Thư của em T.T.H. Cần Thơ:
...
Chị ơi em phải làm sao để bạn bè em khỏi phải nói em rằng nhỏ này điệu
quá, kiêu quá, hách quá. Bạn em kỳ lắm chị ạ. Chơi với nhau, em cũng
đồng đều tình bạn nhưng khi em chơi với những bạn bị tụi nó ghét thì
chúng nó nói em nào là theo nịnh, nào là theo để nói xấu... mà nào đâu
em có những ý nghĩ đó. Em không nói bạn kia học dở, em không ỷ lại ai,
thế mà khi có những xích mích thì chúng nó đổ cho em, nói em là thóc
mách, là đầu dây mối nhợ. Em cười thì chúng nó nói là điệu, trong khi
làm bài thi, hoặc những bài thầy cho về nhà làm, tụi nó mượn tập em
chép, em không cho thì chúng nó nói em hách, ỷ học giỏi... Bài thi được
điểm lớn thì chúng nó xách mé đủ điều nào là thầy thiên vị, khéo nịnh
cô, hỏi nói sai mà được điểm lớn... rồi chúng nó lại giận hờn em. Em
chịu không nổi nữa. Tại sao vậy chị? Em mong được chị trả lời và chỉ cho
em những phương pháp gì để khỏi sứt mẻ tình bạn, để khỏi giận hờn những
tánh vô lý của bạn.
Trả lời:
Đọc
thư em, chị thật ngậm ngùi, vì trước mắt chị bỗng hiện ra một hình bóng
cũ, đã xưa lắm rồi, mấy chục năm lận, em ơi! Đó là một chị bạn nhỏ,
cùng học với chị hồi bọn chị hãy còn để tóc Nhật. Chị Hồng, bạn chị, dễ
thương vô cùng em ạ. Chị ấy vừa xinh vừa học giỏi, bọn chị ngưỡng mộ
thầm, ước ao mình được như chị ấy. Nhưng có câu tục ngữ bi quan rằng:
"Con người ta là lang sói của nhau". Số phận người bạn của chị cũng đáng
thương, bởi vì tuy bọn chị còn trong tuổi hồn nhiên, nhưng lại sẵn có
cái tính ganh ghét, nó làm thui chột hết lương tri, nên bọn chị chỉ sẵn
sàng tìm dịp để hạ chị ấy.
Gia
đình chị ấy chỉ có hai mẹ con. Chị ấy nói là ba chị ấy đã qua đời.
Nhưng một hôm, bọn chị phát giác ra là khai sinh của chị ấy lấy theo họ
mẹ, không có tên cha. Vậy là chị ấy không có cha. Đó là "nhược điểm" của
chị ấy. Bọn chị xúm lại tìm tòi, bịa chuyện để làm nhục chị ấy. Than
ôi! Cái tâm địa nhỏ nhen của con người! Không thể nói sao cho xiết những
trò tinh nghịch mà bọn chị sáng chế ra để làm cho Hồng đau khổ. Sở dĩ
bọn chị say sưa hạ chị ấy chỉ vì chị ấy có cái tội nặng là lại quá sáng
chói, lại là một người hoàn toàn, một người mà bọn chị thèm vói tới mà
không vói được.
Cái
đòn mà bọn chị hạ chị ấy quá độc, chị ấy tủi thân về sự không có cha,
nên không dám bước chân ra cửa, nài nỉ với mẹ chị ấy, xin được thôi học.
Thời xưa, con gái đi học hay không cũng không quan hệ lắm, nên mẹ chị
ấy cho chị ấy nghỉ, ở nhà làm việc nội trợ.
Chị ấy thôi học, thế là bọn chị khỏi gai mắt, trong lớp không còn ai sáng chói để thầy cô đem ra làm gương. Thật là khỏe ru!
Mười
mấy năm sau, khi gia đình chị đổi đi tỉnh khác đã từ lâu rồi, một hôm
chị đến thăm nhà người bạn của chị, thì thấy một người đàn bà ra mở
cổng, đầu vấn khăn kiểu mấy cô ở nhà quê, gương mặt trông rất bầu bĩnh
xinh đẹp. Chị ngờ ngợ trong lòng, tưởng như đã gặp ở đâu vậy. Tới khi
bạn chị gọi tên chị ấy là chị Hồng, thì chị giật mình hỏi thăm, té ra
chị ấy chính là cô bé xinh xắn học giỏi, gương mẫu trong lớp ngày xưa.
Chị lặng nhớ đến những trò tai ác mà bọn chị đã hành chị ấy. Rồi chị hỏi
thăm và được biết gần đây mẹ chị ấy chết, chị ấy không có kế sinh nhai,
nên có người mối lái để chị ấy làm vợ nhỏ cho cha người bạn chị, chủ
nhân nhà này, một ông già gần sáu chục tuổi.
Lòng
chị ân hận khổ sở. Chị nghĩ rằng nếu ngày xưa bọn chị không vì ghen tị
mà tìm đủ cách hạ chị ấy, thì chị ấy không bỏ học, có thể chị ấy cũng đỗ
đạt, có nghề nghiệp để nuôi thân, rồi có chồng con tử tế. Chứ đâu đến
nỗi chôn vùi tuổi thanh xuân như thế này.
