Trần
viên ngoại là một người giầu tình thương hơn giầu của cải. Tâm hồn
người thật trong sáng, trong sáng hơn vầng trăng đêm 16. Và người cũng
có thói quen hay dùng vầng trăng để so sánh với chuyện đời, nhất là
chuyện giáo dục con cái, gia nhân... có khi cả súc vật nữa.
Người vẫn tỏ ra không vui khi phu nhân có thái độ cứng rắn đối với trẻ con, tôi tớ hay gia súc. Người bảo phu nhân:
- Chúng ta phải nên khoan hòa tốt hơn. Bà thấy chứ: trăng đến rằm trăng tròn. Tôi không thích cái lối dùng uy quyền của bà, tôi e là chỉ có kết quả nhất thời thôi, bà ạ!
Ông nói thì ông cứ nói, bà làm thì vẫn cứ làm, vì bà nghĩ khác ông, bà cho là con người – nhất là trẻ con và tôi tớ trong nhà –
đâu phải vầng trăng? Dung túng cho lắm chúng lại sinh ra láo lếu. Ông
thì có quan tâm gì đến việc nhà đâu mà biết? Ông chỉ biết ngâm thơ, đọc
sách, uống rượu, ngắm trăng thôi. Vậy thì, việc con cái, gia nhân, gia
súc thuộc quyền bà.
Bà
vốn sạch sẽ, con chó con gà mà lẩn quẩn lên nhà trên, con mèo mà nhảy
lên bàn thì khổ với bà. Trong nhà ngăn nắp như lau như ly, vật nào chỗ
ấy không hề sai suyển.
Trẻ
con, đọc cuốn sách xong phải cất lại đúng vị trí cũ, thay áo quần phải
lộn mặt lại đàng hoàng trước khi bỏ giặt. Đôi guốc, đôi dép phải đặt
ngay ngắn, song song nhau dưới đất trước khi lên phản, lên giường.
Trần
viên ngoại cũng ngầm công nhận phu nhân quán xuyến, ngăn nắp, kỷ luật,
ông để bà toàn quyền trong phận sự tề gia, ông có chen vào phản đối cũng
chỉ là qua loa, chiếu lệ thế thôi.
Song
đến việc đối ngoại thì ông lại tỏ ra cương quyết: chẳng hạn như một
người tá điền đến đong lúa trả nợ vào ngày mùa, có thiếu vài chục giạ
ông nhất định không bằng lòng để bà nặng nhẹ một lời nào. Bà biết tính
ông nên tuy không bằng lòng bà cũng đành bằng mặt, để trong nhà êm đẹp,
yên vui.
Thừa
hưởng một số điền sản khá lớn của song thân để lại, ông không có tham
vọng làm tăng chiều ngang chiều rộng của diện tích đất đai lên như một
số điền chủ cùng thời. Bà vẫn phàn nàn ông về điều này và ông trả lời
dứt khoát là: "Vi phú bất nhân", bà không chịu thua, vì bà viện cớ song
thân ông chỉ sinh mỗi mình ông nhưng ông bà thì có những năm đứa con cần
nuôi dưỡng nên người. Ông cười xòa:
-
Rồi sao? Thì chúng ta có những năm con. Và bà cũng đừng quên chúng có
10 cái tay, 10 cái chân, đầy đủ giác quan tinh nhạy như tất cả mọi
người. Chúng không tàn tật hay ngu ngốc. Chúng sẽ biết cách tự làm lấy
nuôi thân. Tại sao tôi phải chắt bóp làm giầu đặng sau chia cho chúng?
Như thế là bất công, bà có chịu tôi nói đúng không? Bây giờ chúng còn
nhỏ, ta phải nuôi dưỡng chúng no cơm, lành áo, cho chúng học hành tử tế
cho đến tuổi thành nhân. Sau đó, chúng sẽ bươi chải lấy, y như đàn gà
ngoài sân vậy. Bà đừng có lôi thôi với tôi, vô ích.
Dĩ nhiên, bà phải nghe ông, chấm dứt việc khuyến khích ông làm giầu.
Trần
viên ngoại có một khu vườn rộng lớn cách nhà vài chục dặm trồng toàn
cây ăn trái. Mùa nào thức nấy, quả chín oằn cây. Mỗi mùa, người nhà trẩy
quả bán, số tiền đủ để dùng chi tiêu vào việc chợ búa quanh năm.
Nhưng
gần đây, một bầy khỉ lẻn vào ở luôn trong đó, không thể nào tống khứ
chúng đi nổi. Ban đầu, chúng còn thập thò, lén lút, lâu dần chúng ngang
nhiên vừa ăn vừa phá hoại cây trái, không chút nể nang.
Sở
dĩ chúng làm quá đến mức đó cũng do Trần viên ngoại dung túng chúng ra
mặt, cấm gia nhân dùng biện pháp mạnh với chúng ngay từ lúc đầu. Lũ khỉ
ranh mãnh này biết chủ nhân có từ tâm nên đâm nhờn mặt: chúng táo gan
đến mức trông thấy ông đi thăm vườn dám bẻ cành, hái quả ném vào ông rồi
chuyền tít lên cao, la chí chóe rất là thích thú.
Đám gia nhân – vốn ghét chúng từ lâu – nhân dịp đó, thưa cùng chủ cho phép họ trừng trị chúng thẳng tay, bởi chúng đã phá hoại lại còn vô lễ.
Không ngờ, Trần viên ngoại vuốt râu cười:
-
Dã thú cũng như con nít, chưa có trí khôn, chấp nhất làm chi? Ngày xưa,
mẹ ta còn mua chim thả vào rừng, mua cá thả xuống sông đó thì sao? Ta
nay không tu cũng như tu, quanh năm chay lạt, làm sao có thể nhẫn tâm
đuổi chúng ra khỏi vườn mình để chúng đói hay đi sâu vào rừng bị ác thú
tấn công mất mạng cho đành? Hãy cứ mặc chúng, không sao...
Chuyện này đến tai phu nhân, bà lại cũng đồng ý với gia nhân, lựa lúc ông vui, bà nói:
-
Tôi biết ông giàu lòng từ ái, nhưng ông nên đặt từ tâm nhằm chỗ, ông
chỉ đến thăm vườn đôi bận nên không rõ những phiền phức thiệt hại do lũ
khỉ gây ra. Gia nhân cho tôi biết là chúng phá phách tợn lắm kia, ông cứ
dung túng mãi, tôi e có một ngày tất cả cây trong khu vườn trụi hết lá,
sạch hết cành chứ còn đâu mà hòng tính đến chuyện hái trái nữa, ông ạ!
Cậu con trai lớn cũng nối lời mẹ:
-
Thưa thầy, đúng vậy, chúng làm quá lắm, chúng vặt sạch hết những quả
còn xanh, bẻ tuột hết cành, rong tuốt hết lá. Con xin thầy đừng lo chúng
bị ác thú trong rừng ăn thịt, trời sinh khỉ là ở trong rừng...
- Thôi! – Viên ngoại lớn tiếng –
mẹ con mày nói thế đủ rồi. Ta chỉ nghe lời phải mà thôi. Đức Phật hiếu
sinh, mà ta là con cái nhà Phật, đừng hòng lay chuyển ta vì chút lợi
riêng trước mắt. Ta còn sống đây, đừng ai hòng đuổi bầy khỉ ra khỏi khu
vườn.
Thế là lũ khỉ tiếp tục làm trò khỉ: rong cành, tuốt lá, vặt hết quả trong vườn, dù lớn, dù nhỏ, dù sắp chín hay còn xanh.
Gặp
khi vui chân đến dạo vườn, thì mười lần như một, viên ngoại đều bị
chúng ném cành, ném quả vào mặt, vào đầu, vào cả mình, không chừa chỗ
nào. Lắm lúc, chúng ném nhằm trái chín ủng hay hư thối, viên ngoại vẫn
không tức giận, mà còn cười dễ dãi, bảo gia nhân:
- Mặc chúng, chúng cũng như trẻ con khờ dại, giận dữ làm chi, vô ích.
Song kể từ đấy, ông thưa dần rồi ngưng hẳn việc đi dạo trong vườn, vì dù từ tâm đến mấy, không ai có thể chịu đựng hơn thế.
Ít
lâu sau, khu vườn quang hẳn đi. Khỉ chúa tung hoành ngang dọc chỉ huy
một bầy khỉ dưới quyền lộng hành thỏa thuê, chê chán, không gặp sức
kháng cự, như vào một khu rừng hoang, vô chủ.
Hết
cành, sạch trái, không còn gì để nghịch phá nữa, chúng bèn họp nhau
lại, bàn chuyện tầm phơ. Một khỉ bé nhất, rất được khỉ chúa thương yêu
vì nghịch ngợm và có cái đuôi dài giống nó, liến thoắng báo tin rằng
mình vừa khám phá ra trong khu vườn kỳ diệu này không chỉ có toàn cây và
trái mà còn có một cái giếng sâu, nước trong vắt, rất là đặc biệt.
- Chắc ông chủ rộng lượng muốn dùng cái giếng đó làm quà tặng cho bọn ta đấy, thưa Ngài.
Một khỉ già cất tiếng, khỉ chúa cười khà, bẻ lại:
- Rộng lượng gì? Đó là một lão già ngu chứ không phải là rộng lượng đâu... ta biết.
Giọng
khỉ chúa đầy kiêu ngạo, mặt vênh váo, nên đã khó thương, càng thêm khó
thương hơn. Khỉ già, vốn rất thông minh, lại biết được nhiều điều hay,
lẽ phải, là một khỉ có tuổi tác, nhiều kinh nghiệm ở đời, đã nhận thấy
sự quá lố của chúa khỉ, đã nhiều lần lên tiếng can ngăn, nhưng không hề
được chúa khỉ tin dùng, chỉ vì lão có mẩu đuôi cụt lủn! Lần này cũng
vậy, lão không muốn chúa khỉ bội ân vì người chủ vườn đã xử tốt với cả
bầy, nhưng những lời lẽ đứng đắn của lão bị gạt đi và lũ khỉ nhao nhao
lên hùa theo khỉ chúa, khẹt khẹt, phản đối lão một cách rất ư là
vô lễ. Vì vậy, lão buồn rầu ngồi im, thu hai bàn tay lông lá vào lòng,
đầu gục xuống trong dáng điệu buồn rầu ; lão tiên đoán những bất hạnh sẽ
xảy đến nay mai cho cả bầy do sự chỉ huy rồ dại, ngông cuồng của chúa
khỉ.
Trong
lúc đó, chúa khỉ tỏ ra thích thú vì khám phá mới mẻ của khỉ con, gọi nó
đến gần, hỏi hình dáng cái giếng ra sao, ở về hướng nào, nước nhiều hay
ít, liệu có thể xuống tắm không, có ai canh gác quanh đó không v.v...
khỉ con được hỏi đến càng thêm hứng khởi, báo cáo rành rẽ về cái giếng
và thêm:
- Cháu còn trông thấy dưới giếng có một nàng trăng xinh thật là xinh, không kém chi nàng trăng ở trên trời. Cháu định...
-
Thôi đi, khỉ nhóc! Làm gì có nàng trăng dưới giếng? Bộ nàng từ đất chui
lên hở? Nói tầm phơ! Chỉ có một nàng trăng trên trời thôi, biết chưa?
Coi chừng con rắn nó học phép phù thủy, nó muốn hại chúng ta đó...
- Im! Im! – khỉ chúa hét dựng lên –
Không cãi vã lôi thôi! Để tối nay ta sẽ đến tận nơi quan sát xem sao.
Tụi bay đừng có lên mặt dạy khôn. Coi chừng nó, nó là khỉ đuôi dài, cháu
họ của ta, khỉ đuôi dài là quí tộc của loài khỉ, tụi bay phải biết như
vậy, nhớ chưa?
Mấy
con khỉ vừa lên tiếng vội cúi đầu, lặng im nghe mắng, không dám kêu lên
một tiếng. Khỉ con đuôi dài càng được thể, đắc chí kêu lên choét choét
dáng bộ hợm hĩnh giống y như chúa khỉ, bác họ nó, không khác một ly
con...
