Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

KHÚC NHẠC THANH BÌNH - Xuân Vũ

 Ngày xưa, bên Trung Quốc có một vị vua tên là Minh Lữ, tính rất hay nóng giận. Thường ngày, chỉ một lời nói trái ý, hoặc một cử chỉ chậm chạp vụng về cũng đủ làm cho nhà vua sếch ngược lông mày, quát mắng ầm ĩ. Mỗi lần máu nóng của vua bốc lên, triều thần đều run sợ, ngơ ngác, và gây ra nhiều hậu quả tai hại. Thường thì sự giận dữ của vua đều trút lên đầu quan tể tướng. Quan tể tướng lại trút lên đầu các quan thượng thư... Các quan thượng thư đem sự bực bội trút lên đầu thuộc hạ... Các thuộc hạ đem tức bực về nhà trút lên đầu vợ... để rồi các bà này lại đổ lên đầu các gia nhân... Rốt cuộc, bọn gia nhân chẳng còn ai dưới quyền để mà chửi mắng, thì quay ra đánh chó đập mèo...

Ấy đấy, chỉ vì sự nóng giận của một mình vua Minh Lữ mà biết bao người phải than khóc, kèm theo những thiệt hại bất ngờ: nào bút nghiên tung tóe nơi nha môn ; bát đĩa bị đập vỡ trong gia đình ; cơm gạo cháy khê dưới nhà bếp ; và chó mèo cắn lộn lẫn nhau!

Vua Minh Lữ biết được sự tai hại do cơn nóng giận của mình gây ra nên ông đến gặp một vị đạo sĩ hỏi cách làm thế nào cho mình nguôi được cơn nóng. Vị đạo sĩ ở ẩn trong một túp nhà tranh, phía ngoại ô kinh thành. Từ hoàng cung tới đó, ngồi trên kiệu, nhà vua có dịp quan sát quang cảnh hai bên vệ đường, thấy dân gian đói khổ, nhà cửa tồi tàn, hành khất lang thang cả lũ, trẻ con thì ăn mặc rách rưới và ít có đứa nào khỏe mạnh hồng hào. Vua thầm nghĩ: chốn ngoại ô này không ngờ nghèo nàn đến thế! Vậy mà lão đạo sĩ lại có thể yên vui ở đây được, kể cũng lạ thực.
 
Tới nơi, gặp vị đạo sĩ, vua liền đem ý ấy ra hỏi:
 
- Hiền khanh ở đây, quang cảnh không có gì vui, thế mà sao lại có thể ung dung thư thái được?
 
Đạo sĩ đáp:
 
- Tâu bệ hạ, thần sống thanh đạm đã quen, lòng luôn luôn hướng về điều thiện, nên tâm hồn lúc nào cũng yên vui. Hơn nữa thần lại may mắn có được con vật quí...
 
- Nó là con gì thế, khanh?
 
- Tâu, một con chim họa mi... khi nó hót thần quên hết mọi sự chung quanh và thấy hiện ra trong trí óc một cảnh xuân tươi đẹp, có cỏ cây, hoa lá, có núi đồi, có suối trong, cảnh trí thanh quang còn đẹp hơn cả vườn ngự uyển trong hoàng cung nữa...

Vua Minh Lữ vội nói:

- Ồ, trẫm ước ao được con chim quí ấy. Hiền khanh có thể nhường nó cho trẫm, giúp trẫm lấy lại được sự yên vui làm nguôi cơn nóng nảy không?

- Muôn tâu, thần vui lòng kính dâng bệ hạ.

- Nhưng còn hiền khanh thiếu con chim đó, hiền khanh có gì để vui?

- Xin bệ hạ yên lòng, thần đã quen với giọng hót của nó rồi, nên dù không nghe được tiếng hót của nó bằng tai, thần vẫn còn nghe được bằng trí nhớ!

Vua Minh Lữ vui mừng đem con họa mi về nuôi trong một căn phòng đẹp nhất hoàng cung. Mỗi buổi sáng trở dậy, khi thấy lòng bực bội không vui, hoặc khi sắp nổi cơn thịnh nộ, Vua liền vào phòng ngồi nghe chim hót. Tiếng chim thánh thót êm đềm khiến Vua thấy vui trở lại, tâm hồn nhẹ nhõm.

Từ đó trong hoàng thành không còn tiếng khóc than, đổ vỡ nữa. Mọi người đều được sống yên vui trong cảnh thuận hòa.

*

Vua Minh Lữ sau khi đã lấy lại được sự bình yên trong tâm hồn, cảm thấy sung sướng, và không muốn cho mọi người xung quanh phải chịu khổ. Vua liền hạ lệnh sửa sang lại đường sá, xây cất nhà cửa cho phong quang đẹp đẽ để dân chúng ở. Vua chăm lo cho dân có nghề nghiệp sinh sống, dựng dưỡng đường cho người bệnh tật, viện cô nhi cho trẻ mồ côi. Bấy giờ điều có thể làm cho Vua nổi giận lại chính là khi ngài gặp thấy ai buồn phiền nóng giận. Ngài muốn ai cũng được vui, nên sau khi bàn hỏi đạo sĩ, Vua đã ban bố một chiếu chỉ như sau:

"Tất cả mọi người trong vương quốc của Trẫm đều phải có một con chim họa mi biết hót, và phải nuôi nấng chăm sóc nó cho chu đáo".

Lệnh đó ban ra, các thợ săn đua nhau sục sạo vào các lùm cây bụi cỏ đặt bẫy. Họ chỉ bắt được chừng vài trăm con.

Số chim họa mi biết hót rất hiếm, không đủ cung cấp cho hàng ngàn gia đình.

Thấy vậy, vua Minh Lữ họp đình thần lại bàn hỏi, và ra thêm một sắc lệnh mới:

- "Ai trong dân chúng sáng chế ra được thứ nhạc cụ có thể tấu lên được những bản nhạc giúp cho tâm hồn thư thái sẽ được trọng thưởng!"

Hàng ngàn nhạc công, thi sĩ, cố gắng tìm tòi tập luyện, và lần lượt ứng thí trước một hội đồng do chính vua Minh Lữ làm chánh chủ khảo. Đủ các thứ nhạc cụ kỳ lạ được đem ra trình diễn. Hội đồng giám khảo nhắm mắt lắng nghe nhưng chưa có nhạc cụ nào làm họ thấy được màu xanh tươi mát của cỏ cây, giòng nước trong veo của suối chảy, màu sắc lộng lẫy của những cánh hoa. Họ cũng không cảm thấy tâm hồn thư thái, mà trái lại họ còn phải cố gắng nén những bứt rứt khó chịu...

*

Vào thời ấy có một mục đồng tên là Tiểu Quang. Hàng ngày Tiểu Quang lùa dê của chủ ra chăn ngoài bãi cỏ ở ven sông.

Vừa theo rõi đàn dê gặm cỏ, Tiểu Quang vừa ngồi nghe tiếng nước chảy róc rách dưới sông, tiếng gió rì rào len lỏi qua hàng lau sậy mọc ven bờ.

Và để tăng thêm thú vui khi ngồi rảnh, Tiểu Quang lấy một gióng trúc chế thành ống sáo, bắt chước tiếng nước chảy, rồi hòa hợp cả tiếng gió thành một bản nhạc thật du dương. Tuy vậy Tiểu Quang vẫn chưa vừa ý, mỗi ngày càng cố công luyện tập và chế biến thứ nhạc khí thô sơ của mình thêm hoàn hảo. Cuối cùng chàng ghép được tất cả 11 gióng trúc dài ngắn khác nhau và khi thổi lên phát ra được nhiều âm giai trầm bổng.


Một hôm, nhân dịp chủ sai lên kinh thành có việc, Tiểu Quang thấy tờ niêm yết của nhà vua, thầm nghĩ:

- Ta hãy thử vào xem sao?

Dĩ nhiên, Tiểu Quang có mang theo ống trúc trong đẫy hành lý. Chàng được dẫn vào trình trước hội đồng. Ban giám khảo lúc ấy đã có vẻ mệt mỏi, chán nản vì phải nghe mãi những điệu nhạc chối tai. Khi thấy Tiểu Quang bước vào, toàn ban đều thở dài, mở nửa mắt ra nhìn, rồi lại chống tay ngủ gục.

Nhưng khi nghe như có tiếng nước trong chảy róc rách, hòa lẫn với tiếng gió xao động lá cây, cùng tiếng rì rào của muôn ngàn bông lúa chín vàng, thì cả ban giám khảo đều nín thở lắng nghe.

Nghe rồi, vua Minh Lữ vui mừng bảo Tiểu Quang:

- Nhà ngươi xứng đáng được thưởng. Điệu nhạc của ngươi làm Trẫm nảy sinh nhiều tư tưởng tốt đẹp, không khác gì giọng hót của chim họa mi.

Với mười một gióng trúc ghép với nhau, thứ nhạc khí của Tiểu Quang thật dễ kiếm dễ làm, và chẳng bao lâu được phổ biến khắp dân gian. Giọng trúc trầm bổng véo von đem lại sự thảnh thơi vui thỏa trong khắp triều đại của vua Minh Lữ.

Nhưng đến nay, từ khi vua Minh Lữ qua đời, trải qua hàng bao thế kỷ, thứ nhạc trúc của Tiểu Quang cũng mai một với thời gian, chỉ còn lưu lại câu truyện cổ tích này.


XUÂN VŨ       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 2, ra ngày 25-2-1963)


Không có nhận xét nào: