Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

GIẬN NHAU - Phạm thị Mùa Thu

 Thế là chúng tôi giận nhau Lan thì nhất định chọn màu hồng may áo tết. Tôi lại rất ghét cái màu không hạp nhãn đó Chị em chúng tôi đi hết khắp phố một buổi chiều mà không mua được gì. Mỗi đứa hình như thấy chán ghét nhau thậm tệ. Về nhà má tôi hỏi:

- Sao tụi bây không mua gì cả?

Lan được dịp:

- Tại chị Thu, con bảo chị mua màu hồng, chị không chịu Chị đòi may áo trắng Trong lúc con có những hai chiếc áo trắng rồi.

Tôi tức đến muốn khóc.

- Sao lại tại chị Thu? Cái màu gì nhìn như xoáy vào con mắt người ta mà vẫn thích Tao có...

- Kệ em! Sắp mua được chị lại bảo thôi, chị muốn làm độc tài hở...

Rồi nó bật khóc... Con bé thật đáng ghét, mới một tí đã chảy nước mắt Mẹ tôi nhìn Lan, nhìn tôi rồi khẽ lắc đầu.

- Sao con không chìu em một chút. Vả lại may áo cho em chứ có phải cho con đâu!

- Nhưng...

Tôi không nói thêm được. Tôi hằn học nhìn Lan và nghĩ thầm: "Được thể hổng thèm chơi với mầy nữa đâu"!

Buổi cơm tối tôi thấy thật nhạt nhẽo, vô vị. Thằng Dũng em chúng tôi, hết nhìn Lan rồi lại nhìn tôi, những hạt cơm trệu trạo trên đầu lưỡi. Mẹ tôi thỉnh thoảng ho nhẹ. Vắng ba tôi càng buồn hơn, một mình mẹ tôi không tạo được không khí vui vẻ cho mâm cơm. Mẹ tôi lại không rành về khoa pha trò. Chúng tôi vẫn cắm cúi ăn như cóc cần biết có đứa nào trước mặt. Thỉnh thoảng chân chúng tôi tình cờ gặp nhau dưới gầm bàn. Không hẹn, mỗi đứa đều rút lại thật nhanh, như sợ dính cái tính khó thương của đứa khác.

Tôi nghĩ đến lúc phải rửa bát mới thấy khó xử. Vì chúng tôi thường làm chung một công việc nặng Không lẽ nhắm mắt lại, làm vỡ bát thì nguy to. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, chúng tôi ngồi xây lưng vào nhau và con Lan chia đôi số chén bát của bữa ăn. A! Con nầy khôn dữ! Nó lấy toàn bát không dính mỡ Nó chơi trội hơn mình Tôi ấm ức nhưng vẫn không biết phải làm sao.

 
Ba ngày qua rồi, Lan và tôi vẫn không thèm nhìn nhau, tôi bắt đầu thấy hối, nghĩa là bắt đầu bại trận. Mọi lần, Lan thường giảng huề trước, và ký hiệp ước bằng một nụ cười trước khi đi ngủ, nhưng lần nầy sao lại lâu thế Chắc con bé có trò gì mới đây - Tôi nghĩ thầm và thấy hoang mang Khung giấy chia đôi giường ngủ vẫn còn hiện diện làm chứng tích một sự chia rẽ, ngay từ tối hôm ấy tôi lấy một mảnh tre gác lên song, chia đôi chiếc giường, Lan lại dán thêm hai tờ báo cũ, thành một bức tường. Mẹ tôi bảo:

- Chúng mầy làm gì như xây tường Bá-linh vậy.

Nhưng vẫn không đứa nào chịu dẹp.

Đến tối, mỗi đứa càng cố nhích xa "ranh giới" càng hay Tôi sung sướng khi nghĩ ra rằng con Lan không chịu nổi tình trạng nầy lâu đâu, vì nó vốn rất sợ chuột, tôi yên trí đợi nó đầu hàng vô điều kiện như mọi lần: Chắc con Lan sẽ cử thằng Dũng làm "trưởng phái đoàn" đi thương nghị. Có thể là một quả ổi: "Chị Lan bảo đem chị Thu" hay một tập Tuổi Hoa: "Chị Lan nói bài ni hay lắm, chị Thu đọc chưa Và trong những trường hợp đó, tôi không dại gì mà từ chối.

Bây giờ cũng gần 11 giờ khuya, con Lan có lẽ ngủ ngon rồi, tôi không nghe một tiếng động nào bên kia ranh giới. Thế mà tết nầy nó phải chịu mặc áo cũ vì còn quá ít ngày không thợ nào dám nhận hàng. Tôi thấy thương nó, rất thương nó là đằng khác, tôi thử dò phản ứng của con bé. Chắc nó còn giận tôi nhiều lắm. 

Tôi lần mò để tay xâm phạm biên giới và tỉnh bơ:

- Mình thò tay qua bên ni mình chơi!

Vẫn không có gì, con bé ngủ say thế. Tôi lại bỏ nốt chân qua:

- Mình thò chân qua bên ni mình chơi!

Sao tôi vẫn không thấy đụng đến nó, con bé nằm xa thật. Tôi đưa nốt đầu qua, mắt vẫn nhắm:

- Mình thò đầu qua bên ni mình chơi!

Con bé gan lì thật, đến nước nầy mà nó vẫn không cười, tức quá tôi lăn hẳn mình qua.

- Mình qua bên ni mình chơi!

Và tôi quàng tay ôm nó: Ủa! Sao trống trải thế nầy? Tôi bỗng thấy sờ sợ. Con Lan không nằm trên giường, tôi hốt hoảng tung chăn ngồi dậy nhìn ra cửa sổ, có tiếng ồn ào ở phía giếng. Tiếng mẹ tôi chới với:

- Vớt nó lên! Vớt nó lên giúp tôi chú Tư...

- Chết cha không lẽ con Lan...
 

Tôi hốt hoảng chạy ra. Hình như có tiếng cười rúc rích ở trong phòng, nhưng tôi không để ý, tôi lo quá, con Lan tức mình nhảy xuống giếng cũng nên Tôi mếu máo:

- Mẹ!... Mẹ... Vớt... được chưa... con Lan...

Mẹ tôi ngơ ngác: Con Lan sao?

Đúng lúc đó chú Tư kéo lên con mèo đen của tôi.

Không hiểu cu cậu làm thế nào để rớt xuống giếng. Tôi thẹn thùng:

- Con Lan đâu rồi mẹ?

Có tiếng cười của Lan sau lưng, nó nhái giọng tôi:

- Mình thò tay qua bên ni mình chơi!... Mình thò...

Tôi đổ cáu nhưng không nín được cười:

- Khỉ! Làm người ta hết hồn.

Mẹ nhìn chúng tôi mỉm cười, khi đó tiếng pháo bắt đầu vọng đến. Và chúng tôi biết một mùa Xuân mới đang điểm bước...


PHẠM THỊ MÙA THU      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

HÁI LỘC - Đỗ Phương Khanh

 

Tết đến, mọi người đều vui vẻ, lòng rộn ràng yêu đời. Ngày xuân, muôn mầu sắc đua nhau khoe thắm, muôn ngàn hoa cỏ bừng bừng nhựa sống dưới ánh xuân. Nhất là chúng ta, chưa phải lo nghĩ, ngày xuân đến, ta mặc sức vui đùa thỏa thích, lòng dào dạt niềm vui. Ấy thế mà không phải tất cả đều mừng xuân đâu các bé ạ. Có một loài sợ xuân ghê lắm. Bởi vì cứ tết đến thì cô nàng ấy trở thành trơ trụi xơ xác gẫy đổ tan nát. Các em của chị chắc tròn mắt ngạc nhiên. Loài nào mà khổ thế chị! Không được hưởng xuân thì thôi chứ sao xuân đến lại bị tan nát như vậy? Các em ơi! Tội nghiệp thật đấy, cái loài đáng thương đó chính là những cây cối quanh chùa. Những cây cối đã cho ta bóng mát quanh năm nơi tôn nghiêm yên tĩnh ấy. Những cây cối đêm ngày thấm nhuần kinh kệ, chẳng làm hại ai, chỉ biết giúp đời mà thôi. Vậy mà chúng ta, trong lúc lòng xuân phơi phới, chúng ta quá vui mà vin tay hái, một người, mười người, trăm người, ngàn người đi lễ chùa, mà quên mất đức hiếu sinh của nhà Phật, nỡ bẻ từng cành, gọi là lộc, làm cho chỉ trong vài giờ, từng hàng cây quanh chùa bỗng thành trơ trụi. Từ thân cây, từng hàng nhựa rỉ ra, hay là hàng nước mắt khóc cho những cành con sớm lìa. Những cành lộc đó, cũng chỉ chừng vài giờ sau sẽ héo rũ, và chúng ta sẽ liệng vào thùng rác, thêm khổ cho bác phu rác ngày tết phải cực thân.

