhất làm chi? Ngày xưa, mẹ ta còn mua chim thả vào rừng, mua cá thả xuống sông đó thì sao? Ta nay không tu cũng như tu, quanh năm chay lạt, làm sao có thể nhẫn tâm đuổi chúng ra khỏi vườn mình để chúng đói hay đi sâu vào rừng bị ác thú tấn công mất mạng cho đành? Hãy cứ mặc chúng, không sao...

Chuyện này đến tai phu nhân, bà lại cũng đồng ý với gia nhân, lựa lúc ông vui, bà nói:

- Tôi biết ông giàu lòng từ ái, nhưng ông nên đặt từ tâm nhằm chỗ, ông chỉ đến thăm vườn đôi bận nên không rõ những phiền phức thiệt hại do lũ khỉ gây ra. Gia nhân cho tôi biết là chúng phá phách tợn lắm kia, ông cứ dung túng mãi, tôi e có một ngày tất cả cây trong khu vườn trụi hết lá, sạch hết cành chứ còn đâu mà hòng tính đến chuyện hái trái nữa, ông ạ!

Cậu con trai lớn cũng nối lời mẹ:

- Thưa thầy, đúng vậy, chúng làm quá lắm, chúng vặt sạch hết những quả còn xanh, bẻ tuột hết cành, rong tuốt hết lá. Con xin thầy đừng lo chúng bị ác thú trong rừng ăn thịt, trời sinh khỉ là ở trong rừng...

- Thôi! Viên ngoại lớn tiếng mẹ con mày nói thế đủ rồi. Ta chỉ nghe lời phải mà thôi. Đức Phật hiếu sinh, mà ta là con cái nhà Phật, đừng hòng lay chuyển ta vì chút lợi riêng trước mắt. Ta còn sống đây, đừng ai hòng đuổi bầy khỉ ra khỏi khu vườn.

Thế là lũ khỉ tiếp tục làm trò khỉ: rong cành, tuốt lá, vặt hết quả trong vườn, dù lớn, dù nhỏ, dù sắp chín hay còn xanh.

Gặp khi vui chân đến dạo vườn, thì mười lần như một, viên ngoại đều bị chúng ném cành, ném quả vào mặt, vào đầu, vào cả mình, không chừa chỗ nào. Lắm lúc, chúng ném nhằm trái chín ủng hay hư thối, viên ngoại vẫn không tức giận, mà còn cười dễ dãi, bảo gia nhân:

- Mặc chúng, chúng cũng như trẻ con khờ dại, giận dữ làm chi, vô ích.

Song kể từ đấy, ông thưa dần rồi ngưng hẳn việc đi dạo trong vườn, vì dù từ tâm đến mấy, không ai có thể chịu đựng hơn thế.

Ít lâu sau, khu vườn quang hẳn đi. Khỉ chúa tung hoành ngang dọc chỉ huy một bầy khỉ dưới quyền lộng hành thỏa thuê, chê chán, không gặp sức kháng cự, như vào một khu rừng hoang, vô chủ.

Hết cành, sạch trái, không còn gì để nghịch phá nữa, chúng bèn họp nhau lại, bàn chuyện tầm phơ. Một khỉ bé nhất, rất được khỉ chúa thương yêu vì nghịch ngợm và có cái đuôi dài giống nó, liến thoắng báo tin rằng mình vừa khám phá ra trong khu vườn kỳ diệu này không chỉ có toàn cây và trái mà còn có một cái giếng sâu, nước trong vắt, rất là đặc biệt.

- Chắc ông chủ rộng lượng muốn dùng cái giếng đó làm quà tặng cho bọn ta đấy, thưa Ngài.

Một khỉ già cất tiếng, khỉ chúa cười khà, bẻ lại:

- Rộng lượng gì? Đó là một lão già ngu chứ không phải là rộng lượng đâu... ta biết.

Giọng khỉ chúa đầy kiêu ngạo, mặt vênh váo, nên đã khó thương, càng thêm khó thương hơn. Khỉ già, vốn rất thông minh, lại biết được nhiều điều hay, lẽ phải, là một khỉ có tuổi tác, nhiều kinh nghiệm ở đời, đã nhận thấy sự quá lố của chúa khỉ, đã nhiều lần lên tiếng can ngăn, nhưng không hề được chúa khỉ tin dùng, chỉ vì lão có mẩu đuôi cụt lủn! Lần này cũng vậy, lão không muốn chúa khỉ bội ân vì người chủ vườn đã xử tốt với cả bầy, nhưng những lời lẽ đứng đắn của lão bị gạt đi và lũ khỉ nhao nhao lên hùa theo khỉ chúa, khẹt khẹt, phản đối lão một cách rất ư là vô lễ. Vì vậy, lão buồn rầu ngồi im, thu hai bàn tay lông lá vào lòng, đầu gục xuống trong dáng điệu buồn rầu ; lão tiên đoán những bất hạnh sẽ xảy đến nay mai cho cả bầy do sự chỉ huy rồ dại, ngông cuồng của chúa khỉ.

Trong lúc đó, chúa khỉ tỏ ra thích thú vì khám phá mới mẻ của khỉ con, gọi nó đến gần, hỏi hình dáng cái giếng ra sao, ở về hướng nào, nước nhiều hay ít, liệu có thể xuống tắm không, có ai canh gác quanh đó không v.v... khỉ con được hỏi đến càng thêm hứng khởi, báo cáo rành rẽ về cái giếng và thêm:

- Cháu còn trông thấy dưới giếng có một nàng trăng xinh thật là xinh, không kém chi nàng trăng ở trên trời. Cháu định...

- Thôi đi, khỉ nhóc! Làm gì có nàng trăng dưới giếng? Bộ nàng từ đất chui lên hở? Nói tầm phơ! Chỉ có một nàng trăng trên trời thôi, biết chưa? Coi chừng con rắn nó học phép phù thủy, nó muốn hại chúng ta đó...

- Im! Im! khỉ chúa hét dựng lên Không cãi vã lôi thôi! Để tối nay ta sẽ đến tận nơi quan sát xem sao. Tụi bay đừng có lên mặt dạy khôn. Coi chừng nó, nó là khỉ đuôi dài, cháu họ của ta, khỉ đuôi dài là quí tộc của loài khỉ, tụi bay phải biết như vậy, nhớ chưa?

Mấy con khỉ vừa lên tiếng vội cúi đầu, lặng im nghe mắng, không dám kêu lên một tiếng. Khỉ con đuôi dài càng được thể, đắc chí kêu lên choét choét dáng bộ hợm hĩnh giống y như chúa khỉ, bác họ nó, không khác một ly con...

*

Tối hôm đó là đêm 16 âm lịch, trăng còn đẹp hơn ngày rằm thập bội. Hai bác cháu khỉ chúa chuyền từ cành to này sang cành to khác cành nhỏ, chúng đã vặt sạch hết rồi để đến gần giếng quan sát nàng trăng dưới giếng. Ban đầu chúng bàn nhau nên khe khẽ, kẻo có thể làm kinh động, nàng sẽ trốn đi chăng. Nhưng sau, chúng thấy nàng vẫn tỉnh bơ như nàng trăng trên trời, chúng lấy làm thích lắm. Khỉ chúa suy luận ra rằng trăng đó là của chính chúng, trời dành cho chúng, cũng như cái giếng sâu kia, như khu vườn này. Nó ngông đến nỗi cho rằng các loài vật khác sợ chúng nên đã bỏ khu vườn mà đi nơi khác sinh sống, rằng chúng là con cưng của Trời ngang hàng với loài người (Khỉ chúa không bao giờ hiểu rằng các loài vật khác ghét trò khỉ của chúng nên bỏ đi. Chim muông không tìm ra cành lá làm sao làm tổ? Loài sóc thì chát tai vì chúng chót chét suốt ngày. Dơi không bói ra một quả chín để ăn đỡ lòng).

Ngay cả sự vắng mặt nhiều ngày của viên ngoại cũng được chúa khỉ suy luận một chiều rằng người kính trọng chúng, không muốn quấy rầy, để chúng được tự do!

Khỉ chúa nhìn mê bóng nàng trăng 16 tròn đầy, rạng rỡ nằm gọn trong đáy giếng. Bằng giọng kiêu ngạo, khỉ chúa hỏi kháy khỉ con:

- Đố cháu, nàng trăng dưới giếng của ai?

Khỉ con nhanh nhẩu:

- Thưa bác, của bác cháu ta!

Như được gãi đúng vào chỗ ngứa, khỉ chúa cười nức lên một hồi, gật gù:

- Mày khá lắm! Sau này sẽ nối nghiệp ta.

Nhưng đột nhiên, sự kiêu ngạo làm cho khỉ chúa trở thành mù quáng và xuẩn ngốc cho đến nỗi nó đùng đùng giận dữ: nó cho là nàng trăng dám vô lễ với nó không chịu bò lên trò chuyện với chúa tể khu vườn.

Ấy thế là bác cháu bàn nhau tìm cách trị tội nàng trăng. Tức thì, hai bác cháu nó kéo nhau trở lại cái chòi chúng vẫn thường tụ tập, kêu gọi hết thảy khỉ già, khỉ trẻ, khỉ lớn, khỉ bé kéo nhau ra giếng hỏi tội nàng trăng. Nhưng cuộc họp này chỉ có những khỉ nào có đuôi dài mới được dự, vì đó là những họ hàng gần nhất của loài khỉ quí tộc, theo lời khỉ chúa.

Sau một hồi bàn cãi, suy tính kỹ càng, khỉ chúa ra lệnh cho tất cả khỉ dài đuôi, cứ con này nắm đuôi con kia từ trên một cành cao, tạo thành một sợi dây dài, thả xuống tận đáy giếng, đầu mối dây là khỉ chúa kiêu căng, cuối mối dây là một khỉ trung niên có sức khỏe và dẻo dai nhất bọn ; khỉ nầy bám thật chặt vào cái cành to nhất, chờ chừng nào khỉ chúa tóm được nàng trăng lúc bấy giờ khỉ chúa sẽ kêu, ra hiệu kéo dây lên, thế là xong.

Chỉ mới nghe qua kế hoạch của chúa khỉ, cả bọn khỉ dài đuôi ồ lên tán thưởng, khâm phục sáng kiến tuyệt vời.

Chúng không tiếc lời khen tặng lẫn nhau, nào là chúng xinh đẹp nhất, khôn ngoan nhất, hưởng nhiều đặc ân của Trời nhất. Và chúng cười vang lên khi bàn đến cái vóc dáng xấu xí dị kỳ của loài người, đã thô lại xấu, che kín thân thể một cách khả ố lại thiếu mất cái đuôi, trông trơ trẽn làm sao!

Nhưng cuộc vui rồi cũng đến lúc tàn. Chúng giải tán, khỉ nào về chỗ nấy, hẹn đêm mai đúng giờ hành sự sẽ tụ họp nhau lại trên miệng giếng.

*

Vừa gặp thần dân đuôi dài, khỉ chúa trịnh trọng khoe khoang là nàng trăng quá lo sợ cho tính mạng mình trong tay một sinh vật oai hùng không biết sẽ được đãi ngộ ra sao nên đêm nay gầy mất vài phân.

Lại được một dịp cho cả bọn tâng bốc chúa khỉ bằng vô số lời lẽ lố bịch, nhạt phèo, nhưng chúa khỉ lại cảm thấy là có duyên và nghiêm chỉnh.

Sau cùng, sợi dây được nối dài từ cành cây đến miệng giếng, và sâu hơn, sâu hơn một chút, sâu thêm theo lệnh chúa khỉ ban ra.

