Rồi
ngày tháng nào đã vụt trôi nhanh... hơn ba năm xa cách ngôi trường đầy
yêu dấu và kỷ niệm học trò. Lòng tôi nôn nao, bồi hồi theo từng đoạn
đường, theo từng cánh đồng lúa. Chiếc xe chạy vun vút trên con đường
nhựa phẳng lì. Con đường nối liền Saigon - Định Tường, vùng đất hiền
hòa, có ngôi trường bán công đã ghi nhiều kỷ niệm thơ ấu, học trò của
mười năm yêu dấu.
Sáng nay trời thật đẹp. Ở cuối chân trời có vài phiến mây trắng đang lững lờ trôi. Những nhành lúa mới nghiêng mình theo chiều gió, rung rinh như chào đón, mừng người bạn tri kỷ đi xa trở về thăm quê hương, mái trường.
Chẳng
mấy chốc đã đến nơi. Tôi thở phào khoan khoái... bước chân sáo trên con
đường đất quanh co dẫn vào nhà. Nhà tôi ở cuối đường, thấp thoáng trong
khu vườn thật nhiều cây trái. Nhà tôi vẫn như mọi căn nhà khác, có cây
cột nhà to tròn, bóng loáng. Cái sân đất trước nhà, có giàn hoa giấy
trông thật xinh, nơi mà ngày xưa tôi chơi đùa với các bạn bé bỏng dễ
thương mỗi buổi trưa. Hàng rào dâm bụt có vài nụ hoa móng tay, mười
giờ... nơi gia đình tôi hay ngồi chơi dưới ánh trăng mỗi buổi tối, vẫn
tốt tươi như ngày nào... Tôi bước vô nhà, má đang ngồi ăn trầu ở bộ đi
văng. Tôi chạy đến ôm má, vuốt ve những sợi tóc muối tiêu bay lòa xòa
trước gió. Má mắng yêu:
-
Ơ... ơ... cái gì kỳ vậy? Ủa mới về hả con? Có khỏe mạnh không con? Để
má đi dọn cơm ăn, kẻo đói con. Tắm rửa rồi thay quần áo để ăn cơm, ba
mầy sắp về...
Bữa
cơm ấy thật giản dị, toàn là những món mộc mạc, đặc tính chất của đồng
quê. Tuy vậy, tôi ăn vẫn thấy ngon vô cùng. Có lẽ vì đói bụng, hay vì
cảnh đoàn tụ của gia đình tôi chăng? Ăn xong, đã có chuối và nước dừa để
tráng miệng. Nước dừa và chuối vùng này ngọt thật. Nó ngọt như lòng bà
mẹ quê thương con vô bờ bến. Uống nước dừa và ăn chuối vào hết cả mệt
mỏi.
*
Buổi
trưa, tôi đi lang thang trong xóm. Buổi trưa thật vắng, chỉ có tiếng lá
tre, lá dừa xào xạc. Hàng cau in bóng xuống đường trong cơn nắng. Một
thứ nắng dìu dịu, nhẹ nhàng, không gay gắt của đồng quê...
Nhà
cu Tuấn, bạn thân của tôi đây rồi! Vừa thấy tôi, Tuấn vội chạy ra ôm
chầm lấy tôi mừng rỡ. Tuấn bây giờ lớn con và hơi xanh. Vài giây trôi
qua, Tuấn lôi tôi vào nhà, nụ cười Tuấn thật tươi:
- Mày về chơi có lâu không?
Không
trả lời vội, tôi đưa mắt nhìn khắp căn nhà. Chẳng thay đổi gì cả. Vẫn
hồ cá của tôi và Tuấn ở trên tủ chén. Vẫn bình hoa mai giấy ở giữa bàn
học... Tôi mỉm cười:
- Ở đây chơi được hai tháng lận!
Rồi
hai đứa đi lang thang trên con đường làng đầy cỏ may dẫn đến trường.
Ngôi trường làng có vẻ náo nhiệt vì đang là giờ học của học trò quê.
Chung quanh trường được bao bọc bằng hàng rào dâm bụt lẫn hoa mười giờ,
hoa ngâu... Tôi và Tuấn đứng ở ngoài nhìn vào các lớp. Vẫn không có gì
đổi mới cả. Những bộ bàn ghế làm bằng tre, bằng trúc sơn xanh trông đơn
sơ nhưng rất đẹp. Tôi yêu mái trường, lớp học lắm vì ở đó đầy những kỷ
niệm yêu dấu, đầy tiếng học bài ngây thơ của trò quê.
Trường
quê nền bằng xi măng nhẵn bóng ; mỗi lúc mưa nước dâng lên tới nửa bắp
chân. Ngày xưa, tôi và Tuấn hay lấy chân đập nước cho bắn tung tóe rồi
cười. Tôi còn nhớ cô giáo Hồng có hai món "nhậu": món "bánh chưng mây"
cho đứa nào không thuộc bài, món "đội đá học bài" cho kẻ nói chuyện,
đánh nhau trong lớp. Thầy Thái của tôi hồi lớp ba với những lần học trò
không hiểu bài, thầy nói "ngu quá, ở nhà bế em, rửa bát cho xong, học
hành gì"... rồi lại phải giảng lại cho tụi học trò hiểu. Thầy Luân với
những hình phạt có vẻ "Quang Trung" như: "máy bay bà già" cho kẻ phát
ngôn bừa bãi, "bơm dầu" cho đứa nói chuyện.
Tôi
chậm rãi ra sau trường cùng với Tuấn. Mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ
riêng của mình. Cỏ ở sau sân trường xào xạc dưới chân theo cơn gió đầu
mùa. Xa xa vài cô bướm, dăm cậu chuồn chuồn đang bay lơ lửng trên các
bông cây điệp, cây phượng. Sân cỏ này tôi đã từng chơi u với các bạn tới
mỗi buổi trưa, ngồi đá cỏ gà khi buồn, đánh bóng chuyền với các bạn
nhân dịp Giáng Sinh, Tất Niên.
Tôi
không thấy mệt, nản khi đi thăm những nhà người quen, nhà các bạn thân
từ bé, từng cánh đồng đầy cây lúa vàng chín. Bản chất thành thị ở bản
thân tôi biến hết theo từng tiếng ca của các mục đồng mỗi buổi chiều,
từng tiếng gà gáy ó o... mỗi buổi sáng tinh sương, tiếng gọi nhau ơi ới,
ngây ngô của các em bé mới bắt đầu đi học.
Tôi
muốn thời gian kéo dài ra hơn để thấy tình bạn thắm thiết, thấy mái
trường ngày ngày không ngớt tiếng học bài, thấy người cha, người mẹ cần
cù đi cày, đi cấy để lo tương lai cho các con mình.
Ôi!
Mái trường tôi, quê hương tôi vẫn đẹp. Cái đẹp mộc mạc bình dị của đồng
quê. Vẫn có những hàng dừa nghiêng mình in bóng xuống dòng sông, những
hàng cau thẳng tắp đến cuối làng vẫn vẻ hiền hòa, bình thản trước cuộc
chiến kéo dài đã lâu.
Tôi,
Tuấn và mấy đứa bạn nữa: Huân, Hải lại vui đùa với nhau như ngày trước,
những kỷ niệm học trò lại được tìm về: ngồi tán gẫu ở giàn hoa giấy mỗi
trưa hè, đi bơi trong những ngày nắng gắt, lấy ná bắn chim sẻ đem nấu
cháo, hầm cà ri...
Tôi
đi thăm lại con sông ở giữa làng và tìm thấy lại những kỷ niệm thơ ấu.
Tôi còn nhớ rõ mỗi buổi trưa, tôi và các bạn đi chặt chuối kết làm bè
rồi lấy nhọ nồi bôi lên mặt, lên mình cho... đẹp và đánh nhau với tụi
trẻ xóm trên. Hai bên đánh cận chiến thật là ác liệt, dùng tre trúc quật
nhau túi bụi. Tiếng hò hét, lẫn tiếng nhạc đệm miệng vang cả khúc sông.
Nước đục ngầu vì bị khuấy lộn. Đánh nhau trên bè chưa đã, tụi tôi lại
nhào xuống sông, vừa bơi vừa đánh với bọn kia. Bao nhiêu thế võ được đem
ra áp dụng hết. Từ thế cổ điển như cắn, cấu, cào đến thế mới như bịt
mũi, miệng cho ngộp thở, dìm đầu xuống cho hết bơi, lấy tre trúc quật
mạnh vào bụng "giò". Đúng là cảnh quân ta đánh với quân Nguyên trên
sông... kết quả: tụi tôi thắng trận vẻ vang. Thương ơi là thương.
Hồi
còn học ở trường làng, tôi còn nhớ rõ thân hình "thiết quân vận" của
thầy Giám thị Tố. Ông thầy này dữ như cọp trong sở thú ở Saigon. Có lần
bản nội quy của trường được thầy Tố bắt lớp tôi chép phạt mỗi đứa... 50
lần. Kinh khủng... Bây giờ tôi không thấy ông đó đâu nữa. Có đứa nói:
thầy Tố được "Quang Trung" họ đạt giấy mời rồi. Còn hồi học lớp Nhất,
thầy Vương dạy tôi. Thầy còn có biệt hiệu "Vương lùn" vì thân hình của
thầy không được cao cho lắm. Thầy có tật hay ho trong giờ giảng bài, nên
sau tiếng ho của thầy là trong lớp có vài tiếng ho phụ họa và lúc sau
cả lớp mở chiến dịch "ho". Thấy vậy, thầy Vương nói: "Thầy cho các em ho
đúng 5 phút, sau đó ai ho thầy đánh chết". Thế là cả lớp ho. Ho đủ thứ
kiểu. Hết kiểu ho lao phổi, lao... bao tử... đến kiểu ho bị hen, bị
suyễn. Ho văng nước bọt, chảy nước mắt. Sau thời gian hạn định, thầy
Vương chỉ lắc đầu, nói: "Tôi chịu các em luôn. Đúng với câu: nhất quỷ
nhì ma, thứ ba là học trò. Các em phá lớp chọc thầy chẳng kém gì tụi học
trò tỉnh thành bao nhiêu.
Rồi
khi gió chiều thổi nhè nhẹ, vài ba chiếc lá bàng rơi lác đác xuống sân
đình. Trên cây cổ thụ, vài con chim se sẻ gọi đàn riu rít. Chúng tôi lại
đem diều ra thả và nằm nói chuyện trên thảm cỏ xanh.
Xa xa, ở gốc đa kia, mấy chú mục đồng đang đánh bi vui vẻ lắm.
Nhiều
kỷ niệm êm đềm nhất phải nói đến hồi học lớp tư. Hồi ấy, mái lớp lợp
ngói, nền bằng xi măng, bàn ghế rất đơn sơ. Ngồi trong lớp, vừa nghe
thầy giảng bài vừa nghe tiếng chim sẻ hót ríu rít ở trên mái ngói, lâu
lâu vài ngọn gió thổi mang mùi lúa chín thoang thoảng đập nhẹ vào mũi
làm lòng tôi dâng lên một niềm cảm xúc rạt rào vô biên.
Sướng
nhất là lúc trời mưa. Ngoài trời tiếng mưa vần vũ, tiếng sấm nổ đinh
tai... trong lớp, tụi học trò nhao nhao lên như một bầy chim vỡ tổ.
Chẳng còn học hành gì nữa cả.
Tiếng
nước mưa dột xuống bàn nghe tí tách, vui tai ghê. Thầy phải hét mới giữ
được trật tự. Những khi gặp mưa lớn, nước tràn vào lớp như thác lũ và
lên tận đầu gối. Bấy giờ là lúc các đấng... ra tay nghịch phá. Chúng lấy
giấy làm thuyền học trò rồi thả cho trôi đi. Đủ thứ thuyền. Giấy vở bị
trưng dụng. Tiếng xé vở nghe xoàn xoạt. Chẳng bao lâu, cả lớp đầy ắp
những thuyền. Những con thuyền bé bé, con con được trang điểm bằng mực
tím, xanh trông thật đẹp mắt. Này con thuyền "Hải tặc" với cái đầu lâu
bắt chéo qua hai ống xương do thằng Nhân chế tạo. Vài con thuyền tấp vào
bến (bến là cái chân ghế) mang... mật thư đại ý như "về học đi tắm nhá
cơ" ; "chế tạo cái thuyền khác đi, thuyền mày bị "tịch" rồi. Lúc này,
chúng nó coi thầy chẳng có gờ ram nào cả, thầy chỉ biết ngồi trên ghế,
trơ mắt mà nhìn những "kỳ công" của tụi học trò quê mà thôi. Đánh vô
ích. Nhiều con trôi dạt sang lớp khác mất dạng.
Chơi
cho đã, chúng nghĩ ra trò chơi khác. Trò chơi "dìm thuyền". Khi con
thuyền vào bậy "hải phận", thì lính học trò dùng tay, chân hay đạn bì
bắn cho chìm mất thì thôi... Vui ơi là vui.
Tôi
còn nhớ rõ, mỗi sáng thứ hai, tôi phải dậy sớm lo bài vở, tắm rửa cho
sạch sẽ... để kéo cờ. Sau tiếng hô "nghiêm" của ông Hiệu trưởng, bài
quốc ca được trổi lên, tay run run, hai đầu gối muốn khụy xuống, tôi từ
từ kéo dây cờ lên tận đỉnh mà mặt đỏ bừng. Có lẽ vừa sung sướng vừa xấu
hổ chăng?
Thế
giới học trò là thế giới của những trò chơi nghịch dại, đầy ngây thơ,
bất chấp hậu quả của nó. Ai đánh mất thế giới đó là kẻ bất hạnh - bất
hạnh vô cùng. Thế giới học trò là một viên ô mai ngọt ngọt chua chua.
Ngọt ngọt là tình bạn thắm thiết như keo sơn, không có gì làm phai mờ
được. Chua chua là lúc giận dỗi. Cái giận dỗi của học trò nó ngây thơ
làm sao ấy. Nhưng nó không thâm hiểm và ít khi lâu. Chỉ một nụ cười hòa,
một giọt mực, một tờ giấy thi... cũng đủ làm tan biến cái giận dỗi ấy
đi một cách mau chóng. Không ai hiểu và giải thích nổi.
KHỔNG QUỐC HÙNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 78, ra ngày 25-2-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.