Phật giáo có thuyết nhân quả. Ngày xuân, mình tràn ngập niềm vui, mà mình nỡ bẻ gẫy sự sống, làm tan nát chia lìa loài khác thì chị nghĩ lộc đâu chưa thấy, mình gieo nhân tàn nhẫn như vậy, e rằng sẽ vì đó mà phải lãnh kết quả không tốt, phải không các em.

Cứ nghĩ đến nhưng cây quanh Lăng Ông, quanh chùa Xá Lợi v.v... và những nét hăm hở của quí vị hái lộc, có vị hái cành lộc lớn đến nỗi khi lễ Phật, hai tay chắp vào cành lộc trông như là người bưng một mâm đồ lễ, than ôi! Phật cũng đến phải thở dài.

Đến đây chị xin trích một câu trong Nẻo về của ý, do thầy Nhất Hạnh viết (thầy là tác giả Bông Hồng Cài Áo):

"... Tôi chưa bao giờ nỡ bẻ một cành thông, thế nhưng tôi biết những đồi thông mang nhiều thương tích vào những ngày đầu Xuân khi thiên hạ đi hái lộc. Một cái vườn chùa đẹp đến mấy mà sau một buổi bị hái lộc cũng trở thành xơ xác..."


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 29, ra ngày 12-3-1972)



Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

BÀI CA ÊM ĐỀM - Tôn Nữ Thu Dung

 
 
Em về góp nắng thêu mây
vườn xưa bướm đã vàng đầy lối rêu

trăng hồ mộng gió ru chiều
tóc tơ liễu rũ đìu hiu dặm ngàn

Chim về hót khúc ly tan
mùa xuân gót nhỏ bay ngang đất trời
 
trăm năm em giữ môi cười
ưu tư phai đã lâu rồi năm xưa
 
em về đón nắng tiễn mưa
bàn tay vẫy gọi một mùa vừa sang.

                                     TÔN NỮ THU DUNG
 
 (Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 220, ra ngày 1-3-1974)



Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

THƠ XUÂN GỞI CHỊ - Kiều Thanh Tuyền

 

Những ngày đông lạnh lẽo đã qua. Gió bấc không còn thổi. Mưa phùn không còn rơi. Mặt trời đã ló dạng sau những ngày ẩn diện. Trần gian ngập nắng ấm, muôn sinh vật đều tươi trở lại sau những ngày đông lạnh giá.

Gió mát. Nắng ấm. Muôn hoa tươi nở khoe sắc rực rỡ. Chim hót líu lo trên cành.

Xuân đến. Xuân đã đến rồi chị nhỉ?

Chị kính mến,

Xuân này nữa là mười một năm chị em mình xa cách nhau. Mười năm xa cách đã qua! Thêm một năm nữa: mười một năm ly biệt! Còn biết bao xuân chia lìa đau đớn nữa, hả chị? Có lẽ còn dài, phải không chị?

Hồi tưởng lại ngày này mười một năm về trước, ngày em bước chân rời mảnh đất sinh trưởng, ngày đầu của cuộc chia ly đau đớn và lâu dài!

Chị ạ! Lời chị dặn em lúc sắp lên tàu, những tiếng nói dịu dàng sau cùng của chị, em vẫn nhớ luôn luôn. Và giờ phút này, khi em viết lá thơ này gởi chị, những lời căn dặn kia lại văng vẳng bên tai em, giọng chị êm đềm nhưng đầy nước mắt:

- Cha mẹ vì già yếu, chị vì chồng con, nên không thể ra đi được. Cả nhà chỉ có em là trai lớn. Em phải ra đi. Ra đi để tránh nạn. Ra đi để góp phần cứu vớt quê hương...

Chị khóc nức nở. Nước mắt chị rơi xuống vai áo em, thấm vào da thịt em, âm ấm. Đôi vai chị rung lên theo từng tiếng nấc nghẹn ngào, đau khổ! Một lúc sau, chị lau nước mắt, nhìn em:

- Em ra đi, gia đình rất đau khổ. Một thân một mình nơi đất lạ biết nương tựa nơi ai! Nhưng em ạ, em phải can đảm. Quê hương chờ bàn tay giải phóng của em...

Chị lại khóc! Chị còn muốn nói, muốn nói rất nhiều, nhưng nỗi đau đớn của cuộc ly biệt đã ngăn mất tiếng nói của chị. Em đau đớn nhìn chị, muốn nói mà không được. Em chỉ biết khóc.

Hôm ấy là hai mươi chín tết.

Trời mưa phùn lả tả. Đường phố thưa người. Gió lạnh cắt ruột cứ từng cơn đưa đến. Buồn! Buồn ảo não!

Mưa phùn, gió bấc càng làm cho lúc biệt ly thêm đau đớn, tái tê! Chị nhìn em một lúc lâu, như để thu hết hình ảnh của em vào trong ký ức. Mắt chị, đôi mắt bồ câu đen lánh, vẫn long lanh giọt lệ. Lát sau chị cho em 50$ và nói:

- Tết nhất đến rồi. Chị phát vốn cho em đấy. Chị chúc em năm mới vui, khỏe.

Em cảm động quá, tay run run cầm tiền, miệng lắp bắp:

- Em cám ơn chị. Em kính chúc cha mẹ, chị ở lại mạnh giỏi. Chúc các cháu mau lớn, ngoan ngoãn.

Mưa vẫn rơi. Gió rét vẫn thổi.

Thế rồi, giờ chia ly tới. Khi con tàu rú lên hồi còi thê thảm, như tiếng thét đau đớn của kẻ ra đi, chị gục đầu xuống khóc nức nở. Qua cửa tàu và qua làn mưa phùn giá lạnh, em giơ tay vẫy vĩnh biệt chị. Chị không vẫy lại. Chị ngước mắt lên nhìn em, miệng mấp máy. Em không nghe rõ tiếng chị, nhưng em đoán được những lời đó:

- Hãy cố gắng lên em nhé. Chị cầu nguyện cho em luôn. Vĩnh biệt em!

Mưa vẫn rơi rả rích. Gió lạnh vẫn từng cơn đưa đến. Mưa phùn, gió bấc càng làm cho lòng em thêm tê tái, đau xót. Em, mắt nhòa lệ, miệng lẩm bẩm:

- Vĩnh biệt cha mẹ, vĩnh biệt chị và quê hương yêu dấu.

Em thò đầu qua cửa tàu, nhìn chị, nhìn lại người chị hiền, duyên dáng, nhìn lại lần cuối cùng mảnh đất thân yêu. Nhìn mãi cho tới khi những hạt mưa phùn che khuất và con tàu đưa em càng lúc càng xa chị, xa quê hương thân mến.

Thời gian đi... đi mãi...

Xuân đến... Xuân đi...

Hai mươi tám tết năm ngoái, chị gởi thiếp vào báo tin cha mẹ đã từ trần. Chị không nói rõ lý do, nhưng em đã hiểu và hiểu rất nhiều.

Chị kính mến,

Xuân về nhắc em nhớ lại dĩ vãng, nhớ lại những ngày còn ở bên cha mẹ, bên chị. Em nhớ rõ lắm.

Em còn nhớ những đêm 30, chị em mình ngồi canh nồi bánh chưng. Ôi! Ấm cúng làm sao chị nhỉ! Những đêm tối và rét như thế, chị hay kể chuyện ma để nhát em lắm. Chị còn nhớ không? Có lần em khóc thét lên vì sợ và vội vàng sà vào lòng chị, mong chị che chở. Chị thích chí cười sung sướng. Chị còn trêu:

- Gớm, em trai chị nhát quá! Lớn lên đi lính làm sao?

Em phụng phịu, mặt chảy ra, mắt ươn ướt. Thấy thế chị vội nói chữa:

- Chị nói đùa đấy. Em trai của chị can đảm lắm chứ. Để chị xem cái bánh của bé Tuyền chín chưa, chị vớt ra cho.

Em tươi ngay nét mặt. Chị lại trêu:

- Tham ăn thế?

Em tức quá, cấu chị mấy cái. Chị xuýt xoa:

- Thôi đau chị. Chị không cho ăn bánh bây giờ.

Em thôi cấu, nhìn chị dịu dàng vớt bánh. Lửa hồng soi rõ khuôn mặt trái xoan xinh xắn, đỏ hây hây vì lửa. Mái tóc đen nhánh, buộc một dải băng tím ngang đầu, trông gọn gàng, duyên dáng làm sao! Lửa cháy. Than nổ tí tách. Bóng của chị em mình rung rinh trên vách.

Trong khi đó, bên ngoài, gió bấc rít qua mái lá. Đem 30 tối như mực. Những con đom đóm lập lòe như những bóng ma trơi. Đêm càng khuya càng yên lặng. Thỉnh thoảng từ xa đưa lại tiếng chó sủa đêm. Tịch mịch.

Gio thừa đến. Tiếng pháo nổ ran khắp nơi. Chuông giáo đường vang lên rộn rã. Mọi người tề chỉnh trong những bộ quần áo mới, tấp nập đi dự Thánh lễ đầu năm.

Em và chị cũng vui vẻ dắt tay nhau đi dự lễ. Em xúng xính trong bộ quần áo mới. Chân đi dôi giày mới mà chị mua cho.

Chị duyên dáng trong chiếc áo dài cổ ngắn. Đôi má điểm chút son đỏ phơn phớt. Mái tóc vẫn cố hữu với cái dải băng tím. Trông chị thật duyên dáng. Nụ cười của chị mới hóm hình biết bao!

Sáng mùng một chị còn lì xì cho em nữa chứ. Chị còn nhớ lời chị chúc cho em?

- Chị chúc bé Tuyền ăn khỏe này, mau lớn này và... và... thôi bú mẹ này.

Cả nhà cười vang. Em xấu hổ quá. Mặt sị xuống:

- Em chả thèm đâu.

Mẹ bảo em:

- Con chúc chị thế này này: em kính chúc chị năm nay lấy chồng đẹp trai, học giỏi...

Em khoái quá, cười ầm ĩ. Chị đỏ mặt vì thẹn, chạy vào trong buồng, sau khi nói một câu chữa thẹn:

- Mẹ... mẹ kỳ quá.

Chị kính yêu!

Những ngày ấy nay còn đâu nữa. Mười năm đã qua và năm nay nữa, mỗi tết, em ngồi ôn lại chuyện cũ, thấy nhớ thương chị quá. Không biết bây giờ chị của em còn hồn nhiên, duyên dáng như xưa?

Những đêm cuối năm, em nằm nơi gác trọ, nghĩ đến bếp bánh chưng, nhớ đến cái bánh nhỏ của em, nhớ đến những "con ma" của chị.

Cứ mỗi mùng một tết, ngắm những đứa trẻ bên cạnh sung sướng nắm tay chị đi mừng tuổi, em lại nhớ đến những ngày đầu năm nơi quê nhà.

Giờ đây, em đâu còn được nắm bàn tay thon nhỏ của chị. Em đâu còn được nghe giọng nói dịu ngọt từ cửa miệng xinh xắn của chị. Em đâu còn được chị xoa đầu nựng nịu, được đi giày mới của chị mua cho. Tất cả đã qua. Có bao giờ trở lại?

Chị kính yêu!

Tết này anh chị ăn tết vui vẻ (!) chứ? Chị có nấu bánh chưng như khi em còn ở nhà không, hả chị? Bây giờ chị chẳng dọa được em nữa đâu. Bé Tuyền của chị lớn lắm rồi chị ạ, chẳng sợ ma bắt nữa. Vả lại em ở xa chị quá, làm sao mà dọa được, chị nhỉ? Chị có gói để dành cho em một cái bánh nho nhỏ, xinh xinh như mọi năm không? Chị cứ gói để dành cho em nhé. Thế nào cũng có ngày Tuyền về ăn bánh chị gói cho Tuyền đấy. Tuyền thèm bánh chị gói lắm cơ!

Chị kính yêu!

Đầu xuân, em kính chúc anh chị và gia đình một năm đầy đủ. Chúc các cháu ngoan ngoãn, vui chơi.

Chị nhớ cầu nguyện cho em Tuyền của chị luôn nhé!
 

Kính chào nhớ thương     
Em của chị              
Kiều-Thanh-Tuyền      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 26, ra ngày 25-2-1965)




Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

CHIẾC ÁO MÙA XUÂN - Nguyễn thị Thúy Liễu

 
 
Mùa Xuân đến không tiền may áo mới
Mẹ nghẹn ngào nhẹ vuốt tóc con thơ
Ngoài song cửa mai vàng đang nở rộ
Mà trong ni nhà lạnh vắng như tờ.

Con nũng nịu "mua đồ con nhá mẹ
Tụi con Hường, con Thúy cứ làm kiêu
Me cứ hẹn... hẹn hoài, me đến tệ
Chẳng thèm thương me nữa, ghét me nhiều!"

Mắt rưng buồn xoa đầu con mẹ bảo:
"Nhà mình nghèo ba chết trận từ lâu
Đồ năm ngoái còn mặc vừa đấy chứ
Ngoan nha con!"... Nghe thương mẹ thật nhiều...

Và mùng một mặc vào manh áo cũ
Con cười tươi - áo vá mẹ vừa khâu
Nhìn con chạy tung tăng đùa cùng bạn
Niềm vui dâng xanh mắt mẹ một mầu.

Xuân năm nay con tròn mười lăm tuổi
Mười lăm năm bạc mái tóc mẹ già
Con nhớ hoài manh áo ngày xưa cũ
Trong lòng con vừa nở mấy bông hoa.

                                 NGUYỄN THỊ THÚY LIỄU

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 172, ra ngày 1-3-1972)



Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

CON DẾ VÔ ĐỊCH - Trường Kỳ

 

Khi Tú Khánh, một cậu bé mười một tuổi, trở về nhà với cha sau một ngày gắng công tìm kiếm vô ích những con dế ngoài ruộng, cậu vẫn phân vân tự hỏi rằng tại sao cha lại có thể ham đá dế như cậu? Tú Khánh là người đa cảm, cậu rất dễ bị xúc động trong bất cứ trường hợp nào. Khi cậu lên năm tuổi có lần vì quá nghịch, cha cậu đã giơ roi định đánh, nhưng chưa đánh mặt cậu đã xanh như tàu lá vì sợ hãi và do đó mà sau này cha cậu chẳng bao giờ dám dùng roi với cậu nữa, tuy thế cậu vẫn sợ cha rất mực.

Với tuổi đó, Tú Khánh lại có một vóc dáng nhỏ bé, cái áo mà thân mẫu cậu may một năm trước đây, lúc đó tưởng cậu lớn mau lắm - nay vẫn còn quá rộng và dài. Vẻ mặt tinh ranh, con nít của cậu nổi bật các đặc điểm như cặp mắt đen nháy nghịch ngợm, hai gò má phính tròn. Cậu thường nhảy hơn đi. Khi anh cậu đến tuổi này thì đã phải giúp đỡ cha mẹ rất nhiều việc nhưng cậu thì chưa mó tay đến việc gì. Bây giờ thì anh đã mất, còn chị cậu lấy chồng tỉnh xa, bởi đó cậu rất được nuông chiều.

Tú Khánh rất thích đá dế cũng như bất cứ cậu bé nào, với tính mẫn cảm của cậu cùng với óc tưởng tượng phong phú, cậu tìm thấy nơi con vật một vẻ cao quý và khỏe mạnh, cậu ngưỡng mộ cái hàm dưới của chú dế và nghĩ rằng không một con vật to lớn nào lại có một bộ giáp đặc biệt và đôi chân khỏe mạnh như chú dế, cũng như chẳng có con vật nào lại có nét đẹp như thế - một con chó, một con mèo, một con heo... thực chẳng thể nào so sánh được. Ngay từ nhỏ con dế là nỗi ám ảnh đời cậu, giống như mọi đứa trẻ khác trong làng, cậu tập chơi dế và hiểu rằng giá trị của một con dế là ở tiếng kêu, bộ càng, góc độ của cặp giò và sự cân xứng của đầu và thân. Tại cửa sổ phía bắc phòng cậu trông ra một cái vườn nhỏ mỗi sáng khi nằm trên giường cậu lắng nghe bọn dế ca hát, tiếng kêu của chúng thật thích thú biết bao, đó là bản nhạc hay nhất đối với cậu. Khổng Tử và Mạnh Tử mà cậu học được của thầy hầu như dễ quên ngay nhưng âm thanh loài dế cậu thấy dễ hiểu và đáng nhớ. Hình như không một đứa trẻ nào cùng tuổi cậu lại hiểu được điều đó, ngay cả cha cậu. Nhưng hôm nay lần đầu tiên ông dẫn Tú Khánh theo để tìm dế.