Sự hối hận dày vò chị. Nhưng đã trễ. Chị không còn làm gì để cải thiện cho chị ấy được nữa em ạ.
Lời
tâm sự của em nhắc chị nhớ lại dĩ vãng. May thay hoàn cảnh em không éo
le như chị ấy, thành ra em không bị mặc cảm làm cho mất hết can đảm như
chị ấy, nhất là chị ấy lại sống vào thời xưa, thời mà người con gái luôn
luôn khép nép e lệ.
Tuy nỗi buồn không đẩy em tới chỗ bỏ học, nhưng cũng đã làm em chia trí, mất cả sự thanh thản, hồn nhiên, yêu đời.
Chị
sẽ không thể giúp gì cho riêng em, nhưng chị đem trường hợp em ra để
kêu gọi lương tâm tất cả chúng ta, kêu gọi ý thức trách nhiệm liên đới
về đời sống của nhau, phải làm sao cho xứng đáng với danh từ "Người" chứ không phải là lang sói, chúng ta đừng rình mò cơ hội để ăn thịt nhau.
Cái
tính ghen ghét đố kỵ nó giết chết hết tình cảm tốt đẹp trong lòng chúng
ta. Nó xô đẩy người bị dèm pha, bị nói xấu tới chỗ mất hết tự tin không
còn được yên ổn trong lòng nữa. Nhưng đồng thời nó cũng làm hại chính
người có tính đó không kém. Họ cũng bị sống trong vòng u tối của thù hận
rình rập, như một người tự quấn dây kẽm gai quanh mình rồi vùng vẫy cho
dây kẽm cào xước, rướm máu. Xin các em đừng vì ganh ghét mà tìm cách hạ
người khác làm chi. Sự tìm tòi khía cạnh xấu của người khác nó làm cho
các em không còn nhìn thấy bông hoa hồng, mà chỉ thấy toàn gai. Tội gì
mà tối ngày mình cứ moi móc rác rưới làm chi các em nhỉ.
Có
một câu chuyện đại khái như sau: Một ông khoe với bạn thành tích đi
nhanh của mình, mỗi khi dự thi đều được xếp hạng nhất. Được vậy là nhờ
ông ấy chăm tập dượt nên bắp chân lớn, khỏe.
Ông bạn mới trả lời:
-
Tôi chẳng cần tập dượt mà vẫn xếp hạng nhất. Có khó gì, tôi cứ ngáng
cho mấy anh kia té lăn ra, rồi tôi đi tà tà mà cũng đoạt giải như
thường.
Câu
chuyện ấy chỉ để nói lên bản tính xấu xa của hạng người nhỏ nhen, thay
vì cố gắng cho hơn người ta, thì lại hạ người ta để mình "bất chiến tự
nhiên thành".
Chị
có một chị bạn tốt lắm. Lúc nào chị cũng hết sức thán phục và khen ngợi
tấm lòng nhân ái của chị ấy. Nhưng chị ấy nhã nhặn kể với chị rằng:
-
Chị khen làm mình ngượng quá đi. Mình có gì là tốt đâu. Có một người
bạn của mình tốt lắm, lúc nào cũng nghĩ tới người khác, không nỡ để cho
ai khổ. Có hôm đi mua trái cây, mình lựa dùm trái ngon cho chị ấy. Nhưng
chị ấy cản lại mà nói:
- "Thôi, mình đừng lựa kỹ quá, lấy hết trái ngon, người tới mua sau không còn được ăn đồ ngon nữa"!
Các
em ơi! Nếu các em gặp bà bạn ấy, thấy bà ấy mua hàng mà không lựa đồ
ngon, có lẽ sẽ cho là bà ấy ngu dốt, không biết phân biệt. Có biết đâu
rằng bà ấy đã nghĩ tới người đến sau, mà nhường.
Đôi
khi, có những tấm lòng cao thượng vượt trên sự hiểu biết của chúng ta,
mà chúng ta lại đem cái tâm thấp kém của mình mà nhận xét thì thật là
sai lầm.
Cũng
như bạn em đối với em, các em kia có biết đâu rằng sự phán đoán sai lầm
của họ đã làm cho em băn khoăn, buồn tủi đến như thế. Có lẽ giờ này họ
cũng vẫn tưởng những lời chỉ trích của họ là đúng, em nhỉ.
Nếu
mọi người đều có tấm lòng luôn nghĩ tới người khác, thông cảm và hiểu
mọi người, không nỡ nghĩ xấu cho mọi người vì sợ làm đau đớn cho người,
như bà bạn chị kể ở trên, thì thế giới này tốt đẹp xiết bao các em nhỉ.
Một
con én không tạo nổi mùa xuân, nhưng xin các em hãy mở rộng tấm lòng ra
để cảm thông và thương mến mọi người, chắc chắn các em sẽ gặp nhiều mầu
hồng trong cuộc đời, các em ạ.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 113, ra ngày 2-11-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.