Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

ÁNH SÁNG LẠNH - Ánh Minh

   

 
 
 
Ngay giữa thời đại nguyên tử, thứ ánh sáng lạnh này vẫn còn tạo nhiều rắc rối buồn cười: Cả một khu phố ở Hoa Kỳ bỗng rúng động khi một người đàn ông mở tủ lạnh và nhìn thấy một con cá rực sáng... Cá biển đã bị nhiễm phóng xạ!??
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gần như khắp mọi nơi trên địa cầu, những buổi tối trời mùa hạ luôn được thắp sáng bởi những chấm "đèn" xanh nhỏ bé. Lơ lửng gần mặt đất cũng có, tận ngọn cây cũng có. Đom đóm đấy!

Loại sinh vật phát quang này không khỏi kích thích óc tò mò của con người. Giả thuyết ban đầu cho rằng thân thể sinh vật có một ngọn lửa đang bùng cháy mà loài người đã thấy, xuyên qua lớp da. Cứ bắt một con đom đóm sờ thử, bạn sẽ thấy cái lầm của giả thuyết. Thay vì một thân mình đang cháy sáng và nóng bỏng, thì nhiệt độ của đom đóm lại chẳng khác chi những sinh vật khác.

Thứ ánh sáng đom đóm phát ra được gọi là LUMINESCENCE đôi khi gọi là ÁNH SÁNG LẠNH. Chỉ có một sự thay đổi nhiệt độ tí ti! Tuy chỉ là một chấm sáng, nhưng đôi khi phạm vi sử dụng lại rất rộng lớn. Chẳng hạn, bác sĩ đưa ánh sáng này lại gần nơi giải phẫu trên người bệnh nhân...

Ánh sáng lạnh không có hàng rào hạn chế, nghĩa là không phải chỉ ở đom đóm. Rau cải, khoáng chất, thú vật và ngay cả không khí cũng có thể phát quang. Thế nhưng chỉ đom đóm mới không che giấu ánh sáng đó.

Từ thời xưa, người ta đã đặt nghi vấn Phải chăng ánh sáng lạnh bị dập tắt cùng với cái chết của sinh vật phát quang? Giáo sư ngành khoa học, ông Thomas Bartholin tại đại học đường Copenhagen, vào thế kỷ 17, đã phát biểu bằng ngòi bút: "Tôi đã cố gắng tìm ta sự thực của thí nghiệm... nhưng (hỡi ôi!) trong khi chớ đợi kết quả, con đom đóm đã khôn khéo tẩu thoát, đem theo cả ánh sáng lạnh!"

Nhiều thí nghiệm khác, thành công, chứng tỏ rằng ánh sáng lạnh phát bởi loài đom đóm xuất phát từ một chất trắng hơi vàng liên tục thắp sáng trong một thời gian ngắn "sau khi nó rời khỏi thân thể sinh vật". Họ cũng khám phá ra rằng nếu không có sự hiện diện của oxigen, ánh sáng lạnh không xuất hiện.

Khi ánh sáng lạnh, hầu như xanh, của đom đóm xuyên qua một lặng kính, người ta còn thấy những tia xanh và một ít tia vàng ; nhưng nhiệt lượng thì chẳng thấy tỏa. Không có hơi nóng phát ra.

Có khoảng 2000 loại đom đóm. Ở một số loại, cả con đực và con cái đều có thể bay và phát quang. Một số khác, chỉ con cái mới phát quang. Một số khác nữa, chỉ con đực biết bay. Lạ nhỉ! Ở một vài nơi trên thế giới, Thái Lan chẳng hạn, từng "tốp" đom đóm đồng loạt "bật, tắt đèn" như một bảng quảng cáo!

Cũng còn một số sinh vật khác, ngoài đom đóm, phát quang. Ở Nam Mỹ Châu có con trùng XE LỬA, màu mè sặc sỡ. Con cái dài khoảng 5 cm, trông giống như một con sâu. Đỉnh đầu được thắp sáng bằng một ngọn đèn đỏ, trong khi hai bên mình có trang bị đèn vàng. Đêm đến, con vật trông chẳng khác gì một chiếc xe lửa tí hon.

Đom đóm cũng xuất hiện trong những mẩu chuyện lạ có thực. Trong những trường hợp lạ kỳ đó, các khoa học gia phải quan sát kỹ lưỡng để tìm câu giải đáp.

Ở Anh quốc, năm 1888, những dấu chân ngựa trên đường rực sáng. Nghe có vẻ "phịa" quá, nhưng sự thực vẫn là sự thực, những sinh vật phát quang bò lổ ngổn dưới đất và móng ngựa đã xới tung mặt đất lên!