Hồi sáu tuổi, Tú Khánh có một kỷ niệm đáng nhớ. Khi cậu mang một con dế đá vào lớp học, thày giáo khám phá được, bắt nộp và dẫm nát ra. Tú Khánh rất giận dữ nên lúc thày giáo quay đi cậu đã đứng lên ghế và nhảy lên lưng ông đấm túi bụi với nắm tay nhỏ bé của cậu. Thày giáo đã bình tĩnh nắm áo và đặt cậu xuống đất.

Chiều nay, cậu theo dõi cha cậu đan một cái lồng bằng tre nhỏ xách tay dùng để bắt dế. Khi làm xong cha cậu nói:

- Tú Khánh, con hãy cầm giỏ này và chúng ta sẽ xuống khu đồi phía nam. Hy vọng ở đó chúng ta sẽ bắt được những con dế tốt.

Đó là một buổi chiều nóng nực của tháng bảy, người cha và cậu con trai, giỏ cầm tay, chạy ngang qua những khoảng đồi, những khu rừng thưa, nhảy qua các rãnh nước, lục lọi từng cục đá, hòn đất, tìm kiếm, lắng nghe những tiếng kêu trong vắt, rõ ràng như giọng kêu của loài dế tốt, nhưng hình như họ chẳng bắt được con dế nào ra hồn, toàn những loại chỉ đẹp mã. Tú Khánh dù thế, vẫn cảm thấy thích thú vì có lẽ đây là lần đầu cậu giúp được cha cậu và được thân thiết với ông. Cậu thường nhìn thấy mắt cha sáng lên khi nghe thấy một giọng sắc sảo của một con dế nào đó, nhưng rồi sau đó lại có tiếng thở dài vì con dế đã vuột khỏi tay ông, chui vào một đám cỏ rậm. Khi trở về cha cậu có vẻ như tiếc rẻ một vài con vật đã vuột mất, dù sao cậu vẫn cảm thấy yêu cha hơn lên.
 
Thắc mắc của Tú Khánh - vì sao cha cậu lại thích đi kiếm dế? - được giải đáp trong buổi tối đó, khi chỉ còn hai mẹ con sau giờ ăn chiều.

- Mẹ ơi tại sao cha lại thích bắt dế như thế?

- Không con ạ, cha con chẳng thích những con dế đâu, chẳng qua ông phải thích đấy thôi.

- Tại sao mẹ, ai bắt?

- Quan tổng đốc! Cha con là hương cả trong làng, do đó mới đây quan tổng đốc đã hạ lệnh là phải dâng cho ngài một con dế vô địch. Nếu tốt sẽ được thưởng còn ngược lại thì hình phạt nặng nề lắm con ạ. Cha con có thể mất việc, còn gia đình ta thì con biết, đâu có dư dả gì?

Tú Khánh chợt hiểu và chẳng dám hỏi thêm nữa.

Vào thời đó tại triều đình thường tổ chức các cuộc đá dế giữa các bà phu nhân trong triều, cuộc tranh đua kéo dài từ đầu thu để kết thúc vào giữa xuân. Có lẽ đó là truyền thống cổ xưa của triều đình vì truyền thuyết cho rằng vị hoàng đế đầu tiên, đã mải mê đá dế đến nỗi quân của đại đế Hốt Tất Liệt vào kinh thành mà ngài vẫn không rời cuộc tranh tài quyết liệt của hai chú dế đá. Các chú dế được đem vào triều thường do các viên chức địa phương bỏ tiền thuê nông dân đi bắt ngoài đồng.

Trước khi vào triều, các con dế này đã phải trải qua hàng trăm trận đấu với các con dế khác trong vùng. Tại tổng Hàn Xuyên, nơi ông Chung, cha Tú Khánh làm việc thường nổi tiếng về loại dế vô địch, do đó mà tội vạ đã xảy đến. Là một vị hương cả liêm chính, ông chẳng thể nào có đủ tiền để trả công thuê mướn người bắt dế, nên ông phải đích thân tìm kiếm.

Tú Khánh cảm thấy mối ái ngại của cha, ông hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác, ra chiều suy nghĩ. Cuối cùng, ông đã nói với cậu, giọng cầu khẩn:

- Tú Khánh, con phải bắt được một con dế vô địch cho cha, nếu có chúng, ta sẽ có nhiều tiền.

- Sao thế cha?

- Con biết không, cuộc tranh tài chung kết sẽ xảy ra vào mùa xuân này. Kẻ nào thắng cuộc sẽ được hưởng một giải lớn của vua.

- Nhưng vua có thích dế không cha?

Ông Chung nói với vẻ hằn học:

- Dĩ nhiên ông ta thích lắm chứ.

- Như thế chúng ta sẽ giật giải cha ạ, nhưng chúng ta có được diện kiến vua không?

- Không con ạ, chúng ta phải gởi qua quan tổng trấn, rồi qua ngài ngự sử rồi mới đến vua.

- Cha ạ, chúng ta phải thắng, chúng ta phải giật giải.

Tú Khánh giờ đây cảm thấy có trách nhiệm phải bắt một con dế vô địch cho cha và ngay cả cho mẹ cậu nữa bởi cậu vẫn thường nghe bà than về cảnh nghèo khó của gia đình.

Sau ba ngày họ không tìm kiếm được một con dế nào tốt. Nhưng qua ngày thứ tư khi vượt qua khu đồi họ đã gặp một khu mồ mả cổ. Tú Khánh nhận thấy nơi đây có thể có loại dế tốt vì cát đỏ vàng, màu sắc mà loài dế rất thích.
 

Tú Khánh rất cẩn thận, cậu lật một cục đá lớn. Ở dưới có một hang nhỏ. Có một con vật xinh xắn nhảy ra vóc dáng thật hùng hổ. Tú Khánh báo động ngay và hai cha con bắt đầu cuộc vây bắt. Con vật khôn ngoan lại chui ngay vào một hang nhỏ khác, cậu cong người móc tay cố tìm cách kéo con vật ra, nhưng bàn tay cậu chẳng thể nào chui lọt. Hì hục một hồi lâu, Tú Khánh đã để cha cậu ngồi gác trong khi cậu xuống suối gần đó lấy nước để đổ vào hang. Vài phút sau đó chú dế đã nhảy gọn vào trong lồng. Trông chú thật to và đẹp, đó là một loại dế "cổ đen" với hàm rộng, thân hình dắn chắc, cặp đùi khỏe mạnh, cả thân hình phủ một màu đỏ nâu như sơn mài. Tú Khánh và cha cậu vô cùng hãnh diện về công lao của họ.

Trở về lòng sung sướng tràn đầy, người cha cẩn thận để con vật trong một hũ tròn ngay trong phòng của ông, muốn chắc chắn ông còn chặn trên miệng một tấm chắn, ông dặn vợ phải trông coi kỹ lưỡng đề phòng mèo hàng xóm cũng như không cho ai chạm vào.

Tú Khánh thì cảm thấy thích thú vô cùng, lúc đầu còn sợ cha, cậu chỉ đứng ngoài cửa nhìn vào và nghe tiếng gáy ròn rã của chú dế. Bỗng nhiên con dế ngừng gáy, chẳng động tĩnh gì nữa. Chờ một hồi lâu, Tú Khánh nóng ruột đẩy cửa vào, ghé mắt qua những lỗ hổng của tấm chắn, cậu chỉ thấy trong hũ tối đen, chẳng thấy chú dế đâu. Cậu vội kéo tấm chắn ra, đồng thời lúc đó một tiếng động nhỏ, con dế đã nhảy thoát ra ngoài. Tú Khánh hoảng hồn đóng cửa sổ, cậu phải vất vả lắm mới bắt được con dế dưới gầm tủ, nhưng không may mắn con dế bị gãy mất cẳng bên trái.

Tú Khánh sợ hãi điếng người, thế là hết giải vô địch quốc gia. Miệng cậu khô lại, nhưng cậu chẳng thể nào khóc được.

- Chết rồi con ơi, cha con mà về bây giờ thì chết.

Đó là tiếng mẹ cậu than thở. Mặt cậu trắng bệch, bỗng nhiên cậu ù té chạy ra khỏi nhà.

Một thời gian lâu sau đó, khi cha mẹ cậu đã ăn xong bữa chiều và ngồi chờ Tú Khánh. Họ hy vọng cậu trốn nơi nào đó, chắc đói bụng thế nào cậu cũng về. Mười giờ tối, hai ông bà không thể nào chờ đợi thêm nữa, họ bắt đầu tìm kiếm cậu. Vào giữa đêm họ đã nhìn thấy cậu dưới đáy một giếng khô. Nhờ hàng xóm giúp đỡ họ đã mang Tú Khánh ra khỏi giếng, cậu hoàn toàn bất động, chẳng còn sức sống, trán cậu chảy máu nhiều vì vết sứt vào thành giếng, nhưng may mắn, ngoài ra chẳng còn vết thương nào khác. Họ sưởi ấm và băng bó vết thương, lúc này tim cậu đập rất yếu ớt. Tình trạng của cậu thật trầm trọng. Thày lang y được gọi đến nhưng ông có vẻ thất vọng.

Sáng hôm sau Tú Khánh có thể ăn được ít cháo, nhưng cậu thay đổi hoàn toàn, sức sống của cậu không còn, cậu như sống trong một thế giới xa lạ, cậu chẳng còn nhận ra cha mẹ, ngay cả người chị về thăm cậu cũng chẳng nhận ra. Người lang y cho rằng bịnh cậu rất khó chữa, trong giấc mơ cậu vẫn la: - "Tôi đã giết nó, tôi đã giết nó - một con dế cổ đen..."

Dù sao Tú Khánh vẫn còn sống, ông Chung nhớ ra chỉ còn hạn bốn ngày nữa để bắt một con dế khác nộp cho quan Tổng Đốc. Ông trở lại khu mồ mả cổ và bắt thêm được nhiều dế khác nhưng hình như chưa có con nào nổi bật. Khi trở về nhà, trong lúc âu sầu ông bỗng nghe một tiếng kêu sang sảng của một con dế trong bếp. Ông vội vã chạy vào định bắt, nhưng con dế đã nhảy ngay vào tay ông như muốn được bắt. Sự kiện xảy ra thật lạ lùng, tuy nhiên nhìn con dế đen nháy trong tay ông thất vọng vô cùng vì nó nhỏ bé quá, mặc dù cổ nó dài, hai cẳng tốt có dáng dấp của một con dế vô địch. Ông ngần ngừ chưa dám đem trình quan Tổng Đốc.

Một người bạn ông cũng bắt được một con dế quí. Con dế này đã hạ hầu hết con dế khác trong làng nhưng chưa ai hỏi mua, người bạn đó hy vọng đem lại, ông Chung thế nào cũng bỏ tiền ra mua. Đây là dịp tốt ông Chung đem con dế nhỏ ra so tài vì nếu con dế bé nhỏ có bị hạ ông cũng chẳng ân hận gì. Thế là hai chú dế được đặt đối diện nhau, con dế nhỏ trông hoàn toàn yếu thế. Con dế lớn bắt đầu nhe răng tiến tới nhưng con bé vẫn hoàn toàn yên lặng. Người bạn dùng đầu que tăm có lông cứng khiêu khích con bé, thế là hai con bám sát nhau. Một giây sau, cả hai người chứng kiến đều nhận thấy bỗng nhiên con dế nhỏ gáy rút lên, giơ hai hàm nhọn hoắt với dáng điệu vô cùng mạnh mẽ nhảy chồm lên con dế lớn, ngoạm vào cổ đối thủ. Người bạn vội vàng nâng hộp lên lắc mạnh để hy vọng cứu con vật của mình, con dế thắng trận đầu tiên một cách vẻ vang.

Trong khi ông Chung hoan hỉ với con dế quí, ông không chú ý đến con gà từ đâu chạy đến, thấy chú dế con đen nháy ngon lành liền nhảy tới mổ nhưng con dế nhanh nhẹn nhảy đi, gà chồm theo và chú dế bé con đã bị gà nuốt trọn, tưởng đâu thế là hết, con gà bỗng ngắc cổ, chú dể nhỏ nhảy ra khỏi cổ con gà và bám cắn mào con gà - những người chứng kiến đều sững sờ, không phản ứng gì được.

Bây giờ thì ông Chung đã hoàn toàn tin ở chú dế nhỏ, ông quyết định đưa lên trình quan Tổng Đốc. Ông đã kể lai lịch và thành tích con dế nhưng quan Tổng Đốc chẳng tin chút nào. Sau đó trong mọi trận đấu, con dế hoàn toàn thắng lợi bởi thế quan Tổng Đốc tin tưởng vô cùng, ông sai thợ làm hộp vàng đựng dế, rồi gởi vào cung dâng vua.

Ông Chung cũng tin rằng rồi ra con dế bé nhỏ này cũng có thể chữa lành bệnh cho con ông, cậu Tú Khánh hình như vẫn trong tình trạng hôn mê. Mẹ cậu phải cho đồ ăn vào miệng bằng muỗng nhỏ. Bà nhiều lần nhận thấy bắp thịt tứ chi cậu giựt rất mạnh mẽ và đổ mồ hôi nhiều, bởi bệnh trạng đó người lang y càng quyết đoán rằng cậu bị ám ảnh bởi mối thù hận nào đó, hiện tại thì cậu đang sống trong ký ức. Ba ngày sau bịnh tình cậu lại bộc phát, rồi dần dần cậu tỉnh táo hơn. Mẹ cậu vẫn nhớ rõ đó là ngày đầu tháng chạp, cậu đã tươi cười nói với mẹ rằng:

- Con đã thắng mẹ ơi.

- Con nói sao?

- Con đã thắng.

- Thắng cái gì chứ?

Cậu lại hôn mê, lần này kéo dài đến nửa tháng. Vào một buổi sáng, cậu tỉnh dậy và gọi mẹ:

- Mẹ ơi con đói quá.

- Sao con yêu, con đã khỏi rồi sao?

Người mẹ vừa nói vừa lau vội dòng nước mắt sung sướng.

- Con đã ngủ một giấc dài.

- Con đã ngủ những bao lâu hả mẹ?

- Ba tuần con ạ, con làm cha mẹ lo lắng quá.

- Thế mà con chẳng biết gì cả - cha ơi con đã lỡ làm hư con dế đá của cha, cha có tha lỗi cho con không?

- Đừng buồn nữa con ạ, trong khi con đau cha đã bắt một con khác tốt hơn, giờ đây chắc nó đang đoạt thêm thành tích, hy vọng nó sẽ thắng và gia đình ta chắc sẽ giàu có hơn.

Gia đình lại trở về khung cảnh hạnh phúc. Tú Khánh có thể ăn được nhưng bắp thị của cậu vẫn còn đau đớn.

- Điều đó thật lạ mẹ ạ, con cảm thấy hình như con đã chạy hàng trăm cây số.

Ngày sau, Tú Khánh có thể dậy và đi lại được. Sau bữa ăn chiều, cả gia đình quây quần bên đèn, cắn hạt dẻ. Bỗng nhiên, Tú Khánh như khám phá được điều gì.

- Con đã ăn hạt dẻ này ở đâu rồi!

- Ở đâu con?

- Ở triều đình, đúng rồi.

- Con có mơ không?

- Không mẹ ạ, con đã đến đó, trong chiếc lồng vàng, con nhận thấy các bà, các cô ăn mặc đủ màu sắc xanh đỏ.

- Con đã mơ lúc con đau sao?

- Không, điều đó đúng, mẹ tin con đi, con đã đến đó.

- Con nhìn thấy gì nữa?

- Nơi đó con thấy đàn ông mặc áo thụng với mão trên đầu, trong số đó có một người mà con tin là vua, mọi người đều chăm chú nhìn con, chợt nghĩ đến mong ước của cha mẹ nên con đã quyết thắng. Khi lồng vừa mở ra, con nhìn thấy một con dế to lớn với đôi cẳng dài, con sợ hãi hết sức, mãi tới khi nhập cuộc, cuối cùng con thắng. Đêm nào cũng thế, con tranh đấu với ý nghĩ quyết thắng. Đêm cuối cùng con phải đối đầu với một con đầu đỏ, trông thật dễ sợ, nhưng con an tâm, con bình tĩnh tiến về phía hắn, khi hắn nhe hàm ra, con đã chồm lên, chưa lúc nào con lại nhanh nhẹn đến thế, con xé rách cánh trái và cắn gãy chân phải của hắn. Hắn trở nên điên cuồng, hùng hổ tiến về phía con. Con nghĩ đến việc phải làm khi hắn tiến đến, cuối cùng cặp mắt hắn đầy máu, không còn nhìn được nữa thì con đã cắn ngay cổ và kết liễu đời hắn.

