Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

CÔ GIÁO NGA - Bé Mi Mi

 Ngồi trên 2 chiếc gối bông dày cộm, bé vẽ nguệch ngoạc lên cuốn tập mới tinh mà anh Hải vừa mới mua cho bé buổi sáng nay xong: Ồ cây màu đỏ này cùn rồi, gớm viết gì mà xấu tệ thế, bé mới vẽ mấy đường thôi mà đã cụt đầu rồi. Giấy tập cũng cù lần nữa hễ bé đụng vào là rách hà.

Và cứ thế bé hết vẽ màu đỏ, lại đến màu xanh, rồi đến màu tím và lại màu vàng. Những tờ giấy trắng đều lần lần biến thành xanh, đỏ, tím, vàng với những gạch rách theo dấu màu viết và cuốn tập cũng mỏng dần mỏng hồi.

Bé lẩm bẩm: - "Nè, chữ O màu đen tròn vo, thêm chữ "tờ" màu nâu, mà không được đọc là "tờ" quê lắm, phải đọc là "tê" cơ, cộng thêm bốn chữ i màu cam trên đầu, và viết trong chữ O 3 con số dê-rô màu tím nữa là xong : Đây này, thằng "hiệp sĩ Cò" của bé (!) nó oai ác.

Bỗng cánh cửa xịch mở và ba bước vào. Bé chạy ra mừng ba và đem hiệp sĩ Cò của bé (!) ra khoe:

- Ba ba, ba coi bé vẽ đẹp không?

Ba nhìn hình vẽ cười to:

- Trời ơi bé vẽ đẹp ghê. Mà bé vẽ ai đây?

- Dạ hiệp sĩ Cò ạ.

Nhưng ba đang cười to chợt nghiêm nghị:

- Bé vẽ đẹp thật, nhưng sao lại vẽ lên tập học, phí thế này? Lần sau bé đừng vẽ dơ lên tập và sách học như vầy nữa nghe chưa? Vẽ đâu thì vẽ chứ không được vẽ vào tập đấy!

Rồi ba vuốt đầu bé nói:

- Nhưng ba cũng khen bé đã vẽ đẹp lại còn thông minh và có nhiều sáng kiến nữa. Thôi ba vào thay đồ đã nhé.

- Vâng ạ.

Tiếng ba nói với mẹ vọng vào tai bé: "Con nó thông minh ghê đi em à, nó..."

Từng này chữ cũng đã đủ làm bé sung sướng và hãnh diện rồi. Mũi bé hỉnh to lên...

*

Ba mẹ đi vắng, anh Hải thì đang tiếp bạn ở phòng khách, bé ở trong phòng chỉ một mình. Bé liền nảy ra ý kiến đi "học".

Đang hăm hở tiến tới bỗng nhiên bé đứng khựng lại.

- Chết bé quên. Ba đã cấm không cho vẽ và "học" ở trong sách vở mà. Nhưng thôi không cần! Bé sẽ "học" lên tường như cô giáo "học" ở bảng đen trong lớp ấy, ừ phải rồi.

Và bé hăng hái đi kiếm bút để "học". Bé ngẫm nghĩ:

- Mà thôi, đi học chả oai tí nào hết. Để bé phải làm cô giáo cơ.

Bé liền bắc ghế leo lên đầu tủ kéo poupée Bella và con gấu bông Poupi xuống. Bé đặt cả hai trên chiếc ghế đối diện với chiếc bảng đen sạch sẽ trắng toát (!)

Rồi cầm trên tay một nắm bút chì màu bé nói:

- Hai em hãy chăm chú nghe cô giáo nhé. Này, chữ O thì tròn vo, thêm râu thì thành ơ, bỏ râu đội nón thì thành ô. Các em thuộc hết chưa nào? Chưa à? Sao dở tệ thế. Được rồi, để cô nhắc lại thêm cho một lần nữa nhé, nghe đây này: chữ O tròn vo, y như quả trứng gà ấy, thêm râu thành Ơ, bỏ râu cho đội nón vào thì thành Ô. Thuộc chưa? Rồi à? Giỏi lát cô sẽ thưởng cho ăn chuối.

Bây giờ cô dạy qua bài khác nhé. Hai em hãy viết chữ O, viền thêm ngoài nhiều chữ o khác nữa. Rồi viết một chữ tê phía dưới, nó sẽ thành một cái hoa.

Coi hình vẽ của cô mà bắt chược. Đây này...

Xong 2 bài học... "vỡ lòng" trên bé bắt đầu dạy cho Bella và Poupi vẽ giun, vẽ sán lãi, vẽ tăm xỉa răng, vẽ tóc quăn, vẽ sóng nước, vẽ hình tròn, vẽ hình vuông. Bé dạy cho Pella và Poupi nhiều thứ ghê lắm cơ!...

Đang thao thao giảng dạy cho "hai tụi học trò" thì anh Hải đi vào. Bé liền khoe:

- Bé đang dạy cho Bella Poupi học đó anh Hải ạ.

Nhưng xem kìa, sao anh Hải lại sững người và há hốc miệng ra thế kia?

- Trời ơi! Thiệt chết đi thôi...

Vừa lúc ấy tiếng ba đi về vang lên:

- Bé Nga của ba đâu rồi?

Bé liền reo lên:

- Dạ trong này ạ.


Ba bước vào phòng, nhưng ồ lạ quá, ba cũng sững người và há hốc miệng như anh Hải hồi lúc nãy.

Đến phiên mẹ. Mẹ đang tươi cười liền ngưng bặt và kêu:

- Trời ơi, sao thế kia?!

Bé toe toét:

- Con đang dạy học cho Bella và Poupi!

Đến lúc ấy ba mới nói:

- Bé hư quá! Sao không lấy tập ra mà vẽ lại vẽ lên tường nhà thế kia?

Bây giờ thì đến phiên bé há hốc miệng, vì bé thật chẳng hiểu "người lớn" muốn gì. Lúc bé vẽ hết cuốn tập thì ba lại cấm không cho bảo phí, bây giờ bé vẽ trên tường thì ba lại bảo sao không vẽ vào tập, thiệt rắc rối!

- Dạ thì tại hôm qua ba cấm con không được vẽ trong tập học đó, nên hôm nay con phải vẽ lên tường vậy.

Mọi người như chợt hiểu:

- Ba nói không được vẽ dơ lên tập học có nghĩa là muốn vẽ thì con lấy giấy khác như giấy lịch hay giấy gói đồ chẳng hạn mà vẽ kẻo phí chứ ba có bảo vẽ lên tường đâu?

Ngừng một lát ba tiếp:

- Nhưng thôi lần này vì bé không biết nên ba tha cho. Lần sau thì ba đánh đòn cho đấy nhé.

Rồi ba quay sang anh Hải:

- Chiều nay con đi mua cho em nó một cái bảng đen để vẽ và qua kêu chú Tư qua quét vôi lại bức tường cho ba. Thiệt bé hư quá.

Anh Hải nói với bé:

- Anh sợ cô giáo rồi. Cô mà dạy thêm vài lần nữa thì nhà mình đi ăn mày hết. Hì hì hì.

Bé xịu mặt chực khóc...


Bé MI MI    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 84, ra ngày 1-1-1968)


Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

MUỐN CÔNG VIỆC ĐƯỢC DỄ DÀNG - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Trong một số báo trước, tôi có kể chuyện cách nay ít lâu, tôi thấy trong người mệt mỏi, thỉnh thoảng ngực hồi hộp, tim đập mạnh, người toát mồ hôi, chân tay đều lạnh. Một hôm nọ, trong cơn giận, ngoài những triệu chứng trên, tôi thấy như sắp  ngưng thở và được đưa vào bịnh viện. Tại đây, sau một tuần lễ chữa trị, uống và tiêm thuốc, tôi trở về nhà. Nhưng sau đó, tôi cũng gặp lại các chứng kể trên.

Một ông bạn rủ tôi ra tắm biển chơi trong vài ngày. Trong thời gian ra biển, tôi đã ngâm dưới nước suốt cả buổi, tôi đã phơi nắng đen rát cả da, tôi chạy tung tăng đó đây cả ngày trên bãi cát. Ông bạn này lúc nào cũng vui vẻ làm cho tôi vui vẻ lây. Tôi rất thích nghe ông ta kể chuyện và chúng tôi thường hay gặp nhau để hàn huyên. Ông ta lại giúp cho tôi tìm lại lẽ sống là sống nhiều cho người khác. Tôi thấy người tôi thoải mái và hiện nay, tôi không còn lạnh người, toát mồ hôi, nghẹt thở như trước nữa.

Nhưng trong tuần qua, tôi lại gặp nhiều chuyện buồn phiền, tôi trở nên chán nản và mệt mỏi, chứng lạnh tay chân lại tái phát.

Chắc các em đã thấy tinh thần buồn bực thường sinh ra mệt nhọc và nhiều chứng bịnh khác hơn là làm việc vất vả.

Vừa đây, một em cũng viết cho chúng tôi than phiền em rất buồn chán công việc của em : Gia đình em nghèo lắm, cha mẹ em cố gắng gửi em lên tỉnh học trọ nơi một người quen thuộc khá giả. Em phải dạy kèm hai cậu con người chủ nhà để em được ở miễn phí. Hai cậu bé này đang học mẫu giáo và tiểu học, thích chơi hơn là học. Chúng rất hỗn xược và ngỗ nghịch. Em rất chán mỗi đêm phải ngồi mấy tiếng đồng hồ để chỉ dạy ê, a và toán cộng, toán trừ. Bây giờ em mệt nhọc lắm rồi. Em thấy em ngày càng xanh xao gầy ốm. Em muốn bỏ học để trở về với gia đình ở thôn quê.

Các em thân mến,

Sự buồn chán là một trong những nguyên nhân chính gây ra mệt nhọc.

Nếu ở trong trường hợp trên, các em nên xem việc dạy học, dù dạy kèm đôi ba đứa trẻ em, là việc cao quí, đầy  hứng thú. Các em nên tìm cách gây cảm tình với các học sinh, rồi các em đó sẽ có thiện cảm với các em. Nhờ sự dạy dỗ khéo léo của các em, những em đó sẽ trở nên dễ mến hơn.

Các em thân mến, dù ở trong hoàn cảnh nào, các em nên tìm sự vui thích. Khi các em thích việc làm của các em, các em sẽ không còn thấy vất vả, mệt nhọc.

Bác sĩ Edward Thordike ở Columbia chuyên thí nghiệm về sự mệt nhọc đã đoán chắc sự chán nản là nguyên nhân chánh làm giảm sức làm việc.

Ông Dale Carnegie cũng đồng ý tinh thần mệt nhọc thường không do các em làm việc nhiều, mà vì các em quá lo lắng, bất mãn hay uất hận.

Khi các em bắt buộc làm một công việc gì buồn  tẻ hoặc không hợp, các em nên cố gắng vui vẻ làm công việc ấy, các em tìm cách làm cho nó trở nên thích thú. Các em sẽ thấy công việc trở nên nhẹ nhàng. Khi các em làm việc dễ dàng, các em sẽ yêu công việc của các em, nỗi buồn chán của các em sẽ tiêu tan. Các em tìm lại được sự thoải mái, yêu đời.

Thân mến                      
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 17, ra ngày 5-12-1971)




Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

THÁI ĐỘ KHI ĐI CỨU TRỢ - Đỗ Phương Khanh

 


 Thư em B.T.Q.G - Khánh Hội:

... Đọc Thiếu Nhi, thấy các bạn thành lập tiểu ban xã hội, rồi lại thấy trong hộp thư chị nhắn các bạn tới gặp chị Long Hương để  bàn về những công tác từ thiện, lòng em rộn lên. Nhưng rồi chỉ lát sau là thiện chí của em lại tàn rụi ngay. Bởi vì em đã có một kinh nghiệm sống về vụ đó. Bây giờ nhắc đến em còn thấy buồn. Kỳ đó em theo một phái đoàn vào thăm đồng bào ở một trại tiếp cư. Tụi em đem theo vật dụng quyên được và góp tiền mua bánh kẹo đến cho họ. Nhưng lòng tốt của tụi em đã được trả lại gì? Chị ơi! Họ lạnh lùng và còn nói nhiều điều rất là tệ bạc. Trên đường về, em muốn khóc vậy đó. Em tưởng họ sẽ hiểu rõ lòng tốt của tụi em và nếu không cảm ơn thì cũng phải có thái độ khác chứ không ngờ họ hất hủi như vậy. Em sợ lắm rồi...

Trả lời: Chị rất cảm thông nỗi buồn của em. Mình tới với họ bằng tấm lòng nhiệt thành muốn giúp đỡ, mà được trả lại bằng thái độ đó thì tủi thân ghê lắm. Em bị khớp rồi. Bây giờ nghĩ lại, em còn thấy nóng cả người, làm sao mà em có đủ can đảm "xông pha" thêm nữa, em gái nhỉ. Em đồng ý, chứ. Cười xong rồi ta đọc tiếp nghe em. Chị nghĩ rằng đã có một sự trục trặc nào rồi. Những người dân tị nạn đó, bất thình lình bị mất nhà mất cửa, trở thành bơ vơ, họ rất mong được trợ giúp từ mọi phía, và mọi khía cạnh. Sự trợ giúp vừa đỡ đần họ phần nào về phương diện vật chất, vừa nâng tinh thần họ lên, để họ thấy tình người thật đầm ấm, không bao giờ họ phải sống cô đơn trên đời, em ạ. Vậy tại sao họ lại có thái độ đó. Chị có mấy ức đoán, có thể là sai, nhưng cũng là những điều có thể xảy ra, các em cũng nên lưu ý nhé. Các cụ đã có câu: "Cách cho quí hơn của cho", nếu không biết cách cho, thì người nhận thay vì cám ơn, có thể thành oán, câu đó rất đúng. Thú dụ các em ăn mặc quá sang, đem tặng phẩm tới, họ sẽ tủi thân vì thấy rõ sự chênh lệch và họ có cảm tưởng như các em tới bố thí, chứ không phải là sự tương trợ của bà con đối với nhau. Hoặc là khi trao tặng, mặt các em không vui, cầm không trịnh trọng, nói năng gắt gỏng, vân vân. Nếu các em không phạm phải những lỗi đó thì chị lại bàn sang phía người nhận. Họ cũng là những người như mình, có sĩ khí, có lòng tự ái, tư cách, và cũng có luôn lòng nhân từ vân vân, y như các em. Không may, nhà cửa tan nát, họ phải trở thành những người chờ đợi sự cứu trợ. Đó là nỗi đau lòng vô cùng của họ. Vì họ không hề muốn vậy. Nếu họ may mắn ở nơi yên ổn, thì chính họ cũng sẵn sàng đi cứu giúp người khác cơ mà. Nay cực chẳng đã phải thụ động nhận lãnh ơn huệ, họ tủi thân lắm. Cho nên các em phải thật tế nhị khi tiếp xúc với họ. Phải coi họ như là họ hàng bè bạn của mình. Tuyệt đối không được có cái thái độ đi bố thí. Bất cứ ai cũng đều có thể trở thành dân tị nạn, cho nên các em phải tôn trọng họ. Họ không muốn vậy. Mình chỉ được quyền coi thường những người ỷ lại, suốt đời cần sự thương hại của người khác, muốn sống đời tầm gửi cho khỏe tấm thân. Trái lại, những người tị nạn khác hẳn. Họ có thể là chú bác cô dì mình, bè bạn mình, có thể là chị Đỗ Phương Khanh, nếu chẳng may chị ở vùng có chiến tranh. Bổn phận chúng ta là phải giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn. Và họ cũng chỉ cần giúp đỡ cấp thời cho qua tai nạn, chứ họ cũng chẳng muốn kéo dài đời sống ở đấy để phiền tới những người khác em ạ. Vậy bây giờ xét lại, chị đoán rằng các em đã vô tình gây cho họ nỗi buồn tủi, và tự ái họ nổi lên (lại thêm mặc cảm rằng mình phải nhờ vả) họ trở nên chống đối. Khi đó, họ nghĩ, chẳng thà chết chứ không thèm nhờ vả.

Trong khi họ nghĩ thế, thì các em lại đang tức rằng họ bất lịch sự, không biết cám ơn các em. Hai bên vì không hiểu nhau thành ra gây mâu thuẫn lớn em ạ. Nếu quả vậy thì em đừng sợ nữa. Hãy làm lại. Đừng để cái cảm giác khớp ấy nó ám ảnh. Em hãy đi cứu trợ thêm một lần nữa. Lần này em ăn mặc rất giản dị, đưa tặng phẩm thật lễ phép, như khi ba má sai biếu quà bà con họ hàng. Nếu gặp con cái họ thì hỏi thăm mấy tuổi, cài dùm cúc áo, cười với các em bé vân... vân... nghĩa là cử chỉ y như đối với họ hàng của mình. Chị tin chắc rằng em sẽ gặp cách cư xử khác hẳn. Tuy rằng họ cần trợ giúp vật chất, nhưng dòng máu Việt Nam không hèn, đó là niềm hãnh diện của dân tộc ta, cho nên em nên thông cảm với sự nổi giận của họ, nếu họ cảm thấy bị sỉ nhục. Chị xin nhắc lại một lần nữa: chúng ta hãy cảm ơn Thượng Đế rằng may mắn thay chúng ta được ở vị trí của người đi tặng, và hãy coi sự đi tặng là một bổn phận của con người, đừng đòi hỏi sự cảm ơn của người được tặng, và nếu gặp sự lạnh nhạt hay chống đối thì hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ, gặp bao đau khổ dồn dập, tự nhiên tính tình sẽ bị xáo trộn mà trở thành gắt gỏng. Mình tới là để giúp họ đỡ khổ, đừng trả đũa lại để cho họ phải khổ hơn lên. Dù sao, Thượng Đế đã ưu đãi mình nên mình mới được ở vị trí kẻ đi tặng, đừng làm cho Thượng Đế buồn các em nhé.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH        

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 68, ra ngày 10-12-1972)



Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

CON ĐƯỜNG TÍM MÀU HOA - Trần Thị Phương Lan

 
   
Con đường ngày xưa đi học
Có giàn hoa tím bâng khuâng 
Những trưa chờ nhau góc phố
Nghe lòng rộn rã lâng lâng

Con đường ngày xưa đến trường 
Từng vòng quay nắng tơ vương 
Dẫn lối khung trời hoa mộng
Tương lai trăm mến nghìn thương 

Con đường một thời hoa bướm 
Chỉ nghe chim hót ngân nga
Chỉ nghe cõi lòng mở hội
Và hồn vang khúc tình ca 

Con đường ngày xưa ai đứng
Chờ ai ánh mắt ngẩn ngơ
Con đường... vẫn con đường nhỏ
Nắng vờn tà áo ngây thơ 

Con đường ngày xa xăm ấy
Ngày xưa có kẻ đứng chờ
Con đường một thời thơ dại
Một trời hoa tím phai mờ

Đường đời trăm phương ngàn lối
Người xưa trên bước đường xa
Có hay lòng ai vẫn nhớ
Con đường tím một màu hoa...

                            Trần Thị Phương Lan 
                            (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

VƯỜN TRẺ TRÊN MẶT BIỂN - Nguyễn Xuân Hiếu

  

Trên mặt đại dương người ta thường thấy một chiếc tầu nhỏ màu trắng, tầu sơn màu hồng có một lá cờ đầy hoa. Trên sườn tầu có viết mấy chữ : Vườn Trẻ. Đúng là tầu vườn trẻ dành cho con cái các thủy thủ. Tầu lênh đênh trên mặt biển, ánh sáng mặt trời chan hòa trên cầu tầu, các em bé đội mũ rơm, và cô giáo trông coi vườn trẻ đội một cái mũ Thiếu Tá Hải quân có thêu một cái mỏ neo bằng bạc. Tầu suốt ngày nghiêng bên nọ bên kia theo làn sóng, thỉnh thoảng lại nổi còi và các trẻ em cất tiếng hát rất hay. Chúng hát bài hát về câu cá: "Hỡi cá, cá hãy đớp mồi đi, mồi bằng bánh ngọt rất ngon đó". Đúng lúc đó có một con cá voi, nữ hoàng của các miền biển xuất hiện, mồm há ngoác ra to tướng. Cá voi hỏi mấy chú bé: "Các em làm gì trên mặt biển này"? "Thưa nữ hoàng, chúng em câu cá". "Thế cá câu rồi các em dùng làm gì"? "Thưa chúng em cho cá vào trong lọ" "Xong rồi làm gì nữa"? "Chúng em quan sát xem cá sống ra sao"? "Thế hả, xong rồi sao nữa"? "Sau khi quan sát xong chúng em lại thả cá xuống biển". Nhưng cá voi giận dữ: "Không phải thế đâu, các em nói dối, quan sát xong là các em ăn thịt cá mới đúng". Nhưng bọn trẻ nhao nhao phản đối: "Đâu có, chúng em đâu có ăn cá, chúng em chỉ ăn bánh ngọt, khoai chiên, uống sữa, và ăn súp thôi". Nhưng cá voi không tin: "Ta không tin chút nào, chắc chắn thế nào các em cũng ăn cá. Thôi được, nghe ta nói đây. Ta sẽ ra cho các em một câu đố, nếu không trả lời được, ta sẽ thổi cho các em bắn tít lên trời, xa tít mù tắp cho mà xem. Nào nghe đây: Cái gì sáng ra nằm trên đống rêu rồi nở to như một cái dù?" Bọn trẻ đồng thanh: "Thưa đó là cái nấm". Cá voi chau mày nói "Đúng rồi! Thế câu này thì sao? Con gì lúc nào cũng từ từ chậm chạp, đem cả căn nhà của mình trèo lên các cây và các hòn đá" "Thưa đó là con sên". Cá voi nhíu mày lần nữa: "Đúng rồi, nhưng phải quá tam ba bận chứ. Câu này mới thực khó: Con gì có hai con mắt dữ tợn, tám cái chân dài ngoằng nhưng lại không có tay hay cánh tay?" Bọn trẻ suy nghĩ mãi không ra: "Con kiến có sáu chân, con cá sấu có bốn chân, con rết có cả ngàn chân, con gà còn có hai chân, chả có con nào tám chân cả". Trong lúc đó cá voi khoái lắm, cười ha hả, tin rằng thế nào mình cũng thắng, ve vẩy đuôi ghê gớm lắm, làm cho nước dâng lên thực cao, cao ngất như những tòa nhà chọc trời, con tầu lung lay như sắp đắm. Bọn trẻ cố moi óc tìm câu trả lời nhưng chẳng ăn thua gì. Nhưng rồi đột nhiên cô giáo nói: "Mình không may mắn tí nào. Mình phải lập tức đi tìm một con nhện để nó giúp mình tìm ra câu trả lời mới được". Bọn trẻ há hốc mồm nhìn cô giáo, rồi bỗng cười phá lên vui vẻ: "Tìm ra rồi. Đó là con nhện". Nghe chúng nói, cá voi ta mặt trắng bệch, hùng hục lặn ngay xuống biển. Từ đó không còn ai thấy chị ta hiện lên mặt nước nữa.

Biển lập tức yên ngay, mặt trời lại hiện ra. Cô giáo lẫn học trò cười nói ồn ào vui vẻ vì đã thắng được cá voi.

Câu chuyện Vườn trẻ trên mặt biển đến đây chấm dứt.


NGUYỄN XUÂN HIẾU      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 19, ra ngày 19-12-1971)



Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

DANH NGÔN 229

 

 - Tôn giáo không làm cho chúng ta tốt, nhưng nó ngăn cản không cho chúng ta trở nên xấu
LOUIS DE BONALD.

- Tôn giáo ở trong tim chứ không phải ở nơi đầu gối.
D.W. JEDRROLD.

- Mắt và cánh một con bướm đủ đánh đổ một nhà vô thần.
DIDEROT.

- Tôn giáo như những con đường khác nhau cùng đi đến một điểm. Chúng ta dùng lộ trình nào cũng được, miễn là đi đến mục đích.
GANDHI.

- Nếu tôi là Thượng Đế tôi sẽ không cho phép loài người quỳ lạy dưới chân tôi. Tôi sẽ yêu cầu họ đứng thẳng lên đối diện và nhìn vào mắt tôi, xem tôi là ngang hàng, nói chuyện với tôi như một người anh em. Không có lý nào để họ có thể tự hạ mình như thế trước mặt tôi, là vì chính tôi đã tạo họ như thế.
X.

- Tôi tin đấng Thượng đế đã tạo ra loài người, mà không tin ông Thượng đế do loài người tạo ra.
ALPHONSE KARR.

- Hãy giải thích cho tôi hiểu về một hạt cát, tôi sẽ cắt nghĩa cho anh về ông Trời.
LAMENNAIS.
 
 
 (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 229, ra ngày 1-12-1974)


Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

MÓN QUÀ GIÁNG SINH - Thơ Thơ

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thơ bé gởi đi rồi
Lời trau chuốt ghê nơi
Vì bé hồi hộp quá
Ông già Noël ơi

Thưa ông bé rất thích
Có được một món quà
Lạ hơn các năm trước 
Bé khá lớn rồi mà

Vườn sau nhiều cây cối
Bé nuôi chú sóc khôn
Nhưng năm nay bé muốn 
Có thêm một chó con

Đợi chờ thiệt nóng ruột
Bé bắt đầu đếm ngược 
Sao thời gian chậm qua
Bao giờ Noël ta?

Ba chỉ tủm tỉm cười 
Mẹ nhìn bé nói vui
Cứ việc ăn ngủ kỹ
Rồi đâu vào đấy thôi

Sáng hai lăm chưa dậy
Nghe lục đục dưới nhà
Vội vàng bé mở hộp:
Chú cún con nhảy ra!

                            Thơ Thơ 
                 (Bút nhóm Hoa Nắng)


Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

GIÁNG SINH - Nguyễn Gia Kiệm

 

 Đêm đông trời xanh thẳm,
Tuyết trắng phủ đất trời.
Chim reo vang thánh thót
Hòa ca mừng con người

Bên máng cỏ xanh biếc,
Mẹ Đồng Trinh nghiêng mình
Gương mặt người tha thiết
Nhìn con yêu thật xinh

Ngoài hiên không trướng rũ
Không màn che êm đềm
Gìn giữ con thơ ấu
Giữa giá rét triền miên

Chỉ mái tranh xiêu vẹo
Mạng nhện phủ rơi đầy
Lửng lơ theo gió thổi,
Trên trần nhà bay bay.

Cậu bé run run khẽ
Trên máng cỏ xanh ngời
Đó Hài nhi yêu quí
Jésus - Vua muôn người

Thiên lừa quanh máng cỏ
Sưởi ấm Chúa Hài Đồng
Theo làn hơi nhẹ thở
Xóa tan giá trời đông

Tuyết rơi đều trong gió,
Viền núi tranh trắng ngần,
Khung xanh cao rộng mở
Mừng Chúa con giáng trần.

Đôi cánh nhỏ, Thiên Thần
Trên trời xanh uy linh
Loan báo tin vui mừng
"Giáng Sinh - Giáng Sinh".

                    NGUYỄN GIA KIỆM
                          (Giáng sinh 74)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 133, ra ngày 15-12-1974)



Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

NIỀM VUI ĐÊM GIÁNG SINH - Nhật Lệ Giang

 

Hai chị em Thùy Hương và Hoàng Giang đi học về. Vừa bước chân vào nhà, thấy má đang nấu dọn dưới bếp, cả hai vội chạy xuống:

- Thưa má, chúng con đi học về!

Bà Phan mỉm cười nhìn hai đứa con:

- Ờ, hai con lên cất tập sách, thay áo xống đi, đợi ba đi làm về rồi ăn cơm.

Cậu Giang khoe với má:

- Má ơi, chúng con được nghỉ lễ Giáng sinh ba ngày, má à. Ngày mai bắt đầu nghỉ.

Bà Phan mắng yêu con:

- Thế thì mặc sức cho Giang đi chơi nắng, hử! Má bảo mà không vâng lời, có ngày má cột chân lại, không cho đi đâu nữa, nghe!

Cho các con tắm rửa xong, bà Phan vẫn chưa thấy chồng về. Ông Phan làm công cho một sở tư dưới phố. Mọi ngày ít khi ông về trễ, không hiểu hôm nay có xảy ra chuyện gì không. Bà băn khoăn lo lắng, hết chạy ra nhìn đường, lại chạy vào. Bà định thay áo xuống sở hỏi thăm, bỗng nghe chuông "mô-bi-lét" reo vang trước cửa, đồng thời bà nghe hai đứa con kêu:

- Má ơi, ba về đây rồi!

Bà Phan vội vàng chạy ra. Thấy chồng tươi cười đi vào, tay ôm hai hộp giấy, bà vui vẻ hỏi chồng:

- Sao hôm nay mình về trễ thế?

Ông Phan giơ hai hộp giấy ra:

- Anh ở trong sở ra, chạy vội vào phố mua ít đồ chơi cho các con. Mình quên à, ngày kia là lễ Giáng sinh rồi!

Hai đứa con nghe nói ba mua đồ chơi cho chúng nó liền chạy lại níu lấy tay ba, reo lên:

- Đồ chơi đâu hả ba? Ba mở cho chúng con xem đi, ba!

Bà Phan đỡ lấy hai cái hộp nơi tay chồng:

- Khoan đã mình, để ăn cơm rồi hãy hay. Mình mở ra bây giờ thì mấy đứa con quên ăn mất.

Ông Phan tươi cười tán thành ý kiến vợ. Ông dìu hai con lại bàn ăn:

- Má các con nói phải. Thôi, cha con mình ăn cái đã rồi hãy hay.

Hai đứa nhỏ đang nôn nao về đồ chơi nên không thiết ăn, bà phải dọa:

- Các con lo ăn cho no, không thì ba má không mở cái hộp ra đâu.

Cơm nước xong, ông Phan lấy hai cái hộp ra để giữa bàn. Ông mở cái hộp lớn kéo ra nào giấy ngũ sắc, cây thông và nhiều thứ khác, rồi bảo hai con:

- Đây là các thứ, ba sẽ chia hai phần đều nhau. Mỗi đứa dùng một phần để làm máng cỏ. Đứa nào làm đẹp nhất, ba má sẽ cho đặt trong phòng khách và được thưởng nhiều hơn. Phần thưởng ba cất trong hộp nhỏ nầy, mai kia sẽ mở.

Bà Phan cười bảo chồng:

- Mà hai đứa phải ngồi riêng ra kẻo "cóp pi" của nhau thì sao?

- Ờ ờ... Phải! Ngày mai thì bắt đầu làm. Thùy Hương làm dưới này, để trông nhà luôn. Hoàng Giang làm trên gác. Làm sao đến bữa cơm chiều thì phải xong hoàn toàn, chịu không?

Hoàng Giang gật đầu chịu liền. Thùy Hương ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:

- Thưa ba, mà con thêm một vài thứ ngoài thứ ba cho có được không?

- Được, được! Đứa nào muốn thêm gì mặc ý, miễn sao cho đẹp là nhất!

Cả hai vui vẻ cất phần của mình rồi chạy ra chơi. Thùy Hương lại ngồi cạnh má, thì thầm gì với má. Bà Phan mỉm cười gật đầu. Hoàng Giang đoán má đang bày riêng gì cho chị, nó la lên:

- Ba ơi, má đang "gà" cho chị Hương đó, ba cũng vẽ cho con đi, ba!

Ông Phan ôm lấy Giang vào lòng, cười hề hề:

- Con trai gì mà hay ghen dữ! Tự nghĩ ra mà làm mới oai, chớ nhờ người "gà kiểu" cho thì còn hay ho gì nữa!

*

Sáng ngày, ba má vừa ra khỏi nhà. Hoàng Giang vội vã trèo lên gác. Không biết cậu bé làm gì mà nghe tiếng búa cộp cộp mãi. Thùy Hương cũng đóng cửa chính lại, rồi đem đồ ra dọn. Con gái vốn tỉ mỉ khéo tay, không mấy chốc, cô đã làm xong cái khung. Má cô đã "lì xì" cho cô một miếng vải xanh màu da trời, cô căng làm bức phông, rồi cắt dây kim tuyến thành hình ngôi sao dán vào, trông lóng lánh đẹp mắt. Đang hý hoáy làm, Thùy Hương nghe có tiếng động ở ngoài, cô ngước mắt nhìn ra, thấy một em gái trạc tuổi Giang đang đứng trước cửa sổ, chăm chú xem cô làm... Một lúc sau nó bỏ ra đi...

Gần ba tiếng đồng hồ cặm cụi, Thùy Hương làm xong chiếc máng cỏ xinh xắn. Cô khoan khoái bưng đặt lên bà rồi quét dọn lại cho sạch sẽ. Cô định đem cất kỹ trong phòng của má, đến chiều mới đem ra, kẻo Giang "cóp pi". Bỗng cô bé hồi nãy ở đâu lại đến đứng ngoài cửa nhìn vào. Thấy chiếc máng cỏ đã hoàn thành xinh đẹp, nó đứng ngắm mê say, đôi mắt lộ vẻ thích thú. Thấy có người ngắm nhìn tác phẩm của mình, Thùy Hương rất khoái. Cô mở cửa chính, dịu dàng bào em gái:

- Em muốn xem thì vào trong này mà xem!

Cô bé lưỡng lự một lúc rồi theo vào, nó mỉm cười nói với Thùy Hương:

- Chị dọn đẹp quá!

