Các em thân mến,
Trong
một số báo trước, tôi có kể chuyện cách nay ít lâu, tôi thấy trong
người mệt mỏi, thỉnh thoảng ngực hồi hộp, tim đập mạnh, người toát mồ
hôi, chân tay đều lạnh. Một hôm nọ, trong cơn giận, ngoài những triệu
chứng trên, tôi thấy như sắp ngưng thở và được đưa vào bịnh viện. Tại
đây, sau một tuần lễ chữa trị, uống và tiêm thuốc, tôi trở về nhà. Nhưng
sau đó, tôi cũng gặp lại các chứng kể trên.
Một
ông bạn rủ tôi ra tắm biển chơi trong vài ngày. Trong thời gian ra
biển, tôi đã ngâm dưới nước suốt cả buổi, tôi đã phơi nắng đen rát cả
da, tôi chạy tung tăng đó đây cả ngày trên bãi cát. Ông bạn này lúc nào
cũng vui vẻ làm cho tôi vui vẻ lây. Tôi rất thích nghe ông ta kể chuyện
và chúng tôi thường hay gặp nhau để hàn huyên. Ông ta lại giúp cho tôi
tìm lại lẽ sống là sống nhiều cho người khác. Tôi thấy người tôi thoải
mái và hiện nay, tôi không còn lạnh người, toát mồ hôi, nghẹt thở như
trước nữa.
Nhưng trong tuần qua, tôi lại gặp nhiều chuyện buồn phiền, tôi trở nên chán nản và mệt mỏi, chứng lạnh tay chân lại tái phát.
Chắc các em đã thấy tinh thần buồn bực thường sinh ra mệt nhọc và nhiều chứng bịnh khác hơn là làm việc vất vả.
Vừa
đây, một em cũng viết cho chúng tôi than phiền em rất buồn chán công
việc của em : Gia đình em nghèo lắm, cha mẹ em cố gắng gửi em lên tỉnh
học trọ nơi một người quen thuộc khá giả. Em phải dạy kèm hai cậu con
người chủ nhà để em được ở miễn phí. Hai cậu bé này đang học mẫu giáo và
tiểu học, thích chơi hơn là học. Chúng rất hỗn xược và ngỗ nghịch. Em
rất chán mỗi đêm phải ngồi mấy tiếng đồng hồ để chỉ dạy ê, a và toán
cộng, toán trừ. Bây giờ em mệt nhọc lắm rồi. Em thấy em ngày càng xanh
xao gầy ốm. Em muốn bỏ học để trở về với gia đình ở thôn quê.
Các em thân mến,
Sự buồn chán là một trong những nguyên nhân chính gây ra mệt nhọc.
Nếu
ở trong trường hợp trên, các em nên xem việc dạy học, dù dạy kèm đôi ba
đứa trẻ em, là việc cao quí, đầy hứng thú. Các em nên tìm cách gây cảm
tình với các học sinh, rồi các em đó sẽ có thiện cảm với các em. Nhờ sự
dạy dỗ khéo léo của các em, những em đó sẽ trở nên dễ mến hơn.
Các
em thân mến, dù ở trong hoàn cảnh nào, các em nên tìm sự vui thích. Khi
các em thích việc làm của các em, các em sẽ không còn thấy vất vả, mệt
nhọc.
Bác
sĩ Edward Thordike ở Columbia chuyên thí nghiệm về sự mệt nhọc đã đoán
chắc sự chán nản là nguyên nhân chánh làm giảm sức làm việc.
Ông
Dale Carnegie cũng đồng ý tinh thần mệt nhọc thường không do các em làm
việc nhiều, mà vì các em quá lo lắng, bất mãn hay uất hận.
Khi
các em bắt buộc làm một công việc gì buồn tẻ hoặc không hợp, các em
nên cố gắng vui vẻ làm công việc ấy, các em tìm cách làm cho nó trở nên
thích thú. Các em sẽ thấy công việc trở nên nhẹ nhàng. Khi các em làm
việc dễ dàng, các em sẽ yêu công việc của các em, nỗi buồn chán của các
em sẽ tiêu tan. Các em tìm lại được sự thoải mái, yêu đời.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 17, ra ngày 5-12-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.