Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

CỐ HỌC ĐẬU TIẾN SĨ

 

Ngày xưa tại làng Hạ Vũ có một người tên là Tự Cường vốn người mộc mạc, kém về đường ăn nói, không có văn hoa gì. Một nhà giàu ở trong làng có hai người con gái, gả người chị cho Tự Cường, còn người em thì lấy một ông Giám sinh.

Một hôm ông Giám sinh đi giúp lễ ở nhà một đám tang, được phần xôi bánh và cỗ, mới mời vợ chồng ông Tự Cường tới thết đãi ; vợ ông còn ngại ngùng chưa đến, ông đến trước, không đợi dọn cỗ, cầm cái bánh ngồi giữa sân ăn, thấy vợ đến, vừa ăn vừa bảo rằng:

- Bánh ngon quá, tôi nếm thử.

Vợ thấy bộ dạng ông như thế lại nghe ông nói, trong lòng càng lấy làm đau đớn, về ngay không ăn uống gì. Khi ông về, vợ ông bảo ông rằng:

- Nhà có hai người rể, một người là Giám sinh, một người là dân quèn ; sang hèn cách nhau một trời một vực. Người hơi biết một tí đã tự hổ thẹn rồi, người ta mời mình đến, cũng phải đợi bày mâm bàn mời mọc rồi mới ăn sau, chớ sao lại vô sỉ quá thế!

Ông nói:

- Mình muốn tôi như anh Giám sinh ấy à? Tôi không làm thì thôi chứ làm thì còn hơn anh ấy gấp bội.

Vợ ông chê là nói khoác, ông nói:

- Mình để tôi đi học xem tôi có nói khoác hay không sẽ thấy!

Vợ ông nghe nói mừng thầm, và tự nghĩ rằng: chồng mình đã lớn tuổi, dù có học cũng chẳng thành, nào, nhưng chả hơn là dốt đặc hay sao? Mới hỏi lại:

- Thật anh muốn đi học à?

Ông nói:

- Tôi không nói đùa đâu, cứ tìm thầy để tôi học.

Khi ấy ông đã ba mươi tuổi vợ ông mới đi tìm thầy. Có những trường dạy trẻ con, nhưng lại sợ ông thẹn không chịu học. Trong quận có một ông đỗ Đại khoa dạy học trò, vợ ông đứng chực ngoài cửa chưa dám vào đã ba ngày rồi. Thầy nghe nói có người đàn bà đứng chực, không biết có việc gì, mới sai người gọi vào hỏi. Vợ ông mới đem đồ lễ vào hầu, trình bày lai lịch và xin cho chồng đến học. Thầy hỏi tuổi rồi cười nói:

- Có ai lại ba mươi tuổi mới học vỡ lòng! Ta không tiếc công dạy nhưng học tất không được gì đâu.

Vợ ông thưa:

- Xin thầy thương cho, dạy cho đủ biết ký tên họ cũng còn hơn là ngu dốt.

Thầy không biết nói thế nào, phải bằng lòng cho. Vợ ông hỏi lễ vỡ lòng thế nào ; thầy vốn là muốn từ chối mới nói dối rằng:

- Phải một con trâu với gạo trầu cau cho đủ,

Thầy có ý nói sự khó khăn để cho thôi đi, nhưng vợ ông xin vâng và nói:

- Chồng con đã lớn tuổi mà chưa học, không tiện ở nhà trọ xin thầy cho được ở đây, ngày ngày hầu hạ bên thầy con xin tiếp tục đem lương đến.

Thầy cũng ưng cho. Vợ ông về bảo rằng:

- Đã tìm được thầy rồi. Lễ vỡ lòng thầy bảo như thế, nhà ta cày cấy không mấy, mượn ở nhà ngoại cũng đủ trâu cày, con trâu của nhà đem để làm lễ.

Thế rồi chọn ngày tốt, vợ ông cùng người nhà dắt trâu và đem đồ lễ đủ như lời thầy bảo, đưa ông đến. Đến nơi thầy lấy làm quái lạ quá biết là thành tâm mộ đạo thật, mới bảo người nhà giết trâu làm lễ trời đất, tiên thánh ; bấy giờ trời đương nắng nực, bỗng có đám mây đen che kín trên bàn lễ, lễ xong lại quang đãng, thầy biết là vì lòng thành cảm động đến trời. Vợ ông để ông ở lại học rồi về. Bấy giờ có người thì cười, người thì chê là ngu, vợ ông cũng mặc. Tư chất ông lỗ độn quá học hai ngày chưa thuộc một trang người lớn tiếng to ai cũng phì cười. Sau vợ ông đem gạo đến, thầy bảo:

- Chồng chị tối dạ quá, không chắc đã học được, không phải ta tiếc gì, chỉ sợ mất công chị khó nhọc, không bằng về nhà làm ăn thì hơn.

Vợ ông hai lần cố xin cho học, thầy cũng hai ba lần cố từ chối, bất đắc dĩ vợ chồng phải dắt nhau về. Vợ ông vừa đi vừa khóc, đường đi qua một cái núi, bên núi có khe, cùng nhau ngồi nghỉ. Thấy cái cột đá dưới cầu vì nước chảy đá mòn, vợ ông mới bảo ông:


- Dắn không gì bằng đá, mềm không gì bằng nước, thế mà nước chảy còn mòn đá như thế, huống chi là người, dù ngu tối há lại không có thể khai thông được hay sao? Ta hãy trở lại, cố xin học một lần nữa, hoặc có thể khai thông được chăng, cho khỏi phí công.

Thế rồi vợ chồng lại trở lại. Thầy nói:

- Ta đã bảo như thế sao còn trở lại?

Vợ ông thưa:

- Thầy bảo con không dám cưỡng, nhưng vì con thấy nước khe chảy mà đá mòn, con thiết nghĩ người không phải là đá, ngày đêm tiêm nhiễm mãi, có lẽ nào lại không mở trí được sao. Xin thầy thương tình, cho theo học lại, may có biết được một vài chữ.

Thầy nghe nói cũng ái ngại, mới bảo ông rằng:

- Vì anh tối dạ, chớ không phải ta tiếc công mà không dạy, nay ta ra một câu đối, anh mà đối được thì ta dạy, không thì thôi.

Làng ông là Hạ Vũ lúc ấy lại vừa có mưa nhỏ, thầy mới ra câu đối rằng: "Làng Hạ Vũ mưa bay lất phất". Ông đối rằng: "Đất Xuân Lôi sấm động ỳ ỳ." Thầy lấy làm lạ và nói: "Xem câu ấy của anh, thì khí tượng khác trước nhiều lắm, thế nào sau cũng thành đạt". Rồi cho ông học lại. Từ đó ông học hành rất tiến, sau đỗ Tiến Sĩ.

*

Theo sách LỊCH ĐẠI DANH HIỀN PHỔ chép truyện các bậc danh hiền thời trước thì khi ông Tự Cường ngồi nghỉ bên khe núi được Thần đồng nơi đó nhập vào, và từ đấy trở nên thông minh lạ thường, học hành rất tiến. Bỏ câu chuyện được "thần đồng nhập" có vẻ hoang đường đi, chúng ta cũng rút được trong truyện nầy một tấm gương trì chí của người xưa. Bởi vì "bà xã" của ông tiến sĩ Tự Cường đã không quản thân cò lặn lội gánh gạo nuôi chồng ăn học, biến cải ông chồng từ một nông dân dốt nát thành một người làu thông chữ nghĩa. Và ông tiến sĩ làng Hạ Vũ bị thầy chê, bạn cười, vẫn không nản chí dùi mài để sau nầy danh chiếm bảng vàng, đúng như câu:

Nước chảy đá mòn.



Có công mài sắt có ngày nên kim.


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 39, ra ngày 15-2-1966)


Không có nhận xét nào: