Nghĩ về thời thơ ấu, trong tâm tưởng
anh chị em chúng tôi bàng bạc hình ảnh hoa lá trong căn nhà ấm cúng của
gia đình hồi đó. Nhưng chúng tôi không hoàn toàn hưởng ứng “thói” yêu
hoa của mẹ. Chúng tôi phản đối, tại sao ư, vì nếu mẹ vắng nhà mà chúng
tôi để hoa lá héo là thế nào cũng bị mẹ mắng:
– Sao các con không cho hoa uống nước, các con khát có chịu nổi không?
Gia
đình chúng tôi thuộc diện trung lưu. Bố chúng tôi dạy học chỉ đủ chi
tiêu có chừng mực. Vậy thì tiền mua hoa hẳn đã chiếm mất một phần đồ ăn
của chúng tôi mất rồi. Nghĩ thế nên hồi còn bé anh em chúng tôi có mối
ác cảm sâu sắc với hoa.
Những năm cuối thập niên 60 sang đầu thập
niên 70 chiến tranh lan tràn, đời sống của dân miền Nam rất khó khăn nên
mẹ cũng đi làm để có thêm tiền chi tiêu. Nhưng cũng chẳng vì kinh tế
khó khăn mà mẹ bớt yêu hoa.
Trước Tết năm đó, bố mẹ họp anh em
chúng tôi lại, phát cho mỗi đứa một khoản tiền ước lượng bằng với số
tiền mà những Tết trước chúng tôi được bạn bè bố mẹ “lì xì” và yêu cầu
chúng tôi không được “thì thọt” ở cửa chờ đợi các bác gọi, bố nói:
– Các con chờ đợi mà các bác nghèo không có tiền cho, các bác tủi thân. Chào khách xong là các con phải vào nhà trong ngay.
Nhân dịp này, chúng tôi đưa ra “kiến nghị”:
– Thôi hay là năm nay mình đừng mua hoa nữa mẹ, để tiền mua bánh mứt nhiều nhiều ăn cho sướng.
Mặt mẹ hơi đờ ra, bố vội nhảy vào can thiệp:
– Bậy nào, Tết mà không có hoa thì còn gì là Tết nữa. Bố thích hoa, chiều nay bố dẫn cả nhà đi chợ hoa.
Ấy thế đấy, động vào vấn đề nhậy cảm
“hoa” của mẹ là bố phải hối lộ liền. Bố hối lộ ăn cơm gà Siu Siu, chúng
tôi vỗ tay rối rít. Tiệm cơm gà Siu Siu ở ngay gần chợ An Đông, tầng
trệt của dẫy nhà lầu mà một trong những căn lầu là tổ ấm của gia đình
nhà văn Nhất Linh. Cơm gà Siu Siu thuộc loại cơm bình dân thôi, chỉ gồm
có những thố cơm hấp nhỏ nhỏ và đĩa thịt gà luộc, dặm thêm đĩa đồ chua,
cũng nhỏ nhỏ, vài đĩa đậu phọng rang ăn chơi, cũng nhỏ nhỏ. Nhưng đó là
nơi để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp của gia đình chúng tôi, vui buồn gì
cũng được xí xóa bằng… cơm gà Siu Siu.
Được một bụng no nê rồi,
chúng tôi tạm biệt đống thố với đĩa sạch nhẵn chồng chất, chạy ra chui
vào cái xe nhỏ xíu của bố, cái xe mà chúng tôi phải lèn cá hộp gần một
chục người, mở hết kính xuống vẫn còn phải thở phì phò như những con gà
Mỹ trong chuồng. Ấy vậy mà chiếc xe cà tàng cũng lết được tới đường
Nguyễn Huệ, thả chúng tôi xuống chợ hoa.
Năm nào thì chợ hoa đường Nguyễn Huệ
cũng đông nghẹt, người đi lại “ngắm nhau” nườm nượp. Có năm, chúng tôi
còn thấy có bà kia đứng bán tranh Đông Hồ. Thật ra thì không phải là
tranh Đông Hồ mà là hàng nhái thôi. Gia đình bà ta yêu tranh Đông Hồ,
muốn phổ biến phong tục tốt đẹp chơi tranh dân gian nên họ thuê in mấy
mẫu, có lẽ bản chính là gia bảo đem theo khi di cư vào Nam năm 1954.
Tuy
bố mẹ chúng tôi nói rằng mầu mực không đúng mầu tranh dân gian, nhưng
hai người cứ đứng tần ngần “bước đi không đành”, chắc là hai người nhớ
quê hương ngày Tết mất rồi.
Chúng tôi la cà khu chợ hoa mãi cho đến
khi cả đám nhóc đòi ngồi bệt xuống cỏ, bố mẹ mới “tỉnh ngộ cơn mê hoa”
mà đưa chúng tôi về nhà.
Đi chợ hoa là để ngắm hoa chứ mẹ tôi không
mua hoa tại đó, mà dù có muốn mua cũng không thể nhét vào đâu trong cái
xe chật cứng của gia đình chúng tôi. Mẹ tôi mua hoa tại chợ Bến Thành,
rẻ và thuận tiện chuyên chở.
Vào khoảng từ 23 tháng chạp Âm Lịch,
mẹ tôi thường ra chợ Bến Thành rất sớm. Mẹ ra “canh hoa đào” nhà vườn
Đalat đem về bán cho dân Saigon chơi hoa ngày Tết. Mầu hoa đào Đalat
không đẹp như bích đào ngoài miền Bắc nhưng nhiều cành có dáng thiên
nhiên rất đẹp, không thô.
Nói là “hoa đào”, nhưng nếu không phải tay
“chuyên môn” thì sẽ chỉ thấy những bó cành trơ trọi, chẳng có hoa lá gì
cả, dựa trong một góc chợ. Mẹ tôi tới sớm mở những bó lấy ra từng cành,
nhìn mầm nụ, mầm lộc, thân và chỗ cành đào bị chặt còn mới, cào vào vỏ
coi có nhựa hay đã khô quá, v v rồi lựa chừng dăm cành đem về ngâm phía
cắt xuống chậu nước ngập chừng một gang tay.
Khoảng 27 Tết, mẹ tôi nhấc mấy cành
đào lên ngắm nghía, ước lượng cỡ những chiếc nụ nhú ra, cân nhắc theo
thời tiết, rồi đem vào bếp đốt phía gốc, thời gian hoàn toàn ước lượng
phù hợp với độ ấm của cành đào mà bàn tay mẹ cảm nhận. Mẹ tôi đốt như
thế để nhựa đào chạy ngược lên phía ngọn, thúc cho hoa nở. Do kinh
nghiệm của mẹ, hoa đào nhà tôi thường nở đúng vào ngày Tết và cho tới
tận Rằm tháng Giêng, cành đào vẫn còn những mầm lộc xanh tươi mơn mởn.
Đối với tất cả các loại hoa, mẹ đều
đặc biệt ưu ái. Mẹ không để bình hoa và cây lá trong phòng tắm. Mẹ chỉ
treo tranh phong cảnh trong đó thôi. Đặc biệt với hoa lan, mẹ chỉ chưng
ngoài phòng khách và hoa quỳnh thì mẹ không trồng trước nhà vì nó nở về
đêm.
Mẹ chúng tôi thường thủ thỉ với chúng
tôi về hoa nên dần dà chúng tôi cũng thấm nhuần quan điểm của mẹ. Riết
rồi sau này chúng tôi cũng phổ biến quan điểm của mẹ tới bạn bè luôn. Mẹ
tôi bảo là hoa đem lại cho cuộc đời rất nhiều ý nghĩa. Ngay từ lúc em
bé chào đời, em đã được hưởng mùi hoa thơm mà mọi người mang tới mừng
đón em.
Rồi từ đó, hằng năm, mỗi buổi mừng Sinh Nhật của em, phòng
tiệc lại tràn ngập hoa tươi trang trí, nếu em sụt sịt ấm đầu, bạn bè
thân thuộc của cha mẹ tới thăm cũng đem hoa tới chúc em mau lành. Rồi em
lớn lên đi học, đi thi, mỗi dịp lễ lạc là lại có hoa bày biện khắp nhà.
Khi em có người yêu, hoa cũng là cầu nối, nói giùm những lời em muốn
nói mà không ra lời. Trong thời gian yêu đương, hoa đã giúp hòa giải
biết bao nhiêu là giận hờn giữa đôi bạn trẻ. Rồi khi đôi bạn trẻ quyết
định cùng nhau đi trọn đường đời, trong ngày cưới, món quà đầu của đôi
uyên ương tặng nhau, cũng là một bó hoa tươi, biểu tượng của cuộc tình
đầy yêu thương, tràn ngập hạnh phúc.
Trong suốt cuộc sống chung dài
đằng đẵng, hoa đã không biết bao nhiêu lần hàn gắn những hiểu lầm, những
vô ý, đôi khi có thể làm rung rinh tổ ấm. Hoa đã làm đẹp cuộc đời cho
tới khi đôi bạn trở thành có tuổi, thì đó lại là lúc hai mái đầu bạc
cùng nhau bưng bình hoa lên chùa cúng Phật, dâng lên Ðức Mẹ, Ðức Chúa,
Ðền Thánh, vân vân, tỏ lòng thành kính đối với các đấng thiêng liêng.
Cho
đến một ngày trong tương lai khi ra đi vĩnh viễn, thì vòng hoa thơm
ngát cũng ấm áp vây quanh người về thiên thu tới tận cuối đường.
Hoa không chỉ giúp xây đắp tình cảm
trong gia đình, hoa còn làm đẹp đời sống của mọi người trong xã hội.
Không thể kể xiết đã có biết bao nhiêu lần trong cuộc đời, bình hoa thay
mình nói lên lời cảm ơn, lời xin lỗi, lời âu yếm trong tình thân quyến,
tình bạn, tình lân bang hàng xóm…v v. Một bình hoa tươi tuy không biết
nói, nhưng thật là cảm kích xiết bao qua ý nghĩa thầm kín mà bình hoa
mang lại.
Rồi thì những ngày vui tưng bừng, ngày
Tết, lễ Phật Đản Sinh, lễ Chúa Giáng Sinh, ngày Valentine, Father’s
Day, Mother’s Day, ăn mừng tân gia, đón bạn từ xa tới, mừng đoàn tụ gia
đình v v, luôn luôn có sự hiện diện của giỏ hoa. Bất cứ cuộc hội hè,
đình đám, họp mặt lớn nhỏ nào cũng đều phải trang trí bằng hoa. Người
đời thượng cổ, hoặc tại những bộ lạc bán khai nơi rừng sâu núi thẳm,
cũng dùng hoa để trang điểm.
Mẹ tôi say sưa tâm tình về hoa, mẹ
muốn tất cả những cánh đồng trồng ma túy đều thành cánh đồng hoa bát
ngát hương thơm. Nghe mẹ nói về hoa, nhìn ánh mắt mẹ, càng ngày chúng
tôi càng gần gũi với tâm hồn nhậy cảm của mẹ, nhìn hoa cũng có cảm giác
như hoa đang cười.
Cười lên đi hỡi những bông hoa, cười
lên, cười và tỏa hương đi khắp nơi, mang đến cho tất cả mọi người hương
thơm bát ngát, cho nhân gian có được những phút giây nhẹ nhàng tươi mát
vào những ngày đầu Xuân ăm ắp hương thơm.
VY KHANH
(ĐỖ PHƯƠNG KHANH)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.