Thư của em B.M.T, Cao Nguyên... Trong
gia đình em chỉ có mẹ là người hiểu và thương em mà thôi. Còn ba, ba
chẳng thương em mà lâu lâu lại đổ quạu la mắng rầy rà, vả lại cái tánh
của ông í khó ghê. Nên em không thương ba mấy, như bằng mẹ em. Mẹ thì dễ
hiểu dễ tánh và thông cảm cho con cái ; nên em thương mẹ hơn nhiều. Mà
trong gia đình em, các em của em cũng thương mẹ nhiều hơn ba à! Lúc nào
mẹ có chuyện gì buồn thì em và các em cũng buồn theo còn lúc nào mẹ vui
thì các em cũng vui theo mẹ. Bởi vậy có nhiều lúc em chẳng hiểu sao mà,
hễ mẹ em ngồi lại một chỗ như may vá vậy đó, không biết có chuyện gì vui
không nữa, mà mẹ em cứ ngồi cười, mẹ em cười thầm hoài à! Chị ơi, lúc
đó thì em phải làm sao hả chị?
Trả lời:
Chị mừng với em rằng em còn cả cha mẹ. Trong thời buổi chiến tranh này,
những em nào còn cả cha mẹ đều là được Thượng Đế ưu đãi, xin cảm tạ
Ngài. Điều mừng thứ hai là gia đình em đúng là một gia đình theo truyền
thống Á Đông trọng Nho Giáo. Trong những gia đình đó, người cha thường
nghiêm và mẹ thường hiền (nghiêm đường nghĩa là cha, từ mẫu nghĩa là
mẹ). Trong thâm tâm, tình cha và mẹ đối với con đều nặng như nhau. Nhưng
người xưa có câu: "Dưỡng bất giáo, phụ chi quá" nghĩa là: "nuôi mà
không dậy, thì lỗi ở người cha". Cho nên, vì tinh thần trách nhiệm, và
vì muốn cho con nên người, cha đã phải che giấu tình cảm, tự tạo một
thái độ cứng rắn chừng mực để dậy dỗ ngõ hầu con cái không lờn mặt, thì
mới kính sợ và vâng lời. Như thế là người cha đã bị thiệt thòi. Phải tự
cô lập, trong khi đã là người thì ai cũng muốn được vui đùa cho đời sống
bớt hiu quạnh. Chúng ta sau này nên người, phần lớn là đã được hấp thụ
một nền giáo dục tốt, mà khổ thay, khi ta biết cảm ơn thì người đã quá
già hoặc có khi người đã khuất rồi. Em lại có cái may mắn nữa là có mẹ
thông cảm và thương yêu các em. Nhưng cũng đừng thấy mẹ dễ mà đòi hỏi
quá đáng, nếu mẹ mà quá dễ tới nỗi cái gì cũng chiều các em, bất kể phải
trái thì lại là tai họa cho các em sau này đấy em ạ. Nếu em tin chị,
chị xin quả quyết với em rằng ba không khó đâu. Chỉ vì mẹ chiều em quá
nên em có cảm tưởng là ba khó. Sự nghiêm nghị đó cần thiết. Là kỷ luật
và trật tự. Chị mong em nhận xét kỹ và em sẽ thương ba. Đọc thư em, chị
rất lưu ý danh từ "ông í" mà em dùng để chỉ ba. Suy một điều ấy, chị
biết em có nhiều thái độ bất kính khác đối với ba dù là vắng mặt. Đó là
điều rất đáng tiếc cho em sau này.
Em
ơi! Ba và mẹ đều có trái tim thương yêu con cái như nhau. Mẹ được ưu
đãi hơn, được ở vị trí ban phát và bộc lộ tình thương, được con cái đền
bồi lại trong suốt cuộc đời. Ba vì bổn phận, phải che giấu tình cảm,
phải dậy dỗ, phải đóng vai trò lạnh lùng nghiêm khắc nên con cái sợ và
xa cách, trong khi trái tim ba cũng nồng nhiệt thương yêu con cái như
mẹ, thật đáng tội nghiệp xiết bao! Em hãy ôm lấy mẹ mà cười, mà chiều
chuộng, đùa giỡn khi mẹ ngồi cười một mình, đồng thời hỏi han săn sóc ba
khi ba mệt mỏi, khi ba đi, về, khi ba đau ốm, khi ba buồn, vui, vì em
ơi, chị tin chắc chắn rằng ba cần những sự đó hơn là bất cứ thành công
nào của ba ngoài xã hội em ạ.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 73, ra ngày 14-1-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.