Những
ngày đông lạnh lẽo đã qua. Gió bấc không còn thổi. Mưa phùn không còn
rơi. Mặt trời đã ló dạng sau những ngày ẩn diện. Trần gian ngập nắng ấm,
muôn sinh vật đều tươi trở lại sau những ngày đông lạnh giá.
Gió mát. Nắng ấm. Muôn hoa tươi nở khoe sắc rực rỡ. Chim hót líu lo trên cành.
Xuân đến. Xuân đã đến rồi chị nhỉ?
Chị kính mến,
Xuân
này nữa là mười một năm chị em mình xa cách nhau. Mười năm xa cách đã
qua! Thêm một năm nữa: mười một năm ly biệt! Còn biết bao xuân chia lìa
đau đớn nữa, hả chị? Có lẽ còn dài, phải không chị?
Hồi
tưởng lại ngày này mười một năm về trước, ngày em bước chân rời mảnh
đất sinh trưởng, ngày đầu của cuộc chia ly đau đớn và lâu dài!
Chị
ạ! Lời chị dặn em lúc sắp lên tàu, những tiếng nói dịu dàng sau cùng
của chị, em vẫn nhớ luôn luôn. Và giờ phút này, khi em viết lá thơ này
gởi chị, những lời căn dặn kia lại văng vẳng bên tai em, giọng chị êm
đềm nhưng đầy nước mắt:
-
Cha mẹ vì già yếu, chị vì chồng con, nên không thể ra đi được. Cả nhà
chỉ có em là trai lớn. Em phải ra đi. Ra đi để tránh nạn. Ra đi để góp
phần cứu vớt quê hương...
Chị
khóc nức nở. Nước mắt chị rơi xuống vai áo em, thấm vào da thịt em, âm
ấm. Đôi vai chị rung lên theo từng tiếng nấc nghẹn ngào, đau khổ! Một
lúc sau, chị lau nước mắt, nhìn em:
-
Em ra đi, gia đình rất đau khổ. Một thân một mình nơi đất lạ biết nương
tựa nơi ai! Nhưng em ạ, em phải can đảm. Quê hương chờ bàn tay giải
phóng của em...
Chị
lại khóc! Chị còn muốn nói, muốn nói rất nhiều, nhưng nỗi đau đớn của
cuộc ly biệt đã ngăn mất tiếng nói của chị. Em đau đớn nhìn chị, muốn
nói mà không được. Em chỉ biết khóc.
Hôm ấy là hai mươi chín tết.
Trời mưa phùn lả tả. Đường phố thưa người. Gió lạnh cắt ruột cứ từng cơn đưa đến. Buồn! Buồn ảo não!
Mưa
phùn, gió bấc càng làm cho lúc biệt ly thêm đau đớn, tái tê! Chị nhìn
em một lúc lâu, như để thu hết hình ảnh của em vào trong ký ức. Mắt chị,
đôi mắt bồ câu đen lánh, vẫn long lanh giọt lệ. Lát sau chị cho em 50$
và nói:
- Tết nhất đến rồi. Chị phát vốn cho em đấy. Chị chúc em năm mới vui, khỏe.
Em cảm động quá, tay run run cầm tiền, miệng lắp bắp:
- Em cám ơn chị. Em kính chúc cha mẹ, chị ở lại mạnh giỏi. Chúc các cháu mau lớn, ngoan ngoãn.
Mưa vẫn rơi. Gió rét vẫn thổi.
Thế
rồi, giờ chia ly tới. Khi con tàu rú lên hồi còi thê thảm, như tiếng
thét đau đớn của kẻ ra đi, chị gục đầu xuống khóc nức nở. Qua cửa tàu và
qua làn mưa phùn giá lạnh, em giơ tay vẫy vĩnh biệt chị. Chị không vẫy
lại. Chị ngước mắt lên nhìn em, miệng mấp máy. Em không nghe rõ tiếng
chị, nhưng em đoán được những lời đó:
- Hãy cố gắng lên em nhé. Chị cầu nguyện cho em luôn. Vĩnh biệt em!
Mưa
vẫn rơi rả rích. Gió lạnh vẫn từng cơn đưa đến. Mưa phùn, gió bấc càng
làm cho lòng em thêm tê tái, đau xót. Em, mắt nhòa lệ, miệng lẩm bẩm:
- Vĩnh biệt cha mẹ, vĩnh biệt chị và quê hương yêu dấu.
Em
thò đầu qua cửa tàu, nhìn chị, nhìn lại người chị hiền, duyên dáng,
nhìn lại lần cuối cùng mảnh đất thân yêu. Nhìn mãi cho tới khi những hạt
mưa phùn che khuất và con tàu đưa em càng lúc càng xa chị, xa quê hương
thân mến.
Thời gian đi... đi mãi...
Xuân đến... Xuân đi...
Hai
mươi tám tết năm ngoái, chị gởi thiếp vào báo tin cha mẹ đã từ trần.
Chị không nói rõ lý do, nhưng em đã hiểu và hiểu rất nhiều.
Chị kính mến,
Xuân về nhắc em nhớ lại dĩ vãng, nhớ lại những ngày còn ở bên cha mẹ, bên chị. Em nhớ rõ lắm.
Em
còn nhớ những đêm 30, chị em mình ngồi canh nồi bánh chưng. Ôi! Ấm cúng
làm sao chị nhỉ! Những đêm tối và rét như thế, chị hay kể chuyện ma để
nhát em lắm. Chị còn nhớ không? Có lần em khóc thét lên vì sợ và vội
vàng sà vào lòng chị, mong chị che chở. Chị thích chí cười sung sướng.
Chị còn trêu:
- Gớm, em trai chị nhát quá! Lớn lên đi lính làm sao?
Em phụng phịu, mặt chảy ra, mắt ươn ướt. Thấy thế chị vội nói chữa:
- Chị nói đùa đấy. Em trai của chị can đảm lắm chứ. Để chị xem cái bánh của bé Tuyền chín chưa, chị vớt ra cho.
Em tươi ngay nét mặt. Chị lại trêu:
- Tham ăn thế?
Em tức quá, cấu chị mấy cái. Chị xuýt xoa:
- Thôi đau chị. Chị không cho ăn bánh bây giờ.
Em
thôi cấu, nhìn chị dịu dàng vớt bánh. Lửa hồng soi rõ khuôn mặt trái
xoan xinh xắn, đỏ hây hây vì lửa. Mái tóc đen nhánh, buộc một dải băng
tím ngang đầu, trông gọn gàng, duyên dáng làm sao! Lửa cháy. Than nổ tí
tách. Bóng của chị em mình rung rinh trên vách.
Trong
khi đó, bên ngoài, gió bấc rít qua mái lá. Đem 30 tối như mực. Những
con đom đóm lập lòe như những bóng ma trơi. Đêm càng khuya càng yên
lặng. Thỉnh thoảng từ xa đưa lại tiếng chó sủa đêm. Tịch mịch.
Gio
thừa đến. Tiếng pháo nổ ran khắp nơi. Chuông giáo đường vang lên rộn
rã. Mọi người tề chỉnh trong những bộ quần áo mới, tấp nập đi dự Thánh
lễ đầu năm.
Em và chị cũng vui vẻ dắt tay nhau đi dự lễ. Em xúng xính trong bộ quần áo mới. Chân đi dôi giày mới mà chị mua cho.
Chị
duyên dáng trong chiếc áo dài cổ ngắn. Đôi má điểm chút son đỏ phơn
phớt. Mái tóc vẫn cố hữu với cái dải băng tím. Trông chị thật duyên
dáng. Nụ cười của chị mới hóm hình biết bao!
Sáng mùng một chị còn lì xì cho em nữa chứ. Chị còn nhớ lời chị chúc cho em?
- Chị chúc bé Tuyền ăn khỏe này, mau lớn này và... và... thôi bú mẹ này.
Cả nhà cười vang. Em xấu hổ quá. Mặt sị xuống:
- Em chả thèm đâu.
Mẹ bảo em:
- Con chúc chị thế này này: em kính chúc chị năm nay lấy chồng đẹp trai, học giỏi...
Em khoái quá, cười ầm ĩ. Chị đỏ mặt vì thẹn, chạy vào trong buồng, sau khi nói một câu chữa thẹn:
- Mẹ... mẹ kỳ quá.
Chị kính yêu!
Những
ngày ấy nay còn đâu nữa. Mười năm đã qua và năm nay nữa, mỗi tết, em
ngồi ôn lại chuyện cũ, thấy nhớ thương chị quá. Không biết bây giờ chị
của em còn hồn nhiên, duyên dáng như xưa?
Những đêm cuối năm, em nằm nơi gác trọ, nghĩ đến bếp bánh chưng, nhớ đến cái bánh nhỏ của em, nhớ đến những "con ma" của chị.
Cứ
mỗi mùng một tết, ngắm những đứa trẻ bên cạnh sung sướng nắm tay chị đi
mừng tuổi, em lại nhớ đến những ngày đầu năm nơi quê nhà.
Giờ
đây, em đâu còn được nắm bàn tay thon nhỏ của chị. Em đâu còn được nghe
giọng nói dịu ngọt từ cửa miệng xinh xắn của chị. Em đâu còn được chị
xoa đầu nựng nịu, được đi giày mới của chị mua cho. Tất cả đã qua. Có
bao giờ trở lại?
Chị kính yêu!
Tết
này anh chị ăn tết vui vẻ (!) chứ? Chị có nấu bánh chưng như khi em còn
ở nhà không, hả chị? Bây giờ chị chẳng dọa được em nữa đâu. Bé Tuyền
của chị lớn lắm rồi chị ạ, chẳng sợ ma bắt nữa. Vả lại em ở xa chị quá,
làm sao mà dọa được, chị nhỉ? Chị có gói để dành cho em một cái bánh nho
nhỏ, xinh xinh như mọi năm không? Chị cứ gói để dành cho em nhé. Thế
nào cũng có ngày Tuyền về ăn bánh chị gói cho Tuyền đấy. Tuyền thèm bánh
chị gói lắm cơ!
Chị kính yêu!
Đầu xuân, em kính chúc anh chị và gia đình một năm đầy đủ. Chúc các cháu ngoan ngoãn, vui chơi.
Chị nhớ cầu nguyện cho em Tuyền của chị luôn nhé!
Kính chào nhớ thương
Em của chị
Kiều-Thanh-Tuyền
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 26, ra ngày 25-2-1965)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.