Lạ hơn nữa là trường hợp mặt đại dương bừng sáng. Vào một đêm biển lặng, trời nóng, thường là trước cơn mưa, những làn sóng nhỏ nhấp nhô bỗng "mang" đèn xanh nước biển, đèn xanh lá cây hoặc đèn vàng. Một người thủy thủ già bảo đấy là "những vì sao rụng". Có người lại ví nó như "những hạt kim cương quí giá sáng ngời".

Đã có rất nhiều giả thuyết giải thích hiện tượng này. René Descartes cho rằng những hạt muối nhỏ tách khỏi nước biển mặn và khi cọ xát vào nhau, đã bắn ra những hạt nhỏ li ti và sáng quắc. Đi xa hơn nữa, René Descartes bảo rằng hiện tượng cũng xảy ra khi đá chạm vào sắt hay thép. Từ đó, ông ta chống đối mọi người đã không dùng nước muối để tạo ra lửa! (bởi biển sáng là cháy rồi!). Giả thuyết này dĩ nhiên hoàn toàn sai!

Khoa học gia Benjamin Franklin, con người rất tò mò về điện lực, và là người phát minh ra cột thu lôi, cũng đưa ra một giả thuyết về hiện tượng biển sáng liên quan đến điện lực. Sau này, chính ông xác nhận lại giả thuyết với kết luận sai khi bạn ông, James Boudin, đặt bút viết về vấn đề tách rời ánh sáng lạnh ra khỏi nước biển bằng cách cho nước biển đi qua một làn vải.

Qua những ống kính hiển vi hữu hiệu, sự thật đã phơi bày. Đại dương đầy d6ãy những sinh, thực vật phát quang thật bé nhỏ. Chỉ một số nhỏ được nhìn thấy bởi mắt trần. Những người thợ lặn xuống sâu dưới đáy biển đã trở lên mặt cát với những mẩu chuyện về các sinh vật "xách đèn đi chơi" dưới đáy đại dương. Một số quá nhỏ đến nỗi khi chúng tụ tập đông lại thì con người mới hy vọng diện kiến. Đấy là phiêu sinh vật, một ngày mai có thể trở thành một nguồn thực phẩm bất tận của thế giới.

Chưa hết, người ta còn tìm thấy sự phát quang ở phiêu thực vật và các vi khuẩn. Vi khuẩn, chính vì vậy đã trở thành đầu dây mối nhợ trong vụ thịt trừu phát quang ở Montpellier. Nguyên hồi đầu thế kỷ 17, tại thành phố cổ kính Pháp quốc Montpellier, có một bà nghèo khổ mua được một miếng thịt trừu, bèn treo lên trần nhà. Nửa đêm, bà ta thức giấc, trông thấy miếng thịt "yêu quí" đang chiếu sáng, một thứ ánh sáng lạ lùng, kỳ cục. Mẩu chuyện dường như chiêm bao đối với chính những viên chức tai to mặt lớn trong thành phố. Họ diện đồ lớn cẩn thận rồi trịnh trọng rảo bước tới căn nhà. Tới nơi, mấy ông "tai to mặt lớn" đứng trân ra nhìn, chẳng biết làm gì. Thịt hư, vi khuẩn phát quang xuất hiện, thì làm gì chẳng "lòe" sáng. Sự kiện này đã được giải thích cặn kẽ khi miếng thịt trừu được đem đệ trình lên ngài Thị trưởng nơi ấy. 

Mới đây, một văn phòng chính phủ Hoa kỳ nhận được một cú điện thoại khẩn. Một người đàn ông khi lôi thức ăn ra để sửa soạn cho bữa tối thì khám phá một con cá đang chiếu sáng trong tủ lạnh. Ông quả quyết con cá đã nhiễm phóng xạ, trước đó, và giờ đây không "xài" được. Nỗi lo sợ tràn ngập, tiếp theo bằng những cuộc bàn luận sôi nổi ngoài đường phố về tai họa đại dương nhiễm phóng xạ. Nhiều người run cầm cập (... đến đổ mồ hôi hột!) khi nghe bàn tán. Một số gạt bỏ ngoài tai vì cho đó chẳng có gì đáng sợ. Trong khi đó, "chủ nhân" con cá có cảm tưởng như mạng sống đang bị đe dọa. Sau khi khám nghiệm, sự thật phơi bày: ánh sáng tạo ra bởi vi khuẩn và lập tức, con cá được cho vô thùng rác!

Ngày nay, một đôi khi có người trông thấy cá, thịt sáng ngời trong tủ lạnh hay bày bán ngoài chợ. Những cuộc khám xét kỹ càng trước đó tránh cho chúng ta mua phải thực phẩm hư. Tuy nhiên, đối với những kẻ tò mò như ta điều này lại khiến ta cụt hứng. Dầu sao, ta cũng diện kiến được ánh sáng lạnh LUMINESCENCE, nơi phiêu thực vật phát quang vẫn thường xuất hiện ở những đẵn gỗ mục nát.


ÁNH MINH     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 220, ra ngày 1-3-1974)


Không có nhận xét nào: