Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

HỌA PHƯỚC KHÔN LƯỜNG - Dương văn Tỵ

 

Cho các bạn lớp Bảy - 6 T. C. V.

Mấy ngàn năm trước đây ở Á châu có một vị vua tên là CROESUS cai trị một xứ không rộng lắm nhưng rất trù phú và đông dân. Người ta bảo chính vua Croesus là người giàu có nhất thế giới, mọi người đều biết tiếng ông, đến nỗi về sau, muốn nói đến một người rất giàu, họ thường ví là giàu như Croesus.

Thật vậy, ông rất giàu, ông có đủ mọi tiện nghi : nào cung điện nguy nga, áo quần xa hoa và hầu như tất cả báu vật đều nằm trong tay ông. Bởi vậy ông thường tự hào: Ta là người sung sướng nhất.

Một ngày kia, có một nhà thông thái ở bên kia bờ biển du lịch sang Á châu. Người này tên là Solon. Ông là một luật gia ở thành Nhã Điển ở Hy Lạp. Ông nổi tiếng là có học vấn uyên thâm nên nhiều thế kỷ sau khi ông chết, mỗi khi muốn ca tụng sự hiểu biết của ai người ta thường ví là "Uyên bác như Solon".

Solon đã nghe tiếng Croesus và vì thế một hôm ông đến yết kiến nhà vua. Bấy giờ Croesus lại càng sung sướng và hãnh diện hơn vì người uyên bác nhất thế giới lại là thượng khách của ông. Nhà vua bèn đưa Solon đi xem khắp nơi trong cung điện, từ những căn phòng mênh mông có trải những tấm thảm thật hoa mỹ đến những bàn ghế, tranh ảnh và sách vở quí giá. Rồi nhà vua lại mời vị học giả ra xem vườn Thượng uyển, nơi trồng hàng ngàn vạn thứ hoa cùng cây ăn trái quí và hiếm có từ khắp trên thế giới.

Tối đến nhà thông thái được nhà vua khẩn khoản đãi tiệc. Trong lúc vui chuyện, nhà vua mới hỏi khách rằng:

- "Solon, ngài có thể cho ta biết, theo ý ngài, ai là người sung sướng nhất thế giới?"

Hỏi như thế nhưng nhà vua tin chắc Solon sẽ trả lời: "Chính là bệ hạ".

Nhưng nhà thông thái im lặng một lúc rồi nói:

- "Thần nghĩ đến một người nghèo sống ở Nhã Điển tên là Tellus và thần tin chắc ông ta là người sung sướng nhất".

Thật đó không phải là câu trả lời mà nhà vua mong muốn. Tuy vậy nhà vua phải giấu nỗi thất vọng của mình rồi hỏi tiếp:

- "Tại sao ông nói thế?"

Vị khách đáp:

- "Tâu Bệ hạ, vì Tellus là một người chất phác, làm lụng vất vả để nuôi nấng và dạy dỗ cho các con. Đã thế ông lại gia nhập quân đội và hết lòng bảo vệ đất nước. Bệ hạ thử nghĩ xem còn ai hạnh phúc hơn người đó?"

Một lần nữa Croesus lại nén sự thất vọng và trả lời:

- "Chưa chắc! Nhưng theo ngài nghĩ, sau Tellus còn ai là người hạnh phúc nữa?"

Lần này nhà vua tin tưởng Solon sẽ nói: "Chính là bệ hạ" Nhưng Solon lại đáp:

- "Thần đã nghĩ đến hai thanh niên ở Hy Lạp mồ côi cha từ lúc còn nhỏ và dù rất nghèo, họ đã cố làm việc vất vả để phụng dưỡng bà mẹ và lúc nào cũng chỉ nghĩ làm sao cho mẹ vui lòng".

Đến đây thì nhà vua nổi giận hỏi nhà thông thái:

- "Tại sao ông chẳng đếm xỉa gì đến tôi? Ông thấy của cải và quyền thế của tôi chẳng ra gì sao? Tại sao ông lại coi những người nghèo đó hơn cả vị vua giàu nhất thế giới?"

Solon ôn tồn đáp:

- "Tâu bệ hạ, hiện giờ thần không dám nói chắc bệ hạ có sung sướng hay không, vì không ai biết sự rủi ro sẽ đến với mình lúc nào..."

Nhiều năm sau, bỗng xuất hiện một vị vua quyền thế ở Á châu tên là Cyrus, cầm đầu một đạo quân hùng hậu, chiến thắng từ xứ này đến xứ khác, từng sáp nhập biết bao quốc gia vào đế quốc Babylon của ông. Vua Croesus, với tài sản đồ sộ đó cũng không chống nổi đạo quân bách thắng này. Tuy vậy nhà vua cũng tận lực chiến đấu, cho đến khi kinh thành bị chiếm, cung điện ra tro, kho tàng bị cướp đoạt và chính nhà vua cũng bị cầm tù.

Khi bình định xong, vua Cyrus bảo với cận vệ ông ta:

- Chính tên Croesus này làm phiền ta không ít, làm ta hao binh tổn tướng cũng nhiều. Hãy đem hắn ra xử tội để làm gương cho kẻ nào ngu dại dám chống lại ta.

Liền đó, đám lính lôi vị vua thất thế ra giữa chợ. Họ dùng những kèo cột nơi cung điện đổ nát của nhà vua để dựng lên một dàn hỏa thiêu. Khi chất xong họ trói vị vua đáng thương kia vào và sửa soạn châm lửa đốt. Họ còn nói: "Chúng ta sắp có một ngọn lửa biết giãy giụa rất vui mắt. Của cải ông ta sẽ đốt cháy ông ta vậy".

Về phần nhà vua Croesus, thân mình bầm tím và máu me khắp người nằm trên dàn hỏa, không còn ai thân thích để xoa dịu khổ đau. Ông ngẫm nghĩ đến lời Solon nói với ông hôm nào. Ông khẽ gọi: "Ôi! Solon! Solon!"

Lúc đó tình cờ vua Cyrus ngự giá qua và nghe tiếng ông than thở, mới gọi quân lính lại mà hỏi rằng: "Hắn ta nói gì đó?"

Một người trong bọn vội tâu: "Tâu bệ hạ hắn nhắc đến Solon".

Cyrus bèn đến gần và hỏi Croesus:

- "Sao ông lại gọi tên Solon?"

Lúc đầu Croesus im lặng, nhưng sau đó Cyrus dùng lời lẽ ôn tồn gặng hỏi thì Croesus bèn kể lại cuộc viếng thăm của Solon khi trước và những điều ông ta đã nói.

Câu chuyện kể lại làm Cyrus nghĩ ngợi nhiều.

Quả thật vậy, nào ai có biết được khi nào tai họa sẽ đến với mình. Rồi nhà vua tự hỏi nếu một ngày nào đó ông cũng bị mất hết quyền hành và bị cầm tù như Croesus thì sao? Bởi thế nhà vua nghĩ tiếp: "Thật ra không nên bạc đãi người đã thất thế. Ta phải đối xử với Croesus như ta muốn người khác đối xử với ta"

Và rồi nhà vua trả tự do cho Croesus và từ đó về sau, ông ta đối xử với Croesus như một trong những người bạn đáng trọng nhất.


DƯƠNG VĂN TỴ           
(Tam Kỳ)                  
(kể theo chuyện "As rich as Croesus")

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)



Không có nhận xét nào: