Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

THỜI HOA BƯỚM - Trần thị Phương Lan

 

Người ta có cả một đời (dài) để làm người lớn, nhưng chỉ có một thời (ngắn ngủi) để làm con nít. Ngoảnh lại, té ra tôi cũng đã được tận hưởng thời con nít, hay gọi cho văn vẻ hơn một chút, Thời Hoa Bướm của mình, mà phần lớn công đầu đều nhờ ở những thày cô giáo và các giám thị tại trường trung học của tôi, nên chúng tôi đã không vội lớn!

Mỗi năm trường trung học của tôi tuyển vào tới 600 học sinh lớp đệ thất (lớp sáu), chia thành 10 lớp, sĩ số mỗi lớp tròm trèm 60 em, nhưng mỗi một sĩ tử phải chọi tới mấy chục thí sinh khác để len được vào khung cửa hẹp ấy, vì thi rớt là a lê hấp các bậc phụ huynh chỉ còn có nước đóng tiền hàng tháng cho con em học trường Tây, trường tư thục, trường bán công cứ gọi là la liệt ở ngoài kia, chỉ thiếu có tiền!... Còn nhớ tôi ngồi thi trong một phòng chỉ toàn những thí sinh tên là Lan! Từ Quý Lan, Thanh Lan, tới My Lan, Thụy Lan... Tiếng Việt chắc thiếu trầm trọng tên, nên thiên hạ cứ đổ xô đặt tên cho con là Lan! 

Quay trở lại chủ đề chính, khỏi nói cũng biết là khi thi đậu vào trường, dù thứ hạng không cao chút nào,  tôi vẫn cứ tưởng mình đang nằm mơ. Chắc ba tôi đã phải đọc mờ con mắt hết trang này tới trang khác  để tìm ra tên tôi, được đánh máy và dán lên trước cổng trường. Lúc ba tôi chở tôi và anh Hải tới trường để tôi được tận mắt nhìn thấy “bảng vàng đề tên” mình, nằm gần chót trên một trong những trang cuối cùng, ba tôi đã nói nửa đùa nửa thật rằng, đây này, tên đây này, lại suýt rớt nữa rồi đấy nhé! Sau đó, một hôm nhân lúc ba tôi đi vắng, tôi bèn lén đi “lô ca chân” tới trường. Tôi nhớ mình đã tha thẩn vòng quanh ngôi trường bề thế, uy nghi, cổ kính, nằm tọa lạc trên bốn con đường, khiến cặp giò ngắn ngủn của tôi mỏi rã rời, nhưng lòng thì cứ lâng lâng vui sướng, và miệng cứ nhủ thầm, từ bây giờ trường này là trường của mình rồi! 

Lớn lên đi làm cho công ty Tây, tôi mới vỡ lẽ “trường của mình” chẳng thấm tháp vào đâu so với các trường đại học danh tiếng khác ở bên trời Âu Mỹ, cả về phần cứng lẫn phần mềm! Hèn chi khi hỏi những đồng nghiệp Tây, Mỹ  là kỹ sư, kiến trúc sư... cho ý kiến về “trường của mình”, họ đều trả lời là tạm được, hoặc cũng được! (It’s Ok; It’s just so so...). Vậy mới biết lúc nhỏ, tôi chỉ là con ếch ngồi đáy giếng.

Nhưng đó là chuyện sau này, còn khi tôi đang được ngồi trên băng ghế của trường, không ít lần tôi đã phải thầm hãnh diện vì tiếng tăm lừng lẫy của trường. Điển hình là khi tôi tới tòa soạn báo Tuổi Hoa vào những chiều thứ bảy, lúc đó, chú Trinh Chí phụ trách trang Đồng Cỏ Non “yêu vấu” của tôi chẳng còn thấy đâu nữa, mà thay vào đó là một chị thư ký tòa soạn, hóa ra là nữ văn sĩ Lệ Hằng. Chị Lệ Hằng khá xinh, da trắng vì là con gái Đà Lạt (?), ăn nói nhỏ nhẹ, tính tình khá vui vẻ cởi mở, và hình như lúc nào cũng mặc áo dài hoa. Biết tôi học trường GL, lần nào chị LH cũng túm lấy tôi để hỏi hết câu hỏi này về cái piscine của trường tới câu hỏi khác về thư viện trường... nhằm lấy tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết sắp tới của chị, nói về tình yêu giữa thày giáo và học trò. Giá như lúc đó có Internet thì chị LH đã không phải cất công đến thế. 

