Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

MỘT VỤ BẮT CÓC - Nguyễn Trường Sơn

 

Reeng! Reeng!

Khôi và Việt đang ngồi châu đầu suy tính nước cờ bên mảnh giấy kẻ ô vuông đều ngửng cả lên:

- Có chuông điện thoại!

Tiếng chuông réo nghe giật giọng, cấp bách. Khôi đứng vội lên bảo bạn:

- Việt ngồi đây nhé, để tớ sang xem có chuyện gì, vì ba Khôi đi vắng.

Khôi chạy sang phòng làm việc của cha không đầy năm phút đã quay trở lại, răng cắn trên môi.

Việt nhìn bạn hỏi:

- Gì thế Khôi?

- Có chuyện khẩn cấp Việt ạ. Giáo sư Minh Đăng kêu cứu.

- Giáo sư Minh Đăng?

- Ừ, chính giáo sư gọi cho ba Khôi, bảo có một bọn lạ mặt vừa đột nhập vào nhà định bắt cóc ông ta...

Việt cười:

- Cụ Minh Đăng, Giáo sư môn Sử Địa trường Đại học mà bị bắt cóc! Ai bắt cóc cụ làm gì? Chắc lại có tướng sinh viên lớn đầu nào muốn "đùa dai" đấy thôi!

Khôi kéo Việt dậy:

- Không phải chuyện đùa đâu! Chúng mình phải hành động gấp mới được.

- ?!

- Vì Khôi nghe ba nói hình như Giáo sư Minh Đăng có khám phá ra một ngôi cổ mộ của người Hời...

- Ba Khôi có quen Giáo sư Minh Đăng à?

- Không. Nhưng ba Khôi là thám tử nên ông để ý nghe ngóng tới hết mọi việc... Biết đâu bọn kia chẳng muốn bắt cóc Giáo sư để tìm đào ngôi cổ mộ ấy, mà họ biết có chôn giấu nhiều vàng bạc châu báu?

- Ừ, có thể lắm! Nhưng ba Khôi đi vắng, chúng mình biết tính sao bây giờ?

- Hồi nãy, đến chơi với Khôi, Việt đi bằng gì?

- Xe gắn máy.

- Được rồi! Chúng ta phóng thẳng lại nhà Giáo sư...

- Ông ấy ở đâu?

- Ờ nhỉ! Ban nãy Khôi chưa kịp hỏi thì điện thoại đã cúp ngang...

Khôi chạy sang bàn giấy của cha tìm cuốn "Điện Thoại niên giám" lật tìm và reo lên:

- Đây rồi! Nhà Giáo sư ở bên Thị Nghè, biệt thự Tĩnh Tâm... Mau lên Việt!

Đôi bạn chạy ra xe rồ máy.

Bị bạn lôi kéo, Việt vẫn còn hoài nghi, nhưng thấy cuộc mạo hiểm có vẻ hồi hộp, nên hỏi:

- Khôi tính thế nào?

- Cứ đến nơi đã rồi sẽ liệu. Chúng mình giả làm phóng viên nhà báo...

- Chúng mình mà là phóng viên nhà báo? Không được đâu cậu ơi! Hai thằng chỉ có thể là học sinh trung học được thôi...

- Đúng thế. Nhưng là Học sinh chúng ta cũng có thể là phóng viên cho một tờ báo Thiếu nhi chứ?

- Ừ, nhưng đến với mục đích gì?

- À, với... mục đích... xin giáo sư cho xem những di tích sử liệu mà giáo sư sưu tầm được...

- Thế nhỡ...

Khôi cắt ngang:

- Thôi, đừng hỏi nữa. Chúng ta đến nơi rồi.

Đôi bạn nhảy xuống xe.

Biệt thự Tĩnh Tâm vắng lặng, giữa một vườn cây u tịch.

Khôi đưa mắt nhìn bao quát. Anh lẩm bẩm:

- Không thấy bóng ai cả. Nhưng chắc chắn giáo sư có nhà vì chiếc xe hơi của ông ta còn đậu trong nhà xe.

Việt đưa ra một nhận xét:

- Cửa nhà xe mở rộng, có lẽ giáo sư sửa soạn đi đâu đó.

- Khôi tiếp:

- ... Thì gặp bọn kia nên quay trở vào. Hoặc chính bọn họ mở sẵn để đưa giáo sư đi bằng xe của ông ta.

Việt thì thầm:

- Chúng mình vô chứ Khôi? Cần bấm chuông gọi không?

Khôi lắc đầu:

- Cổng biệt thự không đóng, chúng mình cứ việc vào rồi gõ cửa chính thì hơn.

- Nhỡ có chó?

Ý kiến của Việt làm Khôi cũng hơi trợn. Nhưng đã đến đây không lẽ đứng ngoài nhìn. Suy nghĩ, Khôi hỏi bạn:

- Xe cậu có cái khóa dây phải không?

Việt vỗ lên yên xe đáp:

- Có. Mắc dưới này.

Cầm chiếc khóa dây, Khôi mỉm cười bảo bạn:

- Cứ yên trí Việt ạ! Nếu có chó đã có cái này. Vả lại, Khôi chắc nó đã bị xích lại rồi.

Việt vững tâm theo bạn. Anh thấy Khôi tiến thẳng đến nhà để xe của giáo sư Minh Đăng, nhẹ nhàng đóng lại một cánh cửa và ra dấu cho Việt đẩy xe gắn máy tới, để dựa vào đó. Việt lặng lẽ làm theo lời bạn, và không khỏi ngạc nhiên thấy Khôi móc chiếc khóa dây khóa liền chiếc xe vào gióng cửa.

- Sao lại khóa xe của mình ngay trước mũi xe của giáo sư thế?

Khôi thản nhiên đáp:

- Ồ, không sao đâu. Nếu giáo sư tiếp mình, tức là ông chưa cần đi. Điều cần nhất là ông còn trong nhà.

Cả hai quay lại phía cửa chính của ngôi biệt thự. Bước lên thềm gạch hoa, đứng sau Khôi đang giơ tay gõ cửa, Việt thấy hồi hộp như một cậu học sinh sắp bước vào phòng giám khảo. Tim Việt đập mạnh, rộn rã trong lồng ngực.

Có tiếng động ở bên trong, như một chiếc ngăn kéo bị đóng vội... Rồi tiếng bước chân tiến ra cửa. Một bóng đàn ông nhô ra đứng sững trước mặt hai người. Việt bối rối, lặng nhìn. Người đàn ông đã đứng tuổi, phục sức tề chỉnh rõ ra vẻ một nhà trí thức mô phạm. Đặc điểm nổi nhất trong người ông ta là vừng trán hói, và cặp mắt kiếng long lanh dưới hàng mi rậm. Cặp mắt kiếng ấy chiếu thẳng vào đôi bạn như dò xét.

Khôi ấp úng nói:

- Thưa... chúng cháu muốn gặp giáo sư Minh Đăng...

Người đàn ông hỏi:

- Các cậu là... học sinh?

- Thưa... vâng!

- Mà các cậu đã biết giáo sư Minh Đăng bao giờ chưa?

- Dạ chưa.

- Vậy các cậu muốn gặp giáo sư có việc gì?

- Thưa, chúng cháu là phóng viên của tờ THIẾU NHI, đến xin... phỏng vấn...

Người đàn ông nhếch một nụ cười:

- À, thế thì tôi là giáo sư Minh Đăng đây. Nhưng các cậu có thể để đến bữa khác hãy lại được không?

Khôi lễ phép nhấn mạnh:

- Thưa giáo sư, chúng cháu cần được lĩnh ý giáo sư để có bài cho số báo tới.

Lưỡng lự một lát, người đàn ông mở cửa nhường lối cho Khôi và Việt:

- Nếu vậy, mời hai cậu vào. Song tôi báo trước là hôm nay tôi rất bận, chỉ có thể dành cho các cậu chừng năm mười phút là cùng...

- Dạ...

Trước khi chỉ ghế cho Khôi, Việt, ngồi chơi ở phòng khách, người đàn ông mở cánh cửa ngách thông ra cầu thang, gọi lên lầu:

- Chú Năm, dưới này tôi có khách.

Quay lại, người đàn ông ra dấu cho đôi bạn trẻ theo ông tới chỗ bàn làm việc kê ngay gần đó.

Theo sau người đàn ông, Việt thầm nghĩ: "Người đàn ông này có vẻ thông thạo đường lối trong nhà. Chắc hẳn ông ta là giáo sư Minh Đăng rồi!"

Anh muốn nói ngay ý nghĩ ấy với bạn, và ghé vào tai Khôi:

- Chúng mình "lỡ tầu" rồi!

Khôi lừ mắt nhìn bạn, thì thầm:

- Yên!... Cậu cứ để mặc tớ. Xem sao đã!

Người đàn ông kéo ghế ngồi sau bàn giấy dáng điệu rất tự nhiên. Chờ cho Khôi, Việt yên vị trước mặt mình ông ta nghiêm nghị bảo:

- Nào, hai cậu cho tôi biết có điều gì cần hỏi?

Khôi nói:

- Thưa giáo sư, trước hết chúng cháu xin giáo sư vui lòng cho chúng cháu một tấm hình và được phép giới thiệu chân dung của giáo sư với các độc giả Thiếu Nhi...

Cặp mắt sâu, ẩn dưới đôi lông mày rậm của người đàn ông, chớp chớp sau làn kính trắng.

- À... Điều này... rất tiếc là tôi không có bức ảnh nào. Tôi sống cô độc, bận rộn với các công việc tìm tòi và giảng dậy ở Đại học nên ít khi có dịp chụp hình...

- Thưa giáo sư, nếu vậy, xin giáo sư cho chúng cháu đôi hàng lưu bút và chữ ký của giáo sư cũng được.

Nói đoạn, Khôi đứng lên móc cuốn sổ tay trong túi, mở sẵn hai trang trắng đặt lên bàn.

Việt theo dõi cử chỉ của bạn. Anh để ý cuốn sổ tay của Khôi, được đặt chồng lên những trang bản thảo đang viết dở ngay trước mặt người đàn ông. Những giòng chữ ghi trên bản thảo được viết bằng mực đen với những nét chân phương đều đặn. Một chiếc bút máy đã mở sẵn nắp đặt nằm ngang bên cạnh. Hình như những trang bản thảo ấy đang được viết thì phải bỏ dở vì có người vào.

Người đàn ông gật đầu:

- Tôi sẵn lòng! Điều yêu cầu nầy của các cậu không có gì khó khăn cả.

Ông ta rút chiếc bút máy trên túi áo xuống đề vài chữ vào cuốn sổ của Khôi và ký tên. Dưới ngòi bút, trên trang giấy trắng, những nét chữ gai góc màu xanh nổi lên rõ rệt.

Khôi liếc nhìn rất nhanh, lấy lại cuốn sổ cho vào túi:

- Xin cám ơn giáo sư...

Người đàn ông bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột. Ông ta gõ nhẹ ngón tay trên mặt bàn:

- Nào, còn gì nữa không?

- Thưa... chúng cháu ước ao được giáo sư cho xem những cổ vật liên quan tới sử liệu mà giáo sư đã sưu tầm được.

Người đàn ông đứng lên, dẫn Khôi, Việt sang phòng bên cạnh.

- Đây là phòng chứa tài liệu của tôi... Và cũng là chỗ tôi thường ngồi nghỉ ngơi, tập trung tư tưởng...

Đứng trước căn phòng rộng rãi, sáng sủa, bày la liệt những tượng ảnh, Việt thốt lên:

- Chà đẹp quá. Chẳng khác gì một phòng triển lãm.

Khôi dường như cũng quên cả mục đích tới đây, trầm trồ khen ngợi:

- Đẹp thật!

Người đàn ông ung dung mỉm cười:

- Tất cả công trình sưu tập của tôi trong mấy chục năm nay. Nếu các cậu đi một vòng các cậu sẽ thấy nhiều cổ vật qua các triều đại của nước ta... Chẳng hạn như đây là một chiếc trống đồng thường dùng để thúc quân ra trận... Đây là mấy mẫu tiền kẽm lưu hành từ xưa... Còn đây là tượng của một vị vua Chàm với chiếc lọ sành đào được trong một ngôi cổ mộ...

Việt như bị lôi cuốn, hấp dẫn, vì lời giảng giải của ông ta. Nhưng chợt Khôi chỉ lên mấy bức cổ họa treo trên tường hỏi:

- Thưa giáo sư, hình như những bức họa này vẽ lại chiến thắng của ta với quân Tầu?

- Phải!

- Thưa giáo sư, bức này là?...

- Ờ... Bức này tả lại cảnh Hưng Đạo Vương đại thắng quân nhà Thanh tại sông Bạch Đằng...

- Thưa, còn bức này?

- À... đây là cảnh vua Quang Trung cả phá quân Nguyên tại trận Đống Đa.

- Việt láu táu nói:

- Dạ, trong trận này có một tướng Tầu tự tử chết phải không ạ?

- Ờ... Phải! Đó là tướng Tôn Sĩ Nghị...

Đột nhiên Khôi nhìn thẳng vào mặt người đàn ông hỏi:

- Thưa giáo sư chúng cháu có thể lên thăm trên lầu được không?

Người đàn ông cau mày đáp:

- Trên lầu là phòng ngủ riêng của tôi. Vả lại...

Ông ta giơ chiếc đồng hồ tay:

- Thì giờ tôi dành cho các cậu đã khá lâu rồi. Các cậu còn cần hỏi điều gì nữa không?

Khôi bình tĩnh đáp:

- Thưa có. Chúng tôi muốn biết giáo sư Minh Đăng hiện giờ ở đâu, vì ông không phải là giáo sư Minh Đăng!

Người đàn ông quắc mắt nhìn Khôi, rồi bất ngờ xô mạnh Khôi ngã xuống đất toan chạy ra cửa. Nhưng Khôi đã vùng trở dậy, và với một phản ứng nhanh nhẹn của tuổi thiếu niên anh nhoài người túm được chân của hắn. Hắn vùng vằng hét lên lầu:

- Chú Năm, đưa hắn ra xe ngay đi!

Khôi cũng thúc dục bạn:

- Việt, chạy ra gọi ngay điện thoại cho quận cảnh sát!

- Số mấy?

- Gọi về cho ba Khôi cũng được. Số 538.

Việt nhảy bổ ra chỗ bàn giấy, quay số... trong lúc Khôi cũng lao người ra chạy tới cửa cầu thang.

Trên cầu thang Việt thấy rõ giáo sư Minh Đăng, tay bị trói, miệng bị bịt một mảnh vải, phía sau có một người đàn ông lực lưỡng đang áp giải. Thoáng thấy Khôi dưới chân cầu thang người ấy vượt qua mặt giáo sư hùng hổ đi xuống. Chính trong giây phút ấy giáo sư Minh Đăng đã lanh trí tự cứu thoát được hoàn cảnh. Thừa lúc người kia vừa qua mặt mình, giáo sư co chân đạp mạnh vào lưng hắn khiến hắn loạng choạng, ngã chúi từ trên cao xuống, nằm đau điếng trên nền gạch. Nhân lúc hắn chưa chạy được, Khôi nhanh như cắt đã tháo dây lưng trói nghiến hai tay hắn lại.

Việt chạy lên cầu thang gỡ trói cho giáo sư. Ông thều thào nói:

- Cám ơn các cậu... Hai cậu ở đâu tới cứu nguy được cho tôi?

- Thưa giáo sư chúng cháu có nghe giáo sư gọi điện thoại...

- À!

Chợt giáo sư Minh Đăng ngơ ngác nhìn quanh:

- Còn một tên nữa đâu? Tên chủ mưu?

Khôi nói:

- Thưa giáo sư, hắn ở trong phòng tài liệu, nhưng không chắc có còn trong đó nữa...

Việt bàn:

- Chúng ta thử tìm xem hắn đâu?

Cả ba, mỗi người thủ một vật nặng: Giáo sư vớ được chiếc dù, Việt xách một bình hoa bằng đồng, còn Khôi vác luôn chiếc ghế đẩu, nối đuôi nhau xục vào phòng tài liệu.

Quả nhiên người đàn ông giả làm giáo sư không còn đó nữa.

Hắn đã xuống nhà xe, leo lên xe hơi của giáo sư, mở máy... Nhưng hắn bỗng lầu bầu nhảy xuống, vì chợt thấy cửa nhà xe bị án ngữ mất một nửa. Hắn loay hoay không sao mở ra được, vì chiếc xe gắn máy của Việt đã khóa liền vào chốt cửa.

Trên phòng tài liệu, giáo sư Minh Đăng nghe tiếng rú của động cơ, hấp tấp nói:

- Hắn vào nhà xe rồi! Hắn đương mở máy cho xe chạy. Hắn định tẩu thoát bằng xe của tôi.

Khôi nở rộng một nụ cười:

- Thưa giáo sư, hắn không thoát bằng xe được đâu, vì cửa nhà xe đã đóng lại rồi.

Việt tiếp:

- Và cũng không thể thoát được bằng cách nào khác, cháu đã liên lạc bằng điện thoại với thám tử Trần Tâm. Chắc thế nào bác Trần Tâm cũng đưa cảnh sát tới bây giờ.

Quả nhiên, Việt vừa nói rứt lời, thì chiếc xe hơi của cảnh sát đã xịch đổ ngoài cổng.

Nhìn qua cửa sổ trông ra vườn, Khôi mừng rỡ reo lên:

- Ba cháu kia rồi. Ba cháu dẫn cảnh sát tới!

Giáo sư Minh Đăng thở dài bỏ chiếc dù xuống, và khoan khoái trở ra phòng khách.

Lát sau một cuộc sơ vấn được diễn ra tại phòng khách của biệt thự Tĩnh Tâm.

Tên chủ mưu bắt cóc giáo sư Minh Đăng thú nhận đã đột nhập vào  biệt thự, mưu toan bắt cóc giáo sư đưa ra ngoài bằng chính xe của ông ta. Hắn sẽ đóng vai vị giáo sư khả kính ngồi trên xe để không ai có thể ngờ vực được. Mục đích cuộc bắt cóc này là để tìm đào ngôi cổ mộ, mà hắn biết rõ có chôn giấu nhiều vàng bạc châu báu trước khi giáo sư thông báo cho Viện Bác Cổ được biết.

Mọi công việc đã được chuẩn bị sẵn sàng. Không ngờ... hắn thở dài chỉ vào Khôi, Việt:

- Tôi không dè hai cậu học sinh này có đủ thông minh và can đảm phá hỏng mất mưu toan của tôi!

Thám tử Trần Tâm hân hoan vỗ vai Khôi và vui vẻ bảo Việt:

- Sáng nay có việc vắng nhà, khi trở về bác có bắt gặp mảnh giấy của Khôi để lại trên bàn vắn tắt cho biết hai anh em đến biệt thự Tĩnh Tâm, giải cứu cho giáo sư Minh Đăng. Bác còn đang phân vân thì nghe điện thoại cháu gọi, nên bác vội tới quận cảnh sát và cùng các ông ấy đến đây ngay.

Giáo sư Minh Đăng đứng lên nắm lấy tay Khôi và Việt ân cần nói:

- Cám ơn hai cậu. Nhờ hai cậu lanh trí nên bọn gian đã bị bắt. Công việc khảo cứu của tôi lại có thể tiếp tục tiến hành. Từ nay hai cậu cứ coi tôi như một bạn già. Nếu có điều gì cần đến tôi, các cậu đừng quản ngại. Ngôi biệt thự này, sẵn sàng mở rộng cửa đón tiếp hai cậu.

Quay lại thám tử Trần Tâm, giáo sư tiếp:

- Ông nên vui mừng đã có một người con linh lợi, can đảm. Thật đúng là cha nào con nấy. Trong lúc nguy cấp tôi đã nghĩ đến ông và cũng may gọi kịp điện thoại...

Và hướng về các nhân viên cảnh sát, lúc ấy đang dẫn hai người đàn ông lạ mặt ra xe, giáo sư vui vẻ nói:

- Xin cám ơn tất cả các bạn!

*

Trên đường về nhà, Khôi Việt vui vẻ nói chuyện cùng nhau. Việt nói:

- Khôi này, lúc mới gặp hắn tớ đã tưởng chúng mình bị lỡ tầu đấy. Hắn đóng vai chủ nhà y như thật ấy!

Khôi đáp:

- Phải, nhưng trước khi hành động và đóng giả vai giáo sư, hắn cũng phải dò xét kỹ lưỡng nhà cửa và cách sống của giáo sư cẩn thận lắm rồi mới ra tay chứ. Bởi vậy nên tớ mới thử tìm và lòi ra được bằng chứng tố cáo hắn chỉ là một giáo sư giả mạo. Việt thấy có điểm nào không?

Việt gật đầu, giơ hai ngón tay lên:

- Tớ thấy hai điểm đủ để tố cáo hắn. Điểm thứ nhất: Nét chữ và màu mực khác nhau, của hai chiếc bút máy, giữa trang bản thảo và giòng lưu bút. Điểm thứ hai, là điểm sai lầm về lịch sử: Hưng Đạo Vương đại thắng quân Nguyên tại Bạch Đằng Giang, không phải quân Thanh, và vua Quang Trung cả phá quân Thanh, không phải quân Nguyên. Ngoài ra, tướng Tầu tự tử chết trong trận này là Sầm Nghi Đống. Tôn Sĩ Nghị chạy thoát về Tầu. Có đúng  thế không nào?

Khôi cười gật đầu:

- Đúng rồi!

Và đôi bạn cười vang. Tiếng cười thích thú hòa với tiếng động cơ nổ rền của chiếc xe gắn máy đang phóng nhanh trên đường về.


TRƯỜNG SƠN    

(Trích từ tập truyện nhi đồng Tuổi Hoa số 2, phát hành tháng 6 -1962)


Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

GÓC PHỐ THÁNG BA - Trần thị Phương Lan

 














Góc phố tháng ba về êm ả
Chim câu gù giữa khoảnh vườn xinh
Bướm tung tăng hoa giấy nghiêng mình
Phiến nắng lung linh ô cửa sổ

Tháng ba về nhẹ từng hơi thở
Tiễn xuân đi, chờ sắc hạ huy hoàng
Lững lờ làn mây trắng đi hoang
Lọn tóc nào xõa bay trước gió

Đèn soi dáng ai về cuối phố
Nhạc jazz buồn ru mãi bước chân
Nắng vàng phai chiều xuống âm thầm
Ta khẽ nói tháng ba rồi đấy nhỉ

Lá đổ như tiếng lòng thủ thỉ
Chạng vạng chiều bóng ngả công viên
Ghế đá buồn hiu ngọn gió mềm
Thoang thoảng hương hoa nồng đắm đuối

Đời sống vốn đến, đi đều rất vội
Nên bao lần rơi nước mắt từ ly
Những cơn mê đắng vang vọng thầm thì
Vụn vỡ trong tim lời vĩnh biệt

Tháng ba đến chừng như ta mới biết
Xuân đi rồi hạ nối gót theo sau
Lưu luyến chi xuân thắm đã úa nhàu
Ngoài kia, tháng ba về hiện diện....

                                       Trần Thị Phương Lan
                                       (Bút nhóm Hoa Nắng)



Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

NHỮNG SAI LẦM CỦA MẮT - Trường Kỳ

 

Mặc dù mắt chúng ta không hề bị một tật nào như, cận thị, viễn thị hay loạn thị và nếu chúng ta có thể tự hào mắt chúng ta tốt 100/100 thì khi quan sát hình ảnh sau, chúng ta phải sửa đổi lại quan niệm đó. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng tỏ mắt chúng ta có nhiều lầm lẫn quan trọng.


Khi chúng ta nhìn một vật, mắt sẽ điều tiết để đưa hình ảnh của vật đó hiện rõ ràng trên võng mô, nhờ dây thần kinh thị giác báo cho não bộ, ta có thể nhận biết vật đó. Đinh luật căn bản về thị giác cho biết, ta có thể biết được tính chất của một vật dựa vào các yếu tố: hình thể, màu sắc và chuyển động của chúng. Nguyên do các sai lầm của mắt cũng thường căn cứ vào hình thể và màu sắc của vật.

Những sai lầm này còn có thể gọi là những ảo tượng, ánh sáng nhiều quá hay ít quá có thể gây ảo tượng, ngay hình thể, những đường nét này, có thể gây ảo tượng cho những đường nét khác.


Một thí dụ cụ thể nhất là mũi tên do Miiller Lyer đưa ra năm 1890, ông vẽ hai đoạn thẳng bằng nhau, gắn vào đầu đoạn thẳng thứ nhất hai chữ V hướng vào trong, ở đoạn thẳng thứ hai ông vẽ hai mũi tên hướng ra ngoài, nhìn vào, mắt chúng ta kết luận dễ dàng rằng đoạn thẳng thứ hai dài hơn.

Đường xéo góc trong một hình chữ nhật hình như bị gãy và không liên tục khi ta vẽ một băng ngang ở giữa, đó cũng là một sai lầm về hình thể.

Giáo sư Hering đưa ra một thí dụ cụ thể hơn để chứng minh sự lầm lẫn về hình thể. Khi từ một tâm điểm ông vẽ nhiều đường cánh quạt tỏa ra, nếu có hai đường song song dựa trên các đường rẽ quạt đó thì ta có cảm tưởng chúng hình như bị cong, nhất là vị trí gần tâm điểm. Nếu có sự pha trộn giữa hình thể và màu sắc ta lại càng dễ có ảo tưởng bấy nhiêu. Tam giác của Penrose chứng minh sự kiện này. Sự pha trộn này lại càng dễ nhận ra với hình hai người đàn bà, một người trẻ sang trọng, một mụ phù thủy quái ác.



Những vòng tròn đồng tâm, nhưng được cho màu trái ngược nhau và cách đoạn khiến mắt chúng ta dễ lầm tưởng đó là một hình xoáy ốc, hoặc trên những vạch đen song song chúng ta vẽ các hình răng cưa không cân xứng, mắt chúng ta lại lầm lẫn đó là những đường xiêu vẹo.

Thực ra sự lầm lẫn không phải chỉ do thị giác gây ra mà chính ký ức, sự ghi nhớ những hình ảnh đã qua dễ làm chúng ta liên tưởng trở lại khi gặp một hình ảnh tương tự, chính vì thế mà bộ óc chúng ta mới đưa ra những kết luận sai lầm.

TRƯỜNG KỲ  

   
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 76, ra ngày 11-2-1973)


Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

LỊCH SỰ KHI RA ĐƯỜNG - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Hôm nay, chúng tôi nói chuyện với các em về phép lịch sự khi các em bước ra đường.

Khi đi ngoài đường, nơi chỗ đông người, các em chớ nên chen lấn, xô đẩy người khác. Các em nên nhường bước cho những người già cả, những người bịnh tật, nhất là các thương phế binh, những người đã hy sinh một phần thân thể mình cho đất nước. Các em cũng nên nhường bước cho những người có địa vị hay tuổi tác hơn các em. Đi chung với họ trên đường, các em nên dành cho họ lối đi bên phải của các em.

Khi các em va đụng người nào hay đạp lên chân ai, các em nên xin lỗi họ ngay. Các em cũng nên nhớ chớ bao giờ cho rằng cứ đụng bừa hay đạp bừa lên chân người ta rồi xin lỗi là xong chuyện.

Nếu có người lỡ đụng phải các em, các em nên giữ cử chỉ bình tĩnh, thản nhiên và im lặng là điều hay hơn cả. Các em không có phận sự khuyên dạy hay giáo dục bất cứ ai, ngoài những đứa em của các em. Với người xin lỗi các em, các em nên trả lời bằng một nụ cười thông cảm.

Đi ngoài đường, các em chớ nên nói chuyện ồn ào, huýt sáo hay ca hát om sòm trừ trường hợp hát chung với đoàn thể. Những cử chỉ này chỉ là của những người mất trí.

Người lịch sự không vứt rác và khạc nhổ xuống đường. Khi các em gặp mảnh chai bể hay những vật khác có thể làm hại người đi đường như vỏ chuối, đá, gạch vụn, các em nên lượm và bỏ vào nơi kín đáo hơn, để người khác khỏi đạp phải.

Trong các công viên, các em đừng đi trên bồn cỏ hoặc hái hoa. Các cây cỏ, hoa lá này dành để trang điểm, làm đẹp thêm thành phố của chúng ta.

Mỗi khi các em đi cắm trại ở một nơi nào, trước khi ra về, các em chớ quên lượm hết rác mà các em đã vứt trong khi vui đùa.

Khi các em đi sau người nào, các em chớ có nói chuyện thì thầm hay cười khúc khích làm cho người đi trước hiểu lầm các em đang bàn tán về họ hay chế nhạo người ta.

Người lịch sự không nhìn chòng chọc người nào và dòm một cách tò mò vào nhà ai, nhất là không gây gổ ngoài đường.