Tú Khánh kể chuyện như đang xảy ra trước mặt. Cha mẹ cậu vẫn tin rằng cậu đang kể lại điều đã mơ thấy.

- Như thế con đã đoạt giải sao?

- Con tin thế.

Tại triều đình người ta đã bàn tán với nhau về con dế vô địch, chưa bao giờ họ thấy một chuyện lạ như thế, họ không ngờ một con vật nhỏ lại có sức mạnh phi thường, nó đã thắng bất cứ con vật nào dù lớn gấp hai nó. Hầu hết đầu bị quật ngã bởi ngón đòn sở trường là nhảy lên lưng và cắn đầu. Nhưng đêm cuối cùng khi dế mèn được tuyên bố là vô địch thì sáng hôm sau người ta không còn thấy nó trong lồng vàng nữa.

Tin vui đã được báo cho gia đình Tú Khánh biết, người cha khóc vì quá vui mừng, vị hương cả khoác vội bộ cánh đẹp nhất và mang theo Tú Khánh lên diện kiến quan Tổng trấn. Gia đình Tú Khánh từ đó trở nên sung túc - Tú Khánh có thể đi học trường tỉnh, mặc dù cậu vẫn thích thú với câu chuyện đá dế nhưng cậu chẳng bao giờ dám bắt dế và không dám xem hai con dế đá nhau nữa.
 

Ít lâu sau đó cậu trở nên một học trò giỏi nhất tỉnh, hàng ngày cậu vẫn giúp đỡ cha mẹ vì lúc này ông bà tuổi đã già. Ông Chung thường đem chuyện con dế vô địch ra kể cho trẻ em mãi mà không biết chán. Cuối câu chuyện ông thường kết luận rằng: "Các cháu có nhiều cách để chứng tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ nhưng nếu tâm hồn ta tốt và không có hoàn cảnh thì trời đất sẽ giúp đỡ ta chứng tỏ lòng hiếu thảo đó".


TRƯỜNG KỲ dịch      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 77, ra ngày 18-2-1973)



Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

KHÚC NHẠC THANH BÌNH - Xuân Vũ

 Ngày xưa, bên Trung Quốc có một vị vua tên là Minh Lữ, tính rất hay nóng giận. Thường ngày, chỉ một lời nói trái ý, hoặc một cử chỉ chậm chạp vụng về cũng đủ làm cho nhà vua sếch ngược lông mày, quát mắng ầm ĩ. Mỗi lần máu nóng của vua bốc lên, triều thần đều run sợ, ngơ ngác, và gây ra nhiều hậu quả tai hại. Thường thì sự giận dữ của vua đều trút lên đầu quan tể tướng. Quan tể tướng lại trút lên đầu các quan thượng thư... Các quan thượng thư đem sự bực bội trút lên đầu thuộc hạ... Các thuộc hạ đem tức bực về nhà trút lên đầu vợ... để rồi các bà này lại đổ lên đầu các gia nhân... Rốt cuộc, bọn gia nhân chẳng còn ai dưới quyền để mà chửi mắng, thì quay ra đánh chó đập mèo...

Ấy đấy, chỉ vì sự nóng giận của một mình vua Minh Lữ mà biết bao người phải than khóc, kèm theo những thiệt hại bất ngờ: nào bút nghiên tung tóe nơi nha môn ; bát đĩa bị đập vỡ trong gia đình ; cơm gạo cháy khê dưới nhà bếp ; và chó mèo cắn lộn lẫn nhau!

Vua Minh Lữ biết được sự tai hại do cơn nóng giận của mình gây ra nên ông đến gặp một vị đạo sĩ hỏi cách làm thế nào cho mình nguôi được cơn nóng. Vị đạo sĩ ở ẩn trong một túp nhà tranh, phía ngoại ô kinh thành. Từ hoàng cung tới đó, ngồi trên kiệu, nhà vua có dịp quan sát quang cảnh hai bên vệ đường, thấy dân gian đói khổ, nhà cửa tồi tàn, hành khất lang thang cả lũ, trẻ con thì ăn mặc rách rưới và ít có đứa nào khỏe mạnh hồng hào. Vua thầm nghĩ: chốn ngoại ô này không ngờ nghèo nàn đến thế! Vậy mà lão đạo sĩ lại có thể yên vui ở đây được, kể cũng lạ thực.
 
Tới nơi, gặp vị đạo sĩ, vua liền đem ý ấy ra hỏi:
 
- Hiền khanh ở đây, quang cảnh không có gì vui, thế mà sao lại có thể ung dung thư thái được?
 
Đạo sĩ đáp:
 
- Tâu bệ hạ, thần sống thanh đạm đã quen, lòng luôn luôn hướng về điều thiện, nên tâm hồn lúc nào cũng yên vui. Hơn nữa thần lại may mắn có được con vật quí...
 
- Nó là con gì thế, khanh?
 
- Tâu, một con chim họa mi... khi nó hót thần quên hết mọi sự chung quanh và thấy hiện ra trong trí óc một cảnh xuân tươi đẹp, có cỏ cây, hoa lá, có núi đồi, có suối trong, cảnh trí thanh quang còn đẹp hơn cả vườn ngự uyển trong hoàng cung nữa...

Vua Minh Lữ vội nói:

- Ồ, trẫm ước ao được con chim quí ấy. Hiền khanh có thể nhường nó cho trẫm, giúp trẫm lấy lại được sự yên vui làm nguôi cơn nóng nảy không?

- Muôn tâu, thần vui lòng kính dâng bệ hạ.

- Nhưng còn hiền khanh thiếu con chim đó, hiền khanh có gì để vui?

- Xin bệ hạ yên lòng, thần đã quen với giọng hót của nó rồi, nên dù không nghe được tiếng hót của nó bằng tai, thần vẫn còn nghe được bằng trí nhớ!

Vua Minh Lữ vui mừng đem con họa mi về nuôi trong một căn phòng đẹp nhất hoàng cung. Mỗi buổi sáng trở dậy, khi thấy lòng bực bội không vui, hoặc khi sắp nổi cơn thịnh nộ, Vua liền vào phòng ngồi nghe chim hót. Tiếng chim thánh thót êm đềm khiến Vua thấy vui trở lại, tâm hồn nhẹ nhõm.

Từ đó trong hoàng thành không còn tiếng khóc than, đổ vỡ nữa. Mọi người đều được sống yên vui trong cảnh thuận hòa.

*

Vua Minh Lữ sau khi đã lấy lại được sự bình yên trong tâm hồn, cảm thấy sung sướng, và không muốn cho mọi người xung quanh phải chịu khổ. Vua liền hạ lệnh sửa sang lại đường sá, xây cất nhà cửa cho phong quang đẹp đẽ để dân chúng ở. Vua chăm lo cho dân có nghề nghiệp sinh sống, dựng dưỡng đường cho người bệnh tật, viện cô nhi cho trẻ mồ côi. Bấy giờ điều có thể làm cho Vua nổi giận lại chính là khi ngài gặp thấy ai buồn phiền nóng giận. Ngài muốn ai cũng được vui, nên sau khi bàn hỏi đạo sĩ, Vua đã ban bố một chiếu chỉ như sau:

"Tất cả mọi người trong vương quốc của Trẫm đều phải có một con chim họa mi biết hót, và phải nuôi nấng chăm sóc nó cho chu đáo".

Lệnh đó ban ra, các thợ săn đua nhau sục sạo vào các lùm cây bụi cỏ đặt bẫy. Họ chỉ bắt được chừng vài trăm con.

Số chim họa mi biết hót rất hiếm, không đủ cung cấp cho hàng ngàn gia đình.

Thấy vậy, vua Minh Lữ họp đình thần lại bàn hỏi, và ra thêm một sắc lệnh mới:

- "Ai trong dân chúng sáng chế ra được thứ nhạc cụ có thể tấu lên được những bản nhạc giúp cho tâm hồn thư thái sẽ được trọng thưởng!"

Hàng ngàn nhạc công, thi sĩ, cố gắng tìm tòi tập luyện, và lần lượt ứng thí trước một hội đồng do chính vua Minh Lữ làm chánh chủ khảo. Đủ các thứ nhạc cụ kỳ lạ được đem ra trình diễn. Hội đồng giám khảo nhắm mắt lắng nghe nhưng chưa có nhạc cụ nào làm họ thấy được màu xanh tươi mát của cỏ cây, giòng nước trong veo của suối chảy, màu sắc lộng lẫy của những cánh hoa. Họ cũng không cảm thấy tâm hồn thư thái, mà trái lại họ còn phải cố gắng nén những bứt rứt khó chịu...

