Lần
này thì chắc lắm rồi, Thùy quyết định giải nghệ, không thèm viết văn
nữa. Thùy có rất nhiều lý do, mà lý do chính đáng nhất là tại anh Cả
hết. Còn nhớ độ nào đang trong thời kỳ hăng say sáng tác, Thùy gởi cho
anh cả xấp bài và – lần nào cũng vậy – anh liếc sơ qua vài trang đầu, rồi gật gù:
- Khá lắm, khá lắm, "chú mày" tiến bộ hơn trước nhiều rồi đó.
Thùy sung sướng:
- Thế bài này... sao anh?
- Để... "hậu xét".
Nghe
anh Cả bảo mà Thùy thấy... tê tái cả cõi lòng. Hai chữ "hậu xét" đã làm
cho Thùy buồn rười rượi, "hậu xét" tức là "còn kém lắm, cố nữa lên",
tức là nó đã được cấp giấy thông hành cho đi thăm gia đình nhà Sọt rác,
tiêu diêu miền "cụp lạc".
Gởi
cả chục bài, mà bài nào cũng chả lọt qua được "mắt xanh" của anh Cả,
Thùy thất vọng lắm. Cái thú hăng say sáng tác thuở ban đầu không còn
nữa. Và bây giờ thì Thùy nhất định "giải nghệ" phứt cho rồi.
Thế
là sau đó, Thùy "xếp bút nghiên" không thèm viết lách gì cả, sống cuộc
đời lông bông cho nó... phong trần (?) một chút. Nhưng có phải thế là
yên chuyện cho đâu, cứ mỗi lần đến chơi tòa soạn, gặp anh Cả, anh cứ
"gào" bài mãi. Lo quá, Thùy phải khất lần khất lữa. Thế là, mấy lần sau
gặp anh, anh cứ hỏi bài hoài, có khất, thì anh chê:
- Bây giờ "chú" Thùy có vẻ "lươi huyền" quá hở.
Cho
đến một hôm, thấy Thùy cứ khất hoài mà chả thấy tăm hơi bài đâu cả, anh
bèn "phang" ngay một câu, gởi tối hậu thư lần cuối cùng:
- "Chú mày" mà không chịu viết thì anh khai trừ chú ra khỏi gia đình Tuổi Hoa.
Lần
này thì Thùy sợ quá, lo lo là. Không biết làm sao bi chừ. Nếu hẹn lần
hẹn lữa mà "cò cử" với anh hoài thì không ổn rồi, mà gởi bài thì cũng
không xong, vì ở "bản doanh" Thùy có sáng tác được truyện nào đâu mà có
bài gởi ngay bây giờ. Thùy chợt nghĩ ra một cách, con đường duy nhất
thoát khỏi gọng kìm "đang từ từ xiết chặt" của anh Cả, tút xuỵt. Nghĩ là
làm, Thùy vội cáo từ, chạy bay về nhà, lôi lọ mực Tàu ra hí hoáy vẽ vài
tranh hí họa, gởi cho anh Vi Vi. Thế là... thoát nợ. Ngựa quen đường
cũ, từ đó Thùy cứ toàn vẽ tranh gởi cho anh Vi không thôi. Anh Cả hẳn
cũng phải tưng tức là, vì Thùy chả chịu viết bài cho anh gì cả, nhưng
không lẽ anh lại rầy, vì mình gởi bài cho anh Vi thì – trên lý thuyết – cũng là gởi cho anh vậy, thế nhưng trên thực tế thì lại khác...
Thế là đang từ "Văn sĩ", Thùy nhảy sang làm "Họa sĩ", lâu lâu vẽ vời vài bức tranh thì... nhàn hạ lắm. Ai ngờ – đố ai học được chữ "ngờ" mà lỵ –
một buổi đẹp giời nọ, anh Cả bỗng hứng thế nào, mà viện cớ này, lý do
nọ "súp" luôn "trang giải trí" của anh Vi. Thùy hết đất dung thân, vội
vàng chạy tìm đất khác. Chạy le te một hồi, Thùy gặp ngay "cụ" Quy Diên – tục danh Quyên Di –
chủ vườn Vô Tuyến Truyền Hình (theo lời Phương Vy) và kiêm nhiệm thêm
chức chủ tiệm Dzíc-Dzắc, thay thế cho "cựu đầu bếp" Hà Tĩnh đã hết nhiệm
kỳ, tòng quân giết giặc. Do đó, Thùy "cộng tác" hết sức mật thiết với
anh Quyên, mỗi lần gởi cả lô Dzíc-Dzắc. Đã thế mà anh Cả không thương
thì chớ, còn quở: "Sao độ rày bết quá vậy, loanh quanh cứ vài cái
Dzíc-Dzắc đó thôi à?". Nghe anh Cả trách, Thùy sợ quá, không biết nên
"kiêm" thêm "nghề" gì nữa bây giờ, chợt lúc ấy có anh Trinh Chí vào
"trình diện" anh Cả. Hẳn các bạn cũng biết thừa, anh Trinh là chú cai
"Mảnh vườn của Bé", nổi tiếng hiền lành trong ban biên tập.
Nay
nói về, anh Trinh Chí vào trình diện anh Cả xong, và nộp cho anh "chiến
lợi phẩm" để anh sửa rồi lên khuôn báo cho kịp. Thùy đứng sớ rớ một
góc, nhìn "hình hài tiều tụy" của anh mà nhớ ra một điều, một điều để
Thùy thoát khỏi cơn "giận hờn" của anh Cả. Thùy vội vàng chạy đi xin My
Anh Nga một tờ giấy, và lấy bút hí hoáy viết. Năm phút sau, xong hai bài
thơ... con cóc, không vần, không luật. Đọc đi đọc lại, sửa tới sửa lui,
sao nghe cho êm êm tai, rồi đưa cho anh Trinh Chí. Tưởng gặp của bở,
anh vội vàng đón nhận rồi mở ra coi ; và... vừa đọc hết bài thơ, anh
Trinh chợt hét lên, bù lu bù loa: Ối, ối, Thùy làm thơ gì mà... cao siêu
quá vậy?
Cao siêu hay không Thùy cũng mặc, cứ tà tà độ non tháng là gởi cho "Mảnh vườn của Bé" vài bài thơ bất hủ.
Bây
giờ thì Thùy "kiêm nhiệm" thêm một "chức" mới nữa rồi, chức "thi sĩ".
Lẩm cẩm thế mà Thùy đã trải qua đủ cả ba món: Văn sĩ, họa sĩ, rồi thi
sĩ. Thế mà tóm lại, chả có cái "sĩ" nào sống lâu được với Thùy, toàn
"cùi" hết cả.
Với
nghề "thi sĩ", xem ra thì Thùy có vẻ hăng say lắm, sáng tác liên miên.
Bất cứ nơi nào, Thùy cũng có thể "xuất bút thành thơ" được. Ở nhà, suy
tư mơ màng với nàng thơ, mà bị anh Thương chọc, hay xe cộ ồn ào quá thì
Thùy tức tốc xách giấy bút lên tòa soạn, mơ màng trở lại, tiếp tục làm
thơ.
Thơ
gởi đi thì cứ nườm nượp, thế mà chả bao giờ anh Trinh Chí cho đăng cả.
Thùy thất vọng quá chừng, nhưng cũng phải dẹp nỗi thất vọng đó lại mà
tiếp tục làm bài thơ khác, vì nếu biếng làm thơ, thì phải viết truyện
cho anh Cả. Xét hai "cái" thì làm "thi sĩ" vẫn hơn.
Hôm
nọ, đến chơi tòa soạn, gặp anh Trinh Chí đang nhi nhí kể chuyện gì...
gì đó không biết, trông y như "con gái mười sáu". Thùy thấy tưng tức là,
mè nheo:
- Gớm anh Trinh "cù lần" quá, chả bao giờ chịu đăng thơ em cả.
- Úy trời, bài của em hay quá thơ "Con cóc" thì anh đăng làm sao được?
Các
bạn khác như chị Duyên, anh Vi, anh Quyên, chị Hồng Hạnh, My Anh Nga...
nghe anh Trinh bảo, cùng phá ra cười rũ rượi, tiếng cười như một bản
đồng ca "độc nhất vô nhị", "không tiền khoáng hậu", tưởng chừng căn
phòng sắp sụp đổ trong giây lát. "Công lực" của tiếng cười hết sức "thâm
hậu", Thùy đã vận dụng cả mười thành công lực, bịt chặt lấy hai tai,
chạy tuốt sâu vào nhà in, mà cũng không thoát khỏi tiếng cười ấy.
Thế
là từ đó, Thùy giận anh Trinh, giận anh thì chỉ giận ngoài mặt thôi,
chứ trong lòng ai dại gì mà giận: "Thương anh ghê lắm, anh Trinh ơi. Anh
có xí muội cho em vài "cục" nhá!
Từ
sau cái ngày bị anh Trinh "quê", Thùy "được" các bạn trong tòa soạn gán
cho một cái biệt danh hết sức rùng rợn, mê ly, hấp dẫn: "Thi sĩ cóc".
Cái tên Thùy đã đi vào hư vô rồi, nhường chỗ cho tên "Thi sĩ cóc" đang
thịnh hành mãnh liệt. Nhiều lần Thùy bực tức chống đối dữ dội, hét tướng
lên, không còn biết trời đất gì hết:
- Thi sĩ.. thi sĩ cái con... khỉ á, người ta có tên đàng hoàng mà cứ... thi sĩ... thi sĩ hoài.
Các
bạn thấy Thùy "nổi trận lôi đình" ghê quá thì im ngay, chả hó hé chi
nữa. Còn anh Cả ở phòng bên, nghe Thùy lải nhải cái gì... gì, vội vàng
chạy sang, hỏi cớ sự. My bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện, anh phá ra
cười rũ rượi, cười... rung rung mắt kiếng. Thùy thấy mà ức ghê muốn khóc
đi được. Nhưng giữa chốn "ba quân" mà hưng hức khóc, thì còn gì là thể
thống của một người trai nữa.
Thùy
giận dỗi đến mấy tháng liền, không thèm viết văn viết báo gì cả, "treo
bút" vô hạn định, và "quyết chí" không thèm lên thăm tòa soạn luôn. Nói
quyết chí vậy chớ, Thùy thấy nhơ nhớ mấy anh mấy chị là. Thùy nhớ đến
mái tóc điểm hoa râm của anh Cả này, mái tóc thề của chị Duyên, beatles
của anh Vi này, mái tóc "bồng bềnh" của anh Quyên, tóc húi cua của anh
Trinh này, nhớ tới mái tóc garçon
của chị Hạnh, và nhất là nhớ tới mái tóc dài dài, chấm ngang vai của My
Anh Nga. Nhớ, Thùy nhớ tất cả, nhớ đủ hết không sót một ai, mà... ủa...
sao Thùy nhớ tới "tóc" không vậy hè?
Thùy
nhớ quá, nhớ kinh niên, nhớ đến nỗi nhiều đêm phải sụt sùi khóc, nhớ
đến chỉ còn sơ sơ năm chục ký. Có nhớ, Thùy mới thấy rằng đối với Thùy,
gia đình Tuổi Hoa chính là gia đình thứ hai của Thùy. Ở đó, Thùy đón
nhận tất cả mọi tình thương tuy thỉnh thoảng bị các anh, các chị chọc
ghẹo. Nhớ quá, nhớ quá, nên đến một hôm, Thùy đã gạt bỏ mọi giận hờn nhỏ
nhen, lại thăm tòa soạn. Các anh chị, các bạn đón Thùy với tất cả chân
thành cởi mở, cười nói ríu rít, nào là: "Sao lâu quá không lại vậy
Thùy?" nào là "Nhớ Thùy ghê ghê là, siêng tới chơi với anh nhá. Đó anh
cho Thùy tới ba cục xí muội lận đó, chịu chưa?" hay "Nè, Thùy ngồi đây
nè"... Ôi, cảm động chi lạ, Thùy nghẹn ngào không nói nên lời, không cám
ơn lấy một tiếng, nhưng trong ánh mắt Thùy, nó đã nói lên tất cả rồi...
Anh Cả vẫn không quên hăm he như độ nào:
-
Sao, "chú mày", "trốn chui trốn nhủi" cả 3, 4 tháng không thèm gởi bài,
bây giờ phải nộp ba bốn bài cho anh nhá, anh phạt chú mày đấy.
Lần này thì Thùy hết lo rồi, không khất lần khất lữa nữa mà vui vẻ đáp:
- Vâng, tuần sau em sẽ nộp cho anh.
Bài
mà Thùy sắp "nộp" cho anh đây có một đề tài hết sức mới lạ, kể lại
những chuyện xảy ra giữa cá nhân Thùy và "tập đoàn Tuổi Hoa". Thùy sẽ cố
gắng trau chuốt cho lời văn được gọn gàng, và sẽ lấy đề truyện là
"Thùy... giải nghệ"... Hẳn anh Cả sẽ hài lòng lắm.
THÙY, Pétrus-Ký