Khi các em gặp đám tang, đoàn quân diễn hành có quốc kỳ, những lúc chào cờ, các em nên dừng bước và nghiêm chỉnh chào. Đấy là cử chỉ của con người giáo dục.

Có lúc các em cần đợi ai các em nên đứng chờ dưới bóng cây hay ngồi ở ghế công cộng. Các em không nên đi lượn qua lượn lại với cử chỉ đầy sốt ruột trông không được trang nhã cho lắm.

Cuối cùng, chúng tôi khuyên các em mỗi khi bước ra đường, các em nên ăn mặc sạch sẽ, gọn ghẽ, đi đứng đàng hoàng, nhất là đừng ngậm tăm dù các em vừa ăn xong.

Đấy là những cử chỉ nhỏ nhặt nhưng không kém quan trọng, mà các em cần nhớ để được mọi người quí mến và kính trọng.

Ông La Bruyère, một nhà văn hào Pháp ở thế kỷ 17 đã có nói: "Những cử chỉ, cách điệu mà ta coi thường cho là điều nhỏ nhặt không đáng chú ý, song thường chính lại là cái làm cho kẻ khác định đoạt khi họ phán đoán về sự xấu tốt của ta."


Thân mến,                 
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)




Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

CỐ HỌC ĐẬU TIẾN SĨ

 

Ngày xưa tại làng Hạ Vũ có một người tên là Tự Cường vốn người mộc mạc, kém về đường ăn nói, không có văn hoa gì. Một nhà giàu ở trong làng có hai người con gái, gả người chị cho Tự Cường, còn người em thì lấy một ông Giám sinh.

Một hôm ông Giám sinh đi giúp lễ ở nhà một đám tang, được phần xôi bánh và cỗ, mới mời vợ chồng ông Tự Cường tới thết đãi ; vợ ông còn ngại ngùng chưa đến, ông đến trước, không đợi dọn cỗ, cầm cái bánh ngồi giữa sân ăn, thấy vợ đến, vừa ăn vừa bảo rằng:

- Bánh ngon quá, tôi nếm thử.

Vợ thấy bộ dạng ông như thế lại nghe ông nói, trong lòng càng lấy làm đau đớn, về ngay không ăn uống gì. Khi ông về, vợ ông bảo ông rằng:

- Nhà có hai người rể, một người là Giám sinh, một người là dân quèn ; sang hèn cách nhau một trời một vực. Người hơi biết một tí đã tự hổ thẹn rồi, người ta mời mình đến, cũng phải đợi bày mâm bàn mời mọc rồi mới ăn sau, chớ sao lại vô sỉ quá thế!

Ông nói:

- Mình muốn tôi như anh Giám sinh ấy à? Tôi không làm thì thôi chứ làm thì còn hơn anh ấy gấp bội.

Vợ ông chê là nói khoác, ông nói:

- Mình để tôi đi học xem tôi có nói khoác hay không sẽ thấy!

Vợ ông nghe nói mừng thầm, và tự nghĩ rằng: chồng mình đã lớn tuổi, dù có học cũng chẳng thành, nào, nhưng chả hơn là dốt đặc hay sao? Mới hỏi lại:

- Thật anh muốn đi học à?

Ông nói:

- Tôi không nói đùa đâu, cứ tìm thầy để tôi học.

Khi ấy ông đã ba mươi tuổi vợ ông mới đi tìm thầy. Có những trường dạy trẻ con, nhưng lại sợ ông thẹn không chịu học. Trong quận có một ông đỗ Đại khoa dạy học trò, vợ ông đứng chực ngoài cửa chưa dám vào đã ba ngày rồi. Thầy nghe nói có người đàn bà đứng chực, không biết có việc gì, mới sai người gọi vào hỏi. Vợ ông mới đem đồ lễ vào hầu, trình bày lai lịch và xin cho chồng đến học. Thầy hỏi tuổi rồi cười nói:

- Có ai lại ba mươi tuổi mới học vỡ lòng! Ta không tiếc công dạy nhưng học tất không được gì đâu.

Vợ ông thưa:

- Xin thầy thương cho, dạy cho đủ biết ký tên họ cũng còn hơn là ngu dốt.

Thầy không biết nói thế nào, phải bằng lòng cho. Vợ ông hỏi lễ vỡ lòng thế nào ; thầy vốn là muốn từ chối mới nói dối rằng:

- Phải một con trâu với gạo trầu cau cho đủ,

Thầy có ý nói sự khó khăn để cho thôi đi, nhưng vợ ông xin vâng và nói:

- Chồng con đã lớn tuổi mà chưa học, không tiện ở nhà trọ xin thầy cho được ở đây, ngày ngày hầu hạ bên thầy con xin tiếp tục đem lương đến.

Thầy cũng ưng cho. Vợ ông về bảo rằng:

- Đã tìm được thầy rồi. Lễ vỡ lòng thầy bảo như thế, nhà ta cày cấy không mấy, mượn ở nhà ngoại cũng đủ trâu cày, con trâu của nhà đem để làm lễ.

Thế rồi chọn ngày tốt, vợ ông cùng người nhà dắt trâu và đem đồ lễ đủ như lời thầy bảo, đưa ông đến. Đến nơi thầy lấy làm quái lạ quá biết là thành tâm mộ đạo thật, mới bảo người nhà giết trâu làm lễ trời đất, tiên thánh ; bấy giờ trời đương nắng nực, bỗng có đám mây đen che kín trên bàn lễ, lễ xong lại quang đãng, thầy biết là vì lòng thành cảm động đến trời. Vợ ông để ông ở lại học rồi về. Bấy giờ có người thì cười, người thì chê là ngu, vợ ông cũng mặc. Tư chất ông lỗ độn quá học hai ngày chưa thuộc một trang người lớn tiếng to ai cũng phì cười. Sau vợ ông đem gạo đến, thầy bảo:

- Chồng chị tối dạ quá, không chắc đã học được, không phải ta tiếc gì, chỉ sợ mất công chị khó nhọc, không bằng về nhà làm ăn thì hơn.

Vợ ông hai lần cố xin cho học, thầy cũng hai ba lần cố từ chối, bất đắc dĩ vợ chồng phải dắt nhau về. Vợ ông vừa đi vừa khóc, đường đi qua một cái núi, bên núi có khe, cùng nhau ngồi nghỉ. Thấy cái cột đá dưới cầu vì nước chảy đá mòn, vợ ông mới bảo ông:


- Dắn không gì bằng đá, mềm không gì bằng nước, thế mà nước chảy còn mòn đá như thế, huống chi là người, dù ngu tối há lại không có thể khai thông được hay sao? Ta hãy trở lại, cố xin học một lần nữa, hoặc có thể khai thông được chăng, cho khỏi phí công.

Thế rồi vợ chồng lại trở lại. Thầy nói:

- Ta đã bảo như thế sao còn trở lại?

Vợ ông thưa:

- Thầy bảo con không dám cưỡng, nhưng vì con thấy nước khe chảy mà đá mòn, con thiết nghĩ người không phải là đá, ngày đêm tiêm nhiễm mãi, có lẽ nào lại không mở trí được sao. Xin thầy thương tình, cho theo học lại, may có biết được một vài chữ.

Thầy nghe nói cũng ái ngại, mới bảo ông rằng:

- Vì anh tối dạ, chớ không phải ta tiếc công mà không dạy, nay ta ra một câu đối, anh mà đối được thì ta dạy, không thì thôi.

Làng ông là Hạ Vũ lúc ấy lại vừa có mưa nhỏ, thầy mới ra câu đối rằng: "Làng Hạ Vũ mưa bay lất phất". Ông đối rằng: "Đất Xuân Lôi sấm động ỳ ỳ." Thầy lấy làm lạ và nói: "Xem câu ấy của anh, thì khí tượng khác trước nhiều lắm, thế nào sau cũng thành đạt". Rồi cho ông học lại. Từ đó ông học hành rất tiến, sau đỗ Tiến Sĩ.

*

Theo sách LỊCH ĐẠI DANH HIỀN PHỔ chép truyện các bậc danh hiền thời trước thì khi ông Tự Cường ngồi nghỉ bên khe núi được Thần đồng nơi đó nhập vào, và từ đấy trở nên thông minh lạ thường, học hành rất tiến. Bỏ câu chuyện được "thần đồng nhập" có vẻ hoang đường đi, chúng ta cũng rút được trong truyện nầy một tấm gương trì chí của người xưa. Bởi vì "bà xã" của ông tiến sĩ Tự Cường đã không quản thân cò lặn lội gánh gạo nuôi chồng ăn học, biến cải ông chồng từ một nông dân dốt nát thành một người làu thông chữ nghĩa. Và ông tiến sĩ làng Hạ Vũ bị thầy chê, bạn cười, vẫn không nản chí dùi mài để sau nầy danh chiếm bảng vàng, đúng như câu:

Nước chảy đá mòn.



Có công mài sắt có ngày nên kim.


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 39, ra ngày 15-2-1966)


Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

MỘT NGÀY Ở BÌNH TRƯNG - Thập Cẩm

 

 Buổi sáng

Buổi sáng trong lớp học đông
Nghe bài em trả cũng không còn buồn
Ngựa già còn sải trên đường
Mỗi ngày đến lớp thầy thường vẫn vui.

Buổi trưa

Trưa ra vườn hái cải xanh
Nấu nồi cơm nhỏ đã thanh miệng rồi
Mùi cơm thơm ngát gọi mời
Bưng lên nghĩ cám ơn trời biết bao

Buổi chiều

Một câu, một giỏ, dăm mồi
Thầy trò đủng đỉnh ra ngồi sông câu
Lục bình trôi mãi về đâu
Như thầy đi đã từ lâu chưa về
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Cá đâu đã đớp mà chê giỏ thầy

Buổi tối

Trăng lên chếch ở hàng dừa
Ánh lung linh rọi bóng thưa bên cầu
Trò ngoan trải chiếu ra hầu
Nghe thầy kể chuyện ngọt ngào như cơm
Giàn hoa lý thoảng hương thơm
Vài con bướm tối đã mơn man vào
Gió về đêm thổi dạt dào
Tiếng côn trùng hát lẫn vào thinh không
Thầy trò vui chuyện thong dong
Màn đêm đã xuống mà không muốn về.

                                                  THẬP CẨM

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 232, ra ngày 1-3-1975)



Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

BUỔI HÒA NHẠC ĐẦU TIÊN - Bích Thủy

 

Dung bước vội lên xe buýt, len được vào trong thì xe cũng vừa chuyển bánh. Nàng khép nép đứng sát bên thành xe nhìn xuống đường. Trời hôm nay không có nắng. Đường phố râm mát và lác đác có vài giọt mưa. Dung thầm nghĩ:

- May quá, tý nữa thì nhỡ vừa bị mưa lại vừa trễ giờ.

Dung đến nhà bà giáo học đàn. Buổi tập dượt chiều nay rất quan hệ, vì là buổi tập cuối cùng trước khi Dung ra mắt công chúng.

Trình diễn trước công chúng, ý nghĩ ấy làm Dung hồi hộp, lo ngại. Cô bé mới có 14 tuổi, chưa bao giờ dám có tham vọng rằng mình sẽ dự vào một buổi nhạc hội, lên sân khấu độc tấu vĩ cầm trước đám đông cử tọa.

Nhưng hân hạnh ấy đã đến với Dung. Một hội thiện tổ chức buổi nhạc hội với mục đích lấy tiền giúp nạn nhân hỏa hoạn, đã nhờ bà giáo của Dung góp phần trong việc tổ chức. Dung được bà đề cử, và được ban tổ chức ghi tên vào chương trình.

Được chọn, Dung vừa mừng vừa lo. Mừng vì được dịp phô trương tài nghệ, tuy còn non nớt nhưng với số tuổi của nàng, khán giả tất cũng sẽ đại lượng. Nhưng cũng lo vì Dung chưa hề biểu diễn trước công chúng lần nào.

Xe ngừng lại ở góc đường Phan Đình Phùng. Dung bước xuống, đi nốt quãng đường ngắn tới nhà bà giáo. Ngang qua một gốc cây bên lề đường, nàng đưa mắt nhìn ông già ngồi đó với con chó và gửi nụ cười thiện cảm. Hai nhân vật này đối với Dung không xa lạ gì. Ngày nào ông lão cũng tới ngồi đó, đôi mắt lòa nhướng lên, ngơ ngác, không còn nhận ra được những hình bóng gì ở chung quanh. Con chó ngồi chồm hổm bên cạnh, canh chừng chiếc chậu sắt đặt phía trước, và rầu rầu nhìn các bộ hành qua lại ; ông lão, đặt chiếc đàn cò trên đùi, kéo liên miên những bản nhạc quen thuộc với mục đích xin tiền bố thí. Khi xưa, hồi còn khỏe mạnh và còn sáng mắt, chắc ông ta cũng là một nhạc sĩ kiếm ra tiền, không đến nỗi khổ cực như bây giờ.

Dung thấy thương hại ông lão. Vì không biết ông ta tên gì, nàng gọi ông là "lão nghệ sĩ mù". Và cứ chiều chiều khi đi ngang qua đây, Dung thường ngừng lại một phút, vừa đủ thì giờ bỏ một đồng bạc vào cái chậu sắt đặt trước mặt ông ta, hoặc cho con chó một mẩu bánh thừa.

Chiều nay Dung đi qua, không kịp đứng lại. Nàng nhủ thầm:

- Tội nghiệp "lão nghệ sĩ mù"! Nếu gặp cơn mưa không biết lão ẩn vào đâu. Để khi trở về, mình sẽ cho lão một đồng.

Lòng thương hại của Dung khuây lãng đi khi nàng bước chân vào phòng học. Âm nhạc là thú vui ham mê nhất của nàng. Với những ngón tay mềm dẻo của Dung, mấy sợi dây của chiếc vĩ cầm nàng sử dụng ngân vang những âm thanh réo rắt chứng tỏ nàng có thiên tài.

Cuộc tập dượt chiều hôm ấy kéo dài, mê mải, cả thầy lẫn trò. Bà giáo tỏ vẻ mãn nguyện:

- Được lắm, Dung ạ. Đến hôm ra trình diễn em phải cố giữ cho bình tĩnh đừng sợ sệt gì cả. Chắc chắn em sẽ được mọi người hoan nghênh. Cô sẽ có mặt hôm ấy và sẽ hãnh diện về em.

Dung thở dài, đặt chiếc vĩ cầm vào trong bao:

- Thưa cô, em vẫn thấy lo ngại lắm, chỉ sợ...

- Đừng sợ gì cả. Rồi em xem, em sẽ chơi rất hay. Thôi em về nghỉ đi, và nhớ những lời cô căn dặn. Bữa nay có ai đón em không?

Dung đưa mắt liếc lên chiếc đồng hồ treo:

- Thưa cô, ba em dặn bốn rưỡi tan sở ba em sẽ tới đón. Nếu quá giờ đó em cứ việc về một mình vì chắc ba em mắc bận phải lưu lại ở sở.

Nàng chào bà giáo, xách đàn đi ra. Bên ngoài, ráng chiều đã sắp tắt. Cơn mưa khi nãy đã tan để lại một làn không khí mát lạnh. Dung đi thẳng lại bến xe buýt. Qua chỗ gốc cây, nàng thấy "lão nghệ sĩ mù" vẫn còn ngồi đấy, dai đảng kéo chiếc đàn cò. Tiếng đàn uể oải, kéo dài những âm thanh hầu như ai oán. Người qua lại, không ai để ý đến tiếng đàn của lão cả. Họ lơ đãng, vội vã đi qua... Chiều đã sắp tàn, chẳng ai còn muốn la cà đứng lại, dù chỉ để móc túi ném vào chiếc chậu sắt chút tiền bố thí.

Dung chợt nghe tiếng đàn của lão dội lên, âm thanh như bị xé đứt: đờn của lão vừa bị đứt dây. Lão thở dài, buông chiếc đờn trên lòng, hai giọt nước mắt lăn trên gò má.

Dung đứng lặng trân nhìn lão, đôi chân như bị trồng cứng trên vỉa hè. Một ý nghĩ táo bạo thoáng đến làm gương mặt Dung ửng đỏ, rồi tái nhợt ; cuối cùng nàng quyết định, mở túi đàn lôi chiếc vĩ cầm của nàng ra, bước lại đứng gần lão nghệ sĩ mù. Khổ người bé bỏng của nàng với chiếc áo dài màu hồng nổi bật bên cạnh lão. Nàng đặt chiếc vĩ cầm lên vai, áp má vào thành đờn, phác thử âm giai dạo đầu một bản nhạc của Haendel

Lão nghệ sĩ mù ngạc nhiên ngẩng đầu nghe ngóng, lão tự hỏi: ai đã chắp nối những bản nhạc không đầu không đuôi của lão bằng thứ nhạc cổ điển danh tiếng của tây phương?

Vài khách bộ hành đứng lại, ngạc nhiên trước cảnh tượng một lão già mù lòa ngồi ủ rũ bên con chó gầy còm và, cạnh đấy cô bé xinh xắn, sóng tóc xõa ngang vai, đang nắn những cung đàn một cách điêu luyện.

Khán giả tụ lại mỗi lúc một đông, đua nhau ném tiền vào chiếc chậu sắt.

Dung không nhìn ai hết. Hoảng hốt về sự liều lĩnh của mình, tim đập rộn ràng muốn nghẹt thở, cô bé nhắm mắt lại, tập trung cố gắng vào điệu nhạc mình đang biểu diễn. Sau bản của Haendel, tiếp đến Vivaldi, rồi Mozart.

Vì nhắm mắt, Dung không thấy một bóng hình quen thuộc dừng lại trước đám đông và kinh ngạc thốt kêu:

- Dung!

Người đó chính là ba của Dung. Ông tan sở trễ nên không đi đón con, và thẳng ra bến xe buýt. Ngang qua đây ông chợt nghe tiếng đàn quen thuộc, với những nhạc điệu trầm bổng réo rắt mà con gái ông thường tập dượt, ông liền rẽ đám đông đang vây quanh Dung, và chỉ một thoáng nhìn, ông đã hiểu ngay tình thế.

Chờ cho bản nhạc vừa dứt, ông lặng lẽ đặt tay lên vai con.

Dung giật mình, mở mắt. Cô đỏ mặt, thảng thốt kêu:

- Ba!

Nàng bối rối chờ đợi lời quở mắng của cha. Nhưng ba của Dung không nói gì cả. Ông đỡ lấy chiếc đờn của con và đặt vào tay nàng tờ giấy 50 đồng, với một nụ cười thông cảm. Dung hân hoan trao tấm giấy bạc và chiếc chậu sắt đầy tiền cho "lão nghệ sĩ mù" rồi theo cha đi như trong một giấc mơ.

Cuộc hòa nhạc đầu tiên của Dung chấm dứt, và làm cho nàng tin tưởng ở tương lai.


BÍCH THỦY    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 12, ra ngày 25-12-1963)




Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

MÙA XUÂN, MAI VẪN NỞ - Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

 

Khu vườn dễ thương mang tên Tuổi Hoa, nơi nuôi dưỡng những cây bút tuổi học trò, nằm khiêm nhường bên cạnh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng Sài Gòn. Mặc cho ngoài đường nhộn nhịp đông đúc, bên trong khuôn viên nhà thờ thật êm ả. 

Muốn đi vào tòa soạn Tuổi Hoa, Ly phải qua nhà sách Đức Mẹ. Đến một hành lang ngắn, Ly gõ cửa căn phòng đầu tiên và rón rén thò đầu vào, gặp Cha Chân Tín, vị chủ nhiệm của báo, Ly lên tiếng chào Cha. Cha với nụ cười thật hiền hòa, lúc nào cũng hỏi han Ly. Rồi tiếp đến, sang chào bác Trường Sơn là thư ký tòa soạn, Ly nhận một lô thư từ để đem về căn phòng nhỏ của mình. Bác Trường Sơn vẻ nghiêm nghị nhưng luôn sẵn sàng nở nụ cười ưu ái đối với Ly và chỉ dẫn cho Ly những điều cần thiết trong công việc. Sáng đi học, chiều đi làm thư ký nhỏ kiêm “thầy cò”(1), Ly cảm thấy vui lắm.

Những buổi chiều khi đã xong công việc của tòa báo, Ly thường hay thơ thẩn đi qua phía nhà thờ. Ly không vào bên trong giáo đường, mà dừng lại trước hang đá có tượng Đức Mẹ. Những bó hoa tươi mọi người đem đến sắp xếp trang trọng xung quanh chân tượng, bên cạnh những tấm biển nho nhỏ ghi dòng chữ “Tạ ơn Đức Mẹ”. Không gian yên tĩnh thật dễ thương. Ly để tâm tư chìm vào lời cầu nguyện.

Cái thời xa xưa, mỗi khi bác Trường Sơn bảo Ly viết bài, thì ý tưởng ở đâu tuôn trào dào dạt. Nhất là đến Tết, không khí nhộn nhịp của tòa soạn làm cho cô bé tăng thêm cảm hứng. Thuở đó, Ly hăng say viết. Viết như mình thở vậy. Hầu như chỉ cần một hình ảnh lướt qua trước mặt, thậm chí trong ý nghĩ, hay chỉ cần một từ ngữ nào đó, cũng đủ gợi nên cả một câu chuyện. Các bạn đọc nhỏ tuổi đến chơi tòa soạn vào những chiều thứ bảy, thường đặt ra cho Ly những câu hỏi đại khái như :“Truyện của Ly viết là thật hay là tưởng tượng?”. Ly cũng thành thật nói ngay: “Là thật, đan xen với những điều tưởng tượng”. Và thế là Ly đã có những người bạn văn nghệ thật dễ mến đến gặp gỡ, trò chuyện thường xuyên. Cuộc sống của cô học trò và rồi trở thành cô sinh viên xem ra có vẻ bình yên với những bài viết đăng đều đặn trên những kỳ bán nguyệt san, và thỉnh thoảng một quyển truyện dài dành cho tuổi mộng mơ. Nhưng bên cạnh đấy, cô có một góc đời khác: sống với công việc xã hội, vì thế những mảnh đời thật từ đó cô đã đem vào trong văn. Đơn giản là như thế!

Trong những người bạn gần gũi với Ly nhất, có cô bé thi sĩ nhỏ Quỳnh Mai. Cặp kính cận gắn trên khuôn mặt bầu bĩnh làm Quỳnh Mai có một vẻ hóm hỉnh dễ thương. Quỳnh Mai thường đến chơi với Ly, nói chuyện một chút và ngồi yên lặng xem những trang báo mà Ly đang sửa. Từ ngữ chuyên môn gọi đó là những “bản vỗ” (2), nghĩa là những bản in nháp để Ly sửa chính tả hay những chữ sai nếu có, rồi khi đã được thợ nhà in sắp chữ lại cho hoàn toàn đúng mới đem in thật để phát hành. Quỳnh Mai cũng hay xin phép bác Trường Sơn cho theo Ly xuống nhà in để xem những cỗ máy in thật lớn, tiếng máy dập ì ầm làm át cả tiếng nói, và ngắm những chồng báo cao ngất ngưỡng, những hộc gỗ to tướng đựng đầy những mẫu chữ khắc bé tí xíu, chữ nào để riêng hộc nấy; rồi đến những nơi đóng gáy, cắt xén…. Chao ôi, công việc trong nhà in thật là bận rộn, khiến cô bé Quỳnh Mai rất ngạc nhiên. Cô bé nhìn “chị Ly” của mình với tất cả vẻ thán phục. Nhưng Ly đã quen rồi! Có chăng là cái ngày đầu tiên tiếp nhận công việc làm “thầy cò”, Ly cũng “ngố” không kém. Học hỏi từ từ rồi đâu cũng vào đó. Trong tòa soạn thì Ly được xem là em út, nhưng đối với các độc giả nhỏ tuổi trạc bằng Quỳnh Mai thì Ly được làm chị. Ngoài việc làm “thầy cò”, Ly giúp bác chủ bút trả lời thư tín, sắp xếp bài vở và, quan trọng nhất, là viết bài!

Mùa xuân năm đó, tòa soạn nhộn nhịp hơn cả bình thường với không khí chuẩn bị cho báo Tết. Căn phòng nhỏ mà Ly làm việc mỗi buổi chiều cũng là phòng hội họp. Những người phụ trách các mục thường xuyên của tờ bán nguyệt san Tuổi Hoa, như các anh Hà Tĩnh, Quyên Di, Trinh Chí, họa sĩ Vi Vi, thầy Hoàng Đăng Cấp.., mỗi người một vẻ. Anh Quyên Di nhỏ nhẹ, anh Hà Tĩnh điềm đạm, anh Trinh Chí vui vẻ, thầy Hoàng Đăng Cấp nói rất nhanh và kể chuyện rất hay, riêng họa sĩ Vi Vi rất vui tính, ân cần và lúc nào cũng tài tình với ngọn bút lông. Bên cạnh đó, còn có những cây bút trẻ cộng tác viên cùng về tụ tập tại căn phòng nhỏ của Ly, hỏi han, bàn luận vui vẻ. Nhân đó, Ly cũng trao cho từng anh chị những bức thư do độc giả gửi đến. Lại những điều chia xẻ thật vui. Khi gần tối, mọi người đã về hết, chỉ còn Quỳnh Mai ở lại cùng với Ly để giúp dọn dẹp căn phòng, Ly lại có một người khách mới đến. Một cô bé!

*

Mai Vi nhỏ hơn Ly bảy tuổi. Khi cô bé xưng tên, Ly biết ngay đó là vị độc giả thiếu nhi tuần trước đã viết cho Ly một bức thư làm quen. Và bây giờ thì quen thật. Như đã từng biết nhau, họ tay bắt mặt mừng. Và dĩ nhiên, có duyên gặp gỡ cả Quỳnh Mai nữa. Hai cô bé thích thú khi thấy có cùng tên Mai. Có lẽ những lời khách sáo không dành cho những người bạn nhỏ này, nên cả ba người đã vào chuyện rất nhanh. Mỗi người tự kể chuyện về mình và hỏi thăm hai người kia. Đối với Ly và Quỳnh Mai, cuộc sống khá êm ả: sinh ra, lớn lên và học hành tại thành phố. Riêng Mai Vi lại có cả một khung trời cơ cực. Tuổi thơ không yên bình trải ra tại một làng nhỏ ở quận Đông Hà thuộc tỉnh địa đầu Quảng Trị. Lên tám tuổi, cô bé đã hứng chịu một tai ương đau lòng. Nhà thờ bị pháo kích từ phía bên kia, trong khi đang có đông đảo giáo dân làm lễ. Bà ngoại và Mai Vi đều bị mảnh đạn hỏa tiễn làm mất cả đôi chân. Người mẹ góa bụa của Mai Vi phải gánh vác gia đình, làm lụng vất vả để nuôi sáu miệng ăn. Rồi mùa hè đỏ lửa, cả gia đình gồng gánh nhau chạy vào nam trên đại lộ kinh hoàng. Đến vùng đất tương đối yên lành, gia đình em được hội thánh giúp đỡ tạo dựng cơ nghiệp ở Bình Tuy. Mai Vi và các em theo học ở làng Bồ Câu Trắng, dưới sự chăn dắt của một vị linh mục nhân từ.
Khi Mai Vi nói xong câu chuyện về mình, nét mặt cô bé vẫn bình yên trong một vẻ cam chịu. Nhưng Ly và Quỳnh Mai thì nước mắt ràn rụa. Mai Vi nói bằng giọng Quảng Trị dễ thương:
 
- Chị Ly biết không, em vào trong ni, có thời gian ở làng Bồ Câu, đọc sách báo nhiều, em mới biết có Tủ sách Tuổi Hoa. Tình cờ một hôm bạn em tặng cho em một quyển truyện của chị, truyện “Khúc lan can gãy”, em cảm thấy em giống như nhân vật người thương binh trong ấy. Em thấy thương mến chị, và em quyết tìm đến chị đấy!
 
Quỳnh Mai lau nước mắt, gượng cười:
 
- Còn chị, Mai Vi biết không, hễ chị Ly viết truyện thì chị Mai cảm tác thành thơ. Vậy nên bây giờ ba chị em mình kết nghĩa luôn nhé!
 
Ly ôm hai cô em gái vào lòng:
 
- Cám ơn Phật, cám ơn Chúa đã cho chị em mình gặp nhau. Nè, để chị nhờ chú Hai ở nhà in chụp cho chúng mình một tấm ảnh, há!
 
Khi Ly chạy xuống nhà in rồi trở về phòng, chú Hai sắp chữ cũng lên theo. Ba chị em kết nghĩa đứng bên nhau. Ly làm chị nhưng bé nhỏ hơn cả. Quỳnh Mai làm bộ nhón gót. Còn Mai Vi, trên đôi chân dài bằng gỗ, em là người cao lớn nhất.

*

Quỳnh Mai là cô bé thích làm thơ, những vần thơ ngắn nhưng cô đọng tình cảm của một cô học trò. Quỳnh Mai mơ mộng khi nhìn những con chim nhỏ bay vào những ô cửa lớp rồi lại bay ra; khi nhìn lên trần nhà của lớp học, suy nghĩ về những tổ chim ấm áp được xây trên cánh quạt đã hư. Quỳnh Mai như cô bé bâng khuâng trước viễn ảnh ngày mai sẽ lớn, ngày hồn nhiên sẽ qua, để một chiều một sớm… thấy đời những xót xa… Những vần thơ trong sáng của cô bé được đón nhận với chân tình của độc giả. Và cô bé lại thích làm Ô chữ. Ô chữ, là trò chơi, là tiết mục không thể thiếu trong các tạp chí thiếu nhi. Nhìn Quỳnh Mai cắm cúi làm Ô chữ, cặp kính cận hơi trễ xuống, Ly bật cười. Ly tự hỏi không biết cô bé mũm mĩm này sẽ có được một cuộc sống hồn nhiên và bình dị như những vần thơ của cô hay không.

Còn Mai Vi, không viết văn làm thơ nhưng rất say mê đọc sách. Những năm tháng ấu thơ cô bé sống nhiều dưới hầm hơn là trên mặt đất. Cô bé đến trường học và cả khi ngồi trong lớp cũng luôn sẵn sàng chui xuống hầm. Tuổi nhỏ của Mai Vi có một ngả rẽ hãi hùng là thời điểm tai nạn đến làm em lìa bỏ đôi chân. Sau khi ở bệnh viện về, em vẫn phải ở dưới hầm. Trong nỗi đau đớn của chính mình, em còn phải chứng kiến nỗi đau của bà ngoại. Có một lần bà ngoại nghe tiếng đạn pháo kích ngay gần miệng hầm, bà quên rằng mình không còn đôi chân, bà lao xuống giường để chạy và đã ngất đi vì đau đớn. Em hiểu được cái gì là sự chịu đựng, vâng, chịu đựng đến tê dại.

Từ lúc có Mai Vi, Ly và Quỳnh Mai siêng đến thăm em ở nhà vị bác sĩ người Mỹ giúp em theo dõi vết mổ. Em đã phải qua nhiều cuộc giải phẫu nữa vì xương vẫn tiếp tục phát triển. Xong đợt điều trị, Mai Vi xin về lại Bình Tuy để sống với gia đình và tiếp tục đi học.

Mùa xuân 1975 là mùa xuân cuối cùng của ba chị em kết nghĩa. Hai cô bé mang tên Mai đến rồi đi mất. Những ngày tháng ở lại Việt Nam, Ly không nhận được tin gì của Quỳnh Mai và Mai Vi nữa. Ly đã lạc họ. Không còn nữa khu vườn tuổi trẻ thơm hương của Tuổi Hoa. Tòa soạn đã biến mất. Và những năm sau đó, khu vực nhà in biến thành một nhà quàn để tổ chức tang lễ. Những lần đi ngang đó, Ly ngừng lại, lang thang tìm một chút gì quen thuộc. Chú Hai và những người thợ cần cù trong nhà in, bây giờ chắc đã đi tứ tán để tìm phương kế sinh nhai nơi đâu không biết. Bên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, vẫn vang lời kinh cầu, vẫn có những người đứng yên lặng thầm khấn nguyện trước tượng Đức Mẹ, vẫn có những bó hoa tươi bình an nép bên chân tượng, vẫn có những tấm biển nho nhỏ ghi dòng chữ “Tạ Ơn Đức Mẹ”; nhưng bên này, tòa soạn Tuổi Hoa, như thể chưa từng đã có. Cha Chân Tín còn ở lại nhưng Ly không hề gặp Cha bao giờ. Bác Trường Sơn đã ra hải ngoại. Tòa soạn đã đóng cửa. Ly chỉ còn để cái tên “Tuổi Hoa” nằm trong một góc u hoài của trí nhớ. Ly thở dài bước đi. Có lúc như nghe văng vẳng tiếng cười nói trong những chiều thứ bảy vui tươi. Những gương mặt thân quen lướt qua trong đầu: những người còn sống, gặp lại rồi, hay đã xa vời mọi nẻo, cùng những người đã chết, đó là những thi sĩ, văn sĩ học trò ngày nào xếp bút nghiên lên đường chinh chiến…

Những mùa xuân thản nhiên đi qua trong đời. Người đọc không thấy Ly viết gì nữa. Ly vẫn sống đó, nhưng mặc nhiên đã gác bút.

*

Đất Mỹ, lạ, rồi cũng trở thành quen.

Nhiều người sống trên đất Mỹ nhưng xem nơi đó như một người chồng hờ.

Ly không như thế. Ly đến xứ Mỹ như tìm đến một người bạn chưa thân nhưng đã biết. Cũng như trong đời Ly, vốn đã có duyên gặp gỡ với những người bạn dễ thương, như Quỳnh Mai, như Mai Vi, khi gặp nhau là có thể nói chuyện được với nhau vì đã có một cái gì gắn bó rất vô hình. Đất Mỹ không phải là cái cây bằng vàng mà ai cũng có thể vói tay là hái được trái. Đây cũng là nơi đầy những khó khăn thử thách. Những người chấp nhận đánh đổi nhiều thứ chỉ để lấy một thứ đều biết rằng phải vượt qua rất nhiều gian nan. Sống trên đất Mỹ, đặc biệt là ở giai đoạn suy thoái kinh tế, lại càng thấm câu“Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương” (3). Hai mươi mấy năm tưởng không rứt ra được vì muôn ngàn mối ràng buộc, cuối cùng cũng phải chọn rời bỏ quê nhà Việt Nam với lòng nhớ thương ray rứt những người thân yêu. Đến nơi đây, với đôi bàn tay trắng, Ly cùng gia đình tạo dựng lại tất cả. Và đã có một quê hương thứ hai.

Một đôi lần có những người quen hỏi Ly sao không viết lại, vì đâu có gì ngăn trở nữa, Ly mỉm cười: “Vâng, thì viết lại!”. Một chục cái “vâng” như thế rồi chìm luôn. Thảo nào người ta nói muốn sáng tác cần phải có cảm hứng. Ly có một vài bài viết đăng trong tập san của một hội ái hữu cựu học sinh rồi lại chìm nữa. Chẳng lẽ ở cái xứ này người viết sẽ không còn cảm hứng? Ô không! Nhưng… hãy để mọi việc tùy duyên!

Bỗng một hôm Ly tình cờ xem trên một website, truyện của mình được một bạn trẻ đánh máy gửi đăng. Ly vô cùng cảm động. Hóa ra mình cũng có thể vào chơi trong những tòa soạn báo “ảo”! Thấy các bạn đánh máy sai quá nhiều lỗi chính tả, trách làm sao được vì có lẽ bạn học hành ở Mỹ, đánh máy tiếng Việt như thế là quý lắm rồi, Ly cảm thấy mình không thể im lặng như một “người quá cố”, nên bắt đầu tham gia vào các diễn đàn và tự đánh máy lại các truyện của mình ngày xưa, gửi đăng. Ngày xưa, người viết hoặc đánh máy bằng bàn máy đánh chữ, hoặc viết tay, rồi thợ nhà in sắp chữ để in ra, không hề có “file” như bây giờ để có thể muốn gửi đi đâu thì gửi. Vì thế Ly đã phải “gõ” lại toàn bộ những truyện của mình. Không thể ngờ được, những người còn yêu mến sách truyện ngày xưa có rất nhiều. Bỗng dưng như tìm được những khu vườn thân mến, Ly dần dần đăng lại các truyện cũ của mình. Và thật đáng ngạc nhiên, có những người bạn chưa từng có mặt ở tòa báo Tuổi Hoa ngày xưa, nay lại có thành tâm sáng lập Tủ sách Tuổi Hoa Online. Và Tuổi Hoa đã sống lại!

Ly đăng đã gần hết những truyện ngắn, truyện dài của mình. Nhưng chỉ là đăng lại, chứ chưa hề viết lại. Và rồi, đến một hôm, khi đánh máy đến trang cuối cùng của truyện dài bị xuất bản hụt vì nộp cho tòa soạn vào tháng tư 1975, Ly bàng hoàng khi nhìn thấy lại tên của Mai Vi, người em gái đã gợi cho Ly cảm hứng viết nên câu chuyện về những thiên thần nhỏ trong làng cô nhi chiến tranh. Mai Vi ơi! Em đâu rồi? Và Quỳnh Mai nữa… Hơn ba mươi năm, ôi thời gian dài quá! Cuộc sống thăng trầm, con người ly tán, có lúc chị đã quên mất hai em, cũng như đã quên mất nhiều người. Không đâu! Chính xác hơn là, ta đã có lúc không nghĩ về nhau, chứ không phải đã quên nhau! Ly ngồi vào máy, nhắm mắt lại… Ngày xưa, chỉ cần một hình ảnh thoáng qua, chỉ cần một từ ngữ, đủ gợi nên cả một cốt truyện. Bây giờ, làng cô nhi chiến tranh, rồi làng Bồ Câu Trắng, rồi Mai Vi … tất cả cuốn đi như một cơn gió lốc rồi sắp xếp lại, nhưng thành hình ảnh của một Việt Nam sau 1975. Ôi, cảm hứng đã trở về! Ly say sưa viết nên đoạn cuối cho truyện dài tưởng đã chấm dứt hơn ba mươi năm trước. Ưu tiên dành đăng là cho Tủ Sách Tuổi Hoa Online, khu vườn làm sống lại những bông hoa tưởng đã úa tàn. Và thật vui mừng, truyện dài xuất bản hụt của Ly giờ đây lại được họa sĩ Vi Vi vẽ cho một hình bìa. Người họa sĩ tài ba của Tuổi Hoa, của thiếu nhi và những cô bé cậu bé mộng mơ, giờ đây đang sống ở nơi ví như một Cà Mau của Hoa Kỳ, chỉ trong vài phút đã vẽ nên một hình bìa, không bằng ngọn bút lông, mà bằng computer.

Cơ duyên lại dẫn Ly đến với Việt Báo Online, với mục “Viết về nước Mỹ”. Ly đã có cảm hứng để viết về những mảnh đời sống trên đất nước này, trong đó có mình. Khác với ngày xưa, khi gửi bài là Ly cầm trao thẳng cho bác chủ bút. Còn báo “ảo” bây giờ, Ly chỉ cần một động tác là “attach” và một “cú click” thế là không cần tốn mấy con tem và cái bì thư. Ban biên tập cũng “ảo” nốt! Nhưng không! Thế giới “ảo” nhưng con người là thật. Ly nhận được email của ban biên tập khuyến khích Ly viết tiếp. Ly trả lời thư, cám ơn Việt Báo đã cho cây bút Ly có nơi chốn để tìm về. Vâng, không phải là “đến”, mà như đã “tìm về”. Thế thôi, ngoài ra Ly không có ước muốn nào khác.

*

Lại sắp đến mùa xuân!

Ly không có thói quen mỗi mùa xuân lại than thở mình bị chồng thêm một tuổi, nhưng hay tưởng nhớ đến những kỷ niệm đã qua. Thêm một điều: sống ở mảnh đất này, hình như Ly cũng học được cách tạo cho mình tinh thần lạc quan và truyền cái lạc quan cho người khác như truyền một loại “virus”.

“Mùa xuân sắp đến!” Nếu không có lời nhắc nhở này, Ly sẽ không nghĩ đến một quán tính hồ như đã bị lãng quên từ lâu: viết bài báo xuân. Bây giờ Ly không còn có căn phòng nhỏ trong tòa soạn, không còn có những đồng nghiệp, những anh chị em viết văn làm thơ, những bạn đọc, những người thợ cần cù trong nhà in… Tất cả bây giờ nhường cho thế giới “ảo”. Ly hình dung những con người thật, cũng đang miệt mài viết lách, cũng đang chạy đua cho kịp thời gian “ra báo”. Ôi! Thật là sinh động! Thế nhưng sẽ viết gì cho mùa xuân này đây? Chưa biết nữa! Nhưng Ly sẽ viết, như một cách cám ơn mảnh đất, khu vườn đã cho mình có nơi trồng những bông hoa.

Một buổi tối, Ly nhận được một cú điện thoại…
 
- Chị Ly! Em đây, Quỳnh Mai đây!
 
- Quỳnh Mai? Là Quỳnh Mai sao? Thật không?
 
- Thật, chị ơi!
 
- Em đang ở đâu? Làm sao em tìm ra chị?
 
- Em đang ở Ohio. Chị không biết em ra sao, nhưng em thì biết chị đã qua Mỹ, nhờ em đọc bài của chị trên Việt Báo. Em mừng lắm, biết đây chính là chị Ly của em rồi! Em biết rằng chị đã qua định cư ở đây. Em đã vào internet tìm ra số điện thoại của chị nè, hay không?
 
- Hay quá! Nhưng bao lâu nay, em làm gì?
 
- Năm 87 em vượt biên, chị ạ! Chị không ngờ đâu, con nhỏ Quỳnh Mai hí hửng nhỏ tí teo của chị lại hứng chịu nhiều nỗi khó khăn hiểm nghèo trên biển, nhưng nhờ ơn Trời Phật, em đã vượt qua hết chị ơi!
 
- Em giỏi quá! Chị mừng lắm! Hãy nói cho chị nghe từ đó đến nay em đã làm gì?
 
- Đầu tiên em làm việc thiện nguyện chị ạ! Ở Pulau Bidong, Mã Lai, em làm nhân viên thống kê cho trại, rồi chuyển sang Sungei Besi, em làm việc tại văn phòng trợ giúp người tàn tật, rồi sang Bataan học sáu tháng để đi định cư ở Mỹ. Tại Bataan em cũng giúp việc thiện nguyện làm trợ giáo và phụ tá cán sự xã hội, thăm hỏi và giúp đỡ các trại viên gặp khó khăn.
 
- Ôi! Em thật giỏi! Bây giờ em ra sao?
 
- Em đã có gia đình và có hai con rồi chị ạ. Bây giờ em và ông xã lo “đi cày” nuôi con.
 
- Chị cám ơn Trời Phật đã giúp chị em mình tìm lại nhau. Có khi mình đã quên bẵng nhau. Nhưng chị vẫn luôn nhớ đến em, đến mọi người ở Tuổi Hoa.
 
- Các anh chị ở Tuổi Hoa thế nào rồi hở chị?
 
- Thầy Hoàng Đăng Cấp, anh Hà Tĩnh, anh Trinh Chí và rất nhiều người còn ở lại Việt Nam. Anh Trinh Chí vừa mới mất vì bạo bệnh. Anh Quyên Di, anh Vi Vi đã yên ổn ở Hoa Kỳ. Còn nhiều nữa, những người viết cho Tuổi Hoa, người đi kẻ ở, chị không biết hết…
 
Cả hai chị em cùng im lặng. Ly đoán rằng ở đầu dây bên kia, Quỳnh Mai hẳn cũng đang bùi ngùi như Ly, mường tượng ra cảnh thân ái ở tòa soạn Tuổi Hoa. Ngày xưa thoáng qua như một cái bóng, thật không ngờ đã 35 năm!

Giọng Quỳnh Mai nghe ray rứt:
 
- Còn Mai Vi nữa, phải không chị? Em không biết Mai Vi ra sao. Những lúc ở đảo, em cũng có ý tìm kiếm Mai Vi, hy vọng gặp được em ấy trong số những người tị nạn. Nhưng…

*

Một tuần lễ sau, Ly nhận được hai bức email chuyển đến từ hai người bạn phụ trách website Tủ Sách Tuổi Hoa Online. Email của Mai Vi! Ly không tin vào mắt mình. Ly còn lẩm cẩm tự hỏi Mai Vi nào đây? Chẳng lẽ lại là một Mai Vi khác?
 
- A lô! Mai Vi!
 

- Chị Ly, em đây!
 
- Là em… là Mai Vi hở? Là Mai Vi của Làng Bồ Câu Trắng?...
 
- Dạ phải. Chị nghe giọng nói mà không nhận ra em sao?
 
- Giọng Quảng Trị… Chị nhận ra chứ! Nhưng chị không tin…
 
- Em được bảo lãnh qua Mỹ năm 90. Chị biết không, khi Làng Bồ Câu Trắng giải tán, em thôi học, sống với gia đình và làm nhiều nghề thủ công để sinh sống. Ngoại em ở lại và đã mất rồi chị ạ! Em đi với mẹ và các em của em.
 
- Em… ra sao rồi?
 
- Em đang ở Seattle. Em đã có gia đình, có một đứa con gái mười lăm tuổi. Cháu ngoan lắm, nói tiếng Việt rất rành. Anh nhà em thương em lắm chị ơi! Em đang sống rất hạnh phúc.
 
- Cám ơn Chúa!!! Chị sẽ đi thăm em, có cả Quỳnh Mai nữa.
 
- Ôi, hay quá! Chị cũng đã tìm lại Quỳnh Mai sao? Ba chị em mình sẽ gặp nhau!
 
- Nhưng em hãy nói cho chị biết, làm sao em tìm ra chị?
 
- Thật là may mắn. Em đọc báo Mục Vụ, một hôm thấy bài đăng nhân lễ Vu Lan, viết về tâm tình của người mẹ, nhìn tên tác giả em biết ngay đó là chị. Theo đường dẫn vào website Tủ Sách Tuổi Hoa, em viết email cho hai anh chị phụ trách để nhờ chuyển thư em đến chị.
 
- Nhưng báo Mục Vụ làm sao có bài của chị mà đăng?
 
- Một độc giả ở Thụy Sĩ trích bài của chị từ Việt Báo Online và gửi cho Mục Vụ để chia sẻ nhân mùa Vu Lan nên em đọc được. Chị thấy hay ghê không? Mục Vụ là báo của Công giáo, và là báo in đó chị!
 
- Ôi, như vậy là bài đã đi vòng một đoạn đường dài!
 
- Thật là vui, phải không chị?
 
- Thật là kỳ diệu! Mai Vi ơi! Còn… đôi chân của em..?
 
- Vẫn nhức nhối chị ạ! Đến mùa lạnh là em đau thấu tới trong xương. Đêm ngủ em vẫn thường gặp ác mộng. Nhưng tình yêu gia đình đã giúp em sống vui. Bây giờ em không đi chân giả nữa vì nó nặng nề quá, em dùng chiếc xe lăn và làm mọi công việc trong nhà rất tốt. Em cũng đi đây đi đó để thưởng thức cuộc sống. Chị ơi! Hãy mừng cho em, chị nhé!

Mùa xuân, ở đất Mỹ khó tìm thấy một cành mai. Nhưng mùa xuân này Ly đã có Quỳnh Mai và Mai Vi, hai người em tinh thần, nhờ thế giới báo “ảo” , và báo “thật”, Ly đã tìm lại. Chị em mình sẽ gặp nhau, năm 2010, hai em nhé! Mai vẫn nở!

Mùa Xuân 2010          
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Chú thích:

(1): thầy cò: corrector, người sửa lỗi sắp chữ trong nhà in
(2): bản vỗ: proof
(3): “Xin nhận nơi này làm quê hương”, nhạc Nguyễn Đức Quang

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com