Thành
đứng đợi cô bán hàng gói các món đồ chơi. Một thằng bé đứng cạnh lồng
kiếng cứ dán mắt vào chiếc xe lửa màu xanh bóng láng. Tới khi cô bán
hàng đem chiếc xe lửa ra đặt vào hộp gói lại thì thằng bé có vẻ tiếc rẻ
lắm. Nó đứng ngơ ngẩn nhìn cô hàng đậy nắp hộp, lấy tờ giấy in hình hoa
bao lại và buộc một sợi dây nhỏ màu đỏ. Nó hết được trông thấy chiếc xe
lửa, cũng chẳng còn thấy cả hình ảnh nơi chiếc hộp nữa. Tự nhiên Thành
thấy lòng se lại khi thằng bé đứng yên lặng nhìn Thành ôm gói quà bước
ra khỏi tiệm, các gói quà tết dây đỏ coi xinh xắn đáng ham thích biết là
bao.
Đi
gần đến đầu ngõ, Thành đứng lại quyết định. Thành nghĩ kỹ rồi, mình thì
được sung sướng với cha mẹ, còn thằng bé ấy nhà nghèo chắc nó cực lắm.
Chiếc
xe lửa kia là món đồ chơi của mình, mình có thể nhường cho nó. Cho nó
đồ chơi đêm Noel mình sẽ ăn bánh vui chơi với các em thôi cũng được.
Thằng nhỏ được chiếc xe lửa chắc thích lắm. Sau khi dứt khoát với ý nghĩ
đó Thành cảm thấy vui vô cùng.
Thành ôm các gói đồ về nhà, phát cho các em. Thành mong các em chẳng để ý nhưng chẳng may Dũng kêu lên:
- Ủa, còn chiếc xe lửa của anh Thành đâu?
Thành đứng yên, không biết kiếm cớ gì để giải thích.
Mẹ thoáng nghe ngạc nhiên hỏi:
- Ủa! Sao Thành lại không có đồ chơi, mẹ đưa đủ tiền mà.
Thành cúi đầu nói nhỏ:
- Con lỡ đánh rớt 300 đồng nên chỉ đủ tiền mua đồ cho các em.
Nói xong Thành lo lắng nhìn mẹ. Mẹ cau mày mắng:
- Con thật không cẩn thận để đánh rớt cả tiền. Như vậy Noel con không có đồ chơi.
Không có đồ chơi, Thành không buồn vì Thành đã quyết định rồi mà. Nhưng thằng Lâm chen vào:
- Chắc anh Thành lấy tiền đi ăn quà đó mẹ.
Thành quay lại quắc mắt nhìn Lâm. Thằng này hỗn nhất nhà, chuyên môn nói xấu mọi người. Lâm kém Thành 2 tuổi.
Có tiếng mẹ nói vọng vào:
- Lâm đừng có nói hỗn. Anh Thành có bao giờ như thế! Chắc không có việc đó đâu.
Thành không muốn gây sự với em nên lặng lẽ đi vào phòng.
Trong
khi đó thì Lâm tức lắm. Nó nghĩ là Thành không mua được đồ tức là Thành
đã lấy tiền đi ăn rồi còn gì. Lâm hận hôm qua Thành đã cốc đầu Lâm vì
Lâm không làm bài, nên quyết tìm cho ra lẽ, nhất định phải làm cho Thành
bị mắng. Lâm hậm hực đi ra đường. Đi ngang qua tiệm bán đồ chơi, Lâm
nhìn vào thì không thấy chiếc xe lửa mà Thành chọn. Chợt cô bán hàng vẫy
Lâm:
- Cậu ơi cậu! Hồi nãy anh cậu đưa lộn tiền nè. Chiếc xe lửa trị giá 280 đồng thôi. Tôi trả lại 20 đồng đây, cậu đưa dùm cậu ấy.
-
À! Vậy ra Thành có mua chiếc xe lửa đấy. Lâm cầm tờ 20 đồng vừa bỏ vào
túi vừa suy nghĩ. Sao anh ấy có mua mà lại bảo mất tiền. Lâm thấy có
điều gì bí mật đây. Lâm đi nhanh về nhà chất vấn Thành.
Bỗng có tiếng gọi giựt lại:
- Cậu Lâm.
Lâm quay lại, thì ra bà Năm.
- Cái gì vậy bà Năm?
- Nhờ cậu bảo với cậu Thành là tôi đưa cho nó rồi nhé.
Lâm ngạc nhiên:
- Ủa! Anh Thành nhờ bà cái gì vậy?
- Hồi nẫy cậu nhờ tôi đưa gói đồ cho thằng nhỏ ở cuối ngõ này nè. Thằng nhỏ mồ côi đó.
Lâm liền hỏi:
- Bà có biết đó là gói gì không?
- Cậu đó bảo tôi nói với thằng nhỏ là cậu ấy mến tặng thằng nhỏ chiếc xe lửa mà nó thích đó.
Lâm gật đầu quay đi. Lâm vui lắm vì nó đã tìm ra cớ để mách mẹ rồi. Anh Thành lấy đồ đi cho người ta.
Lâm chạy ù vào trong nhà.
Bố đang ngồi đọc báo, mẹ đang dọn bàn ăn, còn Thành ngồi học ở bàn. Lâm đắc chí nhìn Thành cười rồi chạy lại cạnh mẹ:
- Mẹ ơi! Anh Thành lấy đồ đi cho người ta.
Thành giật mình, trong khi đó mẹ đang hỏi Lâm:
- Anh Thành lấy đồ gì đi cho người ta?
Lâm ba hoa mách mẹ:
- Anh Thành có mua xe lửa. Anh ấy đem cho thằng nhỏ ở cuối ngõ rồi nói dối mẹ là đánh mất tiền.
Mách mẹ xong Lâm quay về phía Thành. Mẹ lại bên Thành, dịu dàng hỏi:
- Có đúng vậy không con?
Thành
thấy vậy sợ sệt và buồn bã. Thành liếc nhìn về phía cha. Ồ! Cha đang bỏ
tờ báo xuống và đang nhìn Thành. Thành sợ hãi cúi đầu xuống. Mẹ hỏi
lại:
- Thế nào, Thành?
Thành suy nghĩ: chắc hẳn cha mẹ đang cho là mình nói dối và còn đi cho đồ người khác nữa.
Thành không biết nói ra làm sao. Hai giọt nước mắt long lanh nơi mắt Thành.
Mẹ thấy thế có vẻ thương hại, vỗ vai Thành ân cần:
- Con cứ nói thực ra cho mẹ nghe. Có gì sai lầm mẹ sẽ chỉ bảo.
Thành
nghe mẹ nói thì vụt lấy lại can đảm. Thành phải nói hết ra để cha mẹ
khỏi hiểu lầm. Thành làm như vậy là đúng, không lẽ cha mẹ lại mắng hay
sao. Mà dù cha mẹ có mắng Thành cũng cam lòng, vì Thành rất mãn nguyện
về hành động của mình.
Thành
ngẩng đầu lên, Thành ngại nhất là phải gặp ánh mắt nghiêm khắc của cha
nhưng mà cha đang nhìn Thành một cách hiền từ khuyến khích.
Thành liền kể cảnh khổ của thằng bé, mồ côi cha mẹ ở với dì thật nghèo cực.
-
Con thấy mình không còn bé bỏng gì mà chơi đồ chơi, trong khi đó thì
thằng bé mồ côi ấy, tình cảnh đáng thương hơn, nó còn bé hơn con nhiều,
vậy mà nó không có gì để chơi. Con cho nó đồ chơi vì con thấy nó xứng
đáng được chơi hơn.
Nói
xong Thành cúi đầu, lòng trào dâng mối cảm xúc. Cha Thành im lặng :
Thành quả là một đứa trẻ ngoan, ông không dè nó lại biết hy sinh như
vậy.
Ông đưa tay vuốt đầu Thành:
- Con thật đáng là con của ba.
Thành không ngờ cha nói như vậy. Thành sung sướng quay sang mẹ, mẹ Thành gật đầu cười nhìn Thành:
- Mẹ rất hài lòng về con.
Thành cứ nghe vang lên "con của ba, con của mẹ", không phải là những câu mắng mà là những lời khen. Sung sướng quá.
Trong
khi ấy cha mẹ Thành vui vẻ nhìn Thành âu yếm. Riêng Lâm thì tức giận vô
cùng vì Thành không bị mắng như ý nó muốn mà lại được cha mẹ khen nữa
cơ. Nó tức giận bỏ ra ngoài, lại hàng kem ăn một lúc 3 cốc kem với tờ
giấy 20 đồng mà cô bán hàng đã đưa hồi nãy cho bớt tức.
Đêm
hôm ấy có hai đứa trẻ sung sướng hơn hết là Thành và đứa bé mồ côi.
Người ta có cảm tưởng như ông già Nô-en đang đứng nhìn chúng mỉm cười,
chỉ đợi khi nào chúng đi ngủ là để ngay cạnh chúng một món quà xứng
đáng.
NGUYỄN THỊ NỘI
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 33, ra ngày 15-12-1966)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.