*

Vào thời ấy có một mục đồng tên là Tiểu Quang. Hàng ngày Tiểu Quang lùa dê của chủ ra chăn ngoài bãi cỏ ở ven sông.

Vừa theo rõi đàn dê gặm cỏ, Tiểu Quang vừa ngồi nghe tiếng nước chảy róc rách dưới sông, tiếng gió rì rào len lỏi qua hàng lau sậy mọc ven bờ.

Và để tăng thêm thú vui khi ngồi rảnh, Tiểu Quang lấy một gióng trúc chế thành ống sáo, bắt chước tiếng nước chảy, rồi hòa hợp cả tiếng gió thành một bản nhạc thật du dương. Tuy vậy Tiểu Quang vẫn chưa vừa ý, mỗi ngày càng cố công luyện tập và chế biến thứ nhạc khí thô sơ của mình thêm hoàn hảo. Cuối cùng chàng ghép được tất cả 11 gióng trúc dài ngắn khác nhau và khi thổi lên phát ra được nhiều âm giai trầm bổng.


Một hôm, nhân dịp chủ sai lên kinh thành có việc, Tiểu Quang thấy tờ niêm yết của nhà vua, thầm nghĩ:

- Ta hãy thử vào xem sao?

Dĩ nhiên, Tiểu Quang có mang theo ống trúc trong đẫy hành lý. Chàng được dẫn vào trình trước hội đồng. Ban giám khảo lúc ấy đã có vẻ mệt mỏi, chán nản vì phải nghe mãi những điệu nhạc chối tai. Khi thấy Tiểu Quang bước vào, toàn ban đều thở dài, mở nửa mắt ra nhìn, rồi lại chống tay ngủ gục.

Nhưng khi nghe như có tiếng nước trong chảy róc rách, hòa lẫn với tiếng gió xao động lá cây, cùng tiếng rì rào của muôn ngàn bông lúa chín vàng, thì cả ban giám khảo đều nín thở lắng nghe.

Nghe rồi, vua Minh Lữ vui mừng bảo Tiểu Quang:

- Nhà ngươi xứng đáng được thưởng. Điệu nhạc của ngươi làm Trẫm nảy sinh nhiều tư tưởng tốt đẹp, không khác gì giọng hót của chim họa mi.

Với mười một gióng trúc ghép với nhau, thứ nhạc khí của Tiểu Quang thật dễ kiếm dễ làm, và chẳng bao lâu được phổ biến khắp dân gian. Giọng trúc trầm bổng véo von đem lại sự thảnh thơi vui thỏa trong khắp triều đại của vua Minh Lữ.

Nhưng đến nay, từ khi vua Minh Lữ qua đời, trải qua hàng bao thế kỷ, thứ nhạc trúc của Tiểu Quang cũng mai một với thời gian, chỉ còn lưu lại câu truyện cổ tích này.


XUÂN VŨ       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 2, ra ngày 25-2-1963)


Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

MÙA XUÂN TIỀN TUYẾN - Trần Miên Trường

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tôi nhớ mùa xuân tiền tuyến
Khi ngồi nghe súng dư âm
Mùa xuân của rừng của suối
Của người gác núi âm thầm.

Hoa mai khuôn vàng nét thắm
Mấy hàng cỏ dại xanh um
Loài chim trùng khơi nước mặn
Về đây mừng tuổi cho rừng.

Bướm say tình hoa mới nở
Chập chờn tóc liễu xanh mơ
Mây se nắng vàng rực rỡ
Thùy dương sẵn tiếng mấy bờ.

Tôi nhớ mùa xuân tiền tuyến
Mùa xuân của lá của hoa
Mùa xuân trĩu đầy tâm sự
Của người gác núi xa nhà

Tôi nhớ mùa xuân tiền tuyến
Khi nhìn ánh lửa miền xa
Mùa xuân của người gác núi
Thức đêm gìn giữ sơn hà

Tôi nhớ mùa xuân tiền tuyến
Khi nhìn phương cũ xa xăm
Mùa xuân của tình luyến mến
Dạt dào đỉnh ngọc hương trầm

Tôi yêu mùa xuân tiền tuyến
Nên thương đất mẹ não nùng
Và mùa xuân này bất diệt
Của tôi và của núi rừng.

                      TRẦN MIÊN TRƯỜNG

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)



Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

ÔM TRỌN MÙA XUÂN - Trần thị Phương Lan

 

Có ai yêu mùa gì, thì chắc là vì họ có kỷ niệm đối với mùa đó; hoặc là vì mùa đó đẹp (mùa thu), hay vui (mùa xuân, mùa hạ). Có mùa không đẹp cũng chẳng vui mà vẫn có người thích (mùa đông). Nhân tâm tùy thích mà. Riêng cá nhân tôi, tôi yêu mùa xuân, vì tất cả những lý do kể trên.

Gia đình tôi thuộc loại trung bình nghèo, nhưng ngày thường chúng tôi vẫn ăn thịt thà cá mú, nên tết tới chắc cũng lại cá mú thịt thà, nên tôi chẳng thể nào nhớ nổi thuở nhỏ chúng tôi "ăn" tết là ăn những gì; nhưng những kỷ niệm liên quan đến các khía cạnh  khác của ngày tết thì tôi lại nhớ rất rõ.

Ví dụ như chuyện trang hoàng nhà cửa chẳng hạn. Ba tôi có rất nhiều bạn bè vì giao thiệp rộng (chẳng bù cho tôi) nên mỗi khi xuân về tết đến, họ trao đổi những "cánh thiệp đầu xuân" với nhau từ trước khi ông công ông táo về chầu trời rất lâu. Có được cả xấp thiệp cao nghễu nghện đủ màu sắc đủ kiểu cọ hình dáng đó, có năm ba tôi giăng dây treo chúng toòng teng khắp nhà, khách nào đi ngang cũng phải cúi xuống hoặc đưa tay nhấc chúng cao quá đầu để dễ chui qua.

Có năm ông lại đem treo những tấm thiệp đó lên cây mai cây nhà lá vườn. Điều buồn cười nhất là hồi tụi tôi còn nhỏ, tết tới xấp nhỏ tụi tôi phải CHÙI lá mai, chớ không bứt lá mai như người ta. Các bạn không nghe lộn đâu. Tụi tôi phải xách một xô nước từ dưới bếp lên phòng khách, rồi cả lũ xúm lại nhúng khăn chùi từng chiếc lá mai, vừa lau vừa rì rầm nói chuyên to nhỏ với nhau cho quên cực nhọc. Khi nào xô nước biến thành màu đen thùi thì một đứa sẽ được phân công đem đi đổ, đứa khác lại có nhiệm vụ xách xô nước khác lên và tiếp tục chùi lá cho đến khi sáng loáng. Tất cả chỉ vì lúc đó ba tôi không biết rằng người ta chỉ cần tuốt lá mai năm cũ đi, và lá mới và hoa sẽ tự động mọc ra thế chỗ.

Nhưng chẳng hiểu tại sao khi xem lại những tấm hình cũ, thì lạ thay cây mai đó cành lá rất sum xuê tươi tắn màu xanh nõn chuối, chen lẫn với rất nhiều đóa hoa mai vàng năm cánh mọc chi chít, bên cạnh những tấm thiệp xinh xắn kia, được ba tôi khéo léo treo hay gài vào.

Nhưng chỉ vài năm sau, có ai đó nói cho ba tôi biết rằng chẳng ai lại đi chùi lá mai bao giờ. Từ đó chúng tôi thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc! Tuy vậy,  thằng cháu tôi bây giờ tết tới có sai nó dọn dẹp gì thì nó chỉ việc lấy hộp khăn giấy ướt ra mà lau lau chùi chùi, khăn dơ thì đem bỏ, trông thật nhàn nhã và gọn bâng, chớ không cực khổ như tụi tôi khi xưa. Đúng là hậu sinh khả úy!

Có năm ngày tư ngày tết mà chúng tôi bị ba bắt ngồi học bài. Bị phạt! Nhưng tôi không còn nhớ là do lỗi đứa nào nên cả lũ bị vạ lây. Chỉ nhớ mặt đứa nào đứa nấy cứ sưng lên một đống, nặng chình chịch, miệng ê a đọc nhưng hồn cứ để đâu đâu, nên đọc mà chẳng biết mình đọc gì. Ngày thường con nít con nôi có đứa nào thích học hành gì đâu, nữa là khi tết tết tết tết tết đến rồi, lúc xuân xuân xuân ơi xuân đã về. Thật là chẳng tâm lý gì hết!

Nói tới nói lui thì rốt cuộc "món ăn chơi" mà lũ trẻ tụi tôi ưa thích nhất vào dịp tết vẫn là đi coi xi nê. Ngày thường chúng tôi chỉ được đi coi phim ở những rạp bình dân trong khu phố, trước vì rẻ sau vì tiện lợi gần nhà.

Chỉ một lần duy nhất cả gia đình chúng tôi được đi coi phim cùng nhau, đó là vào dịp tết, tiện thể ăn mừng ngày anh Hải tôi đi bụi đời tung cánh chim tìm về tổ ấm. Chúng tôi đi taxi lên rạp Đại Nam ở đường Trần Hưng Đạo. Sau này tôi mới biết giá vé rạp này rất mắc, vì là một trong những rạp xi nê sang trọng nhất của thủ đô Sài Gòn, hay ít nhất là mắc đối với gia đình nghèo đông con như gia đình chúng tôi. Vì vậy khi ở trong rạp, tôi cũng chẳng có bắp rang mà ăn, giống như các khán giả bên Âu Mỹ. Nói thật, tôi cũng chẳng mê gì cái món bắp rang, cũng như hột dưa mà người ta hay cắn cho có lệ khi tới chơi nhà ai vào dịp tết, nên tôi cũng chẳng lấy thế làm phiền.

Một bằng chứng khác cho thấy lúc đó chúng tôi là một gia đình nghèo, đó là lúc ra về chúng tôi phải lết bộ về nhà, sau khi đã trả sạch tiền cho cuốc xe taxi lúc đi, lẫn tiền mua vé xem phim. Nhưng đó lại là điều làm nên kỷ niệm tôi không thể nào quên, mỗi khi nhớ tới không khí mùa xuân năm đó, và nhớ tới anh Hải. Nhiều lần tôi còn cố hồi sinh/sống lại dĩ vãng bằng cách đi bộ suốt quãng đường từ nhà tới rạp Đại Nam, và trong buổi tối dần về khuya đó, tôi cứ đứng trước cửa rạp, giờ đã biến thành một khách sạn, và khóc một mình, khóc mãi không thôi, cho những dấu chân chúng tôi từng in trên chính vỉa hè này mùa xuân năm ấy, nay chỉ còn là những vết bụi mờ...

 

Trần Thị Phương Lan

(Bút nhóm Hoa Nắng)

 Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

BÔNG HỒNG TẶNG MẸ - Đỗ Phương Khanh

 

 Mẹ thân yêu của con

Tết năm nay, con đã 15 tuổi. Con đã lớn phải không mẹ, hôm nọ mẹ chẳng đã cốp vào đầu con mà mắng: "Gớm, gần 15 tuổi đầu lớn rồi đấy chứ còn bé bỏng gì mà còn nhõng nhẽo hoài". Mẹ ơi! Thế tại sao bữa hổm mẹ lại la anh Hãn là: "Con không biết chiều vợ. Nó nhõng nhẽo vậy là vì nó còn ngây thơ quá". Ý, mẹ bất công rồi. Mẹ thương con dâu hơn con gái. Tại chị Hãn sẽ thờ cúng bố mẹ sau này. Nữ nhân ngoại tộc, bà nội vẫn nói thế. Mẹ coi chị Hãn hơn con rồi. Phải không mẹ.

Mẹ ơi! Mẹ chẳng coi con nào hơn con nào đâu. Con biết. Nhưng mẹ cưng chị Hãn hơn vì mẹ tội nghiệp chị ấy phải rời bỏ gia đình thân yêu của chị mà sống chung với một gia đình xa lạ, phải không mẹ. Cho nên con không làm mẹ buồn vì thấy con ghen tị với chị Hãn đâu. Con giúp chị ấy bữa hôm anh Hãn đi công tác đó, con thấy chị ấy không ra ăn cơm, con vào buồng hỏi thăm chị, rồi con đi mua bánh giò cho chị. Mẹ cưng con không nào.

Mẹ ơi! Từ hôm đầu tháng đến nay, sao con cứ thấy mẹ có vẻ lo buồn. Hình như mẹ lúc nào cũng có vẻ phải tính toán. Mẹ ơi! Con để ý thấy bố mẹ thức khuya hơn. Bố mẹ đừng giận con nhé. Con không vâng lời mà đi ngủ sớm, bố mẹ đừng buồn cơ. Con không ngủ được. Mẹ ơi! Con thấy bố mẹ thức khuya. Con mới rón rén ra cửa con dòm bố mẹ. Con thấy bố mẹ đang cúi xuống bàn mà làm việc. Con đứng mãi vẫn thấy bố mẹ cúi xuống bàn. Bố mẹ ơi! Tối hôm qua mẹ coi báo, con thấy mẹ dụi mắt hoài. Coi chừng mắt mẹ mờ đi đấy.

Trưa nay mẹ về ôm một bọc thật lớn. Mẹ gọi tất cả tụi con vào chia cho mỗi đứa một món. Anh Hãn hỏi mẹ: "A! Có món bổng lộc nào mà mẹ xài sang thế". Bố cười: "Cái thằng! Bổng lộc ở đâu ra. Bố mẹ thức khuya làm phụ trội đấy con ạ". Anh Hãn buồn buồn: "Con lớn mà chẳng giúp gì bố mẹ, còn nặng gánh bố mẹ thêm". Mẹ an ủi: "Ơ kìa, con mắc lính tráng mà". Mẹ ơi! Sao lúc nào mẹ cũng có được lời an ủi người khác hở mẹ. Con ôm gói vải trong tay mà lòng bùi ngùi quá mẹ. Con nghĩ tới những đêm bố mẹ thức khuya, bố mẹ nghĩ tới chúng con, bố mẹ muốn chúng con không thua kém mọi người trong những ngày tết. Con muốn ôm mẹ, muốn hôn mẹ. Nhưng con mắc cỡ quá đi. Con ôm gói vải mà chạy về buồng.

Mẹ ơi! Có mẹ là có tất cả. Mẹ như chiếc gối êm dịu mà con chui vào mỗi khi buồn tủi. Mẹ như gốc cây cổ thụ đầy bóng mát mà con ngồi thổi sáo dưới gốc. Mẹ là trung tâm của gia đình. Chúng con say mê mẹ. Đêm đêm con mong được ôm lấy chân mẹ mà ngủ.

Tết năm nay con lớn rồi. Cho nên lời chúc của con cũng lớn hơn. Con đã suy nghĩ kỹ rồi. Con sẽ biếu ba mẹ một món quà tết. Một món quà đặc biệt mà con tin chắc mẹ sẽ rất bằng lòng. Là con sẽ dành ngày mồng hai tết (mồng một phải đi chúc tết ông bà và các cô chú) để đi thăm một Cô Nhi Viện. Con sẽ dành tất cả số tiền được lì xì để mua đồ chơi cho các em đáng thương đó. Vì con đã hơn chúng. Con đã có bố mẹ. Con xin kính tặng mẹ một ngày mồng hai tết. Cầu xin Thượng đế cho con mãi mãi còn có mẹ. Con đã có đọc một câu đại ý: "Mất mẹ là mất tất cả". Mẹ ơi, con xin đổi lại: "Có mẹ là con đã có tất cả", phải không mẹ.

Con của mẹ               

ĐỖ PHƯƠNG KHANH    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)




Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

RU LÁ MÙA XUÂN - Đỗ thị Hồng Liên

 
 
người về trên lối xanh ngần ngại
ru lá mùa xuân ấm nụ hồng
tay thơm mùi nắng chiều hoang dại
lòng mang mang nhớ những cành không

ôi trên bến cũ thuyền ai đợi
những lá về xa hút giữa dòng
đôi tay ngày tháng nghe chừng mỏi
xa vời ngọn nắng cuối mùa đông

người về trên đồi hoang nắng thắp
bụi vàng theo lối cỏ chim di
những lá khô buồn như muốn khóc
một ngày một nhớ bước chân đi

người về trên lối chiều mưa bụi
đợi cánh chim bay tận suối ngàn
lá xanh lần đầu hay lần cuối
cho mùa xuân về nghe thênh thang

                                  ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN
 
 (Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)