- Thế trong nhà em không dọn máng cỏ mừng lễ Giáng sinh à?

Cô bé ngước mắt nhìn Thùy Hương, đôi mắt buồn bã như muốn khóc:

- Năm ngoái, ba em đi lính, có về dọn máng cỏ cho tụi em chơi, năm nay ba em phải đổi đi xa, má em lại bị ốm, nên không ai làm!

Thùy Hương thương hại:

- Nhà ba má em ở đâu? Má em đau bệnh gì? Em có mấy chị em?

Nhà ba má em ở trong hẻm này. Ba má em được bốn đứa con, em là con đầu. Má em bị cảm đã ba hôm nay, chưa bớt. Hôm qua, có một bà đến thăm cho má em ít tiền, em vừa đi mua thuốc cho má về đây.

- Thế ba em không gởi tiền về à?

- Mấy tháng trước ba em vẫn gởi đều đều, nhưng hai tháng nay không thấy gởi. Có lẽ ba em phải đi hành quân xa, nên không gởi được. Với lại ba em là lính thường nên lương ít, má em phải đi bán hàng rong kiếm thêm, mới đủ ăn.

Thùy Hương ứa nước mắt, cô nghĩ mình chỉ có hai chị em mà có hai máng cỏ để chơi, còn em bé này, bốn chị em lại không có cái nào. Thùy Hương nắm lấy tay em bé:

- Chị cho em cái máng cỏ này đem về cho các em của em chơi chung, em có lấy không?

Cô bé ngạc nhiên, há hốc miệng, lắp bắp:

- Đẹp... đẹp vậy mà chị cho em à?

Thùy Hương dịu dàng vỗ vai cô bé:

- Chị còn một cái khác nữa để trên gác. Em cứ đem về, mai chị sẽ xin phép má chị, đem quà Giáng sinh sang cho các em và thăm má em.

Thùy Hương lấy giấy bao cái máng cỏ lại trao cho cô bé, nó giơ hai tay đỡ lấy một cách thận trọng, nét mặt rạng rỡ vui sướng.

*

Nhìn theo cô bé mang chiếc máng cỏ ra khỏi nhà, tự nhiên Thùy Hương thấy tiêng tiếc. Cô ngồi phịch xuống ghế, thẫn thờ. Thằng Giang trên gác xồng xộc chạy xuống:

- Chị Hương, chị làm xong chưa? Em làm gần xong rồi!

Thấy chị ngồi yên, trên bàn không còn gì cả, Giang hỏi:

- Sao thế chị? Máng cỏ chị làm bỏ đâu rồi, cho em xem tí đi!

Thùy Hương nhìn em, thú thật:

- Chị cho con bé ở sau hẻm này rồi. Ba nó đi vắng, má nó bị ốm, nó có ba đứa em không có gì chơi cả...

Giang bất mãn:

- Chị cho người ta mà không xin phép ba má. Chốc nữa ba má về mắng chị chết!

Nghe em nói, đột nhiên, Thùy Hương cảm thấy mình quá liều lĩnh. Cô ngồi phịch xuống ghế, ôm mặt khóc.

Có tiếng ba má về, Giang chạy lại mở cửa. Ông bà Phan bước vào, thấy Thùy Hương ngồi khóc, ngạc nhiên hỏi:

- Thùy Hương, sao con khóc?

Thùy Hương càng sợ, nên khóc lớn hơn. Thằng Giang vội vàng:

- Thưa ba má, tại chị ấy cho con bé nhà nghèo ở sau hẻm này cái máng cỏ, mà không xin phép ba má, nên chị ấy sợ ba má mắng.

Nét mặt hai ông bà lộ vẻ cảm động. Bà vội bỏ các thứ vừa mới mua trên mặt bàn, rồi ngồi xuống ôm lấy con gái vào lòng, vuốt ve:

- Con biết thương người nghèo như thế là việc tốt, ba má đâu có mắng mà con khóc. Nhưng mà con cho con bé nào ở sau hẻm này?

Thùy Hương lau nước mắt, kể chuyện con bé hồi nãy. Bà Phan tươi cười nhìn chồng:

- Mình à, Thùy Hương cho con chị Năm mà hôm qua, em đi thăm về đã nói chuyện cho mình nghe đó!

Ông Phan vui vẻ:

- Ồ, cho đứa nào chớ cho con chị ấy thì thật nên cho. Thùy Hương, ba má khen con chớ không rầy la con đâu!

Thùy Hương sung sướng gục đầu vào lòng má. Thằng Giang cũng chạy đến kéo tay chị:

- Chị Hương, hai chị em mình chơi chung một cái máng cỏ cũng được. Chị lên giúp em dọn cho đẹp thêm đi, chị!

Ông Phan cởi áo ngoài treo lên mắc, cười bảo hai đứa con:

- Để ba lên giúp với nữa! Ba cha con mình làm, chắc đẹp ngất...

Bà Phan mỉm cười nhìn theo ba cha con đang kéo nhau chạy sầm sập lên thang gác. Đồng hồ điểm mười một giờ, bà giật mình:

- Trời! Mười một giờ rồi, mình phải đi thổi cơm, không chút nữa cha con lại kêu đói om sòm!


NHẬT LỆ GIANG    

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Đôi Bạn")



Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

ĐÊM GIÁNG SINH - Hoàng thị Phương Thúy

 
 
Đêm Giáng Sinh với đèn sao tươi sáng
Từng hồi chuông vẫn vang dội triền miên
Cảnh sắc của đêm xưa lại đi về
Và trở lại trong niềm tin nhân thế

Chúa giáng trần giữa đêm đông lạnh giá
Lời thánh ca vẫn thúc dục đàn chiên
Ô kìa! Hang đá, máng cỏ Bê lem
Cùng lời ca Chúa muôn loài vạn tuế

Thân xác ngài hiến dâng lên hiện thể
Giữa thế gian đang tội lỗi ngập tràn
Chúa giáng trần để cứu tội thế gian
Niềm tin mới lời thánh ca trổi điệu

Dù âm vang trong hương lành huyền diệu
Ơn đức ngài soi sáng đến ngàn sau
Và đêm nay đàn con chiên dìu dắt
Lời thánh ca xen lẫn khúc nguyện cầu

Đêm huyền diệu xóa đi nhiều tội lỗi
Cho nhân gian còn mãi những tin yêu
Cho yêu thương tràn ngập tuổi thơ ngây
Và xin Chúa cho tuổi hồng rực sáng

Như đêm nay đoàn con về cùng Chúa
Trong ơn lành giọng hát ngất ngây say!