Cả bọn nín thở vì bấy giờ chúng cảm thấy công việc này khá mạo hiểm đối với loài... khỉ, chỉ chuyên môn tán dóc trên cây như chúng. Song quá muộn: sợi dây được kết chặt bằng đuôi và những cánh tay bị tuột ra do khỉ đầu mối khỉ bám vào cành cây làm cho cả chúa lẫn tôi rơi tòm xuống lòng giếng sâu, mất tăm trong nháy mắt!

Không phải trời đã trừng phạt giống khỉ đuôi dài mà chính là chúng tự diệt chúng vì thói ngông cuồng, kiêu mạn, vượt quá phận mình.

Khu vườn được hồi sinh. Gia đình Trần viên ngoại thở phào nhẹ nhõm.


MINH QUÂN    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1-6-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

HÃY TẠO NIỀM VUI CHO KẺ KHÁC - Nguyễn Hùng Trương


Các em thân mến,

Trong quyển PHÁP VĂN ĐỘC BẢN của D. Lafferranderie, ông Krum macher có kể chuyện như sau:

Một người làm ruộng một hôm mang từ thành thị về bốn quả đào tươi đẹp. Mấy đứa con của ông ta từ trước đến giờ chưa hề thấy quả đào nào đẹp đẽ như thế nên nhìn thích thú trái cây đỏ mịn này.

Người cha chọn quả to nhất trao cho người vợ và phát những quả còn lại cho ba đứa con.

Tối đến, người làm ruộng hỏi xem mấy đứa con nhận xét thế nào về mấy quả đào.

Người con trưởng trả lời: Trái của con ngon lắm! Con cất kỹ cái hột. Con muốn đem trồng để có một cây đào.

Đứa con trẻ nhất la lớn: Còn con, con ăn ngay lúc ba cho và con đã quăng hột đi rồi.

Người cha bèn hỏi người con thứ hai: Còn con, Hiền, thế nào?

Hiền ngập ngừng một lúc, mới trả lời: Con đã đem trái đào sang cho anh Bình, con bác Tư trong xóm. Ảnh đang đau.

Người cha hỏi tiếp: Thế thì các con thử xem trong ba con, ai dùng trái đào lợi ích nhất.

Người con lớn và đứa con út đồng thanh la lên:

- Thưa ba, Hiền.

Lúc ấy, Hiền im lặng và mẹ Hiền ôm Hiền vào lòng, đôi mắt đẫm lệ vì quá xúc động.

Các em thân mến,

Cử chỉ vị tha đẹp đẽ của Hiền đáng cho các em noi theo.

Các em hãy thương người, các em hãy nghĩ đến người xung quanh đang thiếu thốn hơn các em, đang cần đến các em, rồi các em sẽ thấy tinh thần các em được thoải mái, yên vui.

Ông Denis Diderot cho rằng: Người sung sướng nhất là người đã tạo ra hạnh phúc cho thật nhiều người khác.

Và ông Jeqan de la Buyère cũng đồng quan điểm: Niềm vui sướng tế nhị nhất là tạo ra niềm vui cho kẻ khác.

Chắc các em cũng đồng ý với hai nhà tư tưởng trên.

Thân mến chào các em     
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 92, ra ngày 3-6-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

NHỮNG QUẢ TÁO THÀNH KYOTO - Phương Trình


Thuở xưa, tại miền Kyoto bên nước Nhật, có lão bá hộ Hoga nọ rất phiền lòng về những cây táo của lão. Khoảng vườn hơn 30 cây mà năm nào cũng chẳng sinh được lấy một quả. Lão đã bón dưới gốc cây những phân tốt nhất, trồng bao nhiêu hoa đẹp quanh chúng... đã từng vuốt ve thân cây, nhắn nhủ những lời êm ái, thân mật như với một người bạn... Nhưng chỉ phí công vô ích. Vẫn không trái táo nào ra đời như lão mong ước...

Tuy vậy, Hoga không thất vọng. Và ngày nọ, lão nghĩ ra một mưu kế thật thần tình. Lão dặn tên gia nhân của mình là Takuyori mấy câu. Takuyori tính tình vui vẻ, hắn lại dễ bảo, lanh lẹ. Hoga tin tưởng lần nầy lão sẽ thành công trước những cây táo cứng cổ. 

... Mà kể ra cũng chẳng có gì... Takuyori chọn những cây táo xanh tốt nhất leo lên ẩn kín giữa những hoa lá. Hoga thì giả vờ đi thăm vườn như thường lệ. Khi lão đến chỗ Takuyori núp, tên gia nhân bèn nói thật lớn câu nầy:

- "Bớ lão Hoga, chúa những cây trong vườn nầy xin báo ngươi biết... Sự không sinh sản trái của chúng ta năm nay sẽ chấm dứt nhờ Kukunochi thần rễ và Hamori thần lá những cành chúng ta sẽ mang đầy những trái có thể mang được cho nhà ngươi."

Hoga trả lời:

- "Chúa vườn yêu mến, tôi xin ghi nhận lời người. Nhưng nếu những lời ấy chỉ để gạt tôi, tôi nguyền sẽ chặt tất cả ra để đem đun bếp. Ngài nên nhớ đấy!"

Rồi lão ung dung bỏ đi. Takuyori cũng rời chỗ nấp... Liền đó với tiếng xì xào của cành lá chùng trong gió, những cây táo nói với nhau:

- Bởi con khỉ leo trèo đó (chỉ Takuyori) chúng ta đã mắc lời nguyền phải trổ sinh hoa trái... Nhưng chúng ta sẽ phục thù bằng một cách khác...

Và năm ấy, những cây táo vườn lão Hoga trổ hoa, rồi sinh trái đầy các cành lớn nhỏ. Nhưng các trái táo thật kỳ dị... Chúng có hình dáng một đầu người, đủ tai, mắt, mũi, giống hệt tên gia nhân Takuyori.

- Takuyori với gương mặt láu lỉnh, vui vẻ... Lão bá hộ Hoga nhìn kết quả mưu kế lão mà cười nôn ruột. Rồi nghĩ đến lợi tức mà các quả táo khác thường nầy có thể mang lại cho lão. Hoga liền hái mười giỏ đầy đem lên chợ Kyoto bán.

Tại chợ, những trái táo quả nhiên được chú ý đặc biệt. Người ta chen nhau đến nỗi Hoga chỉ bán cho mỗi người một trái và chẳng mấy chốc mười giỏ táo đã hết nhẵn. Ngày hôm sau... rồi mấy ngày sau nữa cũng thế. Rốt cuộc nhà nào trong thành Kyoto đều có bóng dáng những quả táo hình Takuyori. Dân chúng mua nó về không phải để ăn, mà dùng làm đồ chơi cho trẻ con, hoặc chưng lên bàn thờ cho đẹp lòng tổ tiên họ. Lão Hoga được mẻ to, xoa tay cười hả dạ...

Bấy giờ, trên một nơi cao nhất của bầu trời, thượng đế Kami cho gọi Yachimata vị thần giữ châu báu đến, và phán:

- "Ta được biết Thiên Hoàng Nhật Bản sắp gây nạn đau binh, chinh phục những xứ giàu có, ngươi hãy đem 1 bao ngọc quý giá nhất tặng ngài, và bắt ngài hứa sẽ bỏ ý định đó, để dân được sống yên lành..."

- "Nhưng làm thế nào thần nhận biết "Thiên Hoàng" chứ? Thần chưa bao giờ gặp ông ấy!

- Dân chúng ở kinh đô ai cũng có chân dung ngài trong nhà mình... Còn gì dễ hơn nữa?


Yachimata vâng lời, bay xuống trần thi hành nhiệm vụ. Trên đường đến Kyoto, qua các nhà thường dân, những quán trọ, thần đều thấy có bầy trong đó những quả táo mặt người những quả táo mà Hoga đã bán. Yachimata liền tin đó là chân dung Thiên Hoàng, bèn ghi nhớ cặn kẽ khuôn mặt để bắt đầu việc tìm người thật.

Bởi vậy khi đến Kyoto, "Thiên Hoàng" mà thần tìm đến không ai khác hơn chàng Takuyori. Yachimata truyền lại lời thượng đế cho chàng gia nhân nghe, trao chàng chiếc bao ngọc vô giá và bắt phải hứa là sẽ tuân theo lời thượng đế. Takuyori dĩ nhiên chẳng hiểu gì, nhưng thấy những viên ngọc lấp lánh, chàng gật đầu vâng dạ dễ dàng. Vị thần rất bằng lòng vui vẻ bay trở về trời.

Sự giàu có bất ngờ của Takuyori làm nhiều người ngạc nhiên, nhất là chủ chàng, Hoga. Lão bá hộ tham lam khi biết nhờ gương mặt in trên quả táo mà Takuyori gặp số may, liền nẩy ra một ý định để mong được như chàng...

Mùa Xuân năm sau Hoga mướn một tên đầy tớ mới. Lão cho nó mặc quần áo sang trọng, dặn dò mưu kế. Sau đó, lão cải trang ra một kẻ nghèo khổ, leo lên một cây táo tốt nhất và nhân danh chúa vườn, hứa năm nay các cây táo sẽ trổ thật nhiều trái. Tên đầy tớ ông chủ giả trả lời: sẽ đốt tất cả nếu các cây táo dối mình. Xong màn kịch đó, Hoga chờ đợi sự trả đũa của những cây táo. Quả nhiên, không lâu sau, những quả táo với hình gương mặt lão ra đời... Các trái cũ in hình Takuyori theo thời gian hư nát, vì thế dân chúng tranh nhau mua những trái mới, chẳng mấy chốc mà khắp kinh đô, nhà nào cũng có bóng quả táo in gương mặt lão Hoga...


... Không ngờ cũng thời gian ấy, chiến tranh giữa Nhật bản và Cao Ly vừa đột khởi. Thượng đế trên thiên đình rất tức giận vì cho là Thiên Hoàng quên lời hứa cũ. Ngài liền gọi Kawa vị thần sông đến, và phán:

- "Ta nghe tin Thiên Hoàng nước Nhật, bất chấp lời hứa năm ngoái với ta, gây chiến tranh với nước khác, làm dân chúng khổ sở. Vậy mi hãy xuống trần, tìm nơi hắn ở và làm lụt tàn phá tất cả nhà chửa hắn..."

- "Nhưng làm thế nào thần nhận biết "Thiên Hoàng" chứ? Thần chưa bao giờ gặp hắn..."

- "Người nào mà dân chúng ở kinh đô có chân dung trong nhà thì chính là hắn đấy. Còn gì dễ hơn nữa?"

Thần sông vâng lời, bay xuống trần thi hành nhiệm vụ. Trên đường đến kinh đô Kyoto, thần thấy tất cả mái nhà nơi quán trọ đều có bầy quả táo hình mặt người Kawa tin đó là chân dung Thiên Hoàng bèn ghi nhớ kỹ nét mặt để truy ra người thật...

... Vì thế, gặp lão bá hộ Hoga ở Kyoto, vị thần cho lão ta là Thiên Hoàng bèn theo dõi lão để biết rõ nơi ăn chốn ở. Sau đó thần làm giòng sông chảy qua kinh đô nổi sóng cuốn băng dinh thự Hoga, tàn phá vườn táo lão. Trong chớp mắt, mảnh đất phì nhiêu ngày xưa chỉ còn là cánh đồng đá khô cằn...


Theo "Les Pommiers Paresseux"
của L. Bourliaguet. 
F.TRÌNH      
(TRAI - VIỆT)   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 43, ra ngày 15-4-1966)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com