Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

THÁI ĐỘ KHI ĐI CỨU TRỢ - Đỗ Phương Khanh

 


 Thư em B.T.Q.G - Khánh Hội:

... Đọc Thiếu Nhi, thấy các bạn thành lập tiểu ban xã hội, rồi lại thấy trong hộp thư chị nhắn các bạn tới gặp chị Long Hương để  bàn về những công tác từ thiện, lòng em rộn lên. Nhưng rồi chỉ lát sau là thiện chí của em lại tàn rụi ngay. Bởi vì em đã có một kinh nghiệm sống về vụ đó. Bây giờ nhắc đến em còn thấy buồn. Kỳ đó em theo một phái đoàn vào thăm đồng bào ở một trại tiếp cư. Tụi em đem theo vật dụng quyên được và góp tiền mua bánh kẹo đến cho họ. Nhưng lòng tốt của tụi em đã được trả lại gì? Chị ơi! Họ lạnh lùng và còn nói nhiều điều rất là tệ bạc. Trên đường về, em muốn khóc vậy đó. Em tưởng họ sẽ hiểu rõ lòng tốt của tụi em và nếu không cảm ơn thì cũng phải có thái độ khác chứ không ngờ họ hất hủi như vậy. Em sợ lắm rồi...

Trả lời: Chị rất cảm thông nỗi buồn của em. Mình tới với họ bằng tấm lòng nhiệt thành muốn giúp đỡ, mà được trả lại bằng thái độ đó thì tủi thân ghê lắm. Em bị khớp rồi. Bây giờ nghĩ lại, em còn thấy nóng cả người, làm sao mà em có đủ can đảm "xông pha" thêm nữa, em gái nhỉ. Em đồng ý, chứ. Cười xong rồi ta đọc tiếp nghe em. Chị nghĩ rằng đã có một sự trục trặc nào rồi. Những người dân tị nạn đó, bất thình lình bị mất nhà mất cửa, trở thành bơ vơ, họ rất mong được trợ giúp từ mọi phía, và mọi khía cạnh. Sự trợ giúp vừa đỡ đần họ phần nào về phương diện vật chất, vừa nâng tinh thần họ lên, để họ thấy tình người thật đầm ấm, không bao giờ họ phải sống cô đơn trên đời, em ạ. Vậy tại sao họ lại có thái độ đó. Chị có mấy ức đoán, có thể là sai, nhưng cũng là những điều có thể xảy ra, các em cũng nên lưu ý nhé. Các cụ đã có câu: "Cách cho quí hơn của cho", nếu không biết cách cho, thì người nhận thay vì cám ơn, có thể thành oán, câu đó rất đúng. Thú dụ các em ăn mặc quá sang, đem tặng phẩm tới, họ sẽ tủi thân vì thấy rõ sự chênh lệch và họ có cảm tưởng như các em tới bố thí, chứ không phải là sự tương trợ của bà con đối với nhau. Hoặc là khi trao tặng, mặt các em không vui, cầm không trịnh trọng, nói năng gắt gỏng, vân vân. Nếu các em không phạm phải những lỗi đó thì chị lại bàn sang phía người nhận. Họ cũng là những người như mình, có sĩ khí, có lòng tự ái, tư cách, và cũng có luôn lòng nhân từ vân vân, y như các em. Không may, nhà cửa tan nát, họ phải trở thành những người chờ đợi sự cứu trợ. Đó là nỗi đau lòng vô cùng của họ. Vì họ không hề muốn vậy. Nếu họ may mắn ở nơi yên ổn, thì chính họ cũng sẵn sàng đi cứu giúp người khác cơ mà. Nay cực chẳng đã phải thụ động nhận lãnh ơn huệ, họ tủi thân lắm. Cho nên các em phải thật tế nhị khi tiếp xúc với họ. Phải coi họ như là họ hàng bè bạn của mình. Tuyệt đối không được có cái thái độ đi bố thí. Bất cứ ai cũng đều có thể trở thành dân tị nạn, cho nên các em phải tôn trọng họ. Họ không muốn vậy. Mình chỉ được quyền coi thường những người ỷ lại, suốt đời cần sự thương hại của người khác, muốn sống đời tầm gửi cho khỏe tấm thân. Trái lại, những người tị nạn khác hẳn. Họ có thể là chú bác cô dì mình, bè bạn mình, có thể là chị Đỗ Phương Khanh, nếu chẳng may chị ở vùng có chiến tranh. Bổn phận chúng ta là phải giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn. Và họ cũng chỉ cần giúp đỡ cấp thời cho qua tai nạn, chứ họ cũng chẳng muốn kéo dài đời sống ở đấy để phiền tới những người khác em ạ. Vậy bây giờ xét lại, chị đoán rằng các em đã vô tình gây cho họ nỗi buồn tủi, và tự ái họ nổi lên (lại thêm mặc cảm rằng mình phải nhờ vả) họ trở nên chống đối. Khi đó, họ nghĩ, chẳng thà chết chứ không thèm nhờ vả.

Trong khi họ nghĩ thế, thì các em lại đang tức rằng họ bất lịch sự, không biết cám ơn các em. Hai bên vì không hiểu nhau thành ra gây mâu thuẫn lớn em ạ. Nếu quả vậy thì em đừng sợ nữa. Hãy làm lại. Đừng để cái cảm giác khớp ấy nó ám ảnh. Em hãy đi cứu trợ thêm một lần nữa. Lần này em ăn mặc rất giản dị, đưa tặng phẩm thật lễ phép, như khi ba má sai biếu quà bà con họ hàng. Nếu gặp con cái họ thì hỏi thăm mấy tuổi, cài dùm cúc áo, cười với các em bé vân... vân... nghĩa là cử chỉ y như đối với họ hàng của mình. Chị tin chắc rằng em sẽ gặp cách cư xử khác hẳn. Tuy rằng họ cần trợ giúp vật chất, nhưng dòng máu Việt Nam không hèn, đó là niềm hãnh diện của dân tộc ta, cho nên em nên thông cảm với sự nổi giận của họ, nếu họ cảm thấy bị sỉ nhục. Chị xin nhắc lại một lần nữa: chúng ta hãy cảm ơn Thượng Đế rằng may mắn thay chúng ta được ở vị trí của người đi tặng, và hãy coi sự đi tặng là một bổn phận của con người, đừng đòi hỏi sự cảm ơn của người được tặng, và nếu gặp sự lạnh nhạt hay chống đối thì hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ, gặp bao đau khổ dồn dập, tự nhiên tính tình sẽ bị xáo trộn mà trở thành gắt gỏng. Mình tới là để giúp họ đỡ khổ, đừng trả đũa lại để cho họ phải khổ hơn lên. Dù sao, Thượng Đế đã ưu đãi mình nên mình mới được ở vị trí kẻ đi tặng, đừng làm cho Thượng Đế buồn các em nhé.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH        

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 68, ra ngày 10-12-1972)



Không có nhận xét nào: