Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

VÙNG TRỜI MÙA HẠ - Nguyễn Thụy Tâm Linh


Trời ngày hè nóng ơi là nóng! Ở trong nhà y như trong lò quay. Chịu không nổi, Tâm đứng dậy đi ra chiếc võng mắc vào hai cây dừa, khẽ đặt lưng xuống, chống chân đưa đẩy. Trời thật trong, vài cụm mây trắng thơ thẩn đi chơi. Tâm lần lần cảm thấy dễ chịu, văng vẳng đâu đây tiếng chổi mẹ Tâm quét lá khô, nghe êm êm, đều đều. Tận đầu thôn đưa lại tiếng ru trẻ:

... À ơ! Gió đẩy gió đưa tàu dừa đưa đẩy
Chồng đi lên rẫy, vợ quảy cơm theo...
Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua... ơ ơ...

Tâm nghe buồn và xót xa chi lạ. Ở nhà chừ có mình Tâm và mẹ thì không buồn sao được. Ba mắc đi cày từ sáng sớm đến chiều mới về cơ! Tâm nghĩ thật thương ba. Tâm nhớ lời cô giáo dạy Tâm "nhà nông một nắng hai sương", hoặc "nông dân tay lấm chân bùn" thật là chí lý. Ba Tâm cũng thế, sáng sớm Tâm chưa thức thì ba đã dậy gọi mẹ nấu nước pha cho ba bình trà và nấu cơm để ba giở theo lên ruộng. Nhìn ba vác cày, bên lưng lủng lẳng mo cơm và tay dắt hai con trâu Xe - Pháo lên đồng, sương mù chưa tan hẳn, còn vẩn đục trên cành cây ngọn cỏ, trên chiếc nón lá tơi vành, trên đôi vai cháy nắng khoác hờ chiếc áo bà ba đen của ba. Có hôm Tâm được mẹ dẫn lên đồng xem ba cày, mẹ nhổ cỏ giúp ba. Lầy sâu quá gối mà ba vẫn nhanh nhẹn bước theo luống cày. Tâm phục ba sát đất luôn. Và cả con Pháo và Xe, chúng mạnh khỏe quá. (Trâu mà lỵ!) Người ba đẫm mồ hôi, chưa lúc nào Tâm thương ba bằng lúc đó. làm lụng cực nhọc thế mà ba mẹ Tâm vẫn nghèo, vẫn sống trong mái tranh rách trước, dột sau... Ấy! Vậy mà có những người quen sống cuộc đời vương giả, khinh ghét nông dân. Tâm thấy ức ghê! Họ có biết đâu người dân miền quê đã đổ biết bao công lao, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa xuống từng luống cày để vun bồi thửa ruộng, tạo nên hạt thóc thuôn dài, vàng rực, thơm tho, để họ được no lòng ấm dạ. Nếu gặp những con bé như vậy, nhất định Tâm hỏng thèm chơi mí nhỏ đó đâu. Vì sao? Vì... vì ba Tâm là một nông dân. Nghĩ đến đó Tâm buột miệng hát nho nhỏ:

- Tía em hừng đông đi cày bừa...
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân
Má em cũng là người nông dân...

- A! Bé Tâm hát hay quá ta!

Giật mình quay lại, Tâm thấy ba đã đứng cạnh bên tự lúc nào. Bàng hoàng, ngơ ngác Tâm reo to:

- A! Ba về rồi đó hở ba? Sao hôm nay ba về sớm quá vậy? Mới hơn 2 giờ hè!

Bế Tâm lên ba bảo:

- Ba cày xong ruộng hết rồi! Nên về sớm. Bây giờ chờ ngày mai cấy xong thì khỏe ba đó con!

- Mai cấy hả ba? Hèn gì con thấy mẹ ngâm nếp thiệt nhiều mà con quên hỏi ý chứ! Sướng quá! Mai cấy rồi, ba ơi! Con được ăn xối nếp thiệt nhiều...

Đặt Tâm xuống võng, ba vào tắm rửa vì khắp người ba đẫm mồ hôi và bùn lầy. Mẹ đang sửa soạn xây lò để khuya xôi nếp. Theo thói quen ở đồng quê, thì khi nào cấy người ta thường xôi nếp thật nhiều để thợ cấy ăn sáng, xong họ cấy cho mình. Mai Tâm sẽ rủ nhỏ Hồng Hoa bên cạnh đến ăn xôi mí Tâm, và Tâm sẽ khoe với nhỏ Hồng Hoa "nghệ thuật" xôi lá cẩm của mẹ Tâm. Mẹ mà xôi lá cẩm thì tuyệt. Rồi đây... sau khi cấy xong ba rảnh, ba sẽ dán diều cho Tâm, ba sẽ thổi trúc cho Tâm nghe. Hoặc chiều chiều ba dẫn Tâm thả diều trên đường đê, nhìn cánh đồng làng xanh mơn mởn, từng sóng lúa nhịp nhàng chạy đuổi nhau, như làn sóng trùng dương xanh biêng biếc. Hay ngồi bên mẹ sàng gạo, mùi cám thoang thoảng lẫn hương hoa nhài, hoa lý, hoa cau. Tiếng sáo vi vu của ba sẽ đưa Tâm nhẹ dần đi vào giấc ngủ như con bướm vàng nhịp nhàng đôi cánh trên giàn mướp hương...

Gió đồng lồng lộng thổi, luồn vào tóc Tâm, làm cho Tâm thấy buồn buồn sau gáy, con ve trên cành ô môi cũng ngưng tiếng hát. Đâu đây tiếng sáo mơ hồ văng vẳng, lẫn bài dân ca, khẽ ru hồn Tâm vào giấc ngủ thần tiên, êm đềm...


NGUYỄN THỤY TÂM LINH    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 107, ra ngày 1-6-1969)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com/2019/06/vung-troi-mua-ha.html