Đã
nhiều lần, chị nhắc nhở các em là không nên than thở, hãy nhìn vào khía
cạnh đẹp của sự việc để mà lấy làm vui. Bởi vì bất cứ một sự việc nào
cũng đều có thể rút ra được những điều tốt đẹp. Cho nên bữa nay chị kể
cho các em nghe những vui buồn quanh cái mi ni thư viện của chúng ta,
không phải là chị than thở, mà chỉ là chị em mình tâm sự với nhau mà
thôi đấy nhé.
Ý
nghĩ đầu tiên nẩy ra, để rồi sau này đi tới thành lập thư viện, là thế
này: Tòa soạn Thiếu Nhi có hai cái kệ để sách của chú Nhật Tiến. Một hôm
vào chủ nhật, có một em Thiếu Nhi tới chơi. Ngồi buồn, em rút ra một
cuốn sách ở trên kệ để coi. Em coi một cách thích thú say sưa. Tới giờ
cơm, em cứ ngồi mê mải đọc. Thấy tội quá, chị đề nghị chú N.T. cho em
mượn cuốn sách đem về. Thường thường những vụ cho mượn như thế ít khi
"châu về Hợp Phố". Cho nên tòa soạn cũng coi như nếu em ấy không trả thì
thôi. Nhưng chủ nhật sau, em ấy đem trả. Trả sách rồi, em cứ nấn ná bên
cái kệ, cầm cuốn này, nhắc cuốn kia với đầy vẻ ước ao được đọc. Thành
ra chú N.T. lại cho em mượn một cuốn khác. Buổi tối, nhân họp tòa soạn,
mọi người cứ ngậm ngùi cho chú bé hiếu học. Chú N.T. mới nói:
-
Hai kệ sách này có một số các em đọc được, còn một số dành cho người
lớn. Nếu quí vị có ý kiến gì để sử dụng thì tôi sẵn sàng đóng góp. Cũng
có một số là của các văn hữu tặng tôi, tôi định để dành cho các cháu sau
này nhưng tôi nghĩ rằng các bạn cũng sẽ vui lòng khi thấy mặc dầu tôi
không đóng bìa da để chưng trong tủ, nhưng đem cho các em thì sẽ có
nhiều em được đọc, rất ích lợi cho các em trong thời buổi khó khăn, phụ
huynh chạy gạo cho con đã cực, làm sao mà đòi hỏi sách truyện được.
Tòa
soạn ồn ào bàn tán. Ai cũng thấy rằng sự đọc sách đối với các em là quá
cần thiết. Vì thời giờ của các em không thể dành cả cho sự học được.
Phải có giải trí và nhu cầu đọc sách rất cần cho một người muốn tiến bộ.
Nếu không, nhàn cư vi bất thiện, rất tai hại. Kết quả là bác chủ nhiệm
vui lòng ủng hộ mấy trăm cuốn sách gồm đủ loại, chú NT ủng hộ tất cả
những sách nào của chú mà xét ra các em có thể đọc được, trong đó có cả
những cuốn vô cùng quí giá, vì có chữ ký của các văn hữu ; bác Vịt Mò đi
cầu viện ở cơ quan liên lạc văn hóa Á Châu được một số sách Anh Ngữ,
chú Vi Vi đi cầu viện bác Trường Sơn được một số sách của nhà xuất bản
Tuổi Hoa, các bác chú khác trong tòa soạn cũng về kiếm lấy những cuốn
nào đã đọc rồi, đem góp vào thư viện. Tất cả đều chung một ý nghĩ là với
cuốn sách của mình, cả ngàn em sẽ được đọc qua. Và như câu danh ngôn
"đọc một cuốn sách là bước vào một thế giới mới", nếu số sách luân
chuyển từ em này tới em khác thì các em sẽ lĩnh hội được biết bao tinh
hoa ở trong số sách đó.
Trong
khi chọn lựa sách để hoàn thành cái mi ni thư viện cho các em, mọi
người mới thấy thật sự sách các em đọc được không nhiều. Có những cuốn
thấy hình thức giống như loại sách dành riêng cho các em, mà mở ra đọc
lướt, chị mới giật mình rằng nếu các em đọc, sẽ tai hại ghê lắm. Thành
ra sự gom góp được mớ sách nhỏ bé, ít oi, lành mạnh – thật ra chỉ nên coi như tủ sách, chứ gọi là thư viện e ngoa quá chăng –
cũng là niềm hãnh diện của các bác, chú và các chị. Hãnh diện rằng cái
ý tưởng lập thư viện cho các em mượn sách, không có một mục đích gì
khác ngoài niềm ao ước cho các em độc giả quí mến của mình, những đôi
mắt long lanh, những bàn tay xinh xắn nhỏ bé sẽ được vui thích lần giở
từng trang sách để giải trí và học hỏi sau những giờ mệt mỏi với bài vở.
Lại cũng giúp phần nào cho ba má các em, vì bận rộn không đọc trước
những sách truyện của các em, có thể yên tâm phần nào khi thấy các em
đọc những cuốn sách của thư viện Thiếu Nhi.
Những
tuần lễ đầu trôi qua thật là khích lệ, những ánh mắt sáng lên vui mừng
của các em mà ba má không mấy dư dả, các em vẫn nghe nói tới những cuốn
sách đó, nay được mượn đem về một tuần, không phải thế chân bằng tiền
bạc, chỉ cần một lời hứa sẽ trả sách để các bạn khác mượn và các em rất
đáng hãnh diện, nếu đã thực hành đúng với lời hứa. Rồi có những em lại
sốt sắng hơn nữa, các em tự động bầu lên một ban điều hành thư viện để
bọc lại các sách bằng nylon với hy vọng sách sẽ lâu hư, và sẽ thêm một
số em khác được đọc. Buổi đóng sách thật là mệt nhưng rất vui. Em cầm
cái bấm kim vào những giờ cuối trước khi giải tán, mỗi khi bấm cái kim,
em dùng cả nửa người lao xuống để tì vì đã hết sức lực để mà bấm bằng
tay. Một số em về nhà xin được ba má một vài cuốn cũng đem tới để ủng
hộ. Sau ba tháng, các em thiện chí vẫn còn thiện chí, nhưng tủ sách cứ
ngày một gầy ốm èo uột. Một buổi họp của ban điều hành thư viện đi tới
kết luận là sẽ đăng báo để đòi các em mượn quá lâu phải đem trả, vì
quyền lợi của các em khác.
Số
sách trong thư viện là của riêng các em trong gia đình T.N. Các em đều
có quyền lợi như nhau. Do đó các em được tùy nghi quyết định các biện
pháp để bảo trì số sách cho khỏi thất lạc, ngõ hầu các em khác có cơ hội
để đọc.
Sau
số báo đăng tên yêu cầu trả sách một số em lật đật đem tới với lời xin
lỗi đã để phiền cho các bạn trong ban điều hành, đáng lẽ ngày nghỉ được
đi chơi lại phải trích lục soạn xếp các sách thiếu v.v... một số em gửi
thư tới hẹn tuần sau trả nhưng đồng thời cũng có một vài em viết thư tới
nói xa xôi giận dỗi và xin rút lui khỏi gia đình Thiếu Nhi "... vì cháu
xét thấy không xứng đáng trong GĐTN, cháu xin rút lui". Có em thì trách
móc chị đã có trả lời em ấy rằng sẽ cho người tới nhà lấy lại sách sau
khi em ấy coi xong nên em ấy mới không đem trả,
(Thật
ra thì chị trả lời thế này ở hộp thư số 49: "Các em mượn một cuốn sách
đọc trong một tuần. Tuần sau tới đem sách cũ trả rồi mượn sách mới. Các
em đừng để ở nhà quá lâu, các bạn sẽ thiếu sách đọc. Sau thời hạn 1
tháng nếu các em chưa trả, chị sẽ buộc lòng phải cử người tới đòi gây
phiền phức cho tòa soạn. Mong các em nghĩ tới ích lợi chung mà giúp chị
hoàn trả sách cho đàng hoàng, để xứng đáng với lời hứa khi gia nhập
GĐTN). Các em thử tưởng tới những phiền phức của sự đi đòi, trong
khi công cuộc cho mượn hoàn toàn miễn phí. Thật là vô lý và tốn tiền xe.
Rồi lại còn có một số em rủ nhau rằng cả lớp sẽ tới mượn mỗi người một
cuốn sách đem về gom lại làm tủ sách riêng của lớp, không trả lại thư
viện Thiếu Nhi nữa. May thay trong số các em được rủ đó, còn có em tâm
hồn thật là trong sáng, thấy ý tưởng ích kỷ của bạn, không đồng ý, báo
tin cho ban điều hành thư viện biết. Chị buồn lắm, những sách đã tặng
thư viện, còn hay mất thì chỉ các em có ảnh hưởng, tòa soạn không còn
liên quan tới. Nhưng cảm tình đối với nhau mà sứt mẻ vì những cuốn sách
đó thì mọi người đều đau lòng, rất đau lòng. Chị biết chắc chắn rằng 1
ngày kia, khi các em lớn, các em sẽ hiểu tấm lòng của tất cả những người
đã làm chút gì cho thư viện. Nhưng tiếc thay, khi đó thì đã quá trễ,
trái tim nồng nhiệt của những người thiện chí đã một lần bị các em vô
tình làm cho tê dại.
Chị Đỗ Phương Khanh
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 67, ra ngày 3-12-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.