*
Tối
hôm đó là đêm 16 âm lịch, trăng còn đẹp hơn ngày rằm thập bội. Hai bác
cháu khỉ chúa chuyền từ cành to này sang cành to khác – cành nhỏ, chúng đã vặt sạch hết rồi –
để đến gần giếng quan sát nàng trăng dưới giếng. Ban đầu chúng bàn nhau
nên khe khẽ, kẻo có thể làm kinh động, nàng sẽ trốn đi chăng. Nhưng
sau, chúng thấy nàng vẫn tỉnh bơ như nàng trăng trên trời, chúng lấy làm
thích lắm. Khỉ chúa suy luận ra rằng trăng đó là của chính chúng, trời
dành cho chúng, cũng như cái giếng sâu kia, như khu vườn này. Nó ngông
đến nỗi cho rằng các loài vật khác sợ chúng nên đã bỏ khu vườn mà đi nơi
khác sinh sống, rằng chúng là con cưng của Trời ngang hàng với loài
người (Khỉ chúa không bao giờ hiểu rằng các loài vật khác ghét trò khỉ
của chúng nên bỏ đi. Chim muông không tìm ra cành lá làm sao làm tổ?
Loài sóc thì chát tai vì chúng chót chét suốt ngày. Dơi không bói ra một
quả chín để ăn đỡ lòng).
Ngay
cả sự vắng mặt nhiều ngày của viên ngoại cũng được chúa khỉ suy luận
một chiều rằng người kính trọng chúng, không muốn quấy rầy, để chúng
được tự do!
Khỉ chúa nhìn mê bóng nàng trăng 16 tròn đầy, rạng rỡ nằm gọn trong đáy giếng. Bằng giọng kiêu ngạo, khỉ chúa hỏi kháy khỉ con:
- Đố cháu, nàng trăng dưới giếng của ai?
Khỉ con nhanh nhẩu:
- Thưa bác, của bác cháu ta!
Như được gãi đúng vào chỗ ngứa, khỉ chúa cười nức lên một hồi, gật gù:
- Mày khá lắm! Sau này sẽ nối nghiệp ta.
Nhưng
đột nhiên, sự kiêu ngạo làm cho khỉ chúa trở thành mù quáng và xuẩn
ngốc cho đến nỗi nó đùng đùng giận dữ: nó cho là nàng trăng dám vô lễ
với nó không chịu bò lên trò chuyện với chúa tể khu vườn.
Ấy
thế là bác cháu bàn nhau tìm cách trị tội nàng trăng. Tức thì, hai bác
cháu nó kéo nhau trở lại cái chòi chúng vẫn thường tụ tập, kêu gọi hết
thảy khỉ già, khỉ trẻ, khỉ lớn, khỉ bé kéo nhau ra giếng hỏi tội nàng
trăng. Nhưng cuộc họp này chỉ có những khỉ nào có đuôi dài mới được dự,
vì đó là những họ hàng gần nhất của loài khỉ quí tộc, theo lời khỉ chúa.
Sau
một hồi bàn cãi, suy tính kỹ càng, khỉ chúa ra lệnh cho tất cả khỉ dài
đuôi, cứ con này nắm đuôi con kia từ trên một cành cao, tạo thành một
sợi dây dài, thả xuống tận đáy giếng, đầu mối dây là khỉ chúa kiêu căng,
cuối mối dây là một khỉ trung niên có sức khỏe và dẻo dai nhất bọn ;
khỉ nầy bám thật chặt vào cái cành to nhất, chờ chừng nào khỉ chúa tóm
được nàng trăng lúc bấy giờ khỉ chúa sẽ kêu, ra hiệu kéo dây lên, thế là
xong.
Chỉ mới nghe qua kế hoạch của chúa khỉ, cả bọn khỉ dài đuôi ồ lên tán thưởng, khâm phục sáng kiến tuyệt vời.
Chúng không tiếc lời khen tặng lẫn nhau, nào là chúng xinh đẹp nhất, khôn ngoan nhất, hưởng nhiều đặc ân của Trời nhất. Và chúng cười vang lên khi bàn đến cái vóc dáng xấu xí dị kỳ của loài người, đã thô lại xấu, che kín thân thể một cách khả ố lại thiếu mất cái đuôi, trông trơ trẽn làm sao!
Nhưng cuộc vui rồi cũng đến lúc tàn. Chúng giải tán, khỉ nào về chỗ nấy, hẹn đêm mai đúng giờ hành sự sẽ tụ họp nhau lại trên miệng giếng.
Vừa gặp thần dân đuôi dài, khỉ chúa trịnh trọng khoe khoang là nàng trăng quá lo sợ cho tính mạng mình trong tay một sinh vật oai hùng không biết sẽ được đãi ngộ ra sao nên đêm nay gầy mất vài phân.
Lại được một dịp cho cả bọn tâng bốc chúa khỉ bằng vô số lời lẽ lố bịch, nhạt phèo, nhưng chúa khỉ lại cảm thấy là có duyên và nghiêm chỉnh.
Sau cùng, sợi dây được nối dài từ cành cây đến miệng giếng, và sâu hơn, sâu hơn một chút, sâu thêm theo lệnh chúa khỉ ban ra.
Cả bọn nín thở vì bấy giờ chúng cảm thấy công việc này khá mạo hiểm đối với loài... khỉ, chỉ chuyên môn tán dóc trên cây như chúng. Song quá muộn: sợi dây được kết chặt bằng đuôi và những cánh tay bị tuột ra do khỉ đầu mối – khỉ bám vào cành cây – làm cho cả chúa lẫn tôi rơi tòm xuống lòng giếng sâu, mất tăm trong nháy mắt!
Không phải trời đã trừng phạt giống khỉ đuôi dài mà chính là chúng tự diệt chúng vì thói ngông cuồng, kiêu mạn, vượt quá phận mình.
Khu vườn được hồi sinh. Gia đình Trần viên ngoại thở phào nhẹ nhõm.
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1-6-1973)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Chỉ mới nghe qua kế hoạch của chúa khỉ, cả bọn khỉ dài đuôi ồ lên tán thưởng, khâm phục sáng kiến tuyệt vời.
Chúng không tiếc lời khen tặng lẫn nhau, nào là chúng xinh đẹp nhất, khôn ngoan nhất, hưởng nhiều đặc ân của Trời nhất. Và chúng cười vang lên khi bàn đến cái vóc dáng xấu xí dị kỳ của loài người, đã thô lại xấu, che kín thân thể một cách khả ố lại thiếu mất cái đuôi, trông trơ trẽn làm sao!
Nhưng cuộc vui rồi cũng đến lúc tàn. Chúng giải tán, khỉ nào về chỗ nấy, hẹn đêm mai đúng giờ hành sự sẽ tụ họp nhau lại trên miệng giếng.
*
Vừa gặp thần dân đuôi dài, khỉ chúa trịnh trọng khoe khoang là nàng trăng quá lo sợ cho tính mạng mình trong tay một sinh vật oai hùng không biết sẽ được đãi ngộ ra sao nên đêm nay gầy mất vài phân.
Lại được một dịp cho cả bọn tâng bốc chúa khỉ bằng vô số lời lẽ lố bịch, nhạt phèo, nhưng chúa khỉ lại cảm thấy là có duyên và nghiêm chỉnh.
Sau cùng, sợi dây được nối dài từ cành cây đến miệng giếng, và sâu hơn, sâu hơn một chút, sâu thêm theo lệnh chúa khỉ ban ra.
Cả bọn nín thở vì bấy giờ chúng cảm thấy công việc này khá mạo hiểm đối với loài... khỉ, chỉ chuyên môn tán dóc trên cây như chúng. Song quá muộn: sợi dây được kết chặt bằng đuôi và những cánh tay bị tuột ra do khỉ đầu mối – khỉ bám vào cành cây – làm cho cả chúa lẫn tôi rơi tòm xuống lòng giếng sâu, mất tăm trong nháy mắt!
Không phải trời đã trừng phạt giống khỉ đuôi dài mà chính là chúng tự diệt chúng vì thói ngông cuồng, kiêu mạn, vượt quá phận mình.
Khu vườn được hồi sinh. Gia đình Trần viên ngoại thở phào nhẹ nhõm.
MINH QUÂN
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1-6-1973)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com