                                HOÀNG THỊ PHƯƠNG THÚY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 191, ra ngày 15-12-1972)

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

KINH GIÁNG SINH - Lynh Thanh Thảo

 
 
 Lời kinh 1

Hát cho em nghe bài kinh mùa đông
Bên tháp chuông cao vương áng mây hồng
Nói cho em nghe những lời yêu dấu...
Từ thuở ban đầu em vẫn ước mong

Kể cho em nghe chuyện mình quen nhau
Mùa đông năm xưa phép lạ nhiệm mầu
Gặp nhau lần đầu ngỡ ngàng không nói
Hẹn ước bao giờ em có biết đâu?

Hát cho em nghe bài ca Giáng sinh
Đêm thánh vang vang những khúc yên bình
Nói cho em nghe điệu ru thánh thót
Như tiếng chim về chào đón bình minh

 
 Lời kinh 2
 
(ĐIỆP KHÚC)

Về trong dấu tích hoang đường
Nghe đêm đông lạnh hơi sương nồng nàn
Long lanh trên một cành lan
Giọt sương rơi xuống kết ngàn ánh sao

Tinh cầu thắp sáng trên cao
Nghe lời Kinh thánh chìm vào nẻo xa
Hào quang trên đỉnh tháp ngà
Nghe như Chúa đến cùng ta trong hồn

 
Lời kinh 3
 
Anh có thấy không mùa đông năm nay
Thành phố buổi mai sương trắng giăng đầy
Ngày tháng trở mình giã từ mùa cũ
Những nhánh cây buồn quạnh hiu trên tay

Em đếm bước mình trên lối hư không
Nghe lời thánh ca trong điệu nhạc nồng
Cúi xuống cho lời nguyện xin tha thiết
Chắp cánh Thiên thần đêm thánh mùa đông

Anh có nghe không lời kinh dâng cao
Dương cầm ru êm dạ khúc ngọt ngào
Đôi mắt sáng ngời niềm tin dâng Chúa
Hát khúc ru hồn trong gió xôn xao

                                  Giáng Sinh một chín bảy hai.
 
                                       LYNH THANH THẢO

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 40, ra ngày 20-12-1972)




Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

NIỀM VUI - Nguyễn Thị Nội

 

Thành đứng đợi cô bán hàng gói các món đồ chơi. Một thằng bé đứng cạnh lồng kiếng cứ dán mắt vào chiếc xe lửa màu xanh bóng láng. Tới khi cô bán hàng đem chiếc xe lửa ra đặt vào hộp gói lại thì thằng bé có vẻ tiếc rẻ lắm. Nó đứng ngơ ngẩn nhìn cô hàng đậy nắp hộp, lấy tờ giấy in hình hoa bao lại và buộc một sợi dây nhỏ màu đỏ. Nó hết được trông thấy chiếc xe lửa, cũng chẳng còn thấy cả hình ảnh nơi chiếc hộp nữa. Tự nhiên Thành thấy lòng se lại khi thằng bé đứng yên lặng nhìn Thành ôm gói quà bước ra khỏi tiệm, các gói quà tết dây đỏ coi xinh xắn đáng ham thích biết là bao.

Đi gần đến đầu ngõ, Thành đứng lại quyết định. Thành nghĩ kỹ rồi, mình thì được sung sướng với cha mẹ, còn thằng bé ấy nhà nghèo chắc nó cực lắm.

Chiếc xe lửa kia là món đồ chơi của mình, mình có thể nhường cho nó. Cho nó đồ chơi đêm Noel mình sẽ ăn bánh vui chơi với các em thôi cũng được. Thằng nhỏ được chiếc xe lửa chắc thích lắm. Sau khi dứt khoát với ý nghĩ đó Thành cảm thấy vui vô cùng.

Thành ôm các gói đồ về nhà, phát cho các em. Thành mong các em chẳng để ý nhưng chẳng may Dũng kêu lên:

- Ủa, còn chiếc xe lửa của anh Thành đâu?

Thành đứng yên, không biết kiếm cớ gì để giải thích.

Mẹ thoáng nghe ngạc nhiên hỏi:

- Ủa! Sao Thành lại không có đồ chơi, mẹ đưa đủ tiền mà.

Thành cúi đầu nói nhỏ:

- Con lỡ đánh rớt 300 đồng nên chỉ đủ tiền mua đồ cho các em.

Nói xong Thành lo lắng nhìn mẹ. Mẹ cau mày mắng:

- Con thật không cẩn thận để đánh rớt cả tiền. Như vậy Noel con không có đồ chơi.

Không có đồ chơi, Thành không buồn vì Thành đã quyết định rồi mà. Nhưng thằng Lâm chen vào:

- Chắc anh Thành lấy tiền đi ăn quà đó mẹ.

Thành quay lại quắc mắt nhìn Lâm. Thằng này hỗn nhất nhà, chuyên môn nói xấu mọi người. Lâm kém Thành 2 tuổi.

Có tiếng mẹ nói vọng vào:

- Lâm đừng có nói hỗn. Anh Thành có bao giờ như thế! Chắc không có việc đó đâu.

Thành không muốn gây sự với em nên lặng lẽ đi vào phòng.

Trong khi đó thì Lâm tức lắm. Nó nghĩ là Thành không mua được đồ tức là Thành đã lấy tiền đi ăn rồi còn gì. Lâm hận hôm qua Thành đã cốc đầu Lâm vì Lâm không làm bài, nên quyết tìm cho ra lẽ, nhất định phải làm cho Thành bị mắng. Lâm hậm hực đi ra đường. Đi ngang qua tiệm bán đồ chơi, Lâm nhìn vào thì không thấy chiếc xe lửa mà Thành chọn. Chợt cô bán hàng vẫy Lâm:

- Cậu ơi cậu! Hồi nãy anh cậu đưa lộn tiền nè. Chiếc xe lửa trị giá 280 đồng thôi. Tôi trả lại 20 đồng đây, cậu đưa dùm cậu ấy.

- À! Vậy ra Thành có mua chiếc xe lửa đấy. Lâm cầm tờ 20 đồng vừa bỏ vào túi vừa suy nghĩ. Sao anh ấy có mua mà lại bảo mất tiền. Lâm thấy có điều gì bí mật đây. Lâm đi nhanh về nhà chất vấn Thành.

Bỗng có tiếng gọi giựt lại:

- Cậu Lâm.

Lâm quay lại, thì ra bà Năm.

- Cái gì vậy bà Năm?

- Nhờ cậu bảo với cậu Thành là tôi đưa cho nó rồi nhé.

Lâm ngạc nhiên:

- Ủa! Anh Thành nhờ bà cái gì vậy?

- Hồi nẫy cậu nhờ tôi đưa gói đồ cho thằng nhỏ ở cuối ngõ này nè. Thằng nhỏ mồ côi đó.

Lâm liền hỏi:

- Bà có biết đó là gói gì không?

- Cậu đó bảo tôi nói với thằng nhỏ là cậu ấy mến tặng thằng nhỏ chiếc xe lửa mà nó thích đó.

Lâm gật đầu quay đi. Lâm vui lắm vì nó đã tìm ra cớ để mách mẹ rồi. Anh Thành lấy đồ đi cho người ta.

Lâm chạy ù vào trong nhà.

Bố đang ngồi đọc báo, mẹ đang dọn bàn ăn, còn Thành ngồi học ở bàn. Lâm đắc chí nhìn Thành cười rồi chạy lại cạnh mẹ:

- Mẹ ơi! Anh Thành lấy đồ đi cho người ta.

Thành giật mình, trong khi đó mẹ đang hỏi Lâm:

- Anh Thành lấy đồ gì đi cho người ta?

Lâm ba hoa mách mẹ:

- Anh Thành có mua xe lửa. Anh ấy đem cho thằng nhỏ ở cuối ngõ rồi nói dối mẹ là đánh mất tiền.

Mách mẹ xong Lâm quay về phía Thành. Mẹ lại bên Thành, dịu dàng hỏi:

- Có đúng vậy không con?

Thành thấy vậy sợ sệt và buồn bã. Thành liếc nhìn về phía cha. Ồ! Cha đang bỏ tờ báo xuống và đang nhìn Thành. Thành sợ hãi cúi đầu xuống. Mẹ hỏi lại:

- Thế nào, Thành?

Thành suy nghĩ: chắc hẳn cha mẹ đang cho là mình nói dối và còn đi cho đồ người khác nữa.

Thành không biết nói ra làm sao. Hai giọt nước mắt long lanh nơi mắt Thành.

Mẹ thấy thế có vẻ thương hại, vỗ vai Thành ân cần:

- Con cứ nói thực ra cho mẹ nghe. Có gì sai lầm mẹ sẽ chỉ bảo.

Thành nghe mẹ nói thì vụt lấy lại can đảm. Thành phải nói hết ra để cha mẹ khỏi hiểu lầm. Thành làm như vậy là đúng, không lẽ cha mẹ lại mắng hay sao. Mà dù cha mẹ có mắng Thành cũng cam lòng, vì Thành rất mãn nguyện về hành động của mình.

Thành ngẩng đầu lên, Thành ngại nhất là phải gặp ánh mắt nghiêm khắc của cha nhưng mà cha đang nhìn Thành một cách hiền từ khuyến khích.

Thành liền kể cảnh khổ của thằng bé, mồ côi cha mẹ ở với dì thật nghèo cực. 

- Con thấy mình không còn bé bỏng gì mà chơi đồ chơi, trong khi đó thì thằng bé mồ côi ấy, tình cảnh đáng thương hơn, nó còn bé hơn con nhiều, vậy mà nó không có gì để chơi. Con cho nó đồ chơi vì con thấy nó xứng đáng được chơi hơn.

Nói xong Thành cúi đầu, lòng trào dâng mối cảm xúc. Cha Thành im lặng : Thành quả là một đứa trẻ ngoan, ông không dè nó lại biết hy sinh như vậy.

Ông đưa tay vuốt đầu Thành:

- Con thật đáng là con của ba.

Thành không ngờ cha nói như vậy. Thành sung sướng quay sang mẹ, mẹ Thành gật đầu cười nhìn Thành:

- Mẹ rất hài lòng về con.

Thành cứ nghe vang lên "con của ba, con của mẹ", không phải là những câu mắng mà là những lời khen. Sung sướng quá.

Trong khi ấy cha mẹ Thành vui vẻ nhìn Thành âu yếm. Riêng Lâm thì tức giận vô cùng vì Thành không bị mắng như ý nó muốn mà lại được cha mẹ khen nữa cơ. Nó tức giận bỏ ra ngoài, lại hàng kem ăn một lúc 3 cốc kem với tờ giấy 20 đồng mà cô bán hàng đã đưa hồi nãy cho bớt tức.

Đêm hôm ấy có hai đứa trẻ sung sướng hơn hết là Thành và đứa bé mồ côi. Người ta có cảm tưởng như ông già Nô-en đang đứng nhìn chúng mỉm cười, chỉ đợi khi nào chúng đi ngủ là để ngay cạnh chúng một món quà xứng đáng.


NGUYỄN THỊ NỘI      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 33, ra ngày 15-12-1966)
 


Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

CHỢT TỈNH GIẤC BUỒN - Bùi Văn

 
     
Chim về đậu nóc giáo đường
Nghe chuông gọi gió trong sương đông mờ

Không gian chợt tỉnh giấc mơ
Lưng trời sao chiếu lên bờ yêu thương

Ơi mau bỏ giấc chán chường
Nương theo gió đến giáo đường yên vui

Thánh ca buông khúc bùi ngùi
Đem thương yêu thấm vào nơi lạnh lùng

Có vì sao ở không trung
Buông lơi ánh sáng xuống vùng tối đen

Người vào thân xác yếu hèn
Thu thân nhỏ bé mà xem tội đời

Bê linh nhập thế đơn côi
Hóa thân hèn mọn cho vơi tội tình

Mắt nào dõi bóng cứu tinh
Mà thôi hờn tủi cho mình bớt đau

Ngàn xưa cho đến ngàn sau
Đem ơn cứu rỗi bằng màu Phúc âm

Ngày qua trong giấc âm thầm
Gieo niềm tin đến cho dân mãn đời

Mù đông sao sáng chiếu soi
Tim côi nay đã khơi ngời hoan ca

Đông về cho lạnh màu da
Mà tin yêu lắm như là tái sinh

Ngời sao dõi mắt thiên đình
Nguồn tình yêu xuống cho xinh cuộc đời

Tự trời cao cứu tinh ơi
Tìm vào trần thế cho vơi đọa đày

Tháp cao, cao vút chân mây
Đất trời xe mối ngất ngây lòng trần

                                                 BÙI VĂN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 83, ra ngày 15-12-1967)



Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Nhẹ Buông - Quyên Di

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gió lạnh nhẹ vào như loài băng đá
Em thắp nến hồng soi sáng đêm đen
Sa-pen in bóng lung linh kỳ lạ
Em có thấy đời bừng lên hơi men?

Ô một vì sao, ô một vì sao
Sáng trong không trung vào một đêm nào
Sao nhớ đó không? Sáng đêm nay nữa
Cho hồn em tôi vút lên thanh cao

Em xòe bàn tay năm ngón bé con
Ơi mùa đông ơi, gọi ông Noel
Em muốn được quà, dù em người lớn
Để rồi vút cao Lời Thánh véo von

Cúi mặt trầm buồn bài Silent night
Một giọt nước mắt lăn trong đêm dài
Lệ sáng như là hào quang kim tuyến
Em khóc một lần trời đổ sương mai

Xin ước một lần được chung lời nguyện
Lời rất thật thà trong đêm trinh nguyên
Thân phận con người đột nhiên biến chuyển
Ánh sáng đã vào đêm dài triền miên.

                                                         QUYÊN DI

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 98, ra ngày 15-12-1968)