Nhưng đó chỉ là chuyện tình tưởng tượng chỉ xảy ra trong tiểu thuyết của nữ văn sĩ Lệ Hằng, còn thực tế thì các thày cô giáo và các giám thị của trường nghiêm khắc vô cùng, nên kỷ luật của trường rất chặt chẽ, nghiêm minh. Nhiều nữ sinh mới lớn thoa chút son môi, đánh chút má hồng, tay áo xắn lên ngổ ngáo, không may phù hiệu trường lên ve áo, không muốn mặc áo lá... đều phải dấu diếm trước ánh nhìn soi mói, nghiêm khắc sau cặp kính lão để trễ trên sống mũi của cô Tổng Giám Thị và các giám thị khác.  Học sinh khi muốn hỏi thày cô điều gì đều phải khoanh tay, cúi đầu, dạ thưa lễ phép. Bây giờ nghe lại bài ca Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Duy (phổ thơ Phạm Thiên Thư), tôi thấy  cái cảnh ...Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ, ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay... trong không gian, thời gian lúc bấy giờ là một chuyện hết sức bình thường.  Nhưng một lần nữa, hầu như đó cũng chỉ lại là lý thuyết suông, vì ai cũng biết là... nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò! Không tin, các bạn cứ chất vấn thử các giáo sư trường tôi!

Thày L. dạy môn Hóa rất hiền. Cổ thày bị đơ, không biết là vĩnh viễn hay chỉ tạm thời do trúng gió cảm cúm xoàng, nhưng khi biết được điều đó, lũ “đứng thứ ba sau quỉ ma” chúng tôi đã chọc ghẹo thày bằng thích! Một đứa phía trước giả vờ hỏi thày một câu chưa xong thì đứa thứ hai đứng đàng sau, ở cỡ 180 độ, thắc mắc tiếp, và thày cứ nhẩn nha, từ từ xoay cần cổ cứng đơ của thày về phía 180 độ, đối diện với đứa học trò thứ hai rắn mắt nọ, hiền lành từ tốn nói: Nhỏ hỏi gì? Vẫn còn nào đứa thứ ba ở góc 45 độ, đứa thứ tư ở 120 độ vv và vv... cứ thế liến thoắng thay nhau hỏi thày những câu vớ va vớ vẩn, chẳng ăn nhập gì tới môn Hóa học, khiến thày cứ phải ngoái chiếc cổ đơ sang trái, sang phải, đàng trước, đàng sau, không kịp thở. Chắc sau cùng thày cũng hiểu ra là cái lũ yêu tinh ấy chỉ đang đùa giỡn cái cần cổ bị đơ của thày cho vui mà thôi.

Một hôm có giờ giáo sư bịnh nghỉ, chúng tôi tuy không được phép ra khỏi lớp, vì chưa tới giờ chơi, nhưng vẫn cứ như một bầy ong vỡ tổ, thi nhau hú hét cười nói rần trời, khiến thày L. đang dạy lớp bên cạnh không chịu nổi, bèn qua đứng lặng lẽ nhìn vào lớp tôi: đứa thì nhảy cả lên bàn đứng oang oang ca hát gì đó; đứa kia áo dài thắt hai vạt trước sau  thành một cái gút bự ngang eo; đứa lại vác cả hai chân lên bàn, hai tay thõng thượt, tóc xõa bù xù  giả làm người say, miệng lảm nhảm ...Người say không có tội. Nàng Hồng... lại đây! Thì ra cô nàng đang đóng lại một vở chèo trong chương trình của  nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trên TV!... Một đứa tình cờ trông thấy thày L ngoài cửa, bèn húych/ háy đứa bên cạnh, và chẳng lâu sau cả lớp đứng hình, im thin thít nhìn hết ra phía thày. Thày L. lúc đó mới từ từ lắc đầu, chép miệng, hiền lành rầy chúng tôi rằng ...Đến ế mất thôi! 

Một ông thày tử vi quen của gia đình tôi, đã chấm tử vi tôi từ nhỏ, phán rằng, cung Nô bộc (bạn bè, người giúp việc, người dưới quyền...) của tôi có đủ cả  Song Hỷ (Thiên Hỷ, và Hỷ Thần) ngự trị! Hèn chi từ nhỏ tới lớn, tôi nghiệm thấy cứ hễ đứa nào mặt mày chằm bằm, nghiêm trang, khó đăm đăm... thì đừng hòng làm bạn với tôi. Lũ quỷ nhỏ bạn tôi bây giờ nếu cho đi thi Thách Thức Danh Hài hoặc Cười Xuyên Việt bảo đảm đều đậu ngôi đầu, vì chúng nó đã từng làm tôi cười lăn lóc từ ghế té xuống đất, cười đau hết cả hai gò má, và cười quặn bụng vì đau, tới nỗi tôi đã từng phải van xin chúng nó, nếu tụi bây thương tao thì đừng nói nữa, không tao sẽ cười đến đứt ruột mà chết!

Không lẽ đầu bài là Thời Hoa Bướm, nghe lãng mạn thơ mộng thế, mà lại chẳng thấy bướm với hoa đâu, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà chỉ thấy một lũ nặc nô nghịch như giặc chỉ giỏi chọc thày phá cô? Nên tới đoạn này tôi xin đề cập tới  đề tài này, theo cả hai nghĩa.

Trong con người tôi hình như có tới hai phiên bản TÔI khác nhau hoàn toàn: một thì sôi nổi ồn ào như đã kể trên, nhưng hai lại cứ “ru với gió, mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây”! Người ta nói rằng, con người muôn mặt! Nếu chỉ có hai mặt thôi, thì cũng đâu đáng để phàn nàn lắm phải không các bạn?

 Có lần trên đường về nhà từ Tòa soạn báo Tuổi Hoa một chiều thứ bảy nọ, một chị nữ sinh/cộng tác viên của báo TH, đồng hành với tôi, đã đề nghị cùng tới thăm chú Quyên Di, đang ở trọ bên cạnh đường rầy xe lửa. Hình như đó cũng là lần đầu tiên, lần duy nhất, và chắc cũng là lần cuối cùng tôi được gặp chú QD ngoài đời. Hiền hơn cả một cục bột, da trắng, đeo mắt kiếng, vóc dáng cao gầy, ăn nói vô cùng nhỏ nhẹ, và nụ cười lúc nào cũng sẵn trên môi, chú QD rất nho nhã hiền lành giống như tất cả các nhân vật khác trong tòa soạn TH! Vì sợ về nhà trễ sẽ bị đòn, tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm chờ chú QD và chị nữ sinh (cùng trường nhưng tôi không nhớ tên), trao đổi xong câu chuyện. Tới lúc lo sợ quá nhưng lại không dám xin phép về trước, tôi bèn quay ra khóc, quên cả việc muốn phỏng vấn “Nỗi buồn/vui ở gác trọ” của chú. Chú QD dù không biết lý do tôi khóc nhưng vẫn hiền lành nói rằng, Những người hay khóc thì làm thơ hay lắm! Tôi lại thấy hình như hai chuyện khóc với làm thơ chẳng liên quan gì đến nhau! Đúng không các bạn?

Tôi làm thơ có hay hay không thì tôi không biết (nhưng chắc cũng... hay hay, vì năm nào tôi cũng “bị” làm Trưởng Ban Báo Chí của lớp), nhưng khung cảnh trường tôi rất thơ mộng, mùa nào hoa nấy, khiến ta dễ tức cảnh sinh tình, nhất là vào mùa mưa, lá đổ ngập sân trường lẫn mùi hoa vàng li ti của cây nhạc ngựa bị mưa vùi dập thơm thơm gợi nhớ những ngày  thơ ấu ở tỉnh nhỏ. 

Khi hoa phượng nở đỏ ối sân trường là lúc chúng tôi biết sắp phải lên lớp, và dời tới một lớp mới,và khung cửa sẽ khác xưa. Nhưng ngoài song cửa nào của trường cũng đều đẹp hết, nên thường khiến tôi mê mải nhìn trời đất mây bay gió thổi hoa rơi “mộng ngoài cửa lớp” mà quên nghe thày cô giảng bài. 

Trong sân tập thể dục, có một cây hoa thân gỗ cao như cây phượng, nhưng hoa lại giống hoa đậu, mà tôi chẳng biết tên. Vào mùa hoa nở, hình như là gần tết, hoa mọc  thành chùm trắng hồng đẹp gần bằng hoa anh đào, nhưng vào buổi trưa nếu trong lớp nhìn ra, tôi thấy màu hoa cứ buồn gì đâu. Lũ bạn tôi đặt tên cho hoa đó là hoa  Sầu Đông. 

Cũng có một cây bằng lăng  hoa bay rụng tím trời mé bên kia đường. Giờ tan học, tụi tôi thường hay nhặt hoa bằng lăng, và nhất là hoa phượng chế thành hình con bướm, ép vào vở để chờ tới lúc phải viết lưu bút là gắn hoa vô, cùng những dòng chữ ngây thơ khờ khạo giờ đọc lại cười nôn ruột! Vì chỉ ở cách nhau có mấy căn nhà, nhưng năm nào cũng nắn nót những dòng chữ ỉ ôi, như:

Mai kia hoa có phai màu
Cũng đừng vứt bỏ đau lòng bạn thân!

Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)    


Không có